1.Du Tử Lê,và một bài thơ bị xuyên tạc(Vũ Đình Trọng)-..2.'Hành trình thơ Nguyễn Lương Vỵ'(DTL)3.Khúc Cầu Hoàng(DTL)

Tạp Ghi
Du Tử Lê, và một bài thơ bị xuyên tạc
Nguồn: Sống Magazine- 01/07/2015

Tác giả : Vũ Đình Trọng/Sống Magazine

Du-VB.jpg1

Du Tử Lê,

Mấy tuần vừa qua trên mạng, người ta gởi cho nhau đọc một bài thơ được cho là của Du Tử Lê, viết về ngày 30 tháng 4. Trong một email mà tôi nhận được, bài thơ được trích như thế này:

Một bài thơ của Du Tử Lê,

(viết về 30 tháng Tư/ 1975)

Ai nhớ ngàn năm một nỗi mừngg Vỵ-DTL:Khúc cầu hoàng-yễn L-DTL:Khúc cầu hoàng-

Tháng tư đã đến rừng chưa thức

Mưa vẫn chờ tôi ở cuối đường

Có môi, không nói lời ly biệt

Và mắt chưa buồn như mộ bia

Tháng tư nao nức chiều quên tắt

Chim bảo cây cành hãy lắng nghe

Bước chân giải phóng từng khu phố

Và tiếng chân người như suối reo

Tháng tư khao khát, ngày vô tận

Tôi với người riêng một góc trời

Làm sao ngưòi biết trời đang sáng

Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi

Tháng tư sum họp người đâu biết

Cảnh tượng hồn tôi: một bóng cờ

Với bao chiêng, trống, bao cờ xí

Tôi đón anh về tự mỗi nơi

Tháng tư binh mã về ngang phố

Đôi mắt nhìn theo một nỗi mừng

Đêm ai tóc phủ mềm da lụa

Tôi với người chung một bóng cờ

Tháng tư nắng ngọt hoa công chúa

Riêng đoá hoàng lan trong mắt tôi

Làm sao anh biết khi xa bạn

Tôi cũng như người: Một nỗi vui

Tháng tư chăn gối nồng son, phấn

Đêm với ngày trong một tấm gương

Thịt, xương đã trả hờn sông, núi

Tôi với người, ai mang vết thương?

Tháng tư rồi sẽ ngàn năm nhớ

Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài

Mắt ai ngu sẽ như bia mộ

Ngựa có về qua cũng thiếu đôi

Tháng tư nhắc nhở ngàn năm nữa!

Cảnh tượng hồn tôi những miếu đền

Trống, chiêng, cờ, xí như cơn mộng

Mưa đã chờ tôi. Mưa… đã… mưa

Mai kia sống với vầng sao ấy

người có còn thương một bóng ai

Góc phố còn treo ngời lãnh tụ

Ai nhớ ngàn năm một bóng ai?

Mười người đọc, tôi nghĩ cả mười người đoan chắc là đây là bài thơ của thi sĩ họ Lê, bởi câu cú, vần điệu, chữ nghĩa. Tôi cũng thấy trong bài thơ trên có “chữ của ông”, nhưng tôi không tin bài thơ đó là của ông. Tôi không tin, bởi tôi hiểu (chút nào đó) con người ông. Có thể ông không muốn sống trong đám đông ồn ào, có thể vì ông không muốn đôi co, có thể ông có nhiều thiếu sót,… Rất nhiều thứ “có thể” từ ông, nhưng tôi tin ông không thể là người từ bỏ quá khứ, gốc rễ của mình.

Tôi chia sẻ suy nghĩ trên với Khánh Hòa. Khánh Hòa nói rằng bài thơ này rất quen, những từ “tháng tư” được lặp lại, hình như cô đã đọc được, và (cũng) hình như, báo Sống đã đăng bài này rồi. Tôi nói, nếu Sống đã đăng thì dứt khoát không thể là nội dung như thế này. Thế là chúng tôi bàn với nhau tìm ra sự thật ẩn sau những dòng thơ đầy ác ý này.

GioHoaThoiMoiLon_

Bài thơ “Ai Nhớ Ngàn Năm Một Ngón Tay” được in trong tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn”.

Hôm mùng 2 tháng 1, báo Cali Today News đăng bài viết của tác giả Nguyễn Ninh Hòa, trình bày rất rõ nội tình, cùng lúc Khánh Hòa tìm ra bài thơ “gốc” mang tựa đề “Ai nhớ ngàn năm một ngón tay” của Du Tử Lê, được in trong tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn”. Và Khánh Hòa cũng tìm được bài thơ mà Sống Magazine đã đăng trong số 143, kỷ niệm Tháng Tư Đen năm 2014. “Em nhớ là đã đọc bài thơ này. Nó quá hay và thích hợp trong số Tháng Tư Đen nên đã typing để anh đăng trong số ấy.” Khánh Hòa nhớ lại.

Bài thơ thích hợp với chủ đề, bởi những từ “tháng tư” được nhắc đi nhắc lại như dấu ấn buồn của một cuộc tình chia xa. Tháng Tư! Vận nước đã đen thì có cuộc tình nào sáng được đâu!

Bạn đọc cũng có thể tìm thấy nguyên văn bài này tại website của Du Tử Lê ở địa chỉ: http://dutule.com/D_1-2_2-44_4-1573_5-10_6-1_17-5380_14-2_15-2/#nl_detail_bookmark

Đọc xong bài thơ “gốc” và đọc lại bài thơ đã bị sửa một số câu, chúng tôi thấy được sự ngụy tạo vô cùng ác ý, nhắm vào nhà thơ Du Tử Lê.

Ác ý như thế nào, mời quý vị đọc lại bài thơ “gốc” của Du Tử Lê, kèm theo những dòng bị thay đổi (in chữ đậm) để thấy:

Ai Nhớ Ngàn Năm Một Ngón Tay

(sửa thành Ai Nhớ Ngàn Năm Một Nỗi Mừng)

tháng tư tôi đen rừng chưa khóc

mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya

có môi chưa nói lời gian dối

và mắt chưa buồn như mộ bia

tháng tư nao nức chiều quên tắt

chim bảo cây, cành hãy lắng nghe

bước chân ai dưới tàng phong úa

(bước chân giải phóng từng khu phố)

mà tiếng giầy rơi như suối reo

(Và tiếng chân người như suối reo)

tháng tư khao khát, đêm vô tận

tôi với người riêng một góc trời

làm sao em biết trăng không lạnh

và cánh chim nào không bỏ tôi?

tháng tư hư ảo người đâu biết

(Tháng tư sum họp người đâu biết)

cảnh tượng hồn tôi: một khán đài

(Cảnh tượng hồn tôi: một bóng cờ)

với bao chiêng, trống, bao cờ xí

tôi đón em về tự biển khơi

(Tôi đón anh về tự mỗi nơi)

tháng tư xe ngựa về ngang phố

đôi mắt nào treo mỗi góc đường

(Đôi mắt nhìn theo một nỗi mừng)

đêm ai tóc phủ mềm nhung lụa

tôi với người chung một bến sông

(Tôi với người chung một bóng cờ)

tháng tư nắng ủ hoa công chúa

riêng đóa hoàng lan trong mắt tôi

làm sao em biết khi xa bạn

tôi cũng như chiều: tôi mồ côi?

(Tôi cũng như người: Một nỗi vui)

tháng tư chăn, gối nồng son, phấn

đêm với ngày trong một tấm gương

thịt xương đã trộn, như sông núi

tôi với người, ai mang vết thương?

tháng tư rồi sẽ không ai nhớ

rừng sẽ vì tôi nức nở hoài

mắt ai rồi sẽ như bia mộ

ngựa có về qua cũng thiếu đôi!

tháng tư người nhắc làm chi nữa

cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ

trống, chiêng, cờ xí như cơn mộng

mưa đã chờ tôi. mưa… đã… mưa

mai kia sống với vầng trăng ấy

(Mai kia sống với vầng sao ấy)

người có còn thương một bóng cây?

(người có còn thương một bóng ai)

góc phố đèn treo đôi mắt bão

(Góc phố còn treo ngời lãnh tụ)

Ai nhớ ngàn năm một ngón tay?

(Ai nhớ ngàn năm một bóng ai?)

Từ một bài thơ tình, qua cách thay đổi văn từ, đã biến thành bài thơ ca ngợi chế độ, lãnh tụ cộng sản. Cái Ác nằm ở chỗ đó. Gieo cái Ác vào trong từng con chữ, đó là cái ác của một tên “đồ tể chữ nghĩa”.

Vẫn trong bài viết của Nguyễn Ninh Hòa (Cali Today News), tác giả cho biết:

Tôi gọi anh Du Tử Lê, và được biết (1) bài thơ đã bị thay đổi một cách tệ hại đến mức mà người đọc nếu tinh ý thì hiểu ngay rằng ngôn ngữ bị thay đổi mang trình độ ngây ngô của một học sinh lớp 3, chứ không phải của Du Tử Lê. Ví dụ như không ai nói “vầng sao” cả, mà phải là “vầng trăng”. Bài thơ bị thay đổi với ý định rất xấu, (2) bài thơ này viết vào thời điểm 1 tháng 5, 1984, không phải là thời điểm 30 tháng 4, 1975 và (3) Email Du Tử Lê viết như sau “…bài thơ của anh – Từ câu đầu tới câu chót, không có một ý tưởng một hình ảnh nào liên quan tới biến cố 30 tháng 4 – Nó là một bài thơ tình thuần túy. Anh viết từ năm 1984. Chỉ có những kẻ óc bã đậu mới có thể nghĩ rằng, đó là bài thơ nói về ngày 30 tháng 4 thôi,…”

Tôi hỏi Du Tử Lê: Anh có muốn lên tiếng đính chính không?

Du Tử Lê trả lời: Không!

Tôi hỏi tiếp: Tại sao?

Du Tử Lê trả lời: Tôi bị nhiều lần như thế và luôn không trả lời!

(Hết trích)

Email trao đổi riêng giữa tác giả bài viết và nhà thơ Du Tử Lê được đưa lên báo Cali Today News là chuyện “chẳng đặng đừng” của tác giả. Tôi không nghĩ Trần Ninh Hòa cố tình giải bày giùm Du Tử Lê, mà chỉ muốn trả lại cho bài thơ giá trị thật mà nó vốn có. Nó là một bài thơ tình thuần túy.

Tôi cũng chỉ kể lại câu chuyện, chúng tôi tìm bài thơ gốc như thế nào.

Chỉ vậy thôi!

Vũ Đình Trọng

……………………………………………………………………………………………………..

***LNĐ– Chúng tôi nhận được tập thơ mới: “Năm Chữ Ngàn Câu” của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, do Nhà Xuất Bản Sống ấn hành -Tháng 12-2014 . Chúng tôi đã nhiều lần có dịp giới thiệu tác phẩm của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ tới quý độc giả . Kỳ này, nhận thấy nhà thơ Du Tử Lê đã viết một bài phân tích “Thơ của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ” khá dồi dào những chi tiết xác đáng, chúng tôi trích đăng dưới đây để chia xẻ cùng quý độc giả và, trân trọng giới thiệu thi phẩm mới của Nguyễn Lương Vỵ tới bạn đọc gần xa – — NN ***

“Nước Rút” Và, “Đường Trường” Trong Hành Trình Thơ Nguyễn Lương Vỵ
Nguồn: vietbao.com-27/12/2014

Nam chu ngan cau.jpg1

Du Tử Lê

1. Cách đây gần hai chục năm, cố thi sĩ Nguyên Sa, trong một bài viết về thơ của một bằng hữu, ông nhấn mạnh tới hai ý niệm “nước rút” và, “đường trường”. Tuy nhiên, tác giả “Áo lụa Hà Đông” không khai triển hai ý niệm này đặc biệt này.

Theo tôi, ý niệm “nước rút” dành cho một người làm thơ, có thể hiểu:

– Ở giai đoạn khởi hành, chìm, lẫn giữa những người đồng thời, cùng có mặt trong một lên đường ồ ạt, đông đảo thì, bằng vào khả năng thiên phú, hắn đã bứt phá, tách thoát khỏi đám đông, để lao mình về phía trước, như một thành tựu lẻ, hiếm. Nhưng, với những ai có ít nhiều kinh nghiệm chữ, nghĩa, đều không ngạc nhiên, bất ngờ khi thấy nửa chừng, những tinh anh sớm phát tiết kia, đã không còn hiện diện ở tiền trường của quảng trường thi ca. Hắn chỉ còn được nhớ tới trong một thời vang bóng.

(Một bằng hữu của tôi, gọi những nhà thơ ở trường hợp này là “Thi sĩ của một thời”).

Còn ý niệm “đường trường”, vẫn theo tôi, dành cho một người làm thơ, có thể hiểu:

– Trong cuộc trường chinh chữ, nghĩa, nhà thơ chẳng những không cho thấy sự đuối sức hay, lập lại chính mình với chiều dài thời gian, tính bằng nhiều thập niên. Mà, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, cõi giới thi ca của hắn lại rạng rỡ, ngời sáng hơn; tiếp tục cống hiến người đọc, những đường kiếm huê dạng, mới; mở được những cánh cửa hình ảnh và, ngôn ngữ khác.

Ở trường hợp này, tôi cho họ là những thi sĩ tự thân có được một nội lực thâm hậu, (bên cạnh kinh nghiệm sử dụng chữ và, nghĩa). Nó không còn mang tính thiên phú hoặc…“trời cho” nữa. Đó chính là kết quả của những tháng, năm lao tác, thử nghiệm liên lủy, không ngơi nghỉ.

Hôm nay, sau gần hai mươi năm, cá nhân tôi thấy có một người làm thơ tương thích với hai ý niệm “nước rút” và, “đường trường” kia, đó là nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ

2. Nếu tính tới thời điểm cuối 2014 thì thi phẩm “Năm chữ ngàn câu” (1) của Nguyễn Lương Vỵ là thi phẩm thứ 9, kể từ tuyển tập “Âm vang và sắc mầu” xuất bản tại Saigon, 1991.

Những ai từng theo dõi hành trình thi ca của Nguyễn, hẳn còn nhớ, cuối thập niên 1960s, Nguyễn Lương Vỵ đã góp mặt trên tạp chí Văn, Saigon, với một bài thơ chỉ có 4 câu. Bài thơ hiện ra như một đường kiếm huê dạng, khác, lạ hẳn với những bài thơ cùng thời của những tác giả trẻ, mới nhập cuộc, mới lên đường, thời đó:

“Lung linh hồn quê cũ
Mây trắng phủ khắp trời
Nhớ trăng khô hết máu
Muôn trùng dặm núi ơi”.
(Nguyễn Lương Vỵ, “Nửa đêm thức dậy nhìn mây trắng”) (2)

Những người chú ý tới tiếng thơ lạ này, càng ngạc nhiên hơn nữa, khi được biết mấy câu thơ trên, được viết xuống, khi tác giả chỉ mới 16 tuổi.

Không lâu sau đó, những bài thơ kế tiếp của Nguyễn, vẫn cho thấy khả năng bứt phá, kiến tạo một hướng đi lẻ, hiếm, như:

“Biển đắp một tòa sương
Lạnh đôi bờ vú nhỏ
Nàng tắm trong tịch dương
Núi gầm lên khóc nhớ…”
(Nguyễn Lương Vỵ, “Cảm ứng”) (3)

Kể từ đấy, tới hôm nay, mỗi thi phẩm của Nguyễn Lương Vỵ là một thao-thiết mở ra những cánh cửa khác, cho ngôi nhà thi ca của mình.

Kể từ đấy, tới hôm nay, mỗi thi phẩm của Nguyễn Lương Vỵ là một đầu tư trí tuệ cật lực mở vào những chân trời mới.

Và, hôm nay, những người quan tâm tới cõi-giới thơ Nguyễn Lương Vỵ không còn lo lắng: Về đường trường tiếng thơ Nguyễn, có thể sẽ sớm rơi vào tình trạng đuối sức, “mất lửa”; khi qua gần 200 trang “Năm chữ ngàn câu” của ông, người đọc sẽ gặp được một cách dễ dàng (tới thảng thốt), những câu thơ lạ, mới như:

“Ngày rớt qua kẽ tay
Tháng rơi theo bóng ngày
Nghe năm cùng tháng tận
Nhìn bóng lửng hình lay
Sắc mầu im lắng nở
Âm vang nín lặng bay
Là lúc mùa giáp hạt
Em rớt qua kẽ tay”.
(Nguyễn Lương Vỵ, trích “Mùa giáp hạt”)

Hoặc:

Tuổi thơ cha khuất bóng
Tuổi già mẹ khóc con
Ta gặm câu thơ mòn
Chữ vô hồn vô nghĩa
Khói nhang rưng mộ địa
Em bay đi xa rồi
Trời đất vốn mồ côi
Vốn mịt mù huyễn mộng
Tiếng ma tru bi thống
Hay tiếng em gọi ta?!
(Nguyễn Lương Vỵ, trích “Hát khẽ bên mồ II”)

Hoặc nữa:

Câu thơ bay đi xa
Chẳng còn ai nhớ nữa
Chiều vàng vừa khép cửa
Đêm thu khoác vai ta
Chiếc lá khô nhớ nhà
Cây im không dám nhắc
Đất lạ trầm âm nhạc
Trời quen bóng phố gầy
Hỏi thăm nhau bóng lay
Tìm tay nhau bóng vỡ
(Nguyễn Lương Vỵ, trích “Không đề VIII”)

Vân vân…

3. Không kể thơ tự do, những thể thơ phổ cập tại quảng trường thi ca Việt, có thể liệt lê như: Năm chữ, bảy chữ, tám chữ và, lục bát!

Mỗi thể thơ, tự thân, đều có những ưu khuyết riêng và, sự đắc dụng của mỗi thể thơ, lại tùy nơi tài năng mỗi tác giả.

Với tôi, ba thể thơ dễ rơi vào tình trạng dư, thừa chữ là thơ bảy chữ, tám chữ và, lục bát. Thể thơ 6/8 này thường được các nhà thơ dùng để viết trường khúc hay, để thù tạc, đổi chác chút thực dụng! Có dễ vì thế mà, tôi nhớ, đã lâu, một tác giả từng viết xuống, đại ý, nếu phải đọc vài ngàn câu lục bát, để tìm cho được một câu lục bát hay thì, quá khổ cho người đọc!!! Nếu không muốn nói nó giống như một hình thức tra tấn trắng vậy…

(Tới giờ, chúng ta chỉ có duy nhất một Nguyễn Du, vị cha già của 6/8 trường thiên này mà thôi).

Đứng trước những thể thơ dễ dư, thừa chữ, thì thể thơ bốn và, năm chữ, được ghi nhận là hình thức tinh ròng, chắt lọc hơn cả.

Tuy nhiên, các nhà thơ của chúng ta hầu như ít ai muốn vũ lộng tài năng mình, với thể thơ 4 chữ – – Vì nó gần với “vè”. Nên hầu hết đều tìm đến với thơ 5 chữ.

Phải chăng cũng chính vì tính chắt lọc, kiệm chữ của thể thơ 5 chữ, mà nhiều kinh kệ đã chọn thể thơ này, để chuyển tải những ý nghĩa uyên áo của lẽ đạo?

Lại nữa, vẫn theo tôi, cũng chính vì tính chắt lọc, kiệm chữ của thể thơ 5 chữ, khiến rất ít thi sĩ chọn thể thơ này cho những trường thiên của họ.

Nói cách khác, nếu một thi sĩ không đủ hội đủ những yếu tố như nội lực, bề dầy kinh nghiệm sống, không kinh qua những thảm kịch dữ dội, khốc liệt trong đời thường …không ai muốn trở thành lố bịch hoặc, tự hủy mình bằng thử thách chinh phục đỉnh-núi-trường-thi-ngũ-ngôn.

Tôi nghĩ, tôi không hề bất cập khi kết luận: Nguyễn Lương Vỵ là người hội đủ những yếu tố cần thiết để chinh phục đỉnh-núi-trường-thi-ngũ-ngôn, vừa kể.

Nguyễn không chỉ có được cho mình một nội lực thi ca thâm hậu, một đam mê quyết liệt tới mức sẵn lòng đánh đổi mọi tiện nghi, may mắn (?) đời thường và, nhất là những thảm kịch, ngộ nhận mà Nguyễn đã trải qua tự những ngày thơ ấu tới hôm nay!…Tất cả vẫn còn đeo đẳng Nguyễn, như thể, đó mới chính là chiếc bóng, thẻ nhận dạng, song hành cùng Nguyễn trong cuộc trường chinh chữ, nghĩa mang tính sử-thi trên lộ trình thi ca của riêng ông…

Với tôi, sự kiện ấy còn mang tính nhất quán: Tính độc-hành của một Nguyễn Lương Vỵ, thi sĩ, từ khởi đầu, quá khứ; tới “Năm chữ ngàn câu”, hôm nay, khi ông đã bước qua tuổi sáu mươi – – Giữa nhân gian trợn trắng bi ai này.

Du Tử Lê,

(Calif. Dec. 2014)

……………

Chú thích:

(1) “Năm chữ ngàn câu”, Q&P hợp tác với nhà XB Sống, ấn hành, California, Dec. 2014.

(2) Trích Du Tử Lê, “Phác họa toàn cảnh sinh hoạt 20 năm VHNT miền Nam (1954-1975)”, quyển 1, trang 449. Người Việt Books ấn hành, California, 2014.

(3) Sđd.

======

Thơ Nguyễn Lương Vỵ

(Nhã Nhạc sưu tầm)

nha tho NLV

Nguyễn Lương Vỵ

Phố cổ Hội An
Tác giả: Nguyễn Lương Vỵ

Phố bên sông, sông bên phố
Tĩnh vật ngồi, tĩnh vật nằm
Ngói cũ thì thầm viễn xứ
Ta về ngó sửng trăm năm

Đường hẹp níu gót chân ai
Đường quanh nắng chảy loang dài
Chùa cổ ngậm ngùi sơn mới
Nao lòng bồ tát trường trai

Viên gạch se lòng ta lại
Cao lầu bánh tráng đăm chiêu
Em ơi, màu trăng cửa Đại
Vẫn còn như rứa, vàng xiêu?

Phố cổ chuông trầm như nhạc
Trầm mơ như những mái nhà
Nằm nghe trăm mùa lư lạc
Rêu phong u uẩn thơ ca…

=

Nhớ người Phụng Hiến
Tác giả: Nguyễn Lương Vỵ

Ngày sẽ hết tôi sẽ không trở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Bùi Giáng

Sẽ đi từ chốn quay về
Hồn du mục, cỏ nhà quê ngậm ngùi
Lời sương ý tuyết chia đôi
Đất ngâm ngấm lạnh bên trời mây bay

Sẽ đi từ cuối chân ngày
Từ đêm vô lượng ngón tay vô ngần
Mưa Nguồn, Chớp Bể hòa âm
Ngàn thu rớt hột nẩy mầm chiêm bao

Sẽ đi từ một điệu chào
Khóc cười náo nhiệt, nháo nhào tử sinh
Bài thơ muối mặn rùng mình
Gừng cay úp mặt tận tình tri âm

Sẽ đi từ một chỗ nằm
Đá vang tiếng ngựa, gió cầm tin hoa
Rưng rưng vũ trụ sáng lòa
Hài nhi khép mắt mưa qua nghìn trùng…

=

ÂM BẢN THÁNG MƯỜI

tặng Võ Chân Cửu

Nhớ rực rỡ biển một thời trẻ dại
Hồn tinh sương về lại cuối chân trời
Trời thu rộng gió thu cao gọi mãi
Nắng hanh vàng vang nhịp nắng xanh trôi

Nhớ lẫm liệt núi vẫn ngồi thinh lặng
Hồn đường thu vừa lắng chút dư âm
Âm rất mỏng mà sao nghe nằng nặng
Cánh buồm xa và những tiếng la thầm:

Sầu ngất áo sầu câm năm tháng cũ
Sầu im vai phai sắc gió thu phai
Người bạn nhắc một vài câu viễn phố
Ta ngồi nghe máu nở Khúc Chiều Tà

Chiều đất lạ chiều trời quen Bolsa
Chiều trầm huyết hương chiều ngân huyết hoa
Tháng Mười nắng cũng không đành tắt sớm
Nghe nhạc chờ xem ánh trăng mười ba

(Ô trăng mười ba kìa trăng mười ba
Nhặt tiếng chiều rơi phơi trước hiên nhà
Chạy u một hơi ra ngoài ngõ vắng
Hét lên đẹp quá trời xa trăng xa

Trắng Sonata vàng Sonata
Qui Nhơn Qui Nhơn bọt nước tê nhòa
Để cho bóng ta nhện sa bóng núi
Bơ vơ chín chiều Hoàng Hoa Hoàng Hoa)

Thời trẻ dại lướt qua như vệt nắng
Chữ hồn nhiên âm mặn đắng ngất âm
Màu viễn phố màu thu lam đã ngấm
Đã hóa trầm hóa nhạc hóa mênh mông

Sầu tịch mịch sầu bi âm buốt lá
Sầu tàn canh tầm nã dấu hương bay
Người bạn nhắc bóng ngày trên vách đá
Ta ngồi xem chiếc lá ngủ trên tay

Nhớ nghiệt ngã những luống cày hư huyễn
Hồn tinh sương thệ nguyện đã lâu rồi
Gió thu rộng trời thu cao ngất tiếng
Tuyệt mù âm thu bén gót về thôi

Nhớ ấm lạnh môi người câu chuyện kể
Hồn đường thu trăng xế xót cầm thu
Cầm thu tạnh gió thu phai rất nhẹ
Nhắn tình sau thương ý trước cho dù…

10.2012

Nguyễn Lương Vỵ

………………………………………..

THƠ DU TỬ LÊ

GioHoaThoiMoiLon_

Hình bìa tác phẩm “Giỏ hoa thời mới lớn”

Khúc cầu hoàng
Tác giả: Du Tử Lê

Xin mắt mở tạnh trăm miền bão rớt
Môi ô mai xin muối mặn lời vàng
Tình đắm đuối khôn nguôi hồn thảng thốt
Tay tham lam không thể đợi giờ mềm
Người linh hiển trên đỉnh cùng gió cuốn
Chân chim khuyên chưa bước xuống cuộc đời
Cánh buồm nào đã khép kín hồn tôi
Và đã thả trôi sông nghìn ước vọng
Tôi đã lạc bên kia bờ sự sống
Thân khô rang mong từng hạt mưa nhuần
Xin hơi thở đèn hương tim thánh thiện
Trăm năm xin son phấn một tên người
Khi hạnh phúc không dung cùng khốn khó
Ai sinh ra được chọn đúng đời mình?
Tôi lớn lên biết mỗi điều duy nhất
– Sao khi không ta lại phải làm người!
Trời tối mau mưa ướt vội sông dài
Năm tháng cũ sủi tăm cùng nỗi chết
Xin tay ngọc gối êm tình thảm thiết
Cây xin xanh đừng ngại lúc hanh vàng
Trời xin cao cho đáy mắt em ngoan
Gió xin nổi trong hồn tôi tơi tả
Tóc xin chảy chia trăm dòng (rất lạ)
Mỗi trôi đi dung một bước quay về
Mỗi lênh đênh dung một ý não nề
Mỗi quanh quẩn chứa chan nghìn thất lạc
Xin khúc hát vọng âm từng cửa ngực
Vỡ từng thân đá cổ, lệ xin tan
Vỡ lời buồn ẩn khát một truy hoan
Thắp tuyệt vọng sáng lên cùng chí quẫn
Tôi cúi mặt ngó bóng mình lật sấp
Trên đoạn đường bấy nát đạn bom vui
Có chăng nào phiêu lãng đã bao nơi
Mà suốt cuộc đời nghe mình héo lụn
Xin thân xác lõm in mười ngón nhọn
Xin răng thơm cắn vỡ giọt – tôi – sầu
Xin mưa bay trên vạt áo nhiệm mầu
Cuốn tôi lại trong kén – người – hạnh – phúc
Xin chân sa – trong tình tôi ngập lụt
Đôi cánh vàng xin bỏ lại trên cao
Miệng hoa cau xin kết nụ ngạt ngào
Tay kim chỉ xin khâu tình rách rưới
Giường êm ái – xin người ngoan giấc ngủ
Ván cây này xẻ tự khối tình tôi
Nệm drap này dệt bởi sợi tương lai
Chăn mùng nữa chính lòng tôi chân thiết
Cửa xin khép cho đêm đừng cay nghiệt
Sáng xin hồng cho nắng ấm trưa mai
Chiều xin vàng – lấy lá lót chân ai
Bước ngượng nghịu trong mắt nhìn (thấy ghét)
Môi rát bỏng bởi chưng tình cuống quýt
Hồn tham lam nên ích kỉ khôn cùng
Mộng sẽ mềm trên từng lá me sương
Người sẽ khóc giữa không – ngờ – hạnh – phúc
Cho tất cả – xin cho đừng luyến tiếc
Tình không dung một cân nhắc bao giờ
Phút giây nào người còn ý so đò
Xin đừng đến để tình tôi khỏi tủi
(Vì hạnh phúc không dung cùng khốn khó)
Tôi lấy gì để sửa lễ cầu hôn
Biết lấy gì để đổi được lòng tin
Tôi chỉ có thủy chung làm vốn liếng
Mắt xin mở tạnh nguôi nghìn thảm thiết
Môi ô mai xin muối mặn hồn này
Người linh hiển trên đỉnh cuồng gió cuốn
Bước một lần xin bước xuống đời tôi
Bước một lần như thần thánh bỏ ngôi
Chung than củi với một người phẫn chí.

Du Tử Lê

(Trích trong:”Giỏ Hoa Thời Mới Lớn- Trang 38)

……………………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics