1.Du Tử Lê: Ngộ nhận nào có trong mấy bài thơ tình của Phạm Thiên Thư? (Kỳ cuối – 03)2.‘Chúng ta rồi cũng sẽ già,’ cảm xúc về đêm “Ngàn Lời Thơ – Nhớ Phạm Duy”(Ngọc Lan/NV)

Nhà thơ Phạm Thiên Thư

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết).

Nguồn:dutule.com

Bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” của Phạm Thiên Thư, tình cờ đáp ứng được nhu cầu “chuyện kể” trong nội dung.

Như lời của chính tác giả với ký giả Trọng Thịnh báo Tiền Phong thì, đó là mối tình âm thầm của một cậu học trò, với một người bạn gái cùng lớp. (5) Anh lẽo đẽo đi theo người thầm yêu suốt niên học, mà không dám ngỏ lời. Hết niên học, vì là năm cuối bậc trung học, nên mỗi người đi về một chân trời khác nhau của đời sống. Riêng tác giả họ Phạm, chọn trở thành một tu sĩ Phật Giáo.

Nhiều năm sau, tình cờ trở về cảnh xưa, chàng sống lại với kỷ niệm lãng mạn thời học trò… Thời chàng lặng lẽ đi theo cô cùng lớp… Nhưng chẳng những người xưa không còn mà, ngay khung cảnh xưa, cũng không còn! Khiến chàng đã phải cất tiếng than:

“Tình xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng em nho nhỏ
Trong cõi xa vời
Tình ơi! Tình ơi!” (Khổ thơ cuối cùng của bài thơ) (Nđd).

Khi đưa vào ca khúc khổ thơ chót này, nhạc sĩ Phạm Duy đã “biến hóa” thành:

“Xưa theo Ngọ về
Mái tóc Ngọ dài
Hôm nay đường này
Cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài
Ai mang bụi đỏ đi rồi” (Lập lại 3 lần). (Nđd).

(Mặc dù cả thi sĩ lẫn nhạc sĩ đều dùng nhân xưng đại danh tự “Ai” có tính phiếm chỉ; nhưng sự thực “ai” đó, chính là nhân vật Hoàng Thị Ngọ. Nếu người mang “bụi đỏ đi rồi” không phải là Hoàng Thị Ngọ thì câu hỏi (ngầm chứa tính xác định, đã không có lý do hiện diện trong ngữ- cảnh của bài thơ, cũng như ca khúc).

Vậy nhân vật Hoàng Thị Ngọ là ai? Câu trả lời, cuối cùng đã được nhà thơ Phạm Thiên Thư tiết lộ trong cuộc trò chuyện với ký giả Trọng Thịnh, đại ý:

Họ Phạm nhớ lại: Trong mấy năm theo học chương trình Tú Tài tại trường trung học Văn Lang, Saigon, gần nhà của gia đình ông sau chợ Tân Định.

Những năm học tú tài ở trường này, ông đã để ý một cô bạn cùng lớp tên Hoàng Thị Ngọ, quê Hải Dương. Nhưng ông chỉ để ý thôi chứ không dám ngỏ lời…

Về nhân vật Hoàng Thị Ngọ, quê Hải Dương của nhà thơ Phạm Thiên Thư, Ký giả Trọng Thịnh ghi nhận thêm theo lời kể của họ Phạm rằng: Hàng ngày, khi xếp hàng vào lớp, Hoàng Thị Ngọ đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật, mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Nhưng Phạm Thiên Thư chỉ lặng lẽ ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, họ Phạm lại là kẻ lẽo đẽo theo sau… Đó là tất cả hình ảnh, kỷ niệm của mối-tình-câm mà, nhà thơ của chúng ta, sau bao nhiêu năm vẫn không quên. Ông tâm sự:

“Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết…” (Nđd)
Với tiết lộ không thể rõ hơn về nhân-thân của Hoàng Thị Ngọ, bởi chính người trong cuộc, tôi trộm nghĩ, những ai từng đọc bài phỏng vấn của nhà báo Trọng Thịnh,chắc chắn sẽ không còn mơ hồ phỏng đoán hoặc, gán ghép Hoàng Thị Ngọ là người này hay người kia nữa.

Nhưng nếu “nghi vấn” Hoàng Thị Ngọ được giải quyết một cách thỏa đáng thì, một số người bỏ công phân tích những bài thơ tình của Phạm Thiên Thư, được nhạc sĩ chuyển qua âm nhạc, lại cho rằng, dư luận chung đã lầm lẫn hay ngộ nhận rằng:

Những bài thơ tình đó, mang tính thiền-vị! Trong khi sự thực chúng không hề có tính thiền mà, lại nghiêng nặng tinh thần “trọng nhàn”, của triết lý Lão -Trang, chủ trương…xa lánh cuộc đời phồn-tạp này?

Rõ ràng hơn, theo kết luận của những người không bị chi phối về cốt cách tu sĩ của nhà thơ Phạm Thiên Thư, cũng như công trình thi ca hóa một số kinh kệ Phật giáo của ông thì, nội dung của hầu hết những bài thơ tình của họ Phạm, thường chọn thiền môn, hay mái chùa làm ngữ-cảnh chính. Ngữ-cảnh này đã mang lại cho thơ tình Phạm Thiên Thư một “nhân dáng”, một khí hậu khác. Nó không phải là khí hậu của Thiền-môn như ngộ nhận của một số người! Trái lại, nó là tinh thần “trọng nhàn” của triết lý Lão-Trang, ảnh hưởng mặc nhiên trong vô thức của đa số người Việt. (6)

Vẫn theo nhận định của những người kể trên thì, triết lý Phật giáo không hề quay lưng lại cuộc đời, chạy trốn thực tại để tìm kiếm những những giây phút thanh nhàn cho riêng mình. Ngay những bậc tu hành đã đạt tới quả vị giải thoát (thành Phật), cũng có rất nhiều vị chọn ở lại nhân gian, khi họ thấy còn có quá nhiều chúng sinh trôi, lăn trong vô minh, cần phải được giúp dỡ… Danh từ nhà Phật gọi những vị Phật đã chứng đắc, nhưng vẫn ở lại dương gian đó là “Bồ Tát” tức “Bodhisattvas”.

Vì ngộ nhận nên nhiều người đã đánh đồng hình ảnh “từ quan” trong bài thơ “Động Hoa Vàng” (7) với hình ảnh một… “thiền sư”…tưởng tượng:

Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say” (NĐD)

Hiển nhiên với 4 câu thơ được nhạc sĩ Phạm Duy chọn để đưa vào ca khúc, chẳng những không có chút thiền-vị nào mà, nó chỉ bật sáng (ngoài ý muốn nhà thơ?) tinh thần “trọng nhàn” hoặc, “hưởng nhàn” mà thôi.

Cũng thế, toàn thể nội dùng bài thơ “Em Lễ Chùa Này”, là một chuyện kể có lớp lang, với đầy đủ biến động của tình tiết mà, cảnh chùa được tác giả chọn làm nền chính cho bài thơ. Đó là chuyện tình của một đôi tình nhân yêu nhau suốt một năm, có ngôi chùa làm chứng… Với kết thúc bi thảm: Người con gái thình lình qua đời, được chôn trong mảnh đất nhà chùa:

“Đầu mùa xuân / cùng em đi lễ / lễ chùa này – vườn nắng tung bay… // Mùa hạ qua cùng em đi lễ / trái mơ ngon / đồi gió mơn man… // Rồi mùa thu cùng em đi lễ / có con chim đậu dưới gác chuông…// Vào mùa đông – cùng em đi lễ / lễ chùa này – một thoáng mưa bay / Và ngoài sân vài cành khô gẫy / Gió lung lay một cánh mai gầy // Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ / tiễn đưa em trong áo quan này / từng cội hoa – trầm lặng thương nhớ / tóc em xưa tơ óng như mây…” (Theo ca từ, không theo nguyên bản bài thơ) – (Nđd).

Người nghe, nếu tỉnh táo đủ, sẽ dễ dàng nhận ra, đó không phải là một bài thơ có tính thiền hoặc, thoảng chút thiền-vị. Nhưng, ở mặt nào khác, đó lại là một trong những nét đặc biệt của cõi-giới thơ Phạm Thiên Thư.

Cõi-giới đó, cho nhà thơ của chúng ta, một “nhan sắc” riêng, nhờ những nốt nhạc tài hoa mang tên người quá cố: Phạm Duy.

DTL,
(Garden Grove, tháng 2-2018)
________
Chú thích:
(5) Nguồn: Wikipedia-Mở.

(6) Rất nhiều người không học, đọc mà vẫn nhớ hai câu thơ “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / người khôn người đến chốn lao xao” của Trạng Trình / Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo Wikipedia-Mở thì Trạng Trình / Nguyễn Bỉnh Khiêm, sinh năm 1491, mất năm 1585, tên húy là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang Phu Tử – – Là một trong vài nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh), cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công. Từ đó, dân gian quen gọi ông là Trạng Trình… Người đời còn coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam, đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông, và gọi chung là Sấm Trạng Trình.

(7) Tựa sau khi thành ca khúc, là “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”.
Du Tử Lê

…………………………………………………………………………………

“Chúng ta rồi cũng sẽ già ..”

Ngọc Lan/Người Việt

Những người truyền cảm hứng cho đêm “Ngàn Lời Thơ – Nhớ Phạm Duy” (Hình: Facebook Nina Hòa Bình)

Sổ tay phóng viên

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Chúng ta rồi cũng sẽ già” là câu bật lên trong đầu tôi sau nhiều giờ ngồi lặng yên nghe các “tiền bối” đọc thơ, giới thiệu thơ, rồi nghe dòng nhạc của “đại thụ” Phạm Duy qua những tiếng hát vượt thời gian, không gian và qua cả những giọng ca thân quen nơi này. Tất cả diễn ra trong đêm “Ngàn Lời Thơ – Nhớ Phạm Duy” tổ chức tại hội trường Việt Báo đêm tối Thứ Sáu, 26 Tháng Giêng.

Những đêm nhạc như đêm kỷ niệm 5 năm ngày mất của tác giả “Nghìn Trùng Xa Cách” mà tôi vừa nhắc trên do nhóm thân hữu của Nina Hòa Bình, con gái vợ chồng nhà thơ Trần Dạ Từ – Nhã Ca, tổ chức, không bao giờ giống những chương trình ca nhạc người ta thường thấy. Nó khác từ cách bày trí, từ cách gửi lời mời, khác đến cả nội dung. Để rồi, người tham dự sẽ luôn luôn nhìn ra, tìm thấy một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, khác lạ khi dõi theo chương trình và vướng víu những suy nghĩ sau bước chân ra về.

Thật sự tôi là người không thích nghe ngâm thơ. Tôi cũng không tha thiết nghe đọc thơ. Có lẽ vì ngâm thơ dễ bị “rợn óc”, còn đọc thơ dễ bị… đơ chăng? Tôi không biết. Tôi chỉ đọc thơ bằng mắt, bằng hồn. Và, tôi thích tự đọc lấy những dòng thơ mình tâm đắc.

Nhớ trước lúc đêm thơ nhạc bắt đầu, ông già đội mũ beret cùng ban biên tập với tôi, tay cầm tẩu, tay quàng chiếc ba lô lên vai chuẩn bị sang bên Việt Báo, hỏi “Tối nay có ai muốn nghe tôi đọc thơ không?” – 5 giây trôi qua. Ông trả lời luôn cùng nụ cười hóm hỉnh vốn có “Không có ai hết.”

                                                   
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn, ông già đội mũ beret (Hình: Facebook Nina Hoabinh Le)

Tôi ngừng gõ trên máy tính, quay qua ông, “Dạ có con, con phải đi nghe chú đây.” Ông bật cười khi nghe tôi nhấn mạnh chữ “phải đi.”

Nhưng rồi. Tôi đã nhận ra có gì đó thật thú vị, thật lạ khi ngồi riêng một mình, và, nghe những người làm thơ – nổi tiếng – đọc thơ, thơ của bạn bè, hay của chính họ.

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn, nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ.

Mỗi người mỗi nét. Mỗi phong cách. Mỗi điệu bộ.

Ông già đội mũ beret, hay ngậm tẩu – vẫn điệu bộ tôi nhìn thấy mỗi ngày khi ông “nhắn nhe” điều gì đó với đám phóng viên trẻ – nhưng hôm nay, trên sân khấu, là một nhà thơ Đỗ Quý Toàn có thể “giả bộ” ngâm nga vài câu thơ của ông bạn Trần Dạ Từ “Lần đầu ta ghé môi hôn /Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang,” nghe thật tếu.

Để rồi từ tiếng cười bật lên, ông chỉ ra sự khác nhau giữa ngâm thơ và đọc thơ là như thế nào, ông lại làm người nghe cũng phải đắm chìm trong những “khám phá” mà ông nhìn ra khi đọc những câu thơ “đắc địa” của Quách Thoại, của Nguyễn Bá Trạc.

“Có người trước lạ sau quen/Có người trước lạ sau điên cái đầu”

Hay: “Một mình một ấm nước trà/Ngồi ở trong nhà với sáu cái ly”

“Thơ làm cho mình bị quyến rũ là bởi vì có những chuyện mình nhìn hằng ngày, nghe hằng ngày, tự dưng có anh thi sĩ đụng vào, viết ra những điều đó – cũng là những điều mình vẫn thấy đó, nhưng, hình như cách nhìn của mình về thực tại đã thay đổi,” ông dẫn giải.

Hình như ông nói đúng. Một bình trà. Sáu cái ly. Mình nhìn quen quá trong ngôi nhà mỗi ngày. Nhưng giờ, qua cách chắt chiu câu chữ của tác giả, qua giọng đọc chậm rãi của một người già từng trải. Bỗng, có gì như thảng thốt khi nhận ra một nỗi cô độc đến tận cùng.

“Một mình – một ấm nước trà – Ngồi ở trong nhà – với sáu cái ly”

Hay như khi tác giả của “Khúc Thụy Du” đọc bài “Tôi trôi theo tôi con sông” của chính ông:

“tôi đi xuyên qua lời thề/thấy tôi thơ ấu bèo nhèo chiến tranh. tôi đi xuyên qua màu xanh/thấy trên khung vải nổi gân nỗi buồn.”

                                                         
Nhà thơ Du Tử Lê trong đêm “Ngàn Lời Thơ – Nhớ Phạm Duy” (Hình: Facebook Nina Hoabinh Le)

Tôi chợt thấy bốn chữ “bèo nhèo chiến tranh” sao kinh khủng! Bao nhiêu câu chữ mình từng dùng để mô tả cái khốc liệt, cái tàn nhẫn của chiến tranh sao vẫn không lột tả hết được những gì mà người ta phải hứng chịu bằng những con chữ “thấy tôi thơ ấu bèo nhèo chiến tranh” như nhà thơ Du Tử Lê đang dùng.

Vâng, ông già đội beret Đỗ Quý Toàn nói đúng, “Mình sống trong một thói quen, nhìn thế giới bằng thói quen, và nói ra lời để mô tả thế giới bằng thói quen của mình. Bỗng một hôm, đọc lên câu thơ, cũng nói về thế giới đó, nhưng mình bỗng thấy lạ, thấy khác hẳn thói quen của mình, khác hẳn với cái nhãn quan của mình về thế giới, đó chính là vai trò của thơ.”

Cảm xúc lôi theo cảm xúc. Tôi thấy mình bỗng chênh vênh giữa những vần thơ mà cô Nhã Ca cất giọng:

“Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi/Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông/Tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố/Tiếng chuông tan dài như đêm không ngủ/Tiếng chuông tan tành như tiếng vỡ trong tôi” (Tiếng Chuông Thiên Mụ)

                                                   
Nhà thơ Nhã Ca trong đêm “Ngàn Lời Thơ – Nhớ Phạm Duy” (Hình: Facebook Nina Hoabinh Le)

Hay giọng nhà thơ Trần Dạ Từ trong bài “Biệt Tăm” của Tô Thùy Yên.

“Chỉ là một bước, bước trờ/Mà rồi từ đó tới giờ biệt tăm/Bao lần chạy vạy hỏi thăm/Hỏi chưa ra, đã trăm năm, sững sờ”

Không biết do câu chữ các vần thơ, do giọng đọc không lẫn được với bất kỳ ai của các nhà thơ có mặt, mà vướng víu trong đầu tôi trong suốt phần chương trình còn lại cho đến tận bây giờ, khi ngồi gõ những dòng này, là cảm giác – sẽ – hụt hẫng, mất mát, tiếc nuối những thứ vô giá vốn còn đang hiện diện với mình.

Nó như thể tâm trạng “Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới” trong bài Dạ Khúc của Thanh Tâm Tuyền vậy.

                                             
Nhà thơ Trần Dạ Từ trong đêm “Ngàn Lời Thơ – Nhớ Phạm Duy” (Hình: Facebook Nina Hoabinh Le)

Họ, những nhân vật chính của đêm, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Đỗ Quý Toàn, Kiều Chinh, Khánh Ly, là những người đã cùng trải qua thời “thơ ấu bèo nhèo chiến tranh,” họ cùng lứa, là bạn, là tri kỷ, là những người ngưỡng mộ nhau, từ những ngày tuổi đếm mới từ số mười chứ không phải số hai mươi.

Họ xuất hiện đó, không chỉ như những chứng nhân của lịch sử, mà với tôi, họ như những người giữ hồn cho cái gốc thuần Việt nơi đất khách.

Tôi nhìn lên sân khấu, Ysa trong vai trò của một MC được xem là có vốn hiểu biết rất thấu đáo về những nhân vật chị giới thiệu, nhưng liệu Ysa hay Hòa Bình hay một ai đó, có thể thay thế những tiền bối kia, để kể với tôi, với những người còn “lấm” hồn dân Việt về những khoảnh khắc lịch sử đã làm nên một thế hệ mà họ được may mắn dự phần, để trở thành những chứng nhân, trở thành người có thể cho tôi biết mình đúng hay chưa đúng khi nghĩ về gốc rễ cội nguồn hay không?

Lại thêm giọng hát của Bác sĩ Bích Liên cứ như đang kể chuyện với nhiều tâm trạng day dứt trong một “trường ca” góp lại từ ba bài “Tôi Trôi Theo Tôi – Con Sông” của Du Tử Lê, “Gọi tên dòng sông” của Trần Dạ Từ, và “Chiều Về Trên Sông” của Phạm Duy:

“Về đâu ôi giấc mơ. Chàng thi sĩ ngu ngơ. Và năm tháng bơ vơ/ Bờ nắng bờ mưa. Mẹ già khô héo/Nợ nần kêu réo. Ân oán mè nheo/ Xương máu hò reo… Bài ca sự sống. Trời đất mênh mông/Mảnh vỡ. Cơn giông. Anh nhớ gì không/ Gọi mãi dòng sông. Tình yêu của tôi/ Một đóa hư không. Về với vô cùng.”

Cứ vậy mà cảm giác về sự mất mát cứ hiện hình trong tôi, khi lờ nhờ, khi rất rõ.

Ca sĩ Khánh Ly trong đêm “Ngàn Lời Thơ – Nhớ Phạm Duy” (Hình: Facebook Nina Hoabinh Le)

Để rồi khi nghe cô Khánh Ly hát “Đường Em Đi” của Phạm Duy:

“Ðường em có đi, hằng đêm gót hoa/Nở những đóa thơ, ôi dị kỳ/Ðường êm có khi chờ em bước qua Là nghiêng giấc mơ ước thề…”

Hay “Xuân Thì”:

“Tình Xuân chớm nở đêm qua/Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời/Ngày Xuân con én đưa thoi/Có người nhớ tới những lời yêu mến nhau…”

Tôi thấy mắt mình cay.

Giọng cô mỗi lúc một khàn hơn, đục hơn. Nhưng có ai đến với những đêm đặc biệt này để tìm một giọng hát trong? Người ta đến vì những điều không gì có thể thay thế. Vì những điều mà cơ hội được đối diện, được chạm tay hãy còn rất ít.

Cám ơn những người luôn suy tư tạo nên những chương trình thật lạ, như đêm “Ngàn Lời Thơ – Nhớ Phạm Duy,” một đêm không chỉ có nhạc, có thơ, mà còn có họa, một chương trình không có khoảng cách giữa ca sĩ và khán giả, một chương trình mà ai cũng thấy mình thật gần gũi với nhau.

Sau cùng, thật sự tôi không nhớ Phạm Duy, ông xa tôi quá, nhưng, tôi sẽ nhớ những người tôi còn đang được chuyện trò, những người đang còn truyền được cho tôi cảm hứng sẽ yêu thơ, yêu nhạc, trước cảm nghĩ “chúng ta rồi cũng sẽ già,” để biết chắt chiu những gì mình còn đang được chạm đến hôm nay.


Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

…………………………………………………………………………………

 

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics