1.Bạch Yến,đem "đêm đông" đến cùng khắp nhân gian(DTL)2.Chủ trương giữ quốc tịch..(NV)3.Phận đời nhà trọ Sài Gòn(Văn Lang)

Bạch Yến, đem “đêm đông” đến cùng khắp nhân gian.
Nguồn:dutule.com- 04/30/2014

Tác giả : Du Tử Lê
(Tiếp theo kỳ trước).

Bach Yen 1

Người danh ca mang tài năng, nhân cách và chiếc áo dài, như một nữ đại sứ văn hóa đầu tiên của tổ quốc Việt, bước ra giữa quảng trường nghệ thuật thế giới, đã rất chân thật khi nghĩ rằng:

“…một đám cưới chưa có giấy đăng ký kết hôn thì việc chia tay cũng dễ dàng!…”

Nhưng định mệnh mới là ngọn hải đăng chỉ rõ đường bay của hạnh phúc (hay bất hạnh) trăm năm. Như đoản văn dưới đây của Nguyễn Hằng ghi nhận về cuộc tình định mệnh mang tên Bạch Yến-Trần Quang Hải:

“…Vậy là tính từ hôm họ gặp nhau sau gần 20 năm đến hôm tổ chức hôn lễ là tròn 15 ngày. Hôm đó, Trần Quang Hải bí mật mượn nhà người bạn chuẩn bị tiệc cưới nhỏ với rượu, ít bánh ngọt và trái cây. Đám cưới quá giản dị nhưng đầm ấm, rộn tiếng cười với sự tham dự của nhiều bạn bè nghệ sĩ. Quà cưới tặng đôi tân lang tân nương cũng đậm giá trị về tinh thần như một bức tranh, một bài hát, vài khúc thơ tình tứ… Nhưng ấn tượng nhất với Bạch Yến là ca khúc Tân hôn dạ khúc, Trần Quang Hải sáng tác tặng vợ mới cưới trong ngày hôn lễ. ‘Tối hôm nay ngày vui chúng mình / Hát bên nhau hạnh phúc dạt dào / Từ nay, từ nay vui sống trăm năm / Ước mơ nay tình yêu đã thành / Hứa cho nhau dù bao khổ sầu / Gần nhau, gần nhau nguyện sống bạc đầu’…” (6)

Và, cuộc tình định mệnh kia cũng đã mở một chân trời mới, khác nữa, cho con chim quý, Bạch Yến, cất tiếng hát đầu tiên, từ vòm trời VHNT miền Nam, hai mươi năm.

Theo trang mạng amnhacviet.net thì:

“…Lúc Bạch Yến tái ngộ Paris cũng là lúc cuộc sống và sự nghiệp của Bạch Yến bước vào một giai đoạn mới cực kỳ quan trọng với sự gặp gỡ nhạc sĩ kiêm nghiên cứu nhạc dân tộc, học giả Trần Quang Hải, sau trở thành phu quân của Bạch Yến. Trần Quang Hải thuyết phục Bạch Yến trở về với nhạc dân tộc Việt Nam và kết quả là hai người đã cùng nhau trình diễn trên 3,000 buổi hát dân ca khắp cả năm châu, mặc dù thỉnh thoảng Bạch Yến vẫn hát tân nhạc để đáp lại tấm thịnh tình của những người hâm mộ mình. Hai người đã thâu chung 8 dĩa hát 33 vòng, và một CD với một đĩa trong đó được giải Grand Prix du disque de l’Académie Charles Cros năm 1983.

“Là một ca sĩ đa tài, Bạch Yến đã có công đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền ca nhạc Việt Nam và nhất là giới thiệu và phổ biến nhạc Việt Nam với người ngoại quốc…” (7)

Trở lại với Bạch-Yến, người ca sĩ sớm nổi tiếng với ca khúc “Đêm Đông”, không chỉ ở Việt Nam mà khắp năm châu; ngay cả ở những nơi chốn không một tài năng ngoại khổ nào không muốn chí ít, có được một lần xuất hiện là Hollywood và Las Vegas.

Trước nhất, theo ghi nhận của tôi thì, dường như bất cứ một ca khúc bất hủ nào, cũng giống như một đỉnh ngọn nghệ thuật chót vót, mang tính quyến rũ kỳ bí, khiến không một ca sĩ, dù thuộc thế hệ nào, không muốn thử thách, chinh phục bằng tài năng và, tất cả tự tin của họ.

Cũng thế “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương (1919-2002) – – Một trong những đỉnh ngọn tân nhạc tiền chiến. Tôi muốn nói không chỉ riêng Bạch Yến và, cũng không phải Bạch Yến là người đầu tiên đem “Đêm đông” thả vào tâm hồn khách thưởng ngoạn. Mà ngay từ thời tiền chiến, sau khi nhạc phẩm này ra đời, Ngọc Bảo, nam ca sĩ nổi tiếng thời đó đã chọn để trình bày. Kế tiếp, sau Bạch Yến là những ca sĩ đã thành danh như Lệ Thu, Lê Dung, Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng, cùng rất nhiều ca sĩ nổi tiếng khác…

Kế đến, vẫn theo tôi, nếu ở nhiều lãnh vực khác, như lãnh vực thể thao, leo núi… các kỷ lục lần lượt bị xóa bỏ, vượt qua những tài năng mới thì, ở lãnh vực nghệ thuật, lại có những thành tựu, một khi đã được “công-chứng” bởi đám đông và thời gian, dường như không một tài năng nào có thể xóa bỏ vị trí “bất khả bại” của cá nhân ấy.

Điển hình cho trường hợp này, chính là Bạch Yến với “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương.

Vinh dự hơn thế nữa, khi Bạch Yến còn được cha đẻ của ca khúc “Đêm Đông”, Nguyễn Văn Thương, bày tỏ sự khâm phục, lòng biết ơn của ông. Đồng thời tác giả cũng xác nhận, vì Bạch Yến mà ông đã đổi nhịp điệu đầu tiên của ca khúc từ Tango qua Slow Rock. Sự kiện hãn hữu này, đã được Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia, tiêu đề “Đêm Đông”, tiểu mục “Ca sĩ và Phong cách thể hiện” ghi lại như sau:

“…Ca sĩ Bạch Yến có công lớn trong việc đổi mới phong cách thể hiện bài hát này.

“Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, lúc bài hát ra đời chỉ mới có các nhịp điệu như Foxtrot, Valse, Tango,… mãi sau năm 1950 mới có Slow Rock. Lúc ban đầu Đêm Đông mang giai điệu Tango. Chính ca sĩ Bạch Yến đã đổi Đêm Đông từ Tango sang Slow Rock. Trong thư của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương kể về việc lần đầu tiên ông gặp ca sĩ Bạch Yến tại Pháp năm 1982, ông viết: Tôi muốn nói là cám ơn Bạch Yến rất nhiều về sự đóng góp đầy ý nghĩa trong cách thể hiện tác phẩm của tôi. Và cũng đã từ lâu, sau khi nghe băng của Bạch Yến hát, tôi đã bỏ chữ ‘Tango’ để thay vào đó là ‘Slow Rock’…”

Tôi không biết có phải ở tuổi 15, tâm hồn như tờ giấy chậm, lưu giữ, mẫn cảm với mọi cảnh đời, nhất là cảnh đời ngặt nghèo của chính gia đình Bạch Yến thời gian đó, nên chị đã không chỉ hát mà, còn sống thực với từng con chữ có trong ca từ “Đêm Đông” như:

“Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình, yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà…”

Theo tôi, cũng có thể thanh quản của người “ca-sĩ-ở-cùng-khắp-nhân-gian” này, đã được thượng đế ban cho những tế bào đặc biệt, ứng hợp, tương thích với Đêm Đông… Để nhiều chục năm sau, chị đã đem “Đêm Đông” ca khúc, từ đông sang tây, nói hộ cho tâm cảnh bơ vơ của thân phận con người, căn bản vốn cô đơn, thất lạc giữa mênh mông vũ trụ và, đồng loại?

Du Tử Lê

(Còn tiếp một kỳ).

________

Chú thích:

(6) Bđd.
(7) amnhacviet.net (Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia).

…………………………………………..

Chủ trương giữ quốc tịch, viên đạn không trúng đích
Nguồn:nguoiviet.com-Monday, April 07, 2014

ducLê Diễn Ðức

Sống ở nước ngoài đã gần ba mươi năm, nửa đời người, tiếng bản địa nói như gió, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, phong tục tập quán nước sở tại không gì là không biết, thế mà tôi vẫn giữ hộ chiếu Việt Nam, kể cũng là lạ.

Tôi là người đi ngao du thiên hạ khá nhiều, từ Âu qua Á, tới Canada, Mỹ và Australia, cầm cái hộ chiếu Việt Nam mới thấy sự thể bất tiện và khổ sở thế nào. Những năm trước đây, đi đâu cũng phải xin viasa, rất bị động về thời gian. Trong làm ăn buôn bán, có những lúc cần phải lên đường ngay để xử lý mẫu mã, ký kết hợp đồng, cho hàng xuất xưởng lên tàu đúng hẹn, thế mà bị ngưng trễ vì visa, bực bội hết cỡ.

Tuy nhiên với tôi còn đỡ, vì mang hộ chiếu Việt Nam nhưng có thẻ định cư nên xin visa không đến nỗi vất vả, chỉ mất thời gian và tốn tiền. Nhưng mà cũng rắm rối, phức tạp, công ty phải hoạt động ngon lành, lương bổng khá, tài khoản phải có ít tiền, bảo hiểm đầy đủ, có nhà cửa, v.v… Mỗi lần đi là mỗi lần chuẩn bị đủ thứ giấy tờ, đôi khi quá thừa!

Vào năm 2007, biên giới trong không gian Schengen mở, chỉ cần sống hợp pháp ở bất cứ nước nào ở Châu Âu là có thể tự do đi lại trong 27 nước Châu Âu, tạo ra cơ hội lớn cho người Việt. Rồi Hiệp Hội Các Nước Ðông Nam Á (ASEAN) cũng làm tương tự. Như vậy có giấy tờ cư trú hợp pháp ở Châu Âu, cầm hộ chiếu Việt Nam đi lại không còn khó khăn nữa, trừ phi qua Mỹ, Úc, Canada hay Anh Quốc.

Cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở Mỹ và các nước tư bản khác nằm trong bối cảnh đặc biệt. Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, hàng triệu người bỏ nước, chạy trốn khỏi chế độ cộng sản. Vượt rừng, vượt biển, hàng trăm ngàn người tử vong, mất tích, họ đến được bến bờ của các nước tự do, không một mảnh căn cước.

40 năm lập nghiệp nơi đất người, họ đã ổn định, có thẻ định cư, hầu hết mang quốc tịch của nước sở tại, con cái sinh ra cũng vậy. Khi nhận quốc tịch nước khác, một số quốc gia như Pháp, Mexico, Ba Lan, Nga, Thụy Sĩ, Canada, Anh Quốc,… cho phép công dân giữ quốc tịch gốc, còn một số quốc gia như Áo, Úc, Tây Ban Nha, Thụy Ðiển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hòa Lan, Philippines, Trung Quốc… thì đương nhiên bị mất quốc tịch gốc. Ở Mỹ dù có đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam hay không thì trên nguyên tắc, khi tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ xem như đã từ bỏ quốc tịch gốc. Luật pháp Hoa Kỳ không công nhận song tịch nhưng cũng không cấm giữ song tịch. Cho người Việt Nam giữ quốc tịch Việt Nam hay không là do luật pháp của Việt Nam.

Một người có thể mang nhiều quốc tịch, nhưng về nguyên tắc vào lãnh thổ của một nước bằng hộ chiếu quốc gia nào thì được nhà chức trách xem người đó là công dân của nước cấp hộ chiếu.

Những người Việt tị nạn cộng sản khi về Việt Nam thăm gia đình, làm ăn hay du lịch thường xin chiếu khán nhập cảnh và không gặp khó khăn gì, trừ những trường hợp thuộc diện “persona non grata” (không mong muốn) đối với nhà cầm quyền, vì dịch vụ này được giải quyết qua đường bưu điện. Trong tiềm thức của họ dường như chẳng nghĩ đến một cuốn hộ chiếu Việt Nam, vì không thấy cần thiết, nhất là khi Việt Nam vẫn là nước cộng sản. Hơn nữa, mang quốc tịch của nước bản xứ là gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ công dân sở tại. Các chính sách an sinh xã hội, hưu trí, trợ cấp nghèo, tuổi già, tàn tật, chăm sóc y tế được bảo đảm bởi nhà nước, khác với những người chỉ thuộc diện thường trú nhân. Hạn hữu một số người tuổi già hoặc có hoàn cảnh phải về nước thường xuyên, họ mới đăng ký xin giữ quốc tịch Việt Nam, cũng chỉ để đi lại thuận tiện mà thôi, nhưng nhìn chung vẫn giữ quốc tịch của nước sở tại.

Ðến đầu năm 2014 trong số xấp xỉ 4.5 triệu người Việt sống ở ngoại quốc, có khoảng 6,000 ngàn người ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam. Nhưng nếu lấy con số 6,000 chia cho 4.5 triệu người để ra tỷ lệ tổng thể 0.13%, tức 1,000 người thì chỉ có 1.3 người đăng ký, là không chính xác.

Thực tế, trong 4.5 triệu người nói trên, những người cầm hộ chiếu Việt Nam còn thời hiệu khá đông đảo.

Như trường hợp tôi là một thí dụ. Còn hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người Việt Nam lao động, làm ăn, sinh sống khác vẫn mang hộ chiếu Việt Nam. Một đối tượng kém quan trọng hơn là số người Việt cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong số người này, một số vẫn cầm hộ chiếu Việt Nam, số khác không có (hoặc hộ chiếu đã hết hạn) có thể đăng ký giữ quốc tịch, xin cấp hộ chiếu hoặc giấy thông hành khi có nguyện vọng về nước hoặc để giải quyết thủ tục cư trú.

Dịch vụ xin giữ quốc tịch, thay vì đơn giản hóa, văn minh, lẽ ra phải được thực hiện trên Internet (Online.)

Bằng cách này chắc chắn sẽ thu hút người đăng ký nhiều hơn. Ngoài ra, không ít người e ngại cho rằng, đây có thể là một kiểu thu thập thông tin của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Như vậy, chính sách xin giữ quốc tịch rõ ràng không hiệu quả đối với cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản, nhưng không nhất thiết đối với số còn lại bị o ép về hoàn cảnh.

Cộng đồng tị nạn cộng sản được nhà cầm quyền xác định như là “khúc ruột ngàn dặm,” một bộ phận không thể tách rời của dân tộc và có tiềm năng phong phú về chất xám, kiều hối, v.v…

Chính sách đăng ký giữ quốc tịch nhắm vào họ thực chất là một cách chiêu dụ:

“Ngày đi đảng gọi Việt gian
Bây giờ được đảng đổi sang Việt kiều

Khi đi phản động trăm điều
Khi về thành khúc ruột yêu ngàn trùng.”
(Thơ dân gian)

Trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói riêng và Ðông Âu nói chung, lo liệu giấy tờ để có thể sống hợp pháp là cả một câu chuyện dài như thế kỷ. Tốn tiền bạc, xoay xở bằng mọi cách, người ta vẫn cứ cố gắng.
Có được cái giấy tạm trú có thời hạn, phấn đấu kiên trì để chuyển sang định cư, rồi sau năm hoặc hơn xin nhập quốc tịch, dường như là mơ ước và mục đích phải đi tới của đa số.

Trong bài thơ “Chợ đời” của tôi viết năm 2000, có đoạn:

“Vì quốc tịch định cư người ta mua vợ mua chồng,
Mua họ đổi tên để trẻ thơ thành con kẻ khác
Sự thật trớ trêu chẳng thể nào tin được
Người ta mua cả cha cho đứa con chưa kịp ra đời
Khung giá hình thành, dịch vụ lên ngôi”…

Chuyện “chạy” giấy tờ của cộng đồng người Việt ở Ðông Âu từ vài năm nay bắt đầu lan sang Mỹ, Canada, Úc, v.v…

Người Việt trong nước (không thuộc diện liên quan tới tị nạn cộng sản) sang các nước tư bản với nhiều lý do khác nhau tìm cách ở lại, phổ biến nhất bằng việc kết hôn giả với giá từ hai đến ba chục ngàn USD. Dù luật di trú của các nước, nhất là Mỹ, rất khắt khe, có thể phạt tù, phạt tiền (khoảng 200 ngàn USD,) tước lại quốc tịch, nếu phát hiện, nhưng đa phần trót lọt. Những người này “kiếm” cái thẻ thường trú nhân, rồi cả quốc tịch, nhưng thường vẫn giữ hộ chiếu Việt Nam.

Thực ra hộ chiếu chỉ là một phương tiện, mang quốc tịch nào thì đã là người Việt thì vẫn là người Việt, bởi vì khó được bỏ thói quen ăn cơm và dùng nước mắm.

Nếu như Việt Nam là một nước bình thường, giữ quốc tịch Việt Nam song song với quốc tịch khác là một điều bổ ích, rất thuận lợi cho việc đi lại. Xấu hổ nhất bây giờ là trên hộ chiếu Việt Nam ghi dòng chữ “Socialist” (Xã hội Chủ nghĩa).

Chữ “Socialist” này ra đời từ thời Tổng Bí Thư Lê Duẩn. Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, hung hăng và kiêu ngạo chiến thắng, Lê Duẩn đã cho đổi tên nước theo kiểu Liên Xô. Ðiều 4 khẳng định sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng được đưa vào Hiến Pháp trong giai đoạn này. Tuyên bố đất nước vĩnh viễn không còn bóng quân xâm lược của ông ta đã bị nhổ toẹt bằng cuộc chiến tranh đánh phá sáu tỉnh biến giới phía Bắc của Trung Quốc năm 1979 và cuộc xâm chiếm quần đảo Trường Sa năm 1988. Mưu toan một cuộc xâm lược mềm hiện tại còn khủng khiếp và thâm độc hơn cuộc chiến bằng súng đạn, đang biến Việt Nam thành chư hầu của Bắc Kinh.

Vào năm 2013 khi thảo luận thay đổi Hiến Pháp 1992, có nhiều ý kiến muốn quay lại với tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng đã không thắng nổi tư duy giáo điều, bảo thủ trong nội bộ đảng.

Giữa thế kỷ 21, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ từ năm 1990-1991, mà vẫn khư khư ôm lấy “Socialist” trình làng khắp thế gian thì quả là khó coi! Chính vì cái chữ “Socialist” này mà hải quan hay biên phòng các nước nhìn người cầm hộ chiếu với con mắt chẳng mấy thiện cảm, thậm chí coi thường, phân biệt đối xử rõ rệt, như ở nước Nga và Ðông Âu.

Tóm lại, theo Luật Quốc Tịch Việt Nam, từ ngày 1 tháng 7 năm 2014, hàng trăm ngàn, có thể tới cả triệu người Việt có liên quan đến tị nạn cộng sản có thể mất quốc tịch Việt Nam. Nhưng điều này chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ trên xứ người. Thậm chí còn thuận lợi hơn, nếu về Việt Nam họ sẽ không chịu sự ràng buộc bởi quốc tịch Việt Nam nữa và vì thế nhà cầm quyền không thể cư xử tùy tiện với họ.

Có chuyện gì xảy ra không may mắn, họ sẽ được các cơ quan ngoại giao của quốc gia nơi cư trú giúp đỡ, che chở.

Chủ trương giữ quốc tịch của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, như vậy, với cộng đồng người Việt hải ngoại tị nạn cộng sản hoàn toàn thất bại. Viên đạn bắn không trúng đích.

…………………………………………

Phận đời nhà trọ Sài Gòn
Nguồn:nguoiviet.com- Friday, April 18, 2014

Văn Lang/Người Việt

Bên trong một căn nhà trọ dành cho người có thu nhập thấp. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

SÀI GÒN (NV) – Từ sau 1975 cho tới 1985, việc thuê nhà trọ dài hạn ở Sài Gòn là rất khó khăn do chính sách kiểm tra gắt gao về hộ khẩu (tạm trú, tạm vắng) nhằm siết chặt chính sách hạn chế người nhập cư vô Sài Gòn.

Cho tới 1986, Việt Nam bắt đầu mở cửa kinh tế thị trường, mục đích trước hết nhằm “tự cứu” lấy thể chế, khi Nga Xô và Ðông Âu đang trên đường “rã gánh.”

Từ 1990, trở lại sau này, việc thuê mướn nhà trọ tại Sài Gòn để kiếm sống và mưu sinh lâu dài trở thành điều bình thường của hầu hết dân lao động nhập cư tại nhiều tỉnh. Chưa kể một bộ phận không nhỏ dân Sài Gòn (vì nhiều lý do khác nhau) nay cũng đã trở thành những kẻ vô gia cư, phải đi thuê mướn nhà để ở.

Chỉ có điều, câu chuyện nhà trọ ở Sài Gòn là câu chuyện “đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”

Khi kinh tế chuyển qua thị trường, lượng người nhập cư ồ ạt, cùng với lúc giá nhà, giá đất tăng giá vòn vọt, cao “ngất ngưởng.”

Khi đó người ta không còn quan tâm tới việc ăn bận (quần áo đắt tiền hay giản dị), thậm chí người ta đi xe gì cũng chẳng mấy ai quan tâm, chỉ cần hỏi: “Ở nhà riêng hay nhà thuê?” Nghe câu trả lời đủ biết bạn là ai.

Tuy rằng dân “ở trọ” cũng có năm, bẩy đường, chẳng hạn như mấy “hot girl” chân dài thuê căn hộ ở Sài Gòn Pearl với giá khoảng 2 ngàn USD/1 tháng. Nhưng thu nhập của mấy cô này cho một chuyến “bay đêm” có giá từ 300 tới 500 USD.

Trong bài viết này chúng tôi không đề cập tới dân “ở trọ” cao cấp, với những ngành nghề “đặc biệt” mà chúng tôi chỉ xin đề cập tới số đông. Ðó là những người dân nhập cư vì cuộc mưu sinh ngoài quê quá khó khăn, những lao động nghèo nơi thành thị, những con người mà hễ ráo mồ hôi là ráo tiền…

Nhà trọ dành cho công nhân thuê thuộc một khu công nghiệp. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Ðêm dài mất ngủ

Ðã là dân ở trọ thì chắc chắn là phải chịu cảnh nhiều đêm dài mất ngủ. Ngoài những nỗi trằn trọc lo toan, nào là tiền ăn, tiền đóng tiền nhà trọ, tiền gởi về quê cho cha mẹ già, tiền con cái đóng tiền học… Những thao thức, cộng với cái nồng hầm hập của đêm mùa hè, căn phòng trọ như cái hộp vuông chừng hơn chục mét vuông cho 6-7 nhân khẩu, với cái cửa sổ bé tí tẹo mở thông ra bức tường bờ hẻm bít bùng.

Ðêm mưa nước dột rả rích, kêu chủ nhà trọ thì họ cười: “Tháng thuê có triệu bạc, bày đặt đòi hỏi, thêm tiền đây sửa cho.” Cũng có những đêm vừa thiu thiu ngủ, vì được ngày trời mát thì lại choàng giấc mộng, vì phòng bên cặp vợ chồng trẻ đánh ghen, tiếng quát tháo, tiếng đập phá đồ đạc làm phờ phạc giấc ngủ chập chờn của dân lao động phải thức khuya dậy sớm.

Vô phước cho ai thuê phải nhà trọ chung dãy với đám bợm nhậu, đám giang hồ “cắc-ké,” hay ngay chính con chủ nhà trọ là dân chơi “ngáo đá.” Thế là lại phải có những đêm gần như thức trắng với nỗi sợ phập phồng, khi đám “ma men” kia lên cơn say đập phá, cầm dao rượt chém nhau huỳnh huỵch, hay khi con chủ nhà trong cơn phê thuốc, bật hộp quẹt hăm… đốt nhà trọ.

Thời kỳ đầu, công an khu vực rất ngán ngẩm xóm nhập cư, xóm trọ của dân lao động nghèo, vì nơi này cứ tuần vài ba vụ không lớn thì nhỏ phải xuống giải quyết. Nhưng sau thì “vui vẻ” hơn, vì mấy chủ nhà trọ có từ 5-7 phòng trở lên đều tỏ ra “biết điều” khi tháng nào cũng trích ra ít tiền gọi là “đóng góp quỹ an ninh,” nhờ vậy khi “hữu sự” thì công an, dân phòng mới mau mắn xuống giải quyết.

Ngược lại, dân thành phố có “máu mặt” một chút thì tuyên bố: “Nghèo chết bỏ, nhất định không xây nhà trọ cho dân nghèo nhập cư thuê, vì họ ồn ào lắm lại… ở dơ nữa!”

Sự thật bao giờ cũng đắng lòng! Vì lẽ, đã mang lấy cái “kiếp nghèo” đành cắn răng mà sống, mà lo cho tương lai con cái mai này.

Một ông chủ nhà trọ đang giới thiệu phòng trọ của mình. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Tình người như bóng mây ngày nắng

Với không ít chủ nhà trọ, dân thuê nhà tuy nghèo nhưng lại là “con bò sữa” tha hồ mà “vắt,” nay tăng tiền điện, mai tăng tiền nước, mốt tăng tiền nhà… Ðủ thứ khó chịu họ “hành” dân thuê nhà, vì ở thế yếu nên người thuê nhà thường cắn răng mà móc hầu bao ít ỏi của mình để được yên ổn làm ăn.

Nhưng cũng có những chủ nhà đàng hoàng tử tế, không tăng giá bất cứ thứ gì cho những nhà nghèo, lâu lâu còn cho thiếu tiền trọ, thậm chí cho vay tiền ăn.

Nhiều người khi dắt “bầu đoàn thê tử” dời quê ra đi là đã “không hẹn ngày về” vì ruộng vườn không còn nữa, nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con không thể nào trả nổi. Họ đem cả cha mẹ già theo, để rồi những ông bà già ấy, trong cảnh khổ của con cháu cũng phải ráng vui trong cuộc đời ở trọ.

Rồi khi họ qua đời, nhà trọ tuy chật chội, nhưng chủ nhà trọ cũng giúp đỡ cho mượn mặt bằng, dân cùng cảnh trọ, cũng như dân địa phương cũng mỗi người một tay giúp đỡ, các hội từ thiện cũng nhập cuộc, để sao cho người quá cố dù xa quê, không nhà cửa cũng được hưởng nghi lễ cuối cùng của tôn giáo và tro xương của họ cũng được gởi vào chùa, an ủi được con cháu họ. Nghĩa tử là nghĩa tận, trong hoàn cảnh này mới thấy tình người chưa phải là đã hết, dù thường ngày con người vẫn luôn eo xèo, cắn đắn nhau vì chút cơm, áo, gạo, tiền.

Về điều này, một anh dân Hà Nội cho biết: “Chỉ có Sài Gòn mới tốt vậy, chứ ngoài Hà Nội có người già đi theo thì thuê nhà khó lắm, vì chủ nhà sợ có người chết trong nhà thì ‘xui’”!

Sài Gòn với những con hẻm chật chội, những xóm nhà trọ tồi tàn, như ai tới xóm “nhà trọ ung thư” nằm ở hẻm số 5 đường Nơ Trang-Long, quận Bình Thạnh mới thấy hết nỗi cơ cực của dân nghèo.

Nhưng Sài Gòn cũng có nhiều cao ốc xây rồi bỏ hoang (vì không người mua), nhiều biệt thự, khu nhà liên kế xây rồi bỏ đó không thấy ai ở đã gần chục năm nay.

Trong khi hô hào khẩu hiệu “hỗ trợ nhà ở cho dân nghèo,” vậy mà gói tiền cho vay mua nhà ở xã hội là 30 ngàn tỉ đồng, triển khai hơn năm trời nay, giải ngân vẫn chưa quá 8%, còn số tiền thực sự đến với tay dân nghèo, chắc chắn dưới 1% (cho tới lúc này).

Vậy công bằng xã hội nó nằm ở đâu, mà ngay cả trong chính giấc mơ dân nghèo nhập cư ở trọ cũng chẳng bao giờ dám mơ!

………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics