1.Liên minh với Philippines..VN quỳ hay đứng?-2.Những 'tổ mối' đục ruỗng..(VOA)3.Chất vấn TT:hỏi hay hơn đáp(RFA)

Liên minh với Philippines chống Trung Quốc: Việt Nam quỳ hay đứng?

Nguồn: Blog / Phạm Chí Dũng /VOA – 21.11.2015

chong tq.jpg1

Người dân Việt Nam và Philippines thời gian qua đã thể hiện tình đoàn kết trong khi hai nước cùng bị Trung Quốc ‘ức hiếp’ trên biển Đông.

Ngày 17/11/2015, Việt Nam đã chính thức “nâng tầm đối tác chiến lược với Philippines” sau một thời gian khá dài nửa kín nửa hở trong chiến thuật “mắt trước mắt sau” với Trung Quốc.

Thỏa thuận đối tác chiến lược trên được ký kết bên lề hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở Manila, tức chỉ vài tuần sau chuyến công du của Tập Cận Bình đến Hà Nội khiến dấy lên dư luận “chỉ mời Dũng không mời Trọng”.

Một năm câm nín

Hãy nhớ lại, vào giữa năm 2014 khi nổ ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 lao vào Biển Đông như một hành động khủng bố và quan hệ Việt – Trung chìm sâu nhất trong nhiều thập niên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một chuyến đi được giới quan sát xem là “đặc biệt” tới Manila. Trước sự hiện diện của Tổng thống Benigno Aquino, ông Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông là “đặc biệt nguy hiểm”.

Nhưng vào thời điểm đó, không phải Việt Nam mà chính Philippines đã gợi ý về “đối tác chiến lược” – có thể hiểu như một liên minh quân sự đối phó với dã tâm lộ rõ của con sói Trung Quốc.

Song Thủ tướng Dũng đã im lặng.

Sau khi trở về Việt Nam và trong lúc mối tình Việt – Trung vẫn ồn ào gấu ó, nhiều người chờ đợi ông Dũng “giương cao ngọn cờ thoát Trung” theo cách “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” mà ông đã “bùng nổ” trong thông điệp thủ tướng đầu năm 2014. Nhưng sau cụm ẩn ngữ về “hữu nghị viển vông”, Thủ tướng Dũng không chịu hé miệng thêm.

Trong khi đó, Bộ Chính trị Việt Nam – nghe nói đã họp nhiều “cuộc” về Biển Đông và về ý định liên kết với người Philippines – vẫn chần chừ. Thậm chí kỳ họp giữa năm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội phải phẫn nộ: ở mức độ tối thiểu cần có một bản nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam vẫn tuyệt đối câm nín.

Tình trạng cay đắng đến trơ mắt của nhà nước Việt Nam khi đó là dù họ đã thủ sẵn trong túi chẵn một chục đối tác chiến lược, kể cả “đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc” và “người bạn Nga truyền thống”, nhưng không một bàn tay nào chìa ra cho Việt Nam với tư cách đồng minh.

Nhưng hiện thực ngược ngạo là không phải “láng giềng gần” mà chính những “bà con xa” như người Mỹ và những quốc gia đồng minh quân sự với Mỹ như Nhật Bản và Philippines lại trở thành giá đỡ cho tinh thần suy sụp của giới lãnh đạo Việt Nam. Vào tháng 7/2014, khi Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam Phạm Quang Nghị bất chợt lấp ló ở Washington như một kiểu diện kiến giới chính khách Mỹ và cũng bắt đầu ấp úng thổ lộ “tăng cường mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước”, Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tung ra một nghị quyết mạnh mẽ về Biển Đông như một đòn dằn mặt tham vọng Trung Quốc.

‘Bắt Trung Quốc’

Tính đến nay, sau hơn một năm kể từ giữa năm 2014, người Philippines bắt đầu đạt được tiến bộ khả quan tại Liên hiệp quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Bản lĩnh vượt mặt Việt Nam ấy không phải mang tính đột biến mà được tích dồn qua thời gian. Vào tháng Tám năm ngoái, với quyết định “bắt Trung Quốc”, Manila đã có một hành động pháp lý vượt hơn hẳn cao vọng “kiện Trung Quốc” của giới đảng, nhà nước và chính phủ Hà Nội.

Ngày 5/08/2014, 12 ngư dân Trung Quốc bị tuyên phạt nhiều năm tù vì đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines. Đây là khu vực được tổ chức văn hóa Liên hiệp quốc là UNESCO xếp hạng di sản thế giới.

Vịnh Hạ Long của Việt Nam chắc chắn còn hơn cả di sản văn hóa thế giới, nếu so với bãi san hô Tubbataha nằm ở phía Tây quần đảo Philippines, địa chỉ mà 12 ngư dân Trung Quốc nói trên bị bắt hồi tháng 4/2013. Thế nhưng Quảng Ninh lại luôn là một trong những vùng mà tàu cá Trung Quốc xâm nhập nhiều nhất. Thậm chí vào đầu tháng 6/2014 và trùng với hình ảnh giàn khoan HD 981 lừng lững ngự trị ngay trước mũi Bộ Chính trị Hà Nội, một tàu cá của ngư dân Quảng Ninh đã bị “tàu lạ” đâm chìm, khiến 3 ngư dân Việt bị thương nặng.

Song điều đáng phẫn nộ là những người viết báo nhà nước và độc giả cả hai lề vẫn phải thưởng thức món ăn từ ngữ “tàu lạ” mà không thoát nổi cơn nghẹn họng. Không có bất cứ động tác truy xét nào mà từ đó tìm ra được dung nhan kẻ gây hấn, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã quỳ mọp trong nỗi xấu hổ và tự ti vô cùng tận trước thế đứng thẳng người của đất nước Philippines.

Hoàn toàn trái ngược vào thời gian đó, sự thể dồn lên vai Nhà nước Việt Nam tất cả những gì tối thiểu thuộc về danh thể. Danh thể tối thiểu ấy càng bị thách thức từ ngày 1/8/2014, khi Trung Quốc đã phát lệnh cho hàng chục ngàn tàu cá đóng vỏ sắt và trang bị hiện đại tràn vào Biển Đông – một động tác “thọc tay vào túi quần” người Việt Nam.

Thế nhưng sau khi giàn khoan HD 981 rút khỏi Biển Đông, không khí “kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” đã dần lịm tăm. Còn cho tới nay, những tin tức về ngư dân Việt Nam phá sản lan truyền khắp nơi. Không một vũ khí trong tay và còn chưa được vay vốn lãi suất thấp để đóng tàu vỏ sắt như lời hươu vượn của giới quan chức cao cấp lẫn các đại gia ngân hàng “ngồi mát ăn bát vàng”, nhiều gia đình ngư dân Việt đang phải bó gối nhìn tôm cá lũ lượt chui vào lưới tàu Trung Quốc.

Đến lúc này, người ta lại phải tự hỏi: Quân chủng Hải quân của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đầy “dũng khí bám bờ” như thế nào, trong lúc đồng bào ngư dân của họ vẫn phải kiên trì bám biển…

Quỳ hay đứng?

Khác hẳn thế dám đứng dậy của người Philippines, một năm sau vụ giàn khoan HD 981, Việt Nam đã lỡ mất cơ hội và gần như vẫn nằm nguyên trong mớ lục đục tủi hổ.

Không khí duy nhất có vẻ triển vọng hơn là xu hướng “giãn Trung” đang dần xuất hiện trong Bộ Chính trị đảng. Thậm chí sau chuyến đi của Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đến Washington vào tháng 7/2015, nghe nói một quan chức cao cấp của Việt Nam còn dám nói ngoài hành lang “đi với Trung Quốc là tự sát”.

Cần nhắc lại, chỉ một ngày sau khi rời Việt Nam, Tập đã tung hê “Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc”. Khó có thể hiểu khác hơn, động tác này giống như một cái tát đối với Quốc hội Việt Nam, địa chỉ đã mời Tập Cận Bình đến diễn thuyết nhưng bị giới trí thức Việt coi là hình ảnh “rước giặc vào nhà”.

Còn hơn cái tát, hành động của giới công an đàn áp dữ dội cuộc biểu tình ôn hòa của người dân phản đối Tập Cận Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 11/2015 càng rõ như ban ngày về những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”.

Diễn đàn APEC năm nay được tổ chức tại Manila vào nửa cuối tháng 11. Lần này, không phải Thủ tướng Dũng, mà là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự.

Muộn còn hơn không bao giờ. Nếu không thể dứt khoát được quan điểm và hành động mau chóng xa rời Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ phải chứng kiến một cái chết chắc chắn của dân tộc và của chính họ trong tương lai rất gần.

Sau cái tát của Tập Cận Bình trong khán phòng Quốc hội Việt Nam, rất nhiều người đang chờ đợi xem thế đứng của ông Sang sẽ biểu hiện như thế nào sau “đối tác chiến lược” với Philippines.

* Blog của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Phạm Chí Dũng

Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’.

…………………………………………….

Những ‘tổ mối’ đục ruỗng tận cùng nền kinh tế cứu đói

Nguồn: Blog / Phạm Chí Dũng / VOA – 13.11.2015

chong tq 2.jpg1

Đỉnh điểm của nạn phô trương chế độ lẫn tham tàn quan chức ở Việt Nam đang được cập nhật nước rút bằng tượng hình thời thượng ‘tổ yến’

Ô nhục ‘tổ yến’

Tháng 10/2015, giới lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa lại công bố dự án xây dựng khu trung tâm hành chính tỉnh với giá trị lên đến 4.300 tỷ đồng, tức vượt hơn cả mức dự toán trước đây “chỉ” khoảng 1.000 tỷ, đồng thời trở thành dự án trụ sở hoành tráng thuộc loại kỷ lục – so với các “tỉnh bạn” cùng dắt tay nhau dưới tấm biển chỉ đường của ý thức hệ dân đói quan no – như Hà Giang, Phú Yên, Lai Châu, Nghệ An, Hải Dương…

“Tổ yến” là tượng hình của dự án trên, được gắn nhãn quảng cáo “đã được Chính phủ phê duyệt”.

Không chịu kém thua, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng đang muốn lặp lại sự ô nhục “tổ yến” tương tự. Một đề án xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh này có thể “nuốt” đến 1.500 tỷ đồng, trong lúc hàng trăm giáo viên tiểu học ở đây phải nuốt nước mắt bỏ nghề do đồng lương chết đói.

Nhưng chính quyền Hải Phòng còn “màu” hơn thế nhiều. Dự án trung tâm hành chính – chính trị của địa phương này – cũng được giới lãnh đạo Hải Phòng rào chắn “đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương”, rộng đến 324 ha, với tổng mức đầu tư 9.894 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương cấp 6.854 tỉ đồng, ngân sách thành phố và “các nguồn vốn hợp pháp khác” khoảng 3.039 tỉ đồng.

Dự án suýt soát gần 10.000 tỷ đồng của giới quan lại Hải Phòng càng khiến người ta dễ hình dung Bộ Giao thông Vận tải đã nổi máu tham đến mức nào hồi năm 2011, khi cơ quan này cũng trưng ra một dự án xây trụ sở với giá trị tương tự. Chỉ có điều, khi đó vẫn còn vài ba gương mặt đại biểu quốc hội dám cất tiếng ta thán nên cái trụ sở mười ngàn tỷ kia mới chưa thể thoát thai được…

Nền kinh tế cứu đói

“Cứ cho nó ăn ngập mặt để chết nghẹn hết đi!” – một ngư dân bùn đất bê bết gằn từng tiếng. Ông vừa đọc tin tức mới nhất về dự án “tổ yến” của chính quyền đóng đô ở Nha Trang.

Có hàng triệu nông dân mạt kiếp như thế, bởi Khánh Hòa là một trong nhiều “điển hình tiên tiến” cực kỳ sâu sắc của bệnh tham quan vô lại vào thời mạt trị trên mảnh đất Việt Nam đã rời rã xương khớp. Cách đây không lâu, chính quyền tỉnh này còn phải ngửa tay xin gạo cứu đói cho dân nghèo.

Năm 2015, Vịnh Cam Ranh như vụt biến thành một vực sâu đen ngòm với dự án nạo vét luồng lạch sát của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Các xáng cạp không chỉ múc cát đơn thuần, mà còn làm cho vùng biển xung quanh khu vực xáng cạp hoạt động trở nên đục nước, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cá tôm nuôi trong đầm Thủy Triều ở xã Cam Phúc Bắc cứ thế mà chết. Thế nhưng suốt từ đầu năm 2015 đến nay, đơn thư khiếu nại của các hộ dân nuôi thủy sản gửi chính quyền Khánh Hòa như rơi vào chốn ma ám. Chỉ đến tháng 10 năm nay khi vài trăm người dân phải liều mình kéo ra cản trở xáng cạp và giới truyền thông trong nước lẫn quốc tế tung hê mọi chuyện, hoạt động nạo vét mới dừng lại.

Dân khốn là thế, song dự án xây trụ sở ngàn tỷ cho nền hành chính “hành dân là chính” vẫn được “trên” chấp thuận. Thậm chí không một cái liếc mắt đến lớp bần hàn, giới quan lại nơi đây còn vẽ ra dự án làm casino để thêm một lần đào sâu hố phân hóa giàu nghèo…

Nhưng dù sao Khánh Hòa còn có của ăn của để như một điểm đến du lịch quốc gia và quốc tế. Còn ở Hà Tĩnh, địa danh mà dân gian phải quyết liệt mà đoan chắc rằng chỉ có hai nghề tồn tại được ở nơi đây – làm công an và đi buôn lậu – đời sống người dân mới cằn cỗi hoang hóa làm sao!

Dọc theo chiều dài “40 năm thống nhất đất nước”…

Là một trong những tỉnh bị xem là nghèo nhất ở Việt Nam, hầu như năm nào Hà Tĩnh cũng phải “còng lưng” xin gạo cứu đói. Mới vào tháng 2/2015, chính quyền Hà Tĩnh còn phải xin Chính phủ gần 3.500 tấn gạo để dân “no cái bụng”. Nhưng cũng chính tại địa phương quá trống vắng truyền thống lo cho dân nghèo này, chuyện quan xã ăn chặn gạo và tiền cứu đói của dân chúng đã không còn trong vòng lén lút. “Minh bạch” hơn nhiều, nông dân tiếp tục còng lưng làm lụng và đóng thuế để xây trụ sở cho giới quan lại ăn trên ngồi trốc.

Còn Hải Phòng – thành phố mà hoa phượng đỏ đã trôi vào quá khứ thì lại nổi danh hơn bởi “trận đánh đẹp” của lực lượng công an để cưỡng chế đất đai gia đình người nông dân áo vải Đoàn Văn Vươn vào năm 2012. Trớ trêu thay, đây cũng là khu vực cử tri được coi là “ưu ái” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Vậy “tổ yến” nào dành cho giới quan tham không còn hạn độ trên dải đất chữ S quằn quặn bần cùng hóa?

Cơn bão cuối cùng

Trên các diễn đàn mạng, người dân và giới trí thức sôi sục thi nhau kể tội chính phủ và chế độ. Không còn bút mực hay từ ngữ nào tả xiết. Nhẫn tâm đến tận cùng, không phải “tổ yến” mà chính những “tổ mối” như các chính quyền Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Hải Phòng… đã làm ruỗng mục ngân sách quốc gia và phá tan hoang nền kinh tế cứu đói dân tộc.

Phải, không thể nào có được một định nghĩa chỉn chu về nền kinh tế Việt Nam, khi suốt chiều dài “xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với chỉ số tăng trưởng GDP lên đến 7-8% từ báo cáo thâm đen của Chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp thực tế vẫn lên ít nhất 20% lực lượng lao động và tỷ lệ hộ nghèo có thể cũng tương đương chừng đó. Nhiều gia đình nông dân ở vùng sâu vùng xa vẫn phải ăn độn cơm với củ. Có những đứa trẻ vùng cao còn phải bắt chuột ăn trừ bữa…

Làm sao xây dựng nổi một định nghĩa chu toàn cho nền kinh tế ấy, nếu không phải là nỗi ô nhục toàn quốc!

Nỗi ô nhục ấy lại xảy ra trong bối cảnh thảm trạng ngân sách trung ương được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tiết lộ chỉ còn 45.000 tỷ đồng mà “không biết phân bổ cho cái gì”.

Dù những quan chức có chống chế rằng tiền dùng để xây các “tổ yến” không hoàn toàn xin trung ương mà được trích từ ngân sách địa phương, song ngân sách nào cũng được trích từ tiền đóng thuế của các doanh nghiệp và người dân. Tại những tỉnh nghèo và nặng về nông nghiệp như quê hương phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, thuế nông nghiệp lớp chồng lớp đã khiến nông dân rơi xuống tận cùng đáy vực.

Hãy liên tưởng lại “ngai rồng” và “cung điện Nông Đức Mạnh”… với tất cả thói hư tật xấu đến tận cùng vô liêm sỉ của giới quan lại Việt. Bằng vào cuộc chạy đua xây “tổ yến” không tiền khoáng hậu, giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” đang cố thực hiện những đục khoét cuối cùng mà không chờ đến ngày “hạ cánh an toàn”, cùng với chiến dịch bồi đắp con ông cháu cha vào những chức vụ hàng đầu.

Cũng là lúc bóng tối cuối cùng sẽ ập lên chế độ của những kẻ tán tận lương tâm.

* Blog của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

……………………………………………………………………………………..

Đọc thêm :

5864. Chủ quyền biển đảo đang ở trong tay Trung Quốc, thì gìn giữ cái gì hả Thủ tướng?

Nguồn: Posted by adminbasam on 19/11/2015

Tư Núi Cấm

Mời xem video clip Thủ tướng trả lời chất vấn về quan hệ Việt – Trung:

Vậy là sau mấy ngày, kể từ khi báo chí công khai câu chất vấn Thủ tướng của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nhân dân hào hứng chờ đợi câu trả lời của Thủ tướng thì cuối cùng như nhận được một thau nước lạnh tạt thẳng vào mặt. Phủ phàng và cay đắng!

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa hỏi nếu ta cứ ngữa tay nhận lấy viện trợ của Trung quốc thì sau nầy có kiện được Trung quốc trong tranh chấp chủ quyền biển đảo hay không?

Người dân chờ đợi Thủ tướng trả lời có hay là không? Và Thủ tướng không trả lời gì cả. Thay vào đó ông lặp lại chủ trương đã được nói nhiều từ trước tới nay của đảng và Nhà nước. Chỉ nói chớ không làm gì hết.

Điều đáng chú ý là lặp lại những gì đã từng nói nhưng ông cũng bỏ bớt một số ý chính. Điều đầu tiên dễ nhận thấy là ông không nhắc tới “toàn vẹn lãnh thổ“. Ông nói chung chung là gìn giữ chủ quyền. Như vậy chỉ là gìn giữ chủ quyền những gì đang có? Những cái thuộc chủ quyền của ta nhưng đang trong tay Trung quốc, như Hoàng sa và một số đảo ở Trường sa, không nhắc tới nữa. Coi như của Trung quốc rồi? Có phải vậy không?

Điều thứ hai khi nói Việt Nam tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982, ông cũng không nhắc tới khả năng kiện Trung quốc ra toà quốc tế. Điều mà ông từng khẳng định Chính phủ đã sẵn sàng chỉ chờ quyết định của Bộ Chính trị. Hay là Bộ Chính trị đã quyết không kiện Trung quốc?

Thật ra yêu cầu ông trả lời thẳng, hoặc có hoặc không, là một điều khó khăn cho ông. Nếu trả lời không kiện được Trung quốc thì nhân dân chống đối. Còn ngược lại thì Trung quốc sẽ tính sổ với ông. Đường nào cũng bí!

Chỉ có một con đường duy nhất cho ông trong trường hợp nầy. Con đường đó dẫn ông tới vinh quang, đời đời được nhân dân ngợi ca trong lịch sử. Đó là con đường đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Công khai minh bạch với toàn dân, sổ toẹt những cam kết bí mật mà vì lợi ích của phe nhóm, các tiền bối của ông đã làm thiệt thòi cho đất nước.

Tiếc thay ông đã không chọn con đường đó!

____

………………………………………………………………………………………

Chất vấn Thủ tướng: Hỏi hay hơn đáp
Nguồn: Nam Nguyên, phóng viên RFA – 2015-11-20

chat van tt.jpg1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi chất vấn trước Quốc hội vào ngày 18/11/2015.
Courtesy chinhphu.vn

Quốc hội Việt Nam dành ba ngày chất vấn kết thúc nhiệm kỳ của Chính phủ cũng như bản thân Quốc hội. Tuy vậy những ai quan tâm tới thời cuộc đã chú mục vào buổi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 18/11/2015.
Không trả lời trực tiếp

Qua trực tiếp truyền hình và tường thuật của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vượt qua các câu hỏi bằng cách đi đường vòng và không trả lời trực tiếp những câu hỏi được dư luận quan tâm. Theo Tuổi Trẻ Online, VietnamNet, Thanh Niên Online, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được 24 ý kiến chất vấn trực tiếp và 20 câu hỏi của 9 đại biểu. Tuy vậy người đứng đầu chính phủ chỉ trả lời gộp một số nội dung và hứa giải đáp sau bằng văn bản, mặc dù ông còn dư rất nhiều thời gian. Do vậy phiên họp Quốc hội sáng 18/11/2015 đã kết thúc sớm hơn một giờ so với dự kiến.

Một cán bộ về hưu ở Hà Nội, Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang tỏ ra không hài lòng về cách thức mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn. Ông nói:

Bản thân tôi trông chờ, sau phát biểu của Thủ tướng thì Thủ tướng sẽ nghe và trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của các đại biểu Quốc hội. Nhưng điều này đã không xảy ra, đó là điều đáng tiếc mà nhiều người dân, nhiều cử tri đã trông chờ.
-Nguyễn Đăng Quang

“Bản thân tôi trông chờ, sau phát biểu của Thủ tướng thì Thủ tướng sẽ nghe và trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của các đại biểu Quốc hội. Nhưng điều này đã không xảy ra, đó là điều đáng tiếc mà nhiều người dân, nhiều cử tri đã trông chờ.”

Trong số những chất vấn ấn tượng được báo chí trích dẫn, các đại biểu Nguyễn Anh Sơn đơn vị Nam Định, Lê Nam tỉnh Thanh Hóa có câu hỏi liên quan tới việc bảo vệ giữ vững chủ quyền biển đảo, trong bối cảnh Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông. Ngoài ra còn báo cáo của Ủy ban Dân nguyện gởi Quốc hội, ghi nhận ý kiến cử tri 28 tỉnh thành mong muốn Việt Nam sớm khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Chất vấn của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đơn vị TP.HCM được báo Thanh Niên Online trích thuật khá đầy đủ. Tóm tắt, LS Trương Trọng Nghĩa cho rằng Việt Nam phụ thuộc sâu vào kinh tế Trung Quốc và bị đe dọa chủ quyền. Theo lời vị đại biểu, thực tế ở các nước cho thấy Trung Quốc nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị. Do vậy, ông thu thập ý kiến cử tri và họ đề nghị không vay tiền không nhận viện trợ từ Trung Quốc, trong giai đoạn hiện nay bởi vì Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí đang xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam.

Ý kiến của cử tri mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa dùng làm câu hỏi dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được LS Trần Quốc Thuận, nguyên phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội từ Saigon chia sẻ:

chat van tt 2

Quốc hội Việt Nam tại buổi chất vấn ngày 18/11/2015. Photo courtesy of quochoi.vn

“Đúng ra hiện nay hai bên, hai nhà, hai cá nhân đang tranh tụng. Giữa cá nhân với nhau thì liên quan đến tài sản tiền của tranh chấp về quyền sở hữu, còn đây là tầm quốc gia là biển đảo, lãnh thổ mà mình lại đi nhận tiền người ta cho thì nghe nó không ổn. Tục ngữ Việt Nam có câu anh ‘xây chùa nghĩa miễn’ thì cách đó nó không thuận lắm.”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua truyền hình và báo chí đã chỉ trả lời một cách chung chung, lập lại các chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước. Theo đó Việt Nam vừa hữu nghị hợp tác bình đẳng với Trung Quốc vừa đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Chỉ lập lại những điều Phát ngôn nhân đã nói

Cảm nhận chung được ghi nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không nói được điều mà cử tri muốn nghe và đại biểu đã hỏi. Đó là Chính phủ đã làm gì khác ngoài những lời nói suông, không có hành động tích cực đối với việc mất chủ quyền biển đảo. Thủ tướng cũng không trình bày quan điểm của ông đối với vấn đề lệ thuộc kinh tế Trung Quốc và mong muốn của cử tri là không nhận viện trợ, không vay tiền Trung Quốc trong lúc này. Người đọc báo có cảm nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lập lại những điều mà Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói hàng ngày với báo chí.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội theo dõi phiên chất vấn qua truyền hình đã bày tỏ sự thất vọng của mình. Ông nhấn mạnh tới sự kiện đại biểu Quốc hội phải nghỉ sớm gần 1 tiếng rưỡi vì Thủ tướng không trực tiếp trả lời các câu hỏi.

Còn thời gian mà Thủ tướng không trả lời mà hứa trả lời bằng văn bản trên Cổng thông tin chính phủ. Lúc đó nó không dẫn đến tranh luận và toàn dân đã không được nghe các ý kiến. Tôi cũng rất buồn là trả lời chất vấn cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng không được trọn vẹn.
-LS Trần Quốc Thuận

“Thủ tướng trả lời toàn dẫn nghị quyết Liên Hiệp Quốc, tiêu chí giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ. Những điều cụ thể đại biểu quốc hội hỏi thì không thấy trả lời, trong đó có câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, 3 câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch. Ngoài ra còn 46 đại biểu Quốc hội hỏi mà chưa trả lời, trong đó không biết bao nhiêu câu là dành cho Thủ tướng. Tổng kết ra thì 18 đại biểu hỏi với trên 20 câu hỏi. Tôi thấy Thủ tướng không trả lời thẳng vào những vấn đề đó, cho nên cũng hơi buồn. Ngoài ra còn thời gian mà Thủ tướng không trả lời mà hứa trả lời bằng văn bản trên Cổng thông tin chính phủ. Lúc đó nó không dẫn đến tranh luận và toàn dân đã không được nghe các ý kiến. Tôi cũng rất buồn là trả lời chất vấn cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng không được trọn vẹn.”

Đối với vấn đề cử tri 28 tỉnh thành mong muốn Nhà nước sớm khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về việc xâm lấn Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây thất vọng lớn cho những ai chờ đợi một câu trả lời thẳng thắn. Đọc Thanh Niên Online và nhiều báo điện tử khác, người đọc báo có cảm tưởng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cẩn thận ngôn từ bằng lời hoa mỹ và không quên khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi xin trích nguyên văn: “Phải tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của cộng đồng quốc tế về chân lý lẽ phải của Việt Nam. Gìn giữ hòa bình ổn định, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Nhận định về vấn đề liên quan, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội phát biểu:

“Nói về ý nguyện của người dân, thực ra mà nói người dân đã mong muốn phải thực hiện việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế từ lâu rồi. Nhưng điều này chưa được Nhà nước thực hiện. Vừa rồi có một số ý kiến là đã đến lúc phải đưa Trung Quốc ra tòa, vì đấu tranh pháp lý cũng là đấu tranh hòa bình, cần tận dụng vì Việt Nam đang rất thuận lợi trong cuộc đấu tranh pháp lý này. Chưa tận dụng được là một điều đáng tiếc. Bản thân tôi cũng có ý kiến là lúc này cần kiện Trung Quốc ra các tòa án của Liên Hiệp Quốc, nhiều người trong ngoài nước ủng hộ ý kiến này… Theo tôi hiểu các cơ quan chuyên môn luật pháp, các ngành đã chuẩn bị tư liệu sẵn sàng nhưng chưa được bật đèn xanh.”

Theo dõi thông tin về ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội Việt Nam khóa 13, cũng là hoạt động chất vấn cuối nhiệm kỳ mà Tuổi Trẻ Online gọi là “Hoàng hôn nhiệm kỳ,” có thể thấy rằng Quốc hội Việt Nam có sự thay đổi đáng kể về điều gọi là “Cách chất vấn mới tốt, nhưng trả lời chưa sâu.”

Bên cạnh những vấn đề cụ thể mà đại biểu quốc hội hỏi, thành viên chính phủ trực tiếp trả lời, phong cách mới trong chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội cũng là dịp để báo chí cười xả láng về những phát ngôn không thể ngờ của một số Bộ trưởng trong chính phủ. VietnamNet và nhiều báo điện tử khác cùng ghi nhận sự kiện nghị trường cười nghiêng ngả, khi Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nói rằng, sản phẩm du lịch thượng hạng của Việt nam là chiếc nón lá và món phở… còn trách nhiệm về sự yếu kém của ngành du lịch Việt Nam xin để cho bộ trưởng kế tiếp trả lời vì ông hết nhiệm kỳ rồi.

……………………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics