1/ 2015 Biển Đông sẽ tiếp tục bị TQ khuấy động(RFI)2.Viện Khổng Tử:tuyên truyền và tình báo..(DLB)3.'VN có cơ hội lớn..&More

Năm 2015 Biển Đông sẽ tiếp tục bị Trung Quốc khuấy động
Nguồn:Trọng NghĩaRFI – Ngày 01-01-2015

Bien dong 2015.jpg1
Tàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng phun nước tấn công tàu Việt Nam tại Biển Đông trong vụ giàn khoan HD-981.DR

Trong các dự đoán về tình hình châu Á năm 2015 vừa bắt đầu, bi quan nhất vẫn là các nhận định về Biển Đông, được cho là sẽ tiếp tục bị các tranh chấp giữa Trung Quốc và các láng giềng, đặc biệt là với Philippines và Việt Nam, khuấy động. Theo ghi nhận của hầu hết các nhà phân tích, tương tự như trong năm 2014, Trung Quốc sẽ tiếp tục vai trò kẻ gây rối tại Biển Đông.

Trong bài viết trên báo mạng Nhật Bản The Diplomat công bố hôm qua, 31/12/2014, Biển Đông tiếp tục được xếp vào trong số 10 diễn biến tại Đông Nam Á cần phải theo dõi trong năm 2015, nhất là trong bối cảnh một nước trực tiếp can dự vào tranh chấp Biển Đông là Malaysia lên làm chủ tịch luân phiên ASEAN, đồng thời bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

The Diplomat : Một năm đầy sóng gió ở Biển Đông

Theo tác giả Prashanth Parameswaran, năm 2015 rất có thể sẽ tiếp tục là một năm đầy sóng gió, nếu căn cứ vào xu thế hiện nay : « Với những gì đã xảy ra trong vài năm qua, thì chớ dại bỏ Biển Đông ra khỏi danh sách (những sự kiện cần chú ý), mặc dù rất khó dự đoán chính xác sự việc sẽ diễn biến ra sao ».

Đối với chuyên gia này, trong số hai vấn đề cần đặc biệt theo dõi, trước hết phải xem các nước Đông Nam Á trong khối ASEAN – cả các nước có tranh chấp lẫn không có tranh chấp – điều chỉnh phản ứng của họ ra sao trước chiến lược càng lúc càng rõ ràng của Trung Quốc, vừa bành trướng trên biển bằng cách dần dần thay đổi nguyên trạng Biển Đông, vừa gắn chặt mình vào khu vực Đông Nam Á trên bình diện kinh tế.

Một diễn biến thứ hai cần chú ý là phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines nhắm vào Trung Quốc, sớm nhất là sau ngày 16/06/2015 là thời hạn chót mà Tòa án đã dành cho Bắc Kinh để trả lời luận chứng bổ sung mà Tòa đã yêu cầu Manila phải nộp trước ngày 15/03/2015.

Phán quyết của cơ chế trọng tài của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển có thể ảnh hưởng đến các diễn biến trên hiện trường, đặc biệt là đến việc các bên sử dụng công cụ pháp lý để tìm giải pháp cho các tranh chấp đang diễn ra.

Trung tâm nghiên cứu Mỹ CSIS : Biển Đông vẫn là điểm nóng

Dự đoán của The Diplomat cũng không khác gì so với nhận xét của một loạt chuyên gia Mỹ về Biển Đông. Trong tạp chí của nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, số ra ngày 23/12/2014, rất nhiều chuyên gia phân tích tên tuổi về Biển Đông đều không một chút nghi ngờ là Biển Đông sẽ tiếp tục là một điểm nóng trong năm 2015.

Bà Bonnie Glaser cho rằng bãi Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), ở vùng quần đảo Trường Sa đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc nhưng hiện do Philippines kiểm soát rất có thể trở thành điểm nóng.

Trên bãi cạn này có xác một chiếc tàu cũ do Hải quân Philippines cố tình cho mắc cạn vào năm 1999 để làm chỗ đóng quân cho một toán lính Thủy quân lục chiến làm nhiệm vụ canh gác. Trong năm 2014, lực lượng Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn không cho Philippines mang vật liệu xây dựng đến nơi để gia cố chiếc tàu.

Trong tình hình đó, chuyên gia Glaser thẩm định rằng, trong trường hợp mà chiếc tàu bị rệu rã và tuột khỏi bãi cạn này, lực lượng Trung Quốc có thể thừa dịp tiến chiếm luôn bãi cạn này, và vấp phải sự chống đối của hải quân Philippines.

Vùng Biển Đông cũng có nguy cơ bị khuấy động do việc Trung Quốc đưa giàn khoan trở lại. Theo giáo sư Chu Phong (Zhu Feng), vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào hoạt động trong vùng biển gần Việt Nam vào năm 2014 đã tạo ra căng thẳng cùng cực giữa Bắc Kinh và Hà Nội, trước khi tình hình tạm lắng dịu.

Tuy nhiên trong năm 2015, theo ông Chu Phong, « Trung Quốc có khả năng di chuyển giàn khoan dầu trở lại vùng biển tranh chấp, chắc chắn Việt Nam sẽ lại quấy rối hoạt động giàn khoan dầu của Trung Quốc ». Chu kỳ trả đũa lẫn nhau đó sẽ chỉ có thể chấm dứt khi hai bên đạt được thỏa thuận chính trị về việc cùng khai thác dầu trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Có điều là, theo giáo sư Chu Phong, trước mắt chưa thấy được một thỏa thuận như vậy ở chân trời.

……………………………………………………………

Viện Khổng Tử: cơ quan tuyên truyền và tình báo Trung Cộng

Nguồn:Trần Trung Đạo/danlambao

Viện Khổng Tử: cơ quan tuyên truyền và tình báo Trung Cộng

Khong Tu.jpg1

Trần Trung Đạo (Danlambao) – Lãnh đạo CSTQ đã và đang làm mọi cách để tồn tài bất chấp dư luận và thể diện của một đất nước có nhiều ngàn năm văn hóa. Sự lừa dối bỉ ổi thể hiện khi Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đến kiểm nghiệm điều kiện môi sinh tại Bắc Kinh vào năm 2001 trước khi chấp thuận cho Trung Cộng làm quốc gia tổ chức. Ngày trước đó, lãnh đạo Trung Cộng đã ra lịnh xịt nước xanh lên hai hàng cây dọc đường phố có đoàn xe của Ủy Ban Thế Vận chạy qua để đánh lừa họ rằng Bắc Kinh là thành phố cây xanh. Hành động này giống hệt chuyện xảy ra hơn nửa thế kỷ trước khi các lãnh đạo CS tỉnh Hồ Bắc cho dời các ruộng lúa ra sát đường nơi có xe lửa của Mao chạy qua để gây tượng cho Mao rằng mùa màng dư giả. Bản chất lừa dối của chế độ CS không thay đổi và một chế độ dựa trên lừa dối và khủng bố để tồn tại, chế độ đó sớm nay muộn rồi sẽ sụp đổ.

*
Các nước trên thế giới, dù nhỏ hay lớn đều muốn nhân loại biết đến những cái hay cái đẹp của nước mình. Viện Goethe (Goethe-Institut), đặt tên theo nhà văn và chính khách Đức Johann Wolfgang von Goethe, có 159 cơ sở hoạt động gần khắp thế giới để trao đổi văn hóa và ngôn ngữ. Viện Goethe tự trị về tài chánh và độc lập điều hành từ chính phủ Đức. Hội Liên Minh Pháp (Alliance Française) do một số trí thức Pháp trong đó có nhà khoa học Louis Paster, nhà văn JulesVerne, sáng lập từ 1883, có mặt trên 137 quốc gia với tổng số gồm 850 trung tâm cũng hoạt động độc lập với chính phủ Pháp.

Các nước Phi Châu tuy nghèo nàn, lạc hậu về kỹ thuật, bị thực dân xâm lược rồi nội chiến triền miên nhưng không phải vì thế mà họ không kiêu hãnh với nền văn hóa và cũng luôn tìm mọi cách để giới thiệu cùng nhân loại những nét đặc thù của dân tộc họ. Hiến chương Phục Hưng Văn Hóa Phi Châu được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn y ngày 24 tháng Giêng 2006 đã tạo điều kiện phục hưng các giá trị và giới thiệu văn hóa Phi Châu đến các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Ngày nay nhiều viện văn hóa Phi Châu do tư nhân tài trợ có mặt nhiều nơi trên thế giới.

Phát huy văn hóa là lẽ tự nhiên và đáng ca ngợi. Ngoài trừ những kẻ tự thu mình trong góc tối, sống trong ảo tưởng “quê hương mình là đẹp hơn cả” dù suốt đời không ra khỏi nhà để rồi trở nên ngày thêm u mê lạc hậu, phần lớn các lãnh đạo và con người trên thế giới đều biết trong cái riêng bao giờ cũng có cái chung, văn hóa của một dân tộc là một phần của văn minh nhân loại.

Thế nhưng, những khái niệm văn hóa, độc lập, tự trị, phi chính phủ của các trung tâm, các viện văn hóa nêu trên không áp dụng trong trường hợp các Viện Khổng Tử của Trung Cộng, bởi vì thực chất của các viện này chỉ là cơ quan tuyên truyền, tình báo và được đặt dưới sự lãnh đạo của Cục Tuyên Truyền Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuyên truyền là xương sống của chế độ CS. Từ khi thành lập đảng CSTQ năm 1921 đến nay, tuyên truyền luôn đóng một vai trò quyết định trong việc thực thi các chính sách của đảng. Cục Tuyên Truyền Trung Ương do Lý Trường Xuân, Ủy viên Bộ chính trị đứng hàng thứ năm làm Cục Trưởng.

Tại sao là Viện Khổng Tử mà không là Viện Mao Trạch Đông hay Viện Đặng Tiểu Bình?

Bản chất của CS từ Âu sang Á là giấu mặt và vận dụng ảnh hưởng của các nhân vật lịch sử trong đó Khổng Tử là một trong những nạn nhân.

Trong thời kỳ sau 1949 đến 1966, lãnh đạo Trung Cộng dựa vào Khổng Tử như biểu tượng của quyền hạn gia đình bởi vì trong giai đoạn đó Mao chủ trương phân tán quyền sở hữu đất đai xuống các đơn vị gia đình qua trung gian các chính sách cải cách ruộng đất và Bước Tiến Nhảy Vọt đầy thảm họa.

Mao ca ngợi Khổng Tử “nhiệm vụ của chúng ta là nghiên cứu các thành tựu lịch sử và đánh giá chúng với quan điểm Mác Lê. Trung Hoa có một lịch sử dài nhiều ngàn năm với đặc tính riêng và là những kho tàng quý báu… Chúng ta phải tổng hợp từ Khổng Tử đến Tôn Dật Tiên và kế thừa các truyền thống giá trị này”. Lưu Thiếu Kỳ còn đi xa hơn khi cho rằng Khổng Tử có nhiều đặc điểm của một người CS tốt.
Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, bao nhiêu thất bại, sai lầm của Mao đều được đổ lên đầu Khổng Tử khi chiến dịch Chống Bốn Cũ (nhận thức cũ, văn hóa cũ, truyền thống cũ, tập quán cũ) được phát động. Nội dung của Cách Mạng Văn Hóa được tóm tắt là “cái mới” chống “cái cũ” và trong đó Khổng Tử đại diện cho mọi “cái cũ” và biểu tượng của xã hội giai cấp. Không chỉ chống Khổng Tử về mặt tư tưởng mà cả đền thờ, di tích, sách vở đều bị đục bỏ hay đốt phá. Mao phát biểu “đọc sách nhiều quá sẽ làm tê liệt khả năng nhận thức”. Mục đích chống Khổng Tử của Mao là để đương đầu với sự thất bại kinh tế do chính y gây ra và chống lại những lãnh đạo thực tâm sùng bái Khổng Tử trong đó có Lưu Thiếu Kỳ. Kết quả, 60 phần trăm lãnh đạo CS các cấp bị thanh trừng qua nhiều hình thức.

Khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ ba, thế giới thay đổi và sẽ thay đổi một cách nhanh chóng trong thời gian tới. Sự toàn cầu hóa không chỉ diễn ra trong lãnh vực kinh tế mà cả văn hóa, xã hội. Nhân vật lịch sử cần được đánh bóng không phải là hai hồn ma CS Mao hay Đặng mà chính là Khổng Tử. Lãnh đạo Trung Cộng Hồ Cẩm Đào khi giới thiệu Khổng Tử đã ca ngợi ông ta chủ trương một “xã hội hài hòa”. Bộ máy tuyên truyền Trung Cộng in Luận Ngữ và là tác phẩm phát hành nhiều nhất ở Trung Quốc, và các ấn bản ngoại ngữ cũng được giới thiệu nhiều nơi trên thế giới.

Theo Giáo sư Gilbert Rozman thuộc khoa xã hội học, đại học Princeton, Trung Cộng “muốn thế giới nhìn vào lịch sử Trung Quốc và những vinh quang quá khứ để khuyến khích họ chấp nhận một Trung Quốc hiện nay nhiều hơn”. Phê bình quan điểm của Hồ Cẩm Đào, Giáo sư Perry Link, Ban Đông Á, đại học Princeton cho rằng có sự mâu thuẫn về căn bản là cái cách chính phủ Trung Cộng sử dụng Khổng Tử để đại diện cho văn hóa Trung Hoa hài hòa ở nước ngoài trong khi đó đảng áp dụng chính sách toàn trị hà khắc đối với người dân trong nước.

Lịch sử hình thành Viện Khổng Tử

Kế hoạch Viện Khổng Tử được chính thức ra đời vào tháng Sáu năm 2004. Sau vài lần thử nghiệm tại Uzbekistan, viện đầu tiên được khánh thành ngày 21 tháng 11 năm 2004 tại Seoul, Nam Hàn. Đến nay, 2014, đã có 480 Viện Khổng Tử rải rác khắp sáu lục địa. Lãnh đạo Trung Cộng tuyên bố vào năm 2020 con số Viện Khổng Tử sẽ lên đến một ngàn viện.

So với Hội Liên Minh Pháp (Alliance Française) được thành lập 131 năm trước, con số một ngàn đầy tham vọng và cấp bách của Trung Cộng rõ ràng không phải chỉ thuần mục đích văn hóa. Tạp chí The Economist nhận xét Viện Khổng Tử chỉ là “cơ quan nhà nước” CS và do đó chấp hành một cách nghiêm chỉnh các chủ trương của đảng. Với điều kiện thông tin ngày ngay, nhận xét của tạp chí The Economist có thể kiểm chứng một cách dễ dàng.

Các chức năng mặt nổi của Viện Khổng Tử

Theo tài liệu chính thức, Viện Khổng Tử là bộ phận của Hán Ban (汉办) “một cơ quan của Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ, một tổ chức không lợi nhuận, phi chính phủ, liên kết với Bộ Giáo Dục Trung Quốc” Nhiệm vụ công khai của Viện Khổng Tử là “giảng dạy Hoa ngữ ” và “đóng góp vào sự thành hình một thế giới đa dạng và hài hòa”.

Hán Ban, về cơ cấu trực thuộc Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ, trong thực tế chẳng phải phi lợi nhuận, tự trị gì mà do một lãnh đạo CS cấp trung ương điều hành. Chủ tịch Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ là bà Chen Zhili. Bà Chen sinh tháng 11 năm 1942, nguyên Cố Vấn Nhà Nước kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục Trung Cộng. Bà gia nhập đảng CSTQ năm 1961. Nguyên là Bí Thư đảng bộ Ban Khoa Học Kỹ Thuật Thượng Hải, sau đó được thăng cấp giữ chức Giám Đốc Ban Tuyên Truyền Thượng Hải kiêm Phó Bí Thư Ban Chấp Hành Đảng Bộ Thượng Hải. Từ năm 2008 bà Chen là Phó Chủ Tịch Quốc Hội Trung Cộng. Về cấp bậc đảng, bà Chen là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSTQ tại các đại hội 15, 16, 17 đảng CSTQ. Tổng giám đốc hiện nay của Hán Ban là bà Xu Lin, cấp thứ trưởng trong chính phủ, thành viên của Hội Đồng Nhà Nước và ủy viên Hội Đồng Tham Vấn Chính Trị. Điều đó cho thấy cả hai lãnh đạo Viện Khổng Tử đều là cán bộ tuyên truyền cao cấp chứ chẳng thuần túy văn hóa, ngôn ngữ gì.

Về tài chánh, theo Chinadigitaltimes, Viện Khổng Tử được sử dụng một ngân sách rất cao lên đến nhiều tỉ yuan và website của Viện Khổng Tử cũng được xếp vào một trong những website tốn kém nhất tại Trung Cộng. Bà Chen Zhili ra ngoại quốc được quyền sử dụng tiền bạc một cách rộng rãi so với các ngân sách giáo dục khác. Mặc dù rất ngạc nhiên trước thái độ yểm trợ tài chánh dồi dào của Trung Cộng, nhiều đại học quốc tế, kể cả Mỹ, cần tiền bảo trợ cho các chương trình Hoa Ngữ nên cũng không khó khăn lắm trong việc chấp nhận sự thành lập Viện Khổng Tử.

Các chức năng mặt chìm của Viện Khổng Tử

Thực hiện chủ trương tuyên truyền “sức mạnh mềm”: Theo Giáo sư Joseph Nye Jr., sức mạnh mềm được định nghĩa như là khả năng đạt được mục tiêu bằng ảnh hưởng, hợp tác với đối phương thay vì ép buộc đối phương phải tuân hành. Người viết đã phân tích chi tiết trong bài Từ Hồ Cẩm Đào đến Obama, bài học về chính sách Sức mạnh mềm (Soft power).

Joseph Nye Jr. tóm tắt quan điểm này trong tác phẩm Sức mạnh Mềm: Phương tiện để Thành công trong Chính trị Thế giới (Soft Power: The Means to Success in World Politics): “Một quốc gia có thể đạt được kết quả mong muốn trong chính trị thế giới bởi vì các quốc gia khác – khâm phục giá trị của nó, tích cực noi gương các thành tựu nó đạt được, khát vọng để đạt đến mức độ thịnh vượng và mở rộng của nó, muốn theo chân nó. Trong ý nghĩa đó, quan trọng là đặt ra một nghị trình và thu hút các quốc gia khác trong chính trị thế giới, và không chỉ buộc họ thay đổi bằng các đe dọa quân sự hay trừng phạt kinh tế.”
Cũng theo Joseph Nye Jr., sức mạnh mềm của một quốc gia đặt trên ba nguồn: văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại. Áp dụng chính sách sức mạnh mềm trong phạm vi thế giới đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chính sách tuyên truyền quốc tế của Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo Trung Cộng hiện nay.
Trung Cộng có hai đường lối tuyền truyền tương đối độc lập gồm tuyên truyền đối nội nhằm kiểm soát nhận thức người dân và tuyên truyền đối ngoại tập trung vào việc ảnh hưởng dư luận quốc tế một cách phù hợp với chính sách đối ngoại của đảng CSTQ. Tạp chí Economist giải thích các Viện Khổng Tử được sử dụng nhằm giành được sự đồng thuận của dư luận thế giới.
Mục đích cụ thể của đường lối tuyên truyền đối ngoại gồm (1) trấn an dư luận thế giới về một Trung Cộng đe dọa, (2) bảo đảm nguồn nguyên vật liệu cung ứng cho nền kinh tế tăng nhanh nhưng lãnh phí, (3) xây dựng các liên minh quốc tế và làm yếu vai trò của Đài Loan trong cộng đồng thế giới, và (4) phát huy một thế giới đa phương và giới hạn sức mạnh của Mỹ.
Khi Hồ Cẩm Đào công bố chủ trương áp dụng “sức mạnh mềm” trên thế giới đầu năm 2009, Lý Trường Xuân không giấu diếm khi cho rằng các Viện Khổng Tử là “cửa ngõ quan trọng để làm sáng danh văn hóa Trung Quốc, giúp mở rộng văn hóa Trung Quốc, đó là phần của chiến lược tuyên truyền quốc tế”.

Mặc dù luôn bào chữa là “khách quan”, “độc lập”, các vấn đề nhạy cảm như biến cố Thiên An Môn, Pháp Luân Công, Tây Tạng v.v. đều bị gạch bỏ khỏi các chương trình giảng dạy tại các Viện Khổng Tử và các học viên không được phép bàn đến các vấn đề này. Do đó, khác với nội dung do Joseph Nye phác họa, chính sách của CSTQ thực chất là một chính sách tuyên truyền và mua chuộc, tương tự như chính sách thực dân trước đây.

Hang ổ tình báo: Trung Cộng hiện có 60 triệu Hoa Kiều sinh sống gần như tại hầu hết quốc gia trên thế giới và việc sử dụng nguồn lực của đạo quân thứ năm này để phục vụ một cách hữu hiệu đường lối đảng là một quan tâm lớn của lãnh đạo Trung Cộng.

Tờ báo có uy tín của Mỹ Forbes, trong tháng 10 2014, tố cáo một trong những trường đại học rất uy tín tại Mỹ, đại học Stanford, đã hợp tác với Trung Cộng qua trung gian Viện Khổng Tử. Ngân sách của viện do Trung Cộng tài trợ. Tác giả bài viết trên Forbes trích lời phát biểu của Arthur Waldron khi nói rằng “Viện Khổng Tử có thể đóng vai trò then chốt trong việc ảnh hưởng chính sách tình báo của Trung Cộng”.
Cũng trên Forbes, tác giả Eamonn Fingleton, chỉ trích các trường đại học Mỹ bán rẻ lương tâm trí thức qua việc im lặng trước sự kiện Thiên An Môn. Lý do, tiền của Bộ Giáo Dục Trung Cộng đổ vào các đại học này một cách ồ ạt qua cửa Viện Khổng Tử. Hiện nay có khoảng 220 ngàn sinh viên Mỹ theo học các Viện Khổng Tử. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên và nguy hiểm là các hợp đồng giữa Bộ Giáo Dục Trung Cộng và các đại học Mỹ đều phải được giữ kín.
Theo Abrice De Pierrebourg, một cựu chuyên viên ngành tình báo Pháp, nhiều “chuyên viên ngôn ngữ Trung Quốc” lại có lý lịch gốc an ninh tình báo. Chức năng của những người này không phải là giáo dục mà là kiểm soát sinh viên gốc Hoa sinh ra ở nước ngoài và đồng thời tuyển dụng tình báo để làm việc cho Trung Cộng.
Phóng viên Omid Ghoreishi của báo The Epoch Times, trong điều tra Bắc Kinh Sử Dụng Viện Khổng Tử cho mục đích Gián Điệp (Beijing Uses Confucius Institutes for Espionage) đã trích dẫn lời của Michel Juneau-Katsuya, cựu Trưởng Cơ Quan An Ninh Tình Báo đặc trách Á Châu Thái Bình Dương của chính phủ Canada rằng với kinh nghiệm nhiều chục năm của ông hoạt động trong khu vực, cho thấy Trung Cộng không ngừng nỗ lực để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác.

Cũng theo lời ông Michel Juneau-Katsuya, đương kim chủ tịch chấp hành công ty an ninh Northgate SSI và một trong những chuyên viên an ninh được trích dẫn nhiều nhất tại Canada, Viện Khổng Tử là một đe dọa đối với chính phủ và nhân dân Canada. Ông khẳng định “Có những thông tin cho thấy rõ ràng các cơ quan tình báo Tây phương đã xác định Viện Khổng Tử như hình thức của cơ quan tình báo do Trung Cộng sử dụng và cũng do Trung Cộng tuyển dụng”.

Bài báo trên tờ The Epoch Times cũng nhắc lại lời tuyên bố của Hồ Cẩm Đào như một bằng chứng cho thấy các Viện Khổng Tử thực chất là hang ổ gián điệp. Họ Hồ phát biểu “Sau nhiều năm nỗ lực, chúng ta đã tìm ra cách để trồng cấy và chuẩn bị những người ủng hộ đảng chúng ta”. Dĩ nhiên các lãnh đạo Trung Cộng luôn bác bỏ những lời tố cáo của các chuyên viên tình báo quốc tế và uy tín như Michel Juneau-Katsuya.

Các lãnh đạo Trung Cộng hãnh diện khi nhắc đến Viện Khổng Tử như một phần của “mặt trận đoàn kết” chống kẻ thù. Nhưng kẻ thù của “mặt trận” này là ai? Không ai khác hơn là “năm nọc độc” gồm Đài Loan, Tây Tạng ly khai, thiểu số Uighurs, Falun Gong, các nhà tranh đấu dân chủ, và “thế lực thù địch Tây Phương” đứng đầu là Mỹ.

Một chế độ dựa trên lừa dối và khủng bố sớm muộn cũng sẽ sụp đổ

Mặc dù phát triển kinh tế nhanh trong hai chục năm qua, Trung Cộng đang đương đầu với những khó khăn khách quan về lâu dài không thể vượt qua bao gồm yếu tố dân số thặng dư và mất cân đối, y tế công cộng thiếu hụt trầm trọng, môi sinh độc hại nhưng quan trọng nhất vẫn là cơ chế chính trị độc tài toàn trị, bóp nghẹt hầu hết các quyền căn bản của con người và tham nhũng đã trở thành một đặc tính trong mọi ngành, mọi cấp từ trung ương đến địa phương.
Lãnh đạo CSTQ đã và đang làm mọi cách để tồn tài bất chấp dư luận và thể diện của một đất nước có nhiều ngàn năm văn hóa.
Sự lừa dối bỉ ổi thể hiện khi Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đến kiểm nghiệm điều kiện môi sinh tại Bắc Kinh vào năm 2001 trước khi chấp thuận cho Trung Cộng làm quốc gia tổ chức. Ngày trước đó, lãnh đạo Trung Cộng đã ra lịnh xịt nước xanh lên hai hàng cây dọc đường phố có đoàn xe của Ủy Ban Thế Vận chạy qua để đánh lừa họ rằng Bắc Kinh là thành phố cây xanh. Hành động này giống hệt chuyện xảy ra hơn nửa thế kỷ trước khi các lãnh đạo CS tỉnh Hồ Bắc cho dời các ruộng lúa ra sát đường nơi có xe lửa của Mao chạy qua để gây tượng cho Mao rằng mùa màng dư giả. Bản chất lừa dối của chế độ CS không thay đổi và một chế độ dựa trên lừa dối và khủng bố để tồn tại, chế độ đó sớm nay muộn rồi sẽ sụp đổ.

Trần Trung Đạo
danlambaovn.blogspot.com
_______________________

Tham khảo:
– Mao’s China, A history of the People ‘s Republic. The Free Press, NY 1977
– The New Chinese Empire, Ross Terrill, Basic Books, 2003
– Hiến chương Phục Hưng Văn Hóa Phi Châu ( CHARTER FOR AFRICAN CULTURAL RENAISSANCE), Unesco, 2006
– Chen Zhili http://en.wikipedia.org/wiki/Chen_Zhili
– Viện Khổng Tử (http://en.wikipedia.org/wiki/Confucius_Institute)
– Confucius and the Cultural Revolution: A Study in Collective Memory, Tong Zhang và Barry Schwarz, International Journal of Politics, Culture and Society, Vol. 11, Nọ 2, 1997
– Propaganda in the People’s Republic of China, WikipediA
– List of all Confucius Institutes in the U.S.
– Follow The (Chinese) Money: The Tiananmen Anniversary And A Scandalous Silence On U.S. Campuses
– Beijing Uses Confucius Institutes for Espionage
– Joseph S. Nye, Jr. Soft Power, Hard Power and Leadership,, Harvard University, 2006

……………………………………………………………………………………………………………………………………

‘VN đang có cơ hội lớn để thoát Trung’

Bai hoc thoat Trung

GS Nguyễn Đức Mai

Nguồn:BBC

Việt Nam đang có cơ hội hơn bao giờ hết so với lịch sử ‘cả nghìn năm qua’ nhằm trở nên độc lập hơn đối với quốc gia láng giềng Trung Quốc, theo quan điểm của một nhà nghiên cứu về văn hóa minh triết từ Hà Nội.

Trao đổi với BBC về xu thế bang giao Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2015, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Minh triết Việt Nam nói:

“Cả nghìn năm mình lệ thuộc Trung Quốc và bây giờ trong thời hiện đại thì mình đang có cơ hội để thoát ra.

“Tôi nói rằng tránh cái lệ thuộc chứ không phải là tránh mối quan hệ, bởi vì mình phải quan hệ với tất cả mọi người, huống gì là một anh láng giềng như vậy.

“Mình có thể là giữ quan hệ, phải quan hệ và có quan hệ tử tế thì mới có lợi ích của cả hai phía.

“Như thế tức là ta chỉ chống lại cái lệ thuộc, đừng buộc mình như là con ngựa phụ kéo theo, lẽo đẽo đi theo cỗ xe của chủ, thì không thực hiện điều này, mà mình phải tránh.”
‘Bài học lịch sử và khu vực’

Thực ra bài học của nhiều nước trong khu vực cũng đã rõ. Myanmar là một bài học lớn. Họ thoát Trung một cách thông minh, đàng hoàng và quyết liệt hơn mình, rất rõ. Và họ là nước ở sát Trung Quốc đấy
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai

Theo cựu Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu thuộc Ban Dân vận Trung Ương, Việt Nam đã có các bài học ‘minh triết’ rút ra từ trong lịch sử để giải quyết vấn đề:

“Cha ông mình nói rõ rồi. Trong nước thì khoan thư sức dân, nâng dân lên ở thế làm chủ thực sự, tạo ra thế để cho nhân dân làm ăn tự do, có quyền ngôn luận, quyền lập hội, quyền biểu tình, rồi đặc biệt là quyền sở hữu, trả lại cho dân,” ông Mai nói thêm.

“Như đấy là để cho nội lực của Việt Nam phát triển, xây dựng một thể chế cho nó dân chủ, văn minh và cải tạo đội ngũ cán bộ công chức, để họ thực sự là người phục vụ dân, phục vụ nước, chứ không phải đám ăn trên, ngồi chốc, phe nhóm và cướp quyền của dân như hiện nay…

“Còn đối ngoại thì phải đoàn kết với Asean, với Nhật, với Úc, với Ấn Độ, với Mỹ, với Tây Âu và phải tìm mọi cách để tận dụng được lợi thế mà họ có thể trao lại cho Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu, đã có nhiều nước trong khu vực là láng giềng với Trung Quốc hoàn toàn có thể cung cấp bài học tham khảo cho Việt Nam trong việc giữ độc lập đường lối và phát triển so với Trung Quốc.

Giáo sư Mai nói: “Myanmar là một bài học lớn. Họ thoát Trung một cách thông minh, đàng hoàng và quyết liệt hơn mình, rất rõ. Và họ là nước ở sát Trung Quốc đấy.

“Bây giờ những khả năng phát triển của họ là rất rõ. Hàn Quốc cũng ở sát Trung Quốc đấy, nhưng mà họ có bị lệ thuộc đâu. Cho nên đây là vấn đề lớn mà Việt Nam phải đối mặt,” nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

………………………………………………………………….

Quốc Hội Mỹ Tăng Cường Giám Sát Biển Đông
Nguồn:vietbao.com-26/12/2014

Vi Anh

Lâu nay lưỡng viện Quốc Hội Mỹ có ý kiến về vấn đề Trung Cộng xâm lấn Biển Đông, nhưng thường bằng cá nhân hay nhóm dân biểu nghị sĩ lên tiếng khuyến cáo hay nghị quyết không có tinh cưỡng hành đối với chánh phủ hay các bộ có liên quan. Khác với các lần trước, lần này, lưỡng viện Quốc Hội sử dụng sáng quyền lập pháp của mình, đưa ra một điều luật kèm theo trong đạo luật ngân sách năm 2015 để tăng cường sự kiểm soát, can dự của Quốc Hội vào vấn đề Biển Đông trước đà bành trướng ngày càng trầm trọng, ngang ngược của TC.

Tin cho biết ngày 13/12, khoáng đại Thượng Viện Mỹ đã chung quyết dự thảo luật ngân sách mà Hạ Viện đã biểu quyết thông qua và chuyển lên Thượng Viện. Và gần như ngay sau đó TT Obama đã ký ban hành thành luật ngân sách cho năm 2015. Như đã biết luật ngân sách là một đạo luật quan trọng nhứt trong năm, tổng hợp hết mọi bộ, nha, cục, vụ viện, thường do Hành Pháp dự thảo và tổng thống chuyển sang Quốc Hội. Quốc Hội lưỡng viện luôn dùng luật này để ảnh hưởng Hành Pháp. Thí dụ ngân sách năm 2015, Quốc Hội chỉ cấp ngân sách cho Bộ Nội An tới tháng Hai thay vì tới thàng 9 như các bộ khác vì Quốc Hội không đồng ý việc TT Obama sử dụng sắc lịnh là biện pháp hành chánh để hoãn trục xuất khoảng 5 triệu di dân nhập cư bất hợp pháp, điều mà theo quí vi dân biểu, nghị sĩ Cộng hoà cho là TT Obama vượt quyền lập pháp. Quốc Hội không cấp tiền thì Hành Pháp bó tay.

Nhưng TT Obama không phủ quyết ngân sách và ký ban hành ngay vì Quốc Hội phần lớn có thiện ý muốn tạo điều kiện dễ dàng cho TT điều hành chuyện nước việc dân trong khi chánh quyền phải đối phó với nhiều khó khăn, vụ Nga hậu CS xâm lấn Ukraine, TC hiện CS xâm lấn Á châu Thái bình dương, và phiến quân Nhà Nước Hồi giáo tàn bạo nổi lên ở Iraq và Syria.TT Obama trước mắt được việc lớn, khỏi lo chánh quyền bị đóng cửa từng phần như năm rồi vì Hạ Viện đa số thuộc Cộng Hoà không thông qua ngân sách, nên TT Obama ký một cái rẹt ban hành và cùng gia đình bay sang Hawaii quê nhà để trú đông và nghỉ cuối năm.

Điều khoản tăng cường giám sát Biển Đông của Quốc Hội kèm trong luật chi tiêu ngân sách, ở mục kinh phí quốc phòng 2015 qui định trong vòng 180 ngày kể từ thời điểm Dự luật chi tiêu ngân sách quốc phòng 2015 có hiệu lực, Bộ Quốc phòng Mỹ phải đệ trình một phúc trình lên Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện và Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về các hành động nhằm thay đổi hiện trạng của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông, cũng như những tác động của những hành động này của TC đối với lợi ích an ninh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Phúc trình phải đánh giá về ảnh hưởng của các chiến lược, năng lực hải quân và biển, vũ khí và công nghệ của Trung Quốc đối với chiến lược của Mỹ trong khu vực. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng phải trình bày rõ ràng những sáng kiến song phương hoặc khu vực về xây dựng năng lực biển hoặc hải quân tại Châu Á-Thái Bình Dương.

Quốc hội Mỹ cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng thông báo thường niên về ảnh hưởng của các hoạt động giao lưu quân sự Mỹ-Trung trong việc làm giảm nguy cơ tính toán sai lầm và căng thẳng tại Biển Đông và Hoa Đông, đặc biệt là trong các vụ liên quan đến Trung Quốc.

Có thể nói Quốc Hội phải dùng một thủ tục khá đặc biệt như vậy vì tình hình Biển Đông do TC gây ra trở thành mối lo lớn nếu không nói là mối đe doạ của TC đối với chính Mỹ khi Mỹ chuyển trục quân sự và Á châu Thái bình Dương và đồng minh của Mỹ như Nam Hàn, Nhựt hiện hai nơi này còn gần cả trăm ngàn quân nhân Mỹ trú đóng.

Chính TT Obama cũng đang điều chỉnh nhân sự lãnh đạo của Bộ Quốc Phòng để thích nghi với Quốc Hội mới mà đối lập Cộng Hoà chiếm đa số ở lưỡng viện. TT Obama đồng ý Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel từ chức và đề cử Ông Ashton Carter, Cựu Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng lên thay thế. Ô Hagel là một cựu thượng nghị sĩ của Đảng Cộng Hòa, nhưng quá độc lập, nhiều khi thảo luận biểu quyết không khớp với lập trường của Khối Cộng Hoà lắm. Còn đối với Bộ Tham Mưu thân cận và Hội Đồng An ninh của TT Obama, Ông cũng không phải là người thân tín, không có đường dây đi thẳng. Và đối với hàng tướng lãnh trong bộ tổng tham mưu Quân Lực và viên chức cao cấp trong bộ, Ông có nhiều bất bất đồng ý kiến khi Ông quyết liệt giảm quân và giảm ngân sách quốc phòng.

Còn Ô. Carter được đề cử thay là nhân vật kiên trì ủng hộ TT Obama nói chung và chính sách chuyển trục quân sự về Á châu của TT Obama nói riêng. Thêm vào đó Ông Carter là một nhà quản trị giỏi, rất cần cho Bộ Quốc Phòng đang trong thời kỳ kiệm ước. Ông đã chứng tỏ khả năng đó trong thời làm thứ trưởng quốc phòng.

Và lập trường của hai đảng Cộng Hoà, Dân Chủ đối với Á châu Thái bình dương không mâu thuẫn mà nhiều đồng thuận. Quốc Hội với Cộng Hoà đa số “We support our troops” và chủ trương Mỹ hùng mạnh trên thế giới nên dễ ủng hộ chiến lược Mỹ chyển trục sang Á châu Thái bình dương và chủ trương thành lập hiệp ước đối tác xuyên Thái bình dương. Đầu năm 2015, Chủ Tịch Uỷ Ban Quốc Phòng Thượng Viện sẽ vào tay TNS McCain, người đã kêu gọi Thượng Viện ra nghị quyết yêu cầu TC rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN và vận động Mỹ bán vũ khi sát thương cho VN.

Và quan trọng nhứt TC bây giờ không còn là đối tác mà là đối thủ đáng gờm của Mỹ. Thời đại này chiến tranh nặng về không chiến và hải chiến. Dù tạp chí Mỹ National Interest (ngày 09/12) đánh giá Mỹ vẫn còn đứng hàng đầu về không lực với hai loại chiến đấu cơ tàng hình F-22 và F-35 tân tiến và vô địich và với 5.600 phi cơ trong tay, còn dự định mua thêm 1.763 máy bay chiến đấu F-35 và có khả năng mua đến 100 oanh tạc cơ Long-Range Strike Bomber.

Nhưng Không quân TC đã vọt lên hạng tư, cao hơn Nhựt với tổng cộng 1321 chiến đấu cơ các loại, 134 oanh tạc cơ hạng nặng, 700 trực thăng chiến đấu. TC có vũ khi đủ sức tấn công vào nội địa Mỹ là điều nhiều tổ chức chuyên môn, độc lập trên thế giới sưu khảo, phân tích, công bố công khai. Máy bay TC đủ sức cất cánh từ Trung Quốc bay thẳng đến tấn công các căn cứ Mỹ tận đảo Guam.Tàu lặn tàng hình của TC có len lỏi vào phục kích sát bờ biển của TC. Ủy ban Xét duyệt quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung của Hoa Kỳ báo cáo cho Quốc hội Mỹ vào tháng 11 vừa qua, rằng TC sắp trang bị cho loại tàu lặn gọi là «tàng hình» của họ những hoã tiễn JL-2 có đầu đạn nguyên tử, và nhất là có khả năng bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Mỹ là đệ nhứt siêu cường lâu năm, quyền lợi bàng bạc khắp thế giới, nên phải trải mỏng quân lực, và quân lực lúc nào cũng phải sẵn sàng cho hai ba mặt trận. Hai năm qua Mỹ chuyển trục quân sự sang Á châu Thái bình dương. Chuyển 60% hải lực trên thế giới về Á châu. Nhưng Mỹ gặp thời kỳ suy trầm kinh tế dài hạn, nợ nần chống chất nên Quốc Hội phải kiệm ước ngân sách, ngân sách quốc phòng bị giảm 500 tỷ trong 10 năm. Trong thời gian này rất khó tăng quân, thêm khí tài, khó sản xuất những phương tiện chiến tranh quan trọng mới để vào sữ dụng.

Trong khi đó từ khi tăng trưởng được kinh tế, Trung Cộng tăng ngân sách quốc phòng với hai con số. TC đã, đang và sẽ tăng ngân sách quốc phòng, hiện đại hoá quân đội, trở thành đối thủ đáng gờm của Mỹ và đang tranh giành thế hải thượng của Mỹ và giành giựt biển đảo của các nước láng giềng Á châu Thái bình dương. Do vậy, Mỹ không thể không lo. Quyết định của Quốc Hội Mỹ tăng cường giám sát Biển Đông là vì thế./. (Vi Anh)

……………………………………………………

Tinh Thần Bất Khuất Của Việt Nam Phục Hoạt
Nguồn:vietbao.com-22/12/2014

Vi Anh

Không có tinh thần đảng phái nào cao hơn tinh thần quốc gia dân tộc. Không có tinh thần đấu tranh, chiến tranh nào mạnh dạn, bền vững hơn tinh thần bất khuất đánh đuổi quân xâm lược. Quân dân tổ tiên, anh hùng liệt nữ tiền bối VN đã chống quân Tàu 1.000 năm trong lịch sử 4.000 năm, tức cứ 4 năm người Việt chống quân Tàu 1 năm. Với tinh thần bất khuất đó nếu cần người Việt đương đại và cháu con mai hậu, tiếp tục chống, đánh quân Tàu đôi ba thế hệ nữa cũng chẳng sao. Nhiều dấu chỉ cho thấy tinh thần bất khuất chống quân Tàu Cộng đã bắt đầu phục hoạt, thể hiện bằng hành động trong mặt trận Biển Đông, ngoài biển và trước Toà Án Trọng Tài Về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Một ngoài Biển Đông. Mấy tháng trước lực lượng bán quân sự cảnh sát biển của VN đã tung ra hàng mấy chục chiếc tàu vừa dùng chiến tranh tâm lý xác định chủ quyền của VN vừa dùng chiến thuật phá đội hình của hàng trăm tàu cảnh sát, tàu hải quân của TC theo bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 của TC xâm phạm vùng đặc quyên kinh tế của VN. Hành động bất khuất tự vệ chánh đáng giang sơn gấm vóc của VN được nhiều nước trong vùng và nhứt là Mỹ đệ nhứt siêu cường ủng hộ. Thượng Viện Mỹ ra nghị quyết yêu cầu TC phải rút đi. Mỹ còn hứa bán từng phần vũ khí sát thương cho VN, giúp huấn luyện Hải quân cho VN để kiểm soát hải phận. Và không bao lâu sau TC rút giàn khoan và cho Phó Thủ Tướng Dương khiết Trì sang hoà dịu với VN.

Và mới đây, tờ Vượng báo tại Đài Loan ngày 13/12/2014 loan tin và hình hai chiến hạm thuộc loại hiện đại, Đinh tiên Hoàng và Lý Thái Tổ của Việt Nam và chiến hạm Thường Châu của TC ngày 11 tháng 12, năm 2014 đã ở trong tư thế gờm nhau tại vùng biển gần Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), thuộc quần đảo Trường Sa. Phía VN hai tống hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý thái Tổ có hoã tiễn tàng hình thuộc lớp Gepard của Nga. Phía TC là khu trục hạm Thương Châu lớp 053 có hoã tiễn dẫn đường.Theo trang web Anh ngữ Want China Times cho biết chiếc Thương Châu của đã được phái đến khu vực quanh bãi Gạc Ma để bảo vệ nhân công Trung Quốc đang làm việc tại chỗ. Còn Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ là hai chiến hạm tân tiến nhứt của VN, đi thăm hữu nghị 3 nước Brunei, Indonesia và Philippines. Hai chiến hạm này cũng đã ghé đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) thuộc Trường Sa đang do Việt Nam kiểm soát để thăm hỏi binh lính Việt Nam đồn trú tại đấy. Khi thấy chiến hạm của VN thì chiến hạm TC ra đối đầu. Chiến hạm VN mở đội hình nghinh chiến gườm lại, nhưng rồi tránh nhau sau đó.

Hai, tại Toà án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Thông tấn xả Reuters của Anh đánh đi khắp thế giới cho biết ngày 11/12/201, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết là Hà Nội đã nạp tại Toà án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (ITLOS), tại La Haye (Hà Lan), quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam tại Biển Đông. Dù đây chỉ là “tuyên bố quyền lợi” (statement of interest). Việt Nam yêu cầu Tòa án, khi xem xét đơn kiện Trung Quốc của Philippines, nên “quan tâm thích đáng” đến quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại các vùng Hoàng Sa, Trường Sa, và trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. VN minh thị tuyên bố “Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “đường đứt đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra”.

Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, trả lời phỏng vấn của RFI, Ông cho việc làm này của VN là mở đường tham gia vụ kiện của Philippines dù không trực tiếp đứng ra kiện Trung Quốc. Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ cho việc Việt Nam công bố lập trưởng trên vụ kiện là một động thái cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc kiện Trung Quốc trong tương lai,

Ba, Mỹ càng ngày càng ngăn chận TC ở Á châu Thái bình dương. Bộ Ngoại Giao Mỹ lần đầu tiên tuyên bố bản đồ hình lưởi bò liếm 80% Biển Đông là phi pháp, phi lý. Tài liệu 24 trang của Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố rõ «Trung Quốc đã không làm rõ bằng luật lệ, tuyên cáo, hoặc văn kiện chính thức nào khác các cơ sở hay bản chất pháp lý của các yêu sách liên quan đến tấm bản đồ với đường gián đoạn». TQ không có cơ sở pháp lý nào cho việc đòi chủ quyền lịch sử. Và đáng lưu ý tài liệu này Mỹ công bố 2 ngày trước khi VN nộp bản “tuyên bố quyền lợi” cho Toà Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Và Quốc Hội Mỹ cũng lần đầu tiên kèm một điều luật vào trong đạo luật ngân sách 2015, buộc Bộ Quốc Phòng phải báo cáo tình hình và biện pháp cần thiết đối với Biển Đông cho Quốc Hội. Về các hành động nhằm thay đổi hiện trạng của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông, cũng như tác động của những hành động này đối với lợi ích an ninh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Tường trình phải đưa ra những đánh giá về ảnh hưởng của các chiến lược, năng lực hải quân và biển, vũ khí và công nghệ của Trung Quốc đối với chiến lược của Mỹ trong khu vực. Luật ngân sách có điều khoản giám sát chặt TC ở Á châu Thái bình dương đó Quốc Hội đã thông qua và TT Obama đã ký thành luật để thi hành rồi cho niên khoá 2015.

Bốn và sau cùng, tinh thần bất khuất của người Việt phục hoạt là nhờ cuộc đấu tranh có máu, nước mắt, mồ hội, tù đày của người Việt trong ngoài nước. Quyền lực mềm của người dân Việt đã xói mòn chủ nghĩa CS vô Tổ Quốc ngoại lai ngay trong chế độ CS đang cầm quyền. Nhà Nước VN hầu như tách ra xa Đảng CS trong vấn dề Biển Đông vì Đảng tỏ ra quá lệ thuộc TC. Và cộng đồng thế giới thấy TC là một chế độ gây hấn, xâm lược, thực dân kiểu mới, tai hại cho an ninh, hoà bình của Nhân Loại./.(Vi Anh)

………………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics