Hồi ký Dương Phục/Vũ Thanh Thủy
Nguồn:nguoiviet.com- March 3,2017
Du Tử Lê
Tác giả Vũ Thanh Thủy và Dương Phục. (Hình Diễn Ðàn Thế Kỷ)
Theo định nghĩa của trang mạng Bách Khoa Toàn Thư Mở (Wikipedia) thì, hồi ký là một dạng của thể tài gọi chung là “ký.” Nó mang tính cách trần thuật từ tác giả ở ngôi thứ nhất. Với nội dung, kể về những sự kiện có thực đã xảy ra trong quá khứ mà tác giả chứng kiến hay tham dự. Tuy hồi ký khá gần với với thể loại nhật ký ở hình thức giãi bày, không dùng các kỹ thuật xây dựng cốt truyện. Cũng không nhất thiết phải kể lại tất cả mọi sự kiện, theo thứ tự thời gian, hay chú trọng tới các dữ kiện có tính cách tiểu sử… Nhưng hồi ký lại khác với tự truyện ở chỗ hồi ký đặt trọng tâm vào một số sự kiện trong khi tự truyện có phạm vi rộng lớn hơn, kéo dài cả đời người. Theo nhà văn Gore Vidal thì tự truyện cũng đòi hỏi thời gian đối chiếu rõ ràng như ngày, tháng trong lịch sử. Còn hồi ký vốn do chính trí nhớ của tác giả ghi lại.
Bước sâu thêm vào đặc tính của hồi ký nếu so sánh với dạng “ký” khác, trang mạng Wikipedia nhấn mạnh, “về mặt chất liệu, về tính xác thực không có sự tham dự của yếu tố hư cấu thì hồi ký rất gần với văn xuôi lịch sử, tiểu sử khoa học gia, ký sự hay tư liệu lịch sử…”
Cũng chủ tâm tìm cho hồi ký một định nghĩa phổ quát, dễ hiểu hơn, trang mạng thatmah.com trong bài “Hồi ký đời mình, viết sao cho đáng,” nhân cuốn hồi ký của tài tử Thương Tín ra đời, nhắc tới một nhân vật thứ ba, không xin phép, gây xôn xao dư luận, tác giả bài “Hồi ký đời mình, viết sao cho đáng” đã ghi nhận như sau:
“Hồi ký là kể lại bằng câu chữ những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà chính tác giả là người tham dự hoặc đã được chứng kiến. Xưa nay, việc ai đó cho ra mắt cuốn hồi ký của mình không phải là điều gì mới lạ. Ai cũng có thể viết hồi ký đời mình, cuốn hồi ký đó có thể do chính tay tác giả viết hoặc nhờ người khác chắp bút. Người bình thường muốn viết hồi ký như là một kỷ niệm để lại cho con cháu trong nhà đọc để thêm hiểu, thêm trân trọng quý mến tác giả. Vì thăng trầm của một đời người không thể không gắn liền với những biến cố xảy ra trong dòng tộc, hay trong giai đoạn cụ thể của một vùng đất, một dân tộc, nên tuy là hồi ký cá nhân nhưng đọc lại, thế hệ sau cũng có cảm giác như là một cuốn sử biên niên và người đọc có cơ hội được sống lại những vui buồn nào đó mà chính tác giả là nhân vật chính.
“Hồi ký như một sự trải lòng và giãi bày của tác giả với độc giả của mình. Chính vì mang đậm dấu ấn cá nhân, nếu được viết tốt, hồi ký luôn hấp dẫn và lôi cuốn người đọc từ trang đầu đến trang cuối. Tuy vậy, gây sự tò mò mạnh mẽ và thôi thúc tìm đọc hơn cả là hồi ký của những người nổi tiếng. Ðó cũng là tâm lý thường tình của độc giả – luôn háo hức được biết càng nhiều càng tốt về cuộc sống của người nổi tiếng, một cuộc đời hẳn là không bằng phẳng bao gồm cả những góc khuất không nhiều người biết đến và… cả những cuộc tình!
“Nắm được tâm lý ấy của độc giả, những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều quốc gia đua nhau viết hồi ký. Tùy theo cách nhìn của mỗi độc giả mà cuốn hồi ký đó có giá trị hay không. Tuy nhiên dẫu là hồi ký kể về chuyện đời của một cá nhân thì cũng phải tuân thủ một số nguyên tắc, bằng không, mọi chuyện cũng sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng mà thôi.”
Nguyên tắc đầu tiên có lẽ là sự lựa chọn những câu chuyện, những chi tiết để ghi dấu lại trong hồi ký, tránh rơi vào tình trạng ôm đồm, bộn bề gây rối cho người đọc. Trong phạm vi của một cuốn sách, hồi ký không phải là chỗ cho tác giả kể lể mọi chuyện đã diễn ra trong cuộc đời mình. Chính sự chắt lọc này mới làm nên giá trị của cuốn hồi ký chứ không phải cứ dốc tuồn tuột gan ruột ra mới là hay và hấp dẫn người đọc.
Nguyên tắc thứ hai là khi trong hồi ký của mình kể về một ai đó có liên quan thì phải nên tôn trọng họ, nếu không hỏi ý kiến trước khi có quyết định đưa vào cuốn hồi ký thì cũng viết sao cho độc giả không có những cái nhìn méo mó về nhân vật mà ta đang nhắc đến. Ðiều này đặc biệt nhạy cảm, dễ gây xáo trộn cuộc sống hiện tại của “nhân vật phụ” này khi người đó lại là tình cũ, là người vợ hay chồng một thời của tác giả.
Cuốn hồi ký của diễn viên điện ảnh Thương Tín đang được dư luận chú ý cũng bởi khía cạnh này, khía cạnh mà lẽ ra tác giả nên giữ lại cho riêng mình như giữ lại ký ức của một đoạn đời đáng nhớ và trân trọng. Việc kể ra những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời mình với những chi tiết chỉ liên quan đến hai người trong cuộc thời điểm đó như việc cô ấy đã từng lén người tình đi nạo phá thai mấy lần… khiến độc giả có cảm giác như Thương Tín đã đi quá xa trong việc tô vẽ hình ảnh cá nhân và đồng thời cũng quá xem nhẹ cảm xúc hiện tại của nhân vật phụ nữ anh nhắc đến trong hồi ký của mình. Và dường như anh không hề lưu tâm đến gia đình hiện tại của những người phụ nữ đã qua cũng như tâm trạng, cảm xúc của người phụ nữ hiện tại của chính anh nữa. Hóa ra ngay cả khi viết hồi ký là để giải tỏa những thôi thúc cá nhân thì cũng cần lắm cái tâm của tác giả, cần lắm một sự cân nhắc để lựa chọn hoặc tiết chế những tiểu tiết để có thể đem đến cho độc giả những thiện cảm và xúc cảm lành mạnh (…).
“Một cuốn hồi ký hay phải giống như một cuốn phim về cuộc đời tác giả, trong đó yếu tố chân thật phải được đặt lên hàng đầu và tránh những kể lể dông dài, những yếu tố giật gân câu khách. Một cuốn hồi ký được độc giả trân trọng lưu giữ bằng tất cả tấm lòng của mình phải là cuốn hồi ký mà đọc nó người đọc thấy được những bài học cuộc đời dẫu đơn sơ nhưng đầy ắp giá trị. Ðó phải là cuốn hồi ký mà độc giả đọc xong thấy trân trọng hơn những cống hiến của tác giả cho cuộc đời, cho lĩnh vực nghề nghiệp của họ chứ không phải đơn thuần chỉ là một cuốn sách làm thỏa mãn hoặc khơi gợi thêm trí tò mò thông thường.
“Viết sao cho hay ngay cả khi những trang sách cuộc đời ấy khép lại mà người đọc vẫn còn thấy rưng rưng đồng cảm và yêu quý những người nổi tiếng của mình, ấy mới gọi là thành công!…”
Tôi nghĩ, chúng ta có thể có nhiều định nghĩa khác nhau về thể văn hồi ký sau khi thêm bớt một vài yếu tố làm thành quan niệm mới…
Riêng tôi, tôi chọn hai định nghĩa nêu trên. Một của Wikipedia vì: “Về mặt chất liệu, về tính xác thực không có sự tham dự của yếu tố hư cấu thì hồi ký rất gần với văn xuôi lịch sử…” Ðịnh nghĩa này rất gần, nếu không muốn nói là khá chính xác, nếu chúng ta ứng dụng định nghĩa đó là hồi ký “Tình Yêu Ngục Tù… Vượt Biển” của Dương Phục & Vũ Thanh Thủy (1) – – Cặp phóng viên chiến trường duy nhất của Việt Nam, cũng như cả thế giới (?).
Ở trang nhà Thatmah.com, tôi cũng thấy một trong những nét chính làm thành định nghĩa về thể “hồi ký,” có phần ghi nhận rất đáng chú ý sau đây:
“Một cuốn hồi ký được độc giả trân trọng lưu giữ bằng tất cả tấm lòng của mình phải là cuốn hồi ký mà đọc nó người đọc thấy được những bài học cuộc đời dẫu đơn sơ nhưng đầy ắp giá trị. Ðó phải là cuốn hồi ký mà độc giả đọc xong thấy trân trọng hơn những cống hiến của tác giả cho cuộc đời, cho lĩnh vực nghề nghiệp của họ chứ không phải đơn thuần chỉ là một cuốn sách làm thỏa mãn hoặc khơi gợi thêm trí tò mò thông thường.”
Khẳng định này, vô tình, đã là một ngọn đèn nghìn nến chiếu thẳng vào tác phẩm “Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển” (TYNT&VB) của Dương Phục/Vũ Thanh Thủy.
Chẳng những hồi ký TYNT&VB của Dương Phục/Vũ Thanh Thủy đã đem lại cho người đọc những bài học vô giá về thân phận con người, tính nhân loại, niềm tin giữa đời thường và tôn giáo mà, hồi ký TYNT&VB của Dương Phục/ ũ Thanh Thủy còn là một “…cống hiến của (hai) tác giả cho cuộc đời, cho lĩnh vực nghề nghiệp của họ chứ không phải đơn thuần chỉ là một cuốn sách làm thỏa mãn hoặc khơi gợi thêm trí tò mò thông thường.”
Tóm lại, với tôi, Hồi ký TYNT&VB của Dương Phục/Vũ Thanh Thủy là một tác phẩm lớn. Nó hiện ra giữa cảnh tượng trùng trùng bát nháo, trâng tráo của thị trường “hồi ký” (thể loại tương đối vẫn còn được nhiều người tìm đọc) trong cảnh “chợ chiều” của sinh hoạt văn chương, chữ nghĩa của chúng ta nơi quê người…
(Kỳ sau tiếp)
—-
Chú thích:
(1) Hồi ký “Phóng viên chiến trường Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển” dầy 700 trang, khổ lớn, với hàng trăm tấm hình mang tính lịch sử; do Tủ sách Tiếng Quê Hương XB. Ấn phí 30 Mỹ kim. Mọi giao dịch xin gửi về Dương Phục-Vũ Thanh Thủy: 10613 Bellaire Blvd., Suite 900. Houston, TX 77072. Tel. (713) 917-0050. Email: info@radiosaigonhouston.com
……………………………………………………………….
Fw: Những bàn tay đã nắm trong đời (Lê Giang)
Khanh-DQ Nguyen to :….,me
Mời đọc.
DQ
From: B
>
Những bàn tay đã nắm trong đời
>>
>> Một lần ông xã ngồi mân mê bàn tay tôi rồi hỏi: “Nói anh nghe, bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay rồi?” Một câu hỏi không hề dễ trả lời, thậm chí là không thể trả lời cho chính xác. Có những bàn tay ta nắm rồi buông, và chẳng bao giờ còn nhớ lại. Có những bàn tay, nắm rồi nhớ mãi dù năm tháng đi qua
>> Bàn tay tôi nắm đầu tiên là của ai, là bố hay là mẹ? Tôi chắc chắn không biết. Nhưng tôi biết đó là hai bàn tay tôi đã nắm nhiều nhất thuở ấu thơ. Những bàn tay to, thô ráp bởi cày cuốc ruộng đồng, những bàn tay như thần thánh có thể làm hết thảy mọi việc. Bàn tay bố dắt tôi chập chững bước đi. Bàn tay mẹ cầm tay tôi uốn từng nét chữ. Bất cứ khi nào tôi ngã, hay khi tôi buồn khóc, ốm đau, sẽ có bàn tay rộng lượng chìa ra cho tôi nắm vào để biết rằng mình đang được vỗ về an ủi. Sau này lớn lên, tôi lấy chồng xa, thỉnh thoảng đưa con về thăm nhà, ngủ chung với mẹ. Những đêm chờ mẹ ngủ say, tôi cầm bàn tay mẹ áp vào ngực mình. Bàn tay vẫn to, đầy những nốt chai sần và nay đã nhăn nheo gầy guộc. Và tôi khóc, cảm giác nhớ tiếc một cái gì đó.
>>
>> Tôi nhớ bàn tay người con trai đầu tiên mà tôi gọi đó là mối tình đầu. Đôi bàn tay đẹp, dài với những chiếc móng được cắt gọt cẩn thận. Người ấy thường nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, dùng ngón tay mình vẽ vẽ vào lòng bàn tay tôi rồi hỏi: “Đố em biết anh vừa viết gì?”. Tôi lắc đầu. Anh cười nói anh viết rằng: “Anh muốn nắm tay em đi hết con đường đời dài rộng” .Nhưng rồi mọi lời hứa hẹn đều như gió thoảng mây bay. Bàn tay ấy đã buông lơi, thôi không còn nắm tay tôi mà tìm đến một bàn tay khác. Những lúc buồn, tôi vẫn vô thức tự vẽ vẽ lên lòng bàn tay mình. Rồi lại tự cười một mình khi nhận ra mình giống hệt một kẻ ngốc.
>>
>> Ngày có người con trai cầm tay tôi nói lời cầu hôn, tôi cảm nhận rõ sự gai góc xù xì trong bàn tay ấy. Cảm giác ấy khiến tôi liên tưởng đến bàn tay mềm mại của mối tình đầu, rồi chợt thốt lên: “Sao bàn tay anh xấu thế?”. Anh nhìn tôi, bật cười giải thích, vì nó không được lớn lên trong mượt mà nhung lụa mà lớn lên bởi những gánh nặng mưu sinh, vì nó không được nâng niu mà đã bao phen trầy da chảy máu. Rồi anh nhìn vào mắt tôi, bàn tay siết chặt bàn tay: “Em cứ tin, nó không đẹp nhưng chẳng ngại khó khăn nào cả, hãy cứ vững tâm mà nắm lấy, được không?”.
>>
>> Cuối cùng thì tôi đã nhận lời nắm lấy bàn tay ấy, để anh dắt lên xe hoa, để anh lồng vào ngón tay chiếc nhẫn cưới, để anh lau những giọt nước mắt ngày tôi về nhà chồng. Bàn tay ấy đã tự vào bếp nấu cho tôi bát cháo ngày tôi ốm, tự cắm hoa vào lọ những ngày kỉ niệm yêu đương. Bàn tay ấy đã dắt tôi đi qua bao nhiêu ngày tháng chông chênh đan xen những lo toan và niềm hạnh phúc. Đôi bàn tay xù xì nhưng cứng cáp và ấm áp vô ngần.
>>
>> Ngày tôi đau tưởng chừng xé ruột để cho chào đời một sinh linh, đứa con gái bé bỏng của tôi sau khi được y tá tắm rửa sạch sẽ được đặt nằm cạnh mẹ. Hai bàn tay nhỏ xíu yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng chạm vào bàn tay con, hạnh phúc đến ứa nước mắt. Đó là khi tôi biết rằng mình đã thực sự trưởng thành, và tin rằng mình sẽ mạnh mẽ hơn để có thể che chở cho con, để dắt con đi suốt những tháng năm thênh thang phía trước.
>>
>> Những đêm nằm bên con, cầm lấy tay con đặt nhẹ lên môi hôn, chợt nghĩ rằng có lẽ ngày xưa mẹ mình cũng nâng niu và yêu thương mình nhiều đến thế. Rồi một ngày con gái mình sẽ lớn, sẽ lại đặt bàn tay vào một bàn tay khác mà con thương yêu. Chỉ mong con gặp đúng người để tin, và bàn tay không bị buông lơi trong nỗi đớn đau thất vọng.
>>
>> Ngày ông nội mất, tôi nghẹn lòng nhìn bà nội cầm tay ông kể lể về những tháng ngày xưa cũ khi ông bà còn trẻ. Hai người đã cùng nhau sống chung hơn nửa thế kỉ với bao nhiêu yêu thương, giận hờn, khổ đau, hạnh phúc. Vậy mà nay tay bà còn ấm, tay ông đã lạnh ngắt rồi. Chẳng ai cưỡng được số mệnh, chẳng ai đâu. Ai rồi cũng sẽ một ngày về nằm trong lòng đất. Có người ra đi trong ồn ào khóc lóc, có người lìa khỏi thế gian trong lạnh lẽo cô đơn. Người ra đi bởi đã trả xong nợ cõi trần. Chỉ là người ở lại sẽ mang nhiều nuối tiếc xót xa khi biết rằng bao nhiêu yêu thương lúc này cũng không thể sưởi ấm cho người được nữa.
>>
>> Thỉnh thoảng tôi vẫn đưa tay mình lên trước mặt rồi tự hỏi lại câu chồng mình đã hỏi: Bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay? Nhiều, nhiều lắm. Có những cái nắm tay khiến mình nhớ mãi, có những cái nắm tay buông rồi là quên ngay. Có những cái nắm tay thật chặt, cũng có cái nắm tay buông lơi hờ hững. Chợt nhận ra một bàn tay đẹp không phải là bàn tay thon dài mềm mại với những chiếc móng được tỉa tót sơn màu. Một bàn tay đẹp là chìa ra đúng lúc mình cần, nắm tay mình qua những đoạn đường đời chông chênh sỏi đá, dẫu mệt mỏi cũng không buông, dẫu xa xôi cũng không nản.
>>
>> Nếu chúng ta đang có những bàn tay để nắm, xin hãy trân trọng từng phút giây. Đừng mơ mộng những bàn tay xinh đẹp của ai kia mà buông lơi bàn tay gần gũi ấm áp ở bên mình. Nắm lấy tay nhau, cử chỉ ấy ấm áp hơn mọi lời nói yêu thương đầu môi chót lưỡi.
>>
>> Bởi cuộc đời nhiều bất trắc, ai biết được khi nào ai nhắm mắt xuôi tay. Ai biết được khi nào tay mình vẫn ấm áp đây mà bàn tay ai kia đã vô chừng lạnh lẽo. Vậy nên khi sống không đem đến cho nhau sự ấm áp, thì khi lìa khỏi nhân gian có bịn rịn tiếc thương cũng còn ý nghĩa gì?
>>
>> Lê Giang ( Dân Trí)
………………………………………….
Thơ Du Tử Lê
Người nhón gót:Thả vầng trăng thứ nhất .
Chào tinh khiết! – Giữa chiều/ tôi/ xế bóng
Như tấm lòng thao thiết cũng gieo neo.
Người nhón gót: nghe mưa về đáy vực
Buồn tôi sâu, hút, tựa nhớ, thương, nào.
Chào thơ ấu! – Chông chênh sầu, nẫu, đỏ
Bước lầm than trong ngày, tháng tôi, vơi
Người nhón gót: thả vầng trăng thứ nhất
Trên tay tôi / cổ tích: mắt, môi người
Chào định mệnh! – Gõ cửa /tôi/ cuối kiếp
Trái tim người: lưu lượng biển, bao dung.
Người nhón gót: gửi điều chưa nói hết
Lên vai tôi. Mùi tóc mẹ ân cần.
Chào Quán Thế (riêng tôi)! – Rừng chánh niệm
Cây từ bi từng ngọn. Lá trăm năm
Người nhón gót: cúi nhìn nhân thế, gió
Thấy tôi không? – Tội nghiệp một linh hồn?
Chào kỷ niệm! – Mai này, tôi sẽ chết
Những con chim trả tiếp nợ cho đời.
Sóng ở lại, trả thêm người tiếng hát,
(Riêng đêm còn giữ mãi dấu môi tôi.)
Lá gìn giữ mối tình tôi đã gửi.
Cây nâng niu thống khổ (buổi xa người.)
Người nhón gót: nghe chuyện tình ai đó…
Nghìn năm sau: cổ tích kể tên….nàng.
……………………………………………………….
HỒ DZẾNH – Chị tôi
Nguồn:dutule.com-28 Tháng Hai 2017
hồ dzếnh
CHỊ TÔI
Ngày xưa còn nhỏ ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang
Lòng vui quần áo xênh xang
Tay cầm hương nến đình vàng mới mua
Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên
“Lòng thành lễ vật đầu niên
Cầu cho tiểu được ngoài Giêng đắt chồng”
Chị tôi hai má đỏ hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi
Tam quan mái ngói chị ngồi
Chị nghe đoán quẻ chị cười luôn luôn
Quẻ Thần mắt thánh mà khôn
Số này chồng đắt mà con cũng nhiều
Chị tôi nay đã xế chiều
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ
Hằng năm tôi đi lễ chùa
Chuông vàng khánh ngọc ngày xưa vẫn còn
Chị ơi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn thơ ngây
Chân đi đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở về.
…………………………………………………….