GSV Janet Nguyễn điều trần tại Hạ Viện về nhân quyền Việt Nam
Nguồn:nguoiviet.com-Thursday, July 10, 2014
WASHINGTON, DC (NV) – Giám Sát Viên Janet Nguyễn của Orange County, California, vừa tham dự một phiên điều trần tại Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Tư, và chỉ trích tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, thông cáo báo chí của văn phòng vị nữ dân cử gốc Việt này cho biết.
Từ trái, ông Lorne W. Craner, ông Tom Andrews, bà Janet Nguyễn và Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, tại buổi điều trần. (Hình: Văn Phòng Giám Sát Viên Janet Nguyễn cung cấp)
Tại buổi điều trần, bà Janet Nguyễn nói: “Mặc dù Việt Nam đang hưởng đặc quyền của một đối tác thương mại với Hoa Kỳ, Hà Nội không giảm thiểu đàn áp ký giả, người đối lập, và phong trào đấu tranh cho nhân quyền. Là một giám sát viên đại diện địa hạt bao gồm vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất hải ngoại, tôi yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ cùng với tôi áp lực Việt Nam tôn trọng những quyền tự do và dân chủ căn bản của con người, vì chúng ta đang trong vị thế một quốc gia có quyền chính đáng đòi hỏi đối với một đối tác thương mại.”
Giám Sát Viên Janet Nguyễn cũng nêu ra trường hợp một số tù nhân đang bị Việt Nam giam giữ hoặc giam lỏng trái phép, như Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Mục Sư Nguyễn Công Chính, nhạc sĩ Việt Khang, Blogger Ðiếu Cày, và vô số các nhà đấu tranh nhân quyền khác nữa.
Nhân dịp này, bà Janet Nguyễn cũng yêu cầu các vị dân cử trong ủy ban ủng hộ HR 4254, Dự Luật Chế Tài Giới Chức CSVN Vi Phạm Nhân Quyền, do bà cùng với Dân Biểu Ed Royce, chủ tịch ủy ban, soạn thảo, và cũng đã được giới thiệu tại ủy ban này, theo bản thông cáo.
Ðược biết, buổi điều trần do Dân Biểu Ed Royce chủ tọa, với đề tài nhân quyền tại các quốc gia Ðông Nam Á.
Ngoài vị dân cử gốc Việt cao cấp nhất tại California, buổi điều trần còn có sự tham dự của ông Lorne W. Craner, cựu phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Tom Andrews, cựu dân biểu Hoa Kỳ, và Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS. (Ð.D.)
…………………………………………………………………………..
Thượng viện Mỹ yêu cầu TQ rút giàn khoan
Nguồn:BBC – thứ sáu, 11 tháng 7, 2014
Tàu Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục va chạm hàng ngày tại vùng biển đặt giàn khoan
Thượng viện Mỹ hôm 10/7 thông qua nghị quyết lên án việc sử dụng các hành vi khiêu khích và gây hấn để thay đổi hiện trạng, gây mất ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Nghị quyết có đoạn yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vị trí hiện tại, đảm bảo nguyên trạng trước thời điểm tháng 5/2014.
Sự kiện này được đánh giá là thuận lợi ngoại giao cho Việt Nam, nhưng chưa rõ Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào.
Văn bản có số hiệu Bấm S.Res.412 này cũng kêu gọi Trung Quốc dừng việc thực thi Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên vùng biển Hoa Đông.
Nghị quyết trên được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ Robert Menendez từ New Jersey, đưa ra bởi Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ.
Nghị quyết tái khẳng định “sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ cho tự do hàng hải và việc khai thác sử dụng biển và không phận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như việc sử dụng các giải pháp ngoại giao để xử lý tranh chấp lãnh thổ và hải phận.”
‘Hoan nghênh’
“Việt Nam hoan nghênh việc Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại”
Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN
S.Res.412 cũng nhắc lại chính sách của Mỹ trong đó bao gồm việc ủng hộ đồng minh và đối tác ở khu vực, phản đối tuyên bố chủ quyền ảnh hưởng đến quyền sử dụng hợp pháp và tự do hàng hàng hải, và đảm bảo sự tiếp tục hiện diện của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình được TTXVN dẫn lời nói “Việt Nam hoan nghênh việc Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại, không có các hoạt động trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs);lên án các hành động cưỡng bức, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thay đổi hiện trạng hay gây bất ổn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”
Trước đó gần một tháng trước, Quốc hội Việt Nam đã không ra nghị quyết riêng về Biển Đông.
Trong phiên họp Quốc hội hôm 23/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa được báo trong nước dẫn lời nói “nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang”.
Nhưng trả lời báo chí bên lề phiên họp ngày 23/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói sẽ không có nghị quyết riêng về Biển Đông vì “ngay từ đầu kỳ họp Quốc hội đã bàn bạc rất kỹ về tình hình Biển Đông và sau đó có thông báo tuyên bố rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và nói rõ quan điểm xử lý vấn đề Biển Đông”.
…………………………………………………………
Lầu Năm Góc triển khai chiến thuật mới để răn đe Trung Quốc ở Biển Đông
Trinh sát cơ RC 135 tại khu căn cứ không quân Offutt, Hoa Kỳ.
Wikipedia
Vào lúc tàu Việt Nam và Trung Quốc đối đầu nhau trên Biển Đông tại khu vực giàn khoan Trung Quốc, trong thời gian gần đây, phi cơ trinh sát Mỹ bắt đầu xuất hiện trên khu vực. Sự kiện khác lạ này phải chăng là một chiến thuật bắt đầu được Mỹ áp dụng để đối phó với các hành động của Bắc Kinh bị đánh giá là « khiêu khích », « gây bất ổn định » trong vùng ? Theo nhật báo Anh Financial Times, số ra hôm nay, 10/07/2014, sự kiện đó có thể được xem là chiến thuật mới đang được Bộ Quốc phòng Mỹ áp dụng để răn de Trung Quốc.
Theo tờ báo, chiến thuật mới được Lầu Năm Góc triển khai bao gồm nhiều thành tố, trong đó có việc sử dụng một cách thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn các loại phi cơ trinh sát cũng như tàu hải quân ngay tại khu vực có tranh chấp.
Sự kiện đầu tiên phản ánh chiến thuật mới đó diễn ra vào tháng Ba vừa qua khi Mỹ cho một chiếc phi cơ trinh sát P-8A bay ngang qua bãi Second Thomas Shoal ở khu vực Trường Sa. Tại nơi đó, tàu Trung Quốc đang phong tỏa đường tiếp tế cho một toán thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên bãi mà Manila tuyên bố chủ quyền nhưng bị Bắc Kinh tranh chấp. Phi cơ Mỹ đã bay rất thấp, sao cho phía Trung Quốc có thể nhìn thấy được.
Cũng như vậy, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam mới đây đã cho biết là vào ngày 30/06 vừa qua, một chiếc máy bay EP3 của Mỹ cũng đã bay qua khu vực có giàn khoan HD-981 của Trung Quốc, và ở độ cao rất thấp, chỉ khoảng 200m. Sau đó, có thêm một chiếc trinh sát cơ RC135 của Mỹ bay ở độ cao 3.000m. Đây là một khu vực dầy đặc tàu Trung Quốc được phái tới để bảo vệ giàn khoan của họ.
Trả lời báo Financial Times, một cựu quan chức Lầu Năm Góc quen thuộc với những hoạt động kể trên xác nhận đó là một chiến thuật mới của Hải quân Mỹ : « Thông điệp là ‘chúng tôi biết những gì quý vị đang làm, hành động của quý vị sẽ có hậu quả, chúng tôi vừa có khả năng vừa có quyết tâm và chúng tôi đang hiện diện ở đây’. »
Đối với Hoa Kỳ, thách thức hiện nay là làm sao có được phương cách hữu hiệu nhằm đối phó với chiến lược tằm ăn dâu của Trung Quốc tại Biển Đông, tức bành trướng từ từ nhưng một cách vững chắc chắn trên các khu vực mà họ đòi chủ quyền. Khó khăn đối với quân đội Mỹ là làm sao ngăn chặn được các hành động gặm nhắm của Trung Quốc trên quy mô nhỏ, sao cho tình hình không leo thang thành xung đột quân sự trên binh diện rộng.
Không phải là ngẫu nhiên mà gần đây, ngành ngoại giao Mỹ đã cực lực lên tiếng đả kích các hành động của Trung Quốc bị cho là nhằm thiết lập một hiện trạng mới trong vùng. Đó là những việc như đưa giàn khoan xuống hoạt động tại những vùng tranh chấp với Việt Nam, cho xây dựng hạ tầng cơ sở kiên cố trên những thực thể địa dư mà họ từng dùng võ lực đánh chiếm của Việt Nam hay Philippines, ban bố những luật lệ gọi là quốc gia nhưng lại áp dụng trên những khu vực mà Trung Quốc đơn phương cho là của mình.
Ngoài việc tích cực sử dụng máy bay do thám và đưa tàu đến hoạt động gần khu vực các tranh chấp, Hoa Kỳ cũng nghĩ đến khả năng công bố rộng rãi hình ảnh hoặc video về các hành vi thái quá của Trung Quốc trên biển. Một số quan chức Mỹ cho rằng nếu hình ảnh tàu Trung Quốc xách nhiễu ngư dân Việt Nam hay Philippines được loan truyền rộng rãi, điều đó có thể khiến Bắc Kinh chùn tay.
Sau cùng, trong các chiến thuật mới đó, Mỹ cũng sẽ giúp các nước trong vùng có thông tin nhanh chóng và kịp thời về vị trí các con tàu trong khu vực. Mỹ đã cung cấp cho Philippines, Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực các thiết bị radar và hệ thống giám sát, và hiện đang tìm cách để tích hợp thông tin thu thập được vào một mạng lưới khu vực rộng lớn hơn, có chức năng chia sẻ dữ liệu.
……………………………………………………
Vài trăm ngàn người Việt không là gì so với 2,100 từ Trung Quốc
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, July 11, 2014
TRÀ VINH (NV) – Nhà cầm quyền tỉnh Trà Vinh vừa cho phép công ty China Chengda Engineering của Trung Quốc, đưa hơn 2,100 nhân viên từ Trung Quốc đến làm việc tại công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3.
Bà Sơn Thị Ánh Hồng, một phó chủ tịch tỉnh Trà Vinh giải thích, sở dĩ họ cho công ty này làm như vậy là vì “không tuyển được lao động người Việt Nam.”
Công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 sắp mở cửa đón thêm 2,100 công nhân Trung Quốc. (Hình: Ðất Việt)
Ông Dương Quang Ngọc, một phó giám đốc của Sở Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội tỉnh Trà Vinh thì khẳng định, công ty China Chengda Engineering đã chuyển thông tin tuyển dụng lao động cho sở này, cũng như Phòng Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội các huyện và các trung tâm giới thiệu việc làm ở Trà Vinh nhưng vì nhu cầu tuyển dụng của công ty China Chengda Engineering là lao động có chuyên môn, nên tại Trà Vinh, có rất ít người nộp hồ sơ xin dự tuyển hoặc sau khi gửi hồ sơ không đến dự phỏng vấn tuyển dụng.
Khi tờ Tuổi Trẻ chất vấn tại sao không thông báo rộng rãi trên toàn quốc về việc công ty China Chengda Engineering cần 2,100 lao động có chuyên môn, viên phó giám đốc này bảo rằng, chính quyền Trà Vinh chỉ có trách nhiệm thông báo trên toàn tỉnh.
Trong khi đó đầu tháng này, Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam loan báo, hiện có hơn 162 ngàn người mà học vấn từ đại học trở lên thất nghiệp. Chưa kể còn có khoảng 80 ngàn thanh niên mà học vấn ở mức cao đẳng và 174 ngàn thanh niên đã được đạo tạo nghề bị thất nghiệp.
Trước thông tin vừa kể, ông Trần Ðình Long, phó chủ tịch Hội Ðiện Lực Việt Nam, khẳng định, chuyện này chắc chắn là chủ đích từ chủ đầu tư và là hệ quả của việc phụ thuộc quá nhiều vào vốn của Trung Quốc. Chủ đầu tư của công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 là Tập đoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN).
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 là một trong ba nhà máy của trung tâm điện lực Duyên Hải, thuộc Quy Hoạch Phát Triển Ðiện Lực Quốc Gia giai đoạn 2011-2020.
Tổng vốn đầu tư cho công trình khoảng 30 nghìn tỷ đồng, trong đó, giá trị của gói thầu EPC (NV: Engineering, Procurement and Construction contract – Hợp đồng tổng thầu, loại hợp đồng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công và chạy thử rồi mới bàn giao cho chủ đầu tư) là 22 ngàn tỷ và 85% vay của ba ngân hàng Trung Quốc. Tập đoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) chỉ góp 15%.
Ngoài việc phụ thuộc Trung Quốc về vốn, công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 còn phụ thuộc Trung Quốc về nhà thầu. Công trình này do một liên doanh mà phần lớn là nhà thầu Trung Quốc đảm nhận vai trò tổng thầu EPC. Phía EVN chỉ giữ vai trò giám sát thi công. Ông Long bảo rằng sẽ chẳng lạ gì nếu phía tuyển dụng đề ra những tiêu chuẩn mà người Việt không đáp ứng được hoặc loại những người Việt nộp đơn xin việc khi phỏng vấn tuyển dụng.
Trò chuyện với tờ Ðất Việt, ông Phạm Sỹ Liêm, cựu thứ trưởng của Bộ Xây Dựng, cũng tin rằng, vấn đề nằm ở chỗ “không muốn sử dụng lao động người Việt Nam.” Theo ông Liêm, yếu tố “không muốn sử dụng lao động người Việt Nam” còn nằm cả trong việc chọn nhà thầu phụ, chọn nguyên, vật liệu. Tổng công ty lắp máy Việt Nam không được thuê. Các kết cấu kim loại dành cho nhà máy nhiệt điện như: lò, khung,… doanh nghiệp Việt Nam đều có thể làm được nhưng tất cả đều được đặt gia công ở Trung Quốc và các doanh nghiệp, công nhân Việt Nam “treo niêu.”
Có một thực tế mà cả ông Trần Ðình Long, phó chủ tịch Hội Ðiện Lực Việt Nam, lẫn ông Phạm Sỹ Liêm, cựu thứ trưởng của Bộ Xây Dựng cùng đề cập là Việt Nam đã từng xây dựng rất nhiều nhà máy nhiệt điện, điều đó cho thấy người Việt có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong một công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện.
Thế thì tại sao phải cho phép tuyển công nhân Trung Quốc sang làm việc tại công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3? (G.Ð)
……………………………………………..