Hai vụ tham nhũng ở thượng tầng Việt Nam bị lộ
Nguồn:nguoiviet.com-Monday, March 24, 2014
HÀ NỘI (NV) .- Hai vụ tham nhũng liên quan đến giới lãnh đạo CSVN vừa bị lộ từ những nơi mà họ không ngờ: tại Nhật và trong một vụ tranh tụng hành chính ở Tòa án Tối cao của Việt Nam.
Các toa tàu văng xa khỏi đường ray trong một tai nạn hồi cuối Tháng Tư năm 2012. Hàng loạt dự án phát triển đường sắt trên toàn quốc bằng vốn vay nước ngoài có thể đình trệ vì tham nhũng (Hình: VNTimes)
Vụ thứ nhất, do có một số dấu hiệu cho thấy Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (Japan Transport Consultants – JTC) đã đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu, tư vấn cho các dự án được thực hiện bằng viện trợ của Nhật ở Việt Nam, Indonesia, Uzbekistan, vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật đã mở một cuộc điều tra.
Cuối cùng, ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc JTC, thú nhận đã đưa hối lộ ở cả ba quốc gia. Riêng tại Việt Nam, JTC đã hối lộ 80 triệu Yen (khoảng 800 ngàn USD, tương đương 16 tỷ đồng Việt Nam), để được chọn làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn thực hiện một dự án phát triển đường sắt ở miền Bắc Việt Nam, trị giá 4.2 tỷ Yen.
Sau khi những thông tin liên quan đến vụ đưa – nhận hối lộ này được tờ Yomiuri Shimbun loan tải, chế độ Hà Nội đã “tạm đình chỉ công tác” của ông Nguyễn Văn Hiếu, người đang là Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam của Tổng Công ty Đường sắt. Kế đó, họ tiếp tục “tạm đình chỉ công tác” của ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam của Cục Đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải và hai ông Trần Quốc Đông, Ngô Anh Tảo hiện đang cùng là Phó Tổng giám đốc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Việt Nam cũng đã cử một viên Thứ trưởng Giao Thông – Vận tải sang Nhật để tìm thêm thông tin về vụ đưa – nhận hối lộ mà theo báo giới Nhật, đã được ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc JTC, khai báo chi tiết, song các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật chưa công bố…
Vụ tham nhũng thứ hai, đáng chú ý hơn nhưng lại không được báo giới Việt Nam quan tâm đúng mức, cũng vừa bị lộ trong tuần qua, qua vụ một trong các chủ đầu tư Khu đô thị Sing – Việt (Bình Chánh, Sài Gòn) kiện nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn, do cơ quan đại diện Tòa án Tối cao ở phía Nam xét xử,.
Quy hoạch thực hiện Khu đô thị Sing – Việt (diện tích lên tới 331 héc ta) được duyệt từ 1997 nhưng từ đó đến nay, qua nhiều lần đổi chủ đầu tư, dự án này vẫn chưa hoàn tất. Năm 2007, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn có quyết định giao đất của dự án Khu đô thị Sing – Việt cho Công ty Liên doanh Đô thị Sing – Việt thực hiện. Liên doanh bao gồm một số công ty của Singapore và Công ty Xây dựng Bình Chánh. Vốn do các bên cùng đầu tư khoảng 300 triệu USD.
Ngay sau đó, Công ty Xây dựng Bình Chánh rút ra khỏi Công ty Liên doanh Đô thị Sing – Việt. Công ty Liên doanh Đô thị Sing – Việt chỉ còn bốn công ty ngoại quốc. Đất để thực hiện Khu đô thị Sing – Việt vẫn bị bỏ hoang.
Tháng 11 năm 2011, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, lấy lại dự án từ Công ty Liên doanh đô thị Sing-Việt để giao cho Công ty Đô thị Sing-Việt (Sing Viet City LTD).
Một tháng sau, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn lại điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư thêm một lần nữa, người đại diện cho Sing Viet City LTD vốn mang quốc tịch Singapore, bị gạt ra để thay bằng một người khác mang quốc tịch Malaysia.
Một công ty thành viên của Sing Viet City LTD là ST.Martin’s Properties (SMP của Singapore), kiện Sở Kế hoạch – Đầu tư và nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn ra tòa, vì theo SMP, việc cho phép điều chỉnh người đại diện là bất hợp pháp bởi không được các thành viên trong Sing Viet City LTD đồng ý. Tòa án thành phố Sài Gòn đã xử sơ thẩm vụ kiện này và bác đơn kiện.
Khi xét xử phúc thẩm, cơ quan đại diện của Tòa án Tối cao ở phía Nam phát giác trong hồ sơ vụ án có một tài liệu mà theo đó, Công ty Xây dựng Bình Chánh – doanh nghiệp Việt Nam duy nhất, chỉ tham gia vào dự án Khu đô thị Sing – Viet trong giai đoạn đầu rồi rút ra – đã nhận 300 ngàn USD để “tư vấn” cho việc rút vốn và được phép rút vốn của họ ra khỏi liên doanh. Đồng thời để được tham gia vào Sing Viet City LTD, SMP đã phải trả thêm 2.8 triệu USD để “chi cho các cơ quan Hà Nội”.
Ông Phạm Công Hùng, một thẩm phán của cơ quan đại diện Tòa án Tối cao ở phía Nam, một trong những thẩm phán quyết định hủy bản án sơ thẩm, “đề nghị làm rõ” về “chi phí tư vấn rút vốn” (300 ngàn USD), cũng như khoản “chi cho các cơ quan Hà Nội” (2.8 triệu USD), tâm sự với tờ Pháp Luật Thành phố , rằng, ông ta đã xử nhiều vụ án lớn nhưng vẫn sốc khi thấy chủ đầu tư phải chi hàng triệu USD.
Chế độ Hà Nội có vẻ khá mạnh mẽ trước thông tin viên chức Việt Nam đã nhận hối lộ khoảng 800 ngàn USD để JTC thắng thầu, nhưng cả hệ thống chưa nói gì, chưa làm gì đối với vụ SMP phải chi 2.8 triệu USD “cho các cơ quan Hà Nội”.
Theo giới quan sát thời sự, việc tích cực trong vụ nhận hối lộ từ JTC có thể vì Nhật vẫn luôn là quốc gia dẫn đầu trong việc cấp ODA cho Việt Nam và hồi 2010, Nhật từng cắt viện trợ do Việt Nam không quyết tâm điều tra vụ nhận hối lộ của một doanh nghiệp Nhật để chọn doanh nghiệp này làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn cho Dự án đại lộ Đông – Tây ở Sài Gòn. (G.Đ)
……………………………………………
Xuất khẩu thói xấu – nỗi nhục khó phai!
Thứ Bảy, 29/03/2014 09:14
phuongkimhuynh to:…,me
(NLĐO) – Quảng bá, xuất khẩu ra toàn cầu thói hư, tật xấu, lợi nhuận mang về cho đất nước ngàn năm văn hiến sẽ là nỗi nhục khó phai và sự khỉnh rẻ, kỳ thị của bạn bè quốc tế
Câu chuyện một cô gái tự xưng là du học sinh Nhật Bản ở Việt Nam 4 năm “kể xấu” người Việt bằng bức tâm thư đang gây xôn xao dư luận. Theo tôi, chuyện này không có gì mới. Việc người nước ngoài đến Việt Nam bị sốc rồi thất vọng vì nạn lừa lọc, chặt chém, cướp giật cùng lối sống vô kỷ luật ở đây đã xảy ra từ lâu rồi nhưng nước ta chưa có động thái gì để chấn chỉnh. Thậm chí, quảng bá nội địa chưa đủ, người Việt còn xuất khẩu thói xấu ra nước ngoài mà những sự vụ gần đây đã góp phần rất lớn vào việc xây dựng một hình ảnh người Việt xấu xí.
Lẻ tẻ là chuyện người Việt đi nước ngoài cư xử thiếu văn hóa nơi công cộng như xả rác, làm ồn, không xếp hàng, tham ăn tại các bữa tiệc buffet … Lớn hơn một chút là chuyện đi nước ngoài để lừa đảo, trộm cắp, kiếm chác… Và “tạo tiếng vang” hơn cả là những phi vụ quan chức Việt Nam nhận hối lộ khi thực hiện các công trình công cộng được đầu tư bằng vốn ODA.
Thật cay đắng khi góp phần xuất khẩu thói xấu không chỉ có những người dân bình thường mà có cả tầng lớp trí thức, quan chức đại diện cho bộ mặt quốc gia như: Vụ tiếp viên hàng không của Vietnam Airline bị bắt vì nghi tiếp tay vận chuyển hàng gian; vụ Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên phó giám đốc Sở Giao thông Công chính TP HCM) nhận hối lộ từ nhà thầu Nhật Bản trong dự án Đại lộ Đông – Tây và gần đây nhất, cũng từ sự phanh phui của Nhật Bản, quan chức ngành đường sắt Việt Nam bị tố nhận “lót tay” 80 triệu yen từ Công ty Tư vấn giao thông Nhật để trúng thầu dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.
Việt Nam nghèo, có quá khứ chiến tranh liên miên nhưng những bài học về đạo làm người không bao giờ thiếu. Trong đó, có rất nhiều ca dao, tục ngữ ông bà từ ngàn xưa đã đúc kết để răn dạy con người hãy luôn giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng như: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “miếng ăn là miếng tồi tàn”, “đói cho sạch, rách cho thơm”…
Thế nhưng, khi đất nước thanh bình, cuộc sống người dân đang ngày càng phồn thịnh thì những bài học này dường như đã bị quên lãng.
Cũng cần cù, chịu thương chịu khó nhưng người Việt lại dùng thủ đoạn để tranh đoạt phần lợi về mình. Lộ liễu là những vụ trộm cắp, cướp giật, hôi của; kín đáo là những vụ tham nhũng trong các cơ quan, công sở.
Cũng đoàn kết, tương thân tương ái nhưng lại chỉ trong phạm vi gia đình, làng xã, đồng hương thông qua việc chạy chức chạy quyền, đưa con em vào các cơ quan Nhà nước để tạo vây cánh nhằm dễ bề đục khoét của công.
“Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sĩ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi…”. Nhận xét quá đúng này trong bức tâm thư của người bạn Nhật Bản khiến tôi đau đớn.
Giáo dục con người ở Việt Nam hiện thời đã đi chệch quá xa so với nền tảng mà ông cha đã dày công xây dựng. Vì đâu nên nỗi?
Vì đâu mà càng ngày Việt Nam càng nổi tiếng không phải vì những chiến công hiển hách qua những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc hay sự bức phá đi lên phát triển về kinh tế mà vì những thói hư tật xấu không chỉ đang làm băng hoại đạo đức nước nhà mà còn vươn ra thế giới?
“Đi nước ngoài nhiều khi nhục lắm, xin visa đã khó khăn mà qua đến nước họ còn bị dòm ngó, kỳ thị đủ thứ chỉ vì mình là người Việt!”. Đó là tâm sự của một người bạn của tôi, thường xuyên đi du lịch nước ngoài. Nghe mà chua chát!
Có lòng tự hào nào lớn hơn lòng tự hào dân tộc. Vậy mà, hiện thời, lòng tự hào đó đang phải “mặc cảm” bởi một vài và rất nhiều con sâu đang đục khoét nham nhở hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Chiến tranh đã đi qua, những cuộc cách mạng đem lại độc lập cho dân tộc đã đi vào lịch sử. Nhưng không thể vì thế mà chúng ta ngủ quên trên chiến thắng bởi ở thời buổi hội nhập quốc tế, chiến đấu để giữ gìn bản sắc, hình ảnh đẹp đẽ của đất nước còn quan trọng và khó gấp vạn lần. Vì vậy, cùng với những cuộc cách mạng về kinh tế, phải phát động ngay những cuộc cách mạng về pháp lý cũng như trong giáo dục để chấn chỉnh lại hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đừng để Việt Nam mang tiếng là quốc gia hàng đầu “xuất khẩu” thói hư tật xấu ra thế giới và vô hình chung càng hội nhập chúng ta càng đóng cửa tương lai của chính mình.
Tống Thiên
………………………………………………….
Thế thượng phong của Putin
nguồn:nguoiviet.com-Monday, March 24, 2014
Và màn ảo giác của Obama
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Tem phiếu thực phẩm ở Mỹ(Hình minh họa -NN sưu tầm)
Trên chuyến bay qua Ðại Tây Dương để cùng các lãnh tụ Âu Châu thảo luận về đối sách với liên bang Nga, Tổng thống Barack Obama sẽ ngẫm lại chuyện mộng và thực…
Khi Vladimir Putin làm sĩ quan mật vụ cấp tá của cơ quan KGB và phục vụ tại Ðông Ðức thì Barack Obama còn là sinh viên. Là sĩ quan tình báo, Putin chứng kiến sự suy sụp và tụt hậu của liên bang Xô viết từ bên trong, còn cậu sinh viên lý tưởng Obama thì bất mãn về nhiều vấn đề xã hội bên trong nước Mỹ.
Khi Liên Xô tan rã, Putin hậm hực ngẫm lại tư thế đại cường của nước Nga. Còn Obama thì mơ chuyện cải tạo xã hội Hoa Kỳ theo quan điểm tiếp nhận được từ nước ngoài, nơi ông sống trong tuổi thiếu niên, và từ các nhà lý luận cực tả, thậm chí cộng sản như chính ông đã viết trong hồi ký.
Ngày nay, sự khác biệt ấy kết tinh vào một mâu thuẫn: khi cả thế giới chấn động về vụ Putin cưỡng đoạt Crimea và uy hiếp Ukraine thì Chính quyền Obama ưu lo chuyện sai biệt lợi tức và bất công xã hội.
Chúng ta sẽ có dịp trở lại chuyện xã hội này vào dịp khác trên cột mục “kinh tế cũng là chính trị.”
Nhớ lại thì sau khi đắc cử rồi nhậm chức vào đầu năm 2009, Tổng Thống Barack Obama đã nói tới nhu cầu cải thiện quan hệ với liên bang Nga, qua khái niệm gọi sai là “reset” – the button. Ông muốn hòa giải với lãnh tụ Putin để cùng cải tạo quan hệ quốc tế và lấy một số quyết định ôn hòa hơn vị tiền nhiệm. Khi tái tranh cử, ông cũng nói thầm với Dimitri Medvedev tại Seoul, rằng nhắn với Putin là đợi ông tái đắc cử thì sẽ “linh động” hơn.
Barack Obama không hề nghĩ đến việc gây mâu thuẫn hoặc thậm chí xung đột hay tấn công nước Nga. Năm ngoái, ông còn thiết tha bán cái cho Putin giải quyết các hồ sơ gai góc của mình là Iran và Syria.
Chí tình đến thế thì thôi!
Nhưng vì ảo giác của mình, ông không hiểu tâm tư của Vladimir Putin.
Tổng Thống Putin đã thấy sự thịnh suy của nước Nga từ thời Liên Xô qua thời liên bang Nga. Ông ý thức được là nước Nga suy yếu từng bị các đại cường tấn công trong lịch sử. Khi Liên Xô tan rã, lãnh thổ Nga đã mất đất mất người. Sau đó, trong 10 năm khủng hoảng của Nga, lý tưởng dân chủ và tự do của các nước Tây phương, và của Chính Quyền Obama sau này, khiến nhiều nước Ðông Âu đi theo Âu Châu, cải tạo kinh tế và chính trị, được Minh Ước NATO bảo vệ.
Nhìn từ quan điểm của Putin, tấm khiên phòng thủ của NATO chính là mũi công về an ninh: vũ khí chiến lược của NATO đã vào sát biên giới Nga, có thể khống chế các biên vực và vùng trái độn để bảo vệ nước Nga. Ðằng sau là trào lưu dân chủ được Tây phương cổ vũ, là lý tưởng tự quyết của các sắc tộc. Nghĩa là hai mối nguy khác 1) cho chế độ tập quyền của Putin tại Moscow và 2) cho sự toàn vẹn của lãnh thổ Liên bang Nga.
Khác với tư duy lạc quan của những người tin tưởng vào sức mạnh của tự do và dân chủ, lãnh đạo nước Nga từ thời xa xưa cho đến Putin ngày nay đều bi quan về an ninh của tổ quốc. Họ đều có phản ứng lấy công làm thủ! Họ không quên rằng vào năm 1916 Tổng Thống Woodrow Wilson của Mỹ có thể là tay phản chiến còn hơn Obama, qua năm sau thì các sư đoàn Mỹ đã có mặt tại Âu Châu trong Thế Chiến II, khi nước Nga đổi chủ. Nước Ðức có thể bị khủng hoảng nặng về kinh tế và kiệt quệ về quân sự năm 1932, chứ qua thời Hitler, chỉ có sáu năm sau, Ðức là đại cường Âu Châu, và mươi năm sau khi tấn công thẳng vào lãnh thổ của Nga.
Vì suy nghĩ như vậy, sau khi khống chế Georgia năm 2008, Putin đã uy hiếp Ukraine nhờ vũ khí năng lượng là khí đốt vào đầu năm 2009, khi Obama đòi cải thiện quan hệ Mỹ-Nga. Qua năm 2010, Putin cải cách về quân sự và tung sáng kiến thực hiện chế độ Liên Hiệp Quan Thuế Âu Á, từ Âu sang Á, để dùng kinh tế và an ninh ràng buộc các nước biên vực. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn xúc tiến chương trình tài giảm binh bị với liên bang Nga qua hiệp định gọi là New START, và Obama hủy bỏ việc thiết lập lá chắn phòng thủ tại Ba Lan và Cộng Hòa Tiệp do Chính Quyền George W. Bush đề xướng.
Nhìn từ bên ngoài, ta thấy ra sự kiên trì hòa hoãn của tổng thống Mỹ và quyết tâm bành trướng của tổng thống Nga.
Ngẫm lại thì qua vụ Ukraine, Putin có loại quyết định hợp lý với lý luận của ông ta, và chẳng ngại gì khi bị kết án là tái diễn – hay hâm nóng – Chiến Tranh Lạnh. Hoặc trở về động thái của thế kỷ 19! Ðiều ấy có thể cho thấy trước nhiều nước cờ “lấy công làm thủ” của Putin.
Thí dụ như khuynh đảo nội tình hoặc uy hiếp biên giới Ukaine, khống chế các nước khác trong vùng biên vực, từ ba xứ Cộng Hòa Baltic tới Moldova, hoặc gây phân hóa trong nội bộ Liên Hiệp Âu châu nhờ vũ khí kinh tế, và ly gián Tây phương qua lằn nứt Âu-Mỹ, v.v….
Sau nhiều năm mộng du trong cõi viễn mơ, Barack Obama đang trở về với thực tế phũ phàng và sẽ phải quan niệm lại vai trò của nước Mỹ trong một thế giới không ổn định. Thế giới này vốn không ổn định và xưa nay Hoa Kỳ phải thực hiện chính sách quân bình các thế lực đối trọng ở bên ngoài, để các quốc gia cứ phải gườm nhau mà không xâm phạm vào quyền lợi của nước Mỹ.
Khi hữu sự thì để của đi thay người – người đây là sinh mạng của xứ khác.
Sau hai thế chiến đầy tổn thất sinh mạng của dân Mỹ, và sau thất bại thê thảm tại Việt Nam, Hoa Kỳ dưới các triều đại dân chủ hay cộng hòa đều tự điều chỉnh là ào ạt viện trợ về kinh tế và quân sự để khỏi đổ quân vào chiến địa. Sai lầm của Bush trong cuộc chiến đầy hao tốn chống khủng bố Hồi Giáo – hao tốn về kinh tế và chính trị hơn là sinh mạng chiến binh – đã giúp Obama đắc cử. Sai lầm của Obama đã khiến Putin có thể mạnh tay làm đảo lộn tương quan lực lượng tại đại lục địa Âu Á. Người sẽ kế nhiệm ông sau cuộc bầu cử 2016 sẽ lại điều chỉnh nữa, để Hoa Kỳ trở về chủ trương cố hữu của mình. Ðấy là lúc nước Mỹ sẽ gặt hái thành quả thật ra chẳng có gì bất ngờ, là kinh tế liên bang Nga sẽ lại hụt hơi và người dân nói đến thời “hậu Putin”….
—————————————
Chuyện chỉ có tại nước Mỹ
Ðã nhắc đến một đề tài thời thượng của nước Mỹ là nạn bất công xã hội – thiểu số cực giàu thì càng giàu trong khi thành phần trung lưu lại thấy lợi tức không tăng từ năm năm qua và dân nghèo thì được trợ cấp tới số kỷ lục – xin mách ngay giải pháp của vợ chồng Colin và Andrea Chisholm tại Minnesota. Họ xin trợ cấp xã hội và lãnh phiếu thực phẩm tại Minnesota để… mua du thuyền trị giá hơn triệu bạc và đi xe Lexus du dương tại Florida. Dĩ nhiên là họ đang bị tòa án truy tố và nhà chức trách truy nã. Nước Mỹ bất công thật! Nếu thoát án tù, hai vợ chồng có thể mở công ty tư vấn về nghệ thuật gian lận để nhận tiền trợ cấp mà sống đời triệu phú…
- 1.Chuyến Tây du cấp cao nhạt nhẽo,bẽ bàng!(Bùi Tín/VOA)2.Trung Quốc đưa hàng chục tàu chiến xuống Biển Đông(NV)3.TQ và Bắc Hàn xác nhận chuyến thăm của Kim Jong-un(BBC).
- 1.Kim Jong Un tranh thủ thời gian để cứu chế độ (RFI) 2.Nguyễn Phú Trọng, tham vọng và tuyệt vọng(NV)2.Việt Nam: Khởi tố, bắt tướng công an vì vụ ‘đánh bạc’(BBC).
- 1.Thầy giáo vô trường nên được vũ trang không?(NND/NV)2.Vũ ‘Nhôm’: ‘Tình báo kim tiền’ và ‘phe cánh chính trị’(PCD/NV)
- 1.Tàu sân bay Mỹ vào Đà Nẵng có ý nghĩa gì?(P.C.Dũug/VOA)2.Hà Nội vẫn tin vào những giọt nước mắt(Phạm T. Hoài -Trẻ)3.Đừng gọi họ là anh hùng!(RFA)
- 1.Xử ông Thăng nhưng có ‘xử được cơ chế’?(BBC)2.OBAMA có thể là tổng thống đầu tiên bị kết án tù vì tội lạm dụng quyền lực ! (bacaytruc)-
- Kinh tế, một trong bốn cột trụ an ninh quốc gia của Mỹ(RFI)2. VNTB- Vụ Vũ ‘Nhôm’ có trở thành ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’?-3.Lãnh đạo Westminster lên tiếng vụ bị ‘tố cáo tham nhũng’(NV)
- 1.Tình đồng hương Houston những ngày bị bão Harvey- 2.Chùa Bảo Quang lập đàn tràng..(NV)3.Trần Đại Quang ..tin giả.(RFA)
- 1.Tuyệt Chiêu Sử Học(VB)2.VN không nhân nhượng vụ TX Thanh?(NBG)3.Quốc Gia và Thủ Đô đều vô chủ(DLB)
- 1.Năm Mười Bảy…(PC Dũng/VOA)2.Uy tín quốc tế của Việt Nam còn gì ..(RFI)3.Có Phải Trương Huy San Lộ Mặt ..
- 1.TQ 'bực bội vì hành động của VN ở Asean'-2.ASEAN không có thông cáo chung 'do VN(BBC)3.Vở kịch TX Thanh:đòn độc ..(RFA)4.