1.Họa sĩ Phạm Tăng-bài 1&2(DTL)2.Đọc Đặng Phú Phong với Bên Kia Con Chữ & Nghệ Thuật(VB)

Họa sĩ Phạm Tăng, con phượng hoàng VN trên bầu trời nghệ thuật Tây phương
Nguồn:nguoiviet.com- Friday, January 15, 2016

Du Tử Lê

canh ty -P tang.jpg1

Bìa báo Xuân Canh Tí. (Hình gia đình cung cấp)

Trận mưa nhỏ nhưng dai dẳng từ trưa, trên phố phường xám của “thủ đô ánh sáng,” đã tô thêm màu xám cho Paris, khi chúng tôi rời căn phòng trên tầng lầu 3, một chung cư ở quận 11. Đó là lúc mưa nặng hạt hơn. Trời thấp hơn và, những trận gió cũng mang theo nhiều lát dao giá buốt sắc lẻm hơn, liếc qua, liếc lại trên phần thân thể không được phủ kín. Đó là lúc những bước chân vội-vã-xám của dòng người cúi mặt, tìm đường vào hầm metro. Hai giờ chiều. Toàn bộ thành phố nhớp nháp, lấm lem như một tấm chăn bông khổng lồ ố bẩn, bị nhúng nước mà, đám người lúc nhúc như những sinh vật bé nhỏ cóng, rét, quay quanh cái trục ngơ ngác, bất lực của chính mình.

Càng cố gắng thở cho đủ lượng khí trời cần thiết, để theo kịp bước chân hăm hở của Lê Hoàng Vân, Vũ Thư Hiên, luôn cả T., tôi càng thấy rõ mình bị hụt hơi. Tựa hai lá phối của tôi, cũng đồng lõa với mưa-xám-Paris, chỉ để lại cho tôi lượng oxy tối thiểu trước khi bị cắt đứt.

Chốc chốc, T. lại quay lui, ngó chừng; hoặc đi lui, nắm tay tôi như truyền sức mạnh, chia xẻ nỗi hăm hở phía trước của T., cho tôi.

Trong bốn chúng tôi, người nôn nao nhất giữa cuộc “bơi” trong Paris-mưa-xám, tôi nghĩ nhiều phần là T.

Hơn ai hết. có dễ T. nôn nao muốn được giáp một họa sĩ Việt Nam, như con phượng hoàng, sớm ra khỏi ao tù đường nét và màu sắc của ao tù quê nhà, xoải cánh giữa bát ngát trời / đất phương Tây, mà T. chỉ được biết được qua khá nhiều huyền thoại…

Nơi chốn chúng tôi lặn lội tìm tới là quảng trường Bonneuil Sur-Marne, ngoại ô Paris.

Nhân vật cả bốn chúng tôi cùng muốn gặp là một họa sĩ một thời nổi tiếng giữa quảng trường VHNT miền Nam, rồi bỗng dưng, thình lình biến mất!

Những người biết chuyện, cho hay, người họa sĩ từng là tâm bão của bức tranh bìa Xuân nhật báo Tự Do, xuất bản đầu năm 1960, đã hoàn toàn biến mất khỏi tất cả mọi sinh hoạt văn nghệ, truyền thông, báo chí, đời thường sau một scandal chính trị vào năm 1959…

Đến nay, sự thật dường vẫn chưa nghiêng hẳn phía nào – Dù cho ông đã đôi lần lên tiếng: Ông không phải là tác giả của bức tranh 5 con chuột đục khoét trái dưa hấu. Mà, tác giả bức tranh (không ký tên) đó, là họa sĩ Nguyễn Gia Trí, một người bạn thân thiết của ông. (1)

Bức tranh ít màu. Nét vẽ chân phương. Sống động. Nhưng nếu xoay ngược thì nó lại có hình dạng bản đồ Việt Nam bị đục khoét. Theo tài liệu ghi lại thì, bức tranh hàm ý nói về gia đình của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm…

Với nhiều người, kể cả những người nặng lòng với nền hội họa Việt Nam đương đại thì, người họa sĩ kia, kể như đã biến mất. Đã “bốc hơi!” Họ không nghe, thậm chí không biết! Hoặc không có một chút ý niệm cụ thể nào người họa sĩ Việt Nam ngoại khổ ấy!

Đôi ba người tỏ ra “thành thạo tin tức văn giới” hay muốn chứng tỏ mình là người nắm được nhiều bí ẩn đằng sau tấm màn nhung thế sự, cũng rụt rè đưa tin: Người họa sĩ lớn lao đó vẫn sống ẩn dạng, âm thầm ở Roma, nhiều chục năm, sau khi ông được ghi nhận là đã đoạt vị trí khôi nguyên khi tốt nghiệp một trường cao đẳng hội họa danh tiếng ở Roma. (Mặc dù, ông chỉ nhìn thành tích vẻ vang kia của ông, ngang bằng một “certificate / chứng minh thư” – chữ của ông – mà thôi).

canh ty-PT2.jpg1

Họa Sĩ Phạm Tăng tại tư gia – Paris, 3 tháng 1, 2016. (Hình dutule.com)

“Giựt gân” hơn, có người ngậm ngùi, ái ngại mà cho rằng, ông mất đã lâu!!! Nhưng tôn trọng di nguyện của người quá cố, thân nhân gia đình ông đã im lặng, tựa góp thêm một dòng sông thinh lặng, vào biển thinh lặng vốn có từ hơn nửa thế kỷ trước, kể từ khi ông rời khỏi Sài Gòn, với một học bổng 5 năm về Hội Họa ở La Mã.

Chính vì khao khát đi tìm dấu vết của con phượng hoàng hội họa Việt Nam, xoải cánh giữa trời / đất phương Tây mà, chúng tôi phải trải qua một lộ trình dài, với hai chuyến metro, một chuyến xe buýt ra khỏi thủ đô Paris, đi qua những thành phố xám. Mưa xám và, những lưỡi dao buốt giá sắc lẻm, liếc qua liếc lại trên thân thể, lúc nhiệt độ Paris đã tuột xuống gần zero độ – Để về tới Bonneuil Sur-Marne.

Cuối cùng, trên một cao ốc đường Place des Libertés, người họa sĩ ngoại khổ ở tuổi 91 đã mở cửa. Ông hiện ra: – Cao nhòng. Mảnh khảnh. Giản dị trong chiếc quần vải trắng. Áo khoác đen. Rộng thinh. Chiếc mũ len trên đầu… Tất cả cho thấy ông giống một tu sĩ về hưu, hơn là một họa sĩ nổi tiếng thế giới. Ngọn đèn sau lưng, xô chiếc bóng chông chênh của ông ngã gập, vắt trên vai lan can sắt, chạy dọc hành lang hẹp ẩm hơi nước của buổi chiều theo mưa, tới sớm.

Với tôi, hình ảnh này như một phản quang hình ảnh, đời riêng, lặng lẽ và, xa cách hoàn toàn giữa ông cùng nhân thế…

Vẫn với tôi, chỉ riêng đôi mắt sáng quắc, nụ cười nhân hậu, hóm hỉnh của ông, mới cho thấy sức sống, nội lực tiềm ẩn trong ông, vẫn là những ngọn lửa bập bùng, nóng bỏng đời thường và, thao thức kiếm tìm cái mới…

Người đàn ông xuất hiện, chắn ngang khung cửa hẹp đó là họa sĩ Phạm Tăng – Mà không ít người từng đinh ninh, ông không còn nữa. Ông đã “bốc hơi” đâu đó, từ lâu, giữa Roma, mịt mù. Xa lạ…

Du Tử Lê,

(Kỳ sau tiếp)

Chú thích:

(1) Wikipedia – Mở cho biết, họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại Chương Mỹ, Hà Tây. Năm 1954, họ Nguyễn di cư vào miền Nam. Ông mất năm 1993 tại Sài Gòn. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí là người đã làm một cuộc cách mạng cho tranh sơn mà Việt Nam.

Về sinh hoạt đời thường cũng như công trình lớn lao vừa kể của họ Nguyễn, trang mạng Wikipedia ghi nhận:

“… Về lãnh vực hoạt động chính trị, người ta được biết, cuối thập niên 1930, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã cùng với nhà văn Nhất Linh / Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Văn Luyện, Khái Hưng, Hoàng Đạo, thành lập Đại Việt Dân Chính Đảng. Vì những hoạt động chính trị vừa kể mà ông bị chính quyền thực dân Pháp bỏ tù một thời gian ở Sơn La.

Cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, họ Nguyễn chuyển sang sáng tác thể loại tranh Sơn Mài. Với chất son, sơn than, vàng, bạc, vỏ trứng, sơn cánh gián, Nguyễn Gia Trí đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy, một chiều sâu bí ẩn, đưa kỹ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu hội họa này trong nền mỹ thuật Việt Nam. Như các bức: “Cảnh nông thôn,” vẽ năm 1939. Hay bức “Thiếu nữ bên cây phù dung,” vẽ năm 1944… Ông được họa giới trong và ngoài nước công nhận như là người làm cuộc cách mạng ngoạn mục cho tranh sơn mài Việt Nam.”

Vẫn theo Wikipedia-Mở thì ở những tranh sơn mài có kích thước lớn, Nguyễn Gia Trí luôn cho thấy chủ tâm đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, hy vọng đặt cạnh hoài niệm…

Cách đây nhiều năm, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã được quy định là Quốc Bảo. Vì thế, những tác phẩm của ông, đã lâu, không được phép mang đi khỏi Việt Nam.

=========

Phạm Tăng và, đóng góp độc đáo cho khuynh hướng nghệ thuật Op Art
Friday, January 22, 2016 1:22:02 PM

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Bầu trời Paris xám, tiếp tục nôn thốc những trận mưa nặng hạt hơn và, gió cũng giận dữ, ghim trong lòng nó nhiều hơn những mũi kim rét, buốt, khi chúng tôi trở lại trạm xe buýt ở quảng trường Bonneuil Sur-Marne.

Chuyến xe buýt đến chậm hơn giờ ghi nơi bảng chỉ dẫn. Một hành khách chờ xe buýt trước chúng tôi, chán nản bước vào mưa, sau khi càu nhàu, nói gì đó với Vũ Thư Hiên.

canh ty-PT 3.jpg1
Họa sĩ Phạm Tăng. (Hình: Phạm Hải Nam)

Tôi không biết tác giả “Ðêm Giữa Ban Ngày” nghĩ gì (?). Sau khi ông trở lại căn hộ quen thuộc của họ Phạm! Tôi cũng không biết Lê Hoàng Vân nghe được những gì (?) khi Vân kéo sụp chiếc mũ len che kín đôi tai đã ửng hồng. Nhưng tôi biết T. bị ám ảnh bởi chuyện kể những ngày Việt Nam và, nhất là những năm tháng lạc lõng của họ Phạm – – Người họa sĩ Việt Nam mang trong tâm khảm hai ngọn lửa đối nghịch: Mặc cảm nghèo khó, bị khinh rẻ của một con dân thuộc một đất nước bị người Pháp đô hộ dài lâu và, khát vọng cháy bỏng thể hiện tài năng của một nghệ sĩ Việt Nam đơn độc giữa Roma, thánh địa của nghệ thuật tạo hình thế giới.

Tôi biết T. bị ám ảnh về hai cụm từ “nhà nghèo” và “nỗi nhục” bị ngoại bang đô hộ mà họ Phạm lập lại nhiều lần trong suốt cuộc trò chuyện…

Trở lại California, nhờ mượn được bộ sưu tập tranh cũng như những bài báo viết về vũ trụ tranh Phạm Tăng, của nhiếp ảnh gia Phạm Hải Nam, (2) tôi mới biết thế giới ca ngợi tài năng Phạm Tăng thế nào? Ra sao? Ðó là phần họ Phạm cố tình… “bỏ quên,” không nói tới, dù chỉ ít lời!

Theo cảm nhận của T. thì đấy chính là đức khiêm cung của một tài năng thực sự, lớn. Sau này, thảng hoặc, T. còn nhắc tôi rằng, đừng quên, người họa sĩ VN ngoại khổ kia, trước sau chỉ nhận mình là “một thằng thợ vẽ”!?!

Trong bộ sưu tập tranh và, các bài viết về họa sĩ Phạm Tăng, của Phạm Hải Nam ngoài những bài phê bình của các nhà phê bình hội họa quốc tế, tôi chú ý tới bài viết của một nhà phê bình hội họa Hoa Kỳ. Bài viết này được học giả Hữu Ngọc, một bạn thân của họa sĩ Phạm Tăng, thời đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (1945), chuyển ngữ (3).

Ðó là bài báo có tựa đề “Phương Ðông gặp gỡ phương Tây” đăng trong tạp chí “Sức Khỏe & Ðời Sống số 54, đề ngày 4 tháng 5, 2002, về sự gặp gỡ giữa họa sĩ Vance Kirkland (Hoa Kỳ) và Phạm Tăng (Việt Nam), một gặp gỡ vừa thú vị giữa hai tài năng ngoại khổ, lại vừa như một minh chứng cụ thể của tên tuổi Phạm Tăng, đã sớm vươn xa khỏi Âu Châu. Nhưng đáng chú ý nhất, theo tôi, là ghi nhận về đóng góp độc đáo của Kirkland và Phạm Tăng cho khuynh hướng “Nghệ thuật hiệu quả thị giác / Op Art” – – Một hãnh diện lớn cho Việt Nam mà, đa phần chúng ta không hay biết. Và, chính người sáng tạo, họa sĩ Phạm Tăng cũng không hề nhắc tới trong những cuộc trò chuyện.

canh ty-PT 4.jpg1
Tranh Phạm Tăng. (Hình: Phạm Hải Nam)

Bài báo tựa đề “Phương Ðông gặp gỡ phương Tây” được học giả Hữu Ngọc chuyển ngữ và, giới thiệu, nguyên văn như sau:

“Ðó là tên một bài bình luận ở Mỹ gần đây giới thiệu một bức tranh của họa sĩ Phạm Thăng, vẽ cách đây 42 năm (sáng tác ở Rôma, Ý), do cố họa sĩ Mỹ Kirkland (1904-1981) hơn Phạm Tăng 24 tuổi mua, (rồi cho trưng bày) trong một cuộc triển lãm do Quỹ Vance Kirkland tổ chức ở Denver Colorado.

“Bài báo nói về cuộc gặp gỡ Phạm Tăng – V. Kirkland như sau:

‘Viện bảo tàng Kirkland mượn bộ sưu tập một bức tranh Việt Nam bằng sơn mài và vỏ trứng, tác phẩm của họa sĩ bậc thầy Phạm Tăng. Ðây cũng là một bằng chứng kỳ lạ giữa phương Ðông và phương Tây. Tất cả bắt đầu từ khi Vance Kirkland và Phạm Tăng trở thành bạn của nhau từ sau cuộc triển lãm ở Rôma năm 1960. Phạm Tăng sinh sống ở Rôma từ 1959 và mở triển lãm vào năm 1969 tại Galleria Schneider, nơi Kirkland cũng có cuộc triển lãm năm 1960. Kirkland mua một bức tranh của Phạm Tăng trong cuộc triển lãm đó để biểu thị sự cảm phục sáng tác của bạn mình. Vào cuối những năm 1960, cả hai họa sĩ đều sáng tác nhiều tác phẩm có những hình ảnh được tạo nên bởi mảnh vỡ.

‘Tranh của Kirkland gồm các chấm nhỏ, còn tranh của Phạm Tăng thì gồm những mảnh vỏ trứng vỡ. Các bức tranh chấm khổ nhỏ của Kirkland vào những năm 1966 và 1967 được treo cạnh bức tranh năm 1968 của Phạm Tăng để thể hiện rõ mối liên hệ hấp dẫn này – mặc dù chất liệu tranh Kirkland dùng sơn dầu và màu nước, Phạm Tăng dùng sơn mài và vỏ trứng, nền tranh Kirkland dùng vải, Phạm Tăng dùng bảng gỗ; quá trình sáng tạo nghệ thuật và tiểu sử của hai họa sĩ rất khác nhau.

‘Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Kirkland thể hiện rõ sự quan tâm thích thú đến hiệu quả thị giác (optical effects) của màu sắc sống động và những gì ẩn đằng sau các hình ảnh (đóng góp độc đáo vào khuynh hướng Op Art tức là nghệ thuật hiệu quả thị giác). Phạm Tăng lại dùng các chất liệu độc đáo để thể hiện những hình ảnh và sự sắp đặt các hạt màu hết sức trừu tượng, tạo nên sự hấp dẫn cho con mắt người xem. Có lẽ đây là lần đầu tiên trưng bày tác phẩm của hai họa sĩ – khác nhau về nhiều mặt và ngưỡng mộ nhau’…”

Không biết có phải để bổ túc bài nhận định của một nhà phê bình Mỹ về tranh của mình và Kirkland hay không (?). Mà, sau đó, họa sĩ Phạm Tăng đã có một thư riêng cho dịch giả Hữu Ngọc. Và vị học giả tên tuổi của VN này, đã ghi lại một đoạn thư riêng của họ Phạm, nơi phần cuối bản dịch của mình:

“…Sự móc nối giữa tôi và Kirkland là do những chấm nhỏ li ti, các cellule (tế bào) màu khởi đầu cái thời kỳ nghệ thuật dots (dấu chấm) của Kirkland – giống như những tế bào trong tranh của tôi. Có điều khác là những dots trong tranh Kirkland là nguyên sắc (1 màu), còn ở tranh của tôi thì trong mỗi tế bào là một tổ hợp gồm 2-3 khoanh tròn cùng một tâm (concentrique) màu đối nhau (contraste) tạo nên những màu sắc linh động hơn…’” (Nđd)

(Kỳ sau tiếp)

Chú thích:

(2) Nhiếp ảnh gia Phạm Hải Nam, chủ tịch hội ảnh nghệ thuật Sunrise, là em rể của họa sĩ Phạm Tăng. Cuối năm 1973, đầu năm 1974, Phạm Hải Nam được một học bổng của chính phủ Ý qua Roma, theo học chương trình tiến sĩ kinh tế. Vì thế, ông có một thời gian dài, sống cùng một nhà với họa sĩ Phạm Tăng…

(3) Học giả Hữu Ngọc sinh năm 1918. Tính tới hôm nay, cụ đã 98 tuổi nhưng vẫn còn làm việc hăng say, như thời trai tráng. Tác giả Ðỗ Ngọc Yên, trên tờ Văn Nghệ QÐ đã ghi nhận về học giả Hữu Ngọc như sau: “Trong những chuyến đi điền dã với các đoàn công tác trong và ngoài nước đến các vùng miền khác nhau của đất nước, cụ (Hữu Ngọc) đi bộ, leo núi thoăn thoắt như con sóc rừng. Có thể hành trình đi kiếm tìm những chứng tích văn hóa Việt Nam còn tiềm ẩn trong thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam chưa bao giờ ngưng nghỉ đối với cụ. Cùng với các bộ ‘Phác thảo chân dung văn hóa Pháp’, ‘Mảnh trời Bắc Âu’, ‘Văn hóa Thụy Ðiển’, ‘Hồ sơ văn hóa Mỹ, ‘Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam’, ‘Khám phá văn hóa Việt Nam’… Cách đây vài năm nhà văn hóa Hữu Ngọc lại cho ra mắt bạn đọc Việt Nam và thế giới bộ ‘Lãng du trong văn hóa Việt Nam’ (…). “Thực ra, ‘Lãng du trong văn hóa Việt Nam’ được xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu tiên với tên gọi ‘Wandering through Vietnam Culture’, nhưng mãi đến giữa năm 2007 cuốn sách mới xuất bản bằng tiếng Việt do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành… (Nguồn Wikipedia – Mở).

……………………………………………………………………………

Đọc Đặng Phú Phong Với Bên Kia Con Chữ & Nghệ Thuật
Nguồn:vietbao.com- 26/01/2016

Phan Tấn Hải

Mỗi nhà văn đều có những kiểu riêng trong cách viết, nói theo nhà văn Mai Thảo là “những bàn viết riêng.” Chúng ta đọc, và cảm nhận về mỗi tác giả khác nhau. Có thể những ấn tượng của chúng ta về các tác giả không chính xác, nhưng hiển lộ của từng người viết trên các dòng chữ vẫn là những nét riêng, mang cả những bầu trời rất riêng. Thí dụ, chúng ta đọc thơ Quách Tấn và nhận ra phong thái một nhà Nho cẩn trọng từng chữ một, trong khi dòng thơ Bùi Giáng hiện ra bát ngát, chuyển động như thác lũ cuồn cuộn như dường bất tận.

Đặng Phú Phong cũng hiển lộ một nét rất riêng: như dường không có biên giới trong đam mê sáng tác của ông. Họ Đặng làm thơ, viết truyện, nhận định về hội họa, phỏng vấn các tác giả, viết báo… Như thể rằng Đặng Phú Phong muốn sống gấp nhiều lần trong một kiếp người. Và hiển nhiên rằng, kiếp người quá ngắn, nhưng các dòng chữ của Đặng Phú Phong rồi sẽ có một sinh mệnh riêng, sẽ lưu giữ những suy nghĩ và ước mơ của anh cho những độc giả nhiều thế hệ sau. Rồi tương tự, qua chữ của họ Đặng, các họa sĩ và các nhà văn dưới ngòi bút phê bình của ông cũng sẽ xuất hiện trước mắt độc giả đời sau.

Nhà văn Bích Huyền nhận ra động cơ cầm bút đó, và gọi trên một bài viết năm 2010 ở Đài VOA là “Đặng Phú Phong và nỗi buồn lưu lạc.”

ben kia con chu - DPP.jpg1
Đặng Phú Phong trong buổi ra mắt ra mắt CD Thiền Ca Hoa Bay Khắp Trởi của nhạc sĩ Trần Chí Phúc hát thơ Phan Tấn Hải.

Nhà văn Bích Huyền ghi nhận về Đặng Phú Phong, trích:

“…Sau 1975 bị tù đến cuối 1982 mới được phóng thích. Ông suýt chết trong tù vì đau bệnh thương hàn, người ta đã toan đem bỏ vào nhà xác của trại giam, nhưng phép lạ đã cứu ông sống lại, sau đó bị bại liệt cả hai chân, phải chống nạng đi lê lết cho đến ngày ra trại.”(hết trích)

Bạn hãy hình dung về một Đặng Phú Phong, một thời mấy thập niên trước, đã phải chống nạng để tìm cơ sống lại, và bây giờ, ông lại cầm bút để làm hiển lộ những thế giới ẩn mật trong tranh, trong thơ, trong truyện… Tác phẩm “Bên Kia Con Chữ & Nghệ Thuât” của Đặng Phú Phong đã xuất hiện như thế đó — từ một người bẻ nạng để cầm bút.

Tuyển tập gồm 2 phần, nơi Phần 2 là nhận định về nhiều họa sĩ và thế giới họa phẩm của họ, nơi Phần 1 là phỏng vấn, nhận định, nói chuyện với các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ.

Mỗi bài viết trong tuyển tập của Đặng Phú Phong là riêng về một tác giả.

Trong Phần 1, tác giả họ Đặng viết về, hoặc phỏng vấn Du Tử Lê, Đặng Thơ Thơ, Đào Hiếu, Lê Văn Khoa, Nga Mi & Lãng Minh, Nguyễn Viện, Nhã Thyên, Nguyễn Tôn Nhan, Song Chi, Thảo Trường.

Chúng ta nhận ra rằng trong Phần 1, có nhà thơ, nhà văn, nhạc trưởng, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà biên khảo Hán Nôm, nhà đạo diễn… Nghĩa là, đa dạng.

Trong Phần 2, Đặng Phú Phong viết về các họa sĩ: Ann Phong, Cao Bá Minh, Du Tử Lê, Dương Văn Hùng (điêu khắc), Đào Hải Triều, Đinh Cường, Khánh Trường, Nguyên Khai, Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Văn Trung, Rừng, Thanh Trí, Trịnh Cung, Trương Thị Thịnh.

Cần ghi nhận rằng, Du Tử Lê trên Phần 1 là nhà thơ, và rồi xuất hiện như họa sĩ nơi Phần 2. Và đặc biệt, bìa của tuyển tập “Bên Kia Con Chữ & Nghệ Thuật” là tấm tranh “Treo mình trên giá vẽ” của Trịnh Cung, một họa phẩm sơn dầu trông như hình ảnh Chúa Jesus bị đóng đinh, nhưng nơi đây có nghĩa là họa sĩ mỗi lần sáng tác là một lần treo mình trên giá vẽ và “nâng hội họa thành tôn giáo” (trang 278).

Tuyển tập dày 312 trang, in thuần trên giấy dày, tất cả đều hình màu — và rất nhiều tranh của các họa sĩ được in màu nơi đây để giữ trung thực các màu sắc. Đây là một tuyển tập cần có trong tủ sách những người quan tâm về văn học và hội họa.

Sở trường của tác giả là phê bình hội họa, do vậy, nơi đây chúng ta sẽ chọn trích đoạn một số nhận định của Đặng Phú Phong về một số họa sĩ quen thuộc trong cộng đồng.

Trong bài “Khánh Trường và… phục sinh” – Đặng Phú Phong viết nơi trang 222-223, về loạt tranh triển lãm năm 2006, trích như sau:

“Hãy nhìn. Màu sắc trong loạt tranh Phục Sinh như nhẹ ra, mặc dù màu vàng đất là màu Khánh Trường thủ đắc, bố cục tưởng như chểnh mảng nhưng là một chểnh mảng lọc lừa khiến người xem dễ dàng đồng ý với tác giả, phó mặc cho màu sắc dẫn dắt đi vào không gian thật rộng của từng bức họa. Cảm giác của người xem sẽ là một cảm giác vui, lâng lâng, nhẹ nhàng, chừng như cái đẹp trong tranh của anh có đôi mắt thật trong thật sáng và nụ cười thật trẻ thơ luôn luôn mời gọi.

Sự tự tin đã giúp Khánh Trường vượt thoát. Sự đam mê đã giúp anh gặp gỡ được cái đẹp của hội họa. Đó là những điều nổi bật của Khánh Trường. Anh có nhiều cá tính rất mãnh liệt và cũng rất dại khờ tình si nên cuộc đời anh phảng phất dáng vẻ nhân vật Alexis Zorba của Nikos Kazanzaki, anh chàng chịu chơi với chất ngất đam mê, yêu đời, yêu cái đẹp, yêu phụ nữ cho đến lúc cận kề cái chết. Alexis Khánh Trường!” (hết trích)

Trong bài “Nguyễn Đình Thuần: Thế giới của những hang động thạch nhũ,” họ Đặng viết nơi trang 238, trích:

“…Có lần khi xem tranh của Nguyễn Đình Thuần sau khi uống vài ly rượu, tôi chợt nhận ra rằng sự thống khoái của mấy ly rượu cộng với không khí của những bức tranh làm cho tôi thích tranh của anh lạ lùng. Không gian trong tranh bây giờ là không gian của kính vạn hoa luôn luôn biến đổi. Sự sống của những bức tranh như đâm chồi, trổi dậy theo chiều cao, trườn chảy ra theo chiều sâu bằng những vết, mảng màu phi hình dạng sáng, tối, đậm đặc và sung mãn.”(hết trích)

Trong bài “Đinh Cường, màu xanh miên viễn,” Đặng Phú Phong viết nơi trang 212, trích:

“…Đinh Cường là một trong nhiều họa sĩ Việt Nam ảnh hưởng lối vẽ thiếu nữ của Modigliani. Nhưng, Đinh Cường đã Việt hóa người thiếu nữ trong tranh của Modigliani. Hay nói đúng hơn những tiêu chuẩn về người nữ của Modigliani được Đinh Cường thay đổi cho phù hợp với người Việt hơn. Gương mặt hơi ngắn lại, bầu ngực không to không căng tròn, mái tóc buông dài, chiếc áo dài thướt tha. Những chi tiết này kết hợp với thân hình “gầy guộc” “xanh xao” (mượn chữ Trịnh Công Sơn) để trở thành vóc dáng một cô gái Huế quả là một cái đẹp hết sức thanh tân. Về điểm này tôi cho rằng những cô gái Huế đã nợ Đinh Cường (cũng cần thêm họa sĩ Nguyên Khai nữa) một món nợ tinh thần rất lớn. Thiếu nữ trong tranh Đinh Cường là thiếu nữ Huế!”(hết trích)

Trong bài “Thanh Trí và triển lãm Đôi Bờ,” Đặng Phú Phong nơi trang 266 viết, trích:

“…Mùa thu: vàng.. Vui thì ửng đỏ và lấp lóe đâu đó chút xanh biên biếc. Buồn thì vàng đen, vàng nâu, vàng đất, vàng …đá. Ít thấy họa sĩ nào diễn tả mùa thu mạnh và đầy góc cạnh như Họa sĩ Thanh Trí. Mạnh nhưng không thô, cái mạnh của lực tạo hóa. Góc cạnh vì cái nhìn, cảm nhận đa chiều đối với một không gian xơ cứng, trầm uất. Mùa thu có trọng lượng, sức nặng ở những chiếc lá rơi, ở những giọt sương làm trĩu những chiếc lá sen già nua. Ngắm những bức tranh mùa thu của Họa sĩ Thanh Trí, người xem thấy được những hang hóc hoang vu sổng người lên chịu đựng đám lá mục thời gian qua những nhát cọ khá hào phóng. Điều nầy càng dễ thấy hơn qua bức tranh Hành Trình Của Đá. Trong những hình khối đa dạng, chập chùng đè lẫn lên nhau tạo nên ấn tượng hổn mang của thời hoang sơ lập địa, mời gọi người xem hòa mình vào cảnh trí của bức tranh, để cùng bước theo hành trình của đá. Có hành trình của đá thì cũng sẽ có giấc mơ của đá. Đá cũng là tôi là anh là mọi người.”(ngưng trích)

Trong bài “Nguyên Khai, chất Huế trong tranh,” Đặng Phú Phong nơi trang 233 viết, trích:

“Có người cho tranh Nguyên Khai nhuốm sắc buồn, nhưng với tôi, tranh Nguyên Khai phàn ánh tâm hồn hiền hòa, chân chất của anh, phản ánh cái êm đềm, thơ mộng của Đất Thần Kinh. Sự nghiệp hội họa của Nguyên Khai gắn liền với xứ Huế, dù cho anh có ở bất cứ phương trời nào và vẽ bất cứ dưới chủ đề nào, chất Huế vẫn cứ bàng bạc trong tranh. Nói thậm xưng một chút thì ngôn ngữ trong tranh của Nguyên Khai là ngôn ngữ của một cô gái Huế nhỏ nhẹ thầm thì, khiến mọi người phải tĩnh lặng lắng tai thả hồn vào cung bậc du dương mật ngọt.”(hết trích)

Trong bài “Rừng, gã du tử trên đại lộ màu sắc,” Đặng Phú Phong nơi trang 257 viết, trích:

“…Có lẽ vì quá cưu mang và tự trang bị cho mình sự dấn thân ở từng mảng đời trong sư phi lý và đầy kịch tính của xã hội nên tranh của Rừng thường dùng màu thật nóng, thật mạnh và thật nhiều hình tượng khiến cho những hình tượng ấy thiếu không gian để thở, khiến cho người xem cũng ngộp thở theo. Cùng với một số hoạ sĩ cùng thời, hay các hoạ sĩ trong hội Hoạ Sĩ Trẻ,mà anh là một thành viên, đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm khá thành công thành công. Ở mỗi cuộc triển lãm tranh của anh đều có sắc thái riêng biệt, rất Rừng, và nhất là sự thay đổi trong chiều hướng sáng tác. Điều đó chứng tỏ Rừng rất chịu khó tư duy, luôn đi tìm cái mới cho tác phẩm của mình. Anh quan niệm con đường sáng tạo về nghệ thuật của anh như một con đường tu tập có nhiều thời kỳ và trong mỗi thời kỳ đều có nguyên nhân nội tại cùng với sự đưa đẩy của cơ duyên.”(hết trích)

Trong bài “Cao Bá Minh: màu xanh trôi trong ký ức,” Đặng Phú Phong nơi trang 182 viết, trích:

“Một nét rất đặc biệt, rất Cao Bá Minh là nếu ai đã từng gặp mặt anh thì sẽ dễ dàng nhận ra những tranh chân dung, dù là chân dung tự họa hay chân dung của thiếu nữ, của mùa xuân, hay của ai đó đi chăng nữa đều là sự thể hiện chân dung của chính anh, nhưng không bức nào giống bức nào, không lập đi lập lại chủ đề. Đó chính là sáng tác là khám phá cái mới. Và cũng qua những bức chân dung này ta khẳng định được chất đông phương trong tranh Cao Bá Minh với những màu sắc lãng mạn, sâu lắng, huê dạng như những hang động thạch nhũ lấp lánh muôn màu dưới ánh sáng xanh nhẹ nhàng quí phái. Dù anh vẽ sự mộng mơ, sự bình an, những điều tốt đẹp hay sự hủy diệt, sự thất vọng, sự đau khổ vân vân và vân vân nghĩa là anh vẽ bất cứ điều gì, chúng ta đều phải có cùng một nhật xét là tranh Cao Bá Minh rất sang cả.”(hết trích)

Trong bài “Ann Phong, biển, mãi gọi tên,” Đặng Phú Phong nơi trang 171 viết, trích:

“Biển đã giúp Ann Phong vượt thoát, nhưng cũng chính biển cày sâu vào tâm thức chị. Khi trốn chạy, Ann Phong mong đi qua biển thật nhanh, qua được rồi, nhiều năm sau nước biển vẫn còn “thấm trên da thịt” (chữ của Ann Phong). Biển đã trở thành một khúc quành thiết thân của đời mình, thế nên chị đã quay lại biển. Nhưng lần này Ann Phong không dùng thuyền máy mà dùng cọ vẽ làm cột bườm, kết màu sắc thành thuyền, ung ung ra khơi. Hai chuyến đi có khác về phương cách nhưng có cùng một mục đích thăng hoa; một thăng hoa cho đời sống, một thăng hoa cho nghệ thuật của mình…”

Tác phẩm mới của Đặng Phú Phong trong tận cùng cũng là nguồn tài liệu phong phú về 23 tác giả, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà đạo diễn – cũng ghi lại một thời kỳ sáng tác của nhiều nghệ sĩ trong một thời đại có rất nhiều chuyển biến cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Tập biên khảo “Bên Kia Con Chữ & Nghệ Thuật” dày 312 trang với hơn 70 trang màu in những bức tranh đẹp của các họa sĩ VN. Ấn phí 30 Mỹ kim. Muốn nhận sách có chữ ký của tác giả xin liên lạc: dpp653@yahoo.com.

Phan Tấn Hải

GHI CHÚ: Sách “Bên Kia Con Chữ & Nghệ Thuật” của Đặng Phú Phong, sẽ ra mắt tại Việt Báo, 14841 Moran St., Westminster, CA. 92683 từ 1 giờ 30 Chủ nhật 31/1/2016. Các diễn giả: Nhà thơ Du Tử Lê. Họa sĩ Trịnh Cung, Nhà văn Đặng Thơ Thơ. MC: nhà văn Trịnh Thanh Thủy. Văn nghệ: nhạc sĩ Trần Chí Phúc. Vào cửa tự do.

………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics