1.Biển Đông:John McCain trách. .(RFI)2.Tay nào thắng thì nhân dân cũng bại(RFA)3.Nhìn từ một chuyến đi(RFA)4.

Biển Đông : John McCain trách chính quyền Mỹ thiếu quyết tâm
Nguồn: RFI- Trọng Nghĩa – 05-01-2016 13:18

Bien dong McCain.JPG1
Thượng nghị sĩ John McCain.
REUTERS/Joshua Lott

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain ngày 04/01/2016, lại chỉ trích chính quyền Obama về thái độ thiếu quyết đoán trong đối sách chống Trung Quốc tại Biển Đông. Theo vị Thượng nghị sĩ rất có uy tín này, việc Washington chậm tiếp tục các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mới của Trung Quốc tại Trường Sa đã khuyến khích tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Trả lời hãng tin Anh Reuters, Thượng nghị sĩ John McCain nhận định rằng thái độ thụ động của Mỹ đã cho phép Trung Quốc tiếp tục « theo đuổi các tham vọng lãnh thổ » trong khu vực, và gần đây nhất là việc cho phi cơ hạ cánh xuống phi đạo trên Đá Chữ Thập, vùng quần đảo Trường Sa ngày 02/01/2016.

Đối với ông McCain, việc Mỹ không tiến hành thêm các chiến dịch tuần tra vào năm 2015 rất « đáng thất vọng, cho dù không đáng ngạc nhiên. » Theo ông McCain, chính quyền Obama hoặc là « không đảm đương được tính chất phức tạp của quy trình ra quyết định liên ngành trong địa hạt an ninh quốc gia », hoặc là « quá sợ rủi ro trong việc làm những điều cần thiết nhằm bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc luật pháp tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương ».

Ngay sau chiến dịch tuần tra đầu tiên do chiếc khu trục hạm USS Lassen thực hiện ngày 27/10/2015, các giới chức Mỹ từng tuyên bố là sẽ có những chiến dịch kế tiếp. Mọi người chờ đợi là sẽ có một chiến dịch thứ hai trước cuối năm 2015, tuy nhiên, chính quyền Mỹ sau đó đã xác định rằng cuộc tuần tra kế tiếp chỉ diễn ra vào đầu năm 2016, lúc nào thì chưa rõ.

Theo hãng Reuters, một quan chức quốc phòng Mỹ cao cấp xin giấu tên đã xác nhận rằng chắc chắn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải gần các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Mỹ đang cân nhắc thời điểm thích hợp.

Trong một lá thư đề ngày 21/12/2015 gởi Thượng nghị sĩ McCain, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng nhắc lại quan điểm của Washington là sẽ tiếp tục cho tàu và phi cơ tiến vào bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.

Đây không phải là lần đầu tiên Thượng nghị sĩ John McCain phê pháncChính quyền Obama là quá mềm yếu trong việc chống lại những hành động coi thường luật lệ của Trung Quốc tại Biển Đông. Vào năm ngoái chính ông cùng với 3 Thượng nghị sĩ có uy lực khác tại Thượng viện Mỹ đã gởi thư ngỏ yêu cầu chính quyền Mỹ phải có chính sách rõ ràng hơn về Biển Đông. Những đề nghị trong bức thư được cho là đã được chính quyền Obama thực hiện sau đó.

……………………………………………………………..

Tay nào thắng thì nhân dân cũng bại
Nguồn:RFA/ Cánh Cò, viết từ Việt Nam – 2016-01-05

bai
Các nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rời khỏi lăng cố chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2015.
AFP photo

Chưa có một sân khấu chính trị nào của thế giới tính từ thời trung cổ cho tới phát xít rồi cuối cùng là độc tài cộng sản lại có những show diễn nhạt nhưng cứ lập đi lập lại không biết chán như sân khấu chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam.

Diễn viên chỉ là bốn nhân vật của mỗi nhiệm kỳ 5 năm, sau đó bốn vai diễn khác lại leo lên sân khấu xào lại bài bản cũ một cách lạc lõng đơn điệu những vở hài không ra hài, bi chẳng ra bi, người xem chỉ thấy rặt những khuôn mặt chai lì mà dù có tô son trát phấn thế nào cũng không thể che cho hết nét trâng tráo, lì lợm của những con người đã lâu không biết tới xấu hổ.

Những kịch bản công du Bắc Kinh, phát biểu nảy lửa về chủ quyền biển đảo, động viên dư luận, cảnh tỉnh đảng viên hay kêu gọi chống diễn tiến hòa bình tưởng rằng đã đầy tai nhân dân, nhưng vẫn được lập đi lập lại một cách không mệt mỏi. Họ như những cỗ máy hát của thời Bảo Đại còn làm hoàng đế kiên trì kẽo kẹt cà lăm bởi đường rãnh chính trị lỗi thời trên chiếc đĩa hát cổ xưa của Chủ nghĩa cộng sản. Họ tươi tỉnh giả vờ trước công chúng và ai cũng biết phía sau hậu trường của những phiên họp lúc nào cũng gay cấn và cực kỳ bén ngót bởi những lằn dao phê bình, hay tố cáo vạch mặt đồng chí mà họ không bao giờ hà tiện khi tung ra.

Họ cứ nhàn nhã giả vờ cho nhân dân tưởng rằng mỗi một lần Đảng họp đại hội là một mùa xuân cho đất nước. Họ là những cánh bướm sặc sỡ trang trí cho khung cảnh ấy với các trò múa rối mà vai diễn vẫn chỉ bốn người.

Khi ông Nguyễn Sinh Hùng khấu đầu trước bàn thờ Mao Trạch Đông là lúc đàn em Nguyễn Tấn Dũng hả hê tung vào mạng xã hội những đòn thù báo trước sóng gió không bao giờ ngớt trên sinh mạng chính trị của một ông chủ tịch quốc hội, vốn chỉ biết nghe lời và lâu lâu lên gân một vài câu vô thưởng vô phạt. Ông Nguyễn Sinh Hùng chưa bao giờ là một ứng viên sáng giá cho chức vụ Tổng bí thư nhưng tại sao chấp nhận đóng vai Lê Chiêu Thống nhận lằn tên mũi đạn của nhân dân thì chỉ một mình Trung Quốc biết.

Và có thể ông Trọng cũng biết, và không chừng hành vi của ông Hùng nằm trong kế hoạch điệu hổ ly sơn của ông Trọng cũng nên?

Đánh hơi thấy phe ông Dũng mạnh cả gạo lẫn tiền, tay chân bộ hạ từ trung ương tới địa phương vô số nên ông Trọng run và tìm tới giải pháp nhờ quân đội, công an bảo vệ chiếc ghế của mình nếu một mai có biến động. Ông tới ủy lạo đoàn quân cảnh sát cơ động vốn được lập ra để bảo vệ an ninh trật tự chứ không phải để bảo vệ yếu nhân. Tuy nhiên ông Trọng không có chọn lựa nào khác, tới vỗ vai động viên mấy tay cảnh sát áo xanh vẫn hơn không có anh nào để ôm vai bá cổ. Mọi lực lượng thứ thiệt, chính quy đều nằm trong tay Ba Dũng nên ông Trọng làm cử chỉ rất “kịch” để khán giả nhân dân có câu chuyện làm quà.

Ông Dũng từ ngày ôm Tập Cận Bình thắm thiết tưởng đâu sẽ là “hậu duệ” chính thức của Bắc Kinh nào ngờ ông Trọng cao tay hơn, gửi ông Hùng sang đúng vào thời điểm nóng nhất của cuộc gian hùng tranh bá đồ vương. Chuyến đi làm ông Dũng tím mặt lúc đầu nhưng khi ông Sinh Hùng về tới nhà cũng là lúc ông Dũng hơn hớn tung ra chiêu phủ đầu về giàn khoan 981 rồi sau đó là chiếc tàu đánh cá của Quảng Ngãi bị Trung Quốc đâm chìm.

Báo ông Tư Sang đăng bài nhưng lại né hai tiếng Trung Quốc, chỉ để tàu lạ hoặc tránh hẳn không nhắc tới tàu của nước nào. Báo Tiền Phong, Lao động cũng thế chỉ có tờ Dân Trí tung ngay cái tên Trung Quốc là kẻ thực hiện hành vi cướp biển. Người dân hừng hực nóng giận, sân khấu Ba Đình lẳng lặng không hề nhắc tới…kịch bản cũ, rất cũ được lập lại đó là mỗi lần có ai trong bốn tên sang Bắc Kinh thì y như rằng khi trở về món quà gửi theo chân phái đoàn lúc nào cũng là Biển Đông. Khi cướp của, lúc giết người nhưng không lần nào Bác Kinh tha cho Hà Nội dù chỉ một lần.

Tàu cá bị đâm chìm Tổng bí thư ghé nhắc nhở công an coi chừng biến động trước đại hội đảng. Té ra cái đại hội thổ tả ấy vẫn hơn sinh mạng người dân, sinh mạng của những ngư dân được cả bốn ông lớn tiếng cho rằng sẽ là tiền đồn chống lại bất cứ thế lực nào.

Cuộc bỏ phiếu tại đại hội 12 được nhân dân lan truyền tin đồn này khác, nhưng tin đồn nào rồi cũng là tin đồn. Đối với cộng sản họ là vua trong cách tạo dựng tin đồn nhằm phá hoại. Những cái gọi là tài liệu mật bị rò rỉ chẳng qua là nội dung các tờ truyền đơn không hơn không kém. Đại tướng công an có lên tiếng cảnh báo thì cũng với ý đồ làm cho vở kịch được chú ý thêm một chút chứ nào phải tìm cho được kẻ chủ mưu ăn cắp tài liệu trong văn khố Đảng.

Mà có gì là bí mật khi cả thế giới đều biết nó là gì, chẳng qua một ai đó mang thứ gây nghiện “tranh dành quyền lực” ra để làm mồi câu người nhẹ dạ. Hôm trước là Chân dung quyền lực, từng một lúc gây khốn đốn cho phe Trung Quốc bây giờ thì chiêu bài chống Trung đã hơi bị sượng nên người ta không ngại gì mà không đem ông Sinh Hùng ra làm cái bia đỡ đạn cho lòng căm hận kẻ ngoại xâm.

Cuối cùng, nói như nhà thơ Nguyễn Duy, tay nào thắng thì nhân dân cũng bại.

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

………………………………………………………………………………………..

Nhìn từ một chuyến đi
Nguồn:Cát Linh, phóng viên RFA – 2016-01-04

chu tich qh.jpg1
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng sang Bắc Kinh hôm 24 tháng 12 năm 2015.
AFP photo

Những ngày cuối năm vừa qua, Truyền thông Việt Nam và nhà nước Trung Quốc cùng loan tin về cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng và chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tại Đại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh vào chiều ngày 23/12. Đặc biệt chuyến đi này diễn ra trước Đại hội Đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016.

Chuyến đi này đã đặt ra cho dư luận nhiều câu hỏi và sự quan tâm về tình hình nội bộ của Đảng CSVN hiện tại và trong tương lai. Cát Linh tìm hiểu ý kiến của các nhà quan sát chính trị và những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.

Nhân sự: Một vấn đề mới?

Chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Sinh Hùng vào cuối tháng 12 năm 2015 tạo nên rất nhiều tranh cãi trong dư luận. Các chuyên gia cũng như những nhà quan sát chính trị thì đưa ra nhiều nhận định khác nhau. Vấn đề được tranh luận nhiều nhất đó là thực chất chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Sinh Hùng mang tính chất đối ngoại đơn thuần, hay mang hàm ý liên quan đến vấn đề nhân sự trong nội bộ Đảng Cộng sản, đặc biệt là khi Đại hội Đảng lần thứ 12 của nhà nước Việt Nam sẽ diễn ra trong đầu năm 2016.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Minh triết Việt Nam cho biết có hai ý kiến khác nhau về sự kiện này. Một số người cho rằng đây là chuyến đi mang tính chất ngoại giao trước khi hết nhiệm kỳ, mà giáo sư Nguyễn Khắc Mai gọi là ‘chuyến đi buổi hoàng hôn’ của ông Nguyễn Sinh Hùng. Bên cạnh đó thì có một quan điểm khác, cho rằng mục đích chuyến đi liên quan đến nội bộ, nhân sự của Đảng Cộng Sản VN.

“ Có ý kiến cho rằng đây là chuyến đi hoàng hôn của ông Nguyễn Sinh Hùng, đi dưỡng già trước khi hạ cánh, nhưng mà nhiều ý kiến khác, trong đó có tôi thì cho rằng đây là một cuộc đi chính trị. Như thường lệ là sang tấu bái với thiên triều vấn đề Đại hội 12 của CSVN. Xưa nay họ vẫn hay làm như thế. Bây giờ trong tình hình gây cấn của nội bộ, rất nhiều ý kiến khác nhau. Có nhiều ý kiến về thay đổi đường lối, thay đổi tên Đảng, tên nước, từ bỏ chủ nghĩa Max Lenin. Như thế là một vấn đề mới.”

Trong lịch sử của Đảng Cộng Sản VN, đã từng có rất nhiều kiến nghị, thư ngỏ được gửi đi từ các nhân sĩ tri thức, các đảng viên cũng như những người ngoài Đảng. Thế nhưng, vào ngày 9 tháng 12 vừa qua, một bức thư ngỏ được cho là “vô tiền khoáng hậu’ đã được gửi thẳng đến Bộ chính trị Đảng Cộng Sản VN, bộ máy lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và nhà nước Việt Nam yêu cầu thay đổi tên đảng, tên nhà nước và từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lenin “vì tương lai dân tộc”. Động thái này được thực hiện bởi 127 nhân sĩ trí thức có tên tuổi ở Việt Nam. Đặc biệt là nội dung bức thư này đề cập đến việc đề nghị bầu cử trực tiếp chức vụ Tổng bí thư.

Tuy nhiên, cũng theo giáo sư Nguyễn Khắc Mai, bên cạnh ‘vấn đề mới’ này, còn một ý kiến khác được cho là hàm ý chủ chốt trong chuyến đi của ông Nguyễn Sinh Hùng.

“Thứ hai là nhân sự cũng gây cấn, hai phe. Một phe bày tỏ thái độ trung thành lệ thuộc với thiên triều, mọi người đã thấy rõ. Một phe nữa thì người ta cho rằng đó là của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn cải cách đổi mới cho nghiêm túc, đàng hoàng hơn, đầy đủ hơn. Và có thể là một tư thế thoát trung để có thể chơi với nhân loại, thế giới tiến bộ, có sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc trước sức mạnh uy hiếp của Trung Quốc. Đây là dư luận thứ hai, và dư luận này rất đông và rất mạnh. Người ta cho rằng đây là chuyến đi tiêu cực, có hại chứ không có lợi.”

Nhân sự và chủ quyền quốc gia

Nhà đấu tranh dân chủ Trần Bang, người từng bị lực lượng công an đánh mang thương tích vì biểu tình chống chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Việt Nam, cho biết quan điểm của ông sau khi khẳng định sự quan hệ mật thiết giữa Đảng CSVN và Đảng CS Trung Quốc.

“Từ trước đến nay về nhân sự thì cứ bị ảnh hưởng với nhau chứ không thể nói là không được. Thế nhưng rõ như thế nào thì bên ngoài mình không thể nghe và không thể biết được. Vì nó tương đồng về ý thức hệ.”

Là người quan tâm và đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ông Trần Bang nói rằng việc Trung Quốc xây dựng những đảo nhân tạo trên vùng biển của Việt Nam đã không được ông Nguyễn Sinh Hùng đề cập đến trong chuyến đi Trung Quốc vừa qua. Thay vào đó là vấn đề tồn tại chế độ hiện hành ở Việt Nam. Điều đó, theo ông, đã chứng minh rằng chuyến đi của ông Nguyễn Sinh Hùng hoàn toàn vì vấn đề nhân sự trong nội bộ.

“Ông Nguyễn Sinh Hùng là một trong tứ trụ của triều đình trong nền chính trị Việt Nam thì ông không lên tiếng mạnh mẽ, mà ông sang đó để giao du với các cấp mà ra lệnh làm việc đó (xây các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa). Các ông ấy không đặt vấn đề chủ quyền biển đảo lên trên, mà chỉ đề cập đến vấn đề tồn tại của Đảng Cộng Sản. Rõ ràng là có gì đó liên quan đến vấn đề nhân sự.”

Cũng cố quyền lực

Trong bối cảnh hiện tại mà nhiều người cho rằng nội bộ của Đảng Cộng Sản VN đang có sự xáo trộn, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là chuyến đi cũng cố vị trí trước kỳ họp Đại hội Đảng sắp đến. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai có ý kiến rằng:

“Có một cái như kiểu là tìm một cơ hội, trong một tình hình gay go như thế nào đó mà ông Trọng không thể nào trụ vững. Những nhân vật khác do ông Trọng muốn đỡ đầu cũng không được. Phía ông Dũng cũng không tranh được. Vì thế nó rơi vào một cái chuyện mà lâu nay, một anh ‘ba bị’ nào đấy trong tình hình hai phe tranh chấp thì anh ta được lựa chọn.”

Cũng theo nhận định của giáo sư Nguyễn Khắc Mai , trong tiền lệ đã từng diễn ra sự tranh chấp quyền lực giữa hai phe trong Đảng cộng sản Việt Nam, và cuối cùng thì luôn có một bên thứ ba được hưởng lợi từ cuộc tranh chấp ấy. Vì thế, ông nói thêm rằng, ông đang lo lịch sử Việt Nam sẽ lặp lại một bi kịch từ rất xưa:

“Khi có những thế lực trong triều đình muốn tranh quyền ngày xưa thì thường họ sẽ chọn những ông vua trẻ con hoặc những anh ‘ba bị’ để họ có thể chi phối được. Trong lịch sử thời Trịnh đã từng có những câu chuyện này.”

Chuyến đi của ông Nguyễn Sinh Hùng đã kết thúc. Tuy nhiên, qua những nhận định, ý kiến mà đài Á Châu tự do chúng tôi nhận được đã cho thấy dư luận và người dân trong nước vẫn còn rất nhiều lo lắng cho một đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước trong tương lai. Xin mượn lời chia sẻ giáo sư Nguyễn Khắc Mai để kết thúc cho những nhìn nhận từ một chuyến đi: Khi lực lượng chính trị đã mất cả danh nghĩa, mất cả trình tự dân tộc vì lợi ích phe nhóm, đảng phái thì những người tranh giành vì quyền lợi đó sẵn sàng làm bất cứ điều gì.

………………………………………………………………………………..

Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm ‘Giấc mơ Trung Hoa’
Nguồn:nguoiviet.com – Sunday, January 3, 2016

BẮC KINH (NV) – Đó là nhận định của nhiều người sau khi Trung Quốc loan báo cải tổ quân đội để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” và một tàu đánh cá của Việt Nam bị đâm nát trên biển Đông.

dam nat

Tàu QNg 98459 bị biến dạng sau khi bị “tàu nước ngoài to hơn gấp bốn, năm lần đâm liên tục.” (Hình: Tuổi Trẻ)

Trong vòng mươi ngày cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Trung Quốc đưa ra hàng loạt tuyên bố và hành động mà theo giải thích của ông Tập Cận Bình – Chủ tịch nhà nước Trung Quốc là nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” – đưa Trung Quốc trở thành một “đại cường quân sự”: Tuyên bố đóng hàng không mẫu hạm mới. Tuyên bố thành lập bộ phận tổng chỉ huy lục quân, thành lập binh chủng hạt nhân, thành lập các đơn vị yểm trợ tác chiến. Đưa giàn khoan 981 quay trở lại thăm dò – khai thác dầu khí ở biển Đông…

Chủ tịch nhà nước Trung Quốc giải thích việc cải tổ quân đội là nhằm gia tăng khả năng quân sự để có sức mạnh áp đảo không chỉ ở Châu Á mà có thể đương đầu với phương Tây. Ông ta khẳng định đó là phương thức hữu hiệu nhất để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Song song với những hành động và tuyên bố vừa kể, tại biển Đông, ngay trong ngày đầu tiên của năm 2016, tàu đánh cá mang số hiệu QNg 98459 của ông Huỳnh Văn Thạch, 69 tuổi, ngụ ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam đã bị một “tàu nước ngoài to hơn gấp bốn, năm lần đâm chìm” ở vị trí cách đảo Cồn Cỏ, thuộc tỉnh Quảng Trị chỉ chừng 70 hải lý.

11 ngư dân Việt Nam trên tàu QNg 98459 đã được các ngư dân khác cứu cả người lẫn tàu và đưa về Đà Nẵng hôm 2 Tháng Giêng.

Ông Nguyễn Ngọc Thơ, một trong 11 ngư dân trên tàu QNg 98459 kể với tờ Tuổi Trẻ rằng, trưa ngày 1 Tháng Giêng, tàu của ông bị “một con tàu số hiệu rất dài” đâm liên tục cho đến khi chìm. Những cú đâm liên tục đã hất tám trong số 11 ngư dân văng xuống biển. Nửa tiếng sau, một số tàu đánh cá khác của ngư dân Việt Nam mới xúm lại giúp vớt người, bơm nước ra khỏi con tàu đang chìm rồi đưa cả người lẫn con tàu bị đâm nát bét vào bờ.

Theo tờ Tuổi Trẻ thì tàu QNg 98459 có một vết nứt lớn ngang hông, toàn bộ cabin bị sập. Những người góp vốn cho tàu QNg 98459 ra khơi đánh cá khóc ròng vì không biết sẽ tìm đâu ra tiền để trả nợ mua tàu, mua ngư cụ.

Cho đến nay, ngư dân Việt Nam vẫn được chính quyền Việt Nam khuyến khích, thậm chí cổ vũ ra biển để giúp khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông bằng cả tài sản lẫn tính mạng của họ.

Đã hơn một tháng tính từ ngày ông Trương Đình Bảy, 42 tuổi, ngụ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm phụ bếp trên tàu đánh cá số hiệu QNg 95861 bị bắn chết ở quần đảo Trường Sa nhưng giới hữu trách tại Việt Nam vẫn chưa xác định được hai chiếc ca nô chở những kẻ lạ mặt có vũ trang, tấn công con tàu này hôm 28 Tháng Mười Một năm 2015 là của quốc gia nào.

Ông Bùi Văn Cu, thuyền trưởng tàu QNg 95861 kể với báo giới rằng, tàu của ông bị hai ca nô không rõ quốc tịch tấn công vào chiều 28 Tháng Mười Một, lúc đang thả neo gần bãi đá Suối Ngọc để ngư dân lặn tìm hải sản. Bãi đá Suối Ngọc cách bãi đá Vành Khăn – đã được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo khoảng 29 hải lý.

Khi ba trong số tám kẻ lạ mặt có vũ trang nhảy sang tàu QNg 96851, sợ bị cướp ngư cụ và cướp hải sản, ông Bảy đã dùng dao chặt đứt dây neo tàu để ông Cu lái tàu chạy trốn. Cũng vì vậy, một trong ba kẻ tấn công đã bắn chết ông Bảy. Ông Cu lao tới giật súng, vật ngã kẻ bắn chết ông Bảy, xô y xuống biển. Hai tên còn lại nhảy về ca nô của chúng. Ông Cu lái tàu bỏ chạy. Đến khi trời sụp tối, ông Cu mới cho tàu quay trở lại để đón những ngư dân của tàu, trước đó đã rời khỏi tàu để lặn tìm hải sản và đang lênh đênh trên hai chiếc thúng.

Ông Cu nhấn mạnh ông chỉ xác định được hai ca nô và những kẻ tấn công không phải là người Việt. Do hốt hoảng, ông không thể xác định được quốc tịch của chúng.

Đáng lưu ý là sau đó, báo chí Việt Nam được cung cấp một “báo cáo” của anh ruột thuyền trưởng QNg 95861. Ông này không ở trên tàu nhưng “trình báo” với giới hữu trách là hai ca nô đã tấn công QNg 95861 là “ghe của ngư dân Philppines”.

Một số facebooker có bạn bè ở Philippines đã liên lạc với họ để tìm hiểu và loan báo: (1) Giống như Việt Nam, Philippines cấm ngư dân của họ tự vũ trang. (2) Vào lúc này, do tình hình biển Đông căng thẳng, Philippines không cho ngư dân đánh cá xa bờ.

Thời gian dẫu chỉ một tháng nhưng cũng đủ để khiến sự kiện tàu QNg 95861 bị hai ca nô chở những kẻ lạ mặt có vũ trang tấn công ở quần đảo Trường Sa, khiến ông Trương Đình Bảy thiệt mạng rơi vào quên lãng.

Không rõ ngư dân Việt với những con tàu đánh cá nhỏ nhoi có còn giong tàu ra khơi để giúp khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông trước “giấc mơ Trung Hoa” của Trung Quốc hay không? (G.Đ)

…………………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics