1.Du Tử Lê,Tùy Bút Tuyển Chọn-2.Trích: "Em gầy như liễu trong thơ cổ" (DTL)3.Răng đen mã tấu(Khuất Đẩu)4.Khổ nạn..

Du Tử Lê, Tùy Bút Tuyển Chọn

Tác giả :Du Tử Lê
Nguồn:dutule.com – 12/03/2015

du-tuy but 17 bai

Tác phẩm thứ 68 của Du Tử Lê, là tập “Du Tử Lê, Tùy Bút Tuyển Chọn”, gồm 17 tùy bút chọn từ hàng trăm tùy bút viết sau 1975. Mỗi tùy bút, như một thứ bán hồi ký viết dọc lộ trình luân lạc của một nhà thơ tỵ nạn.

Qua 17 tùy bút chọn lọc này, bạn đọc sẽ có cơ hội bước sâu vào các góc khuất của những phần đời riêng, từ tình cảm, tới hiện thực cuộc sống nám cháy đa tầng nơi quê người của họ Lê.

Mỗi tùy bút, tùy cảm quan của độc giả mà, người đọc sẽ bắt gặp những tái hiện lấp lánh nghẹn ngào hay, bi phẫn quá khứ 40 năm của một người đem được thơ vào văn xuôi như nhận định cách đây hơn 41 năm của nhà văn Mai Thảo trên tạp chí Văn Saigòn trước tháng 4-1975.

Mặc dù đây là loại bán-hồi-ký của một cá nhân, nhưng nhiều phần, bạn đọc cũng sẽ thấy được ít nhiều dung nhan đời mình, như một thứ cộng-nghiệp của những con người có chung một đất nước, một ngôn ngữ, …do đó… chung một định mệnh…
.
“Du Tử Lê, Tùy Bút Tuyển Chọn” với tranh bìa và phụ bản của họa sĩ Lê Thiết Cương. Vẽ bìa Phương Nam… Sách do nhà LiênViệt Ct. liên kết với nhà XB Hội Nhà Văn ấn hành. Ngoài những bản thường còn có 73 bản đặc biệt dành riêng cho nhà sưu tập sách Nguyễn Ngọc Hoài Nam, không có trên kệ sách.

* Tại Hoa Kỳ, sách có bán độc quyền tại nhà sách Tự Lực: buybooks@tuluc.com

– Muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, xin vui lòng liên lạc phanhanhtuyen@gmail.com / Tel: (714) 383.4937. Hoặc:
Tuyen le
12751 Lucille Ave
Garden Grove, CA 92841

…………………………………………………………………..

Em Gầy Như Liễu Trong Thơ Cổ

Du Tử Lê

(Trích trong “Du Tử Lê, Tùy Bút Tuyển Chọn” )

Em gầy như liễu trong thơ cổ
Nguồn:dutule.com – 09/12/2014 03:13 PM (Xem: 3976)
Tác giả : Du Tử Lê

Và, ĐKT.

“Em gầy như liễu trong thơ cổ
Anh bỏ trường thi lúc Thịnh Đường.”
(Thơ Nguyên Sa)

Tôi không biết điều gì khiến mỗi lần gặp H. (dù thản hoặc), hai câu thơ của nhà thơ Nguyên Sa lại hiện ra trong tôi, như một tiền thân xa xôi mà, quá đỗi gần gũi: “Em gầy như liễu trong thơ cổ / anh bỏ trường thi lúc Thịnh Đường.”
Thời gian trong quân đội, tuy không đi nhiều lắm, nhưng tôi từng phải theo những cuộc hành quân qua nhiều vùng điệp trùng cát trắng, hay giữa rừng núi không một mái nhà, chẳng một mụn khói. Nhiều lúc chúng tôi bị xập bẫy thời điểm bà mẹ thiên nhiên chuyển dạ, phẫn nộ, nổi giận với những trận bão lớn. Để mưu sinh, thoát hiểm, chúng tôi được khuyên hãy ôm lấy bất cứ một vật cản nào, miễn thân xác nhẹ bâng của mình, không bị gió bốc, hút lên, như một cọng rác! Đó là những lúc tôi thấy sinh mạng mình không thể nhỏ bé, vô nghĩa hơn, giữa lồng lộng mịt mù bến, bờ sinh, tử.

em gay 1

Tôi từng chứng kiến những thân cổ thụ bị bão bứng gốc, ơ hờ như
người buồn tay, nhổ vài cọng cỏ. Tôi cũng từng nghe tiếng tét mình, chảy máu của những cành xanh xum xuê, bị bão buồn tay lắt khỏi thân vạm vỡ…

Tuy nhiên, chưa một lần nào, tôi thấy cảnh một thân liễu mong manh, bị bão túm tóc, thẳng tay ném vào vô tận!

Tôi muốn nói, tôi thấy chứ, cảnh những thân liễu bị bão đè đầu, nhận xuống mặt đất hay mặt nước. Nhưng chỉ cần một phút bão lơi tay, liễu lại đứng lên. Rực rỡ rì rào. Tự tin sửa lại dung nhan, hắt bóng mình trên những vùi dập, đổ nát, chung quanh.

Tôi không biết sự dài dòng của tôi về liễu, có phải bắt nguồn từ một tương quan hữu cơ nào đó, với hình ảnh H., (trước, trong và, sau) những lần gặp gỡ?

Tới nay, dù đã bao năm, tôi vẫn không thể có cho mình một câu trả lời rốt ráo! Tôi chỉ có thể nói, trong đời, tôi được gặp nhiều người nữ gầy…như liễu. Nhưng chưa một người nào khiến tôi liên tưởng hay, có khả dắt tay tôi bước vào, để thấy được khác biệt giữa liễu và “liễu trong thơ cổ” của thơ Nguyên Sa, như hình ảnh tôi bắt gặp, tìm thấy nơi H. (Một góc khuất, tư riêng của tôi?)

Cũng có thể tôi đã từng gặp những người nữ gần với “liễu trong thơ cổ” của nhà thơ này… Nhưng khi đó, ông chưa cho tôi hai câu thơ kia. Tôi thiếu ngọn hải đăng rọi sáng vụng biển đêm tối cảm thức hoang vu của mình?

Phải chăng, giữa một câu thơ của Nguyên Sa và, rung động tôi về H. đã như một hạnh phúc bất toàn?

Lại thêm một câu hỏi tôi không thể tự trả lời và, cũng không tin một ai khác, có thể trả lời giúp!

em gay 2

Điều rõ nhất – như một quầng sáng, một vệt sao rơi – không mất hút trong tôi, đó là hình ảnh H… “như liễu trong thơ cổ”, trở thành một ám ảnh, thôi thúc âm trầm, ngày càng tăng cường lực thân thiết trong tôi, sau mỗi lần gặp H.
Sau mỗi lần gặp lại H., ngồi với nhau, xế trưa, từ đôi mắt biết cười của H., tôi cảm được tiếng rì rào của “liễu trong thơ cổ”. Như cảm được bước đi lui, nhập chung đời sau và, kiếp trước những lần đất, trời thất lạc.

Sau mỗi lần (hiếm hoi) gặp lại H., ngồi với nhau, khuya khoắt, khi mái đầu H. cúi trên ly café, tâm hồn tán lạc trời nào(?), tôi lại có cảm nhận H., như một thân liễu vừa đứng lên. Sửa lại dung nhan, hắt bóng mình, không phải trên những vùi dập, đổ nát, chung quanh mà, trên chính cảnh tượng đời H. Cùng lúc, tôi cảm được mùi da thịt thanh xuân sớm trải qua tai ương của H. (Góc khuất, tư riêng của tôi?)

Đó là những lần (không họa hiếm), tôi những muốn ôm H. như ôm ấp niềm vui khôn tỏ của mình. Tôi muốn nghe được gần hơn, rõ hơn nhịp đập trái tim H. Cái tâm biểu đồ gập ghềnh những mạch máu trần gian. Thác. Ghềnh.

Đó là những lần (không họa hiếm), tôi những muốn đưa tay, vuốt mái tóc H. như vuốt ve buồn bã tiền thân tôi, kiếp nào, trên đường về hiện tại…

Nhưng, cũng không biết bao lần tôi những tưởng sẽ nghe được một tiếng thở dài, dù nhẹ, thoảng từ lồng ngực hương cốm của H… Và, cũng bấy nhiêu lần, tôi muốn cầm lên những ngón tay lá liễu của H.

Tôi nghĩ, tôi sẽ cúi xuống. Sẽ hôn chúng. Như hôn niềm hãnh diện trộn lẫn ngậm ngùi của một tình cảm (mặc cảm?) giấu kín.

Tôi nhớ, đôi lần, được đi với nhau giữa Saigon, dưới ánh đèn đường lỗ mỗ và, cành, lá với những chiếc cọ khô chết nước sơn, chao chát vẽ những bức tranh đen, trắng khuyết tật, lên hè phố…Như những ám dụ ngày mai không có tôi. Ngày mai không hề có tôi, bên H. Nhưng tôi vẫn thấy mình hạnh phúc! (Vì hạnh phúc là những lênh đênh vẫy gọi, ngoài tay vói?) Một hạnh phúc bất toàn / may mắn?

Vâng, tôi nói, may mắn, chí ít cũng hơn những mảnh đời rách nát, rúm ró nơi những mái hiên nhỏ tí, của những phận đời bèo bọt. Nơi những tiếng nói mớ, hắt ra, xua đuổi ác mộng của những kẻ không nhà…

em gay 3
Tới giờ, dù rất muốn, tôi vẫn không thể nhớ chúng tôi đã nói với nhau những gì?!? Nhưng khi tiếng cười hồn nhiên của H. như những đóa quỳnh, chao chát nở ngát trên cao, trước khi rớt xuống tôi, thành những bông hoa khác. Những bông hoa không tên gọi!

Đó cũng là lúc tôi nghe những chiếc lá (tưởng tượng?) bằng đôi chân niên thiếu, chúng hối hả chạy trên hè phố, xóa đi những bức tranh đen, trắng khuyết tật, để vẽ thành những bức tranh khác. Những bức tranh có tôi, ngày mai, bên H.(?)

Tôi không biết có phải những bất tường, những câu hỏi không được trả lời, đã nấu chảy tôi trong vạc lửa khát khao của vô thức(?) – – Khi chiếc thang máy vừa khởi động, đưa H. lên căn hộ trên tầng lầu cao nhất của nàng – – Một lực đẩy vô hình đã xô tôi vượt qua vạch phấn (lời nguyền tự nguyện?) bấy lâu. Tôi hôn H. Nụ hôn ngắn. Vội. Vụng về. Ngờ nghệch. Nụ hôn không đi ra từ tôi. Nó đi ra từ một góc khuất, tư riêng?

Lúc sực tỉnh, tôi tránh không nhìn vào mắt H. (Đúng hơn, chúng tôi tránh không nhìn nhau. Tựa nếu nhìn nhau, chúng tôi sẽ chỉ có một trong hai chọn lựa: Thù ghét. Hoặc nhập chung. Làm một).

Không phải tôi sợ không thấy được những nụ cười từ đôi mắt biết cười kia. Mà, tôi sợ chính…tôi. Tôi sợ trong khoảng khắc thời gian mông muội còn lại, trước khi chia tay, tôi sẽ đi xa hơn. Sẽ xiết, ghì cây liễu…trong thơ cổ của tôi. Như xiết, ghì “ngày mai, không có tôi bên H.”

Khi viết xuống những dòng chữ này, tôi cũng không mong H. đọc được. Tôi muốn giữ chúng cho riêng mình. Như giữ giấc mơ một ngày nào có nhau, một-góc-khuất-nhân-gian. Tôi sẽ nghe được gần hơn tiếng chuông ngân của lá. Hay hương mật trái chín chia ly?

Giữ cho riêng mình, tôi nghĩ, tôi sẽ được thấy gần hơn, hình ảnh, tự tin, soi, hắt dung nhan H., trên cảnh tượng của chính đời H.

Từ đấy, tôi nghĩ, tôi cũng sẽ cảm được mùi da thịt thanh xuân sớm trải qua tai ương của H. Như sớm mai, nhiệt đới, tầm tã dự cảm những cơn mưa trên vẻ-đẹp-lẻ-loi-rì-rào-cô-quạnh!

Cũng từ đấy, tôi nghĩ, tôi sẽ đọc chậm dãi H. nghe, hai câu thơ của Nguyên Sa:
Em gầy như liễu trong thơ cổ / anh bỏ trường thi lúc Thịnh Đường.

Tôi tin H. hiểu.
“H. hiểu?”
“Cách gì, xin hãy cứ để tôi tin…H. hiểu”.
.
Trên đường về lại nhà mình, đêm đó, Saigon dường có nhiều hơn ánh đèn lỗ mỗ và, những cành, lá dường cũng có nhiều hơn những chiếc cọ khô chết nước sơn, hăm hở vẽ trên hè phố nhiều thêm, những bức tranh đen, trắng khuyết tật…Như những ám dụ ngày mai không có tôi!

Nhưng, không hiểu vì đâu, tôi cũng nghe được nhiều hơn tiếng cười hồn nhiên của H. Như những đóa quỳnh chao chát nở ngát trên cao, trước khi rớt xuống tôi, thành những đóa hoa khác. Những đóa hoa trong một góc khuất, tư riêng đời tôi. Không tên gọi!?!

Du Tử Lê,
(Garden Grove, Nov. 2013)

…………………………………………………………………………….

Răng Đen Mã Tấu
Nguồn: Khuất Đẩu / yeunuocVietNam.org

khuat dau-00Mẹ tôi, nhuộm răng đen. Như cô tôi, bà tôi. Một màu đen như tóc mọc trên đầu, như áo quần họ mặc. Chính hàm răng ấy đã nhai những hạt cơm trắng đầu đời mớm vào miệng tôi. Như chim cánh cụt mớm mồi cho con của nó. Nhớ về mẹ, tôi nhớ nhất hàm răng đen của bà.

Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi.
Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước dậu thưa.

Những câu thơ hiền hậu nói trên là của Lưu Trọng Lư, ra đời cùng lúc với “con nai vàng ngơ ngác”*. Những câu thơ không đẹp như trong bài Tiếng Thu, nhưng hình dáng mẹ trong bài Nắng Mới thì đẹp xiết bao. Nét cười đen nhánh sau tay áo ấy còn được nhà thơ của “Lá Diêu Bông” làm cho nó trở nên rực rỡ hơn:

Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng

Trước đó hơn hai trăm năm, Nguyễn Huệ, không là nhà thơ nên không thấy mùa thu tỏa nắng, nhưng ông thấy hồn dân tộc sáng ngời trong chính màu đen từ thủa Hùng Vương cho đến đời anh em ông. Và giữ độc lập cũng chính là giữ cái quyền được để răng đen, được ăn trầu và để tóc dài, đánh cho nó biết nước Nam anh hùng tri hữu chủ, là để nó biết hữu chủ ngay từ chuyện nhỏ nhặt như thế..

Có thể nói, răng đen là hình ảnh tượng trưng bình dị nhất của dân tộc ta, cho dù chưa được văn minh như người nhưng không thể nói là man rợ. Lại càng không phải là ác độc, tàn bạo, nhất là với chính cha mẹ, anh em, xóm giềng, làng nước.

Vậy mà, sau 1945, cái màu đen ấy bỗng thêm một cái đuôi đáng sợ. Không còn đen nhánh sau tay áo, không còn mùa thu tỏa nắng, mà là răng đen mã tấu!

Tự đâu mà có bốn tiếng xa lạ dường ấy trong tiếng nước tôi, nghe lịch kịch xủng xoẻng như tiếng khảo tra?
Phải trở lại những năm sau cuộc cướp chính quyền, những năm mà xác chết cụt đầu nổi đầy sông. Chính những người cộng sản đầu tiên, thời ấy hãy còn nhuộm răng đen, đêm đêm vác mã tấu đi chặt đầu những ai không cùng đảng với họ, những ai làm việc cho Pháp, Nhật. Chỉ cần gắn cho hai tiếng Việt gian là đi đứt sinh mệnh của một con người. Rồi cũng chính họ, mười năm sau, nhảy lên xác bà Nguyễn Thị Năm đạp cho lọt vào hòm, mở đầu cho những cuộc đấu tố kinh hoàng đến cả mấy chục vạn người chết vì hai tiếng địa chủ.

Bốn tiếng “răng đen mã tấu” chắc là do thân nhân của những nạn nhân oan ức kia kêu lên trong kinh hoàng và khinh miệt. Nó gọi đúng tên một giai cấp mới, gồm những kẻ mông muội, chỉ biết tin theo Đảng.
Đến nay, họ cũng rơi rụng gần hết theo quy luật thời gian, dăm ba kẻ còn lại thì nghễnh ngãng tuy được tôn là tiền bối cách mạng.

Nhưng con cháu họ, đương nhiên răng trắng bóng, không mặc áo bà ba đen mà veste đen, không xách mã tấu mà xách cặp vi vu bay lượn khắp nơi. Giờ, họ văn minh không thua gì ai, nhưng cái bản năng răng đen mã tấu vẫn còn trong những đạo luật và nghị định mà họ đặt ra, làm chết dần chết mòn một thứ có màu đen muôn thủa là dân đen.

Khuất Đẩu
Tháng tư, 2015

* Sau 75, Lưu Trọng Lư vào thăm chơi miền nam. Có người hỏi ông về con nai vàng trong bài Tiếng Thu, ông bảo nó không còn ngơ ngác nữa vì đã có Đảng lãnh đạo.

Link của trang: Răng Đen Mã Tấu

……………………………………………………………………

Khổ nạn làng văn hóa du lịch Việt
Nhóm phóng viên tường trình từ VN-2015-12-10

du lich viet.jpg1

Xây dựng mô hình du lịch tâm linh ở làng văn hóa Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
RFA

Câu chuyện về làng văn hóa Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội bị bỏ hoang sau khi làm tiêu tốn ngân sách quốc gia với số tiền lên đến 3.256,8 tỉ đồng cũng như hàng ngàn trung tâm văn hóa, nhà văn hóa và khu du lịch văn hóa xây xong lại bỏ hoang, không có khách đến tham quan là câu chuyện nhức nhối của một đất nước nghèo như Việt Nam. Vấn đề cần bàn ở đây là có bao nhiều tiền thuế, tiền mồ hôi của nhân dân đã bị đốt trong các làng văn hóa? Và người dân nhận được gì với kiểu làm du lịch vừa đốt tiền lại vừa đốt uy tín của ngành du lịch Việt Nam?
Làm du lịch cần phải có lương tri

Ông Hồ Thà, người dân Đồng Mô, Sơn Tây cho ý kiến: “Cái cách làm du lịch của người phía Bắc thì nói thật là khó mà hài lòng. Nó phá nhiều hơn là xây dựng. Khu Đồng Mô Sơn Tây nó lộn xộn, khó mà chơi thoải mái được. Khu đó không có gì để khám phá và cũng không có gì để giải trí. Có vẻ như người ta làm để mà làm vậy thôi chứ chẳng có giá trị du lịch gì!”

Cách làm du lịch của người phía Bắc thì nói thật là khó mà hài lòng. Nó phá nhiều hơn là xây dựng. Khu Đồng Mô Sơn Tây nó lộn xộn, khó mà chơi thoải mái được. Khu đó không có gì để khám phá và cũng không có gì để giải trí.
-Ông Hồ Thà

Theo ông Thà, làm du lịch không chỉ đơn giản là xây dựng lên những khu khách sạn, khu phức hợp văn hóa gì đó hay khu nghỉ mát rồi đón khách du lịch. Cách làm này không sớm thì mượn sẽ thất bại ê chề, làm ảnh hưởng đến uy tín lâu dài nếu không muốn nói là hoàn toàn mất uy tín. Bởi theo ông Thà, thứ cần nhất để làm du lịch ở một nước nghèo nhưng có nhiều cảnh đẹp như Việt Nam là lương tri và lòng tự trọng chứ không phải là sự lừa dối và khả năng vay nợ vô tội vạ.

Giải thích thêm về vấn đề lương tri và lòng tự trọng trong làm du lịch, ông Thà cho rằng chính lương tri sẽ giúp cho những người có trách nhiệm và chức năng trong tổ chức du lịch sẽ thấy việc cần làm là gì và việc nào không nên làm. Bởi chính vì thiếu lượng tri nên động cơ khi xây dựng những khu phức hợp du lịch hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học nhưng lại thừa cơ sở để chấm mút, hối lộ, móc ngoặc, đút lót và tham nhũng.

Bởi vì du lịch, suy cho cùng đó không phải là một trung tâm với đầy rẫy những mô hình mà con người xây dựng một năm, hai năm để khách tham quan ngắm những thứ đó sẽ khái quát được văn hóa bản địa của một nơi nào đó. Nếu như đi du lịch để đến những khu phức hợp như vậy mà phải bỏ tiền đi máy bay, mua tour và lặn lội đường xa, người ta sẽ chọn xem tivi, xem những chương trình khám phá trên truyền hình. Vấn đề du lịch xây dựng theo mô hình phức hợp để tập trung khách là một loại tư duy hợp tác xã, tư duy kinh tế tập thể, vừa thiếu lương tri lại vừa thiếu văn hóa một cách trầm trọng.

Ông Thà nhấn mạnh rằng ông là người chạy xe ôm suốt gần hai mươi năm nay để chở khách đi du lịch bằng xe máy từ Bắc chí Nam, ông đã từng chở khách ngoại quốc lên đến cao nguyên đất đỏ, lên đến Tây Nguyên, thậm chí xuống miệt Tây Nam Bộ. Và kinh nghiệm chở khách lâu năm cho ông thấy bất kì khách du lịch nào cũng muốn khám phá văn hóa bản địa, khám phá những vùng quê yên bình, những thôn làng đã hình thành cả trăm năm để hòa nhập vào đời sống nơi đó.

du lich viet 2
Bánh chưng mô hình trong khu du lịch Đồng Mô. RFA PHOTO.

Cách làm theo kiểu tập trung vào một khu phức hợp du lịch là cách bán lúa non, không có ý nghĩa gì. Và nó thể hiện tầm văn hóa của những người ký quyết định xây dựng dự án ở mức quá kém. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy người ta thiếu hẳn lương tri và lòng tự trọng. Bởi nếu có lương tri và lòng tự trọng, câu hỏi đặt ra của người nắm chức trách sẽ là liệu bản thân họ có am hiểu gì về văn hóa, du lịch? Và với kiến thức hiện có về văn hóa, du lịch, họ có kham nổi sứ mệnh, trách nhiệm nâng cao uy tín cho ngành du lịch Việt Nam hay không?

Một khi biết tự đặt ra những câu hỏi như vậy thì người ta sẽ không vì động cơ đút lót, chia chác, chấm mút, tham nhũng, rút ruột công trình… mà quyết định xây dựng vô tội vạ, làm hao tổn ngân sách nhà nước một cách khủng khiếp như vậy.

Bởi trong vài ngàn tỉ đồng bỏ ra để xây dựng khu phức hợp du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, nếu là người có lương tri, người ta sẽ suy nghĩ về mồ hôi, nước mắt của hàng mấy chục triệu dân nghèo đang ngày đêm còng lương đóng thuế nhà nước thông qua việc mua gói mì tôm, mua ký gạo, mua lít dầu lửa, mua lít xăng, thậm chí mua bó rau… Mọi thứ hàng hóa trên thị trường Việt Nam đều gánh thuế giá trị gia tăng và thứ thuế này không từ bỏ bất kì ai, từ người giàu cho đến người nghèo mua gói mì tôm cầm hơi mỗi ngày cũng phải đóng thuế thông qua gói mì họ đã mua.
Có bao nhiêu tiền thuế của dân đốt vào khu du lịch?

Các khu du lịch ngoài Bắc người ta mở cửa để câu trai gái vào đó chơi, hẹn hò. Nó gây tốn kém về giá đất, về mặt bằng chứ nó chẳng xây cất gì đâu cho ra hồn. Nó không có văn hóa gì đó cả, nó chỉ là khu ăn chơi hơi cao cấp vậy thôi.
-Ông Mỹ

Một người khác tên Mỹ, hiện sống tại Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ: “Tức là các khu du lịch ngoài Bắc người ta mở cửa để câu trai gái vào đó chơi, hẹn hò. Nó gây tốn kém về giá đất, về mặt bằng chứ nó chẳng xây cất gì đâu cho ra hồn. Nó không có văn hóa gì đó cả, nó chỉ là khu ăn chơi hơi cao cấp vậy thôi chứ không có văn nhóa hay du lịch, khám phá gì đâu!”

Cũng là người chuyên chở khách đi phượt từ Bắc chí Nam, ông Mỹ cho rằng những gì ông chứng kiến, có thể số tiền của ngân sách quốc gia lên đến hàng chục triệu tỉ đồng để đốt vào việc xây dựng các khu du lịch theo kiểu phức hợp du lịch. Không riêng gì nhà nước mà cả tư nhân cũng tham gia đốt ngân sách quốc gia vô vạ. Sở dĩ có chuyện tréo ngoe như vậy là do chính sách, sách lược về du lịch quá kém.

Giải thích vấn đề đã nêu, ông Mỹ cho biết là từ Bắc chí Nam, bất kì tỉnh nào cũng có dự án xây dựng những khu phức hợp du lịch, tượng đài chiến thắng nhằm phục vụ du lịch, khu nghỉ mát. Và chiếm chừng 70% các khu này là do nhà nước xây dựng, số còn lại của tư nhân nhưng số đông là vay tiền nhà nước để xây dựng.

du lich viet 3
Quán bán hàng rong ở gần khu du lịch Đồng Mô. RFA PHOTO.

Nghĩa là các chủ tư nhân có thế lực đã làm những dự án, sau đó dựa vào thế lực trong hệ thống nhà nước để vay tiền xây dựng thành khu phức hợp du lịch hoặc khu nghỉ mát. Thường thì những khu của tư nhân có thể hái ra lợi nhuận bởi họ đã tính toán kĩ lưỡng để tránh tình trạng phải ngồi tù vì nợ ngân hàng.

Ngược lại, các khu tượng đài chiến thắng, các khu phức hợp văn hóa du lịch nhà nước thì xây xong lại bỏ hoang bởi chẳng có khách du lịch nào lại chọn những điểm đến mà ở đó, mói thứ đều được mô phỏng, khái quát và có tính chất trình diễn, người ta không tìm thấy hồn vía, nét văn hóa bản địa ở đó. Thậm chí, còn không tìm thấy cả quán nước hay khu ẩm thực để giải lao, ăn uống lấy sức.

Kiểu làm du lịch soạn ra một tour, sau đó cho khách chạy theo tour của mình mà không có thời gian để thở, để nghỉ ngơi, đến điểm tham quan thì chẳng có gì để xem, để học, để suy ngẫm và cũng chẳng có gì để ăn uống như vậy sẽ nhanh chóng đẩy du lịch Việt Nam đến chỗ mất uy tín và có tính chất bịp bợm trong mắt khách bốn phương.

Ông Mỹ cho rằng trong suốt gần mười năm phát động và quảng bá du lịch, hệ quả dễ thấy nhất là ngành du lịch Việt Nam mất hết uy tín, lượng khách quốc tế tìm đến Việt Nam giảm đi rất nhiều so với các nước khu vực. Và cái mà ngành du lịch Việt Nam đạt được chính là khoản tiền khổng lồ từ ngận sách đã bị đốt cháy không thương tiếc, đời sống người dân trở nên vô hồn vì chạy theo đồng tiền, thậm chí nhiều đồng bào thiểu số ở Việt Nam đã đánh mất bản tính hồn nhiên vì chạy theo những ảo tưởng kiếm tiền từ du lịch.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

………………………………………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics