1."Em không về"(Sơn Trung)-2.Hành trình văn chương Võ Phiến (DTL)-3.Song Thao-Hoàng(dtl.com)

Fwd: Chia xẻ nỗi lòng
Kim Vu to me -(Hình minh họa, BT sưu tầm)

em 1

Mình forward bài thơ “Em không về” của anh Nguyễn Thiên Thụ tưởng nhớ tới người bạn
trăm năm Nguyễn Tuyết Hồng mới ra đi! Không biết BT đã đọc chưa?

KL

**BT chú thích:Ngày 26-7-2014, bạn đồng môn TV 53-60 của chúng tôi , Nguyễn Tuyết Hồng, qua đời tại Canada, chúng tôi đã một lân ngậm ngùi chia xẻ niềm đau với phu quân của bạn là anh Nguyễn Thiên Thụ-bút hiệu Sơn Trung-, cùng tang quyến (Trang Cựu NS/TV 53-60) . Hôm qua, bạn Kim Long gửi chúng tôi bài thơ “Em không về” của anh Sơn Trung Nguyễn Thiên Thụ lại khiến chúng tôi, một lần nữa, thương nhớ bạn và xúc động với nỗi niềm cô đơn của anh Thiên Thụ bày tỏ trong bài thơ . Xin chia xẻ với TV 53-60 và quý độc giả . – BT**

==========================

> Thân gửi các bạn để cùng chia xè
> SƠN TRUNG * EM KHÔNG VỀ
> ———————–
> Best Regards,
>
> Son Trung Thu Trang: http://son-trung.blogspot.com/

Wednesday, September 10, 2014
SƠN TRUNG * EM KHÔNG VỀ

em 2

EM KHÔNG VỀ

em nóng lạnh cảm sốt
đau nhức toàn thân,
Các con đưa em đi cấp cứu
em vào phòng săn sóc đặc biệt
vài hôm sau em vui vẻ báo tin
cuối tuần em sẽ trở về
nhưng nửa đêm bệnh trở nặng
em kêu khó thở
rồi em đi

anh vào bệnh viện
em thở oxy
bảng điện kế nhấp nháy màu đèn đỏ
anh cầm tay em
hai hàng lụy nhỏ
em đã bỏ anh rồi
em đã đi thật xa
em không trở về tổ ấm của chúng ta!

vài hôm sau
các con đưa em vào nhà tang lễ
bốn bề quạnh quẽ
em nằm trong quan tài lạnh giá
xung quanh những vòng hoa tang
con cháu, anh em, bạn bè đến chào em lần cuối
đôi nến lung linh
hai hàng lệ ứa
em cười hay em khóc?
Anh cố nén tiếng nấc
để em thanh thản lên đường.

anh theo xe tang
đưa em vào nghĩa trang
đến giờ hạ huyệt
con cháu, anh em, bạn bè
gửi em những đóa hoa vĩnh biệt.

em ở lại đây
em không về ngôi nhà của chúng mình nữa
em ở lại với những hàng bia mộ trắng
với thảm cỏ xanh có hoa vàng,hoa trắng,
và trời hè Canada bừng nắng.

em ơi
hương còn nồng
tình còn thắm
sao trời xanh nỡ bắt tội chúng mình ?
anh là một thư sinh
yêu em
làm thơ và mê sách
hai chúng ta sống đời thanh bạch
cùng nhau xây dựng cuộc đời
cùng chung bao nỗi buồn vui
qua bao cơn bão tố
vẫn không bao giờ xa cách
thế mà nay
anh mới hiểu thế nào là bạn đời
thế nào là lẻ loi.
em ơi,
những đêm dài anh bật khóc
phải chăng ban đêm là thời gian của cô độc?

nhà chúng ta có hoa viên xanh mướt
do bàn tay em săn sóc.
có dàn bầu, dàn bí
có hàng đậu, hàng cà chua
có hoa hồng, hoa cúc
hoa thơm sực nức
những buổi sáng trời hững nắng
và những buổi chiều gió bắc cực về lạnh
có đôi bướm trắng, bướm vàng bay quanh
nhưng không thấy em qua lại giữa những hàng cây xanh
nâng niu những bông hoa hồng hoa trắng.
khu vườn vắng lặng
em đã đi xa thật rồi
em không trở về ngôi nhà cũ nữa
em ơí! em ơí!

20-8-2014

em 3

Posted by sontrung at 10:40 AM

…………………………………………………………………

Hành trình văn chương Võ Phiến
Friday, September 12, 2014

Du Tử Lê

em 4

Võ Phiến là một trong những nhà văn hàng đầu của 20 năm VHNT miền Nam, giai đoạn 1954-1975. Giai đoạn sự nghiệp văn chương của ông đạt tới đỉnh cao nhất là thập niên 1960s, khi ông di chuyển từ miền Trung vào Saigon. Ðó là thời gian ông xuất bản những tác phẩm được nhiều người biết tới, như: “Ðêm Xuân Trăng Sáng,” “Giã Từ,” “Thương Hoài Ngàn Năm,” hay “Thư Nhà,” “Ðàn ông,” “Ảo ảnh,” “Phù Thế” v.v…

Ông bà Võ Phiến 2011 ở vườn sau nhà. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Trong một tiểu luận của nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh, ở hải ngoại, trước khi đề cập tới văn nghiệp của nhà văn Võ Phiến, thuộc thập niên 1960s, họ Nguyễn viết:

“…Miền Nam vĩ tuyến thứ 17 sau 1954 vốn quen với hai luồng văn học từ hai thủ đô văn nghệ, một mới, Sài Gòn và một cũ, Hà Nội, đã ngạc nhiên đón nhận một nhà văn từ miền Trung là miền đến lúc ấy vẫn nổi tiếng về thơ hơn là văn: nhà văn Võ Phiến gây chú ý ngay từ những tập truyện ngắn đầu tay xuất bản ở Qui Nhơn vào đầu nửa cuối thập niên 1950: Chữ Tình xuất bản năm 1956 và Người Tù một năm sau đó. Lúc đó ông cộng tác thường xuyên với tạp chí văn chương Mùa Lúa Mới ở Huế và gửi bài đăng trên Bách Khoa và Sáng Tạo ở Sài Gòn. Hai tập truyện ngắn Chữ Tình và Người Tù ra đời hợp không khí chính trị những năm đầu của nền đệ nhất cộng hòa, về văn chương không có mới lạ, có thể nói bình thường, hơi quê, văn theo tiêu chuẩn chung, chưa đặc sắc…” (Wikipedia – Mở).

Vẫn theo nhận định của Nguyễn Vy Khanh thì phải:

“…Ðến Ðêm Xuân Trăng Sáng, xuất bản năm 1961, tập truyện ngắn đồ sộ về số trang (370 trang, sau tách thành hai cuốn ÐXTS và Về Một Xóm Quê khi tái bản), Võ Phiến được người đọc nhìn như một tác giả điêu luyện, có tính chất “thời đại” với những phân tích tâm hồn và quan sát con người rất tinh tế. Nhân vật của ông thêm sức mạnh và “bản lĩnh”! Ðêm Xuân Trăng Sáng gồm 8 truyện ngắn Lẽ Sống, Tâm Hồn, Anh Em, Ðêm Xuân Trăng Sáng, Thị Thành, Thác Ðổ Sau Nhà, Về Một Xóm Quê, Tuổi Thơ Ðã Mất đến với người đọc như một đảm bảo văn tài của tác giả Võ Phiến. Nhìn chung, qua các truyện ngắn này, Võ Phiến chứng tỏ tài quan sát và phân tích tâm lý con người, tận cùng sâu thẳm của con người, tài xây dựng nhân vật vừa điển hình vừa đặc thù. Các nhân vật sống động với bề mặt diện mạo cử chỉ và bề sâu tâm tình súc tích. Họ là những người dân quê, là những ông phó lý, chủ tịch Liên Việt, những quân nhân hay ông tướng Hùng Sơn hoang đường…” (1)

Ðó cũng là thời gian giới văn nghệ sĩ miền Bắc di cư vào Nam, hiện diện một cách lấn lướt, ồn ào ở hầu hết mọi sinh hoạt VHNT: Từ báo chí tới thơ, văn, âm nhạc, phát thanh, hội họa, kịch nghệ…

Do đấy, tôi không biết vì lý do tế nhị, hay bắt nguồn từ một nguyên nhân nào khác, một số nhà văn có ảnh hưởng lớn thời đó, như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Trần Phong Giao… đã đồng tình chọn nhà văn Võ Phiến, như một tài năng văn xuôi, đại diện cho những cây bút miền Trung. Và, nhà văn Bình Nguyên Lộc là ngọn cờ đầu của văn xuôi miền Nam…

Sinh thời, cố thi sĩ Nguyên Sa cũng biểu đồng tình với chọn lựa vừa kể, khi ông nhấn mạnh, đó là chọn lựa mang tính “quân bình ba miền đất nước.” Hoặc dí dỏm hơn khi ông dùng cụm từ “nhu cầu cân bằng sinh thái.”

Theo tôi thì, nhà văn Võ Phiến không phải là người tạo được văn phong (style) riêng, mới như Mai Thảo. Khi Mai Thảo là người khởi đầu cách biến những động tự, tính tự, trạng tự, giới tự, thậm chí liên tự… thành danh từ, làm chủ từ cho một mệnh đề.

Thí dụ, ngay từ truyện ngắn đầu tay, tựa đề “Ðêm Giã Từ Hà Nội,” viết năm 1954, phổ biến năm 1955, nhà văn Mai Thảo đã ra khỏi truyện ông bằng câu:

“…Bóng Phượng, bóng Thu nhạt nhòa dần. Rồi mất hẳn.”

Về phương diện ngữ pháp, “rồi” là trạng tự. Trước ông, chưa một nhà văn nào dùng trạng tự làm chủ từ cho một câu văn.

Cũng ở truyện ngắn vừa kể, Mai Thảo đã vào truyện bằng hai mệnh đề độc lập mang tính ẩn dụ khá dữ dội là:

“Phượng nhìn xuống vực thẳm.
“Hà Nội dưới ấy.” (2)

Lại nữa, với trích đoạn sau đây từ truyện ngắn “Những Tấm Hình Của Chị Thời,” Mai Thảo còn đi xa hơn trong nỗ lực tạo một văn phong riêng cho mình, khi câu văn của ông, đôi khi chỉ có vài ba chữ… Văn phong này trước ông, người ta chỉ thấy trong thi ca chứ ít thấy xuất hiện trong văn xuôi:

“Và bây giờ là một đường phố xa lạ, chẳng có bướm vàng chẳng có bạn cũ. Những chùm hoa phượng đỏ chói của tuổi nhỏ bông hoa đã nở. Ðã rụng. Một năm học mới bắt đầu. Một năm học phường phố đầy vẻ xa lạ thù nghịch. Thù nghịch ngay từ căn phố Nhị vừa đặt chân tới. Thù nghịch ngay từ ngôi nhà ở đó những ngày trọ học của Nhị đã bắt đầu với Nhị bằng cái cảm giác rùng rợn của một kiếp lưu đày.”

Cách viết của Mai Thảo, sau đấy được nhiều người áp dụng. Hiện nay, nó đã trở thành bình thường, quen thuộc đến độ không còn ai bận tâm, thắc mắc về người khởi xướng!

Theo tôi, nhà văn Võ Phiến cũng không tiêu biểu như Bình Nguyên Lộc, người thủy chung chủ tâm chọn ăn ở ngôn ngữ Nam bộ.

Võ Phiến không cho thấy chủ tâm văn chương hóa những ngôn ngữ đặc thù của miền Trung. Chưa kể, khi di chuyển vào Saigon, ngôn ngữ địa phương ít ỏi, trong văn chương Võ Phiến đã rơi, rụng, dần

Vẫn theo tôi, tác giả “Thác Ðổ Sau Hè” cũng không bận tâm nhiều về những vấn đề mang tính triết lý, như sự phi lý của kiếp người hoặc, những vấn nạn thuộc về siêu hình, như vấn đề phải chăng thượng đế đã chết? Ông cũng không dễ dãi buông mình trôi theo những trào lưu văn chương, có tính cách thời thượng như hiện sinh, hay phong trào văn chương mới…

Võ Phiến là nhà văn chọn đi tiếp con đường của văn chương tiền chiến, với căn bản là sự ghi nhận những dữ kiện xã hội nổi bật, và nhất là khai thác tâm lý nhân vật…

Tuy nhiên, với biệt tài quan sát, phân tích tới chi ly, tỉ mỉ mọi sự kiện, kể cả những sự kiện nhỏ bé nhất, một khi lọt đã vào tầm nhắm của Võ Phiến, thì chúng được ông cho chúng một chiếc áo khác. Một linh hồn khác… Phải chăng vì thế, ông đã được phong tặng danh hiệu: Người có khả năng “chẻ sợi tóc làm tư.”

Về điểm này, nhà văn Nguyễn Vy Khanh, khi viết về giai đoạn mà, sự nghiệp văn chương của Võ Phiến nở rộ nhất, ở thập niên 1960s, cũng ghi nhận nhau sau:

“…Võ Phiến, một cây viết mới và ‘khác’, ông chẻ sợi tóc làm tư, viết những chuyện như ‘cái chạy loanh quanh của một con kiến vàng trên cái tay đầy những sợi lông măng của nàng’, hay truyện một anh cán bộ bị ‘phục viên’ vì sốt rét ngã nước. Nằm một chỗ tình cờ anh nhìn thấy một hạt thóc vương vãi đã nẩy mầm và cái lá non nhỏ đã nhú đang bay phe phẩy. Trong truyện Băn Khoăn, con người kháng chiến cũ ngồi ôn lại ‘quãng đời đầy buồn thảm, gớm ghiếc’ vừa qua đó của mình. Nơi kháng chiến, những cán bộ ở rừng như Lung (MÐCN) đạo đức khả nghi, đời sống sinh lý quá phóng túng, bất thường. Thác Ðổ Sau Nhà là một kết cuộc tự nhiên của Hạnh bỏ chồng vì anh đã bị vong thân chỉ nghĩ đến lợi dụng! Ðêm Xuân Trăng Sáng là một tập truyện ngắn đúng nghĩa, súc tích về bề dày, về nghệ thuật viết của tác giả. Cái tinh tế từ ba tập truyện đã xuất bản nay thành cay chua tàn nhẫn hơn…” (3)

(còn tiếp)

Chú thích:

(1) (3) Nđd.

(2) Nhà văn Trần Thanh Hiệp (hiện cư ngụ tại Pháp) hơn một lần kể rằng, truyện ngắn đầu tay “Ðêm Giã Từ Hà Nội” của Mai Thảo gửi cho báo Người Việt, Saigon, 1955 (tiền thân của tờ Lửa Việt, tiếng nói của Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh miền Bắc Di Cư mà họ Trần là Chủ Tịch) – – Thanh Tâm Tuyền là người mở đọc trước nhất, khen hay và cho đăng ngay, với lời nhắn mời Mai Thảo ghé thăm tòa soạn… Khởi từ đó, sau này, Mai Thảo trở thành thành viên của nhóm Sáng Tạo và ông được giao trách nhiệm trông nom tạp chí Sáng Tạo.

…………………………………………………..

NGUỒN:dutule.com
Văn Học Nghệ Thuật | Văn-Bằng Hữu

SONG THAO – Hoàng

09/16/2014 02:18 PM
Tác giả : Song Thao

Dẫn: Bài viết về Nguyễn Xuân Hoàng sau đây được viết khi được tin Hoàng lâm trọng bệnh. Tháng 4/2014 tôi đã gửi Hoàng đọc bài này, và anh có nhuận sắc một số chi tiết. Ngày 24/4, Hoàng mail cho tôi: “OK. Mày sửa như vậy là tốt lắm”.

em 5

Hoàng và tôi là bạn “mày tao”. Kể cũng lạ. Thường thì bạn kiểu xưng hô “mày tao” với nhau là bạn từ thời còn đi học. Chỉ có những ngày thơ dại đó mới đủ thân tình để gọi nhau một cách sỗ sàng như vậy. Tôi vẫn còn mấy ông bạn thời đó. Ông thì từ hồi học tiểu học, ông thì từ hồi đệ ngũ đệ lục thời trung học. Ông nào ông nấy nay đã đầu bạc, răng long lại mọc thêm một cái chân gỗ hoặc chân sắt. Gặp nhau vẫn cứ “mày tao” khiến cho mấy bà nhăn mặt. Già rồi, ăn nói cho đàng hoàng kẻo tụi trẻ nó cười cho. Mặc, thấy mặt nhau vẫn cứ rổn rảng “mày tao”.

Trường hợp tôi với Hoàng có lẽ là hiếm. Hoàng là người duy nhất không học chung với tôi mà “mày tao”. Không, kể cũng có học chung. Khoảng cuối thập niên 1960, tôi với Hoàng đều cùng học tiếng Đức tại Trung Tâm Văn Hoá Đức Goethe Institut trực thuộc toà Đại Sứ Đức ở Sài Gòn. Cùng đi học nhưng chúng tôi chỉ gặp nhau ở ngoài sân vì không cùng chung lớp. Gặp nhau, cười toe, mỗi đứa một góc sân. Kể ra thì cũng là bạn học đó, nhưng hơi trễ, trước đó chúng tôi đã trót “mày tao” rồi. Hoàng cũng là bạn văn duy nhất mà tôi thoải mái “mày tao”. Không có trường hợp thứ hai.

Chúng tôi gặp và quen nhau vào những năm đầu của thập niên 1960, khi cùng cộng tác với tờ Văn Học của Phan Kim Thịnh, do Dương Kiền làm chủ bút, toà báo đặt tại nhà in của Nguyễn Ngọc Nhạ, em của ông Nguyễn Ngọc Linh, trên đường Lê văn Duyệt. Thường chúng tôi chỉ gặp nhau cuối tuần, ngồi tán dóc với nhau rồi giải tán. Vậy mà tôi với Phan Kim Thịnh, Dương Kiền thì “ông tôi” mà tôi với Hoàng lại “mày tao”. Chẳng hiểu tại sao.Tới bây giờ cũng vẫn chưa hiểu tại sao.

Ngày đó “cậu” Hoàng là một người được đời ưu đãi. Cao ráo, đẹp trai, nhà văn thời thượng lại còn là Giáo Sư Triết trẻ măng của trường trung học nổi tiếng Petrus Ký. Nhìn sang góc nào, cậu cũng vẫn sáng choang. Khỏi nói cậu là típ người hào hoa phong nhã, hoa hoét nở tưng bừng chung quanh. Sau một năm dạy ở trường Ngô Quyền, Biên Hòa, chắc Bộ Giáo Dục thấy nhốt một chàng nhà giáo như cậu ở tỉnh lẻ quá phí của trời nên đổi cậu về trường Petrus Ký. Gặp tôi, cậu Hoàng vui ra mặt.

Chúng tôi ít nhìn thấy nhau từ sau khi tôi thôi học tiếng Đức. Nói chi gặp nhau. Cho tới khi mất nước. Thời gian đó cậu Hoàng giữ tờ Văn, đường văn nghệ của cậu thênh thang. Cậu bận tíu tít, tôi cũng chẳng rảnh rang chi, cả hai hình như chẳng có ý tìm nhau để “mày tao”.

Hoàng dzọt được vào năm 1985, tôi cũng đi vào năm 1985. Hoàng qua Cali, tôi định cư ở Canada, hai phương trời cách biệt. Tôi bị cuộc sống giữ chân tới năm 1990 mới cầm viết lại. Còn Hoàng làm Tổng thư Ký cho tờ Người Việt của Đỗ Ngọc Yến. Có dễ tới cả mười lăm năm, chúng tôi chỉ nghe tin nhau. Tháng 4 năm 1989, Hoàng qua Montreal ra mắt tạp chí Thế Kỷ 21 mà anh làm chủ bút. Lúc đó Đỗ Quý Toàn còn định cư ở Montreal, là người đứng ra giới thiệu Hoàng với cử toạ. Tôi ngồi ở bên dưới, nhìn bạn mình trên bục cao, cứ ngỡ là chúng tôi chưa cách xa nhau bao lâu. Khi Hoàng nhận ra tôi, anh chạy tới, vỗ vai (hơi mạnh tay), hỏi: “Mày ở đây à?”. Hoàng ký cho tôi cuốn Sa Mạc của anh do nhà Xuân Thu ấn hành trong cùng năm đó. Hoàng dặn tôi viết được gì gửi qua cho anh. Lúc đó cuộc sống khởi đầu lại nơi xứ người còn đang quất tôi tối tăm mặt mũi nên nào có viết được chi. Tôi ừ hử cho qua chuyện.

Có lẽ cũng vì lời dặn tha thiết của Hoàng nên tôi cứ bồn chồn ngứa ngáy bàn tay. Chưa đầy một năm sau, tôi viết lại. Phần vì cái vỗ vai của Hoàng nhưng phần lớn vì bốn câu thơ khích tướng của Luân Hoán, người cũng cùng viết cho Văn Học ở Sài Gòn nhưng cư ngụ ở Đà Nẵng nên ngày đó chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau. Nợ cơm áo, nợ xe nhà / Cong lưng anh trả tà tà sướng chưa? / Nợ văn chương há chịu thua? / Ở đây giấy bút quá thừa, mời anh!

Năm 1992 tôi mới lần đầu tiên qua Cali thăm bạn bè. Tới toà báo Người Việt gặp Nguyễn Xuân Hoàng. Người ra gặp tôi trước ngoài phòng khách lại là Đỗ Ngọc Yến. Lúc đó Hoàng đang bận tối tăm mặt mũi trước giờ in báo, Yến nghe tin tôi tới vội ra gặp. Yến dụ tôi qua Cali làm báo với anh em cho vui, Hoàng ra sau đó, dụ tôi tiếp. Qua thì muốn qua quá nhưng làm sao mà qua khi đã mọc rễ ở Montreal rồi.

Nếu ngày đó tôi xiêu lòng khi nghe lời đường mật của hai ông bạn, chắc Hoàng với tôi sẽ không phải, chẳng được xuân thu nhị kỳ, mà vài niên mới ngó thấy cái bản mặt nhau như bây giờ. Mỗi lần lại hốt hoảng thằng nọ nhìn mặt thằng kia lắc đầu cho cái trò ảo hoá của anh trời già. May mắn là cả Hoàng và tôi chưa đứa nào phải dùng thuốc nhuộm tóc. Qua đầu thế kỷ mới, năm 2000, gặp nhau tại Boston trong dịp ra mắt tập thơ Đứng Dưới Trời Đổ Nát của Phan Xuân Sinh, tóc hai chàng trai già tuy không còn đen nhánh nhưng trông vẫn được mắt. Vẫn cứ “mày tao” như thuở nào. Vẫn cứ như những người đi trên mây. Sáu chịch mà cứ tưởng như vẫn còn soan.

Thời gian cứ cà rịch cà tang. Hoàng và tôi vẫn cứ ngàn trùng xa cách. Gặp nhau lại phớt lờ anh thời gian, bá vai bá cổ mày mày tao tao. Lạ! Mồm miệng chẳng thấy ngượng nghịu. Răng cỏ vẫn còn nguyên vẹn cả, lấy chi để mà già. Vài năm mới ngồi cạnh nhau mà tưởng như mới gặp nhau ngày hôm trước. Lần gặp sau, ba năm sau đó, coi bộ vẫn còn khí phách. Lần đó, năm 2003, Hoàng qua chơi Montreal, tiện thể ăn cưới con gái tôi. Chàng bảo là tới Montreal mấy lần mà như cóc bỏ đĩa, chẳng biết cóc chi! Luân Hoán và tôi bèn làm hướng dẫn viên cho chàng du khách đi thăm thú hang cùng ngõ hẻm thành phố. Thành phố này cũng hay nhỉ, Hoàng phán. Sau này, Hoàng vẫn ao ước được sang chơi thăm bạn bè lần nữa. Năm nào cũng hứa hẹn.

Lại ba năm sau nữa, năm 2006, tôi qua Cali chơi. Lúc này Hoàng đã định cư ở San Jose làm chủ bút tờ Việt Mercury. Tình cờ sao mà Hoàng cũng lên Little Saigon. Vậy là trùng phùng. Lại mày mày tao tao, làm như không có ba năm xa cách. Bốn năm tiếp theo không thấy mặt nhau. Năm 2010, tôi xuống tận San Jose gặp Hoàng. Tóc chàng bạc trắng như cước. Tôi nhìn mảng tuyết trên đầu Hoàng mà mắt dựng ngược. Sao vậy? Hoàng cười: “Tao nhuộm trắng đấy chứ!”. Cứ tin như vậy đi. Kể từ khi Hoàng nhận viết blog cho đài VOA, chúng tôi thường điện thoại hoặc mail cho nhau. Hoàng than như bọng. Than buồn chán, than không viết được chi. Tới khi Hoàng mail cho tôi “bây giờ tao mới hiểu tại sao người ta có thể tự tử được”, tôi thấy hoảng. Tôi điện thoại qua bơm chút hơi cho bạn. Gặp nhau, Hoàng kéo tôi đi cà phê Starbucks buổi trưa. Buổi tối, Hoàng và Vy đãi vợ chồng tôi ăn ở La Paloma.

Ba năm nữa đã trôi qua, những lần gặp nhau cóc nhẩy tính theo đơn vị vài năm chưa qua con số ba năm tối thiểu, vậy mà Hoàng luôn nhắc tôi qua chơi. Tôi hẹn lần hẹn lữa. Rồi có lúc tôi rủ Hoàng qua Montreal chơi với anh em ở đây. Tao thích lắm nhưng…Bỗng một bữa tôi nhận được mail của Hoàng trách tôi tại sao tới San Jose mà không cho bạn biết. Tôi ngạc nhiên. Tìm hiểu ra mới biết người từ Montreal qua San Jose là Hoàng Xuân Sơn. Hoàng tưởng nhầm là tôi. Hoàng muốn gặp tôi thêm một lần nữa. Tôi cũng muốn qua San Jose gặp Hoàng. Nhưng cuộc sống ít khi thoả thuận với con người. Ba năm nay chúng tôi không gặp nhau.

Lần đi uống cà phê Starbucks chúng tôi gợi lại những ngày xưa cũ, khi cậu Hoàng còn hết sức le lói, Hoàng cười toe. Tôi xúi Hoàng viết hồi ký. Hoàng hứng chí gật đầu. Nhưng anh hùng còn e dè: chưa được đâu! Tôi xúi thêm: cứ viết đi, được tới đâu mail qua cho tao giữ. Tới giờ, quản thủ viên vẫn chưa thấy trang viết nào.

Tháng 6 năm 2013, Hoàng nói trong điện thoại: “Tao đau cột xương sống quá. Chẳng biết nó là cái gì!”. Hoàng nói vị trí, đốt xương thứ mấy nhưng tôi chỉ nghe qua loa. Đau là đau. Đốt nào chẳng vậy. Hỏi giỡn: mày còn nhúc nhích được không? Vẫn lái xe đi uống cà phê được, nếu không, buồn chết!

Cuộc điện đàm sau đó Hoàng cho biết buổi chiều sẽ lên một bệnh viện ở Stanford có nhiều phương tiện hơn. Chẳng biết nó là cái quái gì đây! Cái quái nó tác quái thật. Một bạn đọc trẻ tuổi ở San Jose mail cho tôi: “Bác Hoàng bị cancer xương nặng lắm. Mới phát hiện chừng hai tháng nay mà spread nhanh quá. Hôm qua bác Hoàng vô Stanford rồi bị tóm lại không cho về nữa, mà xuống ký nhanh quá, mất 30 pounds trong một tháng, không còn đủ sức để chữa trị”. Tá hoả tam tinh, tôi ngồi thừ đầu óc trống rỗng. Hoàng ơi, tội cho mày quá! Tao làm chi được cho mày bây giờ!

Hai ngày liền đầu óc tôi khật khừ. Loay hoay tìm tin tức của Hoàng. Mò vào blog Sáng Tạo kiếm thơ Đinh Cường. Chẳng là hồi này ông Đinh Cường làm thơ tả tình tả cảnh liên miên hầu như hàng ngày. Chuyện lớn chuyện bé ông cho leo vào thơ hết. Y như rằng, tôi bắt được chút lòng của ông Đinh Cường.

ôi sóng biển Nha Trang và hàng thùy dương reo
hay những đêm sương mù đàlạt nhớ không hoàng
búng mẩu thuốc tàn nhìn theo đốm lửa
khuôn mặt bạn ngầu như james dean
hoàng ơi hãy tự mình chữa lấy mình
nhưng làm sao nguôi được cơn đau ở đốt xương

tôi ở xa nhớ bạn vô cùng đi bộ vòng quanh xóm
nhìn xuống lòng đường bao nhiêu là vết nứt
cũng như chúng ta làm sao mãi còn sung sức
chỉ mong còn trong nhau một tình bạn không rời…

Hoàng còn nằm trong bệnh viện, điện thoại coi như đồ bỏ, tôi chặc lưỡi thử anh internet coi ra sao. Tôi mail cho Hoàng. Chỉ là cầu âu. Bạn tôi đang chống trả với những cơn đau vật vã. Đâu có rảnh rang chi. “Hoàng ơi, mày về nhà chưa? Tao hỏi để phone nói chuyện với mày.” Vậy mà tôi nhận được hồi âm ngay, gửi từ iPhone của Hoàng. “Hiện còn nằm ở Stanford. Tao sẽ được về với gia đình trong vài ngày còn lại”. Tôi vội vàng mail tiếp chút sức cho bạn. “Hoàng ơi, Bạn bè khắp nơi đều hướng về mày, cầu mong những sự tốt lành nhất cho mày. Tao thương mày quá và cảm thấy chưa bao giờ bất lực như bây giờ. Mày nghĩ tao có thể làm gì cho mày được bây giờ? Mày có nhớ ít ngày trước đây tao có xúi mày viết hồi ký không? Tao thấy cuộc đời này đã đãi ngộ mày khá hậu hĩnh. Nếu có hồi ký của mày sẽ có khối người chảy nước dãi, trong đó có tao! Chỉ còn biết cầu mong cho mày được an bình trong những ngày sắp tới. Luôn nhớ là tụi tao rất thương mày, Hoàng nhé!”. Ngày hôm sau, Hoàng mail lại. “Tạ Trung Sơn ơi, Tao rất lên tinh thần khi đọc thư của mày!!!”. Hoàng thư tiếp ngay sau đó: “Tao đã về nhà hôm qua. Y tá hôm nay đến nhà săn sóc và lo thuốc men. Stanford cho biết chỉ chữa trị khi nào sức khoẻ tốt thôi”.

Nghe tin Hoàng về nhà, tôi phôn liền. Không có ai trả lời. Mail cũng không có hồi âm. Hoàng ơi, bây giờ mày ra sao? Đã có lần tôi nói với Hoàng. Ai cũng phải trả giá cho cái sống dai của mình. Tôi và Hoàng coi như đã vào hạng sống dai. Hoàng đang trả giá. Có điều chàng phải trả giá quá đắt. Có thánh giá nào nhẹ nhàng đâu!

Nỗi buồn được chia cho nhau có lẽ cũng nhẹ bớt chăng? Tôi tìm dựa vào ông Đinh Cường coi có nhẹ được chút nào không.

gắng lên nghe Hoàng, hãy xua tan nỗi lo
nằm im nghe tiếng tim mình còn đập
phổi mình còn thở
hãy nhắm mắt nhớ hàng thuỳ dương xanh
nhớ căn nhà ngói đỏ, nhớ những người thân
nhớ bờ biển ngày nào, tình yêu thời thanh xuân
nha trang,
tôi sẽ về thăm thành phố đó chớ?
tại sao không?
tại sao không, phải không Hoàng?

Bạn tôi, vốn hừng hực ý chí, xưa cũng như nay, đâu có chịu thua anh chàng sarcoma. Hoàng đang chống trả. Chúng tôi vẫn khi phôn, khi mail, dựa vào cái “mày tao” để tiếp bạn tôi thêm đạn dược. Giữ vững tuyến đầu, nghe Hoàng!

04/2014

Viết thêm:

Tuyến đầu đã vỡ. Hoàng đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 10 giờ 30 (giờ San Jose) ngày 13 tháng 9 năm 2014.

13/09/2014

……………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics