NXB Sống khắc họa ‘chân dung mới’ của Du Tử Lê
Nguồn: nguoiviet.com-Monday, September 29, 2014 6:31:08 PM
Thiên An/Người Việt
“Một thư viện thu nhỏ” về thơ – văn – nhạc – họa của thi sĩ Du Tử Lê, một sách mới của Nhà Xuất Bản Sống. (Hình: Thiên An/Người Việt)
WESTMINSTER (NV) – Nhà Xuất Bản Sống vừa cho ra mắt tuyển tập được cho là “một thư viện thu nhỏ” về thơ – văn – nhạc – họa của thi sĩ Du Tử Lê vào chiều Chủ Nhật, 28 Tháng Chín, tại hội trường Nhật Báo Người Việt.
Riêng với người thi sĩ, đây là một “may mắn” của ông, khi “chân dung của mình được tổng hợp để trở thành một bức tranh phản ảnh đầy đủ nhất những giai đoạn đi tìm cái ‘tôi’ khác trong sáng tác, dù thành công hay thất bại.”
“Du Tử Lê
tôi với người, chung một trái tim”
Đó là tựa đề tuyển tập hơn 400 trang mà Nhà Xuất Bản Sống dành hẳn tám tháng để thực hiện. Chẳng biết tình cờ hay hữu ý, cuốn sách gói gọn 60 năm sáng tác của nhà thơ Du Tử Lê cũng là cuốn sách thứ 60 từng xuất bản về những tác phẩm của thi-họa sĩ này.
Sách với hai màu đơn giản, đối lập, cùng khổ sách hình vuông lạ mắt, tạo nên một cảm giác nghệ thuật có sức hút kỳ lạ ngay từ phút đầu tiên người đọc chạm vào sách.
Sau đôi lời giới thiệu của nhà xuất bản và nhân vật Du Tử Lê, “thư viện thu nhỏ” về cuộc đời và tác phẩm Du Tử Lê được mở ra với bảy phần chính.
Nữ tài tử Kiều Chinh đợi thi sĩ Du Tử Lê ký tặng sách. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Phần một, rất ngắn, giới thiệu tiểu sử nhân vật chính. Trong phần này, những ai chưa biết về Du Tử Lê có thể nhanh chóng tìm hiểu đôi nét về ông, như quê quán, các đợt di tản, lần đầu sáng tác, số sách đã xuất bản, các buổi thuyết trình cho đại học Hoa Kỳ…
Phần hai là “Tùy Bút Du Tử Lê.” Ông viết về những người quen xưa cũ, về những ngày cuối cùng của ca nhạc sĩ Việt Dzũng, người vừa mất hơn một năm nay. Ông trở ngược dòng thời gian, viết về “thuở còn ngậm ti,” về thời đi học, về những “ký ức hắt bóng.” Những kỷ niệm về mẹ, nỗi buồn khi mẹ mất, và những người phụ nữ bên cạnh ông trong giai đoạn khó khăn này, được nhắc nhiều trong những bài bút ký sau đó.
Trong phần ba, “Về Thơ – Văn Du Tử Lê,” sưu tầm một số bài viết mới, cũ của các thi sĩ, nhạc sĩ, nhà báo… từng làm việc với ông hoặc với các tác phẩm của ông. Tạ Tỵ, Lê Vương Ngọc, Linh mục Trần Cao Tường, Vũ Thư Hiên, Nguyên Sa, Nguyễn Ngọc Bảo, Cổ Ngư, Hoàng Đình Bình, Khuất Kim Ngữ, Lê Văn, Đăng Khánh, Brian Đoàn, hay Phạm Phú Thiện Giao… Mỗi người một ý, thể hiện qua bài viết phân tích của mình.
Phần bốn, “Thơ Du Tử Lê Phổ Nhạc” là một phần khá đặc biệt. Đặc biệt vì Du Tử Lê được cho là người có thơ được phổ nhạc nhiều nhất, và đặc biệt riêng trong tuyển tập này, vì cách trình bày giúp mang được cả thơ lẫn nhạc đến người đọc. Xen kẽ, bài thơ nguyên bản, với một số lời tác giả tâm tình về hoàn cảnh sáng tác, được đăng song song với những bản nhạc để người xem có thể đàn, hát theo. Qua gần 20 bài hát, người yêu thơ Du Tử Lê được trở về với những bản tình ca được yêu thích nhất của mọi thời, từ Khúc Thụy Du, Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi, đến Khi Cuộc Tình Đã Chết, hay Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời…
Phần năm do những người thân thiết nhất của thi sĩ Du Tử Lê viết về đời thường của ông. Cô con gái Orchid Lâm Quỳnh “nói xấu bố” qua những mẩu chuyện hài hước khiến người đọc phải phì cười. “Bố tôi. Ở chỗ nhân gian không thể hiểu,” cô dùng chính lời thơ của ông để kết luận. Người bạn Vương Hồng Anh kể lại những câu chuyện cũ từ thời ông mới gặp thi sĩ Du Tử Lê khi cùng làm việc cho Cục Tâm Lý Chiến. Bài viết của Lê Vương Ngọc hé lộ nhiều chi tiết hấp dẫn về “Đời Tình Du Tử Lê”…
Hai phần cuối cùng của sách viết về các tác phẩm hội họa của Du Tử Lê, lĩnh vực mà ông chỉ mới theo đuổi vài năm gần đây.
Nhà thơ Trần Dạ Từ chia sẻ, phân tích về tác giả và tác phẩm. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt .
Buổi ra mắt sách
Những chiếc ghế chật kín người ngồi từ sớm. Những gương mặt có tên tuổi trong nhiều lĩnh vực ngồi lẫn với khán giả, tất cả cùng vì tình cảm quý mến dành cho nhà thơ Du Tử Lê. Người thi sĩ ngồi tại bàn đặt gần phía cửa ra vào, thăm hỏi và ký tặng sách cho người tham dự.
Đại diện Nhà Xuất Bản Sống, nhà báo Vũ Đình Trọng và chủ nhiệm Khánh Hòa giới thiệu sơ lược “thư viện thu nhỏ” về thi sĩ Du Tử Lê. Nhà xuất bản cũng mời một số diễn giả chia sẻ cảm nghĩ về nhân vật và nội dung sách.
“Du Tử Lê có nhiều cái nhất,” nhà thơ Trần Dạ Từ nói. Ông nhắc về những bản nhạc phổ thơ Du Tử Lê, những cuốn sách được xuất bản, và “những tiếng ru ngọt” mà thi sĩ dành cho cuộc đời. Nhà thơ Trần Dạ Từ cũng khen bìa sách và cách sắp xếp trang sách của tuyển tập “Du Tử Lê, tôi với người chung một trái tim.”
“Một người xa, nhưng không cách” là những gì nhà báo Phạm Phú Thiện Giao nói về nhà thơ Du Tử Lê. Ông cũng nhắc lại những ngày cũ ở Việt Nam, khi phải lén “sang lậu” cho bằng được những tape nhạc có nguồn gốc từ trước 1975. “Thi sĩ lớn có tác phẩm nuôi dưỡng tâm hồn cả một thế hệ. Du Tử Lê là một trong những thi sĩ như vậy,” ông nói.
“Thơ của thi sĩ Du Tử Lê đã cứu tôi trong một sai lầm của tuổi trẻ,” Nguyễn Vũ Nhã, đến từ San Jose, chia sẻ về một kỷ niệm khá đặc biệt. Ông nói trong một lần nửa sống nửa chết vì đã uống thuốc quyên sinh, ông viết lại một câu thơ “con dế buồn tự tử giữa đêm sương” của người thi sĩ, sau đó được một người bạn thấy được và cứu sống.
“Hơn 50 năm sáng tác, thơ của ông luôn đẹp và luôn mới. Ba năm miệt mài với cây cọ, chữ tiếp màu, màu tiếp chữ.” nhà thơ Đặng Phú Phong nói về các tác phẩm của Du Tử Lê, thi ca và hội họa. “Làm thơ, chẻ chữ, ghé chữ, rồi bây giờ ghép chữ với màu. Chữ biến màu, màu hóa chữ. Bàng bạc nhưng cuốn hút. Xa xăm nhưng cận kề. Gợi cảm…” ông nhận định.
Với nhà báo Ngọc Lan, người tự nhận “không biết gì về thơ,” thì sách của Nhà Xuất Bản Sống giúp cô hiểu thêm được nhiều về người thi sĩ, cũng như những miền ký ước của ông qua những trang sách. “Gọi là ‘thư viện thu nhỏ’ của nhà nhơ Du Tử Lê cũng không có gì là quá đáng,” cô nhận xét.
Nhà thơ Du Tử Lê tại buổi ra mắt sách. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Nhà thơ Du Tử Lê là diễn giả cuối cùng. Ông cám ơn những người tham dự và tình cảm của họ dành cho mình, dành cho cuốn tuyển tập mà ông nói rằng “ sách tổng kết hành trình viết lách 60 năm mà có lẽ tôi sẽ trong những năm cuối đời tôi không có đủ sức để thực hiện một cuốn tương tự nữa.”
Buổi ra mắt sách khép lại với phần trình diễn của một số nam, nữ bằng hữu, hoàn toàn với các tác phẩm có nguồn gốc từ thơ Du Tử Lê. Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, Khi Tôi Chết Hãy Đưa Tôi Ra Biển, Trên Ngọn Tình Sầu, Môi Nhớ Tàn Phai… những lời ca da diết theo chân khán giả trên nẻo đường về.
***
Tuyển tập Thơ – Văn – Nhạc – Họa
DU TỬ LÊ
Tôi với người, chung một trái tim
Nhà Xuất Bản Sống
Điện thoại: 714-856-4635
Ấn phí: $38
……………………………………………………………………………………………………
Từ Người Thơ Của Nam Kỳ Lục Tỉnh Tới Bản Ca Cổ Nhạc
Khuất Kim Ngữ
Trích trong “Tôi với người chung một trái tim”- xb 9-2014 – Tr. 158-
*Khuất Kim Ngữ là một trong bút hiệu của Mặc Lâm,một biên tập viên nòng cốt của đài RFA,Hoa Thịnh Đốn hiện nay *
===…Bản Ca Cổ Nhạc
Mười bảy năm về trước, năm 1980, tôi biết Du Tử Lê.
Chuyến tầu chợ khởi đi từ Mỹ Tho, nhắm hướng Cà Mau, sức chứa hơn trăm người, đa số là dân đi buôn bán. Tôi không buôn bán mà đang kiếm đường vượt biên. Cà Mau có lẽ lý tưởng cho tôi, mặc dù trong túi tiền bạc không quá hai chỉ vàng, tôi vẫn mong rằng một cơ may nào đó sẽ đến với mình sau những chuyến đi không thành.
Con tàu lừng lững xuôi nam, tôi ngồi một góc nhìn cảnh, nhìn trời mà tâm hồn không dấy lên được một xúc cảm nào trước cảnh vật. Có lẽ nỗi lo âu đã triệt tiêu mọi cảm quan về thiên nhiên. Trong tôi chỉ còn lại duy nhất một điều: làm sao để ra đi.
Người đàn bà bán cơm trên tàu có lẽ là người duy nhất nói chuyện với tôi. Với một giọng miền Nam ngọt xớt, chị hỏi han tôi đủ thứ chuyện trên đời. Tôi trả lời nhát gừng và cố tránh những câu hỏi về thời cuộc.
“Qua thấy em coi bộ buồn dữ. Bộ hồi đó có đi dạy học hả?” “Không. Em đi vẽ.” “Dậy là thợ dẽ hả? Mèng ơi, thợ dẽ giàu lắm đa, ở xóm qua có một ông thợ dẽ mà nuôi tới hai bà vợ lận.” “Em nghèo lắm chị ơi không được như vậy đâu.” “Ðói bụng hông, ăn giùm qua dĩa cơm sườn nghen. Có tôm rim nè, ngon lắm.” “Dạ, chị cho em chút thôi, em không ăn hết đâu.” “Có bánh bò tráng miệng nữa nè, ông xã qua làm đó, ngon lắm.”
“Dạ, chị cho em một cái.”
Miếng giấy gói bánh bò đã quá cũ, vàng lên một màu nhang. Tôi liếc tờ giấy có vẻ thiếu vệ sinh đó với một tâm trạng e dè. Ðiều tôi biết chắc là trên tấm giấy vàng vọt đó có in một bài thơ.
Thơ, lúc này không gợi cho tôi một khái niệm nào cả, mặc dù trước đây tôi cũng võ vẽ đôi bài.
Người muốn trả lại người sân nắng cụ
vườn thanh xuân nhiều hạt mộng ươm mầm
mắt mênh mông chiều chưa gió một lần
tóc chưa rụng những cành me lá biếc…
Sắc và ngọt. Chữ nghĩa trau chuốt đầy ắp hình ảnh. Tò mò tôi hỏi chị bán cơm “Chị ơi, mấy tờ giấy này còn không” “Ôi hiếm gì” “Chị đưa em coi” “Nè, nhưng phải giữ cho qua, hết lá chuối rồi” “Dạ”.
…
Tôi ham hố nên gạt người vào cuộc
nhưng nhục nhằn ta khó thể làm thinh
vung tay gươm ta phạt trúng cổ mình
mắt không kịp ngoái theo đầu ta đã rụng
Tôi thật sự bị bài thơ mê hoặc. Bài thơ lẫn lộn trong đống giấy hỗn tạp. Tôi kiên nhẫn tìm từng tờ lần theo số trang bên dưới. Bài thơ lạc mất tựa nhưng còn lại tên tác giả: Du Tử Lê.
Suốt buổi chiều hôm đó, lạ lùng thay tôi quên hết hoàn cảnh của mình. Tôi chợt nhận ra đâu đó trong tiềm thức tiếng gọi thi ca trong tôi vẫn còn động đậy. Bài thơ nào có đá động gì tới chuyện vượt biên? Vậy mà nó có khả năng xoa dịu hồn tôi trong một thời gian dài.
…
đời đâu có khác chi một đường gươm vụng
tình không hơn một lần lầm lỡ trọn đời
nếu thương nhau, xin gắng bậm môi cười
dù máu có ố hoen hàm răng ngọc lựu…
Tôi không hề có một người yêu nào có được hàm răng ngọc lựu để bậm môi rướm máu. Nhưng dòng thơ gợi lên trong tôi một bi kịch, bi kịch muôn đời của những kẻ yêu nhau. Du Tử Lê đã mang kịch vào thơ. Tôi không lầm đâu. Cả bài thơ là một vở kịch dài, có bố cục, có phân cảnh và rất nhiều nhân vật. Ngoài hai nhân vật chính là “Người” và “Ta” còn nhiều nhân vật khác được nhân cách hóa một cách thần tình: Chim, Sông, Sân nắng cũ, Mùa xuân áo đỏ, Bướm và độc đáo nhất: Gươm.
Những thanh gươm đời đã từng cứa vào hồn tôi, tôi nhận chân rất rõ điều đó. Du Tử Lê đã không đi những lằn gươm xây xước, chàng đã tự phạt vào cổ, như cứu rỗi, đầu hàng.
Trên sóng nước, con tàu lặng lẽ đi. Tôi vẫn loay hoay trong óc bài thơ vừa đọc. Tiếng hò miền Nam như xa như gần tạo một cảm giác buồn thiu tê tái. Tôi nhẩm đọc lại câu đầu của bài thơ:
Người muốn trả lại người sân nắng cũ…
Hốt nhiên, tôi ngâm lớn, theo thể loại Sa Mạc. Lạ, câu thơ nghe ngọt ngào và đầy chất Nam Bộ… Cứ thế, một mạch, tôi hát cả bài theo điệu vọng cổ. Tuyệt nhiên không chút khó khăn. Giữa buổi chiều thật nhạt của miền Tây, tiếng ca tôi đã làm nhiều người tò mò, lắng nghe, đâu đó vài tiếng vỗ tay nổi lên làm tôi thêm phấn chấn. Một ngày trôi qua như thế. Ðêm lại, tôi nghe hình như tiếng vọng cổ vẫn đâu đây, hờ hững…
Bài thơ như một viên ngọc lấp lánh trong hồn và từ đó đã trở thành bài vọng cổ theo tôi đến nhiều bữa họp mặt văn nghệ với bạn bè sau lần vượt biên không thành.
Cuối cùng nó cũng đến được Mỹ.
Một đêm hè tháng 8 năm 96, bài vọng cổ đó lại có dịp cất lên trong Ðêm Thơ Nhạc Du Tử Lê được tổ chức tại Portland, Oregon. Người hát cũng là tôi. Có khác một điều, lần này tôi hát cho chính tác giả nghe. Người thơ không thể ngờ rằng thơ mà cũng phổ thành vọng cổ được. Sao không? Cái chất Nam Bộ ngồn ngộn trong thơ anh tự nó đã hình thành những giai điệu mà khi đọc lớn lên, bất cứ một người miền Nam nào cũng nhận ra được. Tôi muốn giữ bài-thơ-vọng-cổ này cho một mình mình, như một kỷ niệm, một dấu ấn trong đời. Tôi không muốn ai khác hát bài thơ này. Tôi sợ, người hát có thể làm tôi đau và bài thơ chảy máu…
KHUẤT KIM NGỮ
(tạp chí Sóng, Oregon, số tháng 8.97)
……………………………………………………………………
Thái Thanh / Khúc / Năm Bảy
Nguồn: dutule.com – 08/05/2014
Tác giả : Du Tử Lê
Con chim ngứa cổ mà, không hát
Trời, đất lui về cõi lặng, thinh
gỗ lên nước gỗ; vân lên ngọc
Tiếng hát lên mầm / nắng, gió /
riêng
Đến, như vệt sáng xuyên âm, vực
Gieo khắp nhân gian luống lửa, mừng
Truy thân thế, tước tưa hình tích
Trí tuệ thơm / mềm / nốt
trắng, đen
Rớm giây thanh quản máu tiền kiếp
Cát lở đôi triền thức, thức, xanh
Hong, khô ngọn sóng trên lưng biển
Mặt trời rịn, ứa giọt / kinh /
tâm
Trước, sau ngó lại: – không sau, trước
Một đời, như thế hỏng hay được?
Cách gì, chăng nữa cũng xong rồi
Thời gian: đạo tặc ư?
-mặc xác
Về, khi rừng hú ngang tim bão
Núi lớn nghiêng đầu. Sông ăn năn
Nhỏ nhoi / thế giới / hư trong thực
Bụi ngậm/ lời / rơi đầy
khoảng không /
du tử lê
April, 95
…………………………………………………………..
Trả lại
Nguồn:dutule.com-06/16/2014
Tác giả : Du Tử Lê
người muốn trả lại người sân nắng cũ
vườn thanh xuân nhiều hạt mộng ươm mầm
tóc mênh mông chiều chưa gió một lần
mắt chưa rụng những cành me lá biếc
môi cay đắng chưa đơm lời oan nghiệt
chân chưa run trên từng bậc thang đời
mưa chưa bay trong vòm tối tình người
má chưa lạnh những mùi son phấn nhạt
người muốn trả lại người đêm gió tạt
cơn mơ hồng hồn khép vạt hương non
những vì sao chưa biết ngủ một mình
những chiếc lá quen gối đầu to nhỏ
người muốn trả lại người mùa xuân áo đỏ
những giòng sông không dám chảy xa nguồn
những con chim không dám bỏ xa rừng
những con bướm không biết đời sấp ngửa
(người cũng thế biết đâu đời giông gió
biết đâu ta, chỉ là kẻ ngông cuồng
biết đâu ta chỉ là kẻ khốn cùng
bởi ta đã tiêu phăng vốn đời có được)
ta ham hố nên gạt người vào cuộc
nhưng nhục nhằn ta khó thể làm thinh
vung tay gươm ta phạt trúng cổ mình
mắt không kịp ngó theo đầu ta đã, rụng
đời chẳng khác chi những đường gươm vụng
tình không hơn, một lầm lỡ trọn đời
nếu thương ta, người gắng bậm môi cười
dù máu có ố hoen hàm răng ngọc lựu
nếu người ép, thôi cũng đành ta trả
đây gươm xưa đã mài bén ân cừu
du tử lê