21/03: Hoàng Quốc Bảo, dòng nhạc như chiếc cầu tâm linh nối liền đời thường và nẻo đạo
Du Tử Lê
Category: Ngày Nay Biết Viết Gì Đây?
Posted by: louis Le –
Nguồn: Blog Ngón Tay Thứ Sáu
Cùng với sự rộ, nở của sinh hoạt văn chương, qua những diễn đàn văn học, hiện diện từ giữa thập niên 50, khởi đầu với những tạp chí như Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Bách Khoa, sinh hoạt âm nhạc miền Nam với hàng trăm trung tâm, nhà xuất bản, thu băng, đĩa, tất cả đem lại cho người nghe những dòng nhạc tiêu biểu của một Phạm Ðình Chương, Phạm Duy, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Cung Tiến, Lê Trọng Nguyễn, Ðan Thọ, Nguyễn Hiền, Tuấn Khanh, Y Vân, Lâm Tuyền, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Nguyễn Văn Ðông, Trúc Phương,v.v… đó là cột mốc thứ nhất.
Ở cột mốc văn học thứ hai, song song với sự hiện diện của những tạp chí như Hiện Ðại, Văn Nghệ, Văn, Văn Học, Nghệ Thuật… xuất hiện những năm đầu thập niên, một số kéo dài tới giữa thập niên 70, sinh hoạt âm nhạc cụng mang tới người nghe, những đời nhạc tươi, mới khác. Ðó là sự lên đường, rồi định hình của những dòng nhạc mang tên Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, Trần Thiện Thanh,…
… Anh Việt Thu, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Ðức Quang, Phạm Trọng Cầu, Ngô Minh Thu, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trầm Tử Thiêng, Ngô Thụy Miên v.v…
Xuất hiện sau những Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên một vài năm, và, sau Trịnh Công Sơn khoảng sáu, bảy năm; nhưng nếu lấy con số 10 năm làm thước đo, đếm một thế hệ, thì Hoàng Quốc Bảo là người cuối cùng, lấy được chiếc vé lên chuyến tầu âm nhạc, chung với những tên tuổi vừa kể. Khi chuyến tầu âm nhạc đi khắp cùng đất nước kia, chỉ còn một vài ghế trống.
Tuy nhiên, nếu Trịnh Công Sơn rướn mình, giơ cao ngọn cờ kêu đòi chấm dứt chiến tranh; Vũ Thành An với những bài không tên viết cho một (hay những) cuộc tình tuyệt vọng, Từ Công Phụng với nỗ lực đi tìm vàng son, thuở trước… thì, Hoàng Quốc Bảo, tự những nhát cuốc vỡ đất sáng tác đầu tay, đã cho thấy khuynh hướng xới sâu cõi hư không. Ðời giả tạm.
Ngay với những tình khúc rực rỡ chia ly, nát nhàu thống khổ, ở đâu đó, giữa những hợp âm được nối kết bởi Hoàng Quốc Bảo, vẫn mang tới cho người nghe, cảm nhận muốn vươn, thoát khỏi những trói buộc hạn hẹp của kiếp người. Tham vọng xóa bỏ sự phân biệt hình/tướng. Ðem nhị nguyên đúng/sai, thành/bại, phải/trái… về nhất thể.
Bằng âm nhạc, tự những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, họ Hoàng đã thiết lập cho mình (hay cho người), những chiếc cầu tâm linh, bắc qua đôi bờ nhân gian và, lẽ đạo.
Dù không một chỉ dấu, chẳng một tận khai cố tình, bằng cõi tâm tĩnh, lặng, Hoàng Quốc Bảo, với cõi nhạc của mình, đã mặc nhiên mang đến người nghe, những hồi chuông lai tỉnh. Những thời kinh, những câu kệ nhắc gọi chúng sinh, hồi hướng bến giác.
Tính thiền hay lời gọi kêu chúng sinh rời bỏ bờ mê trong đời nhạc Hoàng Quốc Bảo, mỗi lúc, một thêm nồng nàn sở nguyện, bằng vào bản thân, qua những năm luân lạc, quê người, họ Hoàng càng thực chứng lẽ vô thường. Ðời hữu hạn.
Nơi cõi tạm, tôi nhớ cuối năm 1975, đầu năm 1976, Hoàng Quốc bảo, đưa thân mẫu từ tiểu bang Illinoise về quận hạt Orange County, ở miền Nam California.
Một buổi tối, nơi căn apartment ở thành phố Costa Mesa, trong căn phòng không đồ đạc, Hoàng Quốc Bảo ôm đàn, hát cho chúng tôi nghe một số nhạc cũ, mới của ông.
Trong số đó, có ca khúc nhan đề “Hồ Như”, với những câu như:
“Có lẽ ta về ai biết đâu – Trồng vàng hoa trên núi sương hào – có lẽ trăm rừng xanh trở lại – gọi đàn chim xa mãi về phương nào – có lẽ ta về như giấc mơ – làm dòng sông bôi xóa đôi bờ – có lẽ người hồi sinh trở lại – nhìn cuộc chơi quên bấy lâu nay.”
Khi nghe lần thứ hai câu “…làm dòng sông bôi xóa đôi bờ…” tôi rất muốn hỏi ông, “Hồ Như” là ca khúc được viết thời gian nào? Trước hay sau 30 tháng 4? Nhưng cuối cùng, tôi im lặng. Tôi im lặng vì trong một thoáng mơ hồ, người thanh niên ngồi bệt trên thảm, trước mặt tôi, người thanh niên lúc nào cũng như ngơ ngác, lạc lõng, dường không còn là Hoàng Quốc Bảo. Ông là một người khác. Với tôi, ông không “làm” (tôi nhấn mạnh) “dòng sông bôi xóa đôi bờ” mà ông chính “là” (tôi nhấn mạnh) dòng sông. Và, dòng sông ấy đã “bôi xóa đôi bờ.”
Tôi không hỏi “đôi bờ” trong ca khúc “Hồ Như” của Hoàng Quốc bảo là đôi bờ nào. Tôi không hỏi bởi tôi nghĩ, nếu hỏi, chưa chắc giải thích của ông và cảm nhận riêng của tôi, đã gặp gỡ nhau. Với tôi, đó là “đôi bờ” của biến cố kinh hoàng, điếng tê mới xẩy ra. Còn tưa máu. “Ðôi bờ” với tôi là trong/ngoài một tổ quốc. “Ðôi bờ” với tôi là hai miền tử/sinh mà, con người bị phanh thây, đứng giữa…
Ðó cũng là thời gian chúng tôi cùng làm việc ở hãng Rockwell International, chi nhánh Newport Beach, trên đường Jamboree. Một năm sau, ông cho tôi biết, đã xin nghỉ việc để nhận công việc mới là thảo chương viên, cho công ty nước ngoài ở thành phố Los Angeles. Từ đó, chúng tôi ít có dịp gặp nhau.
Nhưng, tôi vẫn dõi theo bước đi của người “là” “dòng sông bôi xóa đôi bờ”! Như dõi theo những mơ ước bất toàn của chính mình.
Và, thời gian cho tôi hiểu, những thực chứng, những sở nguyện khởi tự khá nhiều nghịch cũng như thuận duyên, đã mang lại cho Hoàng Quốc Bảo (hay cho chúng ta) nhiều số tác phẩm mới. Những tác phẩm càng lúc càng cho thấy tính “bôi xóa đôi bờ” nơi ông.
Mười ca khúc phổ từ thi kệ, thiền thi của của các thiền sư như Nhất Hạnh, Huyền Không, Tịnh Từ, trong đĩa nhạc mang tên “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không,” Hoàng Quốc Bảo một lần nữa, thống thiết trải rộng tấm lòng yêu người, trái tim thương đời của mình, tới người nghe, như một lời cảm ơn những ơn phước (mà, ông đã nhận được từ cảnh đời. Cảnh đời, hiểu theo một nghĩa nào, là phản quang hay, ảo hóa của ngục A Tỳ.)
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho một ký giả của đài Little Saigon Radio ở miền Nam California, từ nhiều năm trước, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo cho biết, kể từ đĩa nhạc mang tên “Tịnh Tâm Khúc” cách đây nhiều chục năm, thì “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không” là đĩa nhạc thứ hai của ông. Phần lớn những ca khúc trong đĩa nhạc vừa kể, được họ Hoàng sáng tác đầu thập niên 80. Nhạc sĩ Hồ Ðăng Tín đã bỏ ra 5 năm, cho phần soạn hòa âm.
“Rồi nhiều thiện duyên đến, nhất là với tâm ý hân hoan và, thôi thúc trong việc kỷ niệm mùa Ðản Sinh đầu thiên niên kỷ, chúng tôi nguyện đem lòng thực hiện,” tác giả “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không” tâm sự.
Khi được hỏi quan điểm riêng về những ca khúc và những băng nhạc Phật Giáo ra đời trong những năm tháng gần đây, Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo nói:
“Tôi là người Cư sĩ Phật tử, lại trong giới sáng tác âm nhạc, thấy việc làm nào cũng có mặt tốt của nó. Nhạc mình như một đóa hoa nhỏ, trong vườn hoa nghệ thuật đầy mầu sắc. Có người thưởng ngoạn chỉ vì màu sắc sặc sỡ, lại có kẻ trang trọng với dị thảo, kỳ hương. Trong công tác nghệ thuật, tôi chỉ nguyện chính mình trân trọng hết sức với nghệ phẩm của mình. Không để bị chi phối vì bất cứ mục đích gì khi sáng tác, quyền lợi hay danh vị. Nhất là khi thực hiện, lấy nghệ thuật làm mục đích chính. Thứ đến mới nhượng bộ những điều kiện khác. Ðã làm hết sức mình rồi, kết quả ra sao, lúc ấy mới hoan hỉ chấp nhận…”
Câu trả lời của họ Hoàng, cho thấy quan điểm cũng như cung cách ứng xử của ông, không chỉ với nghệ thuật, mà còn với cả cuộc sống hàng ngày nữa.
Vẫn theo lời giới thiệu của ký giả phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, thì họ Hoàng chính thức sáng tác ca khúc kể từ năm 1969, thời còn ở Việt Nam.
Ông từng là người chủ trương những chương trình âm nhạc cho các đài phát thanh ở Thủ đô Saigòn, trước tháng 4, 1975, như đài Tiếng Nói Tự Do, đài Phát Thanh Saigon, đài Tiếng Nói Quân Ðội, nhưng ông không hề lợi dụng vị trí của mình, để phổ cập tên tuổi ông.
Ðề cặp tới đĩa nhạc “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không” của Hoàng Quốc Bảo, một nhà báo khác, trong một bài viết trên nhật báo Việt Báo, cho biết nhan đề ấy, vốn là một câu thơ của Không Lộ Thiền Sư đời nhà Lý. Ðó là câu: “Có khi lên thẳng non hề/hú dài một tiếng lạnh về hư không.”
Cũng trên nhật báo Việt Báo, số cuối năm 2005 loan tin nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo… xuất gia. Xuống tóc. Ði tu. Tôi chia sẻ với người viết bản tin, khi nhấn mạnh rằng, sự việc vừa kể, không làm nhiều người ngạc nhiên. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn ghi lại bản tin này, như một ghi chú quan trọng ở những năm cuối đời của họ Hoàng. Với cá nhân tôi, nó cũng là một hình thức “bôi xóa đôi bờ” mà thôi. Nguyên văn bản tin đó, như sau:
“Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã rời bỏ California để về xuất gia ở một Thiền Viện tại Việt Nam trong những ngày đầu tháng 12, 2005.” Ðược biết, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã tham dự lễ khánh thành Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 27 tháng 11, 2005 và rồi vài ngày sau đã trở về Thiền Viện Trúc Lâm ở Ðà Lạt và xuống tóc xuất gia với Thiền Sư Thích Thanh Từ trong những ngày đầu tháng 12, 2005.” Việc nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo xuống tóc đi tu không làm bao nhiêu người bất ngờ, vì nhạc sĩ đã nói ý nguyện này từ lâu, từ những ngày làm việc trong ngành Tin Học ở Sở Cấp Nước Los Angeles. “Mới vài năm trước, trong chuyến Hòa Thượng Thanh Từ lần cuối viếng thăm California, nhạc sĩ đã có tên trong danh sách xuống tóc đi tu trong buổi lễ ở Thiền Viện Ðại Ðăng, Nam Calif., nhưng khi xướng tên trên danh sách, tới khi đọc tên Hoàng Quốc Bảo, thì nhạc sĩ không có mặt – trước đó, nhạc sĩ đã lẳng lặng bước ra ngoài và chờ dịp khác.” Và lần này là một cơ duyên lớn. Nhân dịp lễ khánh thành Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Tam Ðảo, một thiền viện tuy là mới tân trang cho Trúc Lâm Thiền Phái của HT Thanh Từ, nhưng theo sử thì chính nơi đây là dấu tích Phật Giáo xưa cổ nhất, chính nơi đây là chỗ các nhà sư do Vua Asoka của Ấn Ðộ cổ thời đặt chân vào Việt Nam làm trú xứ. Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên còn là một thắng cảnh lớn với núi rừng nguyên sơ, cao 300 mét trên mặt biển…
“Sau khi dự lễ, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã về Trúc Lâm Thiền Viện ở Ðà Lạt, và xuất gia với HT Thanh Từ, vị Thiền Sư nổi tiếng nhất tại quê nhà và đang hoằng pháp Thiền Tông Trúc Lâm tại cả trong và ngoài nước.
“California tuy mất đi một nghệ sĩ tài hoa, nhưng Thiền Tông VN ở quê nhà lại đang có thêm một người gánh vác mới…”
Cách đây không lâu, nhân tang lễ một người thân trong gia tộc, tại một nhà quàn quận hạt Orange County, một số thân hữu đã được gặp lại tu sĩ Hoàng Quốc Bảo.
Ông không hát nữa. Dĩ nhiên. Có thể ông cũng không nữa “hồ như”…
Riêng tôi, gặp lại ông, tôi lại tự hỏi:
– Phải chăng, ông đã “là” “dòng sông bôi xóa đôi bờ” tự một xa xưa, tiền kiếp nào.
Du Tử Lê
-0o0
Người bạn thiết của những kẻ lang thang.
Ngàn Năm Một Thuở …
Nguyễn Đức Tùng và Du Tử Lê
Ám ảnh mùa Xuân và, những tiếng hát liên hệ đặc biệt với đời-nhạc Nguyễn Văn Ðông,
Nhà thơ Du Tử Lê nói chuyện tại đại học Berkeley
Một Năm Rồi …
Hoàng Quốc Bảo, dòng nhạc như chiếc cầu tâm linh nối liền đời thường và nẻo đạo
Du Tử Lê và Trường Đại Học Berkeley Oct 2010
Đây là ngày đầu viết cho cái blog mới này …
Comments
………………………………………………………..
Chiều tưởng nhớ Hoàng Cầm, Phạm Duy
Nguồn:VOA- 03/04/2017
Bùi Văn Phú
Đồng ca “Việt Nam, Việt Nam”. Từ trái: Phạm Ngọc, Lê Việt, Duy Hùng và vợ Lê Xuân Lộc, Kiều Loan, Đồng Thảo, Diệu Linh. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Hai mươi mốt năm ngắn ngủi của nền cộng hòa Việt Nam, từ 1954 đến 1975, đã để lại cho đời một di sản thi nhạc mà cho đến nay, sau hơn bốn mươi năm bị trù dập, muốn xoá bỏ nhưng nó vẫn sống trong lòng nhiều người Việt, trong cũng như ngoài nước.
Trong số những nghệ sĩ tạo dựng nên di sản đó có Phạm Duy, mà MC Phạm Phú Nam gọi là một thiên tài trong lời giới thiệu chương trình “Chiều tưởng nhớ Hoàng Cầm Phạm Duy” được tổ chức miễn phí tại hội trường Quận hạt Santa Clara ở San Jose hôm Chủ Nhật 26/3 vừa qua.
Thời Việt Nam Cộng hòa có rất nhiều nhạc sĩ, nhưng đã trải qua nhiều không gian và giai đoạn lịch sử khác nhau chỉ có Phạm Duy.
Ông là nghệ sĩ cùng thời với các nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, các thi sĩ Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hữu Loan, những người một thời đi theo kháng chiến.
Nhưng Phạm Duy sau đó đã bỏ khu về thành, vào Nam, qua Mỹ rồi lại trở về cố hương để xuôi tay nhắm mắt. Việc ông chọn không gian để sống, và để chết, đã gây ra những tranh cãi trong và ngoài nước từ nhiều năm qua.
Sáng tác qua nhiều giai đoạn lịch sử nên nhạc Phạm Duy có được sự gần gũi, thân thương với thính giả mọi tầng lớp, từ em bé chăn trâu, bà mẹ quê, cô nữ sinh, chàng sinh viên, đến những thanh niên muốn nổi loạn, những binh lính, những quả phụ tử sĩ và cả người sống lưu vong. Nhạc của ông là khúc dân ca, những bản tình ca, hùng ca, tục ca, đạo ca, bình ca, ngục ca, là những khúc hát trên đường tạm dung.
Nghệ sĩ tham gia chương trình tưởng niệm Hoàng Cầm, Phạm Duy. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc, giám đốc cơ quan IRCC, là người cùng với Dân Sinh Media của ông Phạm Phú Nam đứng ra tổ chức, đã hồi tưởng lại thời thiếu niên được nghe Phạm Duy, Hoàng Cầm trong một đêm văn nghệ ở quê Ninh Bình. Đêm đó tinh thần kháng chiến chống Pháp trong quần chúng sôi sục dâng cao. Đó là năm 1946, khi người Việt chưa rõ cộng sản là gì.
Khi hiểu cộng sản, Phạm Duy bỏ về thành rồi vào nam. Hoàng Cầm ở lại miền bắc, tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm và cuộc đời vướng nhiều cay đắng, éo le.
Ái nữ của nhà thơ là Kiều Loan di cư vào Nam năm 1954 và mãi cho đến năm 1977, sau ngày đất nước thống nhất, ông mới có cơ hội gặp lại con, nhưng cũng chỉ trong giây phút ngắn ngủi vì đó cũng là lúc cô con gái chuẩn bị xuống thuyền vượt biển. Thế là bố con lại phải biền biệt vắng tin thêm nhiều năm nữa cho đến một ngày nghe được giọng con ngâm thơ qua làn sóng BBC.
Nghệ sĩ Kiều Loan, ái nữ của thi sĩ Hoàng Cầm. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Hôm nay, Kiều Loan diễn ngâm thơ tình của bố: “Đêm phương Bắc”
Đêm phương Bắc khi sao hôm nhẹ khóc
Hương tím em về đậu giữa trang thơ
Thả cô đơn gió xanh lùa mái tóc
Dìu em đi từng bước ấm sương mờ
Ngày em ngủ bến mi anh nắng đọng
Chiều em đi không quá một vòng tay
Tối em về gió ru em vỗ sóng
Trên ngực tròn hương tím thức đêm say…
“Hoàng Cầm ca” do Phạm Duy phổ nhạc. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Trong bài viết về Hoàng Cầm, Phạm Duy đã ghi rằng thi sĩ “bị bắt vào năm 82 vì nhờ một Việt kiều đem tập thơ ‘Men đá vàng’ ra ngoại quốc cho con gái.”
Nhớ tình bạn xưa, ở hải ngoại Phạm Duy phổ thơ của ông thành “Hoàng Cầm ca” và trong chương trình tưởng nhớ, Thái Hà cất tiếng hát “Lá diêu bông”.
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay tao sẽ nhận làm chồng
Tao sẽ nhận làm chồng
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông…
Chị đã ba con em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn…
Bài thơ ông viết vào mùa đông năm 1959. Lời thơ khó hiểu vì đâu ai biết lá diêu bông có hình dạng, sắc mầu ra sao. Chỉ là một loại lá trong ảo tưởng, nên đã có diễn giải tác giả muốn nói đến một thứ chủ nghĩa ảo trên đất nước Việt Nam.
Hoàng Cầm sinh năm 1922, mất 2010. Phạm Duy sinh năm 1921, mất 2013. Giờ này hai cụ đã nối lại tình bạn xưa ở cõi trên, nhìn xuống dương trần thấy con gái Kiều Loan ngâm mấy vần thơ, nghe con trai Duy Hùng cất lời ca chắc các cụ cũng ấm lòng.
Trên 300 khán giả tham dự chiều tưởng niệm. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Cũng được ấm lòng là hơn 300 khán giả đến với buổi chiều tưởng nhớ hai người nghệ sĩ đã để lại nhiều dấu ấn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Nói về nhạc Phạm Duy, cựu Đại tá Vũ Văn Lộc kể rằng từ ngày vào quân trường ông đã hát “Xuất quân” biết bao lần và hát đi hát lại cho đến ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản: “Ngày bao hùng binh tiến lên / Bờ cõi vang lừng câu chiến thắng…”
Phạm Duy để lại cho đời cả nghìn bài ca. Dù hiện nay nhà nước còn cấm hầu hết những ca khúc của ông, nhưng dòng nhạc Phạm Duy vẫn âm ỉ trong lòng người Việt.
“Tiếng sáo thiên thai” qua giọng ca Hoàng Lan, bên phải, và Thái Hà. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Chương trình gồm một số ca khúc tiêu biểu của ông như “Kỷ niệm”, qua tiếng hát Văn Quân; “Tiếng sáo thiên thai”, thơ Thế Lữ do Thái Hà và Hoàng Lan song ca; “Về mái nhà xưa” lời Việt của Phạm Duy do bác sĩ Lê Việt, con trai của nữ danh ca Thái Thanh thể hiện.
Thứ nam của Phạm Duy là Phạm Duy Hùng đã đàn và hát “Kiếp sau”, phổ thơ Cung Trầm Tưởng.
Một số ca khúc của Phạm Duy đến nay còn lưu lại trong lòng nhiều xúc động cho những ai đã trải qua hành trình vượt biển. “Thuyền viễn xứ”, phổ thơ Huyền Chi; do Hoàng Lan trình bày, là gợi lại hình ảnh con thuyền ra khơi bỏ lại quê nhà:
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tời bời
Làn mây hồng pha rán trời
Sóng Đà giang thuyền qua xứ người…
Hay vào buổi sáng trên đảo tị nạn, nghe loa phát ra lời ca tiếng nhạc “Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười…” mà buồn miên man.
Hôm nay, qua tiếng vĩ cầm của giáo sư âm nhạc Trần Nhật Hiền, phu quân của nghệ sĩ Kiều Loan, những âm điệu đó vẫn mang lại thổn thức quá khứ cho nhiều khán giả.
Một ca khúc đã làm rúng động miền nam và theo lời MC Phạm Phú Nam: “Nhưng chính phủ Việt Nam Cộng hòa không biết giải quyết như thế nào vì bài hát này đã được loan truyền rộng rãi… Nhưng dù đang ở chiến trường, ở bệnh viện hay những nơi xa xôi của đất nước, những người lính cũng nhận ra tính nhân bản. Đó là điều làm cho chúng ta khác với miền bắc.”
Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn mầu tang trắng
Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về hòm gỗ cài hoa…
Ca từ của “Kỷ vật cho em”, phổ thơ Linh Phương được Đồng Thảo trình bày đã gây nhiều xúc động cho người nghe.
Nhắc đến nhạc Phạm Duy thì không thể thiếu “Tình ca”, Diệu Linh thể hiện, là một ghi chép lịch sử về đất nước, về con người Việt Nam:
Tiếng nước tôi bốn nghìn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…
Hơn nửa thế kỷ trước, khi vừa viết xong ca khúc “Giọt mưa trên lá” Phạm Duy đã xuất hiện tại Mỹ trong chương trình Rainbow Quest hát lời Việt và Anh – “The rain on the leaves” – hòa trong tiếng ghi-ta và banjo cùng với các ca sĩ Peter Seeger, Steve Addiss và Bill Crofut.
Duy Hùng, thứ nam của nhạc sĩ Phạm Duy, hát “Kiếp sau”. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Trong chiều tưởng niệm, tất cả nghệ sĩ đến với chương trình đã cất tiếng đồng ca với Duy Hùng đàn ghi-ta:
Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về…
Chương trình tưởng niệm đã được mở đầu với quốc ca Mỹ, Việt và khúc chiêu niệm “Chiến sĩ vô danh” – cũng là nhạc Phạm Duy – do cựu sĩ quan Sư đoàn 5 Bộ binh, cựu tù binh chiến tranh hai lần, là cựu Thiếu úy Phạm Ngọc thể hiện.
Chương trình kết thúc với chung khúc “Việt Nam, Việt Nam” được cả hội trường cùng hát:
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu…
Đó là tuyên ngôn của nước Việt Nam. MC Phạm Phú Nam kể lại rằng nhạc phẩm này đã được những người lính hải quân hát vang khi chiến đấu ở Hoàng Sa năm 1974, đã được những người vượt biển gặp nạn cất tiếng hát trên đảo Ko Kra và ca từ của “Việt Nam, Việt Nam” là những lời cuối mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu được nghe trước khi ông từ trần.
-o0-
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Bùi Văn Phú: Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
…………………………………………………………….