Chú viết báo tếu quá dám mó chúng nó
Nguồn:nguoiviet.com- Friday, September 11, 2015
Nhà báo Ðỗ Hùng vừa mới bị một thứ trưởng bộ Thông Tin Truyền Thông (4T) rút thẻ nhà báo vì viết trên trang facebook của mình một bài “tếu.” Tếu nghĩa là đùa cợt, nói chơi để cười cho vui. Chỉ viết tếu thôi mà bị mất chức phó tổng thư ký, mất thẻ là mất cả quyền làm nghề viết báo, cúi đầu nhận lỗi mất luôn cả danh dự.
Cái tội chính của nhà báo Ðỗ Hùng, tức Mít Tờ Đỗ, là tếu. Cái óc hài hước này rất quý, loài người mà không biết cười thì chẳng khác gì đười ươi. Mít Tờ Đỗ nghĩ ra một trò tếu, kể một chuyện toàn bằng dấu sắc. Thích quá nhịn không được, bèn đưa vào facebook cho bạn bè đọc chơi. Thế là mang vạ!
Điều tội nghiệp cho nhà báo này, là ngay trong lúc tếu anh ta vẫn cố giữ “đúng lập trường” của một đảng viên cộng sản! Anh không hề chỉ trích mà chỉ ca tụng Đảng! Nếu quý vị chưa đọc đủ chuyện này thì tôi xin dẫn ra mấy câu trong bài của Ðỗ Hùng để coi có thể nào gán cho anh ta là “chống cộng” hay không: “Lúc ấy, Thế chiến (thứ mấy tớ đéo nhớ), Đế quốc đánh với Phát xít. Phía Phát xít, Thống chế chết. Đám tướng tá, lính lác đánh đấm kém, chết hết đéo sót mấy mống. Phía Đế quốc thắng lớn. Thế chiến kết thúc. Chớp lấy cái thế ấy, bác Ái Quốc, tướng Giáp với mấy chú, mấy mế xứ Pác Bó vác cuốc, vác giáo mác, vác súng ống xuống đánh phát xít, đánh Pháp, cướp lấy khí giới, cướp thóc, chiếm bốt, cứ thế đánh tới bến.”
Đỗ Hùng làm đúng bổn phận một đảng viên, đã ca tụng những công trạng đảng, như “bác Ái Quốc, tướng Giáp” … “đánh Phát xít, đánh Pháp,” dù đó là những chuyện không có thật. Thực ra ai cũng biết trước ngày 19 tháng Tám năm 1945 Nhật đã đầu hàng rồi; còn quân lính, sĩ quan Pháp còn đang bị Nhật nhốt trong tù. Các bác ấy chỉ cướp lấy quyền trong tay chính phủ Trần Trọng Kim, chính phủ độc lập đầu tiên của nước Việt Nam kể từ thời Pháp thuộc. Nhưng là một đảng viên nên Ðỗ Hùng vẫn cứ ca tụng “các bác” theo đúng sách lịch sử đảng. Đỗ Hùng “giữ lập trường” rất kỹ, tránh không nhắc cả đến tên nước Mỹ. Ai cũng biết Mỹ đã đánh thắng Nhật Bản, nhưng Hùng viết rằng “Phía Đế quốc thắng lớn,” làm như Nhật Bản không phải là một đế quốc. Đỗ Hùng khen đảng mà lại muốn tếu viết toàn dấu sắc, tưởng quá lắm cũng như làm Thơ Bút Tre mà thôi! Ấy thế mới chết!
Một độc giả Người Việt, ông hay bà ký tên ClassicalMood đã nhại lối văn tếu này để tỏ lòng thông cảm với Đỗ Hùng: “Chú bốc máu, thiếu lý trí nói quá gáy nó giáng chức…. Nếu đám hiếu chiến nó nuốt sống, chú hết hí hoáy. Nhớ đến chết tránh chiếu ánh sáng cái trái hướng tới cái tốt; chớ mó máy lý thuyết, giáo phái, gái gú chắc chắn chú sống tới lúc chết.” Một vị độc giả khác, DukeVan còn giải thích: “chính cách viết thấu cáy thách đố đó mới giết chết chú viết báo xấu số, dám chống đối đám dốt nát” Và nhân đó khen: “Các chú viết báo trí thức khá lắm, khí phách lắm. Các chú có chức, có tiếng thế chứ, dám quyết chí tố Bác lí nhí lấp liếm quốc khánh, “móc” chú Giáp thấp kém. Viết thế đám cán ngố Pác Bó dốt nát tức ói máu muốn chết.”
Cái kiếp nhà văn, nhà báo phải sách cặp đi hầu các “cán ngố” rất tội. Vì đám cán ngố không biết tếu! Cán Trương Minh Tuấn, thứ trưởng bộ 4T sung sướng công bố rằng Đỗ Hùng đã ăn năn hối lỗi: “Hùng thừa nhận và cam kết (từ nay) chỉ sử dụng facebook để từ thiện, nghiệp vụ báo chí và không đề cập các vấn đề nhạy cảm, đã thừa nhận những sai phạm từ 2014, chấp nhận mọi hình thức kỷ luật.” Nhờ thế còn giữ được một chỗ ngồi ké trong toà báo. Theo Bích Minh, trong bài “Cuộc đấu đá ngầm đằng sau vụ nhà báo Ðỗ Hùng bị tước thẻ” trên trang mạng Viet Studies, thì nhà báo Ðỗ Hùng gặp nạn chỉ vì Thứ Trưởng Trương Minh Tuấn muốn lập công đánh báo chí, hy vọng sẽ được cất nhắc. Anh bị dùng như “một ‘xác chết’ được đạp xuống để Tuấn 4T tiến lên cao hơn trên bậc thang quyền lực.”
Đỗ Hùng đã bị Quan 4T cấm không cho cười! Dù chỉ cười trong đám bạn bè. Đúng là cười trong đám bạn bè, không ra công chúng. Bởi vì facebook dù gọi là “mạng xã hội” nhưng vẫn là một cõi riêng tư; không phải nơi công cộng như trên một tờ báo bán ra, ai coi cũng được.
Facebook là một mạng lưới của những người quen biết nhau, một nhóm riêng, tự nguyện gia nhập, không phải của cả “xã hội.” Viết trên facebook, người ta chỉ cốt nói riêng với một số bạn bè có liên lạc với mình, không viết cho cả “xã hội,” cho bàn dân thiên hạ đọc. Người nào dịch “social network” là “mạng xã hội” đã dịch sai nghĩa; rồi mọi người cứ nhắm mắt dùng theo, lâu ngày quên cả cái nghĩa “riêng tư.” Chữ “social” đứng trước chữ network chỉ có nghĩa là “giao du,” đem dịch là “xã hội” tức là làm sai nghĩa gốc. Như một “asocial event” có nghĩa là một cuộc tập họp, tiệc tùng, vân vân, không phải công việc của cả xã hội. Ai không hiểu đúng nghĩa đó, mở tự điển coi rồi ghép hai chữ lại, dịch đại là “biến cố xã hội” là … giết cả chữ nghĩa. Từ “civil society” mà dịch là “xã hội dân sự” cũng vậy, chỉ ghép hai nghĩa dễ thấy trong tự điển mà thôi; mất luôn nội dung quan trọng nhất của civil society là cách gọi chung những tổ chức của các công dân tự do, tự nguyện và độc lập.
Viết trên facebook cũng giống như ngồi uống cà phê với nhau, tha hồ nói tếu, tha hồ chọc ghẹo, có khi vui đùa chửi nhau, văng tục ra cũng chẳng ai “để bụng.” Vì ai cũng biết, đó là chỗ riêng tư, nghe rồi bỏ qua. Nếu có ai vào facebook của một người rồi đem chuyển cho người khác, thì cũng giống như người ta thuật lại một câu nói tếu trong quán cà phê, ai cũng biết nghe qua rồi nên bỏ!
Nhưng các quan cộng sản không có thói quen nghe qua rồi bỏ. Họ đã được đào tạo trong một xã hội mà người dân có bổn phận lén nghe hàng xóm nói, rình mò coi hàng xóm ăn món gì, để báo công an lập công! Ai lỡ nói gì là họ ghim lấy trong đầu để có dịp là “mách bu” cho nó chết. Ngày xưa mấy văn nô tố cáo Trần Dần đã dùng chữ “Người” để nói về con người chung chung, thế là đủ chết, vì “phạm húy.” Chế độ cộng sản không chấp nhận một “không gian tư nhân.”
Tội của Đỗ Hùng là do cái tính tếu. Nhưng trong một chế độ do các ông “Nghiêm Văn Túc” cầm quyền thì không được tếu tự do! Trong chế độ cộng sản, óc hài hước cũng bị hạn chế giống như khi mua gạo, phải có tem phiếu. Ai cũng vẫn có thể mất hộ khẩu trong “làng tếu.” Tếu trên lề bên phải thì được, bước chệch một bước là bị chúng nó thiến! Vua Hài Liên xô Yakov Smirnoff kể rằng mỗi năm một diễn viên hài hước phải nạp trước các đề tài và câu chuyện cho Sở Kiểm duyệt, rồi suốt năm chỉ được nói trong vòng cái “giáo án” đó mà thôi. Nếu trong lúc đang diễn trên sân khấu mà có khán giả la lối chê bai, anh chỉ có thể hẹn: “Yêu cầu sang năm đồng chí trở lại đây, tôi sẽ có câu trả lời được sở kiểm duyệt chuẩn y!” Vua hài Smirnoff cho biết ông có thể kể chuyện cười về loài vật, về tôm cá, hay về các bà mẹ chồng, mẹ vợ; nhưng không được đụng tới chuyện chính trị, nhà nước, tôn giáo, và tính dục.
Thí dụ, Smirnoff kể chuyện cô anh kiến kết hôn với một anh voi. Sau đêm động phòng, chú rể lăn ra chết. Cô dâu khóc: “Anh ơi, từ nay suốt đời em sẽ chỉ lo đào hố chôn anh!” Chuyện tếu về kiến với voi thì được, không cấm. Nhưng thử nghe một câu chuyện khác. Một khách hàng đi mua xe hơi Lada. Sau khi thu tiền, người bán hẹn: “Hai mươi năm nữa, chúng tôi sẽ có xe, mời ông tới lấy.” Khách hỏi: “Thưa đồng chí, lúc mấy giờ?” “Ông này lạ, 20 năm nữa kia mà? Hỏi giờ trước làm cái gì?” “Thưa đồng chí, vì sáng hôm đó tôi đã có hẹn. Ông thợ sửa ống nước hẹn tới lúc 10 giờ!” Câu chuyện này thì bị cấm. Nó thuộc về một “vấn đề nhạy cảm,” theo lối nói của các cán ngố ở Liên xô thời 1950 – 1990, và Cán ngố Trương Minh Tuấn bây giờ.
Nhưng không ai có thể đoán trước tất cả những gì là nhạy cảm, cái gì không nhạy! Có lúc cái máu tếu nổi lên, quên hết cả. Trong thời còn chế độ cộng sản, Đông Đức là nơi sung túc nhất Đông Âu, thực phẩm đủ no. Ba Lan thì dân được nói tếu nhiều hơn nhưng đói hơn (vì con bò sữa Ba Lan có cái vú rất dài, bên Nga vẫn vắt sữa). Có một con chó Ba Lan đi trên đường qua Đông Đức kiếm mẩu xương, thấy có con chó Đông Đức đang đi ngược chiều. Nó hỏi: Sang bên tớ làm gì? Có cái chó gì mà ăn đâu? Con chó Đông Đức đáp: Tớ no bụng! Nhưng lâu lâu cũng muốn sủa mấy tiếng cho nó sướng miệng chứ!
Đấy, cái nhu cầu muốn nói cho sướng miệng nó làm hại một nhà báo! Đỗ Hùng ngứa miệng quá, quên mất mình đang làm công chức được đảng trọng dụng, phạm ngay cái tội mà ngày xưa nhà văn Chu Tử (báo Sống, xuất bản ở Sài Gòn từ năm 1966) gọi là “mó dế ngựa.” Sờ một cái sẽ bị ngựa nó đá cho. Mó dế chó thì chắc chắn bị nó cắn tay.
Đỗ Hùng đã “phấn đấu vào đảng,” đã đạp lên trên bao nhiêu đồng đảng khác để leo lên được cái ghế phó tổng thư ký, có cơ hội “thắt cà vạt đỏ, đi giầy da vàng, ăn tiệc nhồm nhoàm, bay đó bay đây,” theo cách mô tả của nhà văn Nguyễn Tuân, mà tại sao lại dại dột đi “mó dế chó” như vậy? Có thể giải thích do cái máu tếu nó mạnh quá, quên đi cả những quyền lợi phải vất vả mới được hưởng. Nhưng có một lý do quan trọng, là khung cảnh xã hội chung quanh đang thay đổi.
Xã hội Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Như Lưu Quang Vũ đã viết từ thời 1980: Dưới hạ giới chúng nó hết sợ từ lâu rồi! Dân gian đổi trước, đảng viên đổi sau, cán bộ cũng đổi nhưng đổi chậm hơn. Xã hội giờ hiện đang thay đổi với tốc độ gia tăng, mỗi ngày một nhanh hơn, một bạo hơn. Sống trong cảnh chung quanh ai cũng hết sợ, chính những công chức nhu mì ngoan ngoãn nhất cũng “sinh nhờn!”
Một thay đổi lớn trong xã hội là người ta nhìn thấy chế độ đang rạn nứt rõ ràng. Từ trên xuống, đấu đá nhau công khai, không thằng nào nể mặt thằng nào. Bộ mặt thật hiện ra, chính chúng nó không thấy cần phải che đậy nữa. Nhà văn, nhà báo ý thức cảnh phá sản của đảng cộng sản nhậy bén hơn dân thường. Những người còn muốn giữ phẩm tiết đã lánh xa chúng nó. Các nhà văn lập văn đoàn độc lập. Các nhà báo lập Câu lạc bộ nhà báo tự do. Những người còn phải lụy chúng vì miếng cơm manh áo thì ngoài miệng vâng vâng dạ dạ nhưng trong bụng chửi thầm. Ai cũng chờ tới khi nắm chắc cái sổ lương là viết những lời “ai điếu” cho chính mình, như Chế Lan Viên, như Nguyễn Khải.
Chú viết báo tếu quá. Với máu tếu chú dám mó dế chúng nó, chúng nó mới cắn chú. Chú không biết đám cán ngố bắt chước bác chúng nó thích nói thánh nói tướng chứ không biết tếu!
……………………………………………………………………………………………………
Nhìn lại báo chí thời Đệ nhị Cộng hòa
Nguồn: Nguyễn Quang Duy Gửi cho BBC từ Úc-11-9-2015
Miền Nam Việt Nam trước 30/4/1975 là quốc gia có ‘tự do báo chí’ ở trong khu vực, theo tác giả.
Nhà báo Đỗ Hùng bị rút thẻ nhà báo, mất việc, mất chức Phó Tổng thư ký báo Thanh Niên Online chỉ vì viết bài đụng chạm lãnh tụ cho thấy báo chí thời Đệ Nhị Cộng Hòa quá tự do.
Khi ấy các nhà lãnh đạo được đưa lên mặt báo thường xuyên. Tờ Tin Sáng có mục “Tin Vịt” do “Tư trời biển” viết nêu đích danh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là tham quyền cố vị, hiếu chiến, thất học, tham nhũng, bất tài hay gọi ông là “Tổng thống Thẹo”, “Sáu Thẹo”…
Hằng trăm tờ báo tư nhân hoàn toàn không bị mua chuộc hoặc bị áp lực theo đường lối của chính phủ. Có báo thân chính phủ, chống cộng, có báo đối lập thậm chí có báo công khai chống đối chính phủ như tờ Tin Sáng nói trên.
Trên 50 tờ nhật báo với số in từ vài chục lên đến trăm ngàn số hằng ngày. Các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ được tự do sáng tác và phổ biến tác phẩm không bị gò ép trong bất cứ khuôn khổ nào.
Đương nhiên trong hoàn cảnh chiến tranh việc lộ liễu tuyên truyền cho miền Bắc đã bị kiểm soát. Nhưng trên sách báo vẫn thấy rải rác những bài viết ca ngợi quốc tế cộng sản. Việc ngấm ngầm tuyên truyền cho cộng sản Việt Nam cũng không thể tránh khỏi.
Các bài dịch từ báo ngoại quốc với cái nhìn của người ngoại cuộc thậm chí thân cộng cũng thường xuyên xuất hiện trên mặt báo.
Hàng ngàn nhà in, nhà phát hành đều do tư nhân quản lý. Các tiệm sách và sạp báo tư nhân trải rộng khắp miền Nam. Thị trường sách báo hoạt động hoàn toàn tự do.
Nếu không có quyết định của cơ quan tư pháp không ai có quyền đóng cửa tờ báo
Nguyễn Quang Duy
Ðiều 12 Hiến pháp 1967 ghi rõ: “Quốc gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục”.
Bảo vệ bởi luật
Các sinh hoạt báo chí được bảo vệ bởi Luật báo chí 019/69, do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Thiệu ban hành vào ngày 30/12/1969.
Đạo luật gồm 8 chương và 69 điều. Chương 1 đã khẳng định quyền tự do báo chí là quyền tự do căn bản trong chính thể Việt Nam Cộng Hòa, miễn bài báo không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc gia và thuần phong mỹ tục.
Nếu không có quyết định của cơ quan tư pháp không ai có quyền đóng cửa tờ báo.
Sách báo, tài liệu nước ngoài bản chính và bản dịch nếu không vi phạm đến an ninh quốc gia và thuần phong mỹ tục cũng được tự do phổ biến tại miền Nam.
Sau 30-4-1975, để tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, giới trí thức miền Bắc đã tìm mua những sách xuất bản trước 1975 hay những sách ngoại quốc viết về chủ nghĩa cộng sản.
Chương 2 của Bộ Luật nhấn mạnh mọi công dân đều được xuất bản báo mà không cần xin phép. Người muốn ra báo chỉ cần làm thủ tục khai báo tại Bộ Thông tin. Bộ có nghĩa vụ phải lập tức cấp chứng nhận tạm thời khi nhận đủ giấy tờ khai báo.
Ngoại kiều cũng có quyền xuất bản báo, chỉ cần Tổng trưởng Bộ Thông tin hội ý với Tổng trưởng Bộ Nội vụ cấp giấy phép.
Các nhà báo ngoại quốc và quốc nội đều được hưởng các quyền tự do hành nghề, theo tác giả.
Chương 3 nếu không có quyết định của cơ quan tư pháp, không ai có quyền tạm đình bản hay đình bản vĩnh viễn bất cứ tờ báo nào.
Trong hoàn cảnh chiến tranh để trách những thông tin vi phạm đến an ninh quốc gia chính phủ đã phải thi hành chính sách kiểm duyệt hạn chế. Tại Sài Gòn, Tổng trưởng Nội vụ có quyền ra lệnh tịch thu một tờ báo trước hay trong khi lưu hành. Tại các tỉnh, Tỉnh trưởng cũng có quyền này.
Báo chí không thể bị khởi tố khi tường thuật hay đăng tải các phiên họp, các thuyết trình, các ý kiến thể hiện quan điểm chính trị. Báo chí có quyền trích dịch mọi nguồn thông tin ngoại quốc.
Báo chí có quyền chỉ trích Chính phủ miễn là không nhằm mục đích tuyên truyền cho cộng sản.
Tự do hoạt động
Hội đồng Báo chí hay Hội Nhà báo là một tổ chức dân sự đại diện cho báo chí. Hội Đồng hoàn toàn vì quyền lợi của nhân viên tòa soạn. Mỗi báo có ít nhất 2 đại diện một là Chủ nhiệm và một ký giả đại diện của tờ báo.
Theo Đạo Luật 019/69 nhà báo là người nhận thù lao và cộng tác thường xuyên với tờ báo. Nhà báo phải có thẻ hành nghề do tờ báo cấp và đăng ký ở Bộ Thông tin.
Phóng viên ngoại quốc cũng được tự do hoạt động, nhiều người được móc nối đưa vào vùng cộng sản chiếm để làm phóng sự tuyên truyền cho cộng sản.
Phóng viên ngoại quốc cũng được tự do hoạt động, nhiều người được móc nối đưa vào vùng cộng sản chiếm để làm phóng sự tuyên truyền cho cộng sản.
Nguyễn Quang Duy
Trong hoàn cảnh chiến tranh cộng sản đã lợi dụng tự do báo chí để hoạt động. Nhiều ký giả, phóng viên, nhân viên tòa báo là cán bộ cộng sản nằm vùng hay làm việc cho cộng sản.
Nhật báo Tin Sáng của dân biểu đối lập Ngô Công Đức gồm nhiều người thuộc thành phần thứ ba như Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quí Chung. Sau 30-4-1975, Tin Sáng được tiếp tục phát hành thêm 6 năm, được đóng cửa với lý do tờ báo đã “hoàn thành nhiệm vụ”.
Tình trạng báo đối lập tại miền Nam đã được tờ Lao Động, số ra ngày 13/07/2015, tóm gọn như sau:
“Báo đối lập bị tịch thu dài dài, chủ bút ra tòa như cơm bữa, nhưng chỉ bị “phạt miệng”, chứ không đóng một xu nào. Tịch thu thì cứ tịch thu, báo vẫn đến tay độc giả đều đều.
Lí do hết sức đơn giản, báo chưa đưa đi kiểm duyệt đã phát hành rồi nên khi cảnh sát ập đến tòa soạn để lập biên bản tịch thu thì có một số tờ đã “cao chạy xa bay”.
Trong hoàn cảnh chiến tranh và trước tình trạng nói trên ngày 4-8-1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ban hành Đạo Luật số 007/72.
Luật mới quy định mỗi nhật báo phải ký quỹ tại Tổng nha ngân khố 20 triệu đồng (bằng 500 lượng vàng) và 10 triệu đồng cho báo định kỳ. Ngay khi ban hành đã có 16 tờ nhật báo và 15 tờ báo định kỳ không có tiền ký quỹ phải đóng cửa.
Luật mới cũng quy định tờ nào hai lần vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.
Vụ nhà báo Đỗ Hùng bị rút thẻ nhà báo cho thấy Việt Nam vẫn chưa có tự do báo chí, theo tác giả.
Việt Nam Cộng Hòa là một nước theo thể chế tam quyền phân lập rõ ràng: Tư pháp độc lập với Hành pháp. Cơ quan hành Pháp truy tố một tờ báo nhưng quyết định tờ báo có vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng, vi phạm ở mức độ nào là quyết định hoàn toàn của Tòa Án.
Luật mới ra đời báo chí vẫn hoạt động khá tự do. Như tháng 8 năm 1974 báo chí vẫn tiếp tục cổ vũ cho Phong trào nhân dân chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh, hay cổ động cho Ngày ký giả đi ăn mày, 10-10-1974.
Điểm son nền Cộng hòa
40 năm nhìn lại sinh hoạt báo chí cũng như mọi sinh hoạt khác tại miền Nam vừa tự do, vừa văn minh hơn hẳn các quốc gia trong vùng và không thua gì các quốc gia tân tiến. Đây là điểm son của nền Đệ Nhị Cộng Hòa làm nhiều người cảm thấy luyến tiếc một thời đã qua.
Một số người cũng cho rằng chính báo chí đã dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam tự do.
Trở lại với nhà báo Đỗ Hùng, bài viết của ông đã được lấy xuống không một lời giải thích, không còn thấy Facebook của ông và không ai biết việc gì đang xảy ra cho ông. Điều này chứng minh ở Việt Nam hoàn toàn không có quyền tự do ngôn luận
Thực ra định mệnh của nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã được thu xếp tại Tòa Bạch Ốc, từ Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Hiệp Định Ba Lê.
Một số bạn ở Việt Nam cho biết báo chí thời nay ít người đọc.
Ngược lại ở hải ngoại báo chí vẫn thịnh hành.
Điều này chứng tỏ nhu cầu đọc báo ở Việt Nam đã không được đáp ứng.
Trở lại với nhà báo Đỗ Hùng, bài viết của ông đã được lấy xuống không một lời giải thích, không còn thấy Facebook của ông và không ai biết việc gì đang xảy ra cho ông.
Điều này chứng minh ở Việt Nam hoàn toàn không có quyền tự do ngôn luận.
Ở Việt Nam chỉ có 1 cơ quan tuyên giáo nên rất có thể không báo nào dám nhận ông làm việc.
Từ góc cạnh nhân quyền ông mất cả quyền mưu cầu cuộc sống cá nhân và gia đình.
Việt Nam đang cố gắng để được tham gia Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có điều khoản về tự do báo chí, việc nhà cầm quyền cộng sản sa thải nhà báo Đỗ Hùng cho thấy họ chưa sẵn sàng tuân thủ các điều khoản sẽ ký.
Ngược lại bài học từ tự do báo chí trong nền Đệ Nhị cộng Hòa cho thấy nước Việt Nam và người Việt Nam thích nghi hơn với một thể chế tự do như đã có tại miền Nam trước.
Bài viết thể hiện lối hành văn và phản ánh quan điểm của tác giả, một ký giả đang sống tại Melbourne, Úc.
……………………………………………………………………………..
Đại hội Đảng ở Việt Nam và nhân tố Trung Quốc
Nguồn:VOA Tiếng Việt- 09-09-2015
Ông Carl Thayer cho rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các Ủy viên Trung ương Đảng trong bối cảnh Bộ Chính trị đang bị chia rẽ sâu sắc.
Bộ Chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam đang bị chia rẽ sâu sắc và chưa đạt được đồng thuận về một số vấn đề, trong đó có biển Đông, quan hệ với Trung Quốc cũng như việc lựa chọn ban lãnh đạo tương lai, một chuyên gia nghiên cứu Việt Nam nhận định.
Giáo sư Carl Thayer nói thêm từ Australia rằng việc bất đồng như vậy có thể dẫn tới việc hoãn Đại hội 12 và dời sang một ngày khác muộn hơn.
Việt Nam tổ chức Đại hội đảng 5 năm một lần, và đại hội lần thứ 12 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2016, nhưng ngày giờ cụ thể tới nay vẫn chưa được công bố.
Theo giáo sư kỳ cựu, chuyên nghiên cứu về Việt Nam, việc chuẩn bị cho đại hội quan trọng lần này nhằm bầu chọn đội ngũ lãnh đạo mới cho Việt Nam đã diễn ra “rất thầm lặng so với 8 đại hội trước đó tính từ khi thống nhất đất nước”.
Về các động thái đó, giáo sư Carl Thayer nhận định: “Điều gì giải thích cho các diễn biến, như sự chuẩn bị lặng lẽ một cách bất thường cho Đại hội Đảng, chậm trễ trong việc tổ chức hội nghị tiếp theo của Ban chấp hành Trung ương và việc hoãn công bố Sách trắng Quốc phòng? Lời giải thích khả dĩ nhất là sự chồng chéo của hai vấn đề gây tranh cãi – yếu tố Trung Quốc (Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Tập Cận Bình được cho là sẽ thăm Hà Nội vào tháng 10 hoặc tháng 11) và việc lựa chọn ban lãnh đạo mới của Việt Nam”.
Với hai nhiệm kỳ làm thủ tướng, ông Dũng sẽ có các kinh nghiệm kinh tế và quốc tế vô song cho vị trí Tổng Bí thư. Ông Dũng cũng ít khả năng sẽ để cho ý thức hệ ràng buộc ông ấy trong khi đối phó với Trung Quốc. Ông đã mạnh lẽ tiếng tiếng bảo vệ chủ quyền và dọa sẽ có hành động pháp lý quốc tế đối với Trung Quốc trong khi xảy ra cuộc khủng hoảng liên quan tới giàn khoan dầu [của Trung Quốc] hồi năm ngoái.
Giáo sư Carl Thayer nhận định.
Ông Carl Thayer cũng nhắc tới khả năng sẽ xảy ra một điều “chưa từng có tiền lệ trên chính trường Việt Nam”.
Ông cho rằng hiện có nhiều đồn đoán cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tìm cách trở thành Tổng Bí thư kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng và muốn được miễn áp dụng quy định phải nghỉ hưu ở tuổi 65.
“Với hai nhiệm kỳ làm thủ tướng, ông Dũng sẽ có các kinh nghiệm kinh tế và quốc tế vô song cho vị trí Tổng Bí thư”, giáo sư nghiên cứu về Việt Nam nhận định tiếp.
“Ông Dũng cũng ít khả năng sẽ để cho ý thức hệ ràng buộc ông ấy trong khi đối phó với Trung Quốc. Ông đã mạnh lẽ tiếng tiếng bảo vệ chủ quyền và dọa sẽ có hành động pháp lý quốc tế đối với Trung Quốc trong khi xảy ra cuộc khủng hoảng liên quan tới giàn khoan dầu [của Trung Quốc] hồi năm ngoái”.
Ông Carl Thayer cho rằng ông Dũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các Ủy viên Trung ương Đảng trong bối cảnh Bộ Chính trị đang bị chia rẽ sâu sắc, không chỉ vì sự ganh đua về mặt cá nhân mà còn về cả cách tiếp cận trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Theo giáo sư này, Việt Nam dự định đón tiếp cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama vào cuối năm nay.
‘Cuộc chơi ba bên’
Trong khi đó, một tờ báo thuộc cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng đăng bài bình luận cho rằng 2015 sẽ là năm căng thẳng chính trị ở Việt Nam trong khi chuẩn bị cho Đại hội 12 với việc bầu ban lãnh đạo chóp bu mới, đồng thời nhận định rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm tới chiếc ghế Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thủ tướng đương quyền của Việt Nam có lẽ đang nhắm tới vị trí hàng đầu của đảng cầm quyền. Trong nền chính trị chia rẽ ở Việt Nam, ông Dũng, một đại diện của phe thân Mỹ, có lẽ sẽ mạnh mẽ thay đổi chiến lược quốc gia và chính sách ngoại giao của Việt Nam để hợp tác nhiều hơn với Mỹ.
Tờ Hoàn cầu Thời báo viết.
Tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định: “Thủ tướng đương quyền của Việt Nam có lẽ đang nhắm tới vị trí hàng đầu của đảng cầm quyền. Trong nền chính trị chia rẽ ở Việt Nam, ông Dũng, một đại diện của phe thân Mỹ, có lẽ sẽ mạnh mẽ thay đổi chiến lược quốc gia và chính sách ngoại giao của Việt Nam để hợp tác nhiều hơn với Mỹ”.
Tờ báo cũng cho rằng Hoa Kỳ đang âm mưu sử dụng chiến thuật cách mạng màu cổ lỗ tại Việt Nam nhằm biến Hà Nội “thành một con tốt giống như Philippines để kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc”.
Hoàn cầu Thời báo cho rằng 2015 sẽ là “một năm sống còn” cho “cuộc chơi ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam”, và rằng trong năm nay, Trung Quốc “sẽ phải đối mặt với một tình thế còn căng thẳng hơn so với năm 2014” từ Việt Nam.
Ông Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam ở Quảng Châu, nói với VOA Việt Ngữ rằng tờ Hoàn cầu Thời báo phản ánh quan điểm của chính phủ Trung Quốc.
Còn luật sư bất đồng chính kiến Lê Công Định nhận định trên Facebook: “Nếu đúng báo Hoàn Cầu viết như trích dẫn, thì rõ ràng Bắc Kinh đang lo ngại sự chuyển hướng chính sách ngoại giao của Việt Nam sang phía Mỹ dưới quyền lãnh đạo đảng và nhà nước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vậy Thủ tướng đang trở thành mối đe doạ của Bắc Kinh chăng? Giọng điệu của báo Hoàn Cầu thể hiện điều đó”.
……………………………………………………