1.Chuyện trái bóng và giàn khoan(RFA)-2.Xe tải cán bể nắp mương,lòi cốt tre- 3.Lộ dần phi trường,cảng, ..TQ ở Gac Ma(NV)-

Chuyện trái bóng và giàn khoan
Nguồn:RFA-Nhóm phóng viên tường trình từ VN-2014-06-13

chuyen 1
Tàu Trung Quốc (phải) sử dụng vòi rồng để tấn công tàu tuần tra của Việt Nam trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hôm 2 tháng 5 năm 2014.
AFP

Cách đây 26 năm, tức năm 1988, trong lúc người dân mãi mê theo dõi giải bóng đá Châu Âu và xuýt xoa với giải vô địch bị vuột mất của Liên Xô trong trận chung kết Liên Xô gặp Hà Lan thì ngoài khơi Việt Nam, có 64 người con Việt Nam vĩnh viễn nằm xuống bởi họng súng của Trung Quốc, hầu như mọi thông tin bị bưng bít. Và sau 26 năm, một giải bóng đá khác có qui mô và tầm cỡ hơn do hiệp hội bóng đá thế giới FIFA tổ chức, hầu như đa phần người Việt Nam không còn tâm trạng để theo dõi nó nữa bởi những thông tin về giàn khoan Hải Dương 981 cắm vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam cũng như hàng loạt hành động gây hấn, hành tung chuẩn bị chiến tranh của Trung Quốc.
Lệnh tổng động viên?

Một bạn tên Cường, ở Quảng Nam, chia sẻ: “Tụi nhỏ nhỏ nhóc nhóc thì quan tâm biển đảo gì đâu, nó vẫn đá banh vẫn cá độ… nó đâu quan tâm đảo biển gì, chỉ có một số thành phần thôi. Nếu làm một điều tra cơ bản thì chưa chắc là những người quan tâm bóng đá ít hơn biển đảo đâu. Nói vậy chứ dân tình bây giờ họ thường bảo là chuyện nhà nước kệ họ, mấy ngày đầu thôi chứ giờ cũng bình thường rồi, giờ hầu như mọi người cũng coi bình thường rồi, như chuyện con nít giỡn nhau thôi, cứ bơm lên cho vui thế thôi, chứ quyền lực nằm trong tay người ta, trấn an về mặt tâm lý được rồi, cứ tổ chức này nọ, tình hình bây giờ là thế!”

” Dân tình bây giờ họ thường bảo là chuyện nhà nước kệ họ, mấy ngày đầu thôi chứ giờ cũng bình thường rồi, giờ hầu như mọi người cũng coi bình thường rồi.”
-Bạn Cường

Vốn là một bộ đội phục viên hơn bốn năm nay và đã có gia đình, con cái, công việc ổn định. Thế nhưng mấy ngày nay, Cường cảm thấy bất an khi có lệnh tập trung để tập huấn chuẩn bị đối phó chiến tranh, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Với Cường, chuyện này không gì khác là lệnh tổng động viên nhưng được tô đắp bằng những mỹ từ mới mẽ như “tập huấn quân sự” hoặc “huấn luyện vũ trang, tập làm quen trở lại thao trường”. Trên thực tế, mọi hoạt động huấn luyện, tập huấn đều có tính chiến đấu rất cao so với ba tháng quân trường của thời anh mới vào bộ đội.

Chia sẻ thêm, Cường nói rằng anh cảm thấy không yên tâm một chút nào về tương lai của gia đình anh. Sự không yên tâm này không nằm ở chỗ chiến tranh có xảy ra hay không và nếu chiến tranh xảy ra thì mọi sự sẽ ra sao. Anh không quan tâm về chuyện này cho mấy bởi vì một khi chiến tranh đã thật sự xảy ra thì chuyện sống chết trong gang tấc, không cần phải nghĩ đến những chuyện xa xôi làm gì nữa.

Vấn đề Cường cảm thấy vô lý và bất mãn là tại sao lại để những ngư dân trở thành những con tốt thí trong chiến lược biển hiện tại của nhà cầm quyền Việt Nam. Vì theo chỗ quan sát của Cường, những nước láng giềng như Philippines hay Nhật Bản cũng có không ít lần đụng chạm trên biển với Trung Quốc nhưng chưa bao giờ ngư dân của họ bị làm khó hoặc thiệt mạng bởi tàu hải giám Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam đã thí mạng 64 người lính ở bãi đá Gạc Ma, Trường Sa và nhiều ngư dân Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã bị Trung Quốc đâm chìm tàu, đã có không dưới hai ngư dân bị thiệt mạng.

Chuyen 2

Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc (trái) gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với VN ở Biển Đông hôm 14 tháng 5 năm 2014.

Lẽ ra, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nên có những biện pháp khuyến cáo, ngăn chặn không cho ngư dân ra khơi trong thời gian nguy hiểm này và để cho bộ phận chấp pháp cũng như quân đội Việt Nam đứng ra bảo vệ chủ quyền lãnh hải cũng như vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, vì bên Trung Quốc cũng đã đưa quân đội vào cuộc, không thể để nhân dân tay không tấc sắt phải trơ trọi bám biển và đối phó với giặc như thế được. Làm như vậy chẳng khác nào ‘nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn’ cả!

Vốn là người đam mê bóng đá, nhưng lần world cup này, Cường chẳng màng nghĩ đến nó nữa, thậm chí lịch thi đấu hoặc ngày, giờ khai mạc đối với Cường chẳng khác nào giấy lộn. Và Cường cũng lấy làm ngạc nhiên khi anh đến một số cơ quan sự nghiệp hành chính nhà nước, anh vẫn nghe người ta bàn tán về bóng đá thế giới một cách say sưa. Anh nói rằng không hiểu đó có phải là một cách đánh lừa dư luận và cho chìm xuồng những gì mà nhân dân đang trăn trở?!
Người nội trợ nói về bóng đá và biển đảo

Một người vợ có chồng nhận lệnh đi tập quân sự trong đợt tổng động viên lần này, tên Quỳnh, chia sẻ: “Thì chiến tranh xảy ra thì phải đi thôi, chắc phải đi ra biển đánh chứ em cũng không biết sao. Nói chung là hơi sợ sợ, lo lo đó mà không biết sao. Hầu như những người đi bộ đội hồi xưa giờ họ đều kêu lại để đi tập thế đó, ai cũng kêu hết, có điều mình biết là nếu chiến tranh xảy ra thì chồng mình là người đầu tiên ra chiến trường. Nhiều người đang đi làm đó mà họ viết cái giấy đó buộc cũng phải nghỉ làm để đi.”

” Hầu như những người đi bộ đội hồi xưa giờ họ đều kêu lại để đi tập thế đó, ai cũng kêu hết, có điều mình biết là nếu chiến tranh xảy ra thì chồng mình là người đầu tiên ra chiến trường.”
-Chị Quỳnh

Theo chị Quỳnh, đa phần những ai có lương tri và quan tâm đến hiện tình đất nước đều không còn bụng dạ nào để mà vui chơi hoặc đón xem bất kì một trò giải trí nào. Vì là một người vợ có chồng bị nhà nước kêu gọi tập huấn quân sự, chuẩn bị cho tổng động viên lần này nên hơn ai hết, chị Quỳnh hiểu được thế nào là nỗi lo toan của một con người trước chiến tranh. Và một khi chiến tranh xảy ra, điều đó cũng đồng nghĩa với cái chết, nỗi mất mát cũng như sự khủng hoảng lâu dài của đất nước.

Nhưng, theo chỗ chị Quỳnh nhận định thì có vẻ như không phải ai cũng nghĩ về đất nước, nghĩ về chiến tranh giống như chị, đôi khi chị có cảm giác mình trở nên trơ trọi với nếp nghĩ hiện tại. Mặc dù đa phần các bà nội trợ – những người ít có khả năng chiến đấu, thậm chí không có khả năng này thì lại rất quan tâm về chính trị, đại sự quốc gia, dân tộc. Trong khi đó, những thanh niên trai tráng mạnh khỏe thì lại vùi mình trong bia rượu, các trò chơi và cá độ bóng đá, chọi gà, chọi chim, sưu tầm cá cảnh… Thậm chí, có nhiều thanh niên khi hỏi về tình hình biển Đông, họ chỉ trả lời rất bâng quơ rằng đã có nhà nước lo, không mắc gì phải bận tâm nữa!

Và cũng theo chị Quỳnh dự đoán, trong tình hình kinh tế bấp bênh, sắp tới đây càng gặp nhiều khủng hoảng bởi cán cân kinh tế Việt Nam đã trao trọn cho Trung Quốc, một khi họ lấy đi cái đĩa cân thì chỉ còn nước gục cần cho đến lúc tìm ra một cái đĩa cân mới. Mà hiện tại, tìm ra đĩa cân mới là việc hết sức khó khăn, nan giải của Việt Nam. Đặc biệt là đĩa cân mới của thời kỳ cận chiến tranh.

Cũng theo chị Quỳnh dự đoán, mùa bóng đá world cup năm nay sẽ nhiệt tình hơn trong vấn đề phát sóng các game show, các trận bóng này sẽ được truyền hình 24/24, không bỏ sót trận nào và chuyện cá độ bóng đá cũng sẽ được thả lỏng hơn. Bởi đó là kinh nghiệm chị đúc kết được sau nhiều lần quan sát khi đất nước có biến, mỗi khi dân tình bất mãn, có nguy cơ biểu tình nổ ra thì các kênh truyền hình nhà nước sẽ nhiệt tình hơn trong chuyện phát sóng các giải bóng đá, các game show, các scandal của các hot girl. Và điều này trở thành một tập quán khó thay đổi tại Việt Nam.

World cup đã khai mạc. Và cũng không biết là còn bao lâu nữa, cuộc đụng độ trên biển giữa Trung Quốc và ngư dân Việt Nam mới chấm dứt? Hoặc là còn bao lâu nữa, cuộc chiến tranh Việt – Trung sẽ khai pháo. Đó là những câu hỏi đầy trắc ẩn trong lúc này.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

………………………………………………………………

Xe tải cán bể nắp mương, lòi cốt tre
Nguồn:nguoiviet.com-Sunday, June 08, 2014

ĐỒNG NAI 8-6 (NV) .- Khi bị một xe tải cán qua, nắp mương thoát nước bị vỡ mới lộ ra cốt tre nhỏ bé bên trong đã khô mục chứ không phải là bê tông cốt sắt một cách bình thường.

cot tre

Nắp mương thoát nước bị xe tải cán qua nên vỡ và lòi cốt tre bên trong, không phải sắt. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đây là chuyện mới xảy ra ở khu vực tổ 25B, ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai mà người dân mới tình cờ khám phá ra sự gian dối trong công trình xây dựng công cộng ở địa phương. Cái đau cho người dân ở đây là cái công trình “bê tông cốt tre” này được thực hiện với tiền mà nhà cầm quyền xã bắt dân đóng góp, các quan thuê người thực hiện.

Theo tờ Tuổi Trẻ hôm Chủ Nhật thì buổi sáng ngày 6/6/2014, “một chiếc xe tải 5 tấn khi đi vào khu tái định cư cùng ấp thì làm vỡ hai tấm đan mương thoát nước được làm bằng bêtông. Trong đó có một tấm đan dày khoảng 7cm bị vỡ ở giữa một lỗ lớn, bên trong lõi bêtông thấy nhiều thanh tre đã khô, mục.”

Vì sợ nguy hiểm cho mọi người dân khi đi qua lại khu vực này nên “một số người đã lấy cây xanh làm tín hiệu để kịp phòng tránh”, báo Tuổi Trẻ nói. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy hệ thống mương thoát nước trên dài khoảng 100m, ngoài tấm đan bị vỡ lòi thanh tre ra còn nhiều tấm đan mương thoát nước có dấu hiệu nứt nẻ. Và cũng không biết chúng đều có “cốt tre” bên trong hay cái cốt gì khác.

Nói chuyện với ký giả báo Tuổi Trẻ qua điện thoại chiều 7-6, một cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi xã Bàu Hàm 2 xác nhận “đây là công trình do nhân dân đóng góp tiền làm, UBND xã chỉ chịu trách nhiệm kêu người đến xây dựng. Sau khi nhận được thông tin, UBND xã đã đến hiện trường quan sát và có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.”

Nguồn tin nói rằng khi hỏi thông tin thêm về chất lượng và giám sát công trình này thì “vị cán bộ trên từ chối, và cho biết UBND xã sẽ làm việc với báo về vụ việc trên vào ngày 9-6-2014”

Nhiều công trình xây dựng lớn như sử dụng vốn vay ngoại quốc ODA cho đến các công trình nhỏ bé của các địa phương đều đầy những gian dối để đám quan chức các bộ các cấp rút ruột hay ăn hối lộ. “Bê tông cốt tre” từng thấy tại nhiều dự án từ bắc chí nam suốt nhiều năm qua.

Ngày 15/5/2013, người dân khu vực 10, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ liên tục chứng kiến đơn vị thi công công trình xây dựng hệ thống cống thoát nước thải lớn nhất Cần Thơ làm rớt bể tấm đan. Người ta ngạc nhiên thấy, khi bị rớt xuống vỡ thì bên trong các tấm đan này là hai miếng cốt tre mỏng manh.

Theo sự tường thuật của tờ Tuổi Trẻ ngày 17/5/2013, hàng chục tấm đan như vậy đã được hối hả chở đi nhưng khi khiêng lên khiêng xuống thì đều nứt vỡ, lòi cốt tre bên trong.

Công trình xây dựng hệ thống cống trên thuộc dự án gom và xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Cần Thơ có công suất xử lý 30,000 m³/ngày đêm, xử lý nước thải cho quận Ninh Kiều. Đây là dự án do Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước của nhà cầm quyền Cần Thơ làm chủ đầu tư, ký hiệp định vay vốn từ Ngân hàng Tái thiết của CHLB Đức.

Theo hiệp định vay vốn, dự án có vốn đầu tư 14.3 triệu euro (220 tỉ đồng), trong đó vốn đối ứng của thành phố chiếm 30%. Tuy nhiên do thi công chậm chạp, đến năm 2006 dự án được điều chỉnh tăng vốn lên 363 tỉ đồng, tăng hơn 140 tỉ đồng so với mức phê duyệt ban đầu.

Ngày 19/3/2010, báo Tuổi Trẻ cho biết Cầu Khe Dầu được xây dựng với số tiền 1.45 tỉ đồng từ nguồn vốn ADB của Dự án giảm nghèo khu vực Miền Trung tỉnh Quảng Bình. Dù mới đưa vào sử dụng từ tháng 8-2008 nhưng hiện nay cầu này đã bị hư hỏng nặng nề.

Tờ Tuổi Trẻ kể: “Từ đầu tháng 3-2010, người dân địa phương lại cho biết ở phía dưới gầm cầu, đặc biệt là dầm cầu có nhiều chỗ bê tông bị bong tróc, nứt ra làm lộ cả cốt thép. Nhiều chỗ bê tông không có độ kết dính cao nên chỉ cần dùng tay bẻ vào là bê tông đã rã ra khỏi khối. Nhiều chỗ mặt bê tông bị nứt tạo ra khoảng rỗng với độ sâu 30-40cm. Tại một vài chỗ rỗng như vậy, chúng tôi đã quan sát và thấy phía bên trong khối bê tông có những thanh tre và cót ép…”

Không thấy có ông bà quan chức lớn nhỏ nào liên quan đến các vụ việc bị mất chức hay bị truy tố. (TN)

………………………………

Lộ dần phi trường, cảng biển Trung Quốc ở bãi đá ngầm Gạc Ma
Nguồn:nguoiviet.com-Saturday, June 07, 2014

HONGKONG 7-6 (NV) – Thêm tài liệu cho thấy Trung Quốc đang ráo riết thực hiện kế hoạch lấn chiếm ở Biển Đông mà hiện đang lộ dần một đảo nhân tạo có cả phi trường, cảng biển ở Trường Sa.

cang bien.jpg1

Đồ họa đảo nhân tạo Johnson South Reef (Việt Nam gọi là Gạc Ma, Trung Quốc gọi là Xích Qua Tiêu) với phi trường, cảng biển hiện Trung Quốc đang ra sức tạo dựng từ bãi đá ngầm. (Hình: SCMP)

Theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Bảy, những gì tổng thống Phi Luật Tân Benigno Aquino tố cáo những ngày gần đây đang đang được giới chuyên viên Trung Quốc nhìn nhận.

Bắc Kinh đang biến bãi đá ngầm Gạc Ma (Xích Qua Tiêu) cướp của Việt Nam năm 1988 thành một đảo nhân tạo khổng lồ. Trên đó có cả phi đạo cho máy bay lên xuống, cảng biển riêng cho tàu quân sự và tàu dân sự. Lại còn có cả khu vực gia cư, khu du lịch, tất cả xây dựng trên đảo nhân tạo đang được các máy hút cát dưới lòng biển làm thành dần dần.

Khi tổng thống Phi tố cáo tuần trước, ông chỉ có những tấm hình chụp không ảnh các hoạt động hút cát để xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Phi. Tấm đồ họa của báo SCMP cho người ta nhìn thấy rõ hơn về quy mô của đảo nổi Xích Qua Tiêu mà 64 người lính CSVN đã thiệt mạng năm 1988 vì bị tàu Trung Quốc xả súng bắn chết để cướp bãi đá ngầm này.

Khi Xích Qua Tiêu (Chi Gua Jiao) trở thành một căn cứ qui mô nổi trên biển rộng khoảng 30 hecta, căn cứ của Việt Nam xây dựng tại đảo đá Cô Lin ( khoảng 1.9 hải lý tây bắc Gạc Ma) chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ so với đảo nhân tạo Gạc Ma hay Xích Qua Tiêu. Nó sẽ là nơi để Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự để uy hiếp cả Phi Luật Tân và Việt Nam ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Riêng với Phi Luật Tân thì an nguy quốc gia của họ bị đe dọa thật gần.

Theo các nhà phân tích thời sự, hành động đang thực hiện của Trung Quốc là đi từ phòng vệ sang tấn công. Khi phi trường ở Xích Qua Tiêu hoàn thành, với phi trường đã có sẵn ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh sẽ có cớ thành lập “vùng nhận dạng phòng không trên biển” trùm cả Biển Đông. Đây là điều từng được nhiều nước lo ngại sẽ xảy ra khi Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông năm ngoái.

Bắc Kinh chối không lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông nhưng khi đã có phi trường ở cả hai đầu đông tây của Biển Đông rồi, chuyện gì cũng có thể xảy đến.

cang bien 2.jpg1

Các đảo và bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. (Hình: Wikipedia)

Cùng với việc gấp rút xây dựng căn cứ quy mô trên đảo nhân tạo Xích Qua Tiêu, theo SCMP, Trung Quốc đang có kế hoạch biến bãi đá ngầm Fiery Cross Reef (Việt nam gọi là đá Chữ Thập, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiêu (Yongshu Jiao) theo một kế hoạch tương tự. Bãi đá ngầm Gạc Ma (Xích Qua Tiêu) thuộc cụm đảo Sinh Tồn, trong khi đá Chữ Thập (Vĩnh Thử Tiêu) thuộc cụm Nam Yết.

Bãi đá ngầm Chữ Thập có chiều dài tính theo trục đông bắc-tây nam là 14 hải lý (gần 26 km) và chiều rộng là 4 hải lí (7.4 km); tổng diện tích đạt 110 km². Trừ một tảng đá cao 1 m nổi lên ở phần đuôi phía tây nam thì nhìn chung đá này chìm dưới nước khi thủy triều lên. Nếu Trung Quốc biến bãi đá ngầm này thành đảo nổi, nó có thể sẽ lớn gấp nhiều lần so với Xích Qua Tiêu (hay Gạc Ma).

Theo Kim Lạn Vinh (Jin Canrong), một giáo sư ngành bang giao quốc tế tại đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh được SCMP thuật lời, đề án biến bãi đá ngầm Vĩnh Thử Tiêu (hay Chữ Thập theo cách gọi của Việt Nam) đã được đệ trình nhà cầm quyền trung ương Trung Quốc để chấp thuận. Khi kế hoạch xây dựng hoàn tất, nó sẽ lớn gấp đôi căn cứ quân sự Diego Garcia của Hoa Kỳ rộng 44 km2 trên Ấn Độ Dương.

Lý Kiệt, một chuyên viên hải quân tại Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, nói căn cứ trên đảo nhân tạo Vĩnh Thử Tiêu cũng sẽ gồm cả phi trường và cảng biển. Hiện nơi này đang là một căn cứ nhỏ mà hơn 20 năm trước, Bắc Kinh cho xây dựng một đài quan sát phục vụ cơ quan nghiên cứu hải dương của Unesco.

Theo Kim Lạn Vinh, việc xây dựng đảo nhân tạo tại Vĩnh Thử Tiêu sẽ được thực hiện tiếp theo và tùy thuộc sự tiến triển của đảo nhân tạo Xích Qua Tiêu (Gạc Ma). Tháng trước tin tức xì ra trên báo chí Trung Quốc cho hay đảo nhân tạo tại Xích Qua Tiêu ngoài phi trường, cảng biển có thể biếp nhận các tàu lên đến 5,000 tấn.

Tại quần đảo Trường Sa, bắt đầu từ năm 1988, Trung Quốc mới bắt đầu đi cướp của Việt Nam một số bãi đá ngầm gồm Đá Xu Bi thuộc cụm Thị Tứ; Đá Chữ Thập , Đá Ga Ven thuộc cụm Nam Yết; Đá Gạc Ma,Đá Tư Nghĩa thuộc cụm Sinh Tồn; Đá Châu Viên thuộc cụm Trường Sa; và Đá Vành Khăn thuộc cụm Bình Nguyên. (TN)

…………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics