07/09/2013: 1.Truyện người Samurai-2.Bạn thật bạn giả-3.'Đặc sản' của Sài Gòn-4.Cà phê "Cộng" thêm khách nhờ 'lề phải' tố-

07/09: 1.Truyện người Samurai-2.Bạn thật bạn giả-3.’Đặc sản’ của Sài Gòn-4.Cà phê “Cộng” thêm khách nhờ ‘lề phải’ tố-
Category: Như là Ngụ ngôn .. Những nụ cười ..
Posted by: Tbl Đọc: 5161 lần

FW: Truyện Người SAMURAI.
Mời đọc.
DQ-Khanh

 

Nhẫn nhất thời, thiên bình tịch tĩnh

Thoái nhất bộ, hải đáo thiên không.

Người samurai.

Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá.

Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.”

Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức.

Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng…

… đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”

Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đo chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”

Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”

Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”
Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”

Một năm sau, người đánh cá đến gặp vị samurai để trả nợ . Người đánh cá phấn khởi nói:
“Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”.

Vị samurai trả lời “Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi. Ngươi đã trả nợ rồi.”

…………………………………………………

Fwd: Fw: Bạn thật Bạn giả
**Xin cám ơn chị An và bạn Lợi Nông đã gửi FW dưới đây .- NN**

Bạn thật, bạn giả
Lê Hữu
Nhiều người vẫn cho rằng một trong những hạnh phúc trên đời là tình bạn. Điều này thì ai cũng dễ dàng đồng ý thôi. Thế nhưng, để có tình bạn thực sự thì cần có những người bạn thực sự. Như thế nào gọi là một người bạn?
Liệu có phải những ai ta vẫn giao du đều là bạn cả? Không đâu, số người ấy gồm cả “bạn” lẫn “bè”, và phần nhiều là bè hơn là bạn. “Bạn bè” không phải là cách nói cho xuôi tai, cũng không phải là “từ láy” này nọ như nhỉều người tưởng mà là “từ ghép” của hai chữ “bạn” và “bè”. Bạn, nói đơn giản, là người đồng hành cùng chia vui sẻ buồn với ta trên những chặng đường đời. Bè là những kẻ tạt ngang qua đời ta trong chốc lát, rồi đường ai nấy đi mà không chút vấn vương. “Bè” trong những chữ “bè phái”, “kết bè, kết đảng” gợi lên ý tưởng không mấy hay ho. Tình bạn thường “tĩnh” hơn là “động”, lắng đọng hơn là sôi nổi. Những kẻ ở quanh ta trong những cuộc vui ồn ào mà ta tưởng là “bạn”, thường chỉ là “bè”. Như những cuộc vui chóng tàn, những người “bạn” ấy cũng nhanh chóng biến mất khỏi đời sống chúng ta. Những người tưởng rằng mình có nhiều bạn, thực ra là những người không có hoặc có rất ít bạn (và không biết phân biệt đâu là bạn, đâu là bè).

Bạn lại có “bạn thật” và “bạn giả”. Bạn thật là khuôn mặt thật, không điểm phấn tô son. Bạn giả là chiếc mặt nạ, với nhiều lớp phấn dày. Như cuộc sống có hai mặt, con người vừa có bạn thật lại vừa có bạn giả. Bạn giả lúc nào cũng nhiều hơn bạn thật, đến với ta vì lợi ích nào đó chứ không vì tình thật. Bạn giả là người đóng giả vai người bạn, ngoài mặt tỏ ra thân thiện nhưng có thể bất ngờ tặng cho ta những nhát dao trí mạng từ phía sau lưng hoặc phun ra những nọc độc của lòng đố kỵ. Đôi lúc có kẻ thù còn dễ chịu hơn có những người bạn giả. Bạn giả cũng tựa như bạc giả vậy, đã không xài được mà để trong túi có khi mang họa.

Khác với bạn giả, bạn thật là người thực tâm mong muốn những điều tốt lành cho người bạn mình và vui sướng trông thấy bạn mình hạnh phúc, thành đạt trong cuộc sống (dẫu có “qua mặt” mình đi nữa). Bạn thật không ngại nói thẳng nói thật về những sai trái của bạn mình để giúp bạn cải thiện bản thân cũng như không ngại tán thưởng về tài năng hoặc thành công của bạn mình để giúp bạn thêm tự tin trong cuộc sống. Bạn thật luôn nói tốt về bạn mình sau lưng bạn. Bạn thật là người đến với ta trong lúc ta trần trụi hay trong thời kỳ đen tối nhất của cuộc đời, và cũng là người mà ta có thể đến gõ cửa một cách thoải mái khi cần sự giúp đỡ.
Những người bạn như thế làm sao có nhiều được, thường chỉ đếm được trên những đầu ngón tay của một bàn tay (và ít khi đếm hết được). Đến một tuổi nào đó người ta khó mà có thêm được những người bạn mới, trong lúc những người bạn cũ thì cứ mất đi lần lần. Tình bạn cần có một bề dày của sự gắn bó, cảm thông và tin cậy.

Với những người tôi thực lòng quý mến, tôi vẫn nói: “Tôi mong cho anh/chị không có bạn hơn là có những người ‘bạn giả’. Có được chừng vài ba người ‘bạn thật’ thì anh/chị là người may mắn và hạnh phúc.”

Lê Hữu

……………………………………….

Fw: Fwd: ] ‘Đặc sản’ của Saigon
An Truong to:…,me

Bạn ta,
Tôi không thích chữ “đặc sản”, vì danh từ này, từ nhiều năm nay, đã bị đem ra dùng một cách hết sức bừa bãi ở trong nước cũng như ở những nơi ngoài Việt Nam.
Thí dụ mấy tiệm ăn ở Mỹ thì không thể dùng hai chữ “đặc sản” với những món trong thực đơn của tiệm. Món bánh tôm với khoai mua ở chợ Mỹ, tôm từ Louisiana, rau thơm của Florida chở lên thì làm sao có thể gọi đó là đặc sản Hà Nội được?
Phải là sản phẩm đặc biệt của một vùng nào đó mà những nơi khác không có thì mới có thể gọi là đặc sản. Cam Bố Hạ, nhãn Hưng Yên, cá rô Đầm Sét, bưởi Đoan Hùng, mận Đà Lạt… Ở Mỹ thìlobster của Maine, clam chowder của San Francisco… thì mới là đặc sản.
Tuần qua, một tờ báo trong nước có đăng một bài viết về một chuyện xẩy ra cho một người đàn ông ở Sài Gòn. Ông cho biết ông là người Hà Nội nhưng đã đi Sài Gòn nhiều chuyến. Những chuyến đi Sài Gòn đó đều tạo những cảm tưởng khó quên về thành phố này. Trong chuyến đi gần đây nhất, ông đã gặp một chuyện diễn ra ở ngay trên một con đường của thành phố miền nam khiến ông suy nghĩ mãi. Ông kể hôm ấy, đang đi ngoài đường thì ông thấy một thiếu nữ đi trước ông làm rơi một vật gì đó. Ông gọi cô và nhắc cô nhặt lên. Cô thiếu nữ tuổi khoảng 15 hay 16 tuổi nhặt món đồ cô làm rơi, và sau đó, cô khoanh tay cúi đầu nói với ông “Cám ơn chú” rồi mới đi. Nghe câu cám ơn của cô, ông sững sờ, ngạc nhiên hết sức. Việc ông giúp cô chỉ là chuyện nhỏ, có vậy thôi, thế mà cô đã lễ phép khoanh tay, cúi đầu, cám ơn ông. Ông cho biết hành động của cô gái làm ông vô cùng kinh ngạc. Ông không quen với hành động ấy. Ông không thường gặp chuyện như thế đã lâu. Một hành động không đáng gì từ phía ông đã khiến ông nhận được một câu cám ơn, một hành động khoanh tay, cúi đầu lễ phép của cô gái Sài Gòn. Ông tưởng nhiều lắm, một ánh mắt biết ơn từ phía cô gái nhìn ông cũng đã là tử tế lắm rồi. Nhưng ông nhận được từ cô một câu cám ơn. Lời cám ơn từ một thiếu nữ trẻ trên một con đường ở Sài Gòn. Ông chợt nhớ tới lối ăn nói mất dậy đầy những tiếng chửi thề tục tĩu mà ông đã nghe rất quen ở Hà Nội giữa đám học sinh với nhau. Mấy tháng trước, một bản tuyên ngôn của một nữ sinh đưa ra những lời lăng mạ thậm tệ nhắm vào một cô giáo sau khi nữ sinh này bị kỷ luật ở trường. Đoạn video được đưa lên internet và nhận được rất nhiều phản hồi mà gần hết là những ý kiến tán đồng hành động vô lễ và vô giáo dục ấy. Những hình ảnh nữ sinh đánh nhau ngay ở trong lớp, xé quần áo của nhau, chửi bới thô tục được bạn bè thu lại bằng điện thoại di động và đưa lên mạng, luôn cả mộtvideo clip của một nữ học sinh chửi bới cha mẹ vì bị gia đình cấm đoán vài ba chuyện cũng được chiếu cố và hưởng ứng tận tình trong internet.
Những chuyện như vừa kể ông chứng kiến rất thường ở Hà Nội, chốn ngàn năm văn vật trước kia. Báo chí trong nước đã nhiều lần than phiền về chuyện chửi thề, văng tục của các học sinh và sinh viên, trong đó có rất nhiều là nữ sinh viên đại học.
Những bài đức dục của các trường học năm xưa, của vài ba thế hệ trước không còn được đem dậy trong chương trình học ngày nay nữa. Nhưng còn phụ huynh ở nhà bộ không còn dậy dỗ con cái những điều tối thiểu trong cách đối xử hàng ngày nữa hay sao?
Những đứa bé được dậy để dò xét, báo cáo mọi hành động, lời ăn, tiếng nói của cha mẹ cho các anh cán bộ thì phải mất dậy và vô giáo dục như thế chứ. Chúng lớn lên thành người lớn thì con cái của chúng phải như vậy.
Tác giả bài viết nghe được câu cám ơn, nhận được cái cúi đầu khoanh tay của một cô gái nhỏ miền nam liền kết luận rằng đó chính là đặc sản của Sài Gòn vậy.
Chưa bao giờ tôi thấy hai chữ “đặc sản” được dùng một cách chính xác và hợp lý như thế.

……………………………………………………………

Cà phê ‘Cộng’ thêm khách nhờ ‘lề phải’ tố .
Nguồn:nguoiviet.com-Sunday, August 25, 2013

HÀ NỘI (NV) – Sau khi bị báo Petro Times – một tờ báo trong hệ thống tuyên truyền thuộc nhà cầm quyền CSVN – chỉ trích, quán cà phê “Cộng” đang có thêm nhiều khách.

Tranh quảng cáo cho cà phê “Cộng” trên facebook có tính diễu cợt các lãnh tụ Cộng Sản khét tiếng “khát máu” trên thế giới. Tờ báo ‘lề phải’ Petro Times cho rằng bức tranh này “khó hiểu”. (Hình: Internet)

Tờ Petro Times vừa có một loạt phóng sự hai kỳ, kể về quán cà phê “Cộng” tọa lạc ở tầng trệt của chung cư 4F, thuộc Khu đô thị Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo tờ báo này, quán cà phê nằm ở vì trí vừa kể chỉ là một quán trong “chuỗi quán cà phê có cùng tên” của một ca sĩ tên là Linh Dung.

Giống như nhiều quán cà phê khác, “Cộng” mở nhạc máy vào ban ngày và có nhạc sống vào ban đêm. Tuy nhiên, lý do khiến báo Petro Times, tờ báo hiện do một cựu đại tá công an làm tổng biên tập, tỏ ra phẫn nộ với “Cộng” vì nó “phạm thượng”.

“Lê Nin toàn tập” là một loại kinh điển “gối đầu giường” của các đảng viên Cộng Sản phải học tập nhưng được quán cà phê đem ra làm thực đơn (Menu).

“Cộng” có những yếu tố thường thấy trong tuyên truyền của chính quyền ở các quốc gia cộng sản nói chung và Việt Nam nói riêng: Bộ “Lê Nin toàn tập”, tuyên bố của những lãnh tụ như Lê Nin, Hồ Chí Minh được kẻ, vẽ thành khẩu hiệu. Song những yếu tố đó được chủ quán tầm thường hóa để gây cười và đó là lý do người ta thích nó.

Tại cà phê “Cộng”, thực đơn được viết bằng tay trên những cuốn sách thuộc bộ “Lê Nin toàn tập”. Những tuyên bố của Lê Nin, Hồ Chí Minh vẫn được sử dụng làm khẩu hiệu như “Học, học nữa, học mãi”, “Tiến lên, toàn thắng ắt về ta” được sửa lại thành “Cộng, cộng nữa, cộng mãi”, hoặc “Ngồi im, toàn thắng ắt về ta”,…

Cũng theo Petro Times, “Cộng” được bài trí theo kiểu thời chiến, bàn ghế là các thùng đạn, “hình ảnh về chiến tranh, hình ảnh về quân ‘Mỹ – Ngụy’ được treo khắp tường”.

Lời của Hồ Chí Minh được sửa lại trước khi kẻ thành khẩu hiệu treo trên tường, ám chỉ như “phạm thượng”.

Tờ Petro Times nhận định: “Có thể thấy, việc ngang nhiên xuyên tạc khẩu hiệu của lãnh tụ đáng kính cho thấy sự yếu kém trong nhận thức, vô cảm với chính trị và mù mờ về kiến thức của chủ quán”.

Cũng Petro Times tiết lộ: “Thật buồn là nhiều bạn trẻ thường lui tới đây vì cho rằng quán có cách trang trí rất ‘độc’, rất ‘riêng’ mà không hề quan tâm tới những điều “thiêng liêng”, “quan trọng” đã và đang bị chủ quán làm cho méo mó.

Giống như nhiều bài báo phê phán những hành động hoặc hoạt động có màu sắc chính trị mà chế độ độc tài đảng trị không thích, Petro Times dẫn nhiều ý kiến của dân cư trong khu vực lên án hoạt động của cà phê “Cộng” ồn ào, “gây ô nhiễm môi trường do âm thanh” nhưng tất cả những ý kiến phê phán đó đều ẩn danh.

Lời của Lê Nin cũng được sửa lại trước khi kẻ thành khẩu hiệu treo trên tường của quán cà phê.

Trong cả hai bài của loạt phóng sự về “Cộng”, báo Petro Times còn phê phán kịch liệt nhà cầm quyền địa phương: “Điều đáng nói là những lộn xộn, hổ lốn ở “Cộng” diễn ra trong một thời gian dài, người dân phản ứng rất mạnh, chỉ có chính quyền là lờ đi như không có chuyện gì xảy ra. Có nhiều cách để lý giải cho vụ việc này, nhưng có một cách giải thích đơn giản nhất mà cũng thông dụng nhất: Chính quyền địa phương ‘bảo kê’, ‘nhắm mắt’ trước những việc làm lố lăng, phạm thượng!”

Trên Internet, nhiều facebooker tỏ ra tiếc vì không sống tại Hà Nội để đến thăm quán cà phê này sau khi xem qua loạt phóng sự về cà phê “Cộng” của Petro Times. Một số facebooker sống tại Hà Nội cho biết, sau loạt bài vừa đề cập, cà phê “Cộng” đông khách hơn và “ai đến cũng thích”. (G.Đ.)

………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics