1..Lưu Trọng Cao Nguyên,hậu duệ ..(DTL)2.Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn ..(DTL)3.Cõi Mẹ Về(DTL)

Lưu Trọng Cao Nguyên, hậu duệ của nhà thơ Lưu Trọng Lư

Du Tử Lê/Người Việt
May 5, 2017


Nhà thơ Lưu Trọng Cao Nguyên. (Hình: Lưu Trọng Cao Nguyên cung cấp)

Cho tới hôm nay, các nhà di truyền học vẫn chưa thể giải thích được một cách thỏa đáng: Tại sao rất nhiều văn, nghệ sĩ nổi tiếng, sau khi qua đời, hậu duệ của họ không có được mấy người tiếp nối được sự nghiệp lẫy lừng của họ. Nhất là ở lãnh vực văn chương. Riêng ở lãnh vực âm nhạc, tỉ lệ nối nghiệp cha, ông có phần cao hơn những lãnh vực còn lại, một chút…

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong chiếc bóng quá lớn của đấng sinh thành, thường không chọn con đường của ông, bà hay bố, mẹ, vì tự thấy không thể so sánh với thành tựu của những tài năng ngoại khổ của người trước. Trường hợp này, có người gọi là những tài năng sớm bị “cớm nắng” (?).

Tuy nhiên, trong thực tế đời thường vẫn có những ngoại lệ. Một trong những ngoại lệ tiêu biểu ấy, có thể kể tới trường hợp của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư. Ông có người con trai thứ tư tên Lưu Trọng Văn, nổi tiếng với bài thơ “Về Thôi,” viết tặng nhạc sĩ Phạm Duy, mà sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy từng cho biết, bài thơ đó là một động lực quan trọng đưa ông tới quyết định, bỏ hết, để trở về Việt Nam.

Nhưng nếu Lưu Trọng Văn là hậu duệ đời thứ nhất của cây phả hệ dòng Lưu Trọng, thì nhà thơ Lưu Trọng Cao Nguyên, hiện cư ngụ tại miền Nam Cali, là hậu duệ đời thứ hai của dòng họ Lưu Trọng vậy.

Cố thi sĩ Lưu Trọng Lư, cùng với nhà thơ Thế Lữ, được coi là hai trong số những nhân vật có công xây dựng nền văn chương Mới, mà, sau này nhiều người quen gọi là “văn chương tiền chiến.”

Họ Lưu nổi tiếng với nhiều thể thơ từ năm chữ, tới lục bát, bảy và tám chữ. Nhưng rất nhiều người đã đồng thuận với nhau, khi cho rằng Lưu Trọng Lư có hai bài thơ được nhiều người biết đến nhất là bài “Tiếng Thu.”

“Em không nghe mùa Thu
Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng Thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Ðạp trên lá vàng khô?”
(Nguồn: Wikipedia-Mở)

Và bài “Mưa…Mưa Mãi:”
(Tặng Ng. Ch)

“Mưa mãi mưa hoài! Lòng biết thương ai! Trăng lạnh về non không trở lại…
Mưa chi mưa mãi! Lòng nhớ nhung hoài! Nào biết nhớ nhung ai!
Mưa chi mưa mãi
Buồn hết nửa đời Xuân!
Mộng vàng không kịp hái.
Mưa mãi, mưa hoài! Nào biết trách ai! Phí hoang đời trẻ dại.
Mưa hoài mưa mãi! Lòng biết tìm ai,
Cảnh, tưởng đầy nơi quan tái.”
(Nguồn: Wikipedia-Mở)

Chọn thể ngũ ngôn để diễn tả, với số chữ “tiết kiệm” tối đa, vậy mà tác giả đã đưa được linh hồn mùa Thu cũng như chân dung những cơn mưa dai dẳng vào trong thơ của mình. Một khả năng hay thể hiện tự nhiên của một tài năng thi ca hiếm thấy?

***

Là hậu duệ đời thứ hai của nhà thơ Lưu Trọng Lư, hẳn nhiên Lưu Trọng Cao Nguyên không thể không bị ảnh hưởng, ít nhất hai phạm trù “Mùa Thu” và “Mưa chi mưa mãi/Lòng nhớ thương ai/Trăng lạnh về non không trở lại” của ông mình.

Nên những người có trong tay thi phẩm “Thơ Mưa” của Lưu Trọng Cao Nguyên, không ai ngạc nhiên khi thấy tập thơ mỏng của Cao Nguyên đã có những cơn mưa không dứt:

“Giọt nước mắt trôi ra ngàn khơi! Âm u trong dạ hứa mưa nhiều
Chiều tan trong khói mây trôi nổi
Mưa bắt đầu rơi…
Mưa đang rơi…”

Hoặc những chiếc lá mùa Thu trải vàng trong từng hơi thở của các con chữ mang tên Cao Nguyên:

“Nắng gượng giăng ở đầu ngọn cỏ
Cành nhỏ rùng mình thả cánh lá chơi vơi!
Không ai mời nên mây chẳng buồn trôi
Vời vợi nhớ con chim trời xa vắng.”
(Chiều Thu)

Tác giả nói đúng, không ai mời ta đến giữa cuộc đời nầy. Ðoạn thơ ngắn của Cao Nguyên khiến tôi thấy mỗi chúng ta chỉ như một con chim bay lạc giữa trời xa vắng. Hay thân phận ta chỉ tựa như một cọng cỏ, một hạt nước rơi thầm giữa ba nghìn thế giới, hư vô. Và bỗng nhớ tới một đoạn thơ của Xuân Diệu, thay cho lời mở đầu thi phẩm “Gửi Hương Cho Gió,” ông viết:

“Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hát chơi
Khi gió sớm vào reo um khóm lá
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời
Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn
Kêu tự nhiên, nào biết bởi sao ca
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín
khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa…
(…)
“Hát vô ích thế mà chim vỡ cổ
Héo tim xanh cho quá độ tài tình
Ca ánh sáng bao lần dây máu đỏ
Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh.

Tôi réo rắt chẳng qua trời bắt vậy
Chiếc thuyền lòng, nước đẩy phải trôi theo
Gió đã thổi, cho nên buồm phải dậy
Hồn vu vơ, tội ấy ở mây đèo.

Nghiệp tài tử nghìn xưa đông lắm chắc
Chúng tôi hùn làm một kiếp đa duyên…”

Tôi tin Lưu Trọng Ca Nguyên dư hiểu “Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa.” Nhưng “Chiếc thuyền lòng, nước đẩy phải trôi theo”… nên Lưu Trọng Cao Nguyên đã không thể không viết xuống trong thơ của mình:

“Thở dài sợi khói dài hơn
Giăng lên chiều tím nửa vơi nửa chờ
Ðẩy chân theo bóng đã mờ
Phai trên trang tuyết một tờ mong manh
(…)
Không mây, gió chẳng đìu hiu
Chia nhau rét buốt ít nhiều thế thôi
Tím thêm, chiều đã rã rời
Ðắp trên chiếc bóng một trời hư không…”

Tôi cho rằng, chính vì không ai mời chúng ta đến với cuộc đời này, và cũng chính vì tự thân, biết rằng, ta chỉ là con chim nhỏ nhoi bay lạc giữa vô cùng thiên địa, nên ta cất tiếng nói cho ta bớt cô đơn, cho đồng loại thấy ít ra, cũng còn người đồng điệu.
Và vì thế, chúng ta có thơ. Và, vì thế, chúng ta hôm nay có Lưu Trọng Cao Nguyên.
Như chúng ta mãi có Lưu Trọng Lư:

“Mưa chi mưa mãi
Buồn hết nửa đời Xuân
Mộng vàng không kịp hái.”

Và:
“Em không nghe mùa Thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ”…

Du Tử Lê
(California, May 2017)

………………………………………………

Hoàng Xuân Sơn, từ lục bát, tới những đổi mới về hình thức

Du Tử Lê/Người Việt
May 12, 2017


Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn. (Hình: Báo Hợp Lưu)

Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn (tên thật, được dùng như bút hiệu) bước vào nghiệp văn chương rất trẻ, khi còn đi học thời trung học ở Việt Nam, trước Tháng Tư, 1975.

Sức viết của ông càng mạnh mẽ, nhiều nét khắc, khác nhau hơn, khi vượt biên, chọn thành phố Montreal, Canada, để định cư.

Dưới đây là năm bài lục bát của nhà thơ Hoàng Xuân Sơn.

“Ngỏ
Ừ! Xem
sáu
tám
ngược đời
Chữ ngất ngư
chữ
câu đòi đoạn
câu
gọi rằng
lục bát nằm lâu
ể mình đứng dậy
thành
câu thơ
rời.”

“Dựa Cột
Một lần
dựa cột nằm nghe
chim trời
cá nước
gọi về hư không
trăng sao
tưởng để trong lòng
ai ngờ
vãn lục phai hồng thế kia
buộc vào
một nhánh sương khuya
chờ mai nắng lửa
tan lìa
nguyện hư.”

“Áo Xuân Xưa
Vịn hờ
vai áo em
xưa
ngỡ chòm mây trắng bay qua
vực hồng
có đôi chim vợ chim chồng
hót tràn khe lãnh
rừng thông
nắng trào
ửng mùa Xuân
tới non cao
du hồn tiểu lụy
hóa vào đại ân
chín rồi
quả mộng trầm luân
áo em trắng giữa muôn phần
cỏ
cây.”
1990

“Gọi Bầy
Sáng nghe chim nhạn kêu bầy
mới hay biển động mùa cây lá tàn
không chừng mây bão lần sang
níu chân người ở lang thang dặm về
mỗi chiều thắp một tầng mê
tiền thân huyễn mộng kéo lê thê dài
đêm ơi thoát dậy hình hài
cho mùa nhẹ trở trên vai mộng nhàu.”

“Chương Sông
(Áo trắng dài như biển
như sông lồng lộng nước hờ. Chau)
đi đi
mây phất tang. Đâu
còn chi mong, ngó
sầu âu một mình
rớt xuống ngôi đời chùng chình
mưa mưa
chiều. xó – làm thinh bữa, rời
áo biển nom như trăng. Ngời
như gương lược. Kín
như trời, ngực thơm
thà đừng gặp. thà hơn
xanh rêu dại ủ vết mòn thai hương
cổ kính đời xưa cũng dường
áo sông ra biển chớp nguồn
thôi
giăng.
Juin 03”

Mở đầu tuyển tập thơ “Lục Bát” do Thư Quán Bản Thảo ấn hành, như một quà tặng đặc biệt cho họ Hoàng, người mà không chỉ anh chị em ở Thư Quán Bản Thảo yêu mến, mà hầu như bất cứ văn nghệ sĩ nào từng tiếp xúc với ông, cũng đều đem lòng quý mến ông vì nhân cách chân thật, êm đềm, và tài năng luôn mở rộng để đón nhận những đổi mới, chí ít cũng là phương diện hình thức.

Mở vào “Lục Bát Hoàng Xuân Sơn,” nhà văn Trần Hoài Thư, đại diện anh chị em điều hành tạp chí này viết:

“‘Lục Bát Hoàng Xuân Sơn’ được ra đời như là tấm lòng của Thư Quán Bản Thảo và anh em chủ trương đối với một nhà thơ đã dành cho Thư Quán Bản Thảo những ân tình văn chương đặc biệt trong suốt hơn hai năm qua. Trong 14 số, hầu như không có số Thư Quán Bản Thảo nào lại không có thơ anh.

Có thể nói sự hình thành của tập thơ này là kết quả của một công trình chung mà chúng tôi gọi là ‘project Hoàng Xuân Sơn.’ Mỗi người trong nhóm đều có phần hành riêng. Phạm Văn Nhàn lo layout trang ruột. Cao Vị Khanh lo phần giới thiệu. Trần Hoài Thư lo phần in ấn, design bìa, tìm loại giấy in thơ đặc biệt, và điều hành tổng quát. Riêng Trần Bang Thạch thì ở vai trò trừ bị. Trần Quí Thoại cung cấp phụ bản.

Và cuối cùng, là niềm vui. Với anh, thêm một đứa con tinh thần được ra đời. Và với chúng tôi, ít ra, từng trang giấy lóng lánh giọt mồ hôi, và tình bạn hữu, cuối cùng biến thành màu rượu đỏ. Pha thêm ngọt ngào cho Lục Bát Hoàng Xuân Sơn của anh.

Thay mặt Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán

Trần Hoài Thư.”

Nếu để ý, bạn đọc sẽ thấy ở bốn bài lục bát đầu tiên, trong tuyển tập thơ “Lục Bát Hoàng Xuân Sơn,” không có một dấu vết đột phá nào, ngoài sự ngắt câu xuống hàng, giống như để cho lục bát một “diện mạo” khác, từ lâu, vốn đã được nhiều nhà thơ Việt Nam khai thác, như một trò chơi chữ, nghĩa tùy hứng. Nó chỉ mang ý nghĩa một cuộc “trình diễn” và không thay đổi, ảnh hưởng gì tới nhịp chảy thực sự những dòng lục bát đó. Đó là những sáng tác được tác giả viết trước thời điểm đầu thập niên 2000 (có thể từ những thập niên 1990, hoặc trước nữa).

Nhưng, những ai theo dõi đường bay thi ca của Hoàng Xuân Sơn, thì sẽ dễ nhận ra rằng, bước vào thời điểm đầu kỷ nguyên 2000, chính xác là năm 2003, qua bài thơ “Chương Sông,” ta thấy, ngay khi bước vào dòng thơ thứ nhất của bài lục bát thứ năm này của họ Hoàng, đã thấy xuất hiện nhiều những dấu chấm, phết… tưởng như… “bất thường” của tác giả tên tuổi này. Bởi vì ông không hề vô tình, ngẫu nhiên, “để rơi” những dấu chấm, phết ấy trong thơ của ông, mà nó là sự cố tình mang lại cho nhịp chảy của thơ ông, cách ngắt nhịp (“repunctuation) khác. Chúng giống như những nhịp chỏi (syncope, đảo phách) trong âm nhạc vậy.

Trở lại với “Chương Sông” của Hoàng Xuân Sơn, cụ thể với hai câu lục bát mở đầu, họ Hoàng viết:

“đi đi
mây phất tang. Đâu
còn chi mong, ngó
sầu âu một mình”

Ở câu 6, sau chữ thứ 5, tác giả đã dùng một dấu chấm không chỉ như một cách ngắt nhịp mới, mà, dấu chấm ở đây, còn cho thấy câu thơ đã có thêm cho nó một mệnh đề độc lập (bắc qua câu 8):

“Đâu còn chi mong (phết) ngó sầu âu một mình.”

Khi dùng dấu phết giữa hai chữ “mong, ngó” một loại từ kép (hay từ ghép) rất thường có trong ngôn ngữ Việt, ngoài việc chẻ chữ cho nghĩa thêm rõ, nó còn làm bật lên sự hiện hữu của chữ thứ hai trong từ kép này, khi ta bị bắt buộc phải ngưng thở trong vài giây…

Tưởng cũng nên nhấn mạnh, theo lối viết của văn phạm cũ, thì các tác giả xưa, nếu có dùng dấu phết cho một câu thơ 6 hay 8 chữ của mình, hầu hết đều hạ dấu phết ở những chữ chẵn (2, 4, 6…) chứ không ai đánh xuống nơi thứ tự của những chữ lẻ (5, 3) như hai câu thơ của họ Hoàng mà tôi đã trình bày ở trên.

Du Tử Lê

(Còn tiếp một kỳ)

…………………………………………………………….

DU TỬ LÊ -THƠ CŨ

 CÕI MẸ VỀ

Nguồn: dutule.com- 11 Tháng Năm 2017

em đâu biết tôi có những giấc mơ
bay dọc lộ trình Hà Nam-Hà Nội
cùng những chiếc ghe muối
những chiếc thuyền đinh
chở bương, chở nứa
chúng chở hồn tôi trôi dọc sông Đáy
và tấm lòng thủy chung của mẹ tôi
cũng không đáy.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
tỉnh ra còn ngỡ
như có chuyến xe lửa vừa mới khởi hành
về Hà Đông.
nơi mẹ tôi được sinh ra, lớn lên
rồi theo chồng đi miết
quê ngoại với tôi tới giờ vẫn còn
là một niềm bí mật
như những sợi tơ dăng khắp bầu trời
tôi từng vói mà chưa lần nắm được.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
thấy rõ mẹ về
đắp lại tôi, tấm chăn
vuốt lại tôi, mái tóc
đã bao năm mất hút sau lưng
mà mẹ tôi vẫn không thể tin rằng
mái tóc xanh của con bà đã bạc
những đường kẻ dọc ngang vầng trán tối
đôi mắt nay đã mờ
(đôi mắt trong veo ngày xưa nhìn theo
mẹ tôi những ngày họp chợ)
đôi mắt giờ đã xụp, lở nắng mưa
mẹ tôi hỏi sao tóc con lại trắng
những sợi gân nào lấp ló dưới da nhăn?
tôi hỏi mẹ lúc rày người có khỏe
mẹ tôi cười
quết trầu đỏ
đôi làn môi cắn chỉ
bà vẫn buồn như thuở bố đi luôn.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
tỉnh rồi cứ ngỡ
tuổi thơ mình vẫn còn ở đó
con đường Trần Hưng Đạo
căn nhà mang số 1029
đôi hàng cây sao
Sàigòn, những chú Ba Tàu mặc quần xà lỏn
vê chiếc áo thung cháo lòng lên cao
xì xồ khoe bụng mỡ.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
bay mềm con đường Trần Bình Trọng
nơi mỗi sớm mai tôi phải đi ngang
ngôi nhà thờ mang tên Huyện Sĩ
lối dẫn tới ngôi trường
có băng ghế dài
có bảng đen
có bài học vỡ lòng về tình bạn
nhờ tình bạn này mà tôi biết yêu em.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
lúc tỉnh ra còn nghe sóng biển
vỗ đâu đây
Hải Phòng? Đồ Sơn? Vũng Tàu? Hà Tiên? Guam?
nơi tôi phơi mình trần trụi
trên một trong những doi cát
nơi người con gái mười lăm tuổi tên Thư
học trường Tây, nói với tôi bằng tiếng Pháp
rằng tôi là tình yêu thứ nhất của nàng
lúc hai đứa ôm nhau trong bụi rậm
Thư đã buồn khi hỏi mẹ tôi đâu?

em đâu biết tôi có những giấc mơ
buổi sáng, Camp Pendleton, xếp hàng, đợi bữa
nơi có rất nhiều chuyến xe buýt miễn phí
nối liền processing center và Trại Một
người con gái ốm o ngồi cùng một băng ghế
hỏi có phải tôi là người mới tới vài hôm
và nàng muốn được nghe từ tôi một bài thơ cũ
nàng đọc:
“mừng em sinh nhật mới này
nến đau đớn thắp lên đầy cuộc vui…”
tiếng động cơ, tiếng gió, tiếng chim gõ kiến
tiếng cười tiếng khóc
tiếng loa phóng thanh nhắn tin tìm thân nhân
và hơi thở gấp gáp trong lồng ngực nhấp nhô
mới nhú
của người con gái
tan trên miệng vực.

tôi đưa nàng xuống đáy thung lũng
chỗ an nghỉ của những cành sồi bị gió sương đánh gẫy
nàng đọc lõm bõm những câu thơ còn lại của bài
sinh nhật, mười hai
tôi hỏi mới bây nhiêu mà sao đã
lần về nát tan sớm vậy?
nàng mỉm cười
(nụ cười tựa vết nứt sớm của một trái cây non!)
nàng bảo tuổi thơ nàng thế đó
lúc ngang qua khu nhà ăn
tôi thấy người yêu tôi đang xếp hàng
chờ lấy cơm mang về barrack
nàng mỏng tanh như một chiếc lá thuộc bài bị ép.
sau này tôi mới hay
đó là lúc nàng đã mang bầu hơn tháng
người con gái tên Thảo không biết
có còn ở San Jose?
riêng người yêu tôi, bây giờ
đã có chồng và đang nuôi hai đứa con của tôi
rất mực tử tế.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
lập lại hoài như cuộn băng đã nhão
những tiếng rè, đứt quãng
như con đường Ranchero Way cụt ngủn
xe chẳng cần quay đầu.
như trong ngôi nhà có mảnh vườn bát ngát
bao lần mẹ tôi ngã ngồi dưới gốc cây chanh
bà ưa hỏi: chanh đâu mà lắm thế
hãy coi chừng kẻ trộm nghe con!
như người con gái mắt mưa
tóc dài gió bão
đã bỏ đi
cho những lời nguyền ở lại.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
bùn lầy khu chợ cầu Ông Lãnh
mùi cá ươn. mùi bùn. mùi rác
mùi thoi thóp từ những xác thân đợi chết
mùi mồ hôi. mùi nước mắt vô tri
mùi áo len người con gái mang ảnh hình Đức Mẹ
nàng sống huyễn hoặc nhờ những trang thư
hơn là đời thật
đoạn đường có quán cà phê mở khuya
nghe nói hồi mồ ma Lê Văn Trương
ông đặt tên là Quán Biên Thùy
chiếc quán tôi ngồi gần hết thời mới lớn
với những người bạn
(nhiều đứa chết lúc còn rất trẻ
như Hoài Lữ, như Hoàng Đình Tập…)
nơi tôi trở lại
lúc tóc bạc tơi
cùng hạt lệ muộn của người con gái hiện thân
Quan Thế Âm.

ở đó, tôi nhớ mùi con đường Westminster
chạy dài tới biển
mùi tóc đẫm nhà thương
mùi những ngón tay run trên nền ngực trắng
mùi nước mắt của người đàn bà
(mà tôi thích gọi bằng Hựu)
mùi hàng găng ngày mưa
mùi tóc ngắn
mùi tiệm phở tôi thường ngồi với bạn mỗi sớm mai
và tiệm mì cũng không xa lắm

em đâu biết tôi có những giấc mơ
đầy chim. về núi
khu rừng phong. dăm tờ thư cũ
không ai còn hỏi nữa: tôi đâu?
mọi người đều bận việc
chẳng ai đủ rỗi
để hỏi mình là ai
ở chốn nào trên mặt đất đang nhăn
và cớ sao đời ta lại mau tối vậy?

em đâu biết tôi có những giấc mơ
tỉnh dậy còn nhớ tới ngày chết trong bệnh viện
mẹ tôi chưa từng ăn một cọng bún
một tô phở, một tô bánh canh
một hột vịt lộn
một miếng cá chiên
dù bây giờ mỗi ngày tôi vẫn ăn
như mùa xuân vẫn tới
như con đường Garden Grove
đương nhiên cắt ngang Magnolia
cắt ngang Brookhurst…

nhưng em ạ, mọi điều nay đã đổi
bởi vì em, như mẹ, đã không còn.

Du Tử Lê

2-91

………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics