1.Lễ Vu Lan(HH/NVP)2.Bài pháp đầu tiên(HH/NVP)3.Phiền não-(HH/NVP)-4.Tôn giáo tốt nhất-5.Tự lực tu tập-

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 1

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú– Montreal 2010 (Tượng Phật-Thế kỷ thứ 4-Hình Wikipedia )

Tuong Phat -The ky thu 4 Cong Nguyen-Wikipedia

20/08/2010: Lễ Vu Lan -Bài 7
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 1543 lần

(LGT- Ngày Rằm Tháng Bảy Âm Lịch năm nay nhằm ngày 10 Tháng Tám-2014, đó chính là ngày Lễ Vu Lan . Mời các bạn đọc lại bài viết “Lễ Vu Lan” của tác giả Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú , để một lần nữa, nhớ lại ý nghĩa của ngày Lễ Vu Lan . -)

LỄ VU Lan

Hoằng Hữu Nguyễ Văn Phú

Trong lịch ta, rằm tháng giêng là tiết Thượng Nguyên, rằm tháng bảy là tiết Trung Nguyên, rằm tháng mười là tiết Hạ Nguyên. Đối với Phật tử thì rằm tháng giêng là một ngày lễ quan trọng, vì thế mới có câu: Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng. Còn ngày rằm tháng bảy cũng là một ngày lễ quan trọng, đó là ngày lễ Vu-Lan. Rằm tháng mười không có lễ nào của đạo Phật nhưng lại là một ngày lễ lớn của dân Việt Nam ta, gọi là lễ cơm mới.

Vu-Lan do chữ Vu-Lan-Bồn nói ngắn. Chữ Phạn Ullambana phiên âm thật sát là ô-lam-bà-na, phiên âm gần đúng là vu-lan-bồn. Chữ ấy có nghĩa là cứu các vong linh ra…

… khỏi nạn khổ.

Hôm nay, rằm tháng bảy, chúng ta tụng Kinh Vu-Lan, nhờ đó chúng ta biết nguồn gốc lễ Vu-Lan là do chuyện ngài Mục-Liên cứu mẹ. Ngài Mục-Liên là một đại đệ tử của đức Phật, là bậc thần thông đệ nhất. Ngài thấy mẹ bị đọa thành quỉ đói, khổ sở vô cùng, Ngài muốn cứu mẹ mà không nổi nên về cầu cứu đức Phật. Đức Phật dạy phải nhờ sức chú nguyện của chư tăng, nhân ngày tán hạ tức là ngày rằm tháng bảy, thì mới đủ thần lực. Do đó, mẹ ngài được giải thoát. Phật dạy thêm : mỗi năm, đến ngày rằm tháng bảy, hãy kính thỉnh chư tăng lập đàn để cứu khổ cho tổ tiên cha mẹ bảy đời.

Nhờ tụng Kinh Báo Hiếu, chúng ta biết thêm rằng, rằm tháng bảy lại chính là ngày báo ân cha mẹ còn hiện tiền hay đã quá vãng. Trong Kinh Vu-Lan, chúng ta biết rằng: thỉnh được chư đại đức tăng ni là những vị Đều trì giới rất thanh rất tịnh, Đạo đức dày, chánh định chân tâm, thì Hiện tiền phụ mẫu của người Bà con quyến thuộc thảy đều nhờ ơn.

Tam đồ khổ luôn luôn ra khỏi, Cảnh thanh nhàn cũng lại tự nhiên.

Như còn cha mẹ hiện tiền,

Nhờ ơn cũng được bách niên thọ thời,

Như cha mẹ bảy đời quá vãng,

Sẽ hóa sanh nơi sáng, thiên cung…

Trong Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân, đức Phật dạy ngài A-Nan rằng ơn cha nghĩa mẹ rất sâu dày : một là mang thai nặng nề khó nhọc, hai là sanh nở hiểm nguy đau đớn, ba là nuôi dạy vất vả cực khổ, bốn là dành phần ngọt bùi cho con, năm là nhường cho con nằm chỗ khô ráo, sáu là chăm sóc lo cho con no ấm dù bản thân chịu thiếu thốn, bảy là không nề hà ô uế miễn là con được sạch sẽ, tám là luôn luôn lo lắng về mọi mặt cho con, chín là hy sinh hết để cho con sung sướng, mười là chăm chút lo cho cuộc đời của con được thanh nhàn. Vì thế, bổn phận làm con có làm bao nhiêu cũng không thể trả nổi ơn sâu nghĩa nặng của cha mẹ được.

Vậy, rằm tháng bảy là ngày để Phật tử tỏ lòng hiếu kính, biết ơn cha mẹ và tổ tiên. Tại sao chúng ta thấy lễ Vu-Lan mang thêm ý nghĩa nữa là cúng cô hồn? Một tài liệu cho biết rằng đó là do truyện ngài A-Nan, thị giả của đức Phật, cung cấp đồ ăn cho các quỷ đói. Theo truyện ấy thì ngài A-Nan gặp một con quỷ đói tên là Diệm Khẩu (có nghĩa là miệng phun lửa) xấu xí, gày gò, cổ rất nhỏ. Nó bảo ngài rằng ngài sắp chết nhưng nếu ngài cho tất cả lũ quỷ đói ăn uống no nê thì ngài sẽ thọ mạng lâu dài và chính quỷ ấy được lên trời. Ngài A-Nan về trình với đức Phật, đức Phật ban cho ngài A-Nan một thần chú, nhờ đó mà tất cả quỷ đói được no đủ và chúa quỷ cầm cờ do đức Phật ban cho để dẫn các cô hồn đã được xá tội, lên tịnh độ.

Trong bài Văn tế Thập loại chúng sinh, đại văn hào Nguyễn Du đã đề cập đến việc dựng đàn giải thoát cho mười loại chúng sinh đau khổ :

1/ Vua chúa bị giết.

2/ Quí nữ liều thân.

3/ Tể thần thất thế.

4/ Đại tướng bại trận.

5/ Ham giàu chết đường.

6/ Ham danh chết quán.

7/ Buôn bán chết xa.

8/ Binh lính chết trận.

9/ Kỳ nữ cô đơn.

10/ Chết do nghèo nàn tai họa. Kiếp phù sinh như bào, như ảnh, Có câu rằng vạn cảnh giai không. Ai ơi lấy Phật làm lòng, Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi …

Vào ngày này, các chùa còn tổ chức phóng sinh, tức là thả chim, thả cá cho chúng được tự do. Lại còn tổ chức thí thực cho bà con nghèo ăn một bữa no nê. Xưa kia, nước ta có tục thả thuyền giấy trên sông vào đêm rằm tháng bảy, thuyền cắm cờ, trên đó lại có các hình nhân, với ý nghĩa là những tướng và quân giương cờ của Phật, dẫn các cô hồn vượt qua bể khổ.

Phần cuối bài cúng cô hồn có mấy câu sau đây :

Cháo cơm dù có ít nhiều,

Ăn uống đều cùng thong thả.

Tụng chân ngôn, ít biến nên nhiều,

Niệm bí chú, không mà có cả.

Chẳng được cậy lớn mà tranh bé,

Nữa lại còn mắc chữ tham sân.

Đã quy y cải dữ làm lành,

Thì xá ở cho lòng hỷ xả.

Trước đã răn giải thoát một lời,

Sau lại bảo Tâm kinh bát nhã.

Tìm về đất Phật nghỉ ngơi,

Vâng hộ mọi người hỉ hả.

Phúc đẳng hà sa,

Khương lưu ròng rã. Cẩn cáo.

Nhớ lại khi còn ở trong nước, đồng bào chúng ta cúng tháng bảy rất lớn, không bắt buộc làm lễ đúng vào ngày rằm mà bất kỳ ngày nào trong tháng bảy, các tư gia và nhất là các xưởng máy, tiệm buôn, nhà hàng … không khi nào thiếu. Đối với các vị xuất gia thì mỗi năm khai hạ vào rằm tháng tư và tán hạ vào rằm tháng bảy. Mỗi khi xong một khóa hạ thì các ngài thêm một tuổi đạo, vì thế ngày rằm tháng bảy đối với các ngài là một ngày vui, gọi là hoan hỷ nhật. Chính vào ngày này, khi còn đang hội đông đủ tại đạo tràng, các ngài tuân theo lời Phật dạy, hợp lời chú nguyện để làm lễ Vu-Lan vì lợi ích của tất cả, người đã khuất và người còn hiện tiền.

Hôm nay, Phật tử chúng ta lên chùa lễ Phật, cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ [Cửu huyền: đời mình + bốn đời trước mình + bốn đời sau mình. Thất tổ: kể từ ông nội của mình lên sáu đời nữa], cầu an cho phụ mẫu hiện tiền, … chúng ta có thể học được những điều gì?

Thứ nhất là chúng ta, và đặc biệt là các bạn trẻ, nên thực hành những bổn phận làm con và làm cháu của mình mỗi ngày mỗi chu đáo hơn; các bạn trẻ nên biết rằng không thiếu gì người lớn tuổi cho đến giờ phút này vẫn tha thiết nhớ cha nhớ mẹ, và thường ân hận rằng lúc cha mẹ còn sống, mình chưa hầu hạ chăm nom đến nơi đến chốn. Thứ nhì là luôn luôn nghĩ rằng chúng ta và toàn thể chúng sinh liên hệ chằng chịt với nhau, tất cả là một, một là tất cả, cho nên thực hành từ bi hỷ xả đối với chúng sinh cũng là thực hành từ bi hỷ xả đối với chính chúng ta. Nếu khung cảnh cõi ta bà này mà tốt hơn, đẹp hơn, thì tất cả đều cùng hưởng. Thứ ba là nên suy ngẫm về địa ngục. Nghe thì xa xôi quá, huyền bí quá nhưng sự thật thì hàng ngày chúng ta thấy bao nhiêu là cảnh địa ngục trên trái đất này, hoặc cảnh địa ngục xung quanh chúng ta, và có khi cảnh địa ngục ở ngay bên cạnh chúng ta nữa. Cái thứ địa ngục trần gian ấy không do ai bày ra cả mà lại do con người tạo ra, cũng có thể do chính chúng ta tạo ra không chừng! Suy xét cho cùng, mọi cảnh địa ngục ấy bắt nguồn từ cái tâm ác, từ tham sân si mà ra. Đạo Phật có mặt nơi đây để giúp chúng ta chiến thắng ba độc ấy, xóa cảnh địa ngục trần gian, tiến lên tự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau. Chẳng khác gì bà Thanh Đề nhờ Phật pháp, tâm đã chuyển hóa mà thoát ra khỏi ác đạo. Đó là ý nghĩa sâu xa nhất mà Phật tử chúng ta có thể học và hành.

Nhân ngày hoan hỷ hôm nay, toàn thể Phật tử kính mừng Hòa Thượng, chư Đại đức Tăng, Ni thêm một tuổi hạ và kính chúc quý ngài Phật đạo sớm viên thành. Kính chúc quý vị và quý đạo hữu tâm bồ đề kiên cố, chí tu học vững vàng, thân tâm thường an lạc. □

Hoẵng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật – Book 1 – Montreal 2010

( Đã đăng trong Mục : Phật hoc trên trang Web này – NN)
– See more at: http://www.saungon.net/tbl/?itemid=430#sthash.KbDrN9kB.dpuf

………………………………………………………………..

Bài 5. BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN

Sau khi thành Phật dưới gốc cây bồ-đề (cây này là cây tất-bát-la, sau được gọi là cây bồ-đề, bồ-đề do phiên âm từ chữ bodhi, có nghĩa là giác ngộ), đức Phật thốt lên mấy lời vui mừng về sự tự thắng và ngài vui hưởng niềm an lạc trong Niết-bàn, ngài nhịn ăn bảy tuần lễ liền mà không thấy đói khát. Đến ngày thứ 50, hai thương gia tới cúng dường ngài bột khô và mật ong và xin quy y nhị bảo tức là Phật và Pháp, họ trở thành hai cư sĩ đầu tiên của Phật giáo. Đức Phật tặng họ mấy sợi tóc mà họ ngỏ ý xin để họ chiêm bái; nay các sợi tóc này được thờ tại chùa Shve Dagon ở thủ đô nước Miến- Điện.

Đức Phật nghĩ rằng giáo pháp của ngài quá sâu xa, người đời khó mà lĩnh hội nổi. Đại Phạm Thiên Vương là chủ Ta-bà thế giới đến thỉnh cầu ngài nói pháp. Nhờ thần thông, đức Phật thấy rằng có người có thể hiểu được giáo pháp nên ngài quyết định đem giáo pháp ra truyền giảng. Thoạt tiên ngài nghĩ tới hai vị thày cũ của ngài là Ka-La-Ma và Uất-Đầu-Lam-Phất nhưng hai ông này mới chết. Sau, ngài nghĩ tới nhóm năm người gồm có ông Kiều-Trần-Như và bốn người nữa, đó là nhóm người trước kia đã bỏ ngài khi thấy ngài thôi không tu khổ hạnh nữa. Ngài đi đến gặp họ ở Vườn Nai tức Lộc Uyển, thuộc thành Ba-La-Nại. Trên đường đi, một nhà tu khổ hạnh hỏi rằng thày ngài là ai, ngài trả lời là không có ai cả. Thật vậy, hai vị nói trên đây chỉ dạy ngài về thiền chứ không dạy ngài tu thành Phật, ngài đã thành Phật do chính nỗ lực của ngài.

Nhóm ông Kiều-Trần-Như thấy ngài, gọi ngài bằng hiền đệ, ngài cho họ biết ngài đã thành Phật rồi, không nên xưng hô như vậy, mãi sau họ mới tin và lắng nghe ngài nói pháp. Bài pháp đầu tiên này tên là Kinh Chuyển Pháp Luân tức là kinh về sự chuyển bánh xe pháp. Nói chuyển là vì đây là bắt đầu, nói bánh xe là để gợi lên cái ý nghiến nát những lầm lạc, phiền não. Nội dung của kinh này là Tứ Diệu Đế, tức là bốn sự thật vi diệu; đó là lý thuyết căn bản của đạo Phật Bốn Sự Thật Vi Diệu ấy là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế tức là sự khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ.

KHỔ ĐẾ. “Này chư tỳ-khưu, đây là diệu đế về đau khổ. Sanh là khổ, Bệnh là khổ, Già là khổ, Chết là khổ. Phải sống với người mà mình không ưa là khổ. Phải xa lìa những người thân yêu là khổ. Không đạt được điều mình mong cầu là khổ. Cái thân ngũ uẩn căn cứ trên sự bám víu là khổ”. Cuộc đời là bể khổ, kể mãi cũng không hết được các thứ khổ của con người, trên đây chỉ nêu lên tám điều chính gọi là bát khổ, tất cả đều dễ hiểu, trừ cái thứ tám mà ta sẽ bàn thêm sau. Không nên bảo rằng đạo Phật bi quan, vì từ nhận xét khách quan về cuộc đời đức Phật đã đưa ra phương pháp diệt khổ. “Như Lai chỉ dạy có một điều duy nhất là đau khổ và chấm dứt đau khổ”. “Như nước biển chỉ có một vị mặn, đạo của ta chỉ có một vị là vị giải thoát”.

Chữ pali dukkha được dịch là đau khổ, có người bảo rằng dukkha được phiên âm thành đau khổ, tôi xin nhường cho các nhà ngữ học quyết định chuyện này. Chuyên viên nói rằng: dukkha ám chỉ một cái gì xấu bởi vì nó trống rỗng, huyền ảo, không làm thỏa mãn, bất toàn. Chữ đau khổ không nêu đủ cái nghĩa huyền ảo, không thực, không làm thỏa mãn, đưa đến phiền muộn, thất vọng, bất ổn … Đói khát, tật bệnh, chiến tranh, … bao nhiêu là khổ, gọi chung là khổ khổ. Do vô thường, những thứ mà mình ưa thích hư hoại đi mất, làm cho mình khổ, đó gọi là hoại khổ. Con người chẳng qua do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hợp lại; năm uẩn ấy lấy riêng từng cái ra, mỗi cái không phải là con người, chính mỗi uẩn cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Thân và tâm (thân là sắc, tâm là thọ, tưởng, hành, thức) biến chuyển không ngừng. Con người không phải là một đơn vị bất biến, tự mình tồn tại vĩnh cửu, nó chỉ là một sự kết hợp nhiều yếu tố do duyên mà sinh, hết duyên thì chết. Tiến trình sự sống của đời này chấm dứt khi các duyên tan rã. Vì thế cái thân này là khổ, đó gọi là hành khổ, đó là điều thứ 8 nói trên kia. Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ nói chung là tam khổ.

Vua chúa cũng khổ hay sao? Có, lúc nào cũng ngơm ngớp có kẻ thoán vị, có nước khác xâm lăng, sung sướng mà lo ngại thường xuyên. Người giàu có cũng chẳng sung sướng gì, bao nhiêu trộm cướp rình rập, bao nhiêu đối thủ phá phách! Ở đời thiếu gì kẻ luôn luôn ghen ghét người khá hơn mình . Người khỏe mạnh đâu có khỏe mãi mãi.

TẬP ĐẾ. Đây là sự thật thứ nhì nói về nguyên nhân của khổ. Kinh Chuyển Pháp Luân nêu rõ: “Này chư tỳ-khưu, nguồn gốc của sự đau khổ là thế nào? Chính ái dục dẫn đi tái sanh từ kiếp này sang kiếp khác. Chính ái dục, đồng phát sanh cùng dục lạc và tham ái, đi tìm những thỏa thích mới, lúc ở đây, lúc ở kia.” Khi dùng chữ ái dục ở đoạn văn này, người ta bảo nên chú ý đến khía cạnh ích kỷ, vì mình. Ái dục bao giờ cũng vì mình, con người luôn luôn cố gắng để làm thỏa mãn chính mình. Mà chẳng khi nào được thỏa mãn vì “lòng tham không có đáy”. Cái điều đáng nêu ra là: con người là một thứ luôn luôn thay đổi lại chạy theo đuổi bắt những thứ thay đổi, vô thường! Khi người ta phân tích đến kỳ cùng, thì thấy vô minh là cái nó làm cho ta không nhận được sự vật đúng theo lẽ thật, nhận giả làm chân. Bao nhiêu xung đột trong gia đình, trong quốc gia, trên thế giới… đều bắt nguồn từ tham dục cả.

Điều rất đáng chú ý ở đây là: tôi ham muốn, tôi hành động, tôi gây nghiệp, tôi chịu quả báo, tôi phải tái sanh…Tôi làm tôi chịu, rõ ràng như vậy. Vào một dịp khác, chúng ta cần nói chuyện về nghiệp báo và luân hồi.

DIỆT ĐẾ. Đây là sự thật thứ ba nói về sự diệt khổ. Kinh Chuyển Pháp Luân ghi:

“Này chư tỳ-khưu, chân lý cao siêu về sự chấm dứt đau khổ là thế nào? Đó là chấm dứt ái dục mà không để lại dấu vết, sự dứt bỏ, sự từ khước, sự giải thoát ra khỏi, sự xa lìa ái dục.” Những chữ dùng trên đây nhấn mạnh đến sự loại trừ hoàn toàn và dũng mãnh cái gốc ái dục, cái gốc vô minh (trong bài pháp, đức Phật không dùng các danh từ vô minh và vô ngã). Diệt được vô minh là thoát khỏi sinh tử luân hồi. Tại sao vậy? Lại một vấn đề nữa mà chúng ta chắc chắn sẽ phải nói tới sau này, đó là thập nhị nhân duyên. Rồi sẽ phải trình bày về Niết-bàn. Trong sách Đức Phật và Phật pháp, HT Nàrada viết: Diệt đế là có sự chấm dứt đau khổ, tức Niết- bàn, mục tiêu cứu cánh của người Phật tử (trang 113). Diệt đế được thành tựu bằng cách tận diệt trọn vẹn mọi luyến ái. Nhưng phải ghi nhận rằng nếu chỉ tận diệt năng lực tinh thần ấy thì không đủ để chứng ngộ Niết-bàn (tr.115).*

Bác sĩ nói thân chủ có bệnh. Bác sĩ tìm ra nguyên nhân của bệnh. Bác sĩ cho toa thuốc Cuối cùng bác sĩ dặn dò cách uống thuốc: đây chính là Đạo đế.

ĐẠO ĐẾ. Sự thật thứ tư là con đường chấm dứt đau khổ. Chữ “con đường” gợi ý thật hay : đã có người đi rồi mới là đường (chư Phật đi rồi), chúng ta được chỉ đường rồi thì phải cất bước lên đó mà đi, đi mau đi chậm do mình, ì ra cũng do mình. Tu thì phải hành, hành là đi, đi trên đường giải thoát: đường này xa lánh hai cực đoan lợi dưỡng và khổ hạnh, nó là trung đạo. Nó gồm có tám thành phần, cốt làm cho hành giả thanh tịnh hóa thân khẩu ý, chấm dứt hoàn toàn ái dục, đạt đến trí tuệ bát nhã, tám thứ đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đó là bát chánh đạo.

Tóm lại, kinh Chuyển Pháp Luân nói về bài pháp đầu tiên của đức Phật, nội dung là tứ diệu đế gồm khổ tập diệt đạo. Đấy là căn bản của đạo Phật, đó là con đường thoát khổ, chúng ta phải tìm hiểu thật kỹ để soi sáng cho sự tu hành của mình. □

Chú thích :

(1) Niết-bàn không phải là một nơi chốn, đó là trạng thái của tâm khi đã:

1/ diệt tham, sân, si.

2/ chứng vô ngã.

3/ hết sinh tử luân hồi.

…………………………………….

Ôn tập- Bài22. PHIỀN NÃO

Khi đọc kinh sách Phật hay nghe đàm đạo trong chùa, chúng ta hay gặp danh từ phiền não. Vậy phiền não nghĩa là gì?
Khi chúng ta nói: “Phiền bạn làm dùm tôi việc này” thì chữ phiền được dùng một cách lịch sự hoặc khách sáo, ít hay nhiều. Làm phiền ai là làm cho người đó có chuyện phải bận lòng, thí dụ: “Nhờ vả mãi cũng phiền”. Chữ phiền lại dùng chung chung, vừa cho mình vừa cho người khác, thí dụ: “Lỡ chuyến xe này thì phiền lắm”. Phiền là có tâm trạng buồn rầu, lo lắng, thí dụ: “Phiền vì con không chịu nghe lời khuyên bảo”.
Não là buồn bã đau đớn, dùng trong những chữ não lòng, não nề, não nuột. Trong Phật học, chữ phiền não không hẳn có nghĩa như vậy.
Phiền não là những thứ mê đắm, lầm lạc, ham muốn làm hại chúng sinh, thúc đẩy chúng sinh lo lắng, tính toán, bực rọc, đi tới việc làm bậy, gây ra nghiệp xấu để sau phải chịu quả báo khổ sở.
Người ta nhắc luôn luôn đến ba phiền não lớn nhất là tham sân si. (Tham sân si gọi chung là tam độc, ba độc). Như vậy chữ phiền não này rộng nghĩa hơn chữ phiền não dùng trong lời nói hàng ngày: Tâm sự lo lắng, buồn phiền, bực bội, xao xuyến, bất an.
Có nhiều tên khác để gọi phiền não: cấu (dơ ), lậu (rỉ rớt), nhiễm (lây), kết (buộc), sử (sai khiến), hoặc (lừa dối).
Cấu là dơ dáy, bụi bám, đó là những điều làm cho tâm bị mê mờ rồi phạm lỗi do thân khẩu ý.
Lậu là dò rỉ, làm cho dơ bẩn.
Hữu lậu là còn tham dục, còn sinh tử luân hồi, trái lại vô lậu là giải thoát, hết phiền não. Bậc la-hán có sáu thần thông, trong đó cao nhất là lậu tận thông, dứt hẳn tham sân si, thoát khỏi ngã chấp và pháp chấp.
Nhiễm là lây, dính, vướng những thứ dơ bẩn, đối cảnh mà níu lấy, không lìa nổi. Vì thế mà còn phải chịu luân hồi.
Kết là trói buộc, trói buộc vào khổ đau, vào luân hồi.
Sử là sai khiến, các phiền não sai khiến con người gây ác nghiệp qua thân khẩu ý, vì thế mà không giải thoát được.
Hoặc nghĩa là lầm lạc, lừa dối, nghi ngờ, chẳng hiểu, do đó sai trái, vướng vào vòng luân hồi.
Đối nghĩa với phiền não là bồ-đề, Niết-Bàn.
Tại sao nói “phiền não tức bồ-đề”?
Câu này khó, cũng như câu “sinh tử tức Niết -bàn”và câu “phàm phu tức là Phật”. Đại khái như thế này: niệm trước còn mê nên còn là phàm phu, niệm sau giác ngộ nên là Phật, hai trạng thái chỉ cách nhau có “một sợi tóc” mà thôi! Đối với lý luận cao hơn thì người ta quan niệm rằng cái Tuyệt Đối bao gồm cái Tương Đối ở trong nó.
Có những phiền não nào nữa ngoài tham sân si?
Có nhiều thứ: tứ phiền não, lục đại phiền não, thập phiền não.
Tứ phiền não gồm có:
a/ ngã si, tức là cái vô minh của mình.
b/ ngã kiến, tức là chấp mình có thật, chấp cái “ta”, chỉ thấy cái “ta”.
c/ ngã mạn, tức là cho rằng mình hơn người.
d/ ngã ái, tức là tự ái, chỉ biết thương mình mà thôi.
Lục đại phiền não là những gì?
Đó là: tham, sân,si, mạn, nghi (nghi ngờ chánh pháp), ác kiến (tin nhảm, tưởng sai).
Thay chữ ác kiến trên đây bằng 5 thứ khác thì được thập phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến (ngã kiến), biên kiến (chấp một bên, thí dụ: chấp thường, chấp đoạn…), tà kiến (ý kiến sai lầm, thí dụ: chối bỏ nhân quả…), kiến thủ kiến (bo bo giữ ý kiến dù rằng sai), giới thủ kiến (giữ những giới sai lầm, thí dụ tôn kính con bò…).
Đã nói đến phiền não thì ta cũng nên biết phiền não chướng là gì. Chướng là che lấp. Các phiền não ngăn che đường tu hành, làm rối loạn thân và tâm, làm cho hành giả không đạt được đạo quả, không đắc Niết-bàn.
Trong câu:“Nguyện tiêu tam chướng chư phiền não”, tam chướng nghĩa là gì?
Là ba mối chướng ngại, ngăn che, bưng bít:
a/ Phiền não chướng, nói dễ là tham sân si và mọi thứ theo với ba độc ấy.
b/ Nghiệp chướng, cái chướng do nghiệp thật nặng các đời trước.
c/ Báo chướng, như bị đọa địa ngục, ngã quỷ, súc sinh.
Trên đây, chúng ta đã học nhiều danh từ , nếu sợ “mệt óc” thì chúng ta chỉ cần nhớ ba chữ rất quen thuộc, đó là tam độc tham sân si. Vấn đề quan trọng còn lại là: Làm sao tránh được phiền não? Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật thì chúng ta phải:
a/ Thọ tam quy, ngũ giới (cho tới cụ túc giới).
b/ Tu thập thiện, hiếu dưỡng cha mẹ, tôn trọng sư trưởng.
c/ Phát bồ-đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyên mọi người tu theo Phật.
[Chữ khó ở đây là chữ “bồ-đề tâm”, đồng nghĩa với đạo tâm, giác tâm. Đó là cái lòng cầu cho được Chánh giác của Phật. Gặp Phật, Tăng mà thỉnh cầu chứng minh cho mình tu thành Phật thì gọi là phát bồ-đề tâm. Hoặc đối trước Tam Bảo mà lễ bái, cúng dường, nguyện tu cho đến thành Phật cũng gọi là phát bồ-đề tâm. Phát bồ-đề tâm gọi tắt là phát tâm].
Xin nguyện cho toàn thể chúng ta sớm “tiêu tam chướng, chư phiền não”. □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú – Montreal 2010

……………………………………………………………………………………………………………

Tôn giáo nào tốt nhất ?

Greg Le to me
===

TON GIAO
doi thoai 1“Đây là một mẫu đối thoại ngắn giữa Thần học gia người Brazil,
Leonardo Boff, và Đức Đạt Lai Lạt Ma…
>>>
Tại một cuộc hội thảo bàn tròn về “Tôn giáo và tự do” có Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi cùng tham dự. Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài vừa tinh nghịch vừa tò mò:
Nha than hoc Leonardo Boffn ;
>>> “Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất? ”
>>> Tôi nghĩ ngài sẽ nói: “Phật giáo Tây tạng” hoặc “Các tôn giáo phương Đông, lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”.
>>> Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi…
>>> Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.

doi thoai 2.jpg1

Ngài trả lời:
>>> “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng tối cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”.
>>> Để giấu sự bối rối của tôi trước 1 câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, tôi hỏi:
>>> “Cái gì làm tôi tốt hơn? ”

Ngài trả lời:
>>>
“Tất cả cái gì làm anh
Biết thương cảm hơn
>>Biết theo lẽ phải hơn
>> Biết từ bỏ hơn
>>Dịu dàng hơn
> Nhân hậu hơn
>>Có trách nhiệm hơn
>>Có đạo đức hơn”.
>>“Tôn giáo nào biến anh thành như vậy Là tôn giáo tốt nhất”.
>>>
Tôi thinh lặng giây lát, lòng đầy thán phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả lời đầy khôn ngoan và khó phản bác:
>>“Anh bạn tôi ơi! Tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh
>>>
>>Điều thật sự quan trọng đối với tôi là cách cư xử của anh đối với người đồng đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng và đối với thế giới.
>>>
Hãy nhớ rằng vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta. Quy luật của hành động và phản ứng không chỉ dành riêng cho vật lý.
>>>
>>> Nó cũng được áp dụng cho tương quan con người.
>>>
>>> Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành,
>>> Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão.
>>> Những gì ông bà nói với chúng ta là sự thật thuần túy.
>>>
>>> Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta mong muốn cho người khác.
>>>
>>> Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh. Đó là vấn đề lựa chọn.”
>>>
>>> Cuối cùng ngài nói:
>>> “Hãy suy tư cẩn thận vì Tư tưởng sẽ biến thành Lời nói,
>>> Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời nói sẽ biến thành Hành động,
>>> Hãy hành xử cẩn thận vì Hành động sẽ biến thành Thói quen,
>>> Hãy chú trọng Thói quen vì chúng hình thành Nhân cách,
>>> Hãy chú trọng Nhân cách vì nó hình thành Số mệnh,
>>> Và Số mệnh của anh sẽ là Cuộc đời của anh.
>>> … và …
>>> “Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự thật.”

……………………………………….

Fwd: Tự lực tu tập
Greg Le to me

> ….. Một ý kiến về…….Tự lực tu tập..
>
============

TỰ LỰC… MỚI LÀ CÁI TU RỐT RÁO CỦA ĐẠO PHẬT

tu tap

Đời là bể khổ, khi con người sinh ra cho đến lúc giả từ vủ khí – một kiếp nhân sinh – trải qua Sinh,Lảo,Bịnh, Tử cuộc đời dẩy đầy đau khổ, khổ vì phiền nảo Tham, Sân, Si khổ, vì muốn mà không được , nay thương mai ghét, nay thân mai thù, khổ vì mọi người sống chung quanh mình tư tưởng quan niệm khác nhau, khổ vì hoàn cảnh trái ngang lúc thuận lúc nghịch, khổ vì yêu người ta mà người ta không yêu lại, khổ vì con cái không nghe lời, khổ vì chén cơm manh áo vất gian nan, khổ vì cầu khẩn van xin thì nhiều, nhận được chẳng bao nhiêu, hoặc chẳng được gì cả! Cuộc sống con người Thấy Khổ nhiều hơn vui, Thấy bất như ý nhiều hơn sự như ý, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh hay địa vị nào trong xã hội.

Khi nhận đúng, thấy đúng, biết đúng , đời là bể khổ…… nhưng không vì thế cảm thấy bi quan, chán đời, sanh tâm mong cầu cõi sung sướng hơn cho thỏa tâm tham,…. mà TÂM ta luôn hướng về GIẢI THOÁT thì con người mới thực sự gọi là phát tâm chọn con đường tu hành theo đạo Phật. Nếu người tu luôn hướng tâm mong cầu sanh về cõi sung sướng hơn, sung sướng cực điểm, thì đừng nên chọn con đường tu hành của đạo Phật.Vì chọn lựa như vậy là không đúng theo tinh thần của đạo Phật .

– Tại sao như vậy?

Tại vì lòng tham cõi sung sướng hơn, cực lạc, như vậy sẽ dẫn dắt người tu lạc vào tà đạo, mê tín. Con đường tu hành chân chính của đạo Phật là con đường tu xả bỏ tâm tham lam, sân hận, si mê và mong cầu ỷ lại vào tha lực ( tạp niệm hay vọng niệm ) dể được Giác Ngộ, thấy được sự thật . Dù tại gia hay xuất gia, người tu phải tự lực rèn luyện tu tập, luôn giữ gìn chánh niệm, luôn trau dồi trí tuệ, sống trong thiền định , cố sức tránh xa các ác pháp ích kỹ lợi mình hại người.

Con người phải đầy đủ nghị lực, phải gan dạ, kiên trì, chịu đựng, từ bi ( đại hùng, đại lực, đại từ bi… ), để mạnh dạn dứt bỏ những thói hư, tật xấu để tự tìm về bến giác theo lời Phật dạy, chứ không phải chỉ biết thường vào nơi tu hành chỉ để cúng kiến, lễ bái, cầu khấn, van xin, nương nhờ tha lực chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, tiếp độ, trợ lực, cứu khổ cứu nạn, giải thoát khổ đau, tai ương, bệnh tật, hay phóng hào quang tiếp độ những vong hồn người chết về cõi Tây Phương Cực Lạc.

Con người phải phát tâm tự lực học hiểu chánh pháp, suy tư nghiền ngẫm những lời dạy quí báu của đấng Giác Ngộ, để biết cách áp dụng, thực hành trong đời sống thực tế hàng ngày. Chứ không phải tu hành suông bằng cách chỉ biết tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền, hay chuyên luyện bùa, luyện phép để có thần thông, hay huyễn thuật, hoặc để khẩn cầu được sinh về Cực Lạc, Niết Bàn bằng những oai thần, tha lực của chư Phật, chư Bồ Tát………. ngoài nhũng chuyện đó ra không chịu dùng trí tuệ để diệt vô minh !

Muốn chân chính tu theo đạo Phật để giác ngộ và giải thoát khỏi cảnh khổ đau của muôn kiếp sanh tử luân hồi, con người phải tích cực dùng sức tự lực của chính mình thực hành, học hỏi, chuyển hóa thân tâm, chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh, chứ không phải bằng sự mong cầu, trông chờ, van xin, cầu khẩn tha lực của người khác, dù cho thành tâm tha thiết đến đâu, chắc chắn kết quả không như ý muốn.

. Đức Phật dạy Niệm Phật là nhớ nghĩ đến tâm sáng suốt, nghĩ đến Phật và sống như Phật, chứ không phải chỉ niệm suông danh hiệu Phật; Niệm Pháp là nhớ nghĩ đến tâm chân chánh, nghĩ đến Pháp và sống như Pháp, tu tập đúng như pháp, nói năng như pháp, im lặng như pháp, chứ không phải chỉ tụng kinh suông; niệm ThánhTăng là nhớ nghĩ đến tâm thanh tịnh, nghĩ đến tăng và sống như chúng tăng hòa hợp, không chống trái nhau, chứ không phải chỉ cúng dường trai tăng, lễ lạy các vị tăng để cầu phước báu; niệm Giới là nhớ nghĩ đến phẩm hạnh, giới đức và sống đúng giới hạnh, không hề vi phạm giới luật, dù chỉ phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, chứ không phải chỉ hằng tháng vào ngày 30 ngày rằm cùng nhau ăn chay và tụng giới suông, mà thôi.

Ở đây, Đức Phật dạy niệm tức là tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới, để thấu triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào, rồi noi theo đó mà thực hiện nếp sống và tu tập như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy.

Có hiểu biết và tu tập như vậy, thì mới có giác ngộ và giải thoát thực sự. Còn như chỉ biết niệm suông danh hiệu Phật, tụng kinh suông, cúng dường trai tăng và đảnh lễ chư tăng và tụng Giới, dù có niệm Phật, Pháp, Tăng, và Giới như vậy cho đến muôn kiếp ngàn đời, thì cũng khó có giác ngộ và giải thoát được . Tham sân si, cố chấp và ngã mạn, nếu không tăng thì cũng còn y nguyên. Những sự tu hành sai lạc này khiến chẳng còn ai tu chứng. Người tu hành mà hiểu Phật giáo như vậy, tức là chẳng hiểu Phật giáo gì cả.

Xưa nay, chỉ có những người vô minh, dối gạt mình, dối mình gạt người, không chịu nghiên tầm học hiểu giáo lý, không thấu rõ lời dạy của chư Phật, chư Tổ, do đó tin bừa, làm càn và rao giảng những điều sai lầm, mê tín, mù mờ. Số người mê tín tu không Trí Tuệ này, có cả tu sĩ và cư sĩ, đơn giản hóa pháp tu tịnh độ đến mức tối đa, khuyên người chỉ cần niệm: Nam Mô A Di Đà Phật, thì chắc chắn được vãng sanh…,

Họ lập ra các ban hộ niệm, vô minh đến độ họ dám tuyên bố người này được vãng sanh, người kia không vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc….. mặc dù người mới chết đã có một cuộc sống chẳng có đạo đức gì, suốt đời không biết kinh kệ hay tu tập gì, mà chỉ nhờ họ hộ niệm được như vậy ! Buồn thay, số người này thu hút được số đông si mê, tham sướng, lười tu tập nhưng mong cầu và tin chắc được vãng sanh cực lạc sau khi được hộ niệm. và nghĩ rằng khi lên trên đó sẽ tu tiếp dể thành Phật vì Bất Thối Chuyển, chắc chắn sẽ tu dễ dàng tu hơn tu nơi cõi ta bà này.

Khi bước chân vào đạo, ta thường được nghe dạy: “ Thông suốt những gì cần phải thông suốt, dứt bỏ những gì cần phải dứt bỏ, tu tập những gì cần phải tu tập, trau giồi những gì cần phải trau giồi ”. Những việc làm này là những hành động tự lực tu tập .
Đức Phật có dạy:

Tự mình điều ác nhiểm ô.
Tự mình thanh tịnh chính mình.
Tự mình phân minh thiện ác
Không ai giúp ai thanh tịnh.

……………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics