1.CSVN: Đông Du, Tây Du Đều Kẹt(VA/VB)2.Vì sao lộ video tướng công an nói về Việt-Trung-Mỹ?(VOA)3.Tin tặc tấn công …-4.

CSVN: Đông Du, Tây Du Đều Kẹt

Vi Anh

Nguồn:vietbao.com- 17/03/2017

  

Ba chiến hạm Mỹ trên Biển Đông (Hình:VNExpress)

CSVN: Đông Du, Tây Du Đều Kẹt
Hiện tình cho thấy Mỹ bây giờ không cần vị trí chiến lược của VN để làm tiền đồn chống Cộng như thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ cũng không cần o bế CSVN như thời TT Obama chuyển trục quân sự về Á châu Thái bình dương vì phe CSVN do Tổng bí thư Nguyễn phú Trọng thần phục TC đã biến VN thành chư hầu của TC rồi. Mỹ thời TT Trump đã cho CSVN ra rìa vì nếu Mỹ “hợp tác toàn diện” với CSVN là Mỹ nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà nói theo kiểu VN, hay đưa con ngựa thành Troie vào liên minh Mỹ, tức mở đường cho CSVN nội tuyến cho TC, tai hại cho Mỹ và đồng minh vô lường.

Nhưng CSVN vẫn phải lập lờ đánh lận con đen, tiếp tục ngón nghề đi đu dây với Mỹ và Nhựt, để chứng tỏ lập trường làm bạn với các nước, không đứng về phía nước nào để chống phía bên kia.

Một, CSVN o bế Nhựt. TC mặc thị “nhứt trí, đồng tình” để cho CSVN làm điều ấy. Một là để Mỹ có một nội tuyến xâm nhập vào bên trong kỳ phùng địch thủ là Mỹ và kẻ thù tiền cừu hậu hận từng đánh chiếm Trung Hoa là Nhựt. TC đã làm đều ấy với Đài Loan, đã cài 5.000 điệp viên vào đảo quốc ấy. Hai là TC đã nắm chắc hồn lẫn xác, đã cấy sinh tử phù vào lãnh đạo Đảng Nhà Nước CSVN, làm sai một chút, TC niệm thần chú là tiêu diêu sinh mạng.

Nên tin mới đây CSVN o bế hết mức Nhựt Hoàng và hoàng hậu viếng CSVN. Đảng Nhà nước cho Phó Chủ Tịch Nước ra tận sân bay, chờ dưới cầu thang, trên đường trải thảm đỏ nghênh đón quốc khách này. Long trọng hơn đón TT Obama của Mỹ viếng thăm VN hồi tháng 5/2016, Đảng Nhà Nước CSVN chỉ cho Thứ Trưởng Ngoại giao, cấp thấp hơn Phó Chủ Tịch Nước ra nghênh đón.

Ai cũng biết chuyến viếng thăm CSVN chỉ có tính ngoại giao nghi lễ, văn hoá, hoàn toàn không có tính kinh tế, chánh trị hay quân sự vì Nhựt Hoàng như Nữ Hoàng Anh, là biểu tượng vương quyền của Nhựt, không tham chánh, Thủ Tướng Nhựt mới là giới chức nắm chánh quyền, cai trị thực sự.

Chế độ CSVN từ thời Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng đến Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc đều có đi Nhựt viếng thăm và ký kết nhiều vấn đề tương quan giữa hai nước. Có thể nói Nhựt là nước giúp VNCS khá nhiều. Nhật rất rộng rãi cung cấp viện trợ ODA cho CSVN, cho đến bây giờ tính ra khoảng 25 tỷ Mỹ kim. Bây giờ hàng năm Nhựt vẫn cấp cho VN mỗi năm từ 1-1,5 tỷ USD. Nhựt cũng là nước đầu tư sản xuất kinh doanh vào VN nhiều. Nhựt cũng viện trợ quân sự cho VN, như cấp hàng năm cho các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở. Nhật cũng là quốc gia có lượng đầu tư đổ vào Việt Nam khá lớn. Nhựt cũng viện trợ cho VNCS 3 tàu chiến, Nhật đã cùng tập trận với Hải quân Việt Nam ngay tại vùng biển Đà Nẵng. Hà nội cũng để cho chiến hạm của Nhựt vào Vịnh Cam Ranh.

Nên Hà nội lợi dụng chuyến viếng thăm của Nhựt hoàng để o bế Nhựt làm phao cứu sinh kinh tế cho CSVN đang rơi vào hoàn cảnh sắp phá sản. Mỹ rút khỏi TPP là hiệp ước có lợi cho kinh tế VN. Nợ xấu của VN đã lên 210% GDP. Còn Mỹ thì hầu như cho CSVN ra rìa. Nên cả Tổng Bí Thư Đảng CSVN và phu nhân, Thủ Tướng, Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quốc Hội đều cố gắng làm Nhựt Hoàng hài lòng.

Nhưng có điều Nhựt là đồng minh cột trụ của Mỹ. Nhựt Giúp chút đỉnh về kinh tế cho CSVN thì được, nhưng liên minh quân sự, chia sẻ tình báo, phát triển đối tác chiến lược với CSVN, chắc khó vì Nhựt và Mỹ đều lo ngại CSVN sẽ tiết lộ cho TC.

Hai, CSVN o bế Mỹ. Có tin của VOA, ngày 11 tháng 3, Ông Phúc sẵn sàng thăm Mỹ. “Ông Nguyễn Xuân Phúc hôm 9/3 nói với một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ rằng ông “sẵn sàng” tới thăm nước họ và làm việc với Tổng thống Donald Trump để thúc đẩy quan hệ Hà Nội – Washington… Trang thông tin Chính phủ trên Facebook dẫn lời ông Trump nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ rằng ông sẽ tiếp ông Phúc “bất cứ lúc nào, dù là ở Washington hay là New York”. Tuy nhiên, hiện chưa rõ phía Mỹ đã chính thức mời Thủ tướng Phúc công du Hoa Kỳ hay chưa.”

Nhưng hiện thời Thủ Tướng Phúc đang ở thế kẹt lớn ngay trong nội bộ Đảng Nhà Nước CSVN. Ông không đủ thâm niên, vi cánh trong chánh phủ, hậu thuẫn trong thành phần đảng chủ trương đổi mới, xích lại gần Mỹ như TT Nguyễn tấn Dũng. Trái lại TT Phúc đang có nhiều đối thủ công khai và tiềm ẩn chống trong nội bộ Đảng Nhà Nước. Họ đổ tội suy thoái kinh tế, nợ xấu ngập đầu, ngân sách khiếm hụt cho Ông. Ngay khi Mỹ có đích danh mời TT Phúc, chưa chắc Bộ Chánh trị CSVN để cho Ông ấy đi.

Còn Ngoại Trưởng Phạm bình Minh, Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng, là một trong rất ít người còn lại trong nội các mới sau khi Tổng bí Thư Nguyễn phú Trọng loại TT Dũng, độc diễn làm tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ. Ô. Minh là người từng du học ngoại quốc, không bị rào cản ngôn ngữ, được cử làm bộ trưởng ngoại giao nhưng rất lâu mới được Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng đề cử và được vào Bộ Chánh trị. Ông Minh khó đủ tư thế nâng Nhà Nước lên và qui tụ lại thành phần đổi mới xích lại gần Mỹ như Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng.

Và trước đây, tân Tổng Thống Trump đã cho chế độ CSVN ra rìa, vì một số lý do chánh yếu kinh tế, chánh trị, quân sự, ngoại giao. Ngay khi tranh cử, TT Trump chống TPP, một hiệp ước có lợi nhiều cho CSVN, Nhà Nước đã ký gia nhập và Đảng CS đã chuẩn nhận xong rồi. Tuyên thệ xong, TT Trump ký sắc lịnh đầu tiên rút Mỹ khỏi TPP. Và chính TT Trump kêu gọi đại công ty Apple của Mỹ đã đầu tư 19 tỷ ở VN trở về Mỹ, đưa việc làm về Mỹ Ông sẽ giảm thuế cho.

Chỉ còn một con đường cho Ông Phúc là đi ngoại quốc Nhựt, Mỹ, Liên Âu xin viện trợ, vay tiền, kêu gọi tăng gia đầu tư. Nhưng chưa chắc phe thân TC trong CSVN để cho Ông đi. Còn các nước thì đang hồn ai nấy giữ trước khuynh hướng bảo hộ mậu dịch của TT Trump.

CSVN chỉ còn có cách cầu cạnh TC. Nhưng kinh tế TC đang xuống. Tây Âu, Bắc Mỹ thấy Hà nội bám sát Bắc Kinh thì càng xa lánh CSVN.

Hai con đường Đông du nhờ Nhựt, Tây du nhờ Mỹ đều kẹt. TC sẽ lợi dụng thế bí ấy để ép CSVN như ép khô mực nướng nhậu chơi./.(VA)

……………………………………………………………….

Vì sao lộ video tướng công an nói về Việt-Trung-Mỹ?

 Nguồn: VOA Tiếng Việt  –16/03/2017

Tướng CS VN Trương Giang Long(Hình:danlambao)

Trong tuần qua, trên mạng xã hội đã lan truyền một video dường như bị rò rỉ có nội dung một viên tướng công an Việt Nam nói chuyện về những vấn đề lớn trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Đoạn video dài hơn 30 phút cho thấy một người đàn ông khoảng 55 tuổi mặc cảnh phục với quân hàm thiếu tướng đứng phát biểu trước cử tọa khoảng 30 người trong một hội trường khá rộng.

Sân khấu của hội trường được trang trí với khẩu hiệu về Đảng Cộng sản Việt Nam, cờ đảng bên cạnh quốc kỳ Việt Nam, tượng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm panô có dòng chữ “Lớp cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn năm 2016”.

Ở Việt Nam, khái niệm “cán bộ nguồn” nghĩa là những người có triển vọng trở thành lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền.

Bảng chữ trên video nói diễn giả là Giáo sư Tiến sĩ Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, đồng thời là Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân.

VOA không thể liên lạc với ông Long để hỏi về tính xác thực của video này. Bộ Công an Việt Nam cũng chưa ra thông báo khẳng định hay phủ nhận.

Các phần mềm so sánh khuôn mặt cho thấy hình ảnh người đàn ông trong video và các bức ảnh của ông Long trên báo chí chính thống Việt Nam là của cùng một người.

Các kỹ thuật viên nghe nhìn có nhiều năm kinh nghiệm nhận xét rằng video có độ ổn định cao, không rung giật, ghi hình từ các góc khác nhau, được ráp nối cẩn thận, chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt. Điều này cho thấy nó đã được ghi lại một cách chuyên nghiệp, không phải là sản phẩm của “quay trộm”.

Căn cứ vào một vài câu nói trong video nhắc đến cuộc gặp giữa ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, giới quan sát xác định video được ghi ngày 26 hoặc 27/10/2016.

    Trung Quốc … không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông … Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào.
Diễn giả được cho là Thiếu tướng công an Trương Giang Long

Trên mạng xã hội, dư luận nhận xét rằng một số phát biểu của diễn giả được cho là Thiếu tướng Long là những tiết lộ “động trời”.

Ngày từ đầu bài phát biểu, diễn giả nhấn mạnh trước cử tọa rằng “Trung Quốc … không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông … Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào”.

Ông cũng ám chỉ rằng Trung Quốc tìm mọi cách làm suy yếu Việt Nam từ bên trong với việc “cài cắm, móc ngoặc, lôi kéo” hàng trăm người là “các phần tử cơ hội chính trị”. Nhưng ông nói thêm rằng nhà chức trách “đang theo dõi, đang nắm rất chắc, rất chặt những cái diễn biến” của các phần tử này mà ông cho là “có mưu toan, móc ngoặc, cấu kết bên ngoài, để lật đổ chống phá” chế độ của Việt Nam.

Một mối nguy khác đến từ Trung Quốc, theo diễn giả, là việc nước này đã xây dựng quan hệ hết sức thân thiết với Campuchia. Ông nói: “Hiện nay họ [Trung Quốc] khống chế chúng mình rất là kinh khủng, họ vào sâu rất sâu hàng xóm của chúng ta rồi. Ông kia [Campuchia] thì trở mặt hoàn toàn rồi”.

Trước thực trạng như vậy, diễn giả cho rằng Việt Nam vẫn chỉ có một lựa chọn là “Trung Quốc xấu như vậy hay xấu nữa, chúng ta cũng vẫn phải tìm cách chung sống với họ”.

Ông nói điều Việt Nam có thể làm là “cố phấn đấu sao để họ [Trung Quốc] đừng xấu hơn” nhưng ông không chỉ ra cụ thể cần phải làm những gì. Bình luận thêm về quan hệ láng giềng Việt Nam-Trung Quốc, diễn giả nói: “Nó bất hạnh cho chúng ta là sống bên cạnh một ông anh mức độ lòng tốt nó thấp”.

    Chúng ta phải thấy rằng đây là một bộ phận của Bộ Công an đưa tin ra tôi nghĩ là trong một tình huống mà đảng bây giờ đang phải tranh đấu với nhau để làm sao mà bảo vệ an ninh cho đất nước
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Mỹ

Từ Mỹ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại học Maine, người theo dõi Việt Nam nhiều năm, cho rằng những gì vị diễn giả nói trong video không phải là mới.

Nhưng theo giáo sư, điều đáng quan tâm là việc video bị rò rỉ có thể cho thấy có sự đấu đá phe cánh trong giới cầm quyền:

“Ông tướng này ông nói sự thực nhiều người đã biết rồi thôi. Nhưng mà tại sao ông nói ngay bây giờ? Tôi nghĩ là hiện nay chắc là trong nước có các cánh khác nhau mà có cánh nghĩ rằng đất nước đã nguy rồi, phải nói ra để làm sao dân chúng họ thấy. Đến khi mà phải tranh đấu với nhau trong nội bộ thì dân chúng họ hiểu là có lý do gì để tranh đấu. Cũng như là có một phe nói tranh đấu là để khỏi bị Trung Quốc kiềm tỏa. Bất cứ bộ nào ở Việt Nam cũng có những phần tử Trung Quốc đã mua chuộc ở trong đó hết. Chúng ta phải thấy rằng đây là một bộ phận của Bộ Công an đưa tin ra tôi nghĩ là trong một tình huống mà đảng bây giờ đang phải tranh đấu với nhau để làm sao mà bảo vệ an ninh cho đất nước”.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói những phát biểu của người được cho là một viên tướng công an chuyên về công tác tuyên huấn củng cố thêm một điều là giới lãnh đạo Việt Nam hiểu và cảnh giác với Trung Quốc.

Tuy nhiên, vị giáo sư ở Mỹ cho rằng Việt Nam đang chịu những sức ép “kinh khủng” từ nước láng giềng phương bắc. Ông phân tích:

“Không những về chính trị mà về quân sự. Quân sự thì không phải chỉ ở Biển Đông thôi mà ở ngay trên đất nước mình. Nó đưa bao nhiêu người vào ngay đất nước. Vấn đề rất là khó khăn là sức ép kinh tế. Chúng ta biết là trong 2, 3 năm qua, mỗi một năm Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 32 đến 35 tỷ đôla. Nhập siêu như vậy tức là Việt Nam nợ Trung Quốc chứ gì? Mà Việt Nam nợ Trung Quốc như vậy thì cái nợ này tất nhiên là có một số cán bộ, một số lãnh đạo họ thừa hưởng được cái đó. Mà họ thừa hưởng cái đó là họ làm giàu. Mà họ giàu có thì họ bị mua chuộc chứ gì?”

Trong phần sau của đoạn video, diễn giả được cho là Thiếu tướng Trương Giang Long nói mặc dù Trung Quốc chứa đựng nhiều nguy cơ cho Việt Nam nhưng Việt Nam không thể chọn cách ngả hoàn toàn sang Mỹ.

Ông nói làm như vậy không khác gì đi từ “hang hùm sang hang cọp” và nhấn mạnh với cử tọa: “Chúng ta nghiêng về bất cứ chỗ nào đó … cũng đều thất bại hết”.

Diễn giả dẫn lại lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định rằng khi nào đảng cầm quyền của Việt Nam “thật sự độc lập về đường lối” thì bấy giờ “đất nước mới chuyển biến tích cực”.

Theo ông, ở thời điểm tháng 10/2016 khi bài phát biểu được ghi hình, Trung Quốc “vô cùng” lo ngại Việt Nam ngả hẳn về Mỹ, trong khi ông đánh giá rằng Mỹ lại “vô cùng cần” Việt Nam.

Điểm lại lịch sử 21 cuộc chiến tranh chống Trung Quốc và 1 cuộc chiến tranh chống Mỹ, diễn giả nhận định rằng cho đến cuối năm 2016 Mỹ đã tìm cách “lôi kéo Việt Nam về phía Mỹ, tạo mọi điều kiện để Việt Nam cùng chung đội hình với Mỹ để mà chống lại Trung Quốc”.

Ông đưa ra ý kiến rằng Mỹ “biết rất rõ là chỉ có Việt Nam mới chống lại được Trung Quốc thôi”.

    Họ nghĩ rằng là Mỹ cần Việt Nam lắm thì cái đó cũng là sai, nó tùy lúc nào thôi … chúng ta phải nên nghĩ lại là Việt Nam hiện nay nằm ở đâu trong chiến lược của ông Trump, nếu không nói là trong chiến lược của Mỹ
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Mỹ

Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng những phát biểu của người được cho là Thiếu tướng Trương Giang Long cho thấy có sự đánh giá thiếu tính dài hạn về việc Mỹ nhìn nhận tầm quan trọng của Việt Nam.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại học Maine đồng tình với bình luận đó:

“Phải nói là cán bộ của Việt Nam ít người sang học Mỹ lắm, chẳng biết Mỹ là gì. Họ chỉ biết Mỹ qua báo chí thôi. Thành ra thường thường họ đánh giá rất là sai. Họ nghĩ rằng là Mỹ cần Việt Nam lắm thì cái đó cũng là sai, nó tùy lúc nào thôi. Dưới thời ông Obama, đúng là Mỹ cần Việt Nam là bởi vì trong cái chính sách của Mỹ, Mỹ muốn đa dạng hóa, đa phương hóa, muốn kéo nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào một tổ chức đa phương. Vai trò của Việt Nam đối với chiến lược của Mỹ lúc đó là quan trọng. Nhưng mà Mỹ có thay đổi. Bây giờ, ví dụ như là ông Trump không nghĩ đa phương hóa là vấn đề quan trọng, mà vấn đề chỉ làm những gì mà giúp cho nước Mỹ mạnh, thì chúng ta phải nên nghĩ lại là Việt Nam hiện nay nằm ở đâu trong chiến lược của ông Trump, nếu không nói là trong chiến lược của Mỹ”.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cảnh báo khi có đa số giới chức Việt Nam có hiểu biết không chính xác về Mỹ sẽ dẫn đến những tính toán và quyết định sai lầm về mặt chính sách chung của Việt Nam. Ông nói việc “không đánh giá đúng” đã và sẽ làm đất nước “mất các cơ hội”, cũng như lâm vào “nhưng khó khăn kinh khủng mà bây giờ vẫn chưa giải quyết được”.

Ông nêu ra các ví dụ cho điều này là việc Việt Nam bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa với Mỹ vào năm 1978 hay chậm trễ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi đầu những năm 2000.

………………………………………………………………………………

Mỹ nhận diện được 2 điệp viên Nga và 2 tin tặc trong vụ tấn công Yahoo

Nguồn: RFI Đăng ngày 16-03-2017 Sửa đổi ngày 16-03-2017 13:26

Bộ Tư Pháp Mỹ thông báo về thủ phạm vụ tấn công tin tặc nhắm vào Yahoo năm 2014. Ảnh ngày 15/03/2017.
Brendan Smialowski / AFP

Hôm qua, 15/03/2017, chính quyền Mỹ đã khẳng định là cơ quan tình báo Nga phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công tin học trên quy mô lớn nhắm vào tập đoàn internet Yahoo. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Washington cáo buộc Matxcơva can thiệp vào hệ thống tin học Hoa Kỳ.

Bộ Tư Pháp Mỹ, trong thông cáo được AFP trích dẫn, cho biết là tổng cộng có hai gián điệp Nga và hai tin tặc dính líu vào vụ tấn công tin học, khởi đầu từ năm 2014, đánh cắp thông tin của khoảng 500 triệu tài khoản thư điện tử trên Yahoo ; các hoạt động tin tặc này diễn ra suốt năm 2016.

Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne cho biết thêm thông tin:

« Hoa Kỳ đã nhận diện được hai nhân viên của cơ quan an ninh Nga FSB, đó là Igor Souchtchine và Dimitri Dokoutchaiev. Bản thân nhân viên thứ hai này đã bị chính quyền Nga bắt vào cuối tháng 12. Mặt khác, hai chuyên gia về an ninh mạng Nga cũng đã bị bắt.

Cả ba người này hiện đang bị giam giữ tại một nhà tù được canh phòng cẩn mật ở Matxcơva. Theo một trong số các luật sư của họ, thì ba người này bị cáo buộc phản bội tổ quốc, làm việc cho Hoa Kỳ và có thể bị kết án tới 20 năm tù.

Hai hackers mà Hoa Kỳ tố cáo bao gồm một người Nga tên là Alexei Belan và người kia tên là Karim Baratov, mang hai quốc tịch, Canada và Kazakhstan và đã bị bắt hôm thứ Ba, 14/03, tại Canada.

Alexei Belan đã từng bị câu lưu tại châu Âu năm 2013, rồi trốn thoát. Sau đó, người này được hai nhân viên FSB sử dùng vào việc tấn công Yahoo. Vụ tấn công này đặc biệt nhắm vào tài khoản thư điện tử cá nhân của các nhà báo và quan chức chính phủ Nga và Mỹ.

Theo hãng thông tấn Nga Interfax, trong vụ này, Washington đã không liên lạc với Matxcơva qua bất kỳ kênh chính thức nào. Và Matxcơva cho rằng đây lại là một câu chuyện mới về tin tặc Nga, có liên quan đến những căng thẳng trong nội bộ chính quyền Mỹ ».

 ………………………………………………………….

Thủ tướng Đức có thuyết phục được Donald Trump tăng cường hợp tác với châu Âu?
Nguồn:RFI- Trọng Thành Đăng ngày 17-03-2017


Thủ tướng Đức Angela Merkel công du Hoa Kỳ với một thái độ thận trọng
REUTERS/Hannibal Hanschke

Hôm nay 17/03/2017, tại Washington, diễn ra cuộc hội kiến được trông đợi giữa thủ tướng Đức Angela Merkel và tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo các nhà quan sát, gần như không có gì tương đồng giữa hai lãnh đạo Đức và Mỹ. Một bên là nhà tỉ phú nổi tiếng với tính khí cực đoan, bốc đồng, mới chân ướt chân ráo tham gia chính trường, và có quan điểm coi « nước Mỹ trên hết », bảo hộ mậu dịch, bài Liên Hiệp Châu Âu, và bên kia là một chính trị gia kỳ cựu, nổi tiếng thận trọng, được hy vọng là trụ cột của các quốc gia dân chủ. Câu hỏi đặt ra là : Liệu thủ tướng Đức có thuyết phục được tân tổng thống Mỹ là hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu thì có lợi cho nước Mỹ, xây dựng quan hệ đối tác trên nền tảng các bên cùng có lợi thì tốt hơn là co cụm ?

Mặc dù trước cuộc gặp này, chính quyền Mỹ tìm cách nhấn mạnh quan hệ với Đức là rất quan trọng và cuộc gặp sắp tới sẽ « thân thiện và rất tích cực », cũng như Mỹ rất cần đến Đức để đối xử với Nga, nhưng nhiều người lo ngại cho triển vọng cuộc hội kiến này.

Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio từ Washington giải thích :

« Donald Trump đã ca ngợi việc Anh Quốc rời Liên Hiệp Châu Âu trong suốt thời gian tranh cử. Ông Trump cũng phê phán chính sách tiếp đón người tị nạn của thủ tướng Đức. Đối với ứng cử viên Donald Trump, đây chính là điều hoàn toàn không được làm. Việc đề cập đến chủ đề này hứa hẹn sẽ tế nhị.

Thủ tướng Đức Angela Merkel từng là người thân cận với tổng thống tiền nhiệm Mỹ Barack Obama. Bà Merkel được coi là biểu tượng của một châu Âu nỗ lực đi về phía trước trong cơn bão tố. Ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử, bức thư chúc mừng từ Berlin đã khiến Washington ngạc nhiên.

Thông điệp của bà Merkel gửi đến người đắc cử tổng thống giống như một bài học đạo lý : ‘‘Nước Đức cũng như Hoa Kỳ là các nền dân chủ, được xây dựng trên cơ sở tôn trọng phẩm giá con người, bất kể nguồn gốc xuất thân, mầu da, tôn giáo hay giới tính”. Thủ tướng Đức khẳng định : ‘‘Tôi sẵn sàng làm việc với tổng thống Trump trên nền tảng này”.

Về phần mình, Nhà Trắng khẳng định Washington muốn thiếp lập quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước, và Hoa Kỳ không quan tâm đến các thỏa thuận thương mại đa phương, ví dụ như với Liên Hiệp Châu Âu. Điều đó cũng có nghĩa sẽ là dấu chấm hết cho các thương lượng với Liên Âu ».

Theo các nhà quan sát, thủ tướng Đức sẽ có thái độ thận trọng trong cuộc gặp đầu tiên với tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi mục tiêu của chuyến công du này là « làm quen » với tân lãnh đạo Mỹ, như giải thích của người phát ngôn của bà Angela Merkel. Thủ tướng Đức đã chuẩn bị cho cuộc gặp tổng thống có tính khí thất thường này bằng cách xem kỹ các phát biểu trước đây của ông Trump. Một số cố vấn cũng khuyên bà, nên đưa ra các thông điệp ngắn gọn, để có thể lọt tai tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, dù gì đi chăng nữa, theo nhiều chuyên gia, thủ tướng Đức cũng phải khẳng định được quyết tâm chính trị hàn gắn các quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Bà Daniela Schwarzer, chuyên về các quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhận định : « Để được lắng nghe, thủ tướng Đức phải đến đây với một thông điệp mạnh. Có nghĩa là bà phải khẳng định quyết tâm chính trị tái lập các quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn hơi bị sứt mẻ trong những tuần cầm quyền đầu tiên của Donald Trump, cùng lúc bà cũng lại phải giải thích được với tổng thống Mỹ Donald Trump là châu Âu và nước Đức có lợi như thế nào ».

Để thuyết phục Donald Trump về lợi ích của tự do mậu dịch, đi cùng đoàn của bà Merkel có đại diện của ba tập đoàn lớn của Đức : Siemens, BMW và Schaeffler. « Để làm không khí thư giãn », theo như các bình luận từ Berlin. Lãnh đạo các công ty này sẽ phải giải thích với tổng thống Mỹ là doanh nghiệp Đức đã đóng góp cho nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách tạo thêm hàng chục nghìn việc làm.

AFP trích lời một quan chức Hoa Kỳ mới đây, theo đó Nhà Trắng vẫn chưa quyết định chôn vùi hoàn toàn thỏa thuận tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương TTIP, vốn được thảo luận rất cam go từ năm 2013.

Trong một động thái khác, như để bắn tiếng với tổng thống Mỹ, hôm qua thứ Năm 16/03, thủ tướng Đức và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm. Theo một thông báo của văn phòng thủ tướng Đức, hai bên nhất trí cổ vũ cho tự do mậu dịch toàn cầu và hợp tác trong khuôn khổ G20. Hôm nay, bộ trưởng Thương Mại Đức tuyên bố, Berlin có thể kiện Washington lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nếu tổng thống Trump thi hành dự án tăng thuế nhập khẩu đối với xe hơi Đức.

…………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics