1.Lê Hân,‘Ngọn tình lục bát' và.. (DTL)2.Xem lại PBN 19, nhớ một thời ‘đói nhạc'(Đằng Giao/NV)3.Thơ mùa thu ..

Lê Hân, ‘Ngọn tình lục bát’ và ‘tiểu truyện’ văn nghệ sĩ

Du Tử Lê
Nguồn: nguoiviet.com- September 9, 2016


Từ trái qua: Từ Công Phụng, Luân Hoán, Song Thao, Lê Hân. (Hình LuanHoan)

Du Tử Lê

Sau thi phẩm “Tình thơm mấy nhánh (XB năm 2003), nhà thơ Lê Hân, đã gửi tới những người yêu thơ tác phẩm thứ hai: “Ngọn tình lục bát” (NTLB), do nhà Nhân Ảnh, Canada, ấn hành; với bìa và phụ bản tranh Khánh Trường.

Như tên gọi, NTLB của họ Lê gồm trên dưới 150 bài thơ lục bát, trải dài trên 262 trang sách, khổ lớn.

Mở đầu thi phẩm NTLB gồm 5 phần là “Thiên Nhiên Xuất Sắc,” “Quê Hương,” “Gia Đình” “Thầy, Cô, Bè Bạn” và “Văn Nghệ Sĩ,” là bài thơ như một “tuyên ngôn” chung cho toàn tập; Lê Hân viết:

“mẹ ươm hạt giống ca dao
nở nhánh lục bát ngọt ngào Việt Nam
trời còn tinh khiết trăng vàng
đời còn sáu tám nồng nàn ấm tay
lót lòng người nụ thơ này
tinh túy dân tộc càng ngày càng thơm…”
(Trích “mở cửa ‘Ngọn Tình Lục Bát'”)

Như “tuyên ngôn” được chọn, để mở vào tuyển tập, trên dưới 150 bài lục bát của Lê Hân đều ngọt ngào dòng chảy ca dao. Chi tiết hơn, ở vị trí người đọc, nhận định riêng của tôi là, dù phân chia từng lãnh vực nhưng, có hai ngọn cờ được kéo lên cao nhất, nổi bật nhất đó là: Nơi chốn (gắn liền với tuổi thơ, gia đình, quê hương) và, tấm lòng trân, quý của tác giả dành cho giới văn nghệ sĩ.

Về nơi chốn, qua nhiều trang thơ, người đọc gặp được những hình ảnh quen thuộc của quê hương, đất nước. Từ “chim trong sân sau nhà”:

“nhà em có cây thầu đâu
cả ngày chim sẻ chim sâu quây quần
cành thanh lá mỏng rung rung
hát theo cơn gió hòa cùng tiếng chim…”

Tới “Mưa núi”:

“lòng không dưng nhớ bâng khuâng
Thương về một thuở xa xăm mịt mù
thời còn ẵm ngửa tản cư
trong lòng cha mẹ dường như vẫn còn

.

Lên hai từ giữa núi non
Tiên Châu, Tiên Phước chon von đỉnh trời
mái tranh, nền đất nện ngồi
ngó trời mưa phủ ngút hơi đá già…”

Hoặc:

“nơi chôn cuống rún của ta
vẫn còn nguyên tại nơi xa bạt ngàn
Hội An ơi hỡi Hội An
trong ta chỉ sót tiếng vang xa vời…”
(Trích “mưa trên phố ấu thơ”)

Hoặc:

“qua sông bằng cây cầu quay
Về bằng cầu có rồng bay là là
Đã Nẵng quả thật phồn hoa
Nhưng hình như chẳng xa hoa chút nào…”
(Trích “qua sông Hàn”)

Hoặc nữa:

“ba em là một ông già
Tóc râu… xanh biếc làn da hồng hào
Dáng người thanh cảnh cao cao
Nụ cười ánh mắt chừng thao thức buồn
(Trích “ba em”)

.

Về tấm lòng trân, quý mà tác giả NTLB dành cho giới văn nghệ sĩ, người ta thấy, dường như không thiếu một nghệ sĩ tên tuổi nào. Từ thế hệ tiền chiến như Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, tới lớp trẻ hơn một chút như Phạm Đình Chương, Hoàng Thi thơ, Y Vân… Rồi tới thế hệ Trịnh Công Sơn, Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng v.v… Về phía thi sĩ, họa sĩ, tác giả đề cặp tới những tên tuổi quen thuộc như Khánh Trường, Thành Tôn, Song Thao v.v…

Đặc biệt là những văn nghệ sĩ được Lê Hân nhắc tới, đều hiện ra trong lục bát họ lê với tựa đề những tác phẩm tiêu biểu của họ; hoặc những nét chính làm thành chân dung tác giả đó.

Thí dụ trong bài “Nhớ người của Hội Trùng Dương” – Tưởng niệm nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Lê Hân đã mang vào được trong thơ của mình, khá đầy đủ tựa đề những ca khúc nổi tiếng nhất của họ Phạm như: “Mộng dưới hoa, Đợi chờ, Mắt buồn, Đêm màu hồng, Hội Trùng Dương, Tiếng dân chài, Ly rượu mừng, v.v…”

Cũng vậy, khi đề cập tới Phạm Duy, thì mấy chục nhạc phẩm nổi tiếng nhất của người nhạc sĩ ngoại khổ này, cũng đã được Lê Hân khéo léo mang vào lục bát của mình…

Tôi cho đó là một nỗ lực đáng kể của họ Lê.

.

Trước khi thi phẩm NTLB ra đời, họ Lê đã cho ấn hành thi phẩm “Tình thơm mấy nhánh” năm 2003.

Về “Tình thơm mấy nhánh,” ở thời điểm đó, Giáo Sư Đàm Trung Pháp trong một bài viết, có đoạn ghi nhận như sau:

“…Cõi vô cùng thế gian bàng bạc trong thơ Lê Hân để đón mời người yêu đi vào tình sử, như trong các bài ‘Đón Xuân,’ ‘Áo Vàng Hoa Tím’ và ‘Em, Biển và Trăng,’ cả ba bài đều phảng phất hồn thơ Đinh Hùng, một trong những thi nhân mà anh ngưỡng mộ. Những đoạn thơ mượt mà sau đây từ các bài ấy của Lê Hân đã làm sống lại trong tôi những giấc mơ kỳ thú của thời son trẻ:

“và biết đâu chừng hai chúng ta
bay vào vũ trụ nhặt sao sa
mỗi sao là một con chim nhỏ
biết thở, biết cười, biết hát ca”
(Đón Xuân)

(…)

Mời độc giả xem thêm video: Thủ tướng Na Uy công kích Facebook vì chặn ảnh biểu tượng chiến tranh Việt Nam

“Lê Hân cũng chịu ảnh hưởng Nguyễn Bính, một nhà thơ nữa mà anh mến mộ. Đoạn lục bát sau đây trong bài “Tà Áo Mùa Thu” là một lời mời mọc Nàng Thơ vô cùng dễ thương. Nàng Thơ nào mà có thể khước từ lời dụ dỗ này nhỉ? Tôi đoán nếu Nguyễn Bính còn sống, chắc ông cũng sẽ gật đầu tán thưởng:

“mùa Thu vốn của đất trời
và em vốn của những người làm thơ
tôi trồng tỉa những sợi tơ
mời em bước xuống những tờ hoa tiên”

“Lê Hân cũng mê cỏ cây hoa lá, như anh đã thổ lộ trong bài ‘Trong Vườn Hoa Tôi.’ Anh yêu đủ mọi loại hoa trong vườn được anh nhân cách hóa, từ vạn thọ đơn sơ khoác áo vàng đến thược dược mảnh mai đứng bâng khuâng đến pensée nằm trong từng cánh nhung vàng đến các loại hồng, và anh yêu chúng kiểu này:

“yêu hoa
không thể ngắm chơi
cùng thơ, thở giữa đất trời với hoa”

Anh khéo lắm, yêu mọi loài hoa chỉ là cái cớ để anh nói lên tấm lòng của anh đối với bông hoa ‘nói tiếng người’ hôm ấy vắng mặt trong vườn…” (Nguồn Wikipedia-Mở)

.

Qua những đoạn trích dẫn trên của Giáo Sư Đàm Trung Pháp, tôi muốn nhắc tới một khía cạnh khác, trong thơ Lê Hân, đó là tình yêu thiên nhiên; hay thiên nhiên, một nhánh sông khác, trong dòng sông thi ca họ Lê.

Tuy nhiên, với tôi, dù ở khía cạnh nào thì tính ca dao, xuôi chảy dễ dàng trong thơ Lê Hân, vẫn là cây bài chủ hay, con ách chuồn của cõi-giới thi ca

Lê Hân vậy.

Du Tử Lê,
(Garden Grove, Sept. 2016)

……………………………………………………….

Xem lại PBN 19, nhớ một thời ‘đói nhạc’

Đằng-Giao/Người Việt
Nguồn:nguoiviet.com- September 9, 2016


DVD Phạm Duy, Tác Phẩm và Con Người do Paris by Night tái phát hành. (Hình:Đằng-Giao/Người Việt)

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trung Tâm Paris By Night vừa cho tái phát hành tác phẩm DVD Paris By Night 19, chủ đề “Tác Phẩm và Con Người Phạm Duy,” từng được giới thiệu lần đầu vào năm 1993.

Có thể nói, đây là một trong những chương trình văn nghệ nhờ đơn giản mà có giá trị nghệ thuật lớn.

Với lối dẫn chương trình thân mật, mạch lạc, không rườm rà của Đỗ Văn, ban Việt Ngữ BBC Luân Đôn, 18 sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ lớn, tài hoa của Việt Nam, nhịp nhàng nối nhau như một dòng sông lịch sử xuôi qua miền tâm khảm của chúng ta, gợi lại bao nhiêu ký ức buồn vui của người con xứ Việt.

Ai trong chúng ta là người chưa nghe “Tình Ca” của Phạm Duy? Ai là người có thể dửng dưng, không thấy nao nao, xao xuyến khi nghe lời tự tình quê hương, dân tộc, “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi…” Rồi tiếng lòng mộc mạc chân chất hồn quê ấy chợt vút cao với những đám mây bàng bạc, hòa vào “tiếng sáo diều làng ta” trong âm điệu ngũ cung…

“… Lý, Lê, Trần và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai.”

Tác phẩm “Bên Cầu Biên Giới” với tiếng ca Phi Khanh được Phạm Duy chuyển tải bằng điệu nhạc Tango Mỹ La tinh nhộn nhịp nhưng vẫn lồ lộ một cõi tâm cảnh hết sức Việt Nam, miền tâm cảnh của một chàng lính xa nhà lang bạt kỳ hồ, bỏ lại sau lưng ngôi làng xa cũ nay chỉ còn là một “vùng đau thương.”

Làm trai thời tao loạn, đã mấy ai tránh được cảnh chia phôi, ly biệt. Với DVD Paris By Night 19, chúng ta còn gặp lại cảnh này qua “Nhớ Người Thương Binh,” “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” (thơ Hữu Loan), “Con Đường Tình Ta Đi” và “Trả Lại Em Yêu,” toàn những cảnh tử biệt sinh ly. Nhưng qua dòng nhạc Phạm Duy, chúng ta không thấy nỗi bi ai, ủy mỵ, yếu mềm, ai oán, mà chỉ gặp những tiếng thở dài bi hùng, buồn cho vận mệnh non sông còn mãi chìm trong khói đạn.

Hình ảnh quê hương của một thuở thanh bình được Phạm Duy khéo léo phác họa bằng nhạc điệu bình dị mà đau đáu nỗi đợi chờ ngày thanh bình quay về với thôn làng Việt Nam; để có lại

“… trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo,
bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo
Tôi nghe tiếng còi tàu…”

Giọng ca mượt mà, óng ả của Ý Lan lột tả được hết cái ngày của thời thần tiên ấy.

Nghe lại “Chuyện Tình Buồn” và “Ngàn Năm Vẫn Không Quên” (thơ Phạm Thanh Bình) qua giọng ca trĩu nặng tình cảm và trầm ấm của Duy Quang, nay không còn nữa, lại nhớ giọng hát tài hoa, nhớ lời thơ thật tình và thật buồn, trên hết, nhớ người nhạc sĩ đa tài và đa dạng số một của Việt Nam.

Buộc lòng phải bỏ quê hương xóm giềng, Phạm Duy không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Nhạc phẩm “Tình Hoài Hương” của ông, qua giọng ca bất hủ Thái Thanh, như ân cần chia sẻ nỗi niềm với những người cùng chung số phận của dân tộc.

“Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê…”

Vào đến miền Nam, điệu “hò lơ, hó lơ” trở thành ngữ liệu mới cho ông và, qua tay ông, kết trổ thành đóa hoa Nam Bộ qua tác phẩm “Đi Đâu Cho Thiếp Theo Chàng,” một trích đoạn trong “Trường Ca Con Đường Cái Quan” lần đầu được tiếng hát đồng bằng sông Cửu Long thơm tho, ngọt ngào như mía lùi của Hương Lan trình diễn.

“Ði đâu cho thiếp theo cùng
Ðói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về…”

Mời độc giả xem thêm video: Việt Nam giành huy chương vàng đầu tiên tại Thế Vận Hội cho người khuyết tật

Dù được tiếp cận với cấu trúc âm nhạc Tây Phương, thiên tư Phạm Duy luôn nhịp nhàng âm hưởng ngũ cung Á Đông và sự nghiệp sáng tác phong phú của ông là đóng góp lớn cho kho tàng âm nhạc Việt Nam cũng như thế giới.

DVD Paris By Night 19, “Tác Phẩm Và Con Người Phạm Duy,” là bằng chứng lịch sử về người nhạc sĩ tài hoa với 18 nhạc phẩm tiêu biểu để đời. Đây là DVD nên có trong nhà mọi người Việt Nam để chúng ta còn hãnh diện với di sản văn hóa quí báu này.

Phạm Duy, sau một đời “ròng rã buồn vui theo vận nước nổi trôi,” nay đã về cõi xa xôi, nhưng âm nhạc Phạm Duy vẫn còn, như lời thổ lộ trong DVD này: “… nằm dưới rặng mai già, để được lớp tuyết giá băng bao bọc, đầu là Bắc Việt, trái tim là Trung Việt và dạ dày là Nam Việt. Tôi muốn người đời nhớ tôi như một người Việt Nam.”

Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

……………………………………………………………

Bài thơ Mùa Thu- Sưu tầm trên Net(NN)

BẮT GẶP MÙA THU

Nguyễn Bính

Xơ xác hồ sen đã nhạt hương
Bên song hoa lựu cũng phai hường
Sớm mai lá úa rơi từng trận
Bắt gặp mùa thu khắp nẻo đường

Tóc liễu hong dài nỗi nhớ nhung
Trăng nghiêng nửa mái gội mơ mòng
Sầu nghiêng theo cánh chim lìa tổ
Biết lạc về đâu lòng hỡi lòng

Thu về sông núi bỗng tiêu sơ
Cây rũ vườn xiêu, cỏ áy bờ
Xử nữ đôi cô buồn tựa cửa
Nghe mùa gió lạnh cắn môi tơ

Sương phủ lưng đồi rặng núi xa
Thương ôi! Lữ khách nhớ quê nhà
Mấy thu mưa gió ngoài thiên hạ
Vườn cũ còn chăng cúc nở hoa?

Cha già ngừng chén biếng ngâm thơ
Đưa mắt nhìn theo hút dặm mờ
Xe ngựa người về tung cát bụi
Con mình không một lá thư đưa

Nghìn lạy cha già lượng thứ cho
Trót thân con vướng nợ giang hồ
Lòng son bán rẻ vào sương gió
Lãi được gì đâu? Đã mấy thu!

Một chút công danh rất hão huyền
Và dang dở nữa cuộc tình duyên
Thu sang, quán lẻ con đăm đắm
Rõi bóng quê nhà mắt lệ hoen.

Nguyễn Bính

……………………………………………….

 Tình thu

Tác giả: Cao Tiêu
Nguồn:thica.net

Xanh trong bừng sáng mắt chiều
Vàng dâng hoa bướm tim yêu rộn ràng
Mây bay về nẻo hương quan
Thuyền con chuyển bến, thu sang nhớ người.
Núi sông đau chuyện đổi dời
Bao thu đằng đẵng cho tôi mỏi mòn
Heo may chở lạnh vào hồn
Tình theo xứ cũ còn tròn mộng không?
Hỡi ơi má thắm môi hồng!
Năm, năm, lòng vẫn cứ lòng ước mơ
Trang đời chép tự thu xưa
Thu năm nay vẫn là thơ ân tình.
Mây bay về lối kinh thành
Kìa đôi con nhạn song hành gọi nhau
Em ơi một thuở yêu đâu
Mà tươi thắm lại ra màu úa phai.
Hoa đăng nào sáng đêm dài
Gương xưa đây nét u hoài còn in.
Cánh thư xanh giữ làm tin
Mười phương ai dõi cánh chim giang hồ?
Mây bay về tận cố đô
Dặm trùng dâu bể tình thu bời bời
Đàn ca đâu mới dâng lời
Rót phong thu, tiếc giọng cười chiêm bao.
Dáng kiều thơm, sắc hương nào?
Gió chiều tương biệt lạnh vào tâm can
Quê hương cách mấy hàn giang
Mùa thu không rượu hoa vàng mà say!

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành nhạc phẩm Heo may tình cũ.

……………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics