Hải quân Nhật, Mỹ, Úc giao lưu ở VN
Nguồn:BBC- thứ sáu, 6 tháng 6, 2014
Tàu đổ bộ Kunisaki của Nhật Bản thăm Đà Nẵng
Một tàu hải quân Nhật Bản chở theo binh sĩ Nhật, Mỹ, Úc đã cập Cảng Đà Nẵng, tham dự hoạt động trao đổi đa phương với hải quân Việt Nam.
Tàu đổ bộ Kunisaki thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có mặt tại Đà Nẵng sáng 6/6, mở đầu Chương trình Đối tác Thái Bình Dương kéo dài đến 15/6.
Dự kiến các sĩ quan, thủy thủ và nhân viên y tế thuộc hải quân Việt Nam, Nhật, Mỹ, Úc sẽ có các hoạt động giao lưu, chủ yếu liên quan lĩnh vực y tế.
Truyền thông Việt Nam nói chương trình gồm các hoạt động chăm sóc, cấp cứu tại các bệnh viện ở Đà Nẵng.
Lực lượng nước ngoài cũng sẽ giúp sửa chữa trạm xá, tham gia giao lưu bóng đá, văn nghệ.
Trong đoàn có Tư lệnh Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2014 là Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Brian Shipman. Các Phó tư lệnh có Đại tá lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Yoichi Masui và Trung tá John Cronnin của quân đội Úc.
Đối tác Thái Bình Dương, đã diễn ra lần thứ chín, là sáng kiến của hải quân Mỹ, sử dụng quân đội cho mục đích nhân đạo.
Phía Mỹ nói đến nay chương trình đã chăm sóc y tế cho 250 ngàn bệnh nhân, hoàn thành 170 dự án xây dựng, giúp phát triển hạ tầng tại 14 nước, trong đó có Việt Nam.
Sự kiện diễn ra trong lúc đang có căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc sau khi Trung Quốc điều một giàn khoan vào vùng biển cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý.
Hải quân Nhật được đón chào tại Cảng Đà Nẵng
Sau chặng dừng ở Việt Nam, tàu Kunisaki sẽ đến Campuchia và Philippines.
‘Cảm ơn’ Nhật Bản
Nhân sự kiện này, hôm 5/6, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ và Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đã tiếp Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada.
Tường thuật của trang mạng chính thức thành phố Đà Nẵng nói hai lãnh đạo thành phố “cảm ơn” Nhật Bản vì “kịp thời lên tiếng phản đối hành động sai trái của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan HD 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Lãnh đạo Đà Nẵng nhắc lại lập trường của Việt Nam rằng hành động của Trung Quốc “không chỉ gây hấn đối với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình ổn định trong khu vực”.
Đại sứ Nhật được dẫn lời nói ông “đánh giá cao sự ứng phó bình tĩnh mà kiên quyết, thái độ thiện chí vì hòa bình của Việt Nam trong sự việc này”.
“Chính phủ Nhật Bản cũng đã tác động đến các nước ASEAN, Mỹ, Úc để vận động họ cùng đoàn kết hợp tác ủng hộ Việt Nam,” theo tường thuật của chính quyền Đà Nẵng.
…………………………………………………………………..
Hải vận hạm Nhật Bản cập cảng Ðà Nẵng
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, June 06, 2014
ÐÀ NẴNG (NV) – Hải vận hạm Kunisaki thuộc Lực Lượng Phòng Vệ của Nhật, có binh sĩ Hoa Kỳ và Úc tháp tùng, vừa ghé thăm Ðà Nẵng và sẽ tiếp tục lưu lại thành phố này cho đến ngày 15 tháng 6.
Hải vận hạm Kunisaki của Nhật thả neo tại cảng Ðà Nẵng. (Hình: Tuổi Trẻ)
Hải vận hạm Kunisaki hạ thủy hồi 2003, có thể chở theo 330 người trong thời gian ngắn, hoặc 100 người trong thời gian dài, cùng với 10 thiết giáp và 8 trực thăng. Lần này, khi ghé Ðà Nẵng, hải vận hạm Kunisaki mang theo 140 binh sĩ của Hoa Kỳ và Úc để phối hợp với Việt Nam thực hiện một cuộc thao dượt, phối hợp tìm kiếm và cứu nạn trên biển.
Sau đó, hải vận hạm Kunisaki sẽ tiếp tục đến Cambodia và Philippines để thực hiện các cuộc thao dượt nhằm phối hợp trợ giúp y tế nếu xảy ra thảm họa.
Cuối tháng trước, một viên chức cao cấp của Bộ Quốc Phòng Nhật từng nói với tờ Japan News rằng, hải vận hạm Kunisaki chở binh sĩ Hoa Kỳ và Úc đến Việt Nam, Cambodia, Philippines chỉ để tập dượt cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, chứ không phải là một cuộc tập trận.
Theo Văn Phòng Tham Mưu Liên Quân của Bộ Quốc Phòng Nhật, các hoạt động này nằm trong chương trình phối hợp tập dượt thường niên giữa Lực Lượng Phòng Vệ Nhật và Hải Quân Hoa Kỳ. Chương trình đó mang tên “Ðối Tác Thái Bình Dương,” bắt đầu từ năm 2007.
Theo báo giới Việt Nam, ngoài việc khám bệnh, chữa bệnh, các quân nhân Nhật, Hoa Kỳ, Úc còn giúp sửa chữa trạm xá. Ðến nay, sau 9 lần thực hiện chương trình “Ðối Tác Thái Bình Dương,” các bên đã chăm sóc y tế cho 250 ngàn bệnh nhân, hoàn thành 170 dự án xây dựng, giúp phát triển hạ tầng tại 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hải vận hạm Kunisaki đã được cả bí thư Thành Ủy, chủ tịch thành phố Ðà Nẵng, đại sứ Nhật tại Việt Nam nghênh đón. Trang web của chính quyền thành phố Ðà Nẵng tường thuật, cả bí thư Thành Ủy lẫn chủ tịch thành phố Ðà Nẵng cùng ngỏ lời cám ơn Nhật “lên tiếng phản đối hành động sai trái của Trung Quốc khi đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” trong bối cảnh “Trung Quốc không chỉ gây hấn đối với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình ổn định trong khu vực.”
Cũng theo tường thuật của trang web vừa kể thì ông Hiroshi Fukada, đại sứ Nhật tại Việt Nam, “đánh giá cao sự ứng phó bình tĩnh mà kiên quyết, thái độ thiện chí vì hòa bình của Việt Nam trong sự việc này” và nhấn mạnh, “Nhật đã tác động ASEAN, Hoa Kỳ, Úc để vận động tất cả cùng đoàn kết hợp tác ủng hộ Việt Nam.”
Hồi đầu tháng này, khi đến Singapore tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Châu Á, diễn ra tại Shangri-la, nên quen được gọi tắt là Ðối thoại Shangri-la, ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật, tuyên bố, Nhật sẽ ủng hộ tối đa cho nỗ lực bảo đảm an ninh vùng biển và bầu trời, duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không của các quốc gia ASEAN. Ông Abe nhấn mạnh, Nhật có kế hoạch giữ vai trò lớn hơn và chủ động hơn so với thời điểm hiện nay để bảo đảm cho Châu Á và thế giới hòa bình hơn.
Tuy không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc nhưng ông Abe cho rằng, các hành động nhằm củng cố việc thay đổi hiện trạng, bằng cách tạo ra việc đã rồi cần bị lên án mạnh mẽ, bởi đó là điều đi ngược lại với tinh thần của luật pháp quốc tế. (G.Ð)
………………………………….
VN kêu gọi Mỹ hành động hơn nữa giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông
Nguồn:VOA
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tom Malinowski trong cuộc phỏng vấn do VOA thực hiện
Trà Mi-VOA
06.06.2014
Việt Nam kêu gọi Mỹ hành động hơn nữa giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa các động thái gây hấn leo thang của Trung Quốc tại khu vực.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình trong cuộc họp báo ngày 5/6 nói Việt Nam hy vọng Hoa Kỳ sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn cũng như có thêm hành động thực tế hơn nữa góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và giúp giải quyết các tranh chấp chủ quyền trong vùng theo đúng luật lệ quốc tế.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh giữ gìn hòa bình và ổn định tại khu vực là lợi ích, nhiệm vụ không chỉ của các bên có liên quan trong tranh chấp và đồng thời hoan nghênh việc Mỹ và cộng đồng quốc tế thời gian gần đây đã lên tiếng vì một Biển Đông hòa bình.
Lời kêu gọi của Việt Nam được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định sẽ thăng tiến quan hệ với Việt Nam về mọi mặt, kể cả quân sự, một khi Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với VOA Việt ngữ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski nói ‘hiện giờ nhân quyền là một phần hết sức quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ’ vì Hoa Kỳ ‘quan tâm đến tương lai, sự ổn định của Việt Nam, và sự an lành cho người dân Việt Nam.’
Ông Malinowski nói:
“Vấn đề an ninh ở đây nhắc nhớ rằng Việt Nam là một nước tương đối nhỏ trước một nước láng giềng rất lớn. Việt Nam cần luật quốc tế, cần trở thành thành viên trong cộng đồng mà nền tảng dựa trên sự tôn trọng những luật lệ chung được mọi người hiểu biết và tôn trọng. Và một phần trong sự giao kèo ấy bao gồm những luật lệ bảo vệ con người. Có những luật lệ quốc tế bảo vệ các nước trước sự xâm lược, trước sự xâm phạm chủ quyền biển đảo, và cũng có những luật lệ quốc tế bảo vệ con người. Cho nên, là thành viên của cộng đồng có nghĩa là chấp nhận toàn bộ gói luật lệ chung ấy. Đó là điều Mỹ đã nêu rõ với Việt Nam rằng vì sao từng bước tiến tới việc tuân thủ luật quốc tế về nhân quyền là một lợi ích cho Việt Nam. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam chắc chắn có thể cải thiện và sẽ cải thiện, sẽ tăng cường sâu hơn nữa khi sự tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam được tăng cường.”
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh:
“Có rất nhiều lý do, đặc biệt là trong năm nay với các cuộc thương thảo về Hiệp định TPP, với chính sách tái cân bằng của Mỹ tại Châu Á, khiến vấn đề nhân quyền của Việt Nam sẽ nằm rất cao trong nghị trình làm việc của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng và kỳ vọng sẽ có tiến bộ từ Việt Nam.”
Mới đây, nhóm 7 nước công nghiệp thế giới bao gồm Mỹ vừa ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại về căng thẳng Biển Đông và kêu gọi các bên tránh hành động đơn phương đe dọa hay uy hiếp để khẳng định chủ quyền.
Phát ngôn nhân Lê Hải Bình nói Việt Nam hoan nghênh thông cáo này và kỳ vọng các nước cùng các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục lên tiếng thúc đẩy một giải pháp ôn hòa cho vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc phản bác thông cáo của nhóm G7 và quả quyết sẽ đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào chống lại chủ quyền của Bắc Kinh.
Có những luật lệ quốc tế bảo vệ các nước trước sự xâm lược, trước sự xâm phạm chủ quyền biển đảo, và cũng có những luật lệ quốc tế bảo vệ con người. Cho nên, là thành viên của cộng đồng có nghĩa là chấp nhận toàn bộ gói luật lệ chung ấy.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, Hồng Lỗi, nói các tranh chấp nên được giải quyết giữa các nước trực tiếp liên quan và sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài chỉ làm phức tạp thêm tình hình. Ông Hồng kêu gọi các nước bên ngoài tôn trọng dữ kiện khách quan, tránh gây chia rẽ và khuấy động căng thẳng.
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đang leo thang, với các hình ảnh video Hà Nội đưa ra cáo giác Bắc Kinh liên tiếp tấn công tàu Việt ở Hoàng Sa, gần khu vực Bắc Kinh đặt giàn khoan quốc doanh 981.
Việt Nam nói kể từ ngày 3/5 tới nay, Trung Quốc đã đâm hỏng 24 tàu chấp pháp của Việt Nam, gây thương tích cho 12 kiểm ngư viên. Đó là chưa kể số tàu cá Việt bị tàu Trung Quốc tấn công, trong đó có một tàu bị húc chìm hôm 26/5 khi đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống của Việt Nam.
Người phát ngôn Lê Hải Bình nói Việt Nam dồn mọi nỗ lực để mở các cuộc đối thoại với Trung Quốc giải quyết căng thẳng, nhưng khi thiện chí chỉ đến từ một phía thì các nỗ lực không đi tới đâu.
Tuy nhiên, Việt Nam cho tới nay vẫn quả quyết kiên trì theo đuổi các biện pháp hòa bình.
……………………………….
VN muốn TQ ‘rút giàn khoan vô điều kiện’
Nguồn:BBC – thứ bảy, 7 tháng 6, 2014
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói Trung Quốc phải rút giàn khoan ‘vô điều kiện’ (ảnh chụp 2012)
Một Phó Thủ tướng Việt Nam tuyên bố Trung Quốc phải rút giàn khoan “vô điều kiện”, và nói Việt Nam “không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì”.
Ông Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hải Phòng sáng 7/6 nhân Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014.
Quan hệ Việt – Trung tiếp tục căng thẳng, với việc Việt Nam nói tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng 24 tàu của Việt Nam từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa.
Tương tư như tuyên bố của một số lãnh đạo Việt Nam, ông Hoàng Trung Hải nói Trung Quốc đã có “hành động sai trái, ngang ngược, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế”.
“Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích, gây hấn, tấn công tàu chấp pháp và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển nước ta.”
“Hành động sai trái của Trung Quốc không chỉ bị Việt Nam mà còn bị nhiều quốc gia, nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới lên án mạnh mẽ,” ông Hải phát biểu.
Ông Hải nhấn mạnh Việt Nam “kiên trì đấu tranh thông qua các biện pháp hòa bình” nhưng “hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền”.
“Chúng ta không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì và không chấp nhận bất kỳ hình thức đe dọa, áp đặt nào.”
Phó Thủ tướng Việt Nam nói Việt Nam “yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan vô điều kiện khỏi vùng biển của Việt Nam và giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, đối thoại trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
Bài phát biểu của phó thủ tướng Việt Nam dường như nhận được sự tán thưởng của dư luận trong nước.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết trên Facebook của ông: “Phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khá hay, mềm mỏng nhưng khảng khái.”
Việt Nam tổ chức họp báo hôm 5/6 để lên án Trung Quốc
“Lần đầu được nghe một quan chức chính phủ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan vô điều kiện,” ông Lập nhận xét.
Trước đó, người đứng đầu chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố đã ‘chuẩn bị’ và ‘sẵn sàng’ có hành động pháp lý kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ Giàn khoan Hải Dương 981.
…………………………..