04/06: 55.Nghiệp quả-56.Thiểu dục tri túc

04/06: 55.Nghiệp quả-56.Thiểu dục tri túc
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 6891 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 2

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 55. NGHIỆP QUẢ

1. Trong khóa Nghiên Tu An Cư 2008 vừa qua, tôi có duyên lành gặp lại sư cô Diệu Đạo mà tôi đã có dịp diện kiến trước đây trên mười năm, tại chùa Hoa Nghiêm ở tiểu bang Virginia bên Hoa Kỳ. Sau khi trở về Virginia, sư cô đã gửi cho tôi một số tài liệu, vài đặc san và một cuốn sách mang tên Vi Tiếu nghĩa là những nụ cười tế nhị (1). Sách này ghi lại những lời ngắn gọn do Thày của tác giả Viên Minh kể lại. Chuyện nhà Thiền nhiều khi khó hiểu, chưa kể la hét, véo mũi, đánh đập … Biết như vậy nên tác giả Viên Minh dựa vào những lời “khai mở” của Thày mình để ghi lại cho độc giả hiểu ý nghĩa các câu chuyện và nhấn mạnh vào lời dạy của Thày mình rằng “đừng đinh ninh vào lời góp ý của Thày mà không tự mình chiêm nghiệm”.
2. Trang 56, có bài “Cửa Trời Rộng Mở” mà nội dung như sau:
“Chư thiên cõi trời Đao…

… Lợi nhìn xuống cõi trần thấy nhiều người đau khổ, động lòng từ liền bạch với Vua Trời Đế Thích:
– Tâu Bệ Hạ, xin Ngài rủ lòng từ bi mở cửa cho người cõi trần đều được vào thiên giới như thế mọi người mới được công bằng bình đẳng.
– Không được, nghiệp dĩ thế nào thì phải chịu như thế mới gọi là công bằng.
Nhưng Chư Thiên cứ tâu mãi nên Vua Trời đành cho mở cửa.
Chẳng bao lâu, Vua Trời phải triệu tập Chư Thiên thành lập lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội và soạn thảo bộ luật hình sự”.
3. Đọc bài ngắn này với một kết luận hơi bất ngờ và đượm chút khôi hài, chúng ta nghĩ sao?
a) Thoạt tiên là nghĩ về nghiệp. Nghiệp báo, nghiệp nhân, nghiệp quả, nghiệp lực, mấy chữ này chúng ta đã học nhiều và học từ lâu rồi nên ở đây chỉ xin vắn tắt: tất cả những gì chúng ta nghĩ, nói và làm một cách có ý thức (chứ không phải vô tình) đều là những nhân; mà đã là nhân thì khi hội đủ thuận duyên thì sinh ra quả (nghiệp nhân đem đến nghiệp quả). Toàn thể những nghiệp nhân do thân khẩu ý tạo ra tích lũy lại từ mọi kiếp trước và kiếp này trong tạng thức được gọi chung là nghiệp, đợi chín mùi thì trổ quả. Đó là nhân duyên quả báo. Luật nhân quả này là một luật của trời đất, không ai đặt ra, không phải do đức Phật Thích Ca đặt ra, ngài chỉ vạch rõ cho chúng ta thấy rõ mà thôi, không ai có thể chối bỏ luật này được. (2)
b) Câu cuối “… thành lập lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội và soạn thảo bộ luật hình sự” có nghĩa là khi mở cửa cho người cõi trần vào thiên giới thì những người cõi trần còn mang mọi thứ nghiệp nặng nhẹ, khi được lên đến thiên giới thì cứ theo nghiệp cũ mà nghĩ, mà nói, mà làm, khiến thiên giới rối loạn, Vua Trời phải lo dẹp loạn bằng cách soạn luật pháp và lập công an cảnh sát! Chỗ này hàm ý rằng khi con người chết đi thì tùy theo nghiệp của mình mà tái sinh vào một trong sáu đường : địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thiên, nhân, a-tu-la. Nghiệp nào thì tái sinh vào cảnh giới tương ứng. Đang là người mà bỗng nhiên được thành chư thiên thì không đúng luật nhân quả. Vì thế Vua Trời phán: “Không được, nghiệp dĩ thế nào thì phải chịu như thế mới gọi là công bằng”. Cho nên cầu xin Vua Trời mở cửa cho người trần vào cõi thiên là sái luật nhân quả!
c) Không cưỡng lại luật nhân quả là một việc làm đúng. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, nếu chúng ta thấy người đau khổ, già yếu, tật bệnh, đói khát … thì chúng ta không nên nghĩ rằng những người đó đang gánh chịu nghiệp quả xấu do các nghiệp nhân xấu tích lũy từ các kiếp trước và kiếp này, rồi mặc người ta, không cứu giúp gì, trong lòng đinh ninh rằng họ đang chịu quả, mình không can thiệp. Thật ra, chúng ta phải giúp đỡ những người đó trong phạm vi khả năng của chúng ta bởi vì luân lý thông thường của xã hội khuyên chúng ta phải làm như vậy (thương người như thể thương thân). Nói theo luật pháp, nếu ai thấy người gặp nạn mà không cứu giúp thì có thể bị truy tố. Còn theo đạo Phật, từ là cho vui, bi là cứu khổ, Phật tử nào cũng phải thực hành tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả. Cho nên phải cho vui và cứu khổ. Xa hơn nữa, Bồ tát đạo có bố thí ba-la-mật: bố thí mà không cần biết người được bố thí là ai, món đồ bố thí giá trị đến đâu, bố thí mà không mong cầu phước báo hay đền đáp trả ơn.
d) Câu truyện kể trên đây nói về chuyện “vui” mở cửa thiên đàng cho hết mọi người trần được vào, nghĩa là chẳng phân biệt thiện ác gì cả, cho nên loạn! Cũng giống như mở cửa nhà tù thả hết tù nhân, từ người đã hối lỗi cho đến kẻ còn hung ác sẵn sàng phạm tội trở lại.
Tác giả Viên Minh viết: “ Đem người ác vào thiên đàng, đó là tình thương dung tục của kẻ ngu, vì hậu quả tất nhiên là thiên đàng … dậy sóng” và : “ Từ bi không phải là ra tay cứu vớt người ác vào thiên đàng. Đó là bi không trí. Từ bi của bậc trí là khai thị cho người ác biết rõ nguyên nhân đau khổ mà họ tự làm ra. Và ngay cả việc khai thị cũng phải phải tùy căn duyên chứ không phải bất kỳ ai cũng khai thị được”.
Tác giả có đưa ra câu “Trí không bi là thông minh điêu xảo. Bi không trí là thương hão thương quàng”… “Thương và ghét là tâm địa chúng sinh trong vòng bản ngã. Còn từ bi thật sự thì vô ngã, vô lượng và vô cùng”.
4. Nếu chỉ căn cứ vào nghiệp nhân, nghiệp lực, nghiệp quả và đứng ỳ ra đấy để cho nghiệp (nhất là ác nghiệp) tác động thì có nghĩa là chấp nhận rằng cuộc đời của mỗi người đã được an bài như thế, như thế … không ai cưỡng lại được! Vậy là tin thuyết định mệnh. Phật giáo không dừng ở đấy, Phật giáo tích cực hơn nhiều. Phật giáo dạy rằng con người có thể chuyển hóa cái nghiệp xấu của mình bằng cách gây nghiệp tốt ngay bây giờ để làm lá chắn không cho mũi tên của nghiệp ác bắn tới được hoặc ít ra là làm cho nghiệp ác giảm thiểu đi. Nói đơn giản là mình tạo phước để ngăn chặn hay làm nhẹ nghiệp ác đang chờ cơ hội làm hại mình. Cái phước ấy có thể dẫn đến hậu quả là khi mình gặp nạn thì lại gặp “quý nhân” giúp đỡ, thí dụ như một người đau nặng khi mang vào bệnh viện cấp cứu thì gặp được bác sĩ giỏi chữa đúng lúc, đúng thuốc. Giống như người vượt biển trên con thuyền mong manh gặp được tàu cứu vớt đúng lúc gần thuyền sắp chìm … (3)
Có một câu chuyện chúng ta đã được nghe kể là một anh học trò có số chết yểu nhưng khi về thăm quê rồi vẫn trở lại trường bình yên, trái với lời tiên đoán của ông thày. Ngac nhiên, ông thày hỏi hành trình và mọi việc làm của anh ta. Anh ta cho biết: Trên đường về quê, đúng mùa lũ lụt, anh ta đã với tay lôi vào bờ một cành cây trôi trên sông. Nhờ vậy, anh đã cứu cả mấy ổ kiến hàng triệu con! Thiện nghiệp của anh đã xóa ác nghiệp cũ! Chuyện này có lẽ là một chuyện để răn đời, khuyến thiện, chưa chắc đã có thật, nhưng ít ra cho người ta hiểu về tạo phước để chuyển nghiệp.
5. Chúng ta rút ra được những bài học gì cho việc tu tập hàng ngày?
a) Luật nhân quả là một luật của trời đất, không sai chạy chút nào được.
b) Ai có nghiệp của người ấy, nghiệp tích lũy từ bao kiếp trước và nghiệp gây ra trong kiếp này. Hàng ngày, nghe nói đến chữ nghiệp, người ta hay nghĩ đến nghiệp xấu. Không phải nghiệp nào cũng là nghiệp xấu, có nghiệp xấu, có nghiệp tốt.
c) Không cần phải gánh chịu một cách thụ động nghiệp xấu; có thể tạo phước để làm nhẹ bớt hay triệt tiêu nghiệp xấu.
d) Phật tử phải làm theo lời Phật dạy: thực hành từ, bi, hỷ, xả.
e) Nên sám hối đều đặn, tránh hình thức, làm cho có; chân sám hối là sám hối tội lỗi và nguyện không tái phạm.
[Tác giả Viên Minh viết: “ Lòng từ bi thâm sâu quảng đại mà dường như dửng dưng lợt lạt, lắm khi còn có vẻ như tàn nhẫn, vô tâm và bất động, nhưng như thế mới là lòng từ bi vô hạn. Dường như tàn nhẫn vô tâm bởi vì như thế mới có thể sáng suột nhìn thấy chúng sanh chịu nhân quả nghiệp báo mà tâm không hề dao động. Trắc ẩn xúc động chỉ có trong lòng những kẻ thường tình”.
Riêng phần chúng tôi, tu tập chưa được bao nhiêu, xin làm “kẻ thường tình”!]

GHI CHÚ
(1) Viên Minh, Vi Tiếu, Tự Viện Liên Hoa, 2014 Rose St, Irving, TX 75061, USA.
(2) Trích bài NGHIỆP của Minh Hạnh, trang 65 trong Nội San Xuân Mậu Tý 2008 (Bulletin des Pharmaciens Vietnamiens de France):
Theo giáo lý nhà Phật thì mọi vật trong vũ trụ đều thuộc vào một trong bốn loại: a) loại hữu thủy hữu chung, thí dụ như cái bàn, có rồi hư hoại. b) loại hữu thủy mà vô chung, thí dụ như số 10 chia 3, chia hoài không hết. c) loại vô thủy mà hữu chung, thí dụ hột xoài do cây xoài sinh ra, cây xoài này do cây xoài khác sinh ra … , đó là vô thủy. Nhưng khi đập nát hột xoài thì không có được cây xoài, đó là hữu chung. d) loại vô thủy vô chung, không có chỗ bắt nguồn mà cũng không có chỗ tận cùng, thí dụ như không gian, niết bàn … *
Nghiệp thuộc về loại thứ ba, nó vô thủy vì không biết đâu là nguồn, nhưng nó hữu chung nếu ta biết phương pháp diệt trừ, để đi đến chỗ hết vòng sinh tử luân hồi khi hết nghiệp.
Trang 70 : “Nghiệp nhân là những yếu tố thúc đẩy ta tạo Nghiệp : 1) vô minh 2) ái dục 3) si mê.
Trang 71 : “Nghiệp quả. Các nghiệp do thân, khẩu, ý tạo ra đều được ý căn đem vào tạng tâm để gây ra hạt giống gọi là nghiệp chủng. Nghiệp chủng âm thầm phát triển trong tạng tâm cho đến lúc đủ cơ duyên, ý căn mới lấy chúng ra năm thức đầu để khởi thành hiện thực, tức là bản thân chúng ta và môi trường chung quanh gọi là nghiệp quả”
* Trong bài Le LHC pourrait bouleverser la Physique selon Hubert Reeves ngày 9 tháng 9-2008 của Agence France Presse Genève, đăng ở La Presse (Montréal, 9-9-08) có mấy dòng nói về Khởi đầu của vũ trụ: “ L’accélérateur le plus puissant du monde doit entrer en service mercredi – 10 Sept 08 – à la frontière franco-suisse pour tenter notamment de trouver des réponses aux mystères du tout début de l’Univers il y a 13,7 milliards d’années”. Bản tin BBC ngày 11 tháng 9 cho biết máy đã bắt đầu chạy lúc 8 giờ 30 GMT ngày 10 tháng 9 tại CERN (Centre Européen de Recherches Nucléaires, tức là European Organisation for Nuclear Resarch).
LHC=Large Hadron Collider. Hadron: a collective term for the particles which make up atoms including protons and neutrons .
(3) Trang 73 bài nói trên: sám hối là phương pháp ngăn ác nghiệp kết thành trái khổ (dựa vào bài tựa quyển kinh Từ Bi Tam Muội Thủy Sám).

PHỤ LỤC
EXTRAIT DE LA REVUE NOUVEAU DIALOGUE
Nº 136, septembre-octobre 2001, Montréal.
Monsieur Van Phu NGUYEN est bouddhiste. Il est très actif et très respecté au sein de la communauté vietnamienne. Entre autres activités, il donne des causeries au Temple Tu Quang et traduit des textes d’enseignements boudhiques.
Une liberté au présent ?
Je ne suis pas libre! On m’a dit que je viens d’un foetus qui, lui, est l’union de quelque chose de mon père et de quelque chose de ma mère. Le Bouddhisme ajoute: il y a un troisième facteur, c’est la présence d’un certain alaya. Qu’est-ce que c’est? C’est un grenier invisible qui contient mon karma, l’ensemble de tout ce que j’ai pensé, dit, fait dans “mes” vies antérieures et dans ma vie présente. Ce karma invisible rassemble toutes les causes qui entraînent des effets que moi, maintenant, je dois supporter. Le mot “supporter” évoque quelque chose de pénible, mais il se peut que les effets soient bons car les causes étaient bonnes. De toute façon, ma vie présente a été “préfabriquée”. Dire que c’est bien moi qui suis responsable de mon karma est un peu exagéré car le “moi présent” ne sait pas ce que le “moi antérieur” avait pensé, dit et fait! Pourtant, j’ai accepté l’enseignement sur le karma et l’alaya car c’est ce qui explique d’une manière logique les inégalités entre les humains – je voudrais parler des toutes les sortes d’inégalités, physiques, mentales, intellectuelles, économiques etc…
Mais je suis libre, plus précisément, le “moi présent” est libre. Je ne suis pas condamné par ce karma. Je suis libre de modifier ce karma. Supposons que j’aie un mauvais karma. De par la loi “de cause à effet”, ma vie aura des moments difficiles, voire malheureux … Mais si, dans cette vie, mes pensées, mes paroles, mes actes sont “justes” c’est-à-dire “conformes à l’enseignement du Bouddha”, alors ces bonnes causes engendront nécessairement de bons effets. Un bon karma vient “contrebalancer” l’ancien mauvais karma! Donc, on ne doit pas rester passif et laisser le mauvais karma agir. Au contraire, on est libre d’agir, on est libre d’annuler ou au moins d’atténuer le mauvais karma. C’est ce qui est reconfortant dans le Bouddhisme.
Bref, nous sommes “liés, ligotés” par notre karma antérieur. Mais nous sommes libres de le renforcer si c’est un bon karma, ou de l’annuler ou au moins l’atténuer si c’est un mauvais karma.
Attention! Il y a des gens heureux qui ne savent pas que leur bonheur est dû leur bon karma antérieur. Ils ne pensent pas à accumuler de nouvelles bonnes causes pour “recharger” ce bon karma [comme on recharge les batteries d’auto]; une fois son bon karma “épuisé”, ils auront à faire face à d’autres choses venant des causes, bonnes ou mauvaises ou neutres, qu’ils ont “semées” dans cette vie présente. □

Freedom
I am not free! I am told I came from a fetus which, itself, was the fusion of something from my father and something else from my mother. Buddhism explains that there is a third factor: the presence of a certain alaya. This term denotes an invisible container that holds my karma, the sum of all thoughts, verbal expressions, and bodily actions that I had in “my” past and present lives. The invisible karma represents all the causes that lead to the effects that I must face when they come about. This may sound like a form of penalty, but the effects can be pleasant if their causes have been good. In a sense, my present life is predetermined or, rather, it is conditioned by past events. To say that I am responsible for my karma is a bit exaggerated because the “me of the present life” does not remember what the “me of the past lives” thought, said, or done! In any case, I accept the teachings on karma and alaya because they explain logically the inequalities among people – and I mean in all aspects: physical, mental, intellectual, economic, etc.
But I am free – or, more precisely, the “me of the present” is free. I am not condamned by my karma. I am free to alter my karma. Suppose I had a bad karma. According to the law of cause-and-effect, my life would have difficult moments and unhappy circumstances. But if, in this life, my thoughts, verbal expressions, and physical actions are “right” – that is, “conforming to the Buddha’s teachings” – they are creating the good causes that lead to the good effects. A good karma will offset the bad karma of the past! Therefore, one should not stay passive and let the bad karma manifest. On the contrary, one is free to act, one is free to eliminate or, at least, reduce the bad karma. This is a most refreshing point about Buddhism.
In brief, we are bound by our past karma; but we are completely free to either enhance a good karma or reverse the trend of a bad karma.
Alas! Many fortunate people do not realize that their happiness is rooted largely in their good karma of the past. They neglect to augment this karma with good causes – just like recharging a battery. Once their good karma runs out, they will have to face the results of the causes – good, bad, or neutral – that have been “seeded” in the present life. □

Bài 56. THIỂU DỤC TRI TÚC
1. PHIỀN NÃO.
“Nguyện tiêu tam chướng, trừ phiền não …”
Khi nghe giảng về Phật pháp hay đọc kinh sách, chúng ta hay gặp danh từ “phiền não”, đây là một chữ rất thông dụng, cần được tìm hiểu rõ.
Phiền = buồn phiền, não = sầu não. Phiền não (còn gọi là lậu hoặc hay cấu nhiễm) làm khuấy động tâm tư, khiến cho thực hiện các pháp bất thiện, làm cho chúng sinh bị vướng mắc trong vòng sinh tử luân hồi.
Có ba phiền não chính mà Phật tử nào cũng được nghe, đó là tham, sân, si.
Lục đại phiền não gồm có: tham, sân, si, mạn (kiêu ngạo), nghi (nghi ngờ), ác kiến.
Thay chữ ác kiến trên đây bằng năm chữ thân kiến (chấp thân này là ta), biên kiến (ý kiến cực đoan), tà kiến (ý kiến sai chánh pháp, bỏ lý nhân quả), kiến thủ kiến (chấp ý kiến sai lạc của mình là đúng), giới thủ kiến (giữ theo giới mê tín dị đoan) thì có thập phiền não.
Tu hành đến mức diệt được hết các phiền não thì đắc thánh quả a-la-hán. A-la- hán có ba nghĩa: sát tặc (giết hết giặc phiền não), ứng cúng (xứng đáng được cúng dàng), vô sanh (không còn sinh tử luân hồi).
2. TAM ĐỘC.
Tam độc (còn gọi là tam hoặc) là danh từ để chỉ tham, sân, si. Chúng ta thường tụng câu : “Con đã gây nên bao ác nghiệp, Đều từ vô thủy tham, sân, si”. Tham = tham lam, tham dục, ham muốn. Sân = tức giận, oán hờn. Si = ngu mê, cùng nghĩa với vô minh.
Đây là ba thứ độc hại, phá thiện căn, làm hại đời sống của chúng sinh. Trong kinh Đại Bát-Niết-Bàn, quyển 29, đức Phật nói với Ưu-Lâu-Tần-Loa Ca-Diếp rằng: “Ca-Diếp, trong các thứ độc, chẳng chi qua tam độc. Ta đã đoạn tuyệt tam độc ấy rồi”.
Lòng tham là lòng ham muốn quá mức. Tham cũng là một trong ngũ cái (năm sự ngăn che, ngăn che hiểu biết, giác ngộ, giải thoát), ngũ cái gồm có: tham dục, sân nhuế (nhuế = giận hờn), thụy miên (lừ đừ, ham ngủ, hôn mê, mờ tối), trạo cử (tâm xao xuyến, mất an tĩnh, bối rối, trái với trầm tĩnh – trạo hối = sự ray rứt ăn năn, hối hận), nghi (nghi ngờ, chẳng tin, phân vân chưa biết lẽ thật).
Sân là sự giận dữ, muốn báo thù, muốn gây độc hại cho kẻ khác.
Si là ngu mê, mê mờ (vô minh), không biết sự thật, chánh pháp.
3. LÒNG THAM.
Tham trái nghĩa với bố thí. Bài này nói về thiểu dục tri túc cho nên nhấn mạnh về tham dục. Đó là ham muốn thái quá, ham hưởng thụ sự sung sướng về tiền bạc, của cải, nhà cửa, sắc đẹp, quyền lực, danh vọng … Ham muốn chẳng biết chán, càng được càng ham, vì “lòng tham không đáy” cho nên không ngừng lại được. Vì tham cho nên phải vơ vét thật nhiều cho mình, cho vợ con, cho bạn bè, cho dòng họ, cho đảng phái …
Do cái tham đó mà thân và tâm lúc nào cũng bận rộn, bận rộn vì phải nghĩ ra trăm mưu nghìn kế để cho lòng tham được thỏa. Thật ra, trên đời, nhiều người có thân tâm bận rộn, như bận rộn học hành, làm ăn, buôn bán, điều khiển xí nghiệp …, nhưng cái bận rộn của người tham thì quá mức bình thường, lòng tham như lửa đốt tâm can!
Xa hơn nữa, do lòng tham nên khi thấy người khác kiếm được của cải, địa vị, danh vọng … mà mình chưa có hay mình còn kém thì sinh ra ghen tị, và từ ghen tị này có thể đi đến chỗ tìm cách làm hại người khác, thu lợi về mình, càng ngày càng dấn thân vào tội lỗi. Mặt khác, do tham lam nên sợ người giàu có, có quyền lực danh vọng .. cho nên sinh ra khúm núm quỵ lụy, mất hẳn tư cách con người.
Rồi, do hưởng thụ nhiều quá, ăn uống, cờ bạc, chơi bời trác táng … tinh thần bải hoải, sức khỏe mỏi mòn, thần chết đến bên cạnh gọi đi lúc nào cũng không hay!
Sau đây, chúng ta tìm hiểu hai danh từ tam dục và ngũ dục.
● Tam dục là ba mối tham dục:
1/ Hình mạo dục = ưa thích, ham muốn mặt mày, mình mảy đẹp đẽ của người khác. 2/ Tư thái dục = ưa thích, ham muốn dung nhi, cốt cách đẹp đẽ của người khác.
3/ Tế xúc dục = ưa thích, ham muốn đụng chạm sự mịn màng, mềm mại của người khác.
● Ngũ dục (còn gọi là ngũ tiễn tức là năm mũi tên) là năm sự ham muốn:
1/ Sắc dục = ham muốn sắc đẹp, hình tướng tốt đẹp của người khác.
2/ Thanh dục = ham muốn tiếng nói dịu dàng, tiếng đàn ngọt hát hay …
3/ Hương dục = ham muốn mùi thơm, đặc biệt là mùi thơm của thân thể và của thức ăn, đồ uống …
4/ Vị dục = ham muốn vị ngon của thức ăn, ham ăn uống nhậu nhẹt, hút xách bài bạc …
5/ Xúc dục = ham muốn sự đụng chạm êm dịu với cơ thể, nhất là cơ thể khác phái. Nếu kể thêm pháp dục thì có lục dục.
Trong kinh Niết-Bàn, quyển 22, có đoạn: “… mê theo ngũ dục tỷ như con chó gặm xương khô, như kẻ cầm lửa đi ngược gió, như việc nuôi nhốt con rắn độc, như được của trong giấc mộng, như cây trái đầu đường mà nhiều người muốn chọi, như bọt trên mặt nước. Ngũ dục như của tạm mượn, thế nên nó chẳng lâu dài”.
Có lần chúng tôi đã kể hầu quý vị câu chuyện này: một đại địa chủ nói với một nông nô của mình như sau: “Ta cho phép ngươi đi từ đây kể từ sáng cho đến khi mặt trời lặn thì lại trở về đúng chỗ này. Nhà ngươi đi được bao nhiêu thì đất đó thuộc về nhà ngươi”. Anh nông nô thích quá, không những đi mà lại chạy, cho nhanh, cho xa, mong được nhiều đất. Khi thấy mặt trời sắp lặn, anh ta vội quay lại, cố chạy về kịp điểm khởi hành. Tới nơi, kiệt sức, anh ta lăn ra chết. Nhà đại địa chủ bảo người hầu chung quanh: “Đem chôn hắn đi, trên thế gian này, mỗi người chỉ được ba thước đất thôi!”. Câu chuyện ngắn mà nhiều ý nghĩa. Nhớ lại Quốc văn giáo khoa thư thuở nào chúng ta còn nghe văng vẳng: “Tham thì thâm, cổ nhân dạy thế!”
4. THIỂU DỤC TRI TÚC (ÍT HAM, BIẾT ĐỦ)
Trên đây, chúng ta đã biết rằng ngũ dục còn có tên là ngũ tiễn tức là năm mũi tên, nên hiểu thêm rằng những mũi tên này bắn đúng vào người có lòng tham dục. Lòng tham dục không bao giờ được thỏa mãn, điều này dẫn dắt con người tham dục vào tình trạng bất an, bất mãn, ghen tị, hận thù … không những mất hạnh phúc riêng mà mất cả hạnh phúc gia đình, chưa kể sức khỏe bản thân mòn mỏi, tinh thần suy sụp và lại cỏn mua thù chuốc oán với nhiều người.
Cho nên, muốn sống cho khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần thì cần phải chế ngự lòng tham dục, bằng lòng với những gì mình đang có, như thế gọi là ít ham biết đủ, thiểu dục tri túc. Điều này không phải dễ thực hành, nhất là trong xã hội tiêu thụ hiện nay, hàng ngày biết bao nhiêu hàng hóa mới, biết bao nhiêu lời nói, phim ảnh… mời gọi con người lăn vào sự hưởng thụ. Chưa có thì muốn có, có rồi thì muốn có thứ tốt hơn, đẹp hơn … Mốt này chưa hết đã sang mốt khác, xe này chưa cũ đã nhòm xe đời mới to hơn, đẹp hơn! Hàng xóm có mà mình chưa có thì băn khoăn, vì thế mấy ông bà già luôn luôn nhắc con cháu rằng: nhà đủ ở là được rồi, xe đi làm an toàn là được rồi v v… Khi còn đi học, chúng tôi đã được nghe thày giảng: “tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc?” đại khái nghĩa là: biết đủ thì hưởng cái đủ ấy, nếu chờ cho đủ thì biết đến bao giờ?
Thánh y Tuệ Tĩnh của nước ta đã dạy bí quyết sống lâu, tóm gọn trong hai câu sau này: : “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
Như vậy, một trong các bí quyết mà ngài dạy là “quả dục” tức là ít ham muốn, giống như chữ “thiểu dục” vậy.
Người ta kể rằng quyển kinh Phật đầu tiên được mang vào Trung quốc là Tứ thập nhị chương kinh (Kinh gồm 24 chương). Kinh này có nhiều đoạn ngắn, một trong những đoạn ấy là “ Ly dục tịch tĩnh, đó là sự thù thắng hơn hết”.
Trong Bài ca Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã viết:
… Người sao còn chửa về đi?
Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc!
Muôn chung chín đỉnh có làm gì !
Nước lã cơm rau miễn tri túc …
● Có người nêu lên một thắc mắc: Thế thì không phấn đấu à? Xin thưa: trên đây, chúng ta nói đến những ác dục, những thứ dục làm hại người. Còn có những thiện dục là những điều ham thích đáng khen, thí dụ như ham học, ham đọc sách, mong muốn cải thiện đời sống của gia đình, mong muốn cho con cái khỏe mạnh, chăm học …, ham tu Phật pháp, ham tu vãng sinh Tịnh độ, mong thành Phật đạo … Trong những ham muốn ấy, người biết suy nghĩ thì sẽ cân nhắc những cái nào là có thể thực hiện được, cái nào là mơ hồ, không tưởng.
Kính chúc quý đạo hữu vui trong thiểu dục tri túc và do thiểu dục tri túc mà tìm thấy hạnh phúc chân thật □
GHI CHÚ.
► Theo Dictionnaire Encyclopédique du Bouddhisme của Philippe Cornu:
Passions-racines (Căn bản phiền não): 1/ L’attachement 2/ La colère-aversion 3/ L’ignorance 4/ L’orgueil 5/ Le doute ou scepticisme 6/ L’opinion erronée (- croyance au soi – croyance dans les extrêmes – voie fausse – croyance qui surestime une opinion – croyance qui surestime les rites et observations ).
Passions secondaires (Tùy phiền não) 1/ colère-fureur 2/ rancune ou ressentiment 3/ dissimulation 4/ malveillance ou malice 5/ jalousie ou envie 6/ avarice 7/ tromperie ou duperie 8/ malhonnêteté ou hypocrisie 9/ suffisance ou infatuation 10/ violence ou hostilité 11/ absence de gêne ou manque de respect de soi 12/ man-que de considération ou de respect humain 13/ inertie ou léthargie 14/ excitation 15/ manque de confiance ou de foi 16/ paresse 17/ négligence 18/ l’oubli ou le défaut de mémoire 19/ distraction 20/ absence d’introspection ou inattention.
► Từ điển Phật học Hán Việt trích dẫn Luận Câu Xá, cho biết 20 tùy phiền não là: a/ tiểu tùy hoặc [hoặc = phiền não]: phẫn (rage, fureur), hận (haine), não (angoisse), phú (hypocrisie), cuống (fourberie), xiểm (obséquiosité), kiêu (orgueil), hại (vio-lence), tật (jalousie). quái? (có lẽ đây là: xan = avarice).
b/ trung tùy hoặc: vô tàm, vô quý.
c/ đại tùy hoặc: bất tín (mécréance), giải đãi (paresse), phóng dật (libertinage), hôn trầm (torpeur), trạo cử (inquiétude), thất niệm (distraction), bất chính tri (erreur), tán loạn (dispersion).
[Tiếng Pháp do chúng tôi thêm, xin quý vị góp ý] □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

(Hình: Chùa Hoằng Pháp – Hóc Môn – NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics