1.Báo TQ:'TT Nhật làm loạn tại châu Á'-2.Bộ chính trị chưa thống nhất(RFA)3.Mỹ:TQ gây bất ổn tại Biển Đông-4.'máu đại hán'

Báo TQ: Thủ tướng Nhật ‘làm loạn châu Á’
Nguồn:BBC – thứ năm, 29 tháng 5, 2014

Nhat Ban1

Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp đảo tại Biển Hoa Đông.

Truyền thông Trung Quốc nói Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ “tiếp tục khiêu khích” Bắc Kinh tại một hội nghị khu vực tổ chức cuối tuần này.

Ông Abe dự kiến sẽ có bài phát biểu chính tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Khu vực, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, vào thứ Sáu. Cuộc gặp thượng đỉnh này được tổ chức tại Singapore, với sự tham gia của đại diện quốc phòng đến từ các nước trong khu vực.
Đây là lần đầu tiên một thủ tướng Nhật Bản phát biểu tại hội nghị.

Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã trở nên rất căng thẳng bởi đối đầu liên quan đến vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông với quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, và Nhật gọi là Senkaku.

Hoàn cầu Thời báo bản tiếng Trung cho rằng việc ông Abe tham dự hội nghị cho thấy Nhật Bản “nhấn mạnh hơn mức thường lệ” sự kiện này.

Dẫn lời một nguồn không nêu tên, tờ này nói “vấn đề Trung Quốc, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ”, cũng như là “khả năng quản trị khủng hoảng trong khu vực” sẽ là những luận điểm quan trọng mà ông Abe đưa ra.

“Chúng ta hãy chờ xem vị thủ tướng Nhật Bản, người đang trên đường làm loạn cả châu Á, sẽ giở trò gì tại Singapore”

Nhân dân Nhật báo

“Sẽ ít có khả năng đại diện của hai nước [Trung Quốc và Nhật Bản] bắt tay nhau tại sự kiện này, vì Bắc Kinh thấy việc đó là không phù hợp,” Hoàn cầu Thời báo viết.

Tân Hoa Xã nói rằng, theo báo chí Nhật Bản, ông Abe sẽ “nếm mùi ‘nắm đấm thép’ tại Đối thoại Shangri-La”, do Bắc Kinh sẽ cử nhóm đại biểu đông hơn, dẫn đầu bởi thứ trưởng ngoại giao Phó Oánh.

Nhân dân Nhật báo bản hải ngoại thì chỉ trích ông Abe vì “không nỗ lực thật lòng” để cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

“Thay vào đó, ông ta làm gia tăng căng thẳng vấn để quần đảo Điếu Ngư, tạo ra cản lực mới cho quan hệ Bắc Kinh-Tokyo.”

Tờ báo này còn cho rằng thủ tướng Nhật Bản cũng đang “xúi giục một số nước Đông Nam Á chống lại Trung Quốc, biến họ thành công cụ để kiểm soát Bắc Kinh”.

“Ông Abe chắc chắn sẽ chộp lấy cơ hội này để cố truyền bá ‎ý tưởng đóng góp chủ động [của Nhật Bản] đến hòa bình. Chúng ta hãy chờ xem vị thủ tướng Nhật Bản, người đang trên đường làm loạn cả châu Á, sẽ giở trò gì tại Singapore,” Nhân dân Nhật báo viết.

‘Tổn hại kinh tế’

Cùng lúc đó, báo Trung Quốc cũng nói rằng Phó chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều đã hối thúc đoàn đại diện thương mại của Nhật Bản đang đến thăm Bắc Kinh xoa dịu căng thẳng.

Vào thứ Tư, ông Lý nói với ông Hiromasa Yonekura, chủ tịch Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản, rằng “việc cải thiện mối quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản cần sự hiểu biết đúng đắn và cách cư xử thích hợp về vấn đề lịch sử cũng như quần đảo Điếu Ngư,” Trung Quốc Nhật báo tường thuật.

“Có nhu cầu rất mạnh về hợp tác kinh tế của hai nước,” Mã Tuấn Vỹ, chuyên gia về Nhật Bản của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc bình luận.

“Quan hệ song phương đã chịu nhiều tổn thất và các đại diện thương mại đang tìm xem khía cạnh nào có thể tạo ra bước đột phá quan trọng,” ông Mã nói với Trung Quốc Nhật báo.

……………………………………….

Bộ chính trị chưa thống nhất trước thời cơ lịch sử: cựu ĐT Bùi Tín
Nguồn:Việt-Long – RFA-2014-05-30

chua thong nhat

Ông Bùi Tín: “Ông đã nói hay, bây giờ hãy làm đi…”
RFA file

Còn gay go, chưa nhất trí

Việt-Long: Ông có thể biết được gì về kế hoạch của Việt Nam trước sự xâm lấn của Trung Quốc?

Ô. Bùi Tín: Tôi cũng đang theo dõi tình hình ấy. Theo những gì tôi được thông tin từ trong nước ngay từ đêm hôm qua, thì hiện nay người ta vẫn còn chờ đợi. Bộ chính trị (BCT) xem ra đang thảo luận rất gắt gao nhưng chưa đạt được sự nhất trí, chưa được cả một đa số cho quyết định giải quyết theo hướng nào. Đây có thể là một thời cơ lớn để bẻ lái về đối nội cũng như đối ngoại, nhưng BCT có nắm được thời cơ này hay không, BCT có nghe được đúng lòng dân, mà khi chủ quyền quốc gia bị đụng đến, đã bật dậy, hoặc là vẫn chịu khuất phục quân bành trướng như trước đây, hoạc là phải theo một đường hướng mới, dứt tình với Trung Quốc, do anh gây sự như thế, không còn tình nghĩa đồng chí bạn bè tốt nữa mà chỉ còn giữ một mối quan hệ bình thường, và chúng ta phải gắn bó với lực lượng dân chủ của thế giới, của châu Á, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Liên Âu, Hoa Kỳ, có chỗ dựa vững chắc để đương đầu với cuộc xâm lăng thực sự của bọn bành trướng Trung Quốc.
An ninh-quốc phòng về một bên

Việt-Long: Như vậy là BCT có hai khuynh hướng?

Bùi Tín: Nếu xem xét kỹ thì thấy Tổng Bí Thư (TBT) là ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay vẫn rất dè dặt, thận trọng, gần như giữ nguyên đường lối ngả hẳn về phía Trung Quốc, không dám thay đổi hẳn. Riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì, theo lời nói của ông, ông muốn phát đơn kiện Trung Quốc như đã nói ở Manila, và đã có những lời tố cáo khá mạnh, theo với nhân dân. Tôi nghĩ đấy là một khuynh hướng nữa.

Việt-Long: Còn những nhân vật khác trong BCT theo khuynh hướng nào?

Bùi Tín: Theo tôi được biết, lực lượng an ninh và lực lượng quân sự có vẻ ngả về phía Thủ tướng, trong khi lực lượng tuyên huấn ngả về phía TBT Nguyễn Phú Trọng. Lực lượng của ban Tổ chưc trung ương, của Tô Huy Rứa, của Đinh Thế Huynh vẫn đang còn lưỡng lự, nhưng mà ngả về phía Nguyễn Phú Trọng. Do đó chuyến đi của Phạn Bình Minh theo lời yêu cầu của Mỹ mời sang để thảo luận về cuộc khủng hoảng biển Đông đã bị trì hoãn, chưa định được ngày. Ông Phạm Bình Minh không là Ủy viên BCT, nên phải theo chỉ thị của TBT, đó là lý do.
Những bàn tay có điều kiện

Việt-Long: Hiện đang có một phái đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ làm việc ở Việt Nam, nói chuyện với Việt Nam. Điểm thứ hai là Thủ tướng nhật Shinzo Abe chuẩn bị đọc diễn văn tại Hội nghị Shangri-La lên án Trung Quốc về hành động xâm lấn ở biển Đông. Ông nhận định ra sao về khuynh hướng của Hoa Kỳ, các nước dân chủ phương Tây và dân chủ ở châu Á về vấn đề biển Đông của Việt Nam hiện nay?

Bùi Tín: Tôi được biết phái đoàn (nghị sĩ Mỹ) ấy hiện nay có mặt ở Hà Nội, rất đúng lúc, và đúng lúc quốc hội Việt Nam đang họp, Vùa rồi ông trưởng đoàn (Mỹ) có gặp chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông Nguyễn Sinh Hùng có tố cáo Trung Quốc. Cho nên tôi nghĩ lúc này đúng là thời cơ. Nhật Bản, Mỹ, Philippines đã chìa tay thân thiện, chìa tay gần như ủng hộ Việt Nam đương đầu với bành trướng. Nhưng Việt Nam có nhận cái chìa tay thân thiện đó không, thời cơ đó không, hay lại bỏ tuột mất thời cơ.

Việt-Long: Những cái chìa tay nào cũng có điều kiện trong đó. Và điều kiện của Hoa Kỳ, phương Tây là Việt Nam phải dân chủ hóa…

Bùi Tín: Đúng như thế. Đường lối đối nội và đối ngoại gắn bó chặt chẽ với nhau. Điều kiện để bẻ hướng đối ngoại là trước hết phải bẻ hướng về đối nội. Tức là thực thi dân chủ. Anh Việt-Long có nhớ là hôm mùng 1 tháng giêng vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu một thông điệp rất hay, rất tốt, trong đó ông nói rõ là “dân chủ và pháp quyền là hai thành quả song sinh của nền chính trị hiện đại” và ông cam kết sẽ thục hiện…
Đã nói, hãy làm

Việt-Long: Xin ngắt lời ông để báo rằng hôm qua trong mục Thế giới Trong tuần chúng tôi đã nhận định rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhiều chính sách rất cởi mở, tiến bộ nhưng ông không thực hiện. Bởi vì từ đầu năm đến giờ ta thấy người dân chưa được thêm quyền dân chủ nào cả, chỉ bị đàn áp thêm…

chua thong nhat.gif2

Ông Bùi Tín trong cuộc phỏng vấn với Việt-Long, 28 tháng 5, 2014

Bùi Tín: Đúng thế. Hôm qua tôi đã viết một bài báo gọi là “Nói để làm, hay nói rồi để đấy” cho gió bay qua. Cho nên chính lúc này là lúc phải làm. Nhân dân đã có yêu cầu cấp bách; mà anh đã hứa, đã thề thốt, và lời hứa đầu năm bao giờ cũng là lời hứa tốt đẹp để đạt kết quả mỹ mãn. Ông đã nói dân chủ ngày đầu năm, hứa pháp quyền ngày đầu năm, đó là hai điểm yếu nhất của chế độ. Ông cam kết đến như thế, thì làm đi! Đây là một dịp may hiếm có, một thời cơ nghìn năm có một. Lòng dân đã biểu thị, cho nên tôi nghĩ ngày nay người lãnh đạo mà hiểu được lòng dân, bẻ lái được về đối nội và đối ngoại một cách có hệ thống thì sẽ được to. Nhân dân ta sẽ có chuyển biến rất lớn, và thế ngoại giao của ta sẽ khác hẳn. Tôi nói thêm là đừng sợ Trung Quốc. Tôi nhớ là cách đây 30 năm, Đặng Tiểu Bình đã dặn Giang Trạch-Dân, rỉ tai dặn kỹ 4 chữ “Thao quang dưỡng hối” tức là 30 năm tới hãy tránh ánh sáng, dưỡng hối là nuôi dưỡng bóng tối, cái âm mưu bốn hiện đại ấy. Trong thời kỳ đó đừng lộ nanh vuốt vội, đừng vội mà bị chặn lại. Nay thì đang vội quá, cho nên đang bị khối liên minh Hoa Kỳ-Nhật, Hoa Kỳ-Thái Lan, Hoa Kỳ-Philippines chặn lại sớm, mà đến bao giờ anh mới có lực lượng hải quân ngang với Mỹ để có thể chiếm được biển Đông này. Tôi nghĩ đây là sai lầm chiến lược của Bắc Kinh mà ta cần nắm chắc lấy để chuyển sang hướng mới cho đất nước.

Việt-Long: BCT liệu có được đảm lược chính trị, có được quyết tâm chính trị để thực hiện điều đó cho Việt Nam không?

Bùi Tín: Tôi hoài nghi lắm! Bởi vì cái gánh nặng về giáo điều nó nặng quá. Muốn như vậy thì anh phải bỏ cái Mác-Lê Nin đi chứ…

Việt-Long: Không làm được như vậy thì làm sao nắm được cái phao mà phương Tây và Nhật Bản đã đưa ra?
Nhu cầu chiến lược từng thời đại

Bùi Tín: Cho nên tôi nghĩ đây là thời cơ nghìn năm có một! Đây là thừ thách. Lúc này chỉ có cách nhân dân phải biểu thị sức ép với lãnh đạo mạnh hơn nữa. Giới trí thức phải lên tiếng mạnh hơn nữa để thuyết phục các lãnh đạo. Lãnh đạo hiện nay đã phân hóa, nhưng phân hóa chưa đủ nên phải có một tác động. Bây giờ rõ ràng thế giới đã chìa tay cho anh rồi. Và nhu cầu chiến lược là như thế… Ở đây tôi cũng nói thêm với anh Việt-Long là bà con ta ở hải ngoại có nhiều người có định kiến với Mỹ, rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa, có đáng tin cậy nữa không. Tôi thấy cần rõ rằng họ bỏ rơi lúc bấy giờ là vì nhu cầu chiến lược của thời chiến tranh lạnh, phải tranh thủ Trung Quốc để đánh gục Liên Xô là kẻ thù số một. Nhưng bây giờ yêu cầu chiến lược, lợi ích chiến lược của Mỹ là chặn cái thằng bành trướng Trung Quốc lớn nhất. Họ cần ta. Lúc này họ rất cần ta. Họ chìa tay cho ta, tại sao ta không nắm thời cơ này? Ta bỏ tuột thời cơ này thì phải nói là vĩnh viễn mất hết. Hãy trở lại với nhân dân, trở lại với chính nghĩa, trở lại với dân tộc, đi với thời đại. Còn chủ nghĩa Mác-Lê Nin, chủ nghĩa xã hội ảo tưởng, với Cộng Sản… là thuộc về quá khứ. Phải dứt với quá khứ, cái quá khứ đó dính với tội ác, dính với sai lầm chiến lược. Ta phải đi với nhân dân, đi với thời đại thì sẽ có tất!

Việt-Long: Xin cám ơn ông Bùi Tín đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.

…………………………………

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ mặt Trung Quốc gây bất ổn tại Biển Đông

chi mat TQ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La – REUTERS /Edgar Su

Nguồn:RFI – Anh Vũ

Sau Thủ tướng Nhật Bản, hôm nay 31/5/2014, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên tiếng tố cáo mạnh mẽ Trung Quốc đang có « những hành động đơn phương gây bất ổn » tại Biển Đông đồng thời cảnh báo Washington sẽ không thụ động nếu trật tự thế giới bị đe doạ.

Tại Diễn đàn An ninh Khu vực Châu Á Thái Bình Dương Shangri-La, trước sự có mặt của các đại diện quốc phòng nhiều nước châu Á, trong đó có Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung, lãnh đạo Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố: « Những tháng vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành những hành động đơn phương gây bất ổn trên Biển Đông ».

Ông Chuck Hagel nhấn mạnh : « Chúng tôi kiên quyết chống lại bất cứ hành động khiêu khích, gây hấn hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền từ bất cứ quốc gia nào” , đồng thời ông chỉ rõ « các nguyên tắc căn bản của trật tự thế giới » phải được bảo đảm.

Trước những chỉ trích mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung đang có mặt tại Shangri-La đã phản ứng lại cho rằng phát biểu của bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ không có cơ sở, đồng thời tố ngược lại lời lẽ của ông Chuck Hagel là mang đầy nội dung « bá quyền, khiêu khích, hăm doạ » và không mang tính xây dựng.

Không chỉ trên Biển Đông với việc đơn phương đưa giàn khoan dầu vào hoạt động sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, trong những ngày qua, Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trên không tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng.

Các hành động bá quyền của Trung Quốc với các nước láng giềng là chủ đề nóng tại hội nghị an ninh châu Á Thái Bình Dương kéo dài ba ngày. Đối thoại Shangri-La đã trở thành diễn đàn để các nước tập trung tố cáo những hành vi gây căng thẳng trong khu vực của Bắc Kinh.

Ông Chuck Hagel nhân diễn đàn Shangri-La một lần nữa khẳng định lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật Bản.

………………………………..
Báo đảng CSVN ‘chửi’ lãnh tụ Trung Quốc “máu đại Hán!”
Nguồn:nguoiviet.com-Sunday, May 25, 2014

HÀ NỘI 26-5 (NV) – Báo chính thức của đảng CSVN ở trung ương vừa có một bài viết “chửi” Trung Quốc là “máu đại Hán” và “nói một đàng, làm một nẻo”, một dấu hiệu cho thấy hai nước không còn “tình nghĩa đồng chí anh em.”

Bài báo “Nói một đàng, làm một nẻo!” trên báo chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 23/5/2014. (Hình: NV cắt lại từ internet)

“Máu ‘đại Hán’ hung hăng của Trung Quốc đang lao vào tranh chấp lãnh thổ với một loạt các quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông. Tuy nhiên, trong phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) tại Thượng Hải ngày 21/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn bình thản tuyên bố Trung Quốc đang lớn mạnh cần các biện pháp ‘hòa bình’ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Nói vậy nhưng không phải vậy, Trung Quốc bao giờ cũng ‘nói một đằng, làm một nẻo!'”

Bài viết trong mục “Tiêu điểm” ngày 23/5/2014 trên trang mạng “Cơ quan trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam” mở đầu bài viết như vậy cho người ta hiểu là mối quan hệ giữa CSVN và Trung Quốc không còn gì để hô hò cổ võ, dù là bề ngoài, cho “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt” nữa.

Để minh chứng cho cách hành xử “nói một đàng, làm một nẻo” của các lãnh tụ “đai Hán” ở Bắc Kinh, báo đảng CSVN dẫn lời nói của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “cam kết tìm kiếm cách giải quyết hòa bình trong việc tranh chấp với các quốc gia khác về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi và lợi ích hàng hải”.

Tuy ông Tập Cận Bình tuyên truyền như vậy, “nhưng giàn khoan Hải Dương – 981, vẫn ngang nhiên đặt vào vùng biển của Việt Nam, cùng hàng trăm tàu hộ tống đâm húc, dùng vòi rồng cực mạnh phun nước vào các tàu chấp pháp của Việt Nam”, trang báo điện tử của đảng CSVN viết.

Báo đảng CSVN dẫn ra nhiều vụ đâm húc, xịt nước gây thiệt hại cho các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam đến bảo vệ vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm. Tuy là kẻ xâm lăng, nhưng Trung Quốc lại làm ra vẻ mình là nạn nhân mà dư luận quốc tế không nước nào bầy tỏ sự hậu thuẫn cho Bắc Kinh vì biết họ tuyên truyền dối trá, ngang ngược.

“Có thể nói, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông vừa gia tăng các hành động gây hấn, vừa cố gắng ‘la làng’ nhằm tạo hình ảnh là nạn nhân đã đặt Trung Quốc vào thế tự ‘vạch mặt’ mình, ‘nói một đằng làm một nẻo’, đây là bản chất của những nhà đương cục Trung Quốc.” báo điện tử đảng CSVN kết luận bài viết. “Dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữa nước, hơn ai hết hiểu được ‘bụng dạ’ thật, của ‘ông láng giềng’ này. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn’, nhân dân Việt Nam quyết không sợ, đoàn kết một lòng, với tất cả lực lượng và trí tuệ, bảo vệ vững chắc từng ‘tấc biển’ của tổ quốc.”

Hàng năm, các phái đoàn của đảng, nhà nước và quân đội CSVN từ trung cấp đến cao cấp, thường xuyên sang Trung Quốc để trao đổi, học tập lẫn nhau. Có thể nói, từ khi hai nước tái lập bang giao năm 1990 sau hội nghị Thành Đô, đến nay đã 24 năm qua, lần đầu tiên, người ta thấy báo đảng trung ương của “chửi” nước Cộng Sản đàn anh bằng những lời lẽ rất nặng. (TN)

………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics