1.Bạo loạn chết người ở Hà Tĩnh-2.Công nhân Bình Dương biểu tình-3.TBTTrọng bị TC Bình từ chối tiếp&Và nhiều tin khác

Bạo loạn ở Hà Tĩnh: đã có người chết
Nguồn:BBC – thứ năm, 15 tháng 5, 2014

Vũng Áng là nơi có nhiều công nhân Trung Quốc

Bao loan 1.jpg1

Đã có người chết, trong số đó công dân Trung Quốc, trong cuộc bạo loạn tại Hà Tĩnh nhắm vào một nhà máy thép của Đài Loan trong đêm 14/5, các hãng tin quốc tế đưa tin.

Ông Nguyền Văn Bổng, chủ tịch huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đóng nhà máy thép Formosa thuộc Khu công nghiệp Vũng Áng, xác nhận với BBC có hai người Trung Quốc chết, một người ‘do cảm nắng’ và một người ‘bị đánh chết’.

“Người Việt Nam không ai có ai chết cả,” ông nói và cho biết cuộc biểu tình của công nhân ở khu công nghiệp này là ‘tự phát’ do việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông.

Ông cũng cho biết là tình hình ở đây hiện giờ ‘đã ổn định’.

Trong khi đó, báo điện tử VnExpress chiều 15/5 dẫn lời Phó chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết 76 người bị cho là liên quan đến vụ bạo động đã bị bắt.
Nhiều người bị thương

“Khi đoàn biểu tình đến trước nhà máy thì bắt gặp các công nhân Trung Quốc đi từ trong nhà máy ra. Hai bên đã có lời qua tiếng lại với nhau, dẫn đến xô xát, bất chấp sự can ngăn của những người quản lý.”

Một nhân chứng thuật lại với BBC

Ông Khánh cũng cho biết có 149 người bị thương và một công dân Trung Quốc thiệt mạng.

Đại diện ngoại giao của Đài Loan ở Việt Nam nói với hãng tin Mỹ AP rằng ít nhất một công nhân Trung Quốc đã thiệt mạng và 90 người khác bị thương sau khi những những người bạo loạn tấn công nhà máy thép thuộc sở hữu của Tập đoàn Formosa – nhà đầu tư Đài Loan lớn nhất tại Việt Nam.

Ông Hoàng Trí Bằng nói cuộc bạo loạn diễn ra vào chiều thứ Tư ngày 14/5 và sớm thứ Năm ngày 15/5.

Hàng trăm người đã xông vào bên trong nhà máy ở tỉnh Hà Tĩnh thuộc Trung phần Việt Nam trước khi quân đội và công an can thiệp, Reuters dẫn nguồn từ tờ Commercial Times của Đài Loan cho biết.

Một bác sỹ từ bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh nói với BBC gần 50 người đã được đưa vào bệnh viện trong đêm 14/5- rạng sáng 15/5.”Nhiều người trong số này mặc đồng phục màu xanh của công nhân và 6-7 người đang trong tình trạng nguy kịch”, vị bác sỹ này cho biết.

Còn hãng tin Anh Reuters dẫn nguồn từ một bác sỹ ở bệnh viện địa phương cho biết có năm công nhân Việt Nam và 16 người khác được cho là người Trung Quốc đã thiệt mạng.

“Có khoảng 100 người được đưa vào bệnh viện vào tối qua. Nhiều người là người Trung Quốc. Sáng nay (ngày 15/5) có thêm nhiều người nhập viện,” một bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh nói với Reuters qua điện thoại.

‘Ban đầu ôn hòa’

Theo phản ánh của truyền thông trong nước, cuộc diễu hành chống Trung Quốc chiều 14/5 tại Hà Tĩnh với sự tham gia của hơn 1.000 công nhân đã bắt đầu khá ôn hòa.

“Rất nhiều người dân hai bên đường, những người tham gia giao thông cùng hưởng ứng ủng hộ. Tất cả đều diễn ra trong ôn hòa, trật tự”, báo điện tử Dân Trí tường thuật.

Tuy nhiên đến Lúc 15 giờ cùng ngày, xô xát đã xảy ra khi đoàn người diễu hành đến trước cổng nhà máy Formosa. Một số người dân quá khích đã đập hỏng hai xe ca, theo báo Tuổi Trẻ.

Nguồn tin của BBC từ Hà Tĩnh cho biết tình hình sau đó đã mất kiểm soát và lực lượng an ninh đã rơi vào thế bị động.

“Khi đoàn biểu tình đến trước nhà máy thì bắt gặp các công nhân Trung Quốc đi từ trong nhà máy ra. Hai bên đã có lời qua tiếng lại với nhau, dẫn đến xô xát, bất chấp sự can ngăn của những người quản lý” người này nói.

“Tuy nhiên các công nhân cũng phản ánh lại là những người trực tiếp đánh đập các công nhân Trung Quốc không phải là người làm chung với họ”.

“Các cảnh sát cơ động được điều đi kèm với người biểu tình để giám sát tình hình và giúp cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa. Mặc dù vậy, họ không đủ đông để kịp phản ứng trước một cuộc bạo động.”

Đám cháy vẫn tiếp diễn đến sáng .

Một nhân chứng khác giấu tên làm việc tại Formosa thuật lại với BBC những gì ông nhìn thấy từ tầng 5 của ký túc xá công ty vào lúc vụ việc xảy ra như sau:

“Nhân viên chúng tôi đã được nghỉ việc từ 2 giờ chiều hôm qua, buổi chiều thì biểu tình ôn hòa nhưng đến gần tối thì đoàn xe chở công nhân nhà thầu Trung Quốc ra về thì bị đoàn người chặn lại”.

“Họ đập cửa kính xe và đánh đập dã man người Trung Quốc”.

“Sáng nay công an toàn tỉnh Hà Tĩnh đã được triển khai để đảm bảo an toàn cho nhân viên người Việt và chuyên gia Đài Loan”.

“Một số người Trung Quốc ở các nhà thầu cũng được Formosa cho vào trú ẩn ở các khu ký túc xá kiên cố của nhân viên công ty”.

=======================

Bản tin của RFA

Biểu tình xô xát lớn tại Vũng Áng, Hà Tĩnh có nhiều người chết
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok

Xô xát khởi nguồn từ cuộc đình công, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

hang ngan 1
Hàng ngàn người biểu tình dẫn đến xô xát khởi nguồn từ cuộc đình công, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Courtesy danlambaovn

Như chúng tôi đã loan tin, ngày hôm qua 14 tháng 5 hơn 1.000 người dân thuộc khu công nghiệp Vũng Áng đã diễu hành biểu tình chống Trung Quốc xâm lược vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam và mọi sự diễn tiến trong tinh thần kềm chế và rất trật tự.

Tuy nhiên vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày, một nhóm người trong đoàn biểu tình trở nên bạo động khi kéo tới khu công nghiệp Formasa nơi có công nhân người Trung Quốc làm việc tại đây và bạo động xảy ra và đã có thương vong.

Vào lúc 12 giờ trưa ngày 15 tháng 5 nguồn tin mới nhất mà chúng tôi có được từ một viên chức của huyện Kỳ Anh cho biết:

-Nói chung tình hình đang bất ổn, hiện tại bây giờ thì ổn định rồi, đang đi vào ổn định chỉ có người Trung Quốc chết thôi người Việt Nam không có ai đâu.

Trong khi đó một cán bộ phòng nhân sự Formosa nói với chúng tôi:

-Bọn em vẫn làm việc bình thường không có chi cả. Cái đấy em cũng không rõ nữa nhưng bọn em vẫn làm việc bình thường.

Tuy nhiên khác với những thông tin mà công ty Formosa đưa ra, anh Lân một người dân chứng kiến sự việc nói với chúng tôi:

hang ngan 2
Cuộc xô xát ở Vũng Áng ngày 14/05/2014 ghi nhận có nhiều người chết (ảnh Dân Luận/forum/Doris Quý)

-Lúc em ra thì nó ổn rồi thấy quân đội công an cảnh sát đến khá là đông. Có người chết. Chiều hôm qua thì mới một người chết nhưng hồi tối thì em vào công ty thì được biết số người chết tăng khá là đông. Không biết con số là bao nhiêu nhưng con số điều trị tại bệnh viện Hà Tĩnh thì rất đông.

Anh Nguyễn Hòa, kỹ sư đang làm việc tại Formosa nói rằng từ tối hôm qua các nhân viên Formosa đã không được phép ra ngoài. Anh Hòa nói:

– Em không được tiếp xúc nhiều vì bọn em ở trong phòng nhưng đụng độ thì cũng có. Bọn em bị bắt buộc ở trong không được ra phía ngoài nên không biết chính xác lắm. Bên ngoài thì có công nhân Trung Quốc và Việt Nam còn bọn em thì công ty bắt buộc phải ở trong phòng nên không tiếp xúc được.

Theo báo chí cho tới 2 giờ chiều ngày 15 tháng 5 mọi sự đã nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền. Lực lượng cảnh sát quân đội đã ổn định tình hình và không có bất cứ việc bắt bớ nào xảy ra.

Trong khi đó, theo bản tin của hãng thông tấn Reuters đánh đi từ Hà Nội hôm nay, dẫn lời của một bác sỹ và giới chức tập đoàn, thì vụ bạo động tại nhà máy thép Formosa ở Khu Công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh khiến cho hơn 20 người chết.

Người bác sỹ thuộc Bệnh viện Đa Khoa Hà Tĩnh trả lời điện thoại của Reuters cho hay có khoảng 100 người phải nhập viện vào tối thứ tư. Trong số đó đa số là người Trung Quốc. Đến sáng hôm nay tiếp tục có nạn nhân được đưa đến bệnh viện để chữa trị.

hang ngan 3

Cuộc xô xát ở Vũng Áng ngày 14/05/2014 ghi nhận có nhiều người chết (ảnh Blog Namrom/forum)

Tuy nhiên theo các báo trong nước thì số thiệt mạng tại nơi vừa nêu chỉ là 1 người.
Tập đoàn Formosa lên tiếng cho hay nhà máy thép của Tập đoàn này tại Khu công nghiệp Vũng Áng bị đốt sau khi xảy ra đánh nhau giữa công nhân Việt Nam và Trung Quốc. Tập đoàn này ra thông cáo cũng nói chỉ có một công nhân thiệt mạng.

Liên quan đến vụ bạo động tại Nhà máy thép Formosa ở Khu Công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, công an tỉnh này cho biết qua điều tra sơ bộ có 3 nhóm đối tượng gây ra vụ việc. Đó là nhóm kích động công dân gây rối, nhóm phá hoại tài sản, nhóm trộm cắp tài sản.
Công an tỉnh Hà Tĩnh đã cho bắt giữ và khởi tố 76 đối tượng thuộc ba nhóm vừa nêu.

Xin được nhắc lại tình hình công nhân xuống đường diễu hành biểu tình chống Trung Quốc đặt dàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam bùng phát từ hồi đầu tuần này ở tỉnh Bình Dương đã lan ra 22 tỉnh, thành trên cả nước.

Hôm nay, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có công điện gửi Bộ Công an, các bộ và cơ quan trung ương cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải ngăn chặn và xử lý nghiêm những người có hành vi kích động, manh động.

Theo công điện của thủ tướng Việt Nam vừa được ban hành thì tất cả những nơi nhận được công điện phải khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp, chủ động bảo đảm an ninh trật tự, và an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của mọi người và doanh nghiệp. Bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài.

…………………………..

Tin tức trực tiếp, tổng hợp được trích đăng từ BBC Tiếng Việt –

Bạo động Hà Tĩnh
Xung đột tại một nhà máy thép ở Hà Tĩnh làm ít nhất một công nhân Trung Quốc đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Ít nhất 149 người được đưa vào bệnh viện vào tối hôm 14/05 sau vụ đụng độ.

===========

Một công nhân tham gia vào cuộc biểu tình chống hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nói với BBC rằng anh ‘chỉ muốn góp sức với mọi người để đấu tranh với Trung Quốc thôi’.

Trả lời BBC Việt ngữ hôm 14/05 khi đang trên đường biểu tình cùng với các đồng nghiệp của mình ở huyện Bình Tân, phía Tây Thành phố Hồ Chí Minh, một công nhân có tên là Hoàng Đình Thái nói hành động của anh là ‘tự ý của bản thân’ và ‘không có ai kêu gọi, vận động’.

“Chiều nay (14/5) tôi mới tham gia (biểu tình) do được nghỉ làm,” anh nói.

“Bây giờ nước mất nhà tan thì công việc đâu mà làm nữa,” anh nói thêm, “Trung Quốc phải rút khỏi Việt Nam thì chúng tôi mới làm lại.”

Anh Thái năm nay 37 tuổi, quê ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, và hiện đang là công nhân của Công ty giày Pou Yuen thuộc sở hữu của Đài Loan đóng tại Quận Bình Tân.

Khi được hỏi lý do vì sao lần này có nhiều công nhân cũng xuống đường giống như anh, người công nhân này nói: “Lần này cả thế giới ủng hộ mình thì mình đâu có gì phải sợ nó để cho nó leo thang như vậy đâu.”

Khi được hỏi có sợ việc biểu tình ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của bản thân hay không, anh cho biết: “Tất nhiên mình đã xác định nghỉ việc rồi thì phải tính đến việc khác nếu như công việc (biểu tình) cứ kéo dài.”

“Tất nhiên cũng sợ, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình thì sao không sợ?” anh nói và ở nhà ‘bà xã lại cổ vũ thêm không sợ chồng mất việc’.

Về hành động bạo động của một số người trong cuộc biểu tình ở Bình Dương, anh cho rằng ‘người ta làm như thế là sai’.

“Cái việc đấy của những người trên đấy. Có biểu tình đình công thế thôi chứ đừng đụng đến bất cứ tài sản gì vì ít nhất tài sản đó là của Việt Nam mình chứ không phải của nước ngoài.”
cách đây 49 phút từ BBC Vietnamese

========

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại vừa lên tiếng phê phán Trung Quốc trong lúc hai nước căng thẳng vì vụ giàn khoan trên Biển Đông.

Trả lời cử tri Hải Phòng vào ngày 15/5, ông Dũng nói:

“Trung Quốc không những không chấp nhận đề nghị chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục tăng cường: trước là hơn 80 tàu, bữa nay là hơn 90 tàu, vòng mấy vòng bảo vệ giàn khoan, không cho tàu của ta tiếp cận.

“Trong khi tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của ta tiếp cận là để yêu cầu rút giàn khoan chứ không phải dùng vũ lực. Thế mà Trung Quốc lại còn đổ lỗi là Việt Nam quấy rối,” ông Nguyễn Tấn Dũng được trích lời trên báo điện tử VietnamNet.

“Hiện chưa xảy ra xung độ lớn mà đã ảnh hưởng an ninh, an toàn hàng hải rồi”, Thủ tướng Dũng nhận định.

Thủ tướng cũng nói “đánh giá cao” sự đồng lòng của người dân trong việc ủng hộ chính phủ đấu tranh chủ quyền, nhưng phê phán các “hành động sai và vi phạm pháp luật”.

Ông Dũng khẳng định Việt Nam chỉ phản đối “nhà cầm quyền Trung Quốc”, còn với người dân, doanh nghiệp Trung Quốc và các nước khác hợp tác làm ăn thì phải bảo vệ họ.

“Phải bảo đảm an ninh an toàn cho mọi người dân, mọi doanh nghiệp. Bất cứ ai khi ta đã mời vào đầu tư thì phải đảm bảo tính mạng, tài sản theo đúng luật pháp,” Thủ tướng Dũng nói.

Trong cuộc gặp mặt cử tri, ông Dũng cũng cho biết thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam vừa đối thoại với người đồng cấp ở Bắc Kinh và nói Việt Nam đang “kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ”.

“Tới hôm nay rất mừng là quốc tế đã lên tiếng phê phán Trung Quốc, kêu gọi họ không dùng vũ lực. Chưa thấy chính phủ nước nào lên tiếng ủng hộ Trung Quốc,” Thủ tướng Dũng được báo trong nước dẫn lời.
cách đây 1 giờ 36 phút từ BBC Vietnamese

………………………………………….

Bài xã luận trên JakartaGlobe có đoạn viết:

Các cuộc bạo loạn chết người tại Việt Nam là một lời cảnh báo cho các lãnh đạo Đông Nam Á và Trung Quốc rằng không có con đường nào khác trong việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông ngoài việc phải có cuộc đối thoại nghiêm túc, chân thành.

Chúng tôi lên án các vụ tấn công người Trung Quốc tại Việt Nam và đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải bảo vệ các công dân nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng kêu gọi Trung Quốc mở cuộc đối thoại và chấm dứt việc bắt nạt các quốc gia láng giềng bé nhỏ.

cách đây 2 giờ 3 phút từ Trang tin Jakarta Globe bình luận về http://bit.ly/1otDxZT

…………………………………………………………………………….

Nguồn:RFI- Thứ hai 12 Tháng Năm 2014 – Tàu Trung Quốc và Việt Nam đấu vòi rồng tại nơi có giàn khoan của Bắc Kinh ở Biển Đông

dau voi rong
Tàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng bắn nước vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp ngày 03/05/2014 và được phía Việt Nam cung cấp ngày 08/05/2014.
REUTERS/Vietnam Marine Guard/Handout via Reuters
Đức Tâm

Tình hình tại nơi Trung Quốc có ý định đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam tiếp tục căng thẳng. Sáng sớm ngày 12/05/2014, lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, cách nay hơn 10 ngày, tàu kiểm ngư của Việt Nam đã dùng vòi rồng phun nước đáp trả quyết liệt các hành động tấn công của nhiều tàu Trung Quốc.

Theo tường thuật của các phóng viên báo Tuổi trẻ có mặt tại hiện trường, cuộc đấu vòi rồng đã diễn ra từ lúc 7 giờ 30, giờ Việt Nam và kéo dài hơn một tiếng đồng hồ.

Sau khi dùng loa kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan, tàu kiểm ngư 9226 cùng với các tàu kiểm ngư khác của Việt Nam tiến sát vào khu vực này. Phía Trung Quốc đã điều 15 tàu hải giám, hải cảnh, các tàu cá bán vũ trang ra chặn các tàu Việt Nam. Sau khi tìm cách lao thẳng vào tàu 9226 của Việt Nam, các tàu của Trung Quốc áp sát mạn tàu Việt Nam và dùng vòi rồng, với áp lực nước rất mạnh, tấn công vào ống khói, ca bin và antenne liên lạc.

Tàu Việt Nam đã dùng vòi rồng đáp trả, buộc đội hình tàu của Trung Quốc phải dãn ra, nhưng vẫn bám theo tàu Việt Nam.

Sau hơn một giờ đối đầu, vào lúc 9 giờ 45 phút, các tàu Trung Quốc đã rút ra xa. Tàu Việt Nam bị thiệt hại nhẹ, nhưng toàn bộ thuyền viên an toàn.

Vẫn theo báo chí trong nước, hôm qua, lãnh đạo Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Trung Quốc dùng các tàu quân sự, hải cảnh và hải tuần, thiết lập một vành đai xung quanh giàn khoan dầu trong phạm vi 7 hải lý. Khi có tàu chấp pháp Việt Nam tới gần, nhiều tàu Trung Quốc quây lại và phun vòi rồng tấn công.

Từ nhiều ngày qua, hàng chục tàu Trung Quốc, trong đó có cả các tàu hộ vệ tên lửa và tuần tiễu tấn công nhanh, vẫn hiện diện trong khu vực có giàn khoan.

Trong hai ngày, 10 và 11/05, Trung Quốc còn điều nhiều tốp máy bay đến hoạt động trong khu vực này, thậm chí có lúc máy bay Trung Quốc hù dọa, hạ độ cao, chỉ cách tàu cảnh sát biển của Việt Nam khoảng 200 – 300 mét.

……………………………………………………………….

Hàng ngàn công nhân Bình Dương biểu tình chống Trung Quốc
Nguồn:RFA-13-05-2014

chong TQ

Hàng nghìn công nhân tại KCN Sóng Thần ngừng việc, tuần hành phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam
danviet.vn

Hàng ngàn công nhân Việt Nam tại những nhà máy do Trung Quốc làm chủ đã xuống đường phản đối việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Hãng thông tấn AP đưa tin từ Hà Nội cho biết, Chính phủ Việt Nam gần như không có lệnh ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc và những cuộc xuống đường của giới công nhân như vừa nêu đã lan rộng, mang tính bạo động và nhắm thẳng vào các cơ sở đầu tư nước ngoài của Hoa Lục.

Giới chức của một khu công nghiệp cho biết các cuộc phản đối bắt đầu từ tối hôm thứ 2 và đến trưa ngày thứ 3 thì đã có tới 4 khu công nghiệp bị ảnh hưởng, đó là những nơi mà doanh nghiệp Trung Quốc và một số doanh nghiệp nước ngoài khác đang trú đóng. Ngoài ra, vị này cho biết, một số nhà máy đã ngừng hoạt động và bị lấy trộm.

Còn theo báo Lao Động thì tại khu công nghiệp VN – Singapore 1, tỉnh Bình Dương đã xuất hiện hàng ngàn công nhân công ty King Makerrong tự động ngừng việc, xuống đường với nhiều cờ, khẩu hiệu, tập trung thành đoàn hô to các khẩu hiệu phản đối TQ xâm phạm vùng biển chủ quyền của VN.

Trước đó, đêm 12/5, khoảng 5000 công nhân công ty giày Thông Dung, của khu công nghiệp Sóng Thần 2 cũng đã ngừng làm việc, xuống đường với cờ và khẩu hiệu chống TQ và giàn khoan 981.

Vào lúc 16.30 hôm nay 13/5, trước cổng đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, một số người dân cũng biểu tình như đã xảy ra hôm ngày 9 tháng 5 vừa qua.

Ý kiến –

Tú Gàn
nơi gửi Sài gòn

Cái chính là tội của Đảng Cộng sản Việt nam:
1. Không cho biểu tình chống Trung quốc vì có một vài tên chóp bu làm tay sai cho Tàu.
2. Đảng sợ Dân biểu tình nhân đó mà “Lật đổ chính quyền”- cái sai lầm là nghe Tàu Cộng xúi dại, chứ đồng bào chỉ biểu tình chống TRung quốc chứ không có ý đồ chống Đảng – Nếu Đảng theo Tàu mà bán Nước, bán Biển đảo thì dân sẽ thanh trừng luôn.

…………………………..

Công nhân VN biểu tình ‘phản đối TQ’
Nguồn:BBC – thứ ba, 13 tháng 5, 2014

cong nhan 1.jpg1

Các công nhân được cho là đang xuống đường phản đối Trung Quốc

Tin tức từ Bình Dương nói một đợt biểu tình ‘phản đối Trung Quốc’ đã xảy ra và chỉ vừa chấm dứt chiều ngày 13/5 tại một số khu công nghiệp chế xuất trong tỉnh.

Được biết tại các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore 1, Việt Hương và Sóng Thần 1 đã xảy ra cuộc biểu tình bắt đầu từ hôm 12/5, theo tin từ trang mạng của Tuổi Trẻ.
Theo một nguồn tin nói với BBC từ Bình Dương, sang đến hôm nay 13/5, con số công nhân tham gia gồm các nhóm cả đi xe máy và đi bộ lên tới 8.000 – 10.000 người.

Một người làm cho một công ty của Việt Nam nói rằng “Sáng hôm 13/05 thì người ta tuần hành bình thường nhưng tới trưa thì có bạo động một chút.

“Công ty tôi gần đối diện với một công ty của Trung Quốc và chính tôi nhìn thấy người ta đập phá cửa kính và lấy các thiết bị văn phòng”, người muốn ẩn danh này cho BBC biết vào tối ngày 13/05.

Được biết một số người đã kéo tới cả một số công ty không phải của Trung Quốc.

“Người biểu tình yêu cầu những người đang làm hàng trong các công ty đó đi theo họ, ai đi theo thì không sao, không đi thì cũng có một chút xíu gì đấy.

“Một số công công ty của Đài Loan cũng bị vạ lây vì họ cứ nhìn thấy chữ Trung Quốc là họ nhắm tới thôi”, người này cho biết thêm.

Một số trang mạng tại Việt Nam có đăng hình các nhóm người cầm cờ đỏ sao vàng, đập phá bảng hiệu của các nhà máy.

Một nguồn khác ở Bình Dương cho BBC hay đến khoảng 15 giờ chiều hôm nay, các nhóm biểu tình, đình công đã chấm dứt.

Tuy nhiên, một nguồn tin khác cũng cho BBC biết các đám đông vẫn chưa giải tán và hiện các cán bộ, công an đang có mặt ở hiện trường “để giải quyết tình hình”.

Bạn đọc Long Pham trên trang Facebook của BBC Vietnamese bình luận:

“Về sự việc ở KCN Bình Dương đơn vị ghi nhận được thì có thể đây là một cuộc bạo động có kế hoạch trước của phần tử xấu kích động.

“Không chỉ các công ty trung quốc bị đập phá hôi của mà cả các công ty của Sing-Hàn và Nhật cũng chịu cảnh tương tự thậm chí đồ đạc của người Việt cũng bị chung số phận.

“Hậu quả sau vụ việc này nhà nước ta phải đền bù toàn bộ thiệt hại cho các cơ sở doanh nghiệp bị phá thậm chí tệ hơn đầu tư nước ngoài sẽ e ngại khi đầu tư vào Việt Nam.

“Nếu ai có người quen đang tham gia hãy bảo họ ngừng ngay lại,đây không phải hành động yêu nước mà là phá hoại hình ảnh của nước ta trước quốc tế đừng để thể diện quốc gia tụt dốc nữa.”

‘Không đưa tin’

“Có thể các phóng viên chỉ báo cáo lên trên để lãnh đạo nắm vụ việc chứ không đưa tin”

Một nhà báo tại Bình Dương

Một nhà báo làm việc tại tỉnh Bình Dương nói với BBC Việt ngữ với điều kiện ẩn danh rằng các hành động của công nhân là ‘tự phát’ và ‘mục tiêu là phản đối Trung Quốc’.

“Tự dưng các công nhân nghỉ việc rồi làm thế,” ông cho biết và mô tả thái độ của những người biểu tình là ‘không ôn hòa’.

Ông cũng nói báo chí trong nước rất cẩn trọng với thông tin này vì lo ngại tinh chất vụ việc sẽ có ‘ảnh hưởng xấu về mặt ngoại giao’.

“Có thể các phóng viên chỉ báo cáo lên trên để lãnh đạo nắm vụ việc chứ không đưa tin,” ông cho biết.

BBC Việt ngữ cũng đã liên lạc với chính quyền thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, nơi đặt các khu công nghiệp VSIP1 và VSIP2, và chính quyền tỉnh Bình Dương, thì được cho biết tất cả các quan chức của thị xã và tỉnh đều đã xuống hiện trường để giải quyết vụ việc.

Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình còn tràn vào các công ty dường như không phải của Trung Quốc.

Tuy nhiên BBC không thể kiểm chứng độc lập các hiǹh ảnh này.
Lan đến Sài Gòn?

Một số công nhân được cho là ‘có hành động quá khích’

cong nhan 2

Một nhân chứng có tên là Trần Thế Mỹ, làm việc tại Công ty giày An Lạc thuộc Quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, kể với BBC rằng có một nhóm công nhân khoảng hơn 20 người đã vào một công ty giày da sát bên có tên là Lạc Tỷ của nhà đầu tư Trung Quốc để phản đối.

Theo lời của cô Mỹ thì trong số những người này có những người mặc áo công nhân của Công ty giày da Pou Yuen, một công ty có vốn đầu tư của Đài Loan.

Nhân chứng này cho biết nhóm người này đã vào công ty của cô trước.

“Họ đứng ở đây hò hét một tí rồi chạy sang bên kia (công ty Lạc Tỷ) xô cổng vô bảo vệ chạy vô ngăn không được,” cô nói.

“Họ không có băng rôn, biểu ngữ, chỉ có cờ Việt Nam, một số cành cây và thùng để đập,” cô nói thêm, “Họ chỉ hô tên Việt Nam thôi.”

“Họ vô được một khúc cửa và tập trung ở bên ngoài (công ty Lạc Tỷ) tiếp tục hò hét Việt Nam, Việt Nam. Họ không có đập đồ gì hết.”

Cô Mỹ còn cho biết vào sáng ngày 13/5 khi cô đi ngang qua công ty Pou Yuen thì thấ́y công nhân ra về. Cô có hỏi các công nhân thì được biết có một số người đập phá, treo cờ của Việt Nam buộc khối văn phòng phải thông báo cho công nhân đi về.

BBC không thể kiểm chứng những gì nhân chứng này nói tuy nhiên khi đang trao đổi qua điện thoại với cô từ công ty của cô ở Quận Bình Tân, phóng viên BBC đã nghe rõ tiếng người hò hét ồn ào. Cô Mỹ xác nhận là số công nhân biểu tình đang tuần hành ngang qua công ty của cô.

‘Công đoàn thực sự’

cong nhan 3

“Biểu tình chống Trung Quốc gây hấn là một chuyện, đập phá lại là chuyện khác và phải được ngăn chặn”

Nguyễn Quang A

Trong khi đó nhà quan sát Nguyễn Quang A từ Hà Nội cảnh báo về động thái mà ông gọi là “phá phách”.

Trong bài viết đang được đăng lại trên các trang mạng xã hội, ông Quang A viết “Hãy giải thích cho công nhân biết dùng bạo lực để phá phách không phải là giải pháp và chẳng có lợi cho ai cả. Biểu tình chống Trung Quốc gây hấn là một chuyện, đập phá lại là chuyện khác và phải được ngăn chặn.

“Ai đi giải thích? Công đoàn ư? Họ đã mất uy tín, nhưng nếu làm khéo họ vẫn có thể làm được gì đó. Chính quyền ư? Chắc chắn chính quyền phải làm, nhưng đừng theo kiểu cũ, mà phải tìm cách thực sự có tình có lý để thuyết phục công nhân và tìm mọi cách để tránh rơi vào bẫy.

“Những người làm công tác xã hội, các tổ chức xã hội dân sự có thể tham gia. Nhưng cái gốc là phải có các công đoàn thực sự của công nhân, phải có khung khổ pháp lý để cho các công đoàn này được thành lập và hoạt động theo một khung khổ pháp lý minh bạch, phải đào tạo những cán bộ công đoàn mới cho các công đoàn này”, nhà quan sát Nguyễn Quang A viết.

…………………………………….

TBT Nguyễn Phú Trọng bí mật xin sang Bắc Kinh, Tập Cận Bình không tiếp

Nguồn:danlambao.com

bi mat.jpg1
CTV Danlambao – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từ chối gặp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi người đứng đầu ĐCSVN đề nghị được sang Bắc Kinh đàm phán vụ giàn khoan HD 981.

Thông tin này vừa được tiết lộ trên The New York Times – một trong những tờ báo uy tín và lớn nhất thế giới.

Trong bài bình luận hôm 12/5/2014, nhà báo nổi tiếng Keith Bradsher nhận đình căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã rơi vào bế tắc, mặc dù hai nước đã có 14 cuộc giao thiệp liên quan đến việc giàn khoan HD981 hoạt động tại Biển Đông.

“Giới ngoại giao Bắc Kinh nói rằng họ biết rõ là chẳng hề có cuộc đàm phán thực chất nào giữa Trung Quốc và Việt Nam”, New York Times cho biết.

Hầu hết các cuộc đàm phán giữa cơ quan ngoại giao hai nước không được công bố nội dung chi tiết. Hoặc nếu có cũng chỉ mang tính độc thoại nhằm mục đích tuyên truyền và định hướng.

Theo New York Times, tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã bị chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối gặp mặt trước lời đề nghị đàm phán về giàn khoan 981:

“Nguồn tin đề nghị không nêu tên từ một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc nói rằng, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam đã đề nghị được sang thăm Bắc Kinh để nói chuyện với chủ tịch Tập Cận Bình, tuy nhiên lời đề nghị này đã bị từ chối.”

Nguồn tin không cho biết đề nghị sang Bắc Kinh của TBT Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước hay một chuyến thăm bí mật, theo kiểu ‘đi đêm’ nhằm thỏa hiệp.

http://www.nytimes.com/2014/05/13/world/asia/china-and-vietnam-at-impasse-over-drilling-rig-in-south-china-sea.html

Trong quá khứ, các cuộc đàm phán giữa hai đảng cộng sản về vấn đề chủ quyền và lãnh thổ diễn ra trên đất Trung Quốc đều dẫn đến hậu quả gây nhiều bất lợi cho Việt Nam. Bài học từ Hội nghị Thành Đô hay những bê bối của cựu TBT Lê Khả Phiêu đến nay vẫn còn để lại di họa khủng khiếp cho Dân tộc,

Trước đó, hôm 8/5/2014, trong phát biểu khai mạc hội nghị trung ương 9 của đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng không hề đả động đến sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan 981 cùng tàu chiến hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Tại điểm nóng Hoàng Sa, giàn khoan khổng lồ 981 với sự hộ tống của 80 chiến hạm Trung Quốc cùng nhiều tốp máy bay quân sự hung hãn tấn công tàu chấp pháp Việt Nam, mở màn cuộc xâm lăng nhằm chiếm trọn Biển Đông. Tình hình đang hết sức cấp bách, nguy cơ chiến tranh cận kề.

Trong khi đó, một bầu không khí bình yên giả tạo bao trùm hội nghị TW9, nơi có hơn 200 ủy viên trung ương đảng căng thẳng mật bàn công tác lấy phiếu tín nhiệm và chia chác ghế trong 2 năm tới.

Rốt cuộc, bạn vàng 4 tốt mà đảng cộng sản đã trở cờ, dù ông Nguyễn Phú Trọng đã nhu nhược đến mức xin qua Bắc Kinh yết kiến nhưng Tập Cận Bình vẫn không thèm tiếp. Thử hỏi khi biến cố xảy ra, ông Tổng Trọng và các chóp bu đảng còn nơi nào để tháo chạy?

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

…………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics