1.Hoa Kỳ tiếp tục cảnh báo TQ(BBC)2.Lao động TQ ở Formosa(RFA)3.Người TQ đang lũng đoạn..-4.T1:Tình báo..

Hoa Kỳ tiếp tục cảnh báo Trung Quốc
Nguôn: BBC/ Hồng Nga viết từ Đối thoại Shangri-La 15 ở Singapore

Reuters-
Bộ trưởng Ash Carter nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo trợ an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều thập niên

Tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La 15 đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter một lần nữa cảnh báo rằng với các hành động của mình trên Biển Đông, Trung Quốc đang “dựng Trường thành tự cô lập mình”.

Trong bài diễn văn quan trọng có tựa đề ‘Mạng lưới an ninh có nguyên tắc ở châu Á-Thái Bình Dương’, ông Carter nhận định: “Đáng tiếc là đang có sự quan ngại ngày càng lớn trong khu vực… về các hoạt động của Trung Quốc trên biển, trong không gian ảo và trên không”.

Ông bộ trưởng nói: “Thực tế tại Biển Đông, Trung Quốc đã có nhiều hành động mở rộng và chưa có tiền lệ, gây quan ngại về dụng ý chiến lược của mình”.

Điều này, theo ông “đang tách riêng Trung Quốc trong khi cả khu vực cùng hợp nhau lại”.

“Đáng tiếc, nếu tiếp tục các hành động như vậy Trung Quốc sẽ dựng bức Trường thành để tự cô lập mình”.

Một lần nữa người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định Hoa Kỳ không phải quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và không đứng về bên nào.

“Thế nhưng, Hoa Kỳ sẽ cùng các đối tác trong khu vực bảo vệ các nguyên tắc cơ bản như quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không, cũng như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và phù hợp luật pháp quốc tế.”

Ông Ash Carter hứa hẹn rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là quân đội hùng mạnh nhất thế giới và nhà bảo trợ chủ chốt cho an ninh khu vực trong nhiều thập niên tới.
Tài liệu chủ quyền

Hai đoàn Việt Nam và Trung Quốc đã có tiếp xúc song phương

Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 15 diễn ra trong khi tòa trọng tài quốc tế được trông đợi sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Carter, phán quyết này sẽ là cơ hội cho Trung Quốc và các nước khác trong khu vực cam kết tuân thủ các nguyên tắc trong tương lai.

Hoa Kỳ lâu nay đã nỗ lực vận động các quốc gia Á châu ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài theo hướng lấy đó làm nguyên tắc ứng xử.

Trung Quốc, ngược lại, nhiều lần tuyên bố không tham gia vụ kiện và cũng không chấp nhận phán quyết.

Diễn biến vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Ngay tại Đối thoại Shangri-La, đoàn Trung Quốc đã phân phát tập tài liệu tiếng Trung tựa đề ‘Các khía cạnh của vấn đề Nam Hải (Biển Đông)’ tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền của mình.
Tập tài liệu mỏng đề cập tới các dữ kiện lịch sử mà Trung Quốc nhiều lần đưa ra để chứng thực cho chủ quyền của mình tại Biển Đông.

Đề cập về sự việc này, trưởng đoàn Việt Nam, Thượng tướng Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, nói với BBC ông “có được biết đã có người phát tán tờ rơi nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa cũng như toàn bộ Biển Đông là thuộc về Trung Quốc”.

“Tôi chưa nghiên cứu và cũng chưa biết chắc ai làm việc này, nhưng nếu là tôi thì tôi sẽ không làm như thế vì đây [Đối thoại Shangri-La] là diễn đàn mở, công khai minh bạch và tất cả các nước đều lắng nghe nhau một cách tôn trọng.”

Theo ông, “nếu như ai đó muốn chứng minh chủ quyền của mình hay đưa ra lý lẽ của mình thì họ sẽ lên diễn đàn một cách công khai minh bạch trước cộng đồng thế giới, tốt hơn là phát các tờ rơi, nhất là các tờ rơi gây tranh cãi” như nói ở trên.

Tập tài liệu được tung ra sau khi hai đoàn Việt Nam và Trung Quốc có tiếp xúc song phương chiều thứ Sáu 3/6.

Tại cuộc gặp, người đứng đầu hai đoàn là Đô đốc Tôn Kiến Quốc và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã ca ngợi các nỗ lực hợp tác chung giữa quân đội hai nước.

Hành động nếu chứng thực là của đoàn Trung Quốc một lần nữa cho thấy dường như hợp tác và thiện chí chỉ là động tác ngoại giao, bởi vì Việt Nam cũng là quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

BBC đã tiếp cận các đoàn đại biểu các nước trong khu vực để tìm hiểu phản ứng của họ trước tài liệu chủ quyền của Trung Quốc nhưng chưa được trả lời.

………………………………………………………………………

Lao động Trung Quốc ở Formosa – Vũng Áng hiện nay
Nguồn: Anh Vũ, thông tín viên RFA – 2016-06-04

000_9U22R-622.jpg
Lao động Trung Quốc tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hôm 03/12/2015.-AFP

Hiện đang có rất nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc tại Vũng Áng, trong đó có tới 3.000 lao động không có giấy phép làm việc. Họ là ai và đang sinh sống và làm việc ra sao?

Người lao động Việt Nam trong khu công nghiệp Formosa và người dân Vũng Áng nói gì nói gì về họ?
Cục cằn và keo kiệt

Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, tổng số lao động nước ngoài tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là 5.321 người trong đó lao động Trung Quốc là 3.680 người. Theo thông tin của VNN online cho biết, hiện có trên 3.000 lao động Trung Quốc chưa có giấy phép.

Công nhân Trung Quốc phần lớn là đàn ông, phụ nữ ít, họ là những thanh niên, trung niên tuổi từ 25 đến 50. Phía Trung Quốc mua đất ở bên ngoài ở gần đó để làm nhà cho công nhân ở chứ họ không ở bên trong (Formosa).
-Chị Ngoan

Nói về số lượng công nhân người Trung Quốc hiện làm việc tại Formosa Vũng Áng, anh Bằng, một người dân ở thị xã Kỳ Anh đã từng làm công nhân tại khu công nghiệp Formosa nói với chúng tôi:

“Tôi từng làm công nhân của Formosa từ năm 2013, lúc đó số lượng công nhân Trung Quốc có khoảng 10.000 người.”

Chị Ngoan, một công nhân hiện làm việc trong khu vực Formosa cho biết, lao động Trung Quốc làm việc trong Formasa rất đông, họ được bố trí ở tại các ký túc xá xây dựng bên ngoài khu công nghiệp Formosa trên một vùng rất rộng. Chị khẳng định:

“Tôi là công nhân thuộc C19 trong khu công nghiệp Formosa. Công nhân Trung Quốc phần lớn là đàn ông, phụ nữ ít, họ là những thanh niên, trung niên tuổi từ 25 đến 50. Phía Trung Quốc mua đất ở bên ngoài ở gần đó để làm nhà cho công nhân ở chứ họ không ở bên trong (Formosa). Nghĩa là cả ngày họ làm việc ở trong đó và sáng đi, chiều về. Họ mua nguyên cả một vùng đất để làm nhà ở ở đó.”

Trả lời câu hỏi về tính cách và thái độ của các công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Formosa?

Theo chị Ngoan họ là những người cục cằn và keo kiệt, họ không biết nói tiếng Việt. Tuy nhiên hiện tượng công nhân Trung Quốc ăn nhậu say xỉn hay đánh lộn là rất ít. Chị bày tỏ:

“Họ đưa công nhân của họ sang đa phần là không có giấy phép, 1 phần 3 là những người tù tội, bụi đời. Vì thế hồi có bạo loạn, em làm ở C19 có 2 người Trung Quốc chết mà không ai nhận xác vì họ không có giấy tờ tùy thân. Để đó 4-5 ngày thì xác trương sình lên. Vậy không biết họ làm thế nào để đưa xác chết về nước.”

Anh Bằng cho rằng, vào năm 2013 lúc mới sang Việt Nam các lao động Trung Quốc tỏ ra coi khinh người Việt Nam ra mặt, điều đó có thể dẫn đến các hiểu lầm của mọi người. Tuy vậy sau vụ bạo loạn tháng 5/2014 tại Vũng Áng những lao động Trung Quốc này đã biết và thay đổi thái độ. Anh giải thích:

“Nhìn chung họ cũng vẫn quan hệ bình thường với người Việt mình và chẳng có sự phân biệt gì cả. Đấy là nói rất thật mà chẳng thiên gì về Việt Nam hay Trung Quốc. Phải thừa nhận hồi trước khi có bạo loạn (5/2014) thì họ cũng có coi thường người Việt mình, nhưng sau đó đến bây giờ thì họ rất tôn trọng.”

000_9U22S-400.jpg
Người Trung Quốc trong một nhà hàng ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh hôm 03/12/2015. AFP PHOTO.

Chị Ngoan cho biết, có một số lao động Trung Quốc lấy vợ người Việt Nam, song đó chỉ là việc tạm thời mang tính mua vui. Theo chị các phụ nữ Việt Nam cũng xác định trước như vậy, vì thế đó không phải là chuyện bất thường. Chị tiếp lời:

“Ở trong đó thấy phụ nữ người Việt Nam mình cặp bồ, cặp bịch với bọn họ rất là đông. Cũng có những người lập gia đình với người Trung Quốc, song có ít người đưa nhau về ở bên Trung Quốc lắm, chứ không phải anh nào lấy vợ rồi cũng đưa họ về bên kia đâu, ít lắm.”

Nói về sinh hoạt của các lao động Trung Quốc trong khu vực Vũng Áng. Theo anh Bằng ngoài phố cũng có nhiều người Trung Quốc và Đài loan mở cửa hàng kinh doanh bên cạnh các cửa hàng của người địa phương. Anh cho biết quan hệ giữa người Việt ở Vũng Áng và các lao động Trung Quốc bình thường và thân thiện. Anh cho biết:

“Thu nhập bình quân của công nhân Trung Quốc vào khoảng 30-35 triệu VNĐ/tháng, nói chung họ cực kỳ tiết kiệm. Cửa hàng của người Trung Quốc cũng có nhiều, của người Đài Loan cũng có nhiều. Đó là các quán ăn, tiệm tạp hóa hay cửa hàng bán quần áo. Công nhân Trung Quốc vẫn ra phố chơi, mua bán và tiêu dùng bình thường, theo tôi nhận định họ vẫn sống thoải mái và không có gì khác biệt cả.”
“Chỉ 36% lao động Trung Quốc ở Vũng Áng có phép”

Dưới nhan đề “Chỉ 36% lao động Trung Quốc ở Vũng Áng có phép”, báo VNN cho biết, liên quan đến tình trạng lao động Trung Quốc trái phép tại Formosa Vũng Áng, báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, chỉ có 1.400/4.154 lao động Trung Quốc được cấp phép, chỉ đạt 36%.

Nói về tình trạng lao động Trung Quốc làm việc trái phép trong khu công nghiệp Formosa, anh Bắc cho biết về số lượng cụ thể thì khó mà xác định được cụ thể là bao nhiêu người. Theo anh các cấp chính quyền ở Kỳ Anh – Hà tĩnh đã buông lỏng quản lý. Anh Bằng tiếp lời:

Khi tôi còn làm việc trong Formosa thì chỉ riêng trong Công ty tôi làm việc cũng đã có khoảng hơn 200 người Trung Quốc làm việc trái phép, những người này họ không ở trong ký túc xá mà ở lại ngay tại công trường.
-Anh Bằng

“Khi tôi còn làm việc trong Formosa thì chỉ riêng trong Công ty tôi làm việc cũng đã có khoảng hơn 200 người Trung Quốc làm việc trái phép, những người này họ không ở trong ký túc xá mà ở lại ngay tại công trường. Rõ ràng như vậy là chứng tỏ họ làm việc bất hợp pháp, vì tại sao họ không về ở tại các ký túc xá hay khách sạn của Công ty? Và tôi xác nhận là không bao giờ thấy công an kiểm tra họ.”

Chị Ngoan cho biết rằng hết sức ngạc nhiên về việc công an ở Vũng Áng hiện nay chỉ lo bảo vệ cho lao động Trung Quốc, kể cả số lao động trái phép. Ngược lại họ lại bắt nạt lao động người Việt Nam. Chị nói:

“Không biết công an có kiểm tra giấy tờ của công nhân Trung Quốc ở trên chỗ họ ở hay không? Nhưng trong khu vực Formosa thì không thấy họ kiểm tra bao giờ, mà chỉ thấy họ kiểm tra và bắt người Việt nam mình. Công an chỉ bảo vệ cho người Trung Quốc chứ không bảo vệ cho người Việt Nam, mà hắn còn hành người Việt Nam. Em cảm thấy buồn vì bất công quá.”

Tác giả Nguyễn Hữu Qúy viết trên báo Người Việt gần đây có đánh giá rằng: “Rõ ràng, Trung Quốc đang thực hiện cuộc di dân rất âm thầm, nhưng quyết liệt và hiệu quả vào lãnh thổ Việt Nam một cách hợp pháp, có sự tiếp tay của quan chức Việt Nam ở cấp cao, thông qua chính sách đầu tư xây dựng và khai khoáng. Mà Vũng Áng quả là một vị trí lý tưởng không chỉ để khống chế Việt Nam về mặt đường bộ, mà toàn bộ đường biển đi vào Vịnh Bắc Bộ.”

Liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, anh Bằng cảnh báo:

“Cái tin ấy thì tôi có được nghe, nhưng theo sự nhìn nhận của tôi thì hệ thống tường rào của Formosa họ làm kiên cố như kinh thành của Vua chúa. Gỉa sử bây giờ ở bên ngoài xe tăng của mình có đâm vào, tường có sập xuống thì cũng không thể lên được. Bởi vì hệ thống tường ấy có hào sâu 8 m, rộng 8m bao xung quanh. Xe tăng đâm vào cũng không thể lên nổi.”

Đại biểu quốc hội Trần Tiến Dũng thấy rằng, việc lao động Trung Quốc không hợp pháp đang cư trú và làm việc trong dự án Formosa đã vi phạm điểm B, khoản 5, điều 17, nghị định 167/2013 về việc “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có các hoạt động khác ở Việt Nam nhưng không được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam” với mức xử phạt sẽ từ 15-25 triệu đồng/ngườicông. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, một sai phạm có thể sẽ phải chịu nhiều hình thức xử lý khác nhau.

……………………………………………………………………………….

Người Trung Quốc đang lũng đoạn du lịch ở Nha Trang
Nguồn:Anh Vũ, thông tín viên RFA-2016-06-01

000_APH2003011327101-622.jpg
Khách du lịch ở bãi biển Nha Trang, ảnh minh họa chụp trước đây.-AFP

Trước sự quá tải của du khách Trung Quốc, tình trạng “Trung quốc hóa” du lịch đã diễn ra ở Nha trang . Tình trạng đó đã diễn ra thế nào và vai trò các cấp chính quyền tỉnh Khánh hòa trong vấn đề này ra sao?
180.000 lượt khách Trung Quốc

Theo Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Khánh Hòa, trong những năm gần đây, lượng du khách Trung Quốc đến Nha Trang tăng đột biến. Trong năm 2015, đã đón 180.000 lượt khách Trung Quốc, tăng khoảng 5,4 lần so với năm trước.

Dưới nhan đề “Người Trung Quốc ‘khuynh đảo’ du lịch Nha Trang”, báo VNN online ngày 30/5/2016 cho biết, người Trung Quốc đang điều hành phần lớn hoạt động kinh doanh du lịch phục vụ du khách nước này tại Nha Trang, đang gây lúng túng cho địa phương.

Tất cả các nhà hàng ấy không có bất cứ một nhà hàng nào mà người Trung Quốc đứng ra đăng ký kinh doanh. Nhưng 100% những nhà hàng đó chỉ phục vụ cho tour của Trung Quốc, không phục vụ cho khách VN và khách vãng lai.
-Võ Văn Tạo

Đánh giá về hoạt động du lịch tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh hòa trong thời gian gần đây, Nhà báo Võ Văn Tạo, một người công tác lâu năm trong ngành du lịch Khánh hòa nhận định:

“Tất cả các nhà hàng ấy không có bất cứ một nhà hàng nào mà người Trung Quốc đứng ra đăng ký kinh doanh. Nhưng 100% những nhà hàng đó chỉ phục vụ cho tour của Trung Quốc, không phục vụ cho khách VN và khách vãng lai. Thực chất những nhà hàng đó là của người Trung Quốc đứng đằng sau điều hành và thuê mướn nhân công. Còn chuyện họ bán hàng chất lượng xấu nhưng dán mác hàng chất lượng cao thì chỉ có ở những người Trung Quốc sang đây kinh doanh du lịch trái phép. Tình hình du lịch ở đây bây giờ hết sức hỗn tạp, xô bồ, điển hình là cách đây không lâu đã xảy ra việc ẩu đả giữa nhân viên an ninh Việt Nam và du khách Trung Quốc.”

Theo báo Tuổi trẻ, Đại tá Trần Nhân Nghĩa, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa thừa nhận rằng, vấn đề phức tạp nhất đang nổi lên hiện nay là xu hướng “Trung Quốc hóa” mọi hoạt động du lịch ở Nha Trang. Theo ông tình trạng người Trung Quốc nắm giữ hết các cơ sở kinh doanh để phục vụ người du khách Trung Quốc là có thật. Hiện nay do du khách Trung Quốc đến quá đông, nên đã có nhiều người Trung Quốc sang đây thuê trọn khách sạn, nhà hàng có vị trí đẹp và những cơ sở dịch vụ khác rồi họ tự quản lý và điều hành luôn.

Nói về nguyên nhân của tình trạng nói trên, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng trước sự bùng nổ về số lượng du khách người Trung Quốc trong thời gian gần đây, mà ngành du lịch tỉnh Khánh hòa chưa đủ năng lực đáp ứng, thì các cấp chính quyền còn buông lỏng quản lý. Ông nói với chúng tôi:

000_APH2003051945389-400.jpg
Bến tàu khách du lịch ở Nha Trang, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO.

“Các doanh nghiệp Du lịch và cơ quan chủ quản tỉnh Khánh hòa hết sức bí vì lượng du khách tăng lên quá nhanh. Hiện tại tỉnh này mới chỉ có 10 hướng dẫn viên tiếng Hoa được cấp thẻ thôi, chứ còn lại là để du khách tự túc hoặc đi bụi. Cái đó làm cho người Trung Quốc biết tiếng Việt nhảy ra làm luôn. Còn chuyện xử phạt thì quá ít, như muối bỏ biển.”

Ông Vũ Tuấn Hưng, một cựu chuyên viên du lịch lữ hành của Vietnam Tourist thấy rằng, do ham lợi nên đã có nhiều doanh nghiệp và cá nhân người Việt Nam có giấy phép kinh doanh ngành nghề du lịch, đã sẵn sàng hợp tác với đối tác Trung quốc và cho họ núp bóng để kinh doanh. Việc này đã tạo kẽ hở cho các thương nhân TQ kinh doanh thu lợi mà không bị kiểm soát. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của du lịch Việt Nam. Ông tiếp lời:

“Người Trung Quốc vào Việt Nam liên kết với các cơ sở kinh doanh có giấy phép, nhưng thực chất là họ nắm toàn bộ việc điều hành và do họ nắm nguồn khách nên họ có quyền ép giá. Cộng với việc họ thanh toán và chi tiêu đối với du khách tại Nha trang bằng Nhân dân tệ, thì điều đó sẽ khiến chúng ta thất thu về thuế. Cái thứ 2 thì đó là điều nhà nước cấm, song họ vẫn tiến hành vì các công ty bình phong là người chịu toàn bộ về vấn đề pháp lý.”
Trung Quốc hóa?

Trả lời câu hỏi: có hay không sự dung túng hay bao che của các cấp quản lý nhà nước, dẫn đến tình trạng “Trung Quốc hóa” mọi hoạt động du lịch ở Nha Trang như hiện nay?

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết:

“Về mặt suy luận thì có thể là như thế, song tôi không có các bằng chứng. Nhưng tôi nghĩ đối với cán bộ cấp cao, lãnh đạo tỉnh thì không có những chuyện đó. Có chăng thì là các lực lượng ở địa bàn, như Quản lý thị trường, công an khu vực hay cán bộ Phường họ có thể biết. Chuyện nhà hàng của người Trung Quốc cũng thế thôi. Các giớ chức Việt Nam cũng khó có thể biết, vì họ kinh doanh lậu nên họ làm rất kín.”

Giới chức ở Nha trang có biết về việc này, họ biết rằng cái đó sẽ làm xấu hình ảnh của du lịch Nha trang.
-Võ Văn Tạo

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3/5/2016, ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã tiếp nhận nhiều thông tin về những vi phạm nêu trên và thời gian gần đây các cơ quan chức năng địa phương sẽ tập trung chống ” núp bóng” kinh doanh, trốn thuế. Và cơ quan chức năng tỉnh Khánh hòa đã xử phạt các cá nhân người Trung Quốc hành nghề chưa được phép của cơ quan thẩm quyền. Với một số trường hợp còn bị hủy thị thực, rút ngắn thời gian tạm trú, yêu cầu họ phải xuất cảnh.

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, trước sự đánh động của báo chí thì các quan chức ngành du lịch Khánh hòa hết sức lo lắng, tuy nhiên họ vẫn chưa có các biện pháp xử lý cụ thể. Ông nhận xét:

“Giới chức ở Nha trang có biết về việc này, họ biết rằng cái đó sẽ làm xấu hình ảnh của du lịch Nha trang. Khi báo chí nêu lên các thông tin và làm cho dư luận xôn xao thì ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch tỉnh đã có chỉ đạo và kiểm tra ngay đối với các ngành liên quan. Nhưng xem ra hiệu quả thì không đi đến đâu.”

Chúng tôi đã liên lạc tới Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa để tìm hiểu về vấn đề này nhưng không nhận được sự trả lời.

Ông Vũ Tuấn Hưng thấy rằng, tình trạng khách du lịch Trung Quốc quá tải ở thành phố Nha trang sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Ông cảnh báo:

“Điều này thì người Trung Quốc đã phá hỏng môi trường du lịch của Việt Nam nói chung và thành phố Nha trang nói riêng, bởi vì họ đưa nhiều khách vào thì các công ty đua nhau giảm giá để lấy được khách. Khi đó chất lượng dịch vụ cũng sẽ giảm theo, do anh sẽ phải cắt bớt các dịch vụ. Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ làm cho thành phố Nha Trang sẽ mất đi thương hiệu du lịch và chất lượng du lịch sẽ giảm rất nhiều. Tôi muốn cảnh báo cái hệ lụy này, nếu như chúng ta không xử lý triệt để thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường du lịch của Việt Nam nói chung và Nha trang, Khánh hòa nói riêng.”

Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, một hiện tượng khác nổi lên gần đây là một số cơ sở dịch vụ ở thành phố Nha trang do chạy theo lợi nhuận nên chỉ phục vụ du khách Trung Quốc. Các cơ sở này thường lấy lý do không đủ nhân viên để từ chối phục vụ du khách là người Việt Nam.

…………………………………………………………………………………………..

. T1: Hợp tác tình báo Việt – Mỹ ‘sâu’ đến đâu?

Phạm Chí Dũng / Blog VOA

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (trái) tham gia một buổi họp báo cùng Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang (phải) hôm 23 tháng 5 năm 2016.

4-6-2016
ổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (trái) tham gia một buổi họp báo cùng Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang (phải) hôm 23 tháng 5 năm 2016. Ảnh: Reuters.

40,1 triệu USD và ‘tình báo hàng hải’

Cuối tháng 5/2016, chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Obama rời Việt Nam với món quà gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, một tờ báo nhà nước là VietTimes dẫn lại bài của hai tác giả – giáo sư Zachary Abuza thuộc Trường Hải chiến Mỹ và Nguyen Nhat Anh thuộc khoa Kinh tế chính trị Đại học Texas, cho biết chính quyền Mỹ đã cam kết cấp cho Việt Nam 40,1 triệu USD trong niên khóa 2015-2016 trong khuôn khổ Sáng kiến an ninh hàng hải nhằm hỗ trợ năng lực tình báo hàng hải, giám sát và trinh sát, chỉ huy và kiểm soát trong lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Nguồn ngân sách này cũng sẽ giúp mua các thiết bị phòng thủ hàng hải và hỗ trợ huấn luyện cũng như tập luyện chung để nâng cao năng lực phối hợp tác chiến.

Gần đây, VietTimes thuộc một nhóm báo nhà nước rất sốt sắng với những tín hiệu mới Việt – Mỹ. Tựa đề mới nhất của báo này là “Cam Ranh ‘vừa’ tàu sân bay Mỹ, sĩ quan Việt Nam cưỡi ‘sát thủ’ P-3 ở Hawaii”.

Những tin tức về “hỗ trợ năng lực tình báo hàng hải” cần được đặc biệt lưu ý – xét trên phương diện chiều sâu của mối quan hệ Việt – Mỹ và “làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện” – một cách nói như trả bài của giới lãnh đạo Việt Nam.

Nếu thông tin “hỗ trợ năng lực tình báo hàng hải” và con số 40,1 triệu USD như VietTimes dẫn lại là đúng, có thể ghi nhận đây là lần đầu tiên từ sau cuộc gặp Obama – Trương Tấn Sang tại Washington vào năm 2013 với bản tuyên bố 9 điểm về đối tác toàn diện, và sau Hội nghị đối thoại về an ninh quốc phòng Shangri-La tổ chức tại Singapore cũng vào năm 2013, Mỹ bắt đầu ra mặt tài trợ cho hoạt động tình báo quân đội của Việt Nam.

T1 có nhiệm vụ gì?

Có một sự kiện có vẻ liên quan đến thông tin “hỗ trợ năng lực tình báo hàng hải” trên: vào ngày 21/5/2016, chỉ 24 tiếng trước khi Tổng thống Obama đến Hà Nội, Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) thuộc Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập một đơn vị tình báo mới mang bí số T1. Sự kiện này đã được công bố trên báo chí nhà nước, tuy không hề đề cập đến chức năng nhiệm vụ, đối tượng tình báo và phạm vi hoạt động của cơ quan tình báo T1.

Gần đây nhất, giới lãnh đạo chính trị Việt Nam thường nêu ra một yêu cầu đối với Tổng cục 2: “Tình báo Quốc phòng phải phục vụ đắc lực, hiệu quả hơn nữa cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội kịp thời phát hiện, đánh giá đúng tình hình để xác định chủ trương, sách lược và biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là bị động, bất ngờ về chiến lược”.

Đặc biệt, “không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là bị động, bất ngờ về chiến lược” là một cụm từ xuất hiện khá thường xuyên trong chỉ đạo chính trị sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào Biển Đông như vào chốn không người trong năm 2014. Có dư luận là sau đó, vai trò của Tổng cục 2 được “nâng cấp” hơn. Nhưng phải sau khi vai trò của “tướng chữa bệnh” Phùng Quang Thanh thật sự chấm dứt trong thời gian Hội nghị trung ương 14 vào tháng Giêng năm 2016 và tại kết quả công bố của Đại hội XII của đảng cầm quyền trong cùng tháng đó, Tổng cục 2 mới có những biểu lộ “giãn Trung” hơn.

Một chi tiết khác cần được phân tích là việc công bố trên báo chí về thành lập đơn vị tình báo mới của Bộ Quốc phòng, kể cả bí số T1 của đơn vị này, có thể được xem là bất thường, nếu đối chiếu với truyền thống bảo mật tuyệt đối chứ không phải phô trương về thông tin của những cơ quan đặc biệt, nhất là cơ quan tình báo thuộc tầm “chiến lược”.

Hẳn nhiên, có thể xem việc công bố về cơ quan tình báo T1 là hành động có dụng ý của Bộ Quốc phòng – cơ quan chủ quản của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trong thời gian khoảng hai năm qua, không biết vô tình hay hữu ý, báo chí nhà nước thỉnh thoảng lại “lộ hàng” một số vũ khí, khí tài quân sự cùng khả năng tác chiến của một số đơn vị được coi là “thiện chiến” của Việt Nam, trong đó có đặc công nước.

Còn nhiệm vụ và đối tượng tình báo của T1 là gì?

Trước đây nhiều năm, thông thường sự xuất hiện của một cơ quan tình báo là nhằm đối phó với hoặc “kẻ thù truyền kiếp” là Trung Quốc, hoặc “kẻ thù số một” là Mỹ.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, cùng với chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương của người Mỹ, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị một kế hoạch tập kích Việt Nam, không phải trong tương lai xa mà có thể ngay trong vài năm tới, thậm chí ngay trong một số tháng tới. Vào cuối năm 2015, việc Trung Quốc mang pháo phòng không và tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa mà “không thèm hỏi ý kiến Hà Nội” hẳn đã khiến giới lãnh đạo Việt Nam hoảng sợ đến mất ngủ.

Nếu nỗi sợ của Hà Nội là đủ lớn và khoảng cách giữa Việt Nam và Mỹ là đủ gần, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố chấm dứt hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, không loại trừ khả năng cơ quan tình báo T1 mang trên mình nhiệm vụ tình báo hàng hải, với đối tượng nghiệp vụ và phạm vi tình báo là hoạt động của những đơn vị hậu cần kỹ thuật và tác chiến của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Và nếu thông tin về việc người Mỹ đang ra mặt tài trợ cho tình báo hàng hải của Việt Nam trong mối liên hệ trực tiếp với lực lượng Cảnh sát biển của Bộ Quốc phòng, có thể cho rằng T1 cũng nằm trong hoạt động hợp tác hỗ trợ này. Thậm chí T1 còn có thể đóng vai trò là “hạt nhân” của hoạt động hợp tác.

Việt – Mỹ ‘sâu’ đến đâu?

Từ ngữ “hạt nhân” đã từng được vài quan chức và báo chí Việt Nam sử dụng khi nói về mối quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng trong dịp tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng công an – đến Washington vào tháng 3/2015 để chuẩn bị cho chuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng hiện tượng mà giới quan sát quốc tế còn quan tâm hơn là bên cạnh những nội dung “chuẩn bị”, tướng Quang đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc với giới chức an ninh Mỹ, từ Cục Điều tra liên bang (FBI) đến Cục Tình báo trung ương (CIA), thậm chí với cả quan chức quốc phòng Mỹ. Có bình luận cho rằng với nhiều cuộc gặp đa dạng, dường như chuyên sâu và hơi lạ lùng ấy, vai trò của tướng Quang không còn đơn thuần là một bộ trưởng.

Cũng vào thời gian cuối quý 1 năm 2015, ở Việt Nam đã bắt đầu đồn đoán về sự thay đổi vị trí của ông Trần Đại Quang. Bắt đầu xuất hiện thông tin về việc ông Quang có thể được “cơ cấu” cao hơn, thậm chí vào một trong các vị trí thuộc “tứ trụ”.

Sau Đại hội XII, mọi chuyện đã trở nên rõ ràng hơn: ông Trần Đại Quang trở thành chủ nhân của Văn phòng chủ tịch nước với vai trò “thống lĩnh các lực lượng vụ trang nhân dân”.

Một khả năng có thể xảy ra là cơ chế “làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác tình báo giữa hai nước” đã được ông Quang bàn với phía Mỹ tại chuyến đi Washington của ông vào tháng 3/2015, để tiếp dẫn đến kết quả “hỗ trợ năng lực tình báo hàng hải” ngày hôm nay.

Thực ra trên phương diện ngoại giao, “hợp tác toàn diện” rất thường là một thuật ngữ trừu tượng theo kiểu “ngoại giao nhân dân”, và đáng thất vọng là từ năm 2013 đến trước chuyến đi của Obama đến Việt Nam tháng Năm 2016 vẫn chưa có gì được cụ thể hóa cho 9 điểm mà Obama – Sang đã ký. Nhưng sau khi Obama ăn bún chả và uống trà đá ở Hà Nội, tình hình dường như đã xoay chuyển đáng kể: bằng chứng đã nhìn thấy về hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, bằng chứng khó nhìn hơn về “thỏa thuận Cam Ranh”, nhưng bằng chứng sâu đậm và ngoạn mục nhất cho quan hệ Việt – Mỹ trong thời kỳ mới chắc chắn phải là cơ chế hợp tác cấp “tình báo chiến thuật” đạt đến phân kỳ giải ngân.

Có lẽ tình báo Hoa Nam và cả Tập Cận Bình sẽ lồng lộn lên về câu chuyện “sâu đậm” trên.

* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

…………………………………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics