06/10: 63. Pháp Môn Niệm Phật – 64. Niệm Phật
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: lenhac Đọc: 5513 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – BOOK 1
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
BÀI 63.Pháp Môn Niệm Phật
Kinh Thủ Lăng Nghiêm chép rằng: khi được đức Phật hỏi về cách tu chứng, bồ-tát Đại Thế Chí trình như sau: “…Ví như có người, một đằng chuyên nhớ, một đằng chuyên quên, thì hai người ấy, dầu gặp cũng là không gặp, dầu thấy cũng là không thấy. Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ mãi, khắc sâu vào tâm niệm thì đồng như hình với bóng, cho đến từ đời này sang đời khác, không bao giờ cách xa nhau. Thập phương Như Lai thương tưởng chúng sinh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh, thì tuy nhớ, nào có ích gì; nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì đời đời mẹ con không xa cách nhau. Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật, tưởng Phật, thì hiện nay hay về sau, nhất định thấy Phật; cách Phật không xa thì không cần phương tiện, tâm tự được khai ngộ, như người ướp hương thì thân thể có mùi thơm, đó gọi là hương quang trang nghiêm. Bản nhân của tôi là dùng tâm niệm…
… Phật mà vào pháp vô sinh nhẫn (1), nay ở cõi này tiếp dẫn những người niệm Phật về cõi Tịnh độ. Phật hỏi về viên thông, tôi thu nhiếp tất cả sáu căn, không có lựa chọn, tịnh niệm kế tiếp, được vào Tam-ma-đề, đó là thứ nhất”.
Ngài Đại Thế Chí đã chỉ rõ rằng: nhờ pháp môn niệm Phật mà ngài thoát sinh tử luân hồi, chứng quả bồ tát. Pháp môn niệm Phật là gì?
Niệm là nhớ nghĩ. Niệm Phật là nhớ nghĩ đến Phật, luôn luôn nhớ nghĩ đến Phật và Ngài Đại Thế Chí khẳng định rằng sẽ “nhất định thấy Phật” và “tâm tự được khai ngộ”. Theo kinh A-Di-Đà, chúng ta niệm Phật để cầu vãng sanh Tịnh độ. Đó là mục tiêu của Tịnh độ tông.
Có nhiều cách niệm Phật, hoặc miệng niệm Phật, họăc tâm niệm Phật. Bốn phương pháp niệm Phật gồm có: Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật và Trì danh niệm Phật:
1. Thât tướng niệm Phật là niệm Phật tánh ở chính mình, đó là quán pháp thân thật tướng của Phật. Phương pháp này thuộc về thiền và chỉ dành cho các bậc thượng-thượng-căn mà thôi.
2. Quán tưởng niệm Phật là quán tưởng cõi Cực lạc như đã tả trong kinh Quán Vô Lượng Thọ (16 phép quán). Phương pháp này khó hành trì.
3. Quán tượng niệm Phật là quán tưởng một bức tượng A-Di-Đà để ở trước mặt, quán đến lúc dù không có tượng, mở mắt hay nhắm mắt vẫn thấy tượng Phật hiện rõ. Phương pháp này khó thực hành, dễ gây nhức đầu.
4. Trì danh niệm Phật là phương pháp niệm ra tiếng hay là niệm thầm bôn chữ “A-Di-Đà Phật” hoặc sáu chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật”(2). Phương pháp này dễ theo nhất và hợp với mọi căn cơ.
Trì danh niệm Phật có nhiều cách thi hành, HT Thiện Tâm trong cuốn Niệm Phật Thập Yếu đã ghi ra mười cách, hành giả hãy chọn cách nào thích hợp nhất với mình.
1. Phản văn trì danh: Phương pháp này miệng vừa niệm tai vừa nghe, rành rẽ rõ ràng. Hoặc dùng tai để nghe, hoặc dùng tâm để nghe. Tuy nghe nhưng không trụ vào đâu, quên hết, chỉ còn câu Phật hiệu.
2. Sổ châu trì danh: Đó là cách thức miệng vừa niệm tay vừa lần chuỗi, ban đầu ý niệm còn ràng buộc nơi tràng hạt, sau lần buông bỏ đi đến cảnh nhất tâm.
3. Tùy tức trì danh: niệm Phật thầm hay nhẹ tiếng, nương theo hơi thở, mỗi hơi thở vào hay ra đều có một câu Phật hiệu. Tuy nhiên, nên niệm ra từng tiếng để niệm lực được mạnh.
4. Truy đảnh trì danh: niệm nhỏ tiếng nhưng mỗi tiếng, mỗi câu kế tiếp nhau chặt chẽ, trung gian không xen hở, tạp niệm không xen vào được.
5. Giác chiếu trì danh: một mặt niệm Phật, một mặt hồi quay soi trở lại chân tánh của mình. Cách này khó thực hành, chỉ các bậc thượng-thượng-căn mới dùng được.
6. Lễ bái trì danh: vừa lạy vừa niệm Phật. Lễ, niệm song hành, thân miệng hợp nhất. Cách này dùng để phá trừ hôn trầm nhưng dễ mệt sức.
7. Ký thập trì danh: cứ mười câu lấy làm một đơn vị. Qua mười câu, lần một hạt chuỗi. Tâm đã niệm Phật, lại phải ghi nhớ số, nên bắt buộc phải chuyên.
8. Liên hoa trì danh: niệm thứ nhất, tưởng tượng trước mặt mình hiện ra một đóa hoa sen xanh tỏa ra ánh sáng xanh. Niệm thứ nhì… hoa sen vàng. Rồi đỏ, trắng. Cứ như thế.
9. Quang trung trì danh: vừa niệm Phật vừa tưởng mình ngồi giữa vùng ánh sáng trong suốt to rộng.
10. Quán Phật trì danh: sau khóa niệm Phật thì để riêng một thời tịnh tâm quán tưởng sắc tướng quang minh của Phật A-Di-Đà.
Trên thực tế, hiện nay đa số Phật tử niệm Phật bằng cách dùng chuỗi tràng.
Dùng cách trì danh nào cũng là nhằm đến “nhất tâm bất loạn”, nguyện đến lúc chết “tâm không điên đảo” được vãng sanh về cõi Cực lạc của Phật A-Di-Đà, không còn bị luân hồi tuy chưa đắc quả vị. Lên đó gặp “thượng thiện nhân”, sẽ tu tập thêm để bước dần lên theo Phật đạo.
Có người chê bai hành giả niệm Phật cầu vãng sinh là những người căn cơ kém cỏi, già nua cằn cỗi. Sự thật, niệm Phật đến mức “nhất tâm bất loạn”, rồi đi đến “niệm Phật tam-muội” thì cũng chẳng khác gì tu theo các đường lối khác phức tạp hơn. □
Chú thích.
(1) Vô sinh nhẫn hay vô sinh pháp nhẫn: tu hành đến mức đã hiểu rõ “Không sinh thì không diệt”. Vô sinh là không sinh, đã không sinh thì sẽ không diệt, thoát sinh tử.
(2) để vãng sanh Tịnh độ.
BÀI 64. NIỆM PHẬT
Khoảng năm 1970, nhân dịp thăm chùa Tuyền Lâm và thày trụ trì Trí Châu trong Chợ Lớn, tôi có duyên lành thỉnh được một cuốn Kinh Kim Cang Giảng Lục của Thái Hư đại sư do thượng tọa Huệ Hưng dịch, chùa Tuyền Lâm tái bản. Đến nay, ba chục năm sau, tôi còn giữ được cuốn sách này và xin trích ra đây hiến quý vị một đoạn khá thú vị ghi trong mấy trang đầu :
“Ngày xưa, có một người kia đang khi niệm Phật lại bị một người bạn kêu tên anh mãi. Anh nổi giận hỏi rằng : ‘ Tại sao bạn kêu tên tôi mãi thế? ’. Anh bạn đáp : ‘ Tôi kêu tên anh mới có vài trăm tiếng, anh đã nổi sân; còn như anh niệm tên Phật A-Di-Đà mỗi ngày trăm ngàn muôn tiếng, biết đâu Phật A-Di-Dà cũng nổi sân, phiền trách anh chăng’. Anh ta nghe thế, cho rằng niệm Phật tất là khinh lờn Phật, nên rồi từ đó anh không niệm Phật nữa.
Lại có một người hằng lâu chuyên tâm niệm Phật, ngày kia gặp một vị thiền sư hỏi : ‘ Người niệm Phật là ai?’. Anh ngơ ngác không biết trả lời làm sao, rồi đâm ra ngờ vực, cho niệm Phật là vô ích không có kết quả gì, từ đó anh không màng niệm nữa.
Lại một người nữa nghe lời Phật dạy ‘ở phương Tây cõi ta-bà này, cách mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực lạc, nơi đó có đức Phật hiệu A-Di-Đà hiện đương nói pháp, nếu người nào xưng danh hiệu ngài, từ một đến bảy ngày, một lòng chăm chú không tán loạn, đến khi mạng chung sẽ được sanh về quốc độ của ngài’, rồi ngày đêm chuyên niệm không ngớt. Một hôm gặp vị thiền sư hỏi : ‘ Như ông đây, khi cha mẹ chưa sanh về trước, là ai? Sau khi chết rồi, ai vãng sanh?’. Ông ta nghe hỏi, tâm thần bối rối, không giải quyết được. Từ đó, ông không còn gia công niệm Phật nữa.
Đây, không chi lạ, chỉ vì mình không đủ trí huệ nên không hàng phục nổi người, trái lại bị người đánh đổ.”
Chúng ta hàng ngày cũng chuyên tâm niệm Phật, nguyện vãng sanh Tây phương Cực lạc quốc của đức Phật A-Di-Đà. Đó là nói về sự. Còn cái lý ở trong việc niệm Phật ra sao? Những câu hỏi nói trên đây có khó trả lời lắm không? Sau đây là vài lời góp ý.
Học Phật, tất cả chúng ta đều biết thế nào là nghiệp. Toàn thể những hoạt động có ý thức – chứ không phải vô tình – của thân, miệng, ý không biến đi mất mà chúng được coi là các nhân. Các nhân ấy, nếu gặp đủ duyên thì sẽ sinh ra quả theo đúng như luật nhân quả. Luật nhân quả này là một luật phổ quát trong vũ trụ, không phải của riêng Phật giáo.
Thân, miệng, ý mỗi khi hoạt động thì gây ra nhân, nhân này là một hạt giống vô hình, một chủng tử vô hình, xếp vào trong một cái kho vô hình của mỗi người. Cái kho ấy có nhiều tên gọi, dễ gọi nhất là thức thứ tám. Các tên khác là : tạng thức, a-lại-da, a-lại-da-thức (phiên âm từ chữ Phạn alaya), đệ bát thức, bát thức, căn bản thức, dị thục thức, chủng tử thức, hàm tàng thức, tiếp liệu thức, nguyên thần thức …
Các hạt giống ấy, các chủng tử ấy, có thể là tốt, có thể là xấu, mà cũng có thể là không tốt không xấu (gọi là vô ký, trung tính), nằm trong trạng thái chờ đợi ở trong tạng thức. Chúng đợi các thuận duyên để “chín muồi” (dị thục) và trở thành “hiện hành” nghĩa là bộc lộ ra được. Nhưng nếu gặp nghịch duyên thì chúng sẽ bị thui chột đi, chẳng khác gì hạt lúa gặp cơn hạn hán hay cơn lũ lụt. Nói chung chung, tất cả những thứ đang chờ đợi sinh ra quả làm thành cái nghiệp của mỗi người và ai tạo nghiệp nhân thì người đó lãnh nghiệp quả, không có người nào khác vào đấy mà lãnh thay được. Kiếp này sướng khổ ra sao là do cái nghiệp từ các kiếp trước. Kiếp sau sanh vào cảnh giới nào, sướng khổ ra sao là do cái nghiệp của các kiếp trước và kiếp này.
Người gian ác mà đang hưởng sung sướng là vì nghiệp lành của người ấy tích lũy từ trước đến nay hãy còn. Khi nghiệp lành đó hết thì các nghiệp dữ sẽ trổ ra. Trái lại, người tốt mà đang phải chịu đau khổ là vì cái nghiệp xấu từ các kiếp trước đang tác động; đến một lúc nào đó nghiệp lành hiện tới, lúc đó hết khổ đau, hưởng an lạc.
Đạo Phật dạy một điều hết sức tích cực là : con người có thể cải cái nghiệp của mình được, nói theo lối bình thường là đức năng thắng số. Giả dụ như trong a-lại-da của chúng ta có đủ thứ chủng tử tốt, xấu, không tốt không xấu. Nếu chúng ta làm nhiều điều thiện hơn là điều ác thì các chủng tử tốt sẽ càng ngày càng nhiều, nhiều đến mức át các chủng tử xấu, át đến độ có thể triệt tiêu chủng tử xấu, kể cả các chủng tử xấu tích lũy từ bao kiếp trước. Như vậy là con người có thể cải nghiệp được. Người ta kể chuyện rằng có một thư sinh kia số chết yểu, nhưng vẫn sống như thường, chẳng sao. Xét kỹ ra là khi trong xứ gặp nạn lụt, chàng ta đã kéo vội lên bờ đê một cành cây lớn trên đó có một tổ kiến, như thế là đã cứu được cả triệu chúng sinh. Hành động từ bi đó đã thay đổi số tử vi của anh! Đức năng thắng số là như vậy. Chuyện đó có thật hay chỉ là một lời răn, chúng tôi không biết chắc.
Nói đến nghiệp, người ta chia ra làm nhiều loại. Hôm nay tôi xin nói một thứ thôi, đó là thường nghiệp. Công việc hàng ngày của mỗi người, ảnh hưởng rất lớn đến hành động, lời nói, ý nghĩ của người đó. Ông bác sĩ có thói quen chữa bệnh, thời giờ và tâm trí của ông ta phần lớn nhằm về bệnh tật và thuốc men. Đấy là thói quen về nghề nghiệp. Bây giờ ta lấy thí dụ một người có thói quen hút thuốc lào khi mới ngủ dậy. Việc này không có gì quan trọng, tuy nhiên khi đã thành thói quen thì có điều phiền là khó dứt. Phải có nhiều nghị lực lắm mới dứt được. Trước đây, ta hay nghe nói đến tứ đổ tường, đó là những thói quen xấu. Ngược lại có những thói quen tốt, thí dụ như thói quen tập thể dục để giữ gìn sức khỏe, thói quen bố thí cho kẻ khó hay thói quen niệm Phật. Những thói quen đó làm thành một cái nếp trong tâm trí của ta, giống như một dòng nước nhỏ cứ chảy mãi thì sẽ đào dần thành một dòng nước, một con suối, rồi một con sông…
Nay nói về người niệm Phật. Người ấy niệm Phật nhiều lần trong ngày, mỗi lần cả trăm tiếng. Những ý nghĩ về Phật là những ý nghĩ lành, những niệm lành. Chúng được ướp vào trong a-lại-da, người ta nói rằng các chủng tử tốt được huân vào a-lại-da. Càng ngày càng nhiều. Những niệm về Phật, những ý nghĩ về Phật lấn át dần dần các niệm tạp nhạp, các niệm lăng xăng, các niệm ác độc. Hàng chục năm niệm Phật như thế, kết quả ra sao, chắc quý vị đoán được rồi.
Lúc gần chết, nghiệp nào hiện ra? Cái nghiệp nào mạnh nhất, lúc đó kêu là cận tử nghiệp. Khi mình gây ra cái thường nghiệp lành thật mạnh, thì chính cái nghiệp đó trở thành cận tử nghiệp và cận tử nghiệp hướng thần thức tức là a-lại-da về kiếp tiếp theo. Người ta kể chuyện một vị thiền sư kia lúc tịch đã không được giải thoát mà lại đầu thai thành một con sâu mía, chỉ vì rằng trong thời gian sắp tịch, vị ấy quá mê say cái vườn mía vô cùng tươi tốt ở sau chùa, bao nhiêu tâm trí dồn cả vào vườn mía! Cận tử nghiệp của vị ấy đã dẫn vị ấy vào kiếp sâu. Thật không khác gì ông nhà giàu kia vì quá tiếc của lúc gần chết nên đầu thai vào làm con chó giữ nhà mình.
Người chuyên tâm niệm Phật gây được cái thường nghiệp và cái cận tử nghiệp hướng về Phật thật là mãnh liệt cho nên dễ được vãng sanh Tây phương Cực lạc. Ở đây, chúng ta cần nghe theo lời dạy trong sách vở : đừng làm điều gì trở ngại cho người sắp chết, thí dụ than khóc om sòm chỉ làm cho thần thức người đó không còn nhất tâm được nữa. Chúng ta còn nhớ câu chuyện về một ông vua kia khi đang hấp hối bị kẻ hầu đánh rơi cái quạt vào trán nên ông nổi sân lên, chính vì cơn sân đó mà ông liền bị đọa vào đường ác!
Một câu hỏi thường được đặt ra: Cái gì đi vãng sanh? Câu trả lời là : thần thức đi vãng sanh. Khi con người chết rồi, thân tứ đại tan rã, chỉ còn lại thần thức mang cái nghiệp đi tái sanh. Thắc mắc : thần thức ấy được vãng sanh nơi Tịnh độ thì đã thành thánh, thành Phật chưa? Chưa! Tại quốc độ của đức Phật A-Di-Đà, không bị thoái chuyển, gặp nhiều duyên lành, cứ thế tu học mãi, lần lần tiến đến giải thoát.
Khi cha mẹ chưa sanh ra ta, ta là ai? Những vị nào tu đến một mức thật cao, đến độ đạt được túc mạng minh thì có thể biết được kiếp trước và những kiếp trước mình là ai. Đó là vì trí tuệ của các vị đó đã trở nên hết sức minh mẫn, trí nhớ rất là mạnh mẽ nên biết được tiền kiếp. Người thường thì làm sao mà biết được! Nhưng có thể biết như thế này : Khi cha mẹ chưa sinh ra ta, ta là một chúng sinh nào đó, sau khi chết, có một thần thức. Thần thức ấy gặp đúng lúc một cặp vợ chồng kia (cha mẹ ta) đang sống chung, thế là có đủ tam nguyên gồm thần thức, tinh cha, huyết mẹ tạo ra một bào thai vv… Đến chỗ này thì chúng ta có thể kể thập nhị nhân duyên cho rõ ràng từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Sau đó lại sinh, tiếp đến tử. Ta có thể tưởng tượng ra một dòng nước đang chảy xuôi : sóng nhô lên là một đời sống, sóng hụp xuống là một lần chết. Sinh tử, tử sinh, cứ thế mà luân hồi. Khi nào tu thoát khỏi sinh tử luân hồi thì tiến trình ấy chấm dứt và đến Niết-bàn. Các vị thánh (thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật) không còn gây nghiệp cho nên hết luân hồi. Có người hỏi : dùng danh từ “các vị” như thế thì xin cho biết hình dáng của “các vị” ra sao. Điều này không thể nghĩ bàn, thuộc cảnh giới tuyết đối rồi, chúng ta không biết nổi. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào thuyết ba thân (pháp thân, báo thân và hóa thân) và nhớ lại kinh Phổ Môn thì chúng ta biết rằng bồ-tát Quán Thế Âm có thể hiện ra hình tướng nào mà ngài muốn, ngõ hầu dễ hóa độ chúng sinh.
Trả lời như vậy thật ra không thể làm hài lòng thiền sư đã đề ra câu hỏi nói trên. Đó không phải là một câu hỏi thường, đó chính là một công án của Thiền tông rất hay được nhắc tới. Thiền sinh cứ thế mà suy nghĩ, đào sới nát óc cho đến lúc bừng tỉnh. Trong khi ấy thì thiền sư theo rõi môn đệ, có khi la hét, đánh đập, đuổi đi … , và cuối cùng khi thấy môn đệ đã sắp tới đích thì giúp một chút bằng một cách nào đó mà chỉ thày trò mới hiểu nhau mà thôi, người ngoài thấy … kỳ kỳ khó hiểu. Đem một loạt công án của Thiền tông mà hỏi người đang niệm Phật thì có lẽ không đúng chỗ!
Có người nêu vấn đề : trong vũ trụ bao la thế này, làm sao biết phương Tây, mà kinh nói cõi Cực lạc phương Tây. Đó là một cách nói mà thôi, cho con người có một ý niệm. Khi đức Phật Thích Ca thuyết pháp thì ngài tùy lúc ấy, thính chúng ấy, mà nói, miễn sao thính chúng hiểu được. Rất có thể vào lúc ngài nói kinh A-Di-Đà, ngài dùng chữ phương Tây cho hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Riêng tôi, tôi đề nghị một cách hiểu như thế này : phương Tây là phương mặt trời lặn, ngày gần hết, ánh sáng sắp tắt. Điều ấy tượng trưng cho tuổi già của con người, tuổi sắp từ giã cõi trần. Sắp từ giã thì làm gì? để đi đâu? Trả lời : Niệm Phật để vãng sinh về quốc độ của đức Phật A-Di-Đà.
Gần đây, ở trong nước, có một người mặc áo nhà sư, nói pháp, thu băng cho phát hành, lớn tiếng đả kích kinh sách Phật, và chế diễu kinh A-Di-Đà về chữ phương Tây mà đức Phật đã nói ở trong đó. Kính xin quý đạo hữu đề phòng và nhắc nhở mọi người đề phòng. Ma vẫn hay mặc áo cà-sa đấy.
Lại có người lấy kinh Pháp Bảo Đàn, trích lời Lục tổ Huệ Năng nói về cõi Tịnh độ và cho rằng Lục tổ phủ nhận sự hiện hữu của cõi Cực lạc của đức A-Di-Đà. Thí dụ như ngài bảo rằng: “Người phương Đông làm nên tội thì cầu vãng sinh về phương Tây, thế thì người phương Tây làm tội thì xin về đâu?”. Thật ra, ta phải hiểu rằng vào thời của ngài, quá nhiều người tu Tịnh độ, tu theo phong trào, chẳng hiểu gì cả cho nên ngài phản ứng lại để cho con người bớt tăm tối chứ ngài không có ý đả kích pháp môn niệm Phật. Phải coi cả cuốn kinh Pháp Bảo Đàn mới thấy chủ trương tu Thiền đặc biệt của ngài và quan niệm của Thiền tông về Phật A-Di-Đà và Tịnh độ. Có thể nói đại khái rằng Thiền tông coi đức A-Di-Đà là Phật tánh và Tịnh độ là tính thanh tịnh của Phật tánh. Đó chính là chủ trương “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” vậy.
Nay, có người tu Tịnh độ thắc mắc rằng : niệm Phật đến độ nhất tâm bất loạn thì khi chết mới được vãng sanh, còn tôi đây không nhất tâm bất loạn thì làm sao vãng sanh được? Trong bài nói về Điều kiện vãng sanh Cực lạc trình bày tại đây mấy tuần trước, đạo hữu Hiển Mật đã trả lời rất rõ ràng. Xin trích ra đây: “Niệm Phật đến độ nhất tâm là điều kiện nhập phẩm của người thượng căn phát tâm bồ-đề, cầu sanh thượng phẩm … Còn như không thể niệm Phật đến độ nhất tâm, mà chỉ chí thành phát nguyện sinh về Cực lạc, thì người bình thường, không phạm trọng tội, chỉ tùy sức mình, làm việc phúc thiện, đặc biệt là chú ý niệm Phật lắng tai nghe lấy tiếng niệm của mình, cũng sẽ toại ý”. Đạo hữu Hiển Mật nhắc rằng : Khi thực hành pháp môn niệm Phật thì phải điều phục cho được ba tên phá rối : giải đãi tức là lười biếng, phóng dật tức là buông thả thiếu quyết tâm, hôn trầm tức là buồn ngủ, thiếu sáng suốt, thân thể nặng nề.
Để thay lời kết luận, chúng tôi xin thưa rằng : hãy tin tưởng vững chắc vào lời Phật dạy, hãy cương quyết phát nguyện vãng sanh Tịnh độ, hãy niệm Phật thật đều, thật chăm. Vô số chủng tử tốt được huân tập vào a-lại-da, chuẩn bị cho cận tử nghiệp sẵn sàng đưa thần thức về nơi an lạc. □
Ghi chú 1. Tự điển Phật Học Hán Việt ghi trong mục LIÊN TÔNG CỬU TỔ như sau:
1/ Đại sư Viên Ngộ tức Huệ Viễn (chùa Đông Lâm, ở núi Lư sơn).
2/ Hòa thượng Thiện Đạo (chùa Quang Minh, ở Tràng An).
3/ Đại sư Thừa Viễn (chùa Bát Thuyền, ở núi Hành sơn).
4/ Quốc sư Pháp Chiếu (chùa Vân Phong, ở Hàng Châu).
5/ Đại sư Thiếu Khang (chùa Ô Long, ở Tân Định).
6/ Hòa thượng Diên Thọ (chùa Vĩnh Minh, ở Hàng Châu).
7/ Hòa thượng Tỉnh Thường (chùa Chiêu Khánh, ở Vũ Lâm).
8/ Đại sư Liên Trì (chùa Vân Thê, ở Hàng Châu).
9/ Pháp sư Tỉnh Am (chùa Phạm Thiên, ở núi Phượng sơn).
Cần chú ý rằng Tổ sư của Tịnh Độ Tông do các vị đời sau, vì cảm phục công đức tu chứng và hoằng pháp, đã đồng ý nhận làm tổ chứ Tịnh Độ Tông không có lệ truyền thừa như Thiền Tông. Dòng tổ ghi ra không được thống nhất. Ngài Đạo Xước (562-645) với nhiều công đức và tư tưởng chỉ đạo, lại không được ghi. Xin coi thêm Ghi chú 2 và 3 sau đây:
Ghi chú 2. Chùa Pháp Hoa ở Tucson, Arizona, USA, năm 1998 đã ấn hành cuốn LIÊN TÔNG THẬP TAM TỔ do Vô Nhất đại sư Thích Thiền Tâm soạn dịch, Thích Hải Quang chú giải. Sách đó ghi 13 vị tổ Tịnh Độ Tông Trung Quốc là các đại sư sau đây:
1/ Huệ Viễn, 2/ Thiện Đạo,
3/ Thừa Viễn, 4/ Pháp Chiếu,
5/ Thiếu Khang, 6/ Diên Thọ (Vĩnh Minh),
7/ Tỉnh Thường, 8/ Liên Trì,
9/ Ngẫu Ích (Trí Húc), 10/ Hành Sách,
11/ Thiệt Hiền (Tỉnh Am), 12/ Triệt Ngộ (Tế Tỉnh),
13/ Ấn Quang (Thánh Lượng).
Ghi chú 3. Tổ sư Tịnh Độ Nhật Bản được xếp như sau:
1/ Long Thọ (Nagarjuna, khoảng thế kỷ thứ 2 và 3), người Tây Trúc (Ấn Độ),
2/ Thế Thân (Vasubandhu, khoảng thế kỷ thứ 4) – như trên,
3/ Đàm Loan (T’an-luan, 476-542) – người Trung Hoa,
4/ Đạo Xước (Tao-ch’o, 562-645) – như trên,
5/ Thiện Đạo (Shan-tao, 613-681) – như trên,
6/ Nguyên Tín (Genshin, 942-1017) – người Nhật Bản,
7/ Pháp Nhiên (Honen, 1133-1212) – như trên,
8/ Thân Loan (Shinran, 1173-1262) – như trên □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật – Book 1 – Montreal 2010
(Hình: Hoa Sơn Tự – Trung quốc – NN sưu tầm)