1.Bạch Yến,từ Frank Sinatra tới Trần Quang Hải(DTL/NV)2.Chuyện chó chết(Huy Phương/NV)3.Người đưa đò ở bến Ninh Kiều(TT Dũng/NV

Bạch Yến, từ Frank Sinatra tới Trần Quang Hải
Nguồn:nguoiviet.com- Friday, April 25, 2014

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Bach Yen

Nghệ sĩ Bạch Yến (phải) và nhạc sĩ Trần Quang Hải.

Theo tác giả Yên Huỳnh thì danh ca Bạch Yến không chỉ là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên, được chào đón tại kinh đô điện ảnh Hollywood bởi những tên tuổi lừng danh Hòa Kỳ thập niên 1960s, được mời đóng phim với tài tử John Wayne mà, cùng thời gian ấy, chị cũng là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên, được danh ca kiêm tài tử Frank Sinatra săn đón tại kinh đô giải trí Las Vegas nữa.

Ghi nhận về trường hợp Bạch Yến được tên tuổi lớn Frank Sinatra mời chào, tác giả Yên Huỳnh cho biết, câu chuyện xảy ra khi ông bầu Jimmy Durante mời Bạch Yến trình diễn ở thành phố Las Vegas. Ðể tạo cho mình một hình ảnh riêng và, gián tiếp giới thiệu với thế giới nền văn hóa Việt Nam, qua chiếc áo dài độc đáo, Bạch Yến đã mặc áo dài khi xuất hiện ở địa điểm giải trí, thiêu thân nổi tiếng nhất hành tinh này. Vì cùng trình diễn tại một khu vực, nên khi Bạch Yến tình cờ đi ngang phòng riêng của Frank Sinatra, ông hoàng sân khấu, có đôi mắt xanh dương trông thấy Bạch Yến, bèn nhờ Jimmy Durante giới thiệu Bạch Yến với Frank để làm quen và, mời nhan sắc, tài hoa Việt dùng bữa tối với ông ta.

Sự việc nêu trên, được tác giả Yên Huỳnh ghi lại như sau:

“…Mặc dù cảm thấy rất vinh hạnh, nhưng lòng kiêu hãnh của một cô gái Việt nổi lên, chị đã phớt lờ. Ông bầu gặp chị, hỏi lý do, Bạch Yến đáp là từ trước đến nay, chị đi đâu cũng có mẹ theo kèm, không dám đi một mình. Lập tức, Frank Sinatra không chỉ mời cả hai mẹ con đi ăn, mà còn mời đi nghe ông hát…” (3)

Ðề cập tới giai đoạn Bạch Yến cất tiếng hát chinh phục khán giả và nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn của thế giới ca nhạc, điện ảnh Hoa Kỳ, bài viết của tác giả Nguyễn Hằng, báo Dân Trí, có nhiều dữ kiện cụ thể hơn. Nhất là những chi tiết liên quan tới người đàn ông, đã trở thành người bạn đời của chị:

“…Năm 1965, kết thúc khóa học tại Pháp, danh ca Bạch Yến được mời qua Mỹ tham gia chương trình truyền hình The Ed Sullivan show – chương trình ăn khách nhất của Mỹ vào thời ấy. Và bà cũng trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trong chương trình này, biểu diễn cùng nhiều danh ca, ban nhạc nổi tiếng như Beatles, Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Rolling Stones… Hợp đồng của Bạch Yến với chương trình Ed Sullivan chỉ kéo dài trong vòng 12 ngày, song nhiều hoạt động khác đã níu chân cô ca sĩ ở lại Mỹ đến 12 năm (1965-1978).”

Sang Mỹ một thời gian, Bạch Yến mất liên lạc với mẹ ở Việt Nam (4). Sau nhiều lần tìm kiếm mẹ không được, Bạch Yến cảm thấy rất buồn với cuộc sống lưu lạc trên đất Mỹ. Bà thường đi du lịch cho khuây khỏa. Năm 1978, trong lần sang Paris nghỉ, Bạch Yến có đến xem chương trình đại nhạc hội Pháp.

“Lần ấy, tôi muốn tìm gặp một số bạn bè Việt Nam cũ đang sống tại Paris nên cố tình mặc tà áo dài truyền thống, trang điểm thật đẹp, đứng ngay lối cửa đi vào rạp hát để gây sự chú ý. Bỗng nhiên tôi thấy một người đàn ông dắt theo một bé gái nhỏ đi rất nhanh về phía mình rồi chào và ôm hôn hai má. Tôi hết sức ngạc nhiên hỏi: ‘Anh có biết tôi là ai không?’, người đó trả lời: ‘Là ca sĩ Bạch Yến chứ ai!’, Bạch Yến bồi hồi nhớ lại. Bà nói may mà người đó nói đúng tên chứ không thì bà sẽ ngó lơ, không tiếp chuyện. Còn về phía Bạch Yến, nhìn khuôn mặt người đó bà đã nhận ra con trai của cụ Trần Văn Khê, nhạc sĩ Trần Quang Hải.

“Sở dĩ bà nhận ra Trần Quang Hải là vì trong những ngày đầu cùng mẹ đặt chân tới Pháp học cách hát của Tây phương, tình cờ có gặp Giáo Sư Trần Văn Khê. Lần đó Giáo Sư Trần Văn Khê chỉ tay về phía một thư sinh gầy gò giới thiệu: ‘Kia là con trai tôi!’ Thời điểm ấy, Trần Quang Hải mới chỉ là cậu thiếu niên 17 tuổi còn Bạch Yến đã là một danh ca nổi tiếng. Khoảng cách giữa họ quá xa và Bạch Yến không có ấn tượng gì về cậu thư sinh ốm nheo nhắt ấy…

“Bạch Yến cho rằng cuộc tái ngộ tại Paris là ‘duyên tiền định’, sau gần 20 năm ‘người bạn cũ’ đầu tiên Bạch Yến tìm thấy lại là Trần Quang Hải. Người đàn ông đứng trước mặt bà không còn vẻ non nớt, trái lại toát lên sự tự tin, hoạt bát và đầy vững chãi. Trần Quang Hải lúc này đã ly dị vợ, sống cùng con gái 5 tuổi còn Bạch Yến ở cái tuổi 36 đang đứng trên đỉnh vinh quang của nghề hát, có nhiều người đàn ông ngưỡng mộ nhưng… vẫn cô đơn.

“Bạch Yến thổ lộ cho đến giờ bà vẫn nhớ như in lần gặp gỡ định mệnh tại Paris năm 1978. Sau lần gặp gỡ đó, hai người có cuộc hẹn ăn cơm vì Bạch Yến muốn nhờ Trần Quang Hải dịch giúp vài câu để bà có thể giao lưu với khán giả Pháp trong đêm đại nhạc hội sắp tới mà bà được mời biểu diễn. Chính cuộc hẹn này đã khiến bà để ý tới người nhạc sĩ không mấy tiếng tăm nhưng kiến thức sâu rộng về âm nhạc dân tộc cũng như khiếu hài hước.

“Cả hai đã cười rất nhiều trong cuộc hò hẹn đầu tiên và chưa đầy 24 giờ kể từ khi gặp lại, Bạch Yến đã nhận được… lời cầu hôn của Trần Quang Hải. Tưởng vị nhạc sĩ nói đùa, bà cũng gật đầu: ‘Ok!’ Chỉ đến khi ông tự đặt 400 thiếp mời và gửi hết tới bạn bè trong vòng một tuần mới khiến bà bất ngờ, vừa xúc động vừa buồn cười lại cảm thấy khó xử.

“Tôi nghĩ cả hai đùa ghẹo nhau thôi, không ngờ ông ấy làm thật khiến tôi ‘đâm lao rồi phải theo lao.’ Ngỏ lời cầu hôn sau 24 giờ và làm đám cưới sau… 2 tuần, mọi chuyện thật đường đột,” Bạch Yến cười.

Thời trẻ, bà được nhiều người đàn ông theo đuổi, người Việt cũng có mà người ngoại quốc cũng có nhưng đều không đi đến đâu. Nhiều ông chủ ngoại quốc giàu có chạy theo tán tỉnh nhưng bà từ chối vì chỉ thích lấy chồng Việt cùng chung nguồn cội và tiếng nói. Một vài lần, bà cũng trao trái tim cho người Việt nhưng họ lại làm bà khổ. Bà khước từ vài lời cầu hôn vì sợ người đàn ông đến với mình bởi nhan sắc và ánh hào quang trên sân khấu.

“Chính vì trải qua vài lần lỡ dở trong chuyện tình cảm nên trước ứng xử vừa táo bạo vừa thành thật của vị nhạc sĩ nghèo và không mấy tiếng tăm này cũng khiến bà bối rối. Cuối cùng bà tặc lưỡi, sẽ ở lại cùng ông mấy tháng tại Paris sau đó sang Mỹ biểu diễn tiếp theo hợp đồng. Bà tự trấn an, một đám cưới chưa có giấy đăng ký kết hôn thì việc chia tay cũng dễ dàng!…” (5)

(Kỳ sau tiếp)

Chú thích:

(3) Bđd.

(4) Giải thích về sự thất lạc thân mẫu, bằng điện thư, danh ca Bạch Yến cho biết: Chị đi trình diễn 46 tiểu bang Hoa Kỳ và cả Nam, Trung Mỹ. Tháng 11 năm 1974, thân mẫu của chị về thăm quê nhà. “Ðáng lẽ sau ba tháng mẹ tôi phải trở lại Mỹ nhưng vì lâu ngày mới gặp lại bạn và họ hàng vui quá nên xin gia hạn tới tháng 6 thay vì chỉ ở tới tháng 3, 1975. Vì vậy mẹ tôi kẹt lại VN 30 tháng 4, 1975. Sau đó đất nước có thay đổi lớn, tôi rất buồn xứ Mỹ đã bỏ VN Cộng Hòa quá bất ngờ… Vì vậy mẹ tôi bặt tin tới 10 năm sau, năm 1985 mới xin được phép chánh phủ XHCNVN cho mẹ tôi đoàn tụ gia đình, lúc đó tôi đã lập gia đình với anh Trần Quang Hải ở Pháp…”

(5) Nguyễn Hằng, “Mối tình kỳ lạ của danh ca Bạch Yến” (Bách khoa toàn thư mở- Wikipedia).

………………………………

Chuyện chó chết!
Nguồn:nguoiviet.com- Sunday, April 06, 2014

Tạp ghi Huy Phương

Chuyện chó chết!
Con chó nằm trong cũi thấy đồng loại của mình bị đem
đi đập đầu, cạo lông còn lồng lộn, gầm gừ, hay chảy
nước mắt, nhưng đôi khi con người lại quá thờ ơ và dửng
dưng với nỗi đau và cái chết của chính đồng bào mình.

Khắp nơi trên đất, chó là con vật được đánh giá cao vì sự thông minh, lanh lợi, lòng trung thành, tình cảm chan chứa, và nhất là mối thân hữu tự nhiên đối với loài người.

cho

(Hình minh họa: Johannes Eisele/AFP/Getty Images)

Ai nói mặc ai, chứ ở cái xứ Việt nam từ xưa đến nay, tôi thấy con chó là thứ súc vật hèn hạ, bị khinh bỉ nhất, được con người Việt Nam dùng trong những câu chửi rủa miệt thị, không hề nương tay. Nói đến gốc gác thì gọi là “đồ chó đẻ,” mạt sát thì gọi là “đồ chó,” thậm chí trong trò chính trị, khi nói đến những tên hoạt đầu, bất tài vô tướng, một sớm một chiều ăn trên ngồi trốc, thì ví von như “chó nhảy bàn độc!”

Con chó chết lại được xem tệ hại hơn là một con chó sống, bằng chứng chửi ai là chó chết nặng gấp mười lần chửi ai là đồ chó… sống!

Mỗi ngày mở trang báo Việt Nam ra, đau lòng thấy bao nhiêu chuyện chó… chết, nói theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nghĩa đen thì nguồn tin từ Việt Nam cho biết, mỗi năm có 3 triệu con chó chết vì bị giết thịt, thời thịnh đạt, có tổ hợp “Liên Hiệp Thịt Chó Nhật Tân” với con số lên đến 25 nhà hàng, như vậy ông chủ của cửa hàng Nhật Tân phải lên hàng Tổng Giám Ðốc Thịt Chó.

Ðường dây kinh doanh chó xuyên quốc gia cũng được thành lập từ đây với khoảng 300,000 con chó được nhập trái phép từ Thái Lan, Lào về Việt Nam mỗi năm. Như vậy trung bình mỗi ngày có gần 8,000 con chó chết, được đưa lên bàn nhậu, mỗi cửa hàng tiêu thụ khoảng 50 con chó mỗi ngày. Ðáng lẽ Việt Nam phải nhập cảng văn hóa phẩm, máy móc điện khí, sản phẩm để tạo tiện nghi trong đời sống của con người và nâng cao dân trí, thì phải nhập cảng chó (chắc là nhập cảng lậu) để thỏa mãn những cái mồm nhầy nhụa thịt, mỡ chó và nồng nặc hơi men, để quên đời, có khi quên đi cái thân phận của mình và chẳng bao giờ nghĩ đến cái khổ của người khác. Con chó nằm trong cũi thấy đồng loại của mình bị đem đi đập đầu, cạo lông còn lồng lộn, gầm gừ, hay chảy nước mắt, nhưng đôi khi con người lại quá thờ ơ và dửng dưng với nỗi đau và cái chết của chính đồng bào mình.

Ngày nào ở Việt Nam cũng có chuyện chó… chết! Con chó bị đập đầu nhưng không phải tại các quán bán thịt chó mà chó chết vì người ăn trộm chó. Khi dân phát giác ra chó mình bị đánh chết hay bị đầu độc cho vào bao bố thì y như thế nào cũng có người trộm chó bị đánh chết để đền mạng chó. Vậy là ở Việt Nam hiện nay cái chuyện… chó nhất là mạng con người còn thua cả con chó.

Ở nước khác, nếu bắt trộm một con chó của hàng xóm, nặng lắm là bị phạt tiền và ở tù 10 tháng theo luật nhà nước, nhưng ở Việt Nam thì trộm chó có thể bị đánh chết theo luật nhà… quê, nôm na là luật… rừng.

Thậm chí là ăn trộm một con gà cũng bị đánh chết, nhưng gà không phải chó, bài đang nói chuyện “chó chết” mà nhảy qua chuyện “gà chết” là lạc đề, mặc dù chuyện “gà chết” hay “ chó chết” thì cũng đại loại như nhau.

Nhà cai trị để dân đói và mất đạo đức, bần cùng phải sinh đạo tặc, bắt chó, trộm gà là nhà cai trị quá… chó. Coi mạng người thua con chó, và con người trong xã hội ấy coi chó ngang người hay hơn cả con người thật là lũ… chó!

Vài người đổ xô ra đường đánh chết người trộm chó, lại toàn quyền hủy hoại tài sản của người vì họ đã đổ xăng đốt luôn xe. Không phải chủ chó mà người khác cũng hung bạo nhảy vào đánh ké, dù sự việc không can cớ đến mình, vì bản chất hung bạo của con người trong xã hội này. Những người giết người này, chúng ta có thành ngữ là “lòng lang, dạ thú,” tức là có tâm địa của loài lang, là chó… sói!

Về nghĩa bóng thì đất nước Việt Nam hôm nay mỗi ngày xảy ra không biết bao nhiêu chuyện chó… chết.
Một cái cầu treo xô bao nhiêu người xuống vực chết thảm, thì không quy tội người làm cầu mà đổ chuyện cho người đi. Thế có… chó không?

Chuyện công ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản (Japan Transportation Consultants – JTC) tố cáo đã hối lộ cho các quan chức Ðường Sắt Việt Nam, chuyện Dương Chí Dũng đưa hối lộ cho anh mình là tướng công an, tính tiền nghìn, tiền triệu trong khi đồng bào lầm than, đói phải đi ăn trộm chó là hết sức… chó!

Công An đánh dân chết, ra tòa chỉ bị án treo là chuyện quá ư là… chó!

Nomadic Matt, người Mỹ, ký giả du lịch đã được giới thiệu trên CNN, BBC, Yahoo, Times, New York Times, trong bài viết “Tại sao tôi không bao giờ quay trở lại Việt Nam” đã tố cáo bọn công an Việt Nam cuồng dâm, đàn áp dân, thường dùng đòn độc bằng đánh vào hạ bộ của phụ nữ! Thật là quá … chó!

Bọn công an đạp vào mặt dân, gậy gộc, roi điện đàn áp dân oan, người biểu tình chống bắt bớ, cưỡng chế đất đai có khác gì bọn khuyển ưng của hoạn thư ngày trước:

“Sửa sang buồm gió lèo mây,
Khuyển ưng (chó và chim ưng) lại chọn một bầy côn quang” (đồ hung dữ, du côn)

Do chữ “côn quang” này mà ngày nay người dân dùng chữ “côn an” để thay thế cho hai tiếng “công an” của cộng sản.

Con người tha hóa, trong một xã hội, không còn cương thường đạo lý, con giết cha mẹ, cha mẹ giết con như chuyện cơm bữa. Giết chồng, giết vợ xong đem vứt xuống sông, bác sĩ giết bệnh nhân đem phi tang, thầy chùa giết tình nhân đem chôn sau vườn chùa… bạn bè giết nhau chỉ vì một cái điện thoại, mới ăn ngủ với nhau xong, nhẫn tâm đập đầu tình nhân để đoạt tài sản. Ở đâu cũng nghe giết, giết… như khẩu hiệu của “thi hào” Tố Hữu: “Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ…” Trong xã hội này, người ta giết người không gớm tay, còn dễ dàng hơn giết một con… chó!

Ở Việt Nam bây giờ ở đâu cũng nghe hiếp, hiếp! Trưởng ban văn hóa xã cho trẻ em mới học lớp 4 xem phim sex để hiếp. Hiếp dâm để quay phim, tống tình bắt làm nô lệ tình dục! Nữ sinh bị hiếp dâm tập thể trước mặt bạn trai! Nhờ bạn hiếp dâm vợ để lấy cớ ly dị! Cưỡng hiếp chị dâu đang mang thai! Ðây là vài chuyện trong muôn vàn chuyện… hiếp, được tường trình trên báo chí trong nước! Một xã hội rất… chó, giống chó vì đã xảy ra quá nhiều chuyện… cẩu hợp!

Một xã hội loạn lạc, lắm điều đốn mạt “thượng hạ giai cẩu” (trên dưới đều “chó,” câu nói của Cao Bá Quát) ngay cả bậc sĩ phu, không xoay chuyển được thời thế, chỉ đành kêu lên những tiếng tuyệt vọng: “chó ơi là chó!”

Chuyện chó còn dài dài, may ra khi chết hết chó, dân chúng không còn món nhậu khoái khẩu, dân tình không còn ta thán chuyện chó, bốn cõi mới yên bình, mong rằng cũng sẽ đến lúc “chó chết là hết chuyện!”

Ngày xưa đi học, tóc còn xanh mướt, làm một bài luận văn mà dùng chữ lặp đi lặp lại (điệp ngữ) thế nào cũng bị thầy giáo gạch bôi đen, gạch đỏ. Hôm nay, tóc đã bạc phơ, viết một bài văn, câu kéo lủng củng, nhất là đếm đi đếm lại có đến 64 chữ “chó,” chỉ vì lòng còn quá buồn phiền, sân hận vì những chuyện chó chết, chỉ xin các bạn thương tình miễn thứ!

……………………………………………….

Người đưa đò ở bến Ninh Kiều
Nguồn:nguoiviet.com- Monday, April 21, 2014

Trần Tiến Dũng/Người Việt

Ðến Cần Thơ lần này cùng tôi có họa sĩ Lê Văn Tài và nhà nhiếp ảnh Phong Zara về từ nước Úc. Tôi người Gò Công, Phong dân Ðồng Tháp nên cũng có nhiều bận đến xứ gạo trắng nước trong, riêng anh Lê Văn Tài thì lần đầu đến bến Ninh Kiều.

Trong ký ức của tôi, cậu bé thuộc gia đình lính VNCH ở xóm ụ sửa tàu gần bãi hoang bến phà Cần thơ ngày xưa, bến Ninh Kiều ngày nay với công viên bờ sông xây mới thật xa lạ. Nhưng nếu ai đó muốn tìm lại những hình ảnh thân thương ngày trước thì có thể lân la bắt chuyện với các gánh hàng rong, người bán vé số và nhất là những người làm nghề đưa đò ở công viên bến sông này.

dua do 1

Chị Tây, người đưa đò ở bến Ninh Kiều. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ðến bến Ninh Kiều vào một buổi chiều trời nóng hừng hực, người họa sĩ già về từ Úc có một nhận xét, màu vàng mặt nước sông Hậu sao không còn màu phù sa vàng đậm đà như trong phim ảnh anh thường thấy. Anh cố không nói tới một điều mà ai cũng nhìn thấy là bờ bến này đầy rác thải sinh hoạt và mặt nước sông chảy qua bến Ninh Kiều sắp “đổi đời” thành dòng kênh đen như các con sông chảy qua các đô thị Việt Nam hiện nay.

Ra bến đò, mời chúng tôi đi đò là một người phụ nữ đưa đò khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Chị tên Tây, đội cái nón lá cũ nhưng cái áo bà ba chị mặc tuy không mới nhưng sắc hồng của hoa văn trên áo, cùng với vẻ mặt cháy nắng phương Nam đã khiến người ta có cảm giác, nếu theo chị, sẽ được chị đưa đò về không gian sông nước mát lành miền Nam xưa.

Ở quanh bến Ninh Kiều ngày nay vẫn còn hàng trăm người nuôi sống gia đình bằng nghề đưa đò. Họ đến từ xóm lao động bên kia bờ hoặc các kênh ngang kênh dọc khác. Cái nghề đưa đò khó nhọc này oái oăm thay lại là nghề cha truyền con nối.

Nhiếp ảnh gia Phong Zara hỏi chị Tây là chiếc xuồng và cái máy thời giá hiện nay là bao nhiêu. Chị Tây cười hết hàm răng, nói: “So với chiếc xuồng chèo của cha mẹ để lại thì cái này chỉ năm bảy triệu nhờ cái máy.”

Giá một tua “du thuyền” trên sông từ bến Ninh Kiều làm một vòng qua các cồn và cầu Cần Thơ là 100,000 VND (khoảng 5 đô la Mỹ.) Trong gần một giờ lênh đênh trên mặt sông Hậu, tiếng nổ của cái máy cũ kỹ khiến du khách và người đưa đò không thăm hỏi được nhau nhiều. Nhưng nếu ai có sự cảm thông về đời kiếm sống khó nhọc thì chỉ cần nhìn gương mặt và đôi tay cháy nắng của họ.

dua do 2

Những người đưa đò ở bến Ninh Kiều. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Theo chị Tây thì những mùa Ðông khách du lịch kiếm được đôi ba trăm ngàn, còn những tháng mưa gió dầm dề thì những chiếc ghe nhỏ đưa khách không hề có chân người bước xuống.

Chị Tây làm nghề đưa đò từ lúc còn là một cô gái, nhà em đông, chị không dám có chồng. Em gái chị là cô Mặn cũng sống bằng nghề đưa đò.

Cô Mặn vui miệng nói: “Tui xấu mà có người rước còn bả đẹp mà ở vậy hoài.

Thương bả đứt ruột luôn.”

Từ khi có cầu Quang Trung, từ khi có những chiếc du thuyền, ca nô của các công ty du lịch… thì những người làm nghề đưa đò như chị Tây chỉ mong kiếm đủ tiền để đong gạo lây lất qua ngày.

Tất nhiên, không còn lạ về tình cảnh kiếm sống khó khăn của những người lao động ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay. Nhưng không ai có thể lường hết sự sợ hãi của họ trước những thay đổi ghê gớm đang tạo ra khoảng cách giàu nghèo như hố thẳm trước mặt họ.

Lúc ghe của chị Tây luồn dưới dạ cầu Cần Thơ, chị nhìn những bến cảng những khu công nghiệp đang dần nhú lên ở hai bờ sông Hậu với đôi mắt âu lo.

Phong Zara nhìn theo hướng nhìn của chị Tây và bỗng nhiên anh gọi họa sĩ Lê Văn Tài nói. “Anh Tài ơi, chị Tây ơi! Nhìn chi mấy thứ đó, tìm giùm cho tôi coi có cụm lục bình nào trổ bông không?”

Ðồng bằng Sông Cửu Long ngày nay, vẫn sông nước và cánh đồng đó nhưng sự giành giật tài nguyên và chèn ép người cô thế thật thà ngày một khốc liệt hơn. Không ai thấm thía nỗi đau của sự phồn vinh giả tạo ở các đô thị Việt Nam cho bằng những người lao động bị bỏ mặc trong vũng lầy nghèo khó.

………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics