1.Không chờ bầu cử tháng Năm,Quốc hôi.. (VOA)2.'Báo đăng Gạc Ma..'-3.Năm năm sóng thần ..(BBC)

Blog / Phạm Chí Dũng
Không chờ bầu cử tháng Năm, Quốc hội tháng Ba có thể ‘kiện toàn X’?

dung00

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Nguồn:VOA/-Phạm Chí Dũng– 11-03-2016

‘Thay ngựa giữa dòng’

“Quốc hội dự kiến kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước” – một “quyết nghị” khá bất ngờ và bất thường trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 2/2016, diễn ra gần một tháng sau khi Đại hội XII của đảng cầm quyền tạm lắng “cơn binh lửa”.

Kỳ họp 11 Quốc hội, dự kiến khai mạc vào ngày 21/3/2016. Như một hồi còi báo hiệu chính trường Việt Nam xung vào trận mới.

Như một tín hiệu cho thấy bên thắng trận sau Đại hội XII đang nôn nóng muốn “kết thúc” bàn cờ chính trị, sau khi hàng loạt ẩn số về nhân sự tại đại hội này đã được xử lý.

Sau “chiếu tướng”, logic bất di bất dịch sẽ là “thay máu”. Nhưng thời điểm thanh lý dàn nhân sự cũ có thể sẽ được rút ngắn đáng kể. Nếu trước đây thông tin được tuyên truyền là 3/4 “tứ trụ” cũ, trừ tổng bí thư đảng, sẽ được thay thế sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/2016 và sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới diễn ra 2 tháng sau đó, thì có thể tổng bí thư tái đắc cử với châm ngôn nổi tiếng “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” sẽ đốc thúc để mọi việc được “kiện toàn” gấp rút hơn.

Trong thuật ngữ chính trị Việt Nam, “kiện toàn” là một từ đặc biệt và đặc thù riêng. Rất thường khi nói tới việc kiện toàn, người ta hiểu ngay đó là một sự sắp xếp lại, thay thế nhân sự. Thậm chí là một cuộc cách mạng về lãnh đạo cao cấp.

Kỳ họp 11 của Quốc hội Việt Nam càng “cách mạng” hơn khi có tới 1 tuần để bàn “công tác nhân sự cấp cao”, thậm chí có thể dài hơn nếu 1 tuần chưa đủ để “chốt”.

Tuy vẫn chưa có thông tin về các “chức danh lãnh đạo nhà nước” là những chức danh nào và cụ thể là những ai trong phương trình kiện toàn nhân sự, một số dư luận đang cho rằng “ẩn số X” sẽ tiếp tục được giải mã theo hướng “thay ngựa giữa dòng”.

Văn phòng chính phủ Tết này vắng tanh!’

Rõ như ban ngày, kết quả Đại hội XII nghiêng hẳn phần thắng về phía những người bên đảng. Tổng Bí thư Trọng đã không còn sụt sùi rơi lệ như hồi Hội nghị trung ương 6 cuối năm 2012, thay vào đó ông nở nụ cười mãn nguyện “Tôi bất ngờ…”.

Tuy được một số cuộc thăm dò không chính thức và cả vài báo đài phương Tây đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vụ tổng bí thư, rốt cuộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đột ngột không còn là ủy viên Bộ Chính trị.

Không những bị loại khỏi danh sách 19 nhân vật “quyền lực nhất” trong đảng cầm quyền, ông Dũng còn không là ủy viên Trung ương, cho dù có người mô tả bản lĩnh của ông là “chiến đấu đến phút cuối cùng”.

Cái “phút cuối cùng” đượm tính bi kịch ấy đã khiến những người ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng bàng hoàng. Một người thuật lại: “Ngay sau khi biết tin “Anh Ba” chỉ nhận được 41% phiếu đề cử trong ngàn rưởi đại biểu Quốc hội, tôi vọt ra quán cà phê trung tâm là nơi nhóm Anh Ba đang nhấp nhổm hóng tin. Nhưng ở đó họ đã biết cả. Nhìn quanh quất, toàn những bộ mặt thẫn thờ xuôi xị, không thốt nổi một lời, dù mới vài giờ đồng hồ trước đó họ còn tưng bừng chúc tụng nhau về chiếc ghế tổng bí thư trong tầm tay của Anh Ba nếu vượt qua cửa ải đại biểu Quốc hội”.

Kịch tính của nước mắt và đau tim đã khiến những kẻ chậm chạp nhất cũng phải bò khỏi giường bệnh. Lần này và khác với những đại hội trước, đảng hành động mau mắn đến khó ngờ. Nếu sau những đại hội trước, công tác bố trí lại nhân sự chủ chốt phải sau hàng tháng hoặc vài ba tháng, thì chỉ sau khi kết thúc Đại hội XII chưa đầy một tuần, người ta đã thấy bên đảng sốt sắng bố trí hàng loạt chức vụ quan trọng như Hoàng Trung Hải làm bí thư Hà Nội, Đinh La Thăng làm bí thư TP HCM, Võ Văn Thưởng làm trưởng ban tuyên giáo trung ương, Đinh Thế Huynh làm thường trực Ban Bí thư… Ngay cả Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – được cơ cấu làm thủ tướng trong tương lai gần – dù chưa chính thức nhậm chức nhưng đã công nhiên bố trí “làm việc” tại Ngân hàng nhà nước – một trong những cứ điểm sinh tử nhất của bên chính phủ.

Một “fan đảng” hết sức hể hả: “Tết trước văn phòng chính phủ còn nườm nượp xe hơi quà cáp, nhưng Tết này vắng tanh!”.

‘Hạ cánh an toàn’ hay ‘hồi sau sẽ rõ’

Nếu kỳ họp Quốc hội 11 vào tháng 3/2016 diễn ra đúng theo “kế hoạch”, có thể hình dung một số cương vị “lãnh đạo nhà nước” sẽ được thay thế. Đầu tiên là ông Trương Tấn Sang, sau đó có thể đến một phó chủ tịch nước.

Nhưng bằng vào định nghĩa của “nhà nước” và thông lệ văn phong “lãnh đạo đảng và nhà nước” mà không cần thêm thắt từ “chính phủ”, có thể hiểu “chức danh lãnh đạo nhà nước” bao gồm cả chức danh lãnh đạo chính phủ.

Có thể, kế đến là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Nhưng cũng theo dư luận, “ẩn số X” mới là kiện toàn quan yếu nhất. Bàn cờ chính trị Việt Nam có “thông thoáng” hay không chính là ở vị trí này.

Hai ngày trước khi kết thúc Đại hội XII, có thể khẳng định đỉnh quyền lực trong cuộc đời ông Nguyễn Tấn Dũng đã được xác lập tại Hội nghị trung ương 10 tháng Giêng năm 2015 – thời điểm ông Dũng được cho là nhảy vọt lên vị trí đầu tiên trên bảng tổng sắp thăm dò tín nhiệm trong Bộ Chính trị.

Sau Hội nghị 10, biểu đồ suy vong của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được kéo màn từ từ: bắt đầu bằng chiến dịch “luân chuyển cán bộ” do “tổng công trình sư” Tô Huy Rứa kiến tạo đã tước đi đến hơn tám chục vị trí trực tiếp hoặc gián tiếp liên đới với bên chính phủ, sau đó đến Quyết định 244 do Tổng Bí thư Trọng ký về “đảng viên không được phép ứng cử hoặc nhận đề cử nếu không được cấp ủy giới thiệu”.

Và có thể còn một lô xích xông những nguyên do vừa vĩ mô vừa vụn vặt khác – như 12 điểm được giải trình trong “Thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị” vào đầu tháng 12/2015.

Cận Tết nguyên đán 2016, người ta còn thấy vài công văn đóng dấu “Tối mật” thanh minh cho Thủ tướng Dũng xuất hiện trên mạng.

Nhưng sau đó thì bặt tăm. Bóng dáng của Thủ tướng Dũng – vốn xuất hiện rất đậm trước Đại hội XII, kể cả trên báo chí phương Tây, nay nhạt nhòa hẳn.

Sau cú rơi đột ngột của “Anh Ba” tại Đại hội XII những gì còn lại cứ thế tuôn trào. Tại phiên họp tháng 2/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, động thái xem xét báo cáo nhiệm kỳ của thủ tướng chính phủ đã dẫn đến một kết luận hiếm thấy: “có hạn chế yếu kém”.

Trước đây, nhân vật duy nhất phát ra từ “yếu kém” đối với thành tích lãnh đạo của giới chính phủ là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ngoài ông Sang, không một kỳ họp Quốc hội và cả hội nghị Ban chấp hành Trung ương nào khẳng định mối truy buộc trầm trọng đến thế.

Còn sau Đại hội XII, thậm chí ông Nguyễn Tấn Dũng suýt nữa không thể đi California dự Hội nghị ASEAN do Tổng thống Obama chủ trì vào giữa tháng 2/2016. Lối mở rất nghiệt ngã là dường như chỉ nhờ vào sự can thiệp của phía Mỹ, Bộ Chính trị Việt Nam mới quyết định cho ông Dũng “được đi”.

C’est la vie – Đời là thế. Thủ tướng Dũng đã tự đánh mất quá nhiều cơ hội “vì nước quên thân vì dân phục vụ”.

Nhưng trớ trêu thay, vừa ở Mỹ trở về, người từng phát ra thông điệp đầu năm 2014 “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” đã tận dụng chút cơ hội còn lại của mình để “chặn” luật Biểu tình. Theo lệnh của ông, giới chức bên chính phủ đã thẳng thừng khước từ yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về việc phải trình món nợ gần một phần tư thế kỷ này ra kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.

Người dân không hiểu Thủ tướng Dũng muốn gì!

Số phận chính trị của ông, xét cho cùng, cũng là thân phận thường dân. Không ai học được chữ “Ngờ”.

Cuối cùng nhưng chưa phải kết cục, phía trước vẫn đầy khó lường. Nguyễn Tấn Dũng có “hạ cánh an toàn” hay không – đó lại là một ẩn số sinh tử nữa mà như người đời thường nói một cách văn hoa “hồi sau sẽ rõ”.

* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

…………………………………………………….

Con trai út Nguyễn Tấn Dũng kết hôn với Á hậu
Nguồn:nguoiviet.com-Saturday, March 12, 2016

TÂY NINH (NV) – Trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam đang xôn xao và chia sẻ “chóng mặt” các bức hình ông Nguyễn Minh Triết, con trai út của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cưới Á hậu Đông Nam Á.

con trai.jpg1

Ông Nguyễn Minh Triết và Á hậu Đồng Thanh Vy (giữa), cùng hai bên gia đình trong ngày đám hỏi. (Hình: Facbook Hoàng Linh)

Nói với Dân Việt, ngày 11 tháng 3, ông Nguyễn Minh Triết (28 tuổi), con trai út của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho biết, đám hỏi giữa ông và cô Đồng Thanh Vy đã diễn ra vào ngày 10 tháng 3 tại Tây Ninh. Hai bên gia đình đang xem ngày để chuẩn bị tổ chức đám cưới.

Theo truyền thông Việt Nam, tối 10 tháng 3, căn cứ vào thời gian thì vài bức hình xuất hiện sớm nhất trên mạng Facbook của 2 người có tên Ngô Quang Huy và Lê Minh Hạ, trong đó có hình cho thấy, ông thủ tướng và phu nhân đang tiến hành hôn lễ cho con trai. Ngoài ra, không có thông tin gì thêm ngoài việc thời gian hôn lễ tiến hành là sáng 10 tháng 3. Khách mời giới hạn, kể cả những người thân cận với gia đình ông Dũng cũng không biết gì về việc này. Từ đó, chúng được dân mạng chia sẻ “chóng mặt.”

Hôn thê ông Triết là chính là cô Đồng Thanh Vy( 23 tuổi), quê Tây Ninh, nhưng theo học cao đẳng Kế Toán Hà Nội. Vào năm 2013, cô trở thành đại diện của Việt Nam cùng Phạm Hương tham gia Hoa hậu Đông Nam Á tại Thái Lan và đạt giải Á hậu 2.

Còn ông Nguyễn Minh Triết hiện đang là bí thư tỉnh Đoàn Bình Định và là tỉnh ủy viên trẻ nhất của tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Triết từng theo học tại đại học Queen Mary, Anh quốc, chuyên ngành Kỹ Thuật Động Cơ Siêu Thanh. (Tr.N)

…………………………………………………………………………

‘Báo đăng Gạc Ma do đổi cách nhìn nhận’

bao dang.jpg1

Nguồn:BBC-12 tháng 3 2016

Các buổi lễ tưởng niệm liệt sĩ hy sinh chống Trung Quốc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường bị an ninh làm khó dễ

Một nhà báo kỳ cựu lý giải vì sao báo trong nước đăng thông tin về Gạc Ma trước ngày kỷ niệm 28 năm Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa.

Từ nhiều năm qua, việc tưởng niệm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (1988) mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền luôn bị xem là ‘nhạy cảm’ ở Việt Nam.

Ngày 14/3 năm nay đánh dấu tròn 28 năm đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, bị hải quân Trung Quốc chiếm từ tay quân đội Việt Nam. Theo tin chính thức, sau trận hải chiến ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, phía Việt Nam có 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị bắt làm tù binh hôm 14/3/1988.

Hôm 12/3, VnExpress đăng một video clip Gạc Ma – Trận hải chiến bị lãng quên với nội dung tóm tắt: “Trận hải chiến bảo vệ chủ quyền cụm đảo chìm Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao (quần đảo Trường Sa), với 64 liệt sĩ ngã xuống giữa làn đạn của quân Trung Quốc xâm lược cách đây 28 năm, không được nhiều người biết đến”.

bao dang 2.jpg1
Trong nhiều năm, báo chí trong nước né tránh chủ đề về đảo Gạc Ma

Cùng ngày, các báo Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động, Tiền Phong, Dân Trí… cũng đăng những bài về cuộc sống khốn khó của những cựu binh Gạc Ma, tặng căn hộ chung cư cho con liệt sĩ Gạc Ma…
‘Không thể cản được lòng dân’

Hôm 12/3, trong cuộc trao đổi với BBC từ Đà Nẵng, nhà báo Nguyễn Trung Dân, cựu Phó Tổng biên tập báo Du lịch, cho hay: “Tôi không ngạc nhiên khi thấy các báo năm nay đăng bài về Gạc Ma vì biết trước hay sau thì truyền thông cũng phải nói sự thật về Hoàng Sa, Trường Sa”.

“Chính quyền bây giờ cũng khó mà ngăn được người dân tham gia tưởng niệm các sự kiện này vì đó là tấm lòng của người dân. Họ đang ngày càng ý thức hơn về việc tổ quốc đang mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa”.

“Có thể việc cho các báo đăng bài về Gạc Ma là sự thay đổi của cấp lãnh đạo trong cách nhìn nhận về Trung Quốc trong lúc nước láng giềng càng lúc càng có những động thái quá đáng trên Biển Đông. Nhưng tôi không cho rằng đấy là do Ban Tuyên giáo vừa có trưởng ban mới, vì cơ chế lãnh đạo ở Việt Nam là tập thể quyết định và phải có sự thống nhất trong Bộ Chính trị”.

“Điều tôi quan tâm hơn là lãnh đạo bớt tuyên bố suông về chủ quyền mà hãy chứng minh bằng chứng cứ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam trước quốc tế. Nếu họ làm được như vậy thì người dân sẽ ủng hộ chính quyền”, ông Dân nói thêm.
bao dang 3.jpg1
Các tổ chức dân sự kêu gọi chính quyền “tạo điều kiện cho người dân tưởng nhớ liệt sĩ ngã xuống hôm 14/3/1988”

Trong một diễn biến khác, CLB Lê Hiếu Đằng và nhóm No-U Sài Gòn đã thông báo tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma – Trường Sa vào 9:00 ngày 14/3 tại tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, nhóm No-U Hà Nội tổ chức lễ thắp hương tưởng niệm Gạc Ma tại tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, vào 8:30 ngày 14/3.

Bên cạnh lời mời gọi mọi người tham gia, các tổ chức này cũng ngỏ lời đề nghị chính quyền TP Hồ Chí Minh và Hà Nội “bảo đảm an ninh trật tự và ngăn cản dư luận viên đến quấy rối, phá hoại buổi lễ”.

…………………………………………………………………………………………….

5 năm sóng thần Nhật và vấn đề tồn đọng
Nguồn:Bùi Thị Hồng Hoa Gửi tới BBC từ Tokyo- 10 tháng 3,2016

nhat-song than.jpg1

AFP

Thiệt hại do động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân 11/3 là một trong những thảm họa lớn trong lịch sử loài người. Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ động đất, sóng thần, số người chết lên tới 15.890 người, 2.590 người mất tích, đỉnh điểm ngay sau khi thảm họa xảy ra có tới trên 400.000 người phải đi lánh nạn.

Cho tới thời điểm tháng 1 năm 2015 số người vẫn phải sống tạm tại nơi lánh nạn hoặc buộc phải chuyển đến sống tại nơi khác là 229.897 người. Có tới 138 người chết tại bệnh viện hai tỉnh Iwate và tỉnh Miyagi do mất điện và thiếu thuốc sau khi động đất, sóng thần ập tới. Nếu không vì mất điện và thiếu thuốc thì 138 con người đã có thể được cứu sống.

nhat-song than 2.jpg1
Tranh thêu của nghệ nhân Amano Hiroko về thảm họa 11/3/2011.

Hơn nữa, 5 năm sau thảm họa, theo thống kê có tới 2.024 người chết do ảnh hưởng gián tiếp từ thảm họa. Thời gian trôi, nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy tất bật của cuộc sống và ý nghĩ về thảm họa cũng nhạt nhòa dần. Tại Tokyo những ngày gần đây liên tục mở những triển lãm ảnh để người dân tìm hiểu, đồng cảm và suy ngẫm về sinh mệnh, sức công phá của thiên tai và sự tiềm ẩn nguy hiểm đằng sau tên gọi “năng lượng sạch- điện hạt nhân”.

Khu vực ven biển ba tỉnh Iwate, Miyagi, Fukushima chịu ảnh hưởng nặng nề của động đất sóng thần 11/3. Theo số liệu điều tra khoảng 125.000 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Trong trường hợp dẫu cùng độ mạnh sóng thần như ngày 11/3 lại ập tới cũng không gây thiệt hại lớn như thảm họa 5 năm trước, nhà nước và chính quyền địa phương đã quyết định thực hiện việc tôn cao nền đất Sau 5 năm, hiện nay những đống đổ nát ngổn ngang đã hoàn toàn được dọn sạch, việc tôn cao nền đất đang là nhiệm vụ chủ yếu trong công cuộc phục hồi lại môi trường sống.

nhat-song than3.jpg1
Cậu bé cố gắng tìm kiếm những kỉ niệm của gia đình trên nền đổ nát tại ngôi nhà thân thuộc.

Tuy nhiên việc tôn cao nền đất không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. 5 năm đã trôi qua nhưng tiến triển mới chỉ được 1/2, theo dự tính ít nhất tới 2019 mới có thể hoàn tất.

nhat-song than 4-1

Công cuộc tôn cao nền đất vẫn đang từng ngày tiến triển, tuy nhiên cũng gặp không ít trở ngại bởi sự phản đối việc di rời mộ của người dân.

Hơn nữa để người dân có thể yên tâm sinh sống, tại ba tỉnh ước tính có 594 nơi cần xây mới và cải tạo lại đê phòng sóng thần dọc bờ biển. Độ dài tổng hợp lên tới 400 km. Cho tới thời điểm tháng 9 năm 2015 mới chỉ hoàn thành được 12%.

Theo số liệu tháng 12 năm 2012, những gia đình nhà bị sóng thần phá hủy có mong muốn xây lại nhà trên mảnh đất quê hương đã gắn bó là 28.060 hộ gia đình, tuy nhiên sau 3 năm mong muốn đó đã giảm 30% chỉ còn 19707 hộ gia đình. Phí xây nhà cộng với giá nhân công tăng cao, không đủ tiền nên nhiều người đã từ bỏ ý định xây lại nhà mới.

Hơn nữa, việc tôn cao nền đất còn cần nhiều thời gian, có những gia đình không thể kiên nhẫn chờ đợi tới lúc việc tôn tạo hoàn thành, họ đã quyết định chuyển đến sống tại nơi khác.

Khu nhà tạm được dựng lên cho các hộ gia đình nhà bị phá hủy để sống qua ngày trong thời gian chờ đợi xây lại nhà mới. Tuy nhiên, 5 năm sống tại khu nhà tạm đã có tới 190 người mất trong cô đơn không người thân thích.Trong số đó nam giới chiếm 70%.

Sau năm 2013, các tòa nhà chuyên dụng cho người bị ảnh hưởng của động đất, sóng thần ở thuê với giá rẻ do nhà nước tài trợ dần được hoàn thành, nhiều người dân không có tiền xây nhà mới đã chuyển từ khu nhà tạm về đây sống. Những người còn lại tại khu nhà tạm vì nhiều lý do hầu hết là những người cao tuổi sống đơn thân.

nhat-song than5.jpg1
Nụ cười rạng rỡ của các bậc cao tuổi vui đón mùa hoa anh đào tại nơi lánh nạn.

Mỗi năm lượng người mất trong cô đơn ngày càng tăng lên. Sống lâu tại khu nhà tạm dẫn tới tinh thần và cơ thể bị ảnh hưởng, nhiều người trở nên trầm cảm sau khi đã trải qua nỗi kinh hoàng của thảm họa 11/3 cùng với những mất mát lớn lao- có nhiều người đã mất cả con, cả cháu chỉ còn lại cô độc một mình lủi thủi sống trong khu nhà tạm.

Hàng xóm dần chuyển ra ngoài sống, tính đến tháng 1 năm 2016 có tới khoảng 59.000 người đã chuyển ra ngoài khu nhà tạm, chính vì thế việc phòng ngừa những trường hợp mất không ai hay đang là một vấn đề nan giải tại các khu nhà tạm. Không chỉ tại khu nhà tạm, những khu nhà chuyên dụng cũng chung vấn đề nan giải đó. Những người trẻ hầu hết tự lực ra ngoài xây nhà mới nên người già và người neo đơn tập trung sống tại khu nhà chuyên dụng chiếm số đông, có tới 37.8% là người cao tuổi (65 tuổi trở lên).

Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân tới nay đã 5 năm trôi qua nhưng số người sống gần nhà máy điện phải đi lánh nạn vẫn lên tới 70.000 người. Theo dự tính phải cần tới vài chục năm nữa thì mới giải quyết được vấn đề ở nhà máy điện hạt nhân. Hiện nay Nhật đang xúc tiến chế tạo Robot điều khiển từ xa để đưa vào nhà máy điện thao tác thay cho con người tại môi trường phóng xạ độc hại. Thêm nữa việc nghiên cứu tháo gỡ, phá hủy lò điện hạt nhân cũng đang được tiến hành khẩn trương.

Theo điều tra của trường Tyuuou, 1200 bà mẹ có con từ 1-2 tuổi sống tại tỉnh Fukushima ngay sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân có tới hơn 50% trong số đó lo lắng về việc nuôi con, 80% các bà mẹ không sử dụng thực phẩm của địa phương cho con ăn vì lo lắng nhiễm phóng xạ, hiện nay con số này đã giảm xuống sau 5 năm nhưng vẫn còn tới 30% các bà mẹ vẫn ôm nỗi lo canh cánh trong lòng.

Fukushima trước sự cố nhà máy điện hạt nhân có 4020 hộ chăn nuôi bò năm 2015 chỉ còn 2530 hộ. Giá thịt bò của địa phương cũng thấp hơn giá thịt bò chung của cả nước, trong khi trước sự cố giá thịt bò của Fukushima cao hơn giá thịt bò chung của cả nước. Đặc biệt có thời điểm giá thịt bò của Fukushima chỉ bằng 60% giá chung của cả nước.

Ngành thủy sản, có tới trên 50% công ty thủy sản không phục hồi được như trước thảm họa do nhiều yếu tố như nước biển bị ô nhiễm do nhà máy điện hạt nhân thải ra, lượng cá giảm, thiếu nhân công, đối tác thu mua giảm…

5 năm sau thảm họa, thiệt hại về người, kinh tế và môi trường vẫn là vẫn đề nhức nhối. Cùng suy ngẫm về những đau thương và mất mát đã qua, chúng ta rút ra được bài học gì cho mình để bước tiếp ngày mai?

……………………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics