1.Du Tử Lê: Nhà văn Vũ Thư Hiên-Kỳ 1 đến kỳ 5(dutule.com)2.Tân TT Đài Loan kêu gọi tự do hàng hải ỏ Biển Đông–

Vũ Thư Hiên: ‘Nấm Mồ’, một đàn tràng giải oan lời nguyền không kinh kệ!
Nguồn:dutule.com- Friday, November 27, 2015

Du Tử Lê

nam mo vth.jpg1

Từ trái qua: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, bà Hoàng Minh Chính, nhà văn Vũ Thư Hiên. (Hình: Blog BuiNgocTan)

===
Một buổi sáng, bất ngờ bạn-tôi nhắc tôi đọc truyện ngắn “Nấm Mồ” của Vũ Thư Hiên. (1)

Ðó là một truyện ngắn đơn giản, viết về một trong những ngày cuối của cuộc chiến miền Nam 20 năm. Truyện được kể bằng một giọng văn điềm tĩnh, tác giả không để xúc động hay cảm tình dành cho nhân vật chi phối ngòi bút.

Với chữ nghĩa bình thường, dung dị, không cao trào, không nút thắt, nút mở – – Cũng không đặt ra những vấn đề to lớn như triết lý về thân phận con người, vấn đề Thượng Ðế vẫn còn sống hay đã chết (theo cách nói của F. Nietzsche). Truyện cũng không đề cao lòng chung thủy của người vợ có chồng chết trận, để nhận sắc phong vợ… liệt sĩ. Nhưng truyện cũng không kết án hay tỏ lộ dấu khinh khi người đàn bà sớm góa bụa phải đi thêm một bước nữa… Mà tâm bão của truyện ngắn này, chỉ là cuộc gặp gỡ trong những giây phút cuối cùng của hai thương binh, ở hai phía đối nghịch của một trận chiến. Họ ôm nhau, chia nhau hơi ấm còn sót lại trong thân thể, trước khi thực sự chấm dứt cuộc đời và, cũng là sự chấm dứt đau thương của một trận chiến.

Nhưng, với tôi, chính đơn giản kia đã khiến tôi, dù ở tuổi này, chí ít cũng đã hai lần chảy nước mắt; dù đã được bạn-tôi cảnh báo trước.Tôi không biết có phải tính nhân bản, cái thông điệp nghiệt ngã của câu chuyện, khiến cho người đọc khó cầm được nước mắt? Hay nỗ lực trong cố gắng nín lặng nhiều năm của một đồng đội may mắn còn sống sót, cuối cùng đã chịu hướng dẫn người đàn bà sớm góa bụa nọ, sau nhiều năm cất công đi tìm hài cốt chồng, đã thỏa nguyện – – Với một bất ngờ lớn, ngoài mong đợi: Ðó là hình ảnh hai bộ xương với những cánh tay còn níu nhau của chồng bà và, một người lính, trong quân phục khác, đã mục nát. Tôi cũng không biết truyện “Nấm Mồ” của họ Vũ có phải là một truyện thật? Liên quan tới cô em họ (nhân vật chính trong truyện), như ông giới thiệu nơi lời nói đầu? Hay đó cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của một nhà văn ngoại khổ, trọn đời đẩy ngòi bút của mình, theo ánh sáng dẫn đường của ngọn hải đăng nhân bản, không thù hận.

Nói cách khác, phải chăng, cái tâm thái nhà văn, đứng trên mọi biến động bất cập, tồi tệ, đáng phỉ nhổ của thời thế, vốn là ngọn cờ cao vời, bay suốt dặm trường định mệnh nhà văn của họ Vũ? Tôi thực sự không biết và, cũng không muốn tìm hiểu.

Y cứ vào câu chuyện, cách hành văn của tác giả “Nấm Mồ,” tôi đinh ninh đó là chuyện thực.

Nó thực đến mức độ, cho tôi cảm tưởng, tôi đã tận mặt, trông thấy hai bộ xương khô (vẫn còn ôm nhau) trong hốc đá!

Nó thực đến độ, sau khi đọc, trong tôi vẫn lấp lánh mơ ước được gặp “cô em họ” của Vũ Thư Hiên, luôn cả người chồng sau của người đàn bà này và, nhất là người lính hướng dẫn những người còn sống tới được… nấm mồ.

Nấm mồ, nơi hốc đá như một đàn-tràng-giải-oan-câm-lặng. Một thứ đàn tràng giải oan lời nguyền không chuông mõ, không kinh kệ, cho một thế hệ, một dân tộc, một một đất nước!

Ra khỏi xúc động với những giọt lệ lén lút, tôi chợt nhận ra rằng, những nhà văn bậc thầy (như Vũ Thư Hiên) là những nhà văn không chỉ lấy được nước mắt của những độc giả mẫn cảm mà, họ còn có khả năng chắt được những giọt lệ hiếm của những người lớn tuổi như tôi!

Tính chất “bậc thầy” của Vũ Thư Hiên, trong cuộc trường chinh chữ, nghĩa, với ngọn hải đăng nhân bản, không thù hận dẫn đường cho những trang văn xuôi của họ Vũ, khiến tôi phải đọc lại hồi ký “Ðêm Giữa Ban Ngày (hồi ký chính trị của một người không làm chính trị).”

Ðó là cuốn hồi ký chính trị (hầu hết thường nặng nề, khó nuốt), ghi lại chín năm tù đày nơi nhà tù nổi tiếng thế giới: Hỏa Lò. Nó cũng là nơi giam nhốt người cha của tác giả.

Ðó là cuốn hồi ký chính trị, cách đây nhiều năm, tôi đã đọc một cách say mê, và không thấy một sợi-gân-máu- căm-thù nào!

Ðó là cuốn hồi ký từng phá kỷ lục về số bán và, những lần tái bản trong những khoảng thời gian ngắn nhất của thị trường ấn loát phẩm hải ngoại, cuối thập niên 1990. (2)

Cùng lúc với những ngày đọc lại “Ðêm Giữa Ban Ngày” (ÐGBN) của họ Vũ, tôi nhớ lại thời gian còn phụ trách mỗi tuần một bản tin sinh hoạt văn nghệ cho đài VOA, trước khi ngã bệnh; cuối năm, tôi thường chọn một tác phẩm mà, cá nhân tôi cho rằng đáng đọc nhất trong năm, để giới thiệu với thính giả…

Tôi nhớ, trong số những tác phẩm đáng đọc, do tôi tự chọn, có “Ðêm Giữa Ban Ngày (hồi ký chính trị của một người không làm chính trị)” của Vũ Thư Hiên, khi cuốn sách được nhà Văn Nghệ ấn hành.

ÐGBN, theo tôi, là kết quả sau cùng của chín năm lần mò trong đường hầm tăm tối nhất của lộ trình định mệnh nhà văn Vũ Thư Hiên.

Vẫn theo tôi, nếu không có họ Vũ, tính chất lịch sử của vụ án “Xét lại” đến bao giờ mới được bạch hóa, hầu giải oan cho những nhân vật từng bị kết án mà oan thác.

Hôm nay, tôi không nhớ rõ, bằng vào những lý luận nào, tôi đã tự tin, chọn tác phẩm đó, để giới thiệu. Tôi chỉ nhớ (và bạn tôi cũng còn nhớ) rõ rằng, tôi đã nêu ra vài lý do trong bản tin ngắn của mình. Tôi nhấn mạnh tới tính chất không nhân bản không thù hận; không tự ca tụng mình và, khía cạnh văn chương (dù chỉ thấp thoáng), trong gần 800 trang sách in, chữ nhỏ.

Ngay ở “Tự bạch” trước khi vào tác phẩm, họ Vũ đã xác nhận, ông không chủ trương làm văn chương với một “hồi ký chính trị”! Vậy mà rải rác cùng khắp các trang sách, thảng hoặc tôi vẫn gặp những so sánh hay, liên tưởng của ông về con người, sự việc một cách bất ngờ đầy thi tính. Với tôi, có dễ đó là những giây phút thuộc tính nhà văn nơi con người tác giả lóe lên, như một phản xạ ngoài kiểm soát. Ðiển hình, trước khi chấm dứt phần “tự bạch,” tác giả viết:

“Và sau hết, theo cách biểu đạt của nhà văn Nga Prishvine, tôi chỉ là ‘một cái lá trong hàng triệu cái lá của cây đời, và nói về một cái lá thì cũng là nói về những cái lá khác.’ Số phận tôi được nói đến trong cuốn sách này cũng chỉ là số phận của nhiều người cùng thế hệ. Xin hãy coi cuốn sách này là lời sám hối trước đồng bào của nay đã không còn. Nó được thực hiện theo lời trăng trối của Người. Cuốn sách còn là một vòng hoa muộn, một ném hương thêm đặt lên mồ những nạn nhân xấu số của một thời ký đen tối, những con người bất hạnh đã không chờ được ngày cuộc đời lập lại lẽ công bằng cho họ.” (ÐGBN, trang 12).

Tất nhiên, bản chất nhà văn của họ Vũ không chỉ thể hiện qua một đoạn ngắn trong phần “Tự bạch” mà, nó rải rác cùng khắp… như dăm ba bông hoa hương sắc, vài giọt mưa đêm làm dịu lại sức nóng thiêu đốt của Hỏa Lò.

Thí dụ ở trang 298 và 299, khi viết về sự hối hận của ông Nguyễn Văn Linh, thời làm tổng bí thư đảng CSVN, sau khi chủ trương “cởi trói cho văn nghệ sĩ,” ông Linh đã bị cú “hồi mã thương” bởi thành phần cực đoan trong đảng của ông ta, họ Vũ kể:

“Tiếc thay, sau khi phấn khởi thổi bùng lên ngọn gió đổi mới, chính Nguyễn Văn Linh lại bị cảm lạnh bởi chính ngọn gió ấy, ông ân hận đã kêu gọi văn nghệ sĩ tự cởi trói, dũng cảm nói lên sự thật…”

Hoặc, nơi trang 309, khi tác giả được người bạn đời tấm cám của ông, van xin ông, đêm khuya, đừng để tiếng “lách cách của máy chữ vang xa”… Bà sợ ông có thể bị bắt lại ngay, khi mới được tạm tha… Vũ Thư Hiên viết:

“Tôi thở dài, nhớ tới lời nhắc nhở thường xuyên của anh bạn tù xà lim. Tôi cố gõ khẽ hơn, nhưng cái máy chữ của tôi không bao giờ học được cách thì thào.”

(Còn tiếp)

Chú thích:

(1) Vũ Thư Hiên sinh ngày 18 tháng 10 năm 1933 tại Hà Nội, cha là Vũ Ðình Huỳnh, và mẹ là Phạm Thị Tề, đều là thành viên của Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội, tiền thân của đảng Cộng Sản Ðông Dương. Ông không chỉ nổi tiếng với hồi ký “Ðêm Giữa Ban Ngày,” “Miền Thơ Ấu” mà, còn nổi tiếng với truyện dịch “Bông Hồng Vàng,” nguyên tác của Puastovsky nữa…

(2) Ấn phẩm “Ðêm Giữa Ban Ngày,” tái bản lần thứ nhất, bởi nhà XB Văn Nghệ, Nam Cali, 1997.

…………………….

Những hạt mưa hạ nhiệt Hỏa Lò trong hồi ký Vũ Thư Hiên
Friday, December 4, 2015
Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Nơi nhiều trang khác nữa của hồi ký “Ðêm Giữa Ban Ngày,” (như các trang 376 và 378), lúc chấp pháp đòi hỏi ông phải cung khai những gì ông biết về nhân vật Nguyễn Lương Bằng, bút hiệu Sao Ðỏ, khi ông này bị hai đồng chí “chí cốt” nhất của ông ta là Lê Ðức Thọ và Lê Duẩn thanh trừng… Vũ Thư Hiên nhớ lại những ngày còn được tự do, với hình ảnh cha ông, lúc đó cũng đang bị giam trong Hỏa Lò…, họ Vũ viết:

“…Theo cái que chỉ của thợ cả, những người thợ rèn ngày đêm quai búa, hình dung mình đang làm nên bông hoa hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng khi ngẩng đầu lên để lau mồ hôi đầm đìa trên mặt họ chợt nhận ra trước mặt mình không phải là bông hoa, mà cái cùm kiên cố…”

niiem tho au.jpg1
Nhà văn Vũ Thư Hiên. (Hình: Face book Vũ Thư Hiên)

Cũng vậy, bằng một số chữ rất giới hạn, tựa như kiệm lời, khi viết về nhân vật Nguyễn Chí Thanh, đại tướng, người được cặp bài trùng Thọ-Duẩn cất nhắc lên nắm quân đội CS miền Bắc, Vũ Thư Hiên mô tả Nguyễn Chí Thanh bằng một câu ngắn gọn, nhưng về phương diện văn chương hình ảnh thì lại không thể hiện thực hơn:

“…May cho dân tộc ta, viên tướng hãnh tiến qua đời trước khi trở thành lãnh tụ độc đoán. Trong ông ta, ngoài tham vọng trở thành vĩ nhân còn có những nét tàn bạo của tên quân phiệt. Tuy nhiên, phải nhận rằng Nguyễn Chí Thanh có hấp lực mạnh mẽ đối với bầy nô lệ tự nguyện. Khi Nguyễn Chí Thanh nói, nhiều người nghe đờ đẫn nhìn ông ta như những con chuột bị rắn hổ thôi miên.” (3)

Cũng viết về thân phận người tù bị thời gian cố tình bỏ quên, như một vật phế thải, thay vì ghi xuống cái cô đơn quạnh quẽ, tuyệt vọng của đời tù, thì họ Vũ lại mô tả về người bạn… cóc của ông – – Bằng giọng văn điềm tĩnh, bình thản, tựa ông kể chuyện về một người nào khác (không phải ông)… Nên nó vừa nâng cấp thêm nữa, sự cô đơn cực độ của phận tù, lại vừa cho thấy tinh thần liên đới giữa người và vật (dẫu buồn thảm). Tôi nghĩ, dường như chỉ trong những hoàn cảnh tuyệt vọng, cô đơn đáy vực, người ta mới ý thức, mới thấy được mối liên hệ đáng trân trọng, đáng thèm khát biết bao giữa con người với con người, cũng như giữa con người với thiên nhiên vạn vật.

Cũng qua những trang viết về người bạn cóc của mình, tôi lại thấy rõ hơn: Tính cách khó tìm thấy những sợi gân máu căm thù trong hồi ký “Ðêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên – Một hồi ký chính trị được ông khẳng định của một người không làm chính trị! Với tôi, có dễ đó cũng là hồi ký chính trị của một nhà văn?

Mô tả “người bạn” cóc và khao khát được nghe tiếng người (không phải tiếng quản giáo, chấp pháp), ở các trang 582, 583, họ Vũ kể:

“… Những ngày đầu nó còn lẩn tránh tôi, mỗi khi tôi tới gần là nó vội vã nhảy đi. Lâu dần rồi cu cậu cũng quen, không đến nỗi xa lánh tôi như trước. Thậm chí thỉnh thoảng tôi có vuốt ve nó, nó vẫn ngồi im. Người ta nói khi đụng vào cóc, da nó sẽ tiết ra một loại mủ độc, chạm vào thì bị lở loét. Con cóc của tôi chẳng tiết ra chất gì hết. Chắc nó không muốn hại tôi. Quen thêm chút nữa, tôi đặt nó vào lòng bàn tay rồi đưa lên tận mắt ngắm nghía. Nó cũng mặc. Chỉ tiếc nó không biết nói, tôi có nói gì nó cũng không thèm đáp, chỉ giương đôi mắt thao láo ra nhìn lại.

“Cuộc sống trong khu xà lim lặng lẽ trôi. Gió vẫn thổi, mây vẫn bay, tôi vẫn ngồi đó. Trong khu biệt giam bên cạnh chiều chiều vẳng tới tiếng ngâm thơ khe khẽ, không rõ là của ai. Từ cửa sổ phòng tôi có thể nhìn thấy một chút xíu phần trên cửa sổ, từ đó vẳng ra tiếng ngâm thơ, nhưng người ở trong cũng không thể ngó thấy tôi. Nhặt được một mẩu gương vỡ tôi bắt ánh mặt trời buổi sáng chiếu hắt sang cửa sổ đó, hy vọng một chút ánh sáng sẽ lọt được vào trong phòng. Quả nhiên người ở trong bắt được tín hiệu của tôi, anh ta gõ vào chấn song mấy hồi liền để trả lời. Lính gác chạy xồng xộc đến nhưng không bắt được quả tang chúng tôi liên lạc với nhau, đứng ngơ ngẩn một lát rồi bỏ đi…”

Ở vài trang sau đó, khi nói về sự bất ngờ “bỏ đi” của “Arlequin” – tên người bạn cóc do tác giả đặt cho bạn, họ Vũ viết:

“Mùa Hè ở Bất Bạt nóng lắm. Mặc dù ở trên đồi cao, nhưng những hôm trời lặng gió trong xà lim nóng như một lò lửa, không kém xà lim Hỏa Lò là mấy. Tấm phản mộc dày là thế mà cong hẳn lên trong cái nóng khô khốc, thỉnh thoảng lại phát ra những tiếng tí tách của gỗ nứt. Không đường chạy trốn, tôi quằn quại trong cơn thiêm thiếp của sinh vật hấp hối. Bây giờ không phải là những người lính gác đóng cửa sổ lại không cho phép tôi nhìn ra ngoài, mà tự tay tôi phải đóng lại để cho mắt khỏi nhức nhối bởi cái nắng chói chang đang thiêu đốt khoảng trần trụi trước mặt.

“Trong một buổi chiều nóng bức như thế, tôi choàng tỉnh như bị đánh thức. Linh tính báo cho tôi biết trong xà lim chỉ còn lại một mình tôi.

“Arlequin đã đi rồi!

“Mắt nhắm mắt mở, tôi gọi ầm lên ‘Arlequin! Arlequin!’ Ðáp lại tiếng gọi tuyệt vọng của tôi chỉ có im lặng mênh mông…” (ÐGBN, trang 586, 587)

Trước khi khép lại những năm tháng lần mò trong đường hầm nghiệt ngã định mệnh nhà văn của mình, Vũ Thư Hiên đã cho những người đọc hồi ký của ông, trong nghĩa nào đó, một chút hương hoa hay, ít hạt mưa hạ nhiệt đời tù, qua vài kỷ niệm ông có với một số văn nghệ sĩ nổi tiếng miền Bắc. Những người vốn có tình thân hay, quý mến tài năng, nhân cách của ông, họ Vũ viết:

“…Trước khi qua đời ít lâu Nguyễn Tuân một hôm đùng đùng kéo tôi đi ăn chả cá Lã Vọng. Ngồi vào bàn ông rút trong túi vải ra một chai rượu. ‘Rượu bộ, thưa bác?’ tôi hỏi ông. ‘Không phải. Rượu bộ hết rồi ông nói, cả cái thời rượu bộ cũng hết rồi!’

“Chúng tôi uống. Tôi xin lỗi. Nói tôi xa ông gần chục năm là tại tôi không thuộc cái véc-bờ sợ mà ông dạy. Ông lắc đầu nói: thời này lẽ ra mình không nên làm văn. Làm văn mà sợ, mà lấm lét, mà run rẩy thì còn ra cái văn quái gì! Nhưng thôi, cái gì đã qua thì nó cũng qua rồi, ông nói tiếp trong hơi rượu, tôi bây giờ đếch thèm sợ nữa, thì đã muộn. Bây giờ các anh phải sống theo cách khác cái lũ già hèn nhát chúng tôi, phải học chia một véc-bờ khác: Tôi đếch sợ anh, anh đếch sợ tôi, chúng ta đếch sợ chúng nó…, thế mới phải, hà hà!

“Gần bốn chục năm qua, tôi đã ở nước ngoài, ông bạn họa sĩ đã đánh cắp cuốn hồi ký của tôi theo lệnh Ðại Sứ Nguyễn Văn Kỉnh để cho Kỉnh nộp công an, nhờ con rể tôi nhắn lời cho tôi rằng ông xin lỗi tôi về hành vi hèn mạt nọ. Tôi nhắn lại rằng chuyện cũ quá rồi, tôi đã quên. Mà Kỉnh thì cũng đã chết rồi. Trước khi chết, công an bắt được mấy tên lưu manh mang kim cương đi bán; chúng khai lấy ở nhà Kỉnh, nhưng hỏi Kỉnh thì Kỉnh không nhận.” (…)

“Bùi Xuân Phái thết tôi một chầu cà phê nhân dịp tôi ra tù. Anh vẫn trung thành với chủ nghĩa sợ. ‘Tôi là thằng nhát nhất thế giới!’ anh nhỏ nhẹ tuyên bố. Nguyễn Sáng lầm lì cấm cung trong căn phòng của anh, bên cạnh con nghê vỡ trán đựng gạo, vẫn vẽ những bức tranh không bán được, vẫn nghèo. (…)

“Ông Lâm Toét vẫn tiếp tục cho các họa sĩ ăn chịu, uống chịu. Phòng tranh của ông ngày một phong phú. Nguyễn Sáng rủ tôi ‘đi Lâm đi’. Gặp tôi ông Lâm vồn vã lắm. Chúng tôi lại có dịp ngồi với nhau trên gác, căn phòng triển lãm tranh của riêng ông, được ông đãi rượu, thuốc lá thơm và thưởng tranh. Nếu ông Lâm giàu hơn, ông có thể trở thành một Mạnh Thường Quân cho nền hội họa Việt Nam lắm. Kém gì đại phú gia Tretiakov của nước Nga. Ông rất tế nhị không hỏi tôi một câu rằng mấy năm nay tôi đi đâu, ở đâu. Cứ như thể ông không biết rằng từ cuộc gặp gỡ lần trước tới giờ đã có chín năm nước chảy qua cầu…” (ÐGNB trang 756 & 757)

(Còn tiếp)

Chú thích:

(3) Tôi cố tình in đậm.

…………………………………………

‘‘Miền thơ ấu’, một thực chứng tài hoa văn xuôi Vũ Thư Hiên
Friday, December 11, 2015

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Nếu tính chất văn chương ở “Ðêm Giữa Ban Ngày” chỉ những những hạt mưa bất ngờ, có từ vô-thức-nhà-văn thì, ở hồi ký “Miền Thơ Ấu” lại là thổ ngơi của những xâu chuỗi chữ, nghĩa, hình ảnh lấp lánh thi tính của Vũ Thứ Hiên – – Một nhà văn theo tôi đáng gọi là “bậc thầy,” đã mở đầu hồi ký của ông, với những hình ảnh bất tường – – Dự báo trận bão lớn đã khởi sự, sẽ đuổi bám tuổi thơ sớm nám – của cậu bé xưng “tôi,” ở tuổi lên bảy:

niem tho au 2.jpg1
Nhà văn Vũ Thư Hiên. (Hình: Facebook Vũ Thư Hiên)

“- Xin lỗi!

“Tên Pháp nói, nhìn vào tay bố tôi. Bố tôi nhếch mép cười, đưa hai tay ra. Một tiếng cách khô khan, cái còng đã ngậm chặt hai cổ tay bố tôi.

“Tên mật thám Pháp bước ra cửa, những tên còn lại lục tục theo sau.

“Trong bóng đêm phố vắng, tôi nhìn thấy bố tôi bị du mạnh vào trong chiếc xe hòm màu đen đã mở máy chờ sẵn. Tên mật thám Pháp bước lên theo. Lũ thuộc hạ leo lên một xe khác. Tiếng động cơ nổ vang trong đêm. ánh đèn đỏ ở sau xe xa dần rồi tắt ngấm.

“Chị Tường, người trông chúng tôi, òa khóc. Mẹ tôi ôm lấy chị dìu vào trong nhà.” (1)

Kế tiếp, chương hai, sân khấu sáng hơn lên những ngọn đèn màu đỏ, nhiều watts, khi nhân vật xưng “tôi” được mẹ cho đi thăm bố bị tù tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), vì tội chống chính quyền thực dân Pháp:

“Cánh cửa ghi-sê được mở ra cho mẹ tôi chuyển quà vào. Mẹ tôi đột ngột ôm chặt tôi, đút vội tôi qua ghi-sê. Tôi chỉ giãy mạnh chân một cái là đã nằm gọn trong vòng tay bố. Ông ôm ghì lấy tôi, hôn khắp mặt.

“- Ê, bỏ ra, không được phép!

“Bố tôi hôn tôi lần cuối, và đút tôi trở lại. Viên giám thị già giằng bố tôi ra xa ghi-sê. Ðôi lông mày rậm như hai con sâu róm của ông ta cau lại.

“- Con về ở với cô Gái phải ngoan, con nhé!

“Bố tôi dặn với. Ðó là điều bố ngần ngừ mãi mới nói được với tôi.
(…)

“Quyết định của bố làm tôi choáng váng. Mẹ tôi ôm chặt tôi, mắt đỏ hoe…”

Ðường dẫn trên, mở ra tức khắc những ngày chia tay mẹ, để về sống với bà cô già tên “Gái,” ở vùng quê. Một thứ “thơ ấu” chao chát nỗi buồn và niềm vui, mà những người trẻ hôm nay, khi đọc, sẽ khó thấy có một liên hệ nào đấy?!?

Nhưng những trang văn xuôi của họ Vũ, ở tác phẩm này, lại có sức quyến rũ của cái đẹp tựa như… “cổ tích.” Mặc dù nhiều đoạn chữ, nghĩa hiện ra như những lưỡi dao liếc qua, liếc lại trên làn da nhậy cảm:

“…Bà không biết tin đứa em út của mình ở tù. Bà chỉ được tin sét đánh khi mẹ tôi dẫn tôi về quê.

“- Giê-su, lạy Chúa tôi?

“Bà kêu lên và từ trong hai hố mắt sâu của bà lăn ra hai giọt lệ đục. Bố tôi là đứa em trai mà bà yêu quí nhất.

“Khi mẹ tôi nói lại quyết định của bố tôi cho tôi về ở với bà thì cô Gái tôi lau nước mắt và nhìn tôi bằng cặp mắt ráo hoảnh như thể bà không hề khóc một phút trước đó. Tôi đọc trong mắt bà sự do dự, sự suy tính. Rồi ánh mắt dịu đi, bà nói:

“- Thím cứ để nó cho tôi.

“Mẹ tôi kể cho bà nghe những tội của tôi ở Hà Nội. Bà nghe với cái nhìn xa vắng.

“- Tôi sẽ trị cho nó bằng ngoan.

“Bà vẫy tôi lại gần, đặt bàn tay xương xẩu và lạnh giá lên đầu tôi.

“Mẹ tôi rơm rớm nước mắt từ biệt tôi.”

(…)

“- Thằng kia, lại đây.

“Cô Gái gọi tôi.

“Tôi rụt rè lại gần bà. Tôi không lại với bà như cách tôi đã lại với bà ở Hà nội, trong nhà tôi, khi bà lên thăm và cho quà. Còn bà, bà nhìn tôi xa lạ, soi mói, phán xét, như nhìn một con vật vừa mua.

“- Mày đã đi lễ bao giờ chửa?

“- Thưa cô, chưa ạ.

“Tôi đáp lí nhí trong họng.

“- Hỏng! – bà đặt tay lên vai tôi, bàn tay như được đúc bằng chì – Hỏng?

“Tôi run lên. Tôi muốn tan biến đi để cặp mắt hoay hoáy như hai mũi dùi nhọn không còn nhìn thấy tôi nữa.

“Bố mày bỏ đạo – bà thở dài – mẹ mày là kẻ ngoại giáo. Lạy Chúa tôi, nhà đạo gốc mà con cháu giờ ra thế vầy. Mày có biết tên thánh của mày là gì không?

“Tôi ngớ ra. Tên thánh, nó là cái gì?

“- Không biết hả?

“Tôi lắc đầu.

“- Mày phải nói: Thưa cô, cháu không biết ạ! Rõ con nhà mất dạy. Nghe tao nói đây, mày đã được làm lễ rửa tội, vậy mày là kẻ có đạo, hiểu chửa?

“- Thưa cô cháu hiểu rồi ạ.

“- Tên thánh của mày là Giu-se?

“- Là Giu-se! – tôi nhắc lại, như máy.

“- Giu-se là thánh quan thầy cầu bầu cho mày phần hồn cùng là phần xác.

“- Thưa cô, vâng ạ.

“- Ừ thế mới được chứ. Con nhà gia giáo, phải biết thưa gửi tử tế, khi nói với người trên phải khoanh tay lại (tôi vội vã khoanh tay), nhớ lấy, con nhà gia giáo chứ không phải con nhà cáo tha.

“Tôi không biết con nhà cáo tha nó thế nào, nhưng không dám hỏi lại, tôi đáp vâng.

“Người có đạo là con chiên của Chúa – bà nói, giọng đã dịu xuống, nếu để ý, bà sẽ thấy cả con chiên nữa tôi cũng không hiểu là con gì – Khi chết đi, Chúa sẽ rước lên Thiên Ðàng ở cùng Chúa đời đời. Kẻ vô đạo sẽ sa Hỏa Ngục bị quỷ sứ móc mắt, cắt lưỡi, quay trên lửa, luộc chín trong vạc dầu, khốn nạn vô cùng. Mày ở đây với cô, cô dạy cho thuộc kinh bổn. Người có đạo phải siêng năng cầu nguyện cùng là xưng tội chịu lễ.

“- Thưa cô, vâng ạ.

“Ðột nhiên, bà kéo tôi vào lòng.

“- Giê-su Ma-ri-a! Tội nghiệp cháu tôi.

“Tôi òa khóc.

“Cuộc sống của tôi trong ngôi nhà của ông bà nội tôi bắt đầu.” (Trích chương 3).

Những ngày mới về sống với bà cô độc thân, trong ngôi nhà cổ, vùng quê, một thế giới khác, một thế giới hôn ám, chưa từng có trong ký ức xanh, non của cậu bé, nhân vật chính. Ở chương 4 này, có một đoạn văn mà, tôi nghĩ không thể chân thật hơn khi tác giả ghi lại cuộc đối thoại giữa một bà cô, vốn là một tín đồ thuần thành, trung kiên, với niềm tin ngời ngợi nơi đấng Ky Tô; và, cậu bé ngây ngô, ở tuổi lên bảy, cũng rất thuần khiết trong hiểu biết giới hạn, ngây ngô của nó. Chúng cho thấy cả một bức tranh màu sắc tương phản dữ dội mà, người viết nếu không từng sống trong thực-cảnh, dường khó tưởng tượng được:

“…Tòa Ðức Mẹ là một tủ nhỏ hình hộp có cửa kiểu ‘gô-tích’ sơn son thếp vàng, che bằng một mảnh nhiễu đỏ. Dừng lại trước tòa Ðức Mẹ với nét mặt rất thành kính, cô tôi làm dấu thánh rồi mới trịnh trọng vén bức màn nhiễu lên. Từ bên trong hơi tối, một người đàn bà Châu Âu tóc vàng, mắt xanh, vận áo dài thêu kim tuyến, ẵm đứa con trai kháu khỉnh nhìn xuống chúng tôi.

“Cúi sát xuống mặt tôi, cô Gái thì thào:

“- Cháu có biết ai đây không?

“Không suy nghĩ, và cũng muốn vội vã khoe hiểu biết của mình để chiều lòng cô, tôi nói ngay, rất vui vẻ:

“- Con mẹ đầm.

“- Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng!

“Như bị một cái tát thẳng cánh, cô tôi bật ngửa, bà kêu lên một tiếng gọi Chúa thảm thiết, mặt trắng nhợt, con ngươi chực nhảy ra khỏi tròng.

“Tôi lạnh toát người, run lẩy bẩy trước hậu quả của việc làm dại dột.

“- Quân vô đạo! – Cô Gái rít lên khi tỉnh trí lại, bà thẳng tay cốc cho tôi một cái trời giáng – Lu-xi-phe! Báng bổ!

“Người đàn bà, chính là Ðức Mẹ Ma-ri-a mà trước đó tôi chưa được hân hạnh làm quen, dửng dưng nhìn cuộc trừng phạt diễn ra dưới chân mình.

“Cô tôi quỳ xuống, hai tay chắp trước ngực, thành kính và van nài nhìn lên Ðức Mẹ.

“- Xin Ðức Mẹ lòng lành tha tội cho con trẻ. – Bà khấn khứa, giọng đẫm nước mắt – Nó không được dạy dỗ nên trót dại báng bổ. Con xin Ðức Mẹ khoan thứ, con xin gìn giữ phần hồn cho nó để nó khỏi sa chước quỷ dữ. Chắp tay lại thằng quỷ kia! Quỳ xuống. Nói: xin Ðức Mẹ lòng lành tha tội cho con cùng?

“- Xin Ðức Mẹ lòng lành tha tội cho con cùng.

(Còn tiếp)

………………………………………………………………

Những đoản văn như thơ trong ‘Miền Thơ Ấu’
Friday, December 18, 2015

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

“Tôi lí nhí lặp lại lời dạy của bà. Bà bắt tôi nói to hơn.

“Tôi cố nói to hơn, nhưng vẫn chưa đủ to như bà muốn. Tôi phải nhắc lại tới lần thứ ba. Chưa nguôi giận, cô Gái hầm hầm túm tóc tôi đẩy tới trước bức vách ngăn với phòng bên, trên đó dán la liệt những bức tranh mộc bản lòe loẹt.

niem tho au 3.jpg1
Nhà văn Vũ Thư Hiên. (Hình: Facebook Vũ Thư Hiên)

“- Nhìn vào đây này, quân vô đạo, con cháu của Lu-xi-phe, của Sa-tăng! Hỏa ngục đấy. Quỷ sứ đấy. Kẻ nào sống phạm nhiều tội trọng, chết sẽ sa Hỏa ngục, bị nấu trong vạc dầu, chịu cho quỷ sứ phân thây…

“Những thằng quỷ sứ đen sì, mắt trắng dã nhìn tôi. Chúng có sừng như sừng dê, thay vào bàn chân, chúng có móng như móng ngựa.

“Với những chiếc đinh ba nhọn hoắt, chúng lôi xềnh xệch những con người trần truồng ném vào vạc dầu, chúng dùng mã tấu chặt chân tay những người nằm sấp trên mặt đất. Một thằng quỷ sứ hung tợn túm tóc một người nằm trên giường, miệng kẻ bất hạnh há hốc trong tiếng gào câm lặng.

“- Ðây là kẻ mắc tội trọng, lúc sống ăn ở bất nhân, đến giờ lâm tử bị quỷ đến kéo xuống Hỏa ngục. Cô tôi, giọng hăm dọa giải thích – Còn đây là kẻ dối trá, lọc lừa, bị chúng quỷ lấy kìm cặp lưỡi kéo ra, đoạn lấy dùi nung đỏ xiên vào.

“Tôi rùng mình. Cô Gái tiếp tục dẫn tích một cách ngon lành.

“- Mày đã thấy sợ chưa? – Cô hỏi tôi sau khi kết thúc buổi đi thăm Hỏa ngục.

“- Thưa cô, cháu sợ rồi – tôi vẫn còn run rẩy, đáp.

“- Mày còn biết sợ là tốt – giọng cô Gái dịu xuống, mặt bà hiện lên vẻ hài lòng – Phải ăn ở như Chúa dạy ‘Hãy thương yêu người ta như mình vậy.’ Phải siêng năng cầu nguyện hàng ngày cùng là xưng tội, chịu lễ. Như vậy Ðức Mẹ lòng lành chẳng cùng sẽ che chở cho.

“Người là thánh quan thầy của xứ đạo ta, trong nhà ta. Người là Rất Thánh cầu bầu cho ta. Quỷ, chúng nó chẳng làm gì được người ngoan đạo sất. Người ngoan đạo là con chiên của Chúa, chết đi được Chúa rước lên nước Thiên Ðàng sáng láng vô cùng…”

Kế tiếp, khi buổi cầu kinh đầu tiên của cậu bé (hay chính Vũ Thư Hiên, chấm dứt) là một đoản văn đẹp, khác:

“…Bóng tối dày đặc vây quanh căn nhà của hai cô cháu, nơi những con quỷ đen đang rón rén đi lại, rình mò. Một con cú thỉnh thoảng lại rúc lên một tiếng buồn thảm ở đâu đó rất gần và rất xa. Vẳng đến tiếng ken két của những thân tre cọ mình vào nhau.

“Cô Gái tằn tiện vặn nhỏ tim đèn xuống cho tới khi nó chỉ lớn không hơn con đom đóm. Ngọn đèn leo lét ngọn lửa xanh yếu ớt, không chiếu sáng được cho chính nó. Bóng tối lập tức luồn qua những khe cửa vào tới tận chân đèn. Tôi lẳng lặng theo cô tôi chui vào trong cái màn rộng và tối om.”

Bước vào chương 5, tả bà ngoại của mình, họ Vũ cũng có những câu văn đẹp như thơ. Tôi thích vô cùng khi họ Vũ so sánh tiếng nói của bà ngoại ông với sự mượt mà của nhung lụa:

“Những ngày đầu ở quê hương, tôi nhớ mẹ thì ít mà nhớ bà thì nhiều. Bà đây là bà ngoại, tôi không biết mặt bà nội. Nói tới bà nội, tôi hình dung ra cô Gái.

“Tôi nhớ bà ngoại nhiều như thế có lẽ vì bà là hình ảnh tương phản của cô tôi. Cô tôi trông ác bao nhiêu thì bà ngoại tôi trông hiền bấy nhiêu.

“Bà ngoại ở với bác Cả, anh ruột mẹ tôi. Thỉnh thoảng, bà đến chơi với chúng tôi. Ðối với chúng tôi những buổi bà đến chơi thực sự là những ngày hội. Bà vừa bước vào nhà là sự vui vẻ vào theo.

“- Các cháu yêu của bà đâu nào? Lại đây với bà nào?

“Bà ngân nga, giọng êm nhẹ và ấm, nếu sờ được giọng nói của bà chắc hẳn nó phải mượt như nhung…”

Cũng ở chương này, để diễn tả sự yêu thương rất mực của đám con cháu với bà ngoại, Vũ Thư Hiên mượn hình ảnh con chó Ki-Ki “nhân chứng” cụ thể về những gì ông đã nói về bà ngoại của mình:

“…Tôi yêu cái nhìn của bà ngoại, cái nhìn rất dịu dàng, rất âu yếm đối với tất cả. Thậm chí con Ki-Ki, bạn thời thơ ấu của tôi, con chó trắng và đen thấp bé, mỗi khi bà tôi đến cũng rít lên, vặn vẹo cả thân, cả đuôi, như nhảy điệu chào mừng độc đáo của riêng nó, chen lấn chúng tôi để tới với bà, chờ được bà nhìn tới, hỏi nựng nó một câu, vuốt nó một cái. Bà ngồi trên giường với chúng tôi, con Ki-Ki thì nằm dưới đất hóng lên bằng cặp mắt ganh tị…”

Bài viết này của tôi, với số chữ giới hạn, vậy mà với như bất cứ hình ảnh, đối thoại nào trong “Miền Thơ Ấu,” tôi cũng muốn trích lại với tất cả hạnh phúc của một người đọc, đã quá già, mà vẫn thấy mình như trẻ lại. Tựa gặp lại một phần tuổi thơ xưa, dù tôi không có cùng hoàn cảnh như những ngày thơ ấu của họ Vũ:

“…Chúng tôi lũn cũn chạy trước bà, nắm tay bà, bám vạt áo bà y như một lũ gà con theo mẹ…

(…)

“Trong lúc chờ bà hàng bánh đa lật đi lật lại những tấm bánh mỏng lấm tấm vừng đang uốn éo phồng lên xẹp xuống trên những hòn than đỏ rục trong cái nồi đất vo, bà ngoại tôi tươi cười hỏi thăm bà hàng chuyện sinh sống, chuyện làm ăn, như thể với một người bạn lâu ngày mới gặp. Bà hàng hồ hởi bắt chuyện, than phiền chuyện này chuyện khác trong gia cảnh, kêu ca về nỗi bây giờ làm ăn chật vật, khi trao hàng lại thêm cho bà tôi một tấm bánh đa đường…” (Trích chương V).

Tôi được đọc khá nhiều truyện viết về tuổi thơ của những tác giả nổi tiếng tiền chiến hoặc hôm nay. Nhưng tôi vẫn không thấy tác phẩm nào, giống “Miền Thơ Ấu,” Vũ Thư Hiên. Ðó là một thế giới của tuổi thơ ở một làng Công Giáo thuần thành êm ả, như chỉ cần thêm vài chục bước nữa, mọi người sẽ chạm ngưỡng cửa thiên đàng:

“Trên sân nhà tôi, sân đất, có vô vàn lỗ nhỏ. Nếu ta lấy nõn tre thả vào một lỗ rồi kiên nhẫn chờ thì sẽ thấy chiếc nõn tre động đậy khe khẽ. Rút nõn tre lên thật nhanh ta sẽ tóm được một chú công cống. Ðó là một thứ sâu đất rất nhỏ, chỉ nhỉnh hơn que tăm, trắng nõn và yếu ớt vô cùng. Công cống không bám chắc vào được nõn tre; ra khỏi tổ là nó rơi xuống đất, nằm đứ đừ. Nằm một lúc thấy không có động tĩnh gì, công cống liền giãy giụa bò đi cho tới khi gặp một lỗ khác. Nó bèn chui tọt xuống lập tức, bất kể lỗ đó là của ai. Ðáng ngạc nhiên là con công cống trong lỗ nọ không đánh nhau với nó để đuổi nó lên. Tôi đã hoài công chờ nhiều lần nhưng cái lỗ vẫn im phăng phắc. Chắc hẳn giống công cống không có ý thức về tài sản tư hữu, hoặc giả chúng giàu tình thương yêu đồng loại…” (Trích chương VI).

Hoặc:

“…Những ngày đọc kinh ngôi nhà sống hẳn lại. Những cây tọa đăng bằng đồng được cô tôi đánh cát, đánh tro cho tới bóng loáng, tỏa ánh sáng rực rỡ khắp ba gian nhà trên. Tòa Ðức Mẹ rực rỡ ánh nến lung linh. Bức màn nhiễu điều được bỏ đi. Từ trên tòa Ðức Mẹ và Chúa Giê-su Hài Ðồng mắt xanh tóc vàng độ lượng nhìn xuống đám con chiên da vàng mũi tẹt trong những bộ cánh màu thẫm. Trong làng tôi, người lớn trẻ con thường mặc áo vải thâm trong những ngày trang trọng.

“Tiếng cầu nguyện rì rầm nổi lên theo sau một giọng lĩnh xướng trong trẻo của một trung binh. Rồi, như những đợt sóng dồi lên, hạ xuống, tiếng đàn ông người bay cao, vang xa trong đêm tối…” (Trích chương VII).

(còn tiếp 1 kỳ)

…………………………………

Những hoa văn (chữ, nghĩa) một thời miền quê Việt Nam trong ‘Miền Thơ Ấu’
Thursday, December 24, 2015

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Hoặc:

“…Tôi có thể ngồi cả buổi bên anh Cu Nhớn để xem anh câu cá. Bờ ao nhà bác Cố Tuyển (người đứng đầu ngành cả) là cả một thế giới lạ mắt và thú vị. Những con chuồn chuồn ngô nhàn tản lang thang tìm chỗ nghỉ chân nhẹ nhàng hạ cánh xuống đậu nơi đầu cần câu của chúng tôi. Những con chuồn chuồn lửa lúc lắc hai con mắt to như hai hạt đỗ tương trầm ngâm trên những ngọn ý rỉ, thỉnh thoảng lại lấy chân lau mắt cho sáng thêm để thưởng ngoạn. Mấy bông súng trắng xinh xắn đung đưa gần mép ao. Những chiếc lá tre rơi lềnh bềnh trên mặt nước khẽ rùng mình mỗi khi có gió thoảng. Lũ thờn bơn với cặp mắt đen láy ngo ngoe trên mặt nước. Trên cao, một con bói cá xanh biếc ngồi yên lặng như một nhà hiền triết. Thỉnh thoảng, nó rời cành cây khô lao vút xuống nước như một mũi tên vừa rời cây cung, rồi lộn trở về đậu vào chỗ cũ, hai cánh xòe ra phơi gió. Trên làn nước gần như bất động, những con kéo vó lênh khênh nhẹ nhàng trượt qua trượt lại trong một điệu vũ khó hiểu…” (Trích chương VIII).

niem tho au 4.jpg1

Nhà văn Vũ Thư Hiên (trái). (Hình: Facebook)

Hoặc nữa:

“…Tôi bắt đầu lang thang trong cái làng quê nhỏ bé của tôi, vào sâu trong các xóm, làm quen với những người mà sau này trở nên thân thiết bởi một lẽ đơn giản – họ cùng chung với tôi một mảnh đất của tổ tiên. Tôi cũng bắt đầu yêu những mái tranh lè tè sau những hàng rào găng, hàng rào ruối, hàng rào dâm bụt, hàng rào xương rồng và biết bao loại cây khác có thể dùng làm địa giới của gia đình. Tôi thích nghe tiếng hát ru từ trong những mái tranh ấy bay ra cùng với tiếng xa quay ríu rít, tiếng khung cửi kẽo kẹt. Tôi thích ngắm nhìn đồng lúa với những cánh cò trắng muốt bay lên đậu xuống nhẹ nhàng như những mảnh lụa rơi. Tôi nhớ tiếng ru của mẹ…

(…)

“Tôi cởi áo, ngồi xuống thềm. Cả nhà bác Hai Thực đã ngồi sẵn ở đấy thành một hàng. Chúng tôi chăm chú và say mê lùng bắt những con rận cụ đen như trâu, những chú rận nhép trắng trong với một chấm máu tí xíu giữa bụng. Chúng nép mình trong những nẹp áo, nẹp quần, bấu chặt vào các đường chỉ khâu sần sùi…” (Trích chương IX).

Và:

“Tôi thích những buổi lễ sớm ấy, khi trong bóng đêm đang nhạt dần, con đường trước cổng nhà tôi bỗng nườm nượp bóng người và vang lên những lời chào hỏi niềm nở. Vào giờ ấy, thật đáng tiếc là chỉ vào giờ ấy, làng tôi bỗng trở thành một gia đình. Mọi người đều bộc lộ lòng yêu thương đối với nhau, và trong thâm tâm có dễ người ta chỉ mong cho nhau sự tốt lành. Chuông nhà thờ đổ hồi, vang vang, xua đuổi những mảng đêm cuối cùng còn cố thủ trong những ngõ hẻm, những tán lá rậm, những bụi cây thấp um tùm đầy gai góc. Nghe chuông gọi, ánh ban mai nhợt nhạt bay lên từ phương Đông, tô xanh dần bầu trời mỗi phút một mất đi màu tím. Những vì sao muộn chìm vào trong ánh sáng của một ngày mới. Trước gác chuông cao lồng lộng, những người đi lễ rẽ xuống những bậc đá rộng thênh thang dẫn tới mặt nước còn u tối của cái ao nhỏ để khỏa chân cho sạch trước khi bước vào ngôi nhà của Chúa. Mặt nước âm thầm nuốt chửng những bóng đen đi xuống với nó rồi lại nhả ra cho con đường lát gạch đang sáng dần lên dưới gác chuông. Bước mấy bậc lên thềm cao của nhà thờ, tôi thành kính khuỵu gối, đưa tay lên làm dấu. Bên mỗi cửa vào có một bông hoa đá trong đựng nước mát, có dễ là nước mưa, gọi là nước thánh. Nhúng mấy đầu ngón tay chụm lại vào đó, tôi đưa mấy ngón tay ướt lên trán, làm dấu lần nữa rồi bước theo cô tôi vào bên trong ngôi nhà của Chúa ở đó đàn chiên của Người đang rì rầm cầu nguyện…” (Trích chương X).

Những mô tả trên là một phần sinh hoạt ở vùng quê, đã thuộc về quá khứ. Một thứ quá khứ bần hàn, nhưng vẫn vân lên những nét hoa văn vàng son tập quán một thuở, được họ Vũ ghi lại một cách ấm áp, rạng ngời:

“Tôi giúi một chét rơm nhỏ vào đống rấm, kiên nhẫn đợi cho lửa bén. Cô Gái ít dùng đến diêm. Thường cô để lửa bằng đống rấm. Nếu đống rấm tắt thì phải đi xin lửa. Tôi sang nhà bác Hai Thực hoặc nhà cô Oanh gắp lấy một hòn than củi tí xíu hoặc khều một ít than trấu còn đỏ bỏ vào búi rơm, túm lại cho khéo, rồi cầm búi rơm chạy về nhà. Có khi rơm nỏ, lại gặp trời hanh, chưa chạy về tới bếp búi rơm đã cháy đùng đùng. Ba nhà thường xin lửa của nhau, và đó là mối liên hệ thường xuyên, hàng ngày, cuối cùng, của đám cháu con cùng chung cụ kị. Ở quê tôi mọi người đều tiết kiệm. Một que diêm cô Gái chẻ làm đôi. Bác Hai Thực tài hơn, khéo tay hơn, bác chẻ làm bốn. Đánh những que diêm chẻ mỏng manh ấy phải rất thận trọng, với tài nghệ của diễn viên xiếc. Bác Hai Thực nghiện thuốc lào, vì thế để tiết kiệm diêm bác còn phải dùng những đóm nứa rất mảnh, chặt vát, đầu nhọn được nhúng một chút diêm sinh. Châm đầu nhọn ấy vào than hoặc đống rấm âm ỉ nó sẽ cháy lên một ngọn lửa xanh leo lét.” (Trích chương 11).

Cũng vậy, nơi chương thứ 12, cả một quá khứ đẹp tới huyễn hoặc, cũng được Vũ Thư Hiên cho sống lại, với tất cả thương yêu trân trọng trong tương quan thân thiết giữa người với người và, luôn cả với những vật thể (những tưởng vô tri):

“Tôi có cảm giác ngôi nhà của chúng tôi biết mừng khi có ai đó trong số chủ cũ của nó trở về. Nó rạng rỡ hẳn lên, tươi tỉnh hẳn lên trong những ngày người đó lưu lại. Còn khi người đó vừa đi là nó lại nhắm mắt, ủ rũ ngủ gà ngủ gật. Những tiếng động nhỏ và hiếm hoi lập tức bị yên lặng nuốt chửng và lắm lúc tôi không nghe thấy cả tiếng của cô Gái lẫn tiếng của chính mình. (Trích chương 12).

Như đã nói, với tôi, mỗi trang “Miền Thơ Ấu,” của Vũ Thư Hiên là một xâu chuỗi lấp lánh chữ nghĩa, hình ảnh đẹp (hay buồn)… như thơ. Nhưng nếu tôi cứ tiếp tục trích những đoạn văn mà tôi thích nhất, tôi e, không một tờ báo nào có thể dành chỗ cho tôi! Chưa kể, mọi trích dẫn của tôi, đều giống như tôi đã thô bạo, lấy đi một hạt mân côi trong chuỗi-mân-côi- văn-chương của họ Vũ. Tuy nó đẹp thật đấy, nhưng cách gì thì nó vẫn bị mất đi phần tương tác, liền lạc với những hạt trước và, sau nó.

Do đấy, tôi xin dừng lại ở chương thứ 12 trong tổng số 21 chương của “Miền Thơ Ấu.” Để bạn đọc có được cái hạnh phúc (như tôi đã có) khi lần từng khoen văn chương của chuỗi-hạt-mân-côi-chữ-nghĩa-Vũ-Thư-Hiên, này.

Với hạnh phúc đã hưởng nhận và hôm nay, lại được hưởng nhận một lần nữa, tôi tự thấy, tôi không thể không gửi tới nhà văn bậc thầy Vũ Thư Hiên, (theo tôi), lời cảm ơn, dẫu có phần hơi muộn màng, của tôi.

(Garden Grove, tháng 11, 2015)

Chú thích:
(1) Tất cả những trích dẫn hồi ký “Miền Thơ Ấu” của Vũ Thư Hiên trong bài này, theo tư liệu của trang nhà Haohanca.com, có trên Wikipedia Mở.

………………………………………………………………………….

Tân tổng thống Đài Loan kêu gọi tự do hàng hải tại Biển Đông
Nguồn:RFI- Tú Anh – 17-01-2016 17:34

hang hai.JPG1

Những người ủng hộ đảng Dân Tiến chờ đợi kết quả, Đài Bắc, 16/01/2016. Khẩu hiệu trong ảnh: “Đài Loan không phải là một bộ phận của Trung Quốc”.
REUTERS/Pichi Chuang

Trong diễn văn chào mừng chiến thắng của đảng Dân Tiến trong cuộc bầu cử tổng thống và Nghị viện Đài Loan ngày hôm qua 16/01/2016, tổng thống mới đắc cử Thái Anh Văn không dấu lập trường cứng rắn với Hoa Lục : tự do hàng hải tại Biển Đông phải được tôn trọng và Đài Bắc sẽ tiếp tục « thắt chặt » quan hệ với Tokyo.

Đêm hôm qua tại Đài Bắc, tổng thống tân cử Thái Anh Văn tuyên bố : đây là một bằng chứng mới của nền dân chủ đã bắt rễ tại Đài Loan, người dân đã bầu chọn một chính phủ biết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Đọc thêm : Bầu cử Đài Loan: Đảng đòi độc lập trước ngưỡng cửa chiến thắng

Từ Đài Bắc, đặc phái viên Heike Schmidt tường thuật :

« Từ nay, màu cờ chính trị của Đài Loan không còn là màu xanh nước biển của Quốc Dân đảng mà đã được thay thế bằng màu xanh lục của Dân Tiến đảng. Theo Ủy ban bầu cử, bà Thái Anh Văn đã đánh bại đối thủ Chu Lập Luân (Eric Chu) với tỷ lệ theo thứ tự 56,12% và 31,04%, một thảm bại lịch sử của Quốc Dân đảng.

Đây là lần đầu tiên đối lập Đài Loan vừa lấy được ghế tổng thống vừa chiếm đa số tuyệt đối tại Viện lập pháp (Nghị viện). Trong tổng số 113 ghế dân biểu, đảng Dân Tiến thắng 68 ghế, Quốc Dân đảng chỉ còn 35.

Bà Thái Anh Văn, được coi như là ”Angela Merkel của Châu Á” , một nữ chính trị gia được mô tả là dè dặt, nhưng cương quyết, sẽ có rộng quyền tiến hành một đường lối cứng rắn với Hoa lục. Hòn đảo nhỏ chỉ nằm cách lục địa có 180 km không muốn để cho anh láng giềng khổng lồ dọa nạt. Cử tri Đài Loan đã đồng ý bằng lá phiếu.

Nền dân chủ non trẻ này từ nay sẽ giữ khoảng cách với Trung Quốc cho dù Bắc Kinh bố trí hơn 1600 tên lửa đe dọa ”hòn đảo nổi loạn”.

Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà Đài Loan sẽ cắt đứt quan hệ với Hoa Lục, bởi vì Trung Quốc là bạn hàng số một, nhập khẩu đến 40% hàng hóa xuất khẩu của Đài Loan ».

Phản ứng quốc tế

Hoa Kỳ chào mừng chiến thắng của đối lập Đài Loan. Theo Reuters, Bộ ngoại giao Mỹ nhận định kết quả bầu cử tổng thống hôm thứ bảy chứng tỏ Đài Loan là một « nền dân chủ vững chắc » và mong sớm hợp tác với chính quyền mới của tân tổng thống.

Nhật Bản, qua lời ngoại trưởng Fumio Kishada, « nồng nhiệt chào mừng chiến thắng của bà Thái Anh Văn » và nhấn mạnh « củng cố hợp tác với đối tác quan trọng và cũng là thân hữu quý báu của Nhật Bản ».

Ba Thai anh Van

Thái Anh Văn (trái) dẫn trước ông Eric Chu (phải)-Hình NN sưu tầm trên Net-

………………………………………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics