1.Biển Đông thành chién trường mới..(DLB)2.Miền Đông-Tây VN suy tàn(VB)3.Dân vô sản đói meo..(VB)4.

8705. Biển Đông thành chiến trường mới, Trung Quốc chống cả thế giới

Nguồn:Posted by adminbasam on 12/06/2016

VietTimes 12-6-2016

Thục Ninh

Mỹ sắp triển khai đồng thời hai cụm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông đề phòng bất trắc. Ảnh: internet
Mỹ sắp triển khai đồng thời hai cụm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông đề phòng bất trắc. Ảnh: internet

National Interest (Mỹ) nhận định, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter và đô đốc Tôn Kiến Quốc tại Đối thoại Shangri – La đã làm nổi bật đứt gãy chiến lược sâu sắc trong khu vực và Biển Đông đã trở thành chiến trường mới của ở châu Á. GS Richard Javad Heydarian thắc mắc phài chăng Trung Quốc chống lại cả thế giới?

“Thái Bình Dương rộng lớn đủ chỗ cho cả hai nước lớn như Mỹ và Trung Quốc”, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố như vậy trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ Barack Obama tại Sunnylands năm 2013. Lạc quan về một kỷ nguyên hợp tác mới, ông Tập đề xuất một “mô thức quan hệ nước lớn kiểu mới”.

Ba năm sau, hai nước Mỹ và Trung Quốc va chạm nhau ở Biển Đông, tuyến hải lộ quan trọng nhất thế giới. Sự kình địch Mỹ-Trung ngày càng tăng và những phản ứng của khu vực đã bộc lộ tại Đối thoại Shangri-La mới đây, nơi các quan chức lãnh đạo quốc phòng và chuyên gia thế giới gặp nhau tại Singapore.

Mặc dù bớt gay gắt hơn trông đợi, phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter là sự nỗ lực biện minh cho sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á, cũng như tăng cường liên minh an ninh với một loạt các cường quốc khu vực. Ông nói về những ưu thế quân sự vượt trội tiên phong của Mỹ, như đội tàu ngầm không người lái mới thuộc lớp Virginia, loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới B-21. Giới thiệu Mỹ như một siêu cường ôn hòa, ông Carter cổ súy mong muốn chia sẻ những năng lực tối tân với các đối tác tại châu Á-Thái Bình Dương , đặc biệt là Nhật Bản và Úc.

Tuy nhiên, ông chủ Lầu Năm Góc tỏ ra cứng rắn khi nói về Trung Quốc và những tham vọng khu vực ngày càng tăng của Bắc Kinh. Ông Carter công khai cáo buộc Trung Quốc về những hành động hung hăng chưa từng có tiền lệ khiến người ta nghi ngờ những ý đồ chiến lược của nước này. Ông cảnh báo, nếu những hành động này tiếp tục, Trung Quốc rút cuộc sẽ tự dựng bức Trường Thành tự cô lập. Ông xem những hành động của Trung Quốc là khiêu khích, gây bất ổn và tự cô lập.

Theo National Interest, bộ trưởng quốc phòng các nước phương Tây và khu vực từ Pháp tới Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam cũng đều bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông. Chỉ trong hai năm qua, Trung Quốc đã bồi lấp 3.200 mẫu Anh (1.295 ha) trong vùng biển tranh chấp, ráo riết xây dựng phi pháp những hòn đảo nhân tạo khồng lồ.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã triển khai những loại vũ khí tiên tiến tới một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, từ các hệ thống radar cao tần tới tên lửa phòng không cho đến chiến đấu cơ phản lực. Việc Trung Quốc tăng cường lực lượng dân quân biển cũng là một nguồn gây quan ngại khác. Trong bối cảnh Trung Quốc ráo riết xây dựng hệ thống quân sự tại khu vực, dư luận ngày càng lo ngại Trung Quốc sẽ sớm ở tuyến bố thiết lập một “vùng miễn trừ”, từ chối các chuyến bay tự do cũng như lưu thông hàng hải đối với các lực lượng quân sự khu vực cũng như thế giới.

H1

Cụm tác chiến tàu sân bay Stennis đang hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: US Navy

H1

Siêu tàu khu trục hạm trị giá 4 tỷ USD này cũng sẽ sớm có mặt tại châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter đã 38 lần nhắc tới từ “nguyên tắc”, cố gắng vạch rõ những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông như một mối đe dọa đối với luật pháp quốc tế và lợi ích rộng lớn hơn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt khi nó trở thành lợi ích chung toàn cầu như tự do hàng hải và hàng không.

Một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các phát biểu và trao đổi giữa các quan chức quốc phòng hàng đầu là vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” ngang ngược và phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Manila đã khởi kiện Bắc Kinh ra Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển vào năm 2013, ít tháng sau vụ tranh chấp nguy hiểm giữa hai nước tại bãi cạn Scarborough.

Trước thời điểm tòa ra phán quyết, nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, Úc và hầu như toàn bộ các tay chơi đáng kể trong khu vực đều hoặc công khai hoặc gián tiếp bày tỏ sự ủng hộ phán quyết của tòa án quốc tế.

Trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần đầu tiên tổ chức hồi đầu năm nay, cả hai bên đều coi luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS là vấn đề then chốt trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tuyên bố chung kêu gọi triệt để tôn trọng hành động pháp lý của các bên liên quan. Trước sự lo lắng của Trung Quốc, các nước mạnh ở Đông Nam Á khác như Indonesia và Việt Nam vẫn đang theo sát diễn biến vụ kiện của Philippines cũng có thể tiến hành bước đi tương tự, National Interest nhận định.

Đáp trả, Trung Quốc tìm cách phá tính hợp pháp của tòa án quốc tế bằng cách xây dựng một liên minh quốc tế ủng hộ, tập hợp khoảng 40 quốc gia hầu hết là những nước nghèo, nằm sâu trong lục địa và không có biển hòng vận động các nước này ủng hộ quan điểm sai trái về Biển Đông.

Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc lớn tiếng tại Đối thoại Shangri-La rằng: “Chúng tôi không bị cô lập trong quá khứ, không bị cô lập hiện nay và cũng sẽ không bị cô lập trong tương lai”. Tôn Kiến Quốc cho rằng Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm toàn cầu. Tôn còn cáo buộc Philippines là nước đầu tiên xâm chiếm Biển Đông và đang hủy hoại hòa bình khu vực bằng việc khởi kiện ra tòa mà không có sự đồng thuận của Trung Quốc.

Nhắc lại luận điểm quen thuộc rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc dựa trên chứng cứ lịch sử, điều mà hầu như chẳng chuyên gia về Trung Quốc nào thừa nhận, Tôn Kiến Quốc còn tố cáo Mỹ và các đồng minh áp dụng tâm lý Chiến tranh Lạnh và thành kiến, đồng thời cảnh báo rằng Trung Quốc “không sợ rắc rối”. Tôn chối bỏ Trung Quốc không chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng dâng cao trong khu vực, rằng Trung Quốc không có tham vọng bá quyền. Tôn cũng tố cáo Mỹ và đồng minh “khiêu khích” và theo đuổi những lợi ích ích kỷ của bản thân.

Tôn còn cao giọng nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ gây đe dọa đối với tự do hàng hải ở bất cứ tuyến hải lộ quốc tế nào, đặc biệt là ở Biển Đông (điều mà chẳng ai dám tin). National Interest kết luận hai bài phát biểu quan trọng nhất của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter và Tôn Kiến Quốc đã làm nổi bật đứt gãy chiến lược sâu sắc trong khu vực và Biển Đông đã trở thành chiến trường mới của ở châu Á.

…………………………………………………………………………….

Miền Đông-Tây VN Suy Tàn
Nguồn:vietbao.com 11/06/2016

Vi Anh

Miền Đông, Miền Tây VN đang suy tàn vì ô nhiễm môi sinh do cách “làm kinh tế kinh thế” của CSVN.

Miền Đông, Miền Tây Nam Việt trù phú, vựa lúa, cá nước ngọt của cả nước Việt Nam là hai con sông: Vàm Cỏ Đông và Hậu Giang. Như Ai Cập phát triển sớm một nền văn minh cổ đại rực rỡ là món quà của sông Nile ở Bắc Phi. Nhưng trong 41 năm qua, những người CS Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam, từ ngoài Bắc vô Nam không rành phong thổ, làm “thuỷ lợi thành thủy hại” Miền Nam. Và những người du kích CS ở Miền Nam trong rừng ra quen đánh nhanh, chạy xa “làm kinh tế thành kinh thế ở Miền Đông và Miền Tây. Hậu quả vô cùng tai hại: sông Vàm Cỏ Đông nguồn sống của dân Miền Đông và sông Hậu Giang nguồn sống của dân Miền Tây, vựa lúa của cả nước ô nhiễm và thiếu nước đang ngất ngư sắp chết.

Tin trong nước mới đây, trong khi đồng bào bốn tỉnh Miền Trung đang sống dở chết dở vì cá bị chết hàng loạt, khiến dân chúng khắp nước biểu tình hàng trăm ngàn người, thì đồng bào sống trong vùng sông Vàm Cỏ Đông và Hậu Giang kêu la dậy đất thấu trời, rằng sông Vàm Cỏ Đông bỗng đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi thúi hết chịu nổi. Và sông Hậu Giang nước trong xanh như nước biển, không có phù sa bồi bổ cho đất đai, vườn tược, ven bồi khiến hết phì nhiêu như hồi đó tới giờ.

Người dân nghi ngờ sông ngòi ở Miền Đông bị các doanh nghiệp xả chất thải gây ô nhiễm, nguồn nước đổi màu và bốc mùi thúi ngày càng lan rộng. Còn ở Miền Tây, nước sông Hậu Giang trở xanh như nước biển, không có phù sa từ thượng nguồn Mekong về miền Tây vì các nước thượng nguồn chánh yếu là TC xây nhiều đập thủy điện, giữ nước làm Cữu Long cạn dòng, Hậu Giang là một nhánh lớn nhứt. Hiểm họa mất phù sa này là một đại hoạ tàn phá miền Tây, còn nguy hơn TC xây đập làm cạn dòng. Đồng ruộng, vườn tược hết phì nhiêu, lão hoá, đất chai thành đất sét vì không có phù sa bồi bổ trong mùa nước lớn. Thông thường Hậu Giang phù sa nhiều đến nỗi nước màu hường dợt trong mùa nước lớn ngập cả MiềnTây, để phù sa lại. Bây giờ theo mô tả của phóng viên Thanh Niên, từ cầu Cần Thơ nhìn xuống mặt nước phía gần cồn Phù Sa, cồn Ấu, thành phố Cần Thơ có thể thấy, vài vệt phù sa trôi dập dềnh giữa dòng nước trong xanh bao phủ toàn bề mặt sông Hậu Giang.

Nguy cơ Miền Tây điêu tàn vì Cửu Long bị các đập thượng nguồn cản nước làm cạn dòng, vựa lúa của cả nước bi nhiễm mặn, ruộng đồng lừng phèn, xóm làng bị chìm dưới làn nước mặn đang ở tình trạng báo động đỏ của thế giới.

VNCS nằm trong top 10 nước bị ảnh hưởng khí hậu nặng nề nhất trong 20 năm qua vì bão, lũ, và đất chuồi, do công tác thuỷ lợi duy ý chí của Đảng CS thành thuỷ hại cho dân Miền Nam. Germanwatch có trụ sở ở Đức xếp VN vào hàng thứ 7 trong danh sách. Ngoài tai hoạ vừa nói, VN còn bị tai hoạ sông Cửu Long cạn dòng do các nước thượng nguồn nhận tiền của TC xây đập thuỷ điện. Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt, ruộng vườn nhiễm mặn, cá tôm cạn kiệt. Do chế độ CS Hà nội ký hiệp ước Harza Mekong mới sau 1975, không chú ý bảo lưu quyền phủ quyết của VN trong khi các nước thượng nguồn xây đập.

Nhớ xưa VN Cộng Hoà là thành viên thường trực của HARZA Mekong, VNCH có quyền phủ quyết những dự án xây đập của các nước thượng nguồn có nhiều tranh luận như 11 đập của TC nói trên. Nhưng sau khi CS Bắc Việt cưỡng chiếm được VNCH, VN Cộng sản không phải là thành viên. Mãi mấy năm sau, VNCS tranh thủ mới vào được Uỷ Hội Sông Mekong gọi tắt là MRC (Mekong River Commission). Lúc bấy giờ Ngoại Trưởng của VNCS cố tranh thủ cho VNCS tham gia vào, hy sinh quyền phủ quyết của VN, cơ sự tai hại mới xảy ra như ngày nay cho VN.

Môi sinh VN bị ô nhiễm và tổn thương, còn con người VN thì bịnh ung thư tăng lên 30%, theo con số của Hiệp Hội Ung Thư Việt Nam. 30% bệnh nhân bị ung thư do ăn thực phẩm có chứa chất bảo quản như ung thư dạ dày, đại tràng. Thuốc trừ sâu, thuốc nuôi nấng, vỗ béo, bảo quản cho thực vật và gia cầm, hoàn cảnh làm việc trong môi trường độc hại cũng khiến nhiều người có nguy cơ mắc ung thư cao. Mặc dù Việt Nam hiện có 6 bệnh viện chuyên trị ung bướu, 35 trung tâm, bệnh viện có khoa điều trị ung bướu từ tuyến trung ương đến các tuyến tỉnh thành, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Chính vì điều này, nhiều người có tiền mắc ung thư phải sang các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hoa Kỳ, Trung Quốc để điều trị.

Ung thư vì thức ăn có chất gây ung thư rất khó tránh. Người dân làm sao biết có chất gây ung thư trong đồ ăn thức uống hay không. Chỉ nhà cầm quyền mới có phương tiện phân tích, kiểm soát, trừng phạt ngăn chận. PGS.TS Trần Văn Thuấn nói, trong các nguyên nhân của ung thư, có đến 1/3 loại ung thư là do vấn đề ăn uống. Nào đồ ăn thức uống của TQ độc hại tràn lan. Đầy chợ rau phun thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu quá liều lượng, thịt có chất tạo nạc, trái cây ép lớn và chín bằng hoá chất. Dân nghèo ít đi khám định kỳ, phòng chống, chữa trị tới nơi tới chốn. Nước chậm tiến, cơ sở điều trị thiếu. VN không có chế độ miễn phí y tế cho người nghèo như Medicaid của Mỹ.

Trên đây chỉ là một hai loại ô nhiễm, bịnh hoạn do sách lược làm kinh tế tăng gia với bất cứ giá nào của hai chế độ CS TQ và VN. Còn nhiều thứ làm kinh tế kinh hồn hơn thế nữa. Truyền thông đại chúng trong cũng như ngoài nước loan tải nghe thấy mà ghê. Một số sự kiện về cách CS làm kinh tế kinh thế này đây: Nhớ đài Á châu Tự do ở Mỹ có lần loan tải nào nước mắm VN chứa đầy chất u rê để tăng đô đạm, nước tương Trung Quốc và VN làm theo kiểu thủy phân từ đủ thứ trong đó có tóc của con người. Nước tương, nước mắm là nước chấm gốc của người Việt, dùng như cơm bữa. Nhà Nước VNCS cho “xuất khẩu” sang Mỹ, cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc men FDA Mỹ chỉ kiểm nghiệm lô, chớ không có đủ người và thì giờ kiểm nghiệm toàn bộ./.(Vi Anh)

…………………………………………………………………………………………….

Dân Vô Sản Đói Meo, Đảng Vô Sản Giầu Nứt Mắt
Nguồn:vietbao.com- 10/06/2016

Phạm Trần

Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhét đầy miệng dân những chiếc bánh vẽ “vô sản” để cho cán bộ làm giầu nứt mắt.

Chuyện này không mới nhưng vì đảng tưởng dân chưa biết nên cứ vẽ voi đánh lừa mãi.

Trước hết, hãy nói về những chuyện không thật ghi trong Điều 2 Hiến pháp năm 2013:

“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”

Thực tế không phải như vậy vì nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không có pháp quyền. Nó cũng không phải của dân, do dân và vì dân mà là của riêng đảng, do đảng lập ra để cai trị dân và vì đảng mà phục vụ.

Nếu có thượng tôn pháp luật từ trên xuống dưới trong hệ thống đảng và nhà nước thì xã hội Việt Nam đã tốt đẹp gấp vạn lần hơn bây giờ. Tệ nạn tham nhũng chưa biến thành quốc nạn. Các vụ khiếu kiện đông người cũng bớt xẩy ra thường xuyên. Các nhóm lợi ích đang xâu xé ngân sách, rút rỉa các dự án kinh tế cũng khó mà tồn tại trong guồng máy nhà nước như ngày nay. Anh ninh xã hội và an tòan lưu thông cũng bớt gánh lo cho dân.

Nếu đã có pháp quyền thì làm gì có những vụ mua quan bán tước, chạy chức chạy quyền, mua bằng, bán chỗ như Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã than?

Ông nói: “Cách đây vài chục năm, lãnh đạo ta đã nói là giặc nội xâm, quốc nạn rồi. Khi có quyền mà không kiểm soát dễ sinh ra hư hỏng. Tham nhũng là một bệnh, lãng phí cũng lớn lắm. Có những con số thống kê lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”.

“Giờ điều quan trọng là làm sao cho cán bộ công chức phải trong sạch. Nghị quyết Trung ương 4 cũng chính là mong muốn chống cho được lợi ích nhóm cục bộ trong cán bộ Đảng viên. Giờ về nhà đi ra ngoài thấy cái gì cũng phải tiền, không tiền là không trôi, rất là khó chịu. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng nhiều như gãi ghẻ, rất khó chịu. Chạy chỗ nào cũng thấy phải có tiền.” (Trích báo Người Lao Động online, 27/09/2013)

Bà Nguyễn Thị Doan, khi còn là Phó Chủ tịch nước cũng đã phải thốt lên sau chuyến đi công tác địa phương về: “Tôi càng đi càng thấy buồn, người ta ăn của dân không từ một thứ gì”.

Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN đã không thành công khi thi hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4/Khóa đảng XI về: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, (ban hành ngày 16/01/2012).

Công tác phòng, chống tham nhũng không những dậm chân tại chỗ mà còn được báo cáo “vẫn còn nghiêm trọng” tại nhiều cuộc họp của Ban Thanh tra Chính phủ và của Ủy ban Chỉ đạo phòng, chống Tham nhũng do Tổng Bí thư Trọng đứng đầu. Vì vậy đảng tiếp tục hứa trong Nghị quyết của Khoá đảng XII ngày 28/01/2016 là sẽ: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.”

Hứa chung chung như thế cũng đã có từ thời Tổng Bí thư đảng khoá VI Nguyễn Văn Linh (năm 1986), trước những 5 Khóa khi ông Trọng lên cầm quyền từ khoá đảng XI năm 2011. Chuyện xây dựng, chỉnh đốn đảng vì vậy, vẫn xưa như trái đất.

Đến đảng khoá XII tháng 01/2016, Nghị quyết của Đại hội XII lại tiếp tục làm những việc còn bỏ dở từ trước là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.”

Tại Hội nghị Trung ương 2, khóa XII, tháng 03/2016, Ban Chấp hành Trung ương lại tiếp tục cam kết: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; giữ vững bản chất cách mạng trong sáng của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…”

Vì vậy, điều được Hiến pháp 2013 khoe “quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” là không căn cứ.

Hai giai cấp công nhân và nông dân, những người đã cả đời hy sinh, nếu may mắn sống sót cũng chỉ còn da bọc xương, không được hưởng gì trong guồng máy nhà nước và trong tầng lớp cai trị của đảng.

Họ là thành phần đã bị thiệt thòi trong chiến tranh và tiếp tục vớí số phận hẩm hiu trong thời bình. Họ đã bị đảng CSVN lợi dụng xương máu trong 30 năm chinh chiến. Đến khi thành công, thống nhất đất nước, họ lại bị đảng đầy sang lề đường để cho tầng lớp lãnh đạo được thênh thang tận hưởng bổng lộc của những hy sinh xướng máu đó đem lại.

Còn đội ngũ trí thức, ngoại trừ thành phần tay sai ăn cơm đảng, số còn lại đã bị đảng coi thường và xếp ngang hàng với tầng lớp bần cố nông vô học. Tệ hại hơn, nhiều người trong số họ đã bị đảng xếp vào thành phần phản động, phản cách mạng, hay kẻ thù của nhân dân để bị ngồi tù hay bị cô lập.

Sụ lạm dụng này đã thể hiện đầy đủ trong phần chính của Điều 4 Hiến pháp 2013 viết rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Có ai cho phép đảng làm “đội tiên phong” đâu. Đảng đã tự khoác chiến áo “đại diện” để tự tung tực tác, tự ý áp đặt chủ nghĩa ngọai lai Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản của ông Hồ lên tòan xã hội.

Thế rồi, đảng còn mị dân khi cả gan tự cho mình quyền “đại diện chủ sở hữu” đất đai của Quốc gia, như ghi trong Điều 53, Hiến pháp 2013: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”

Như thế thì có phải nhân dân, tầng lớp vô sản đã bị sử dụng làm con tốt thí để bảo đảm quyền được “ăn hết” cho đảng không?

Và cũng là nhân dân, lực lượng lao động rường cột đã và đang xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc có được hưởng gì với mồ hôi và nước mắt của mình đã đổ ra?

QUỐC HỘI CỦA AI?

Tiêu biểu cho quyền lợi của dân là Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, mới được bầu lại ngày 22/05/2016. Nhưng cả hai cơ quan này đều do đảng kiểm sóat từ chuẩn bị bầu cử đến việc chọn lựa ứng cử viên qua 3 giai đọan: nơi cư ngụ, chỗ làm việc và cuộc họp cuối cùng gọi là “hiệp thương” do Mặt trận Tồ quốc của đảng ở các cấp trực thuộc tổ chức.

Bằng chứng nhân dân đã không hào hứng tham gia bầu cử bằng việc chịu mưa nắng hàng giờ để đón Phái đòan của Tổng thống Mỹ, Barack Obama đến thăm Việt Nam từ ngày 22 đến 25/05/016. Hàng chục nghìn người dân, có cả các cụ gìa,thiếu nữ và trẻ em đã xếp hàng hai bên đường ở Hà Nội và Sài Gòn để chào đón ông Obama thay vì đến phòng phiếu.

Dù vậy, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia vẫn khoe sáng 8/6/2016: “Tổng số cử tri cả nước 67.485.480 cử tri, tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu 67.049.200 cử tri, đạt 99, 35%. Nhìn chung tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao trên 90%.”

Tất nhiên dân phải đi bầu để bảo vệ miếng cơm manh áo và cuốn sổ Hộ khẩu.

Tuy nhiên sự hụt hẫng của bầu cừ cũng được ông Phúc nói với báo chí: “Về cơ cấu kết hợp, dân tộc thiểu số thiếu 4 người so với dự kiến; phụ nữ thiếu 17 người so với dự kiến; ngoài Đảng giảm 4,2 so với khóa XIII (21 đại biểu ngoài Đảng dắc cử); trẻ tuổi cao hơn 21 người so với dự kiến; tái cử bằng số dự kiến, nhưng giảm 1,1 so với khóa XIII; tự ứng cử giảm 0,4% so với khóa XIII.” (VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam), 08/06/2016)

Vẫn theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, số ứng viên tự ứng cử lần này là 317 người, nhưng chỉ có có 2 người trúng cử.

Nhiếu người tự ứng cử nổi tiếng đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền đã bị lọai ngay từ vòng đấu tiên.

Bản tin VOV cũng cho biết: “Có 496 người trúng cử, thiếu 4 đại biểu so với tổng số đại biểu tối đa được bầu, trong đó 95,8% số đại biểu là đảng viên.”

Như vậy thì Quốc hội là của dân hay của đảng?

Nếu chỉ của đảng như đã chứng minh bấy lâu nay thì nền dân chủ được gọi là “vô sản” của ai, hay chỉ là của riêng đảng đội lốt nhân dân ?

Lập luận trái chiều của báo Quân đội Nhân dân ngày 19/05/2016 là một bằng chứng. Báo này viết: “Nền dân chủ vô sản gắn chặt với cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, cho nên, nó chỉ có thể được thực hiện bằng con đường thiết lập quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với toàn bộ xã hội thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản. Chỉ có giai cấp vô sản và Đảng tiên phong của mình, với cơ sở xã hội rộng lớn là quảng đại quần chúng nhân dân lao động mới có khả năng thiết lập được nền chuyên chính vô sản, vừa bảo đảm dân chủ và lợi ích căn bản của đông đảo quần chúng lao động, vừa triệt tiêu mọi khả năng phục hồi chế độ bóc lột và nô dịch…”

Ngặt nỗi, tầng lớp vô sản nhân dân trong chế độ của nhà nước Việt Nam lại không được quyền làm giầu và sống giầu như các đảng viên, nhất là các cấp có chức có quyền.

Người dân Việt Nam sống trong chế độ Cộng sản ở miền Bắc trước 1975 và hiện nay trên cả nước luôn luôn là thành phần bị cai trị bởi những kẻ độc tài đội lốt dân chủ. Người dân tuy có tiếng là chủ nhân của đất nước nhưng mọi thứ quyền đều nằm gọn trong tay đảng cầm quyền. Chủ nhân thật sự đã biến thành đầy tớ cho kẻ đầy tớ nhẩy lên lãnh đạo.

Người dân, chủ nhân của đất nước, muốn có dân chủ phải xin cán bộ đảng, là đầy tớ của mình ban cho nên tình trạng nhiễu nhương này đã đẻ ra nhiều tệ nạn trong hệ thống cầm quyền.

CÁN BỘ HAY QUAN?

Bằng chứng cán bộ, đảng viên của đảng Cộng sản cầm quyền, bao gồm cả cấp lãnh đạo, đã mất phẩm chất và bị nhân dân xa lánh đã được ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tới trong diễn văn tại Hội nghị bàn về công tác dân vận ngày 27/05/2016.

Ông nói: “Ngoài những khó khăn khách quan, chúng ta cũng phạm phải một số sai lầm, khuyết điểm. Tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền khá phổ biến trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý, và cả trong các tổ chức chuyên trách công tác vận động quần chúng. Không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng ý kiến của dân, không làm công tác vận động quần chúng, chỉ nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Do đó đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.” (trích trang báo điện tử Danvan.vn)

Những khuyết tật của cán bộ được ông Trọng nêu lên không mới. Tình trạng cán bộ xa dân, coi dân như những con mòng để rút tỉa, là thành phần phải phục vụ nhu cầu của cán bộ đã có từ lâu rồi. Khuyết tật kinh niên này đã được đảng nói tới từ khoá đảng VI thời ông Nguyễn Văn Linh qua đến thời Tổng Bí thư khoá 7 Đỗ Mười rồi qua khoá VIII thời Lê Khả Phiêu, tiếp tục chuyển qua thời ông Nông Đức Mạnh trong hai khoá IX và X. Cho đến bây giờ, chúng lại bò qua tay ông Trọng từ khoá đảng XI.

Có khác chăng là càng ngày càng tinh vi, phức tạp và tráo trợn hơn nên ông Trọng phải nói thẳng:”Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất.

Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục.”

Ông Trọng đã dám nói ra những sự thật ít khi được công khai dưới thời các Tổng Bí thư tiền nhiệm, nhưng tại sao việc kê khai tài sản của cán bộ, nhất là cấp lãnh đạo lại không tìm ra của cải do tham nhũng mà có?

Nhân dân đã thường xuyên bàn tán về các trường hợp cán bộ cấp trung mà có tiền tỷ tậu nhà lầu, mua xe hơi và gửi con ra nước ngọai du học. Lại có cả những trường hợp đảng biết phải “làm gì ngoài luồng”, một cán bộ trưởng phòng mới giầu có nứt mắt như thế nhưng vẫn không thể tìm ra manh mối?

Điều này, chính ông Trọng cũng biết khi ông bảo: “Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng. Chúng ta không thể xem thường những biểu hiện này.”

Nhưng “chúng ta” là ai? Tất nhiên là có cả ông Tổng Bí thư. Tại sao ông chưa chỉ thị điều tra cho ra trắng đen?

Ông Trọng còn tiếp tục vạch áo cho dân xem lưng: “Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Một số người vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ.

Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật chất, tiền tài, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, trục lợi, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu để làm giàu bất chính. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên.”

Như vậy thì đảng đã rách chưa? Tại sao một đảng cầm quyền của công nhân và nhân dân lao động vô sản mà có nhiều kẻ xấu nhưng giầu có đến thế?

Ai trong dân mà không chảy nước mắt khi nhìn thấy những túp lều xiêu vẹo thiếu mái che mưa nắng ở một đất nước đã có những xa lộ cao tốc và dinh thự sang trọng chọc trời?

Và đã có mấy lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN biết được những trẻ em và người gìa vô sản đã tìm được của cải gì đáng giá cho một bát cơm giữa bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội)?

Hay đã có mấy cán bộ lãnh đạo đã phải sống với ô nhiễm do các bãi rác lộ thiên gây ra cho người dân Hà Nội (hai xã Phùng Xá và Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), hay tại nhiều nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh?

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những kẻ còn to mồm ca tụng chiếc bánh vẽ vô sản hãy đi thăm dân ở những vùng sâu, vùng cao và vùng hải đảo xem đảng CSVN có còn xứng đáng là đội ngũ tiên phong nữa không? -/-

Phạm Trần
(06/016)

++++++++++++++++++++++++++++++

TRƯỚC THỜI CUỘC:

Biển Đông Singapore Mỹ Hoa Kỳ Trung Quốc ASEAN Philippines

2 Hội Nghị Biển Đông: Bế Tắc

Vi Anh

Diễn đàn An ninh khu vực Đông Nam Á Shangri-La năm nay 2016 họp tại Singapore, như thường lệ qui tụ hàng trăm nhân vật lãnh đạo chính trị, ngoại giao, quân sự và chuyên gia quốc tế. Trước hội nghị một ngày, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter, trưởng phái đoàn Mỹ quả quyết chính sách «xây tường thành ở biển Đông sẽ làm Trung Quốc bị cô lập và sẽ bị Mỹ cùng các quốc gia trong khu vực đáp trả». Ngày 05/06/2016 là ngày cuối của Hội Nghị, Đô đốc Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo), trưởng phái đoàn của TC tuyên bố: «Hồ sơ Biển Nam Hải (Biển Đông) trở thành nghiêm trọng do có sự can thiệp của một vài nước bên ngoài vì quyền lợi ích kỷ không muốn đồng hành hoà bình với Trung Quốc». Ông không nói rõ nhưng ai cũng biết ông ám chỉ Hoa Kỳ. Và ông giành phần phải và nói đánh đầu, rằng Trung Quốc «không tạo vấn đề cũng không sợ vấn đề». Tinh hình Mỹ-Trung thêm căng thẳng. Cả thế giới đều thấy về Biển Đông TC vẫn “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Thực vậy, tình hình càng ngày càng căng thẳng trên vùng Biển Đông. TC ỷ mạnh hiếp yếu, xâm lấn, quân sự hoá biển đảo của các nước, đơn phương tuyên bố chủ quyền hơn 80% Biển Đông. Các nước trong vùng Á châu Thái bình dương như Nhựt, Phi, Việt, Mã, Nam dương bị TC xâm lấn, kêu ca, chống đối TC. Mỹ cũng chống vì TC gây bất ổn trong vùng biển này, gây trở ngại tự do hàng hải, vi phạm luật quốc tế. Mỹ mấy lần cho vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của các đảo TC quân sự hoá, để phủ nhận chủ quyền áp đặt của TC. Các nước bị TC xâm lấn, để ủng hộ lập trường tự do hàng hải của Mỹ, kết thành một liên minh phòng chống TC. Liên Âu, G7 đều ủng hộ lập trường Biển Đông của Mỹ. Đó là ý nghĩa Bộ Trưởng Quốc Phong Mỹ tuyên bố, «xây tường thành ở biển Đông sẽ làm Trung Quốc bị cô lập và sẽ bị Mỹ cùng các quốc gia trong khu vực đáp trả».

Về phía Quốc Hội Mỹ, nhiều lãnh đạo bên đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, là Chủ Tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Barack Obama loại Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận RIMPAC để thể hiện sự bất bình của Washington về những tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Cuộc tập trận mang tên «Vành đai Thái Bình Dương» (RIMPAC), là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần vào tháng 6 và tháng 7. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các tàu chiến của nước này sẽ tham gia các cuộc tập trận bắn đạn thật, các cuộc diễn tập chống cướp biển, tìm kiếm cứu hộ trên biển.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean- Yves Le Drian tuyên bố «tranh chấp Biển Đông có liên quan trực tiếp đến Liên Hiệp Châu Âu, không phải chỉ vì quyền lợi kinh tế mà còn vì nguyên tắc tự do lưu thông phải được tôn trọng». Bộ trưởng Pháp đề nghị «Hải quân Liên Hiệp Châu Âu» tham gia tuần tra tại Biển Đông một cách «thường xuyên và rõ rệt».

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đề nghị một «khuôn khổ» an ninh khu vực không giải quyết tranh chấp bằng đe dọa và vũ lực.”

Theo sưu khảo của trung tâm nghiên cứu chiến lược IHS Jane, những căng thẳng trên Biển Đông khiến chi tiêu quốc phòng của vùng châu Á-Thái Bình Dương tăng thêm gần 25% trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2020, lên đến 533 tỷ đôla.

Thủ tướng Thái Lan, một nước giàu mạnh của ASEAN, đang do quân đội cầm quyền nhưng kêu gọi giải quyết tranh chấp biển Đông bằng hợp tác và giải pháp hòa bình; tức là chống ỷ mạnh hiếp yếu, chống dùng võ lực. Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la tại Singapore, thủ tướng Thái Lan cho rằng giải quyết tranh chấp Biển Đông không phải trò chơi được mất, mà các bên cần cùng có lợi. Thái Lan cho rằng ASEAN cần thống nhất về vấn đề Biển Đông vì hoà bình và ổn định ở khu vực hàng hải này đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Thái Lan tin rằng việc thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC sẽ tạo ra môi trường có lợi cho việc giải quyết vấn đề. Thái Lan cũng ủng hộ việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC.

Còn Miên là một thành viên của ASEAN thân thiết và lệ thuộc TC vì TC viện trợ và đầu tư hào phóng cho Miên. Bộ Trưởng QP Miên Tea Banh Miên lập công với TC, lên tiếng kêu gọi CSVN giải quyết vấn đề Biển Đông theo nguyên tắc song phương, không có nước thứ ba ám chỉ Mỹ xen vào, đúng theo sách lược hằng cửu của TC.

Tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Cộng Sản Việt Nam, Đại Tướng Ngô Xuân Lịch ban đầu có kế hoạch đi tham dư hội nghị Shangri–La để ra mắt các giới chức an ninh khu vực. Nhưng giờ chót, ông không đi, dường như ở nhà VN lo việc tiếp đón và bàn bạc với Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp, quan trọng hơn. Ông để cho Thứ Trưởng Quốc Phòng Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu phái đoàn CSVN tham gia diễn đàn. Đây là năm thứ hai Việt Nam cử cấp thứ trưởng tham gia diễn đàn thường niên. Thứ Trưởng QP Thượng Tướng Nguyễn chí Vịnh và Thứ Trưởng Công An Cộng Sản Việt Nam Bùi Văn Nam cũng có bài tham luận đọc trong phiên họp kín về “Quản trị căng thẳng ở Biển Đông”. Hai Ông cũng có những cuộc gặp gỡ song phương với các giới chức Hoa Kỳ, Singapore, Úc, New Zealand, Trung Quốc, Canada, Anh, Ý, Nhật Bản, Philippines và lãnh đạo một số công ty quốc phòng. Ô. Vịnh cũng có ngỏ ý VN sẽ mua vũ khí sát thương của Mỹ, nhưng đang suy nghĩ thứ gì cần thiết.

Đối thoại Shangri-La không giải quyết được gì cho an ninh vùng Á châu Thái binh dương. Căng thẳng Mỹ và TC càng tăng. Sau đó Mỹ và TC có cuộc họp cấp cao hơn ở Bắc Kinh. Cuộc họp «Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên lần thứ 8» diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 06 và 07/06 giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cuộc đối thoại lần thứ 8 thêm căng thẳng. Tin RFI của Pháp cho biết, “Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi «thiết lập tin cậy lẫn nhau» nhưng khẳng định có những bất đồng «không thể giải quyết bằng đối thoại». Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, được Bộ trưởng Tài Chính Jacob Lew tháp tùng, đã trả lời cứng cỏi: chính hai nước chúng ta, Mỹ và Trung Quốc, phải hành động như thế nào để trở thành đối tác hơn là đối thủ?”./.(Vi Anh)

………………………………………………………………………

Tàu Trung Quốc giả ‘tàu cá’ xâm nhập biển Đà Nẵng
Nguồn:nguoiviet.com-Saturday, June 11, 2016 2:54:36 PM

ĐÀ NẴNG (NV) – Tàu quân sự Trung Quốc giả dạng tàu đánh cá xâm nhập rất nhiều và có trường hợp xâm nhập rất sâu vào gần bờ biển Đà Nẵng, theo thông tin đưa ra tại một hội nghị địa phương.

Một đoàn tàu cá Trung Quốc được xua xuống Biển Đông, xâm phạm vùng biển Việt Nam. (Hình: Henews)

Tờ Dân Việt hôm Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016 tường thuật một hội nghị của “Ban chỉ đạo Biển Đông và hải đảo” của thành phố Đà Nẵng tổ chức một ngày trước đó cho hay như vậy về vấn nạn mà thành phố này cũng như các thành phố dọc biển Việt Nam đối diện suốt bao năm qua và không dám mạnh tay đối phó chỉ vì “16 chữ vàng.”

Hội nghị vừa kể tổng kết 5 năm hoạt động nêu ra các thông tin “khiến tất cả các đại biểu có mặt rất lo lắng.”

Tờ Dân Việt kể như vậy và thuật lại rằng “năm 2015 Trung Quốc tiếp tục thực hiện sự bành trướng của mình trên Biển Đông với những hành động như thành lập 4 “Ban vũ trang nhân dân.” Đẩy mạnh tôn tạo, bồi đắp, mở rộng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc còn mưu đồ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), đưa hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm. Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên duy trì các tàu quân sự, tàu hải cảnh, hải giám, máy bay tuần tra để xua đuổi, bắt giữ tàu cá, cản trở cứu hộ cứu nạn… trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.”

Không dừng lại ở đó, “tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm nhập đánh bắt hải sản và trinh sát ở sâu trong lãnh hải Việt Nam. Thậm chí có tàu cá giả dạng vào cách đất liền Đà Nẵng chỉ 4 hải lý để trinh sát.”

Nguồn tin trên nói: “Thống kê của Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng Đà Nẵng cho thấy, năm 2015 có 264 lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Đà Nẵng, trong đó có nhiều tàu xâm phạm đánh bắt hải sản ở khu vực Đông Bắc Sơn Trà chỉ từ 45-50 hải lý. Ngoài ra còn có 57 tàu của Trung Quốc trinh sát tại các lô dầu khí 116, 144, 145 của Việt Nam. Đầu tháng trước, một viên chức nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam nói với Reuters rằng khoảng 50,000 tàu đánh cá đã được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, được cấp xăng, nước đá để ngoài việc đánh bắt hải sản thì còn tham gia bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.”

Các ngư dân Trung Quốc làm việc trên những tàu đánh cá tại Biển Đông đã được trả tiền trong thời gian huấn luyện quân sự (bao gồm cứu nạn, chiến đấu), thu thập-báo cáo thông tin về tình hình trên biển.

Chủ một số công ty đánh cá tư nhân xác nhận với Reuters rằng công ty của họ được nhà nước tài trợ để thay tàu đánh cá bằng gỗ bằng tàu đánh cá có vỏ thép, có thể thực hiện dễ dàng các chuyến hải hành đến tận quần đảo Trường Sa, vừa khai thác hải sản, vừa “chống các tàu đánh cá ngoại quốc xâm phạm chủ quyền.” Nhiều ngư dân Trung Quốc khẳng định, họ tin rằng quân đội Trung Quốc đủ sức bảo vệ họ nếu hoạt động của họ bị kháng cự.

Các tàu đánh cá của Trung Quốc hiện đã có thể nhận tiếp liệu (nước ngọt, xăng,…) ở quần đảo Hoàng Sa và họ mong sớm có thể nhận tiếp liệu tương tự tại những căn cứ quân sự mà Trung Quốc đã và đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa.

……………………………………………………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics