Giao thừa, thời khắc ‘bản lề’ giữa cũ/mới, trong nhạc Việt
Du Tử Lê
Nguồn:nguoiviet.com-January 27, 2017
Hoa Xuân. (Hình dutule.com)
Mùa Xuân, với bất cứ một dân tộc nào, ở bất cứ đâu trên trái đất, cũng không chỉ là mùa đầu tiên trong vận hành một năm bốn mùa, với sự hồi sinh của thiên nhiên, cây cỏ, sinh vật,… Mà, mùa Xuân còn là mùa hy vọng đổi mới của mọi người – – Dù cho đó là người thành công hay thất bại; người giầu hay kẻ nghèo, trong năm cũ.
Giữa những giây phút cuối cùng của năm cũ sẽ vĩnh viễn khép lại và, một năm mới hớn hở mở ra, có một khe hở mà, chúng ta gọi là Giao Thừa. Nó như chiếc “bản lề” nối kết giữa cũ và mới. Với nhiều dân tộc, thời khắc “bản lề” này có phần lung linh, thiêng liêng không kém gì ngày đầu tiên của một năm mới.
Có dễ chính vì thế mà về phương diện ca khúc, giao thừa cũng đã để lại cho chúng ta nhiều sáng tác giá trị, dù không nhiều, nếu so sánh với những ca khúc viết về mùa Xuân.
Ðiển hình cho cảm thức giao thừa lung linh trong tân nhạc Việt, nhiều người tới giờ vẫn còn nghe âm vang trong ký ức một thời, ca khúc “Phiên Gác Ðêm Xuân” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông. Một ca khúc đẹp, trong sự nghiệp âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này.
Rõ hơn, đó là ca khúc phản ảnh tâm trạng của người lính gác giặc, đồn trú nơi biên ải. Mặc dù người lính trong ca khúc là nhân vật không được nêu đích danh – một thứ chủ từ ẩn, nhưng không một ai, khi nghe ca khúc này, mà, không cảm nhận được sự hiện diện cùng tâm tình của người lính đó:
“Ðón Giao Thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi”
(Nguồn Wikipedia-Mở)
Ảo tưởng hay ảo giác giữa tiếng súng và tiếng pháo cho thấy người lính gác giặc của “Phiên Gác Ðêm Xuân,” dù đang trong nhiệm vụ gác giặc, nhưng cũng chẳng vì thế mà không bị chi phối, rơi, đắm vào cái khe hở lung linh của giao thừa, giây phút bàn giao giữa cũ, mới,…
Mở đầu này, mặt nào khác, cũng cho thấy tính nhân bản, không một chút hiếu sát, thù hận của người lính miền Nam, với truyền thống đón giao thừa theo tập quán hay văn hóa Việt, đã có hằng nghìn năm trước.
Thêm một bước, vào sâu hơn tâm sự của mình, người lính gác giặc nói với người thương của mình ở hậu phương, về tình yêu của chàng, nhiều như nước sông – – Một so sánh hay liên tưởng chân thành, nên dễ dàng tạo được cảm thông, chia sẻ của người nữ cô đơn, vò võ cuối chân trời.
Từ tình yêu chân thành ấy, người lính gác giặc hy vọng hay, tin tưởng rằng chàng sẽ không “trách người đem thân giúp nước”… Vì, cách gì thì, người lính gác giặc cũng vẫn là công dân của một đất nước trong chiến tranh:
“Bấy nhiêu tình là bao nước sông
Trời thương nhớ cũng vương mây hồng
Trách chi người đem thân giúp nước
Ðôi lần nhớ bâng khuâng, gượng cười hái hoa xuân” (Nđd)
Chuyển qua điệp khúc, là những mơ tưởng rất cụ thể, hiện thực lúc người lính gác giặc nhớ tới nơi chốn sinh ra, lớn lên, trưởng thành… Rồi giao thừa, nhang đèn, bánh chưng,… những phẩm vật được chưng nơi bàn thờ, gần như không thể thiếu trong truyền thống đón Tết của người Việt:
“Ngồi ngắm mấy nóc chòi tranh
Mơ rằng đây mái nhà tranh
Mà ước chiếc bánh ngày xuân
Cùng hương khói vương niềm thương” (Nđd)
Nhưng thực tế lại không thể bẽ bàng hơn, khi:
“Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu
Vì mơ ước trắng như mây chiều
Tủi duyên người năm năm tháng tháng
Mong chờ ánh xuân sang, ngờ đâu đêm cứ đi” (Nđd)
Trước thực trạng phũ phàng kia, người lính gác giặc, trong “Phiên Gác Ðêm Xuân” không thể không bày tỏ cảm nghĩ riêng của cá nhân mình. Tuy cảm thức đó, ít nhiều mang tính thất vọng, nhưng lại rất con người trong đời thường:
“Chốn biên thùy này xuân tới chi?
Tình lính chiến khác chi bao người
Nếu xuân về tang thương khắp lối
Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi!” (Nđd)
Tôi cho, chính tính nhân bản, mộc mạc, không ngôn ngữ bác học, không hình tượng khúc mắc, cũng không đặt những câu hỏi có tính triết lý cao siêu mà, “Phiên Gác Ðêm Xuân” của họ Nguyễn sẽ còn ở mãi trong rung động của người nghe – – dù cho, trong một chừng mực nào đấy, thì, chiến tranh, súng đạn, đã không còn trên quê hương.
……
Nếu ngữ-cảnh trong “Phiên Gác Ðêm Xuân” của Nguyễn Văn Ðông là cảm thức của người lính gác giặc nơi tiền đồn thì, ngữ-cảnh trong ca khúc “Em Ðến Thăm Anh Ðêm Ba Mươi” – – Thơ Nguyễn Ðình Toàn/nhạc Vũ Thành An, lại là cảm thức của đôi lứa ở thành phố – – Với những ẩn dụ mới mẻ, rất gần với phong cách diễn đạt của tây phương, như: “Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em” hay “Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức / (…) Ðá buồn chết theo sau ngày vực sâu / Rớt hoài xuống hư không cuộc tình đau”:
“Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.
Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha, người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba rụng cùng mùa.
Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau
Ðá buồn chết theo sau ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không cuộc tình đau” (Trọn bài – Nđd)
Nếu tôi nhớ không lầm thì ca khúc này ra đời những năm đầu thập niên 1970s. Nó như một nguồn suối, hay những hòn than nóng hực niềm khao khát chân trời lãng mạn mới; đáp ứng nhu cầu kiếm tìm hình ảnh, rung động khác, bập bùng trong tâm hồn giới trẻ thành thị. Nó gửi tới người nghe một cách nói khác về tình yêu – – Trong thời khắc “bản lề” của một năm cũ/mới. Ðồng thời, nó cũng nói đến chia lìa, tựa định mệnh bất toàn, mặt bên kia đồng tiền tình yêu hai mặt (?)
Nhưng, dù ở ngữ-cảnh nào, với tâm thái nào, thì hai ca khúc kể trên, cũng vẫn là hai trong những vì sao lung linh, hiện ra nơi khe hở của cánh cửa cũ/mới. Của năm cũ sắp ra đi và, năm mới, đã một chân bước vào.
Vì chúng là những vì sao “chứng nhân” của truyền thống Giao Thừa Việt, nên, tôi tin, chúng cũng sẽ mãi là “nhân chứng” của những giao thừa kế tiếp… Như một phần “ký ức lung linh” của nền tân nhạc Việt, vậy.
(Calif. Tháng Giêng 2017)
…………………………………………………………….
Thương nhớ bóng xuân xưa
Nguồn:RFI-Hoài Dịu-
Phát Thứ Bảy, ngày 28 tháng 1 năm 2017
Một cảnh Xuân Hà Nội. Ảnh 22/01/2017.Reuters
Khi mùa xuân đến, thường thì người ta hát những giai điệu vui say, nồng nàn, nhưng không hiếm những kẻ đa sầu, đa cảm gặp lúc đất trời sang Giêng chợt ngẩn ngơ về bóng hình mong manh ai đó. Cô Lái Đò trong nhạc Nguyễn Đình Phúc, thơ Nguyễn Bính và thiếu nữ Hoàng Oanh trong ca khúc Bến Xuân của nhạc sỹ Văn Cao đã bước vào trang thơ nhạc một cách dịu ngọt như thế.
Những người hay mơ mộng không ai không một lần ngâm nga đôi vần thơ đẹp tựa tranh của nhà thơ Nguyễn Bính, người được coi là thi nhân của nàng xuân. Ông có nhiều tác phẩm được phổ nhạc như : Mưa Xuân (nhạc : Huy Thục), Gái Xuân (nhạc : Từ Vũ) và đặc biệt Cô Lái Đò (nhạc Nguyễn Đình Phúc) tuy không đề cập trực tiếp đến tiết xuân sang nhưng nó là cành đào hồng khoe sắc thắm dưới trời mưa bụi.
Sau khi đọc tập thơ « Lỡ Bước Sang Ngang » của Nguyễn Bính, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã phải lòng bài thơ Cô Lái Đò. Theo lời kể của bà Trần Thị Bảo (vợ của nhạc sĩ) thì trong một buổi đi dạo quanh hồ Gươm, ông và nhạc sĩ Phạm Duy hẹn ước rằng khi về nhà, mỗi người sẽ viết một ca khúc. Thần giao cách cảm như thế nào mà sau đó Nguyễn Đình Phúc cho ra đời nhạc phẩm Cô Lái Đò và Phạm Duy thì lại sáng tác bài Cô Hái Mơ, cả hai đều phổ thơ của Nguyễn Bính.
Tuy là sáng tác đầu tay, nhưng lối hành nhạc trong ca khúc Cô Lái Đò lại khá già dặn. Nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc gần như trung thành với nguyên tác. Từng ý thơ, câu chữ quyện vào mỗi nốt nhạc một cách tự nhiên không gượng ép. Việc sử dụng điệu thức phương tây (mi thứ), đôi chỗ chấm phá những quãng trong ngũ cung, Cô Lái Đò như một lời ru buồn chốn thôn quê về một tấm tình riêng không trọn vẹn. Để rồi bao lần « xuân đã đem mong nhớ trở về ».
Từ dạo nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc thổi hồn ca vào thi phẩm Cô Lái Đò, ngoài ca sĩ Thương Huyền, là người đầu tiên thể hiện tuyệt vời ca khúc này, còn có nhiều thế hệ nghệ sĩ khác chọn làm bài « ruột » cho mình. Mỗi người, một phong cách. Ví dụ như tài tử Ngọc Bảo, ông « kể chuyện » Cô Lái Đò theo cách ngâm ngợi, sử dụng luyến láy trong lối hát dân ca. Trong khi đó ca sĩ Khánh Ly lại dìu dặt, đằm thắm trên nền nhạc đệm kiểu phương tây.
Một mùa hoa đào nữa lại về mà lòng kẻ si tình sao thấy cô đơn vời vợi. Tâm trạng ấy chính là nỗi lòng sâu kín mà nhạc sĩ Văn Cao giãi bày trong tình khúc Bến Xuân. Nàng là tiểu thư Hoàng Oanh xinh đẹp, chàng là nghệ sĩ tài hoa phong trần. Chàng giữ trong lòng một mối tình câm vì biết rằng hai người bạn thân của mình cũng đem lòng yêu nàng. Tình cảm ấy chàng chỉ biết tỏ cùng câu ca, gửi theo tiếng « chim reo thương nhớ, chim ngân xa… »
Bản nhạc được NXB Tinh Hoa ấn hành năm 1942 với lời ghi “nhạc: Văn Cao, lời: Văn Cao – Phạm Duy”. Có một số tư liệu nói rằng, khoảng thời gian đó, Phạm Duy mới kết thân với Văn Cao. Hơn nữa, ở tác phẩm Buồn Tàn Thu, Văn Cao cũng từng có lời đề tựa “Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn”, lúc ấy Phạm Duy còn là kẻ « hát rong » theo đoàn cải lương Đức Huy – Charlie Miều lưu diễn xuyên Việt. Vì vậy việc đề tên tác giả Văn Cao – Phạm Duy có lẽ là sự thể hiện niềm trân quý của Văn Cao đến người bạn tri âm ?
Sau này, tác giả của Tiến Quân Ca đã viết thêm lời khác. Ca từ của bài hát vẫn trải dài trên giai điệu réo rắt của Bến Xuân nhưng mang tựa đề Đàn Chim Việt. Tứ thơ, ý nhạc vẫn giữ nguyên nét đẹp u sầu. Xuân Việt Nam là mùa đoàn tụ, dù đàn chim Việt có tha hương chốn nào cũng luôn ngóng vọng về cố quốc, mong ngày trở lại. Âm nhạc mênh mang buồn da diết, giai điệu giản dị nhưng có thể chạm tới tận cùng tâm hồn con người.
Hễ ai đã từng nghe những bản ca khúc trữ tình của Văn Cao như : Suối Mơ, Thiên Thai, Trương Chi hay Bến Xuân đều chỉ muốn nhắm mắt lại, mặc cho tâm hồn trôi theo những giai điệu khi thì cao vút thanh tao, lúc lại thủ thỉ diệu vợi. Người say nhạc thể như lạc vào chốn hư ảo mơ mơ, thực thực.
Xuân yêu thương, xuân đoàn tụ và cũng tồn tại một xuân khắc khoải nhớ nhung. Trời xuân đẹp đến thế, nhưng dáng em lại xa mờ, còn lại đây cuộc tình dang dở và kẻ si tình đang ngồi hát thơ. Cuộc đời vốn vậy. Và nhờ những kẻ si tình ấy để ngày nay chúng ta mới có nhiều giai điệu nồng nàn yêu thương, nuôi dưỡng chính cuộc đời này.
…………………………………………………………………………
Phan Lạc Tiếp và cõi-giới văn xuôi sớm định hình
Du Tử Lê
Nguồn:nguoiviet.com- February 3, 2017
Trong sinh hoạt 20 năm văn chương miền Nam (1954-1975), nếu có nhà văn viết rất ít, nhưng lại sớm định hình, thì đó là nhà văn Phan Lạc Tiếp. Tính tới Tháng Tư 1975, ông chỉ cho xuất bản duy nhất, tập truyện “Bờ Sông Lá Mục” (BSLM) năm 1969; tái bản tại Hoa Kỳ năm 1998.
Trọng lượng của cõi-giới văn xuôi của họ Phan không nằm nơi con số của những trang sách. Nó cũng không nằm nơi những đầu sách đã được in ra. Trọng lượng đó, nằm nơi tự thân của những con chữ, phản ảnh những ghi nhận, cảm nghĩ của một nhà văn từng phục vụ trong binh chủng Hải Quân VNCH, về cuộc chiến miền Nam. Ðó là những con chữ mà hầu hết các cây bút từng đề cập tới BSLM đều có chung một mẫu số. Mẫu số chung đó là tính nhân bản, điềm đạm, không hận thù, không cao giọng xỉa xói, lên án kẻ thù.
Nằm trong số những người có chung nhận xét vừa kể, có cố nhà văn Võ Phiến. Giới thiệu BSLM, ông viết:
“Tác phẩm giới thiệu với chúng ta một văn tài, tất nhiên; mà cùng lúc nó cũng giới thiệu một cốt cách. Trong mỗi tác giả còn có một con người. Con người nơi ông là một người trung hậu. Sau cuộc đổ vỡ đau thương của miền Nam, chúng ta buồn giận và thường đay nghiến lẫn nhau. Phan Lạc Tiếp không có thế… Không trách kẻ dưới, không oán người trên. Mỗi cái quấy có lý do phức tạp của nó, mỗi thất bại, có nguyên nhân trùng điệp. Ông không chì chiết nặng nhẹ. Ông đau cái chung, thế thôi. Người như vậy, không mến được sao?”
(Trích theo Dương Hoàng Dung, nguồn Wikipedia-Mở)
Trong bài viết đầy đủ, sâu sắc, mang tính nhìn lại tập truyện BSLM của họ Phan, tác giả Dương Hoàng Dung, ghi nhận:
“…Không khí trong tác phẩm ‘Bờ Sông Lá Mục’ đưa người đọc lùi về quá khứ ở khoảng thời gian cách đây nửa thế kỷ.
“Ðấy là giai đoạn đầu cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai miền Nam-Bắc, sau khi đất nước chia đôi vào năm 1954 bắt đầu.
“Cuộc chiến thật khốc liệt, tương phản khung cảnh thanh bình của những người nông dân đang cùng đàn trâu yên ả cày bừa.
“Những bước chân lùng sục địch quân trên mảnh ruộng xanh non mơn mởn, những lo âu thấp thỏm đắm chìm tương phản ánh trăng lặng lẽ chiếu sáng bên bờ ao. Hình ảnh những cô thôn nữ, những em bé quê chập chờn lung linh trong đốm sáng hỏa châu.
“Mảng ký ức chập chờn ẩn hiện sau màn sương trên cánh đồng lúc trời chưa tỏ rạng qua hàng lá dừa nước chen nhau rập rờn hai bên bờ sông. Mùi cây lá rụng ủ từ bao ngày trong bùn sình dọc theo bờ rạch, mùi thuốc súng, mùi cháy khét từ nhà bị đốt, mùi tử khí âm u khó thở…
“Tất cả hòa quyện suốt từ đầu cho đến cuối trang sách mỏng, khiến người ta sống lại những giây phút cận kề súng đạn, những giây phút bên lỗ châu mai, bên lửa trại cùng đồng đội, bên nắm đất ngôi mộ lấp vội vàng cho người vừa mất.
“Chiến tranh Việt Nam qua ánh mắt nhìn của tác giả chứa chất nhiều suy tư buồn bã về ý thức hệ của cuộc chiến:
“‘Cuộc chiến thật buồn. Chúng ta chìm đắm trong sự đau buồn đó từ bao nhiêu năm qua… Ngôn ngữ chúng ta không còn hiệu lực. người bên này và bên kia cùng nói chung một danh từ nhưng nhiều khi hiểu khác hẳn nhau…’
“‘…Có lẽ chỉ còn có tiếng khóc… Tiếng khóc của đổ nát, của người mẹ khóc con, của vợ khóc chồng… Có lẽ chỉ có tiếng khóc là có thực đang bao trùm lên đất nước chúng ta…'” (Bờ Sông Lá Mục – trang 84)
***
Vào sâu tác phẩm, họ Dương nhấn mạnh:
“…Chiến tranh qua những trang sách ‘Bờ Sông Lá Mục’ cũng có không khí đầy chết chóc, thương đau nhưng sâu lắng như những búng sâu giữa các làn sóng đại dương, với vẻ êm ả đầy cạm bẫy chết người.
“Từ bao năm nay câu hỏi gây đau đớn như khoáy thêm vào vết thương đang rỉ máu những người Miền Nam là câu:
“‘Tại sao Việt Nam Cộng Hòa lại thua trận?'”
Tác giả Dương Hoàng Dung đã tìm thấy câu trả lời cho vấn nạn vừa nêu:
“‘Bờ Sông Lá Mục’ đã trả lời phần nào cho câu hỏi trên:
“Người ta chẳng thà thua trận, còn hơn cầm súng bắn vào người anh em của mình. Người ta không chỉ đau đớn bên xác người, bên cảnh nhà cháy hoang tàn, người ta còn có thể đau đớn, xót thương cho cả cỏ cây, như một gốc na bé bỏng nằm chơ vơ sau khi thôn xóm bị càn ủi tan hoang.
“Gửi rừng một gốc cây na,
“Cố xanh tươi nhé, can qua sẽ tàn… (Bờ Sông Lá Mục – trang 112)
“Tính nhân bản, tình người đã làm người lính chùng tay súng.
“Chỉ còn nỗi đau thương trước cái chết của người cùng xứ sở:
“Không gian im lìm hoang vắng, Trung không thể phân biệt được đâu là nơi an nghỉ của người lính Quốc Gia, đâu là nơi vùi thân của các cán binh Việt Cộng. Tất cả đều chìm đắm trong sự câm nín của hư vô. Tất cả đã nằm im trong lòng đất, cả Tính, cả Thư, cả Nự và biết bao nhiêu người nữa. Trung lặng lẽ quay đi và nghĩ: ‘Thôi trong vòng tay hiền hòa của đất, tụi bây là anh em’. Nghĩ thế lòng Trung bỗng vơi bớt đi niềm cay đắng.” (Vòng Tay Của Ðất – Bờ Sông Lá Mục, trang 45-1967)
Ở một đoạn khác, khi nhận định về một truyện ngắn khác, in trong BSLM của Phan Lạc Tiếp, họ Dương viết:
“…Qua câu chuyện kể cách đây hơn nửa thế kỷ về ‘Thánh Ðịa Hòa Hảo – Miền Ðất Hứa’ nhà văn Phan Lạc Tiếp cho thấy khung cảnh sống thanh bình, yên vui của người dân trong địa phận của Phật Giáo Hòa Hảo, giữa vùng miền Nam trù phú dư dả lúa gạo, tôm cá.
“Và cho ta hiểu tại sao cho đến ngày nay Cộng Sản không dung tha những người theo đạo Hòa Hảo. Lý do thật đơn giản, vì ngay từ đầu người dân theo đạo Hòa Hảo đã nhận ra ‘chân tướng’ của Cộng Sản và kẻ giết người thường tìm cách giết luôn những người đã biết mình gây tội ác.
“‘Tụi nó cũng nhiều phen mò về đây chớ. Khi thì ngon ngọt kêu xí xóa sự hiểu lầm xưa, khi thì gian manh trà trộn vào đám đạo hữu… Ôi thiên hình vạn trạng đó chớ. Riết rồi đạo hữu chúng tôi đồng một lòng một dạ…Vì thế đã bao nhiêu người bị chúng chặt, bỏ bao bố trôi sông. Biết bao nhiêu mà nói’ (Thánh Ðịa Hòa Hảo – Miền Ðất Hứa – BSLM, trang 93-1965)
“Gần 70 năm gây tội ác triền miên trên khắp miền quê hương Việt Nam, từ Bắc chí Nam, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1945, Ðảng Cộng Sản Việt Nam vẫn luôn miệng kêu gọi ‘Hòa hợp hòa giải’.
“Người ta chỉ hòa giải khi có xung đột và tha thứ cho những tội không cố ý hay tội không làm chết người.
“Người ta không thể hòa giải giữa cái ác và cái thiện, không thể tha thứ cho những kẻ gây cái chết đau thương cho hàng triệu đồng bào, và vẫn tiếp tục không tôn trọng Nhân quyền, đàn áp tôn giáo khốc liệt (…).
“Những gì đảng CS Việt Nam tiếp tục gây ra cho giáo hữu Phật Giáo Hòa Hảo hiền lành nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, đã khiến tính nhân bản của chế độ Việt Nam Cộng Hòa được nâng cao lên, dù trước đó hơn nửa thế kỷ, đó chỉ là xã hội với nền dân chủ mới phôi thai.
“‘Bờ Sông Lá Mục’ đã ghi lại thời kỳ phôi thai nhất của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày chiến tranh Việt Nam vừa bắt đầu.
“Quyển sách mỏng, nhưng chỉ qua vài trang giấy tác giả đã gây ấn tượng vào lòng người, cho thấy từ thuở đó xã hội miền Nam đã có nền tảng nhân ái, tình người.
“Ðiều này khiến người đọc khó quên ‘Bờ Sông Lá Mục’, khó quên hình ảnh cây na lẻ loi ở lại bên bờ sông, gây vấn vương trong lòng người tách bến lên đường đời với vạn ngả rẽ, như kênh rạch trên sông nước miền Nam.” (Nđd)
Du Tử Lê
(Kỳ sau tiếp)
…………………………………………………………..