1.Ngọc Hoài Phương,Tính chất nhà báo trong thi ca (Du Tử Lê)2.Nhạc sĩ Trần Duy Đức-Bài 2(DTL)

Ngọc Hoài Phương, Tính chất nhà báo trong thi ca,

Du Tử Lê.

hoai phuong

Nhà báo/Nhà thơ Ngọc Hoài Phương

Lời nói đầu Bài viết dưới đây của tác giả Du Tử Lê về nhà báo/nhà thơ Ngọc Hoài Phương, được trích từ tác phẩm “Sơ lược 40 năm Văn Học Nghệ Thuật Việt(1975-2015)” do nhà Amazon ấn hành và sẽ phát hành Tháng Tư – 2015 sắp tới . Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng quí độc giả sách mới này của tác giả Du Tử Lê với bài :”Ngọc Hoài Phương, Tính chất nhà báo trong thi ca .” ———Trân trong, —————-NN

====

Tôi không rõ thời gian ở VN trước tháng 4-1975, nhà báo Ngọc Hoài Phương có làm thơ nhiều không?

Chỉ biết thời trung học, ông rất xông xáo, nhiệt tình với những sinh hoạt văn nghệ học sinh thời đó.

Nhưng giai đoạn này của Ngọc Hoài Phương đã chấm dứt sớm khi ông chính thức bước chân vào làng

báo. Khoảng giữa năm 1964, ông nhận lời phụ trách trang văn nghệ, rồi mau chóng trở thành Phụ tá Tổng

thư ký nhật báo Thời Luận của giáo sư Nghiêm Xuân Thiện.

Khởi tự bệ phóng nhật báo Thời Luận, tính tới ngày di tản khỏi Saigon, Ngọc Hoài Phương được giới ký

giả ghi nhận là, một trong những ký giả thành công nhất, qua nhiều vai trò, chức vụ của nhiều nhật báo,

tuần báo khác nhau ở Saigon.

Định cư tại miền nam California, ngay những tháng năm đầu tiên của đời tỵ nạn, Ngọc Hoài Phương cũng

đã trở lại với sinh hoạt báo chí, như một cái nghiệp mà, ông không thể bỏ được. Đó là thời gian ông cùng

với cố ký giả Nguyễn Hoàng Đoan và một vài thân hữu nữa, dựng bảng Hồn Việt ở San Diego, trước khi

di chuyển về vùng Los Angeles.

Khi tạp chí Hồn Việt được sang tên cho ông Đỗ Ngọc Tùng thì, Ngọc Hoài Phương là người được ông

Tùng yêu cầu ở lại, tiếp tục trông nom tổng quát tờ báo này. Tới năm 1989, ông chính thức trở thành chủ

nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Hồn Việt do ông Đỗ Ngọc Tùng trao lại.

Cùng với sự thăng trầm của nền kinh tế Hoa Kỳ và sự phát triển rầm rộ, cạnh tranh gay gắt thuộc lãnh

vực báo chí, truyền thanh, truyền hình của cộng đồng Người Việt tại Hoa Kỳ, như nhiều tạp chí khác, báo

Hồn Việt phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để tồn tại.

Giữa lúc các tạp chí lần lượt phải đình bản thì, Hồn Việt của Ngọc Hoài Phương, với sự tiếp tay tích cực

của cố nhạc sĩ Việt Dzũng, vẫn hiện diện đều đặn mỗi tháng…

Chìm trong tâm bão thời thế khó khăn ấy, nhiều người tỏ dấu ngạc nhiên, tự hỏi, lý do gì khiến Ngọc

Hoài Phương không buông bỏ gánh nặng Hồn Việt?

Đôi lần, trong những gặp gỡ bằng hữu, nhà báo Ngọc Hoài Phương cho biết, ông cố duy trì Hồn Việt, để

lấy chỗ đăng tải sáng tác của những người mới viết hoặc, những cây bút không có được sự quảng giao

trong lãnh vực sinh hoạt văn nghệ.

Ông nói:

“Nếu tôi đóng của tờ Hồn Việt thì lấy chỗ đâu cho nhu cầu phổ biến sáng tác của những tác giả đó?”

Dù cố gắng với tâm nguyện đáng quý như vừa kể, cuối cùng, tạp chí Hồn Việt cũng đã phải đình bản.

Cách đây gần hai năm. Thời gian này, cũng là thời gian những người theo dõi sinh hoạt của nhà báo Ngọc

Hoài Phương thấy ông làm thơ có phần nhiều hơn.

Theo tôi, có thể đó là phản ứng tự nhiên của nhu cầu “cân-bằng-sinh-thái tinh-thần” của người có đời

sống sống nghiêng nặng về tinh thần!?.

Nếu theo dõi sít sao sinh hoạt của nhà báo Ngọc Hoài Phương, ta sẽ thấy, kể từ ngày phải sống đời tỵ nạn

nơi xứ người, Ngọc Hoài Phương đã dành nhiều thì giờ hơn cho thơ. Bằng cớ chỉ trong vòng ít năm, ông

đã cho xuất bản hai thi phẩm. Một tựa đề “Cõi tạm”, ấn hành năm 1992. Và thi phẩm thứ hai, tựa đề “Vẫn

còn cõi tạm”, ấn hành năm 1999. Cả hai thi phẩm như hai đấu ấn thi ca đậm nét, bất ngờ của Ngọc Hoài

Phương, để lại trong lòng người đọc.

Trước khi bước vào “Cõi tạm”, trong Lời Tựa, cố thi sĩ Nguyên Sa viết:

“Được.

“Rất được.

“Tôi có lưỡng lự, nhưng chỉ mất đúng một phần trăm giây, tôi chọn ngay ‘rất được’.

“Một mai

Xa dấu chân người

Cõi riêng

Ta vẫn rượu mời riêng ta.

“Rất được.

“Ta còn ở lại chốn này

Để coi thiên hạ biến ngày thành đêm

Cõi trần

Một tỉnh mười điên

Một mai gột hết ưu phiền

Ta đi.”

“Rất được…

“Thơ Ngọc Hoài Phương gửi Mai Thảo ở đoạn trên, rất được. Thơ Ngọc Hoài Phương gửi Du Tử Lê đoạn

dưới được quá…”

Trong cõi giới thơ Ngọc Hoài Phương thị phần dành cho bằng hữu, luôn không nhỏ, dù ở giai đoạn nào.

Tác giả “Áo lụa Hà Đông” đã rất chuẩn xác khi ghi nhận:

“ Tôi muốn nói thơ bằng hữu của Ngọc Hoài Phương gửi Mai Thảo, gửi Du Tử Lê, gửi Long Ân, gửi

Nguyên Vũ, gửi Việt Dzũng, gửi Jeannie Mai, gửi Julie, gửi Đặng Đức Nghiêm đều rất được (…)

“Đêm nằm nghe kỹ, bạn sẽ thấy còn những nhịp điệu khác của trái tim tuyệt vời đó. Nhịp quê hương.

Nhịp tháng 4. Nhịp lưu vong. Nhịp Chén sầu.

“Anh còn thức giữa đêm thâu

Nghiêng ly

thêm một chén sầu ly hương.

Và:

“Tháng Tư

Vẫn tháng Tư này

Ngồi đây đếm tuổi lưu đầy, chất cao.

“Thâm sâu giữa những nhịp tim là tiếng vọng của lặng im. Tiếng vọng của ý thức về thân phận. Ý thức

về kiếp người, sự hữu hạn, sự phi lý, về cái chết ở cuối đường như yếu tính của sự sống, yếu tính của hữu

thể. Ngọc Hoài Phương quan tâm tới triết lý từ bao giờ? Làm sao Ngọc Hoài Phương tìm được cái nghệ

thuật đưa triết học vào thơ mà không làm dáng, thẳm sâu mà không ồn ào, đau đớn mà không khóc than.

Triết lý Cõi Tạm. Triết lý cõi đời. Triết lý cõi trời. Triết lý cõi ta.

“Cõi này đã lỡ ghé qua

Thì trăm năm

Cũng chỉ là thế thôi

Cõi xưa

Đã bỏ đi rồi

Cõi sau chưa tới

Cõi trời thì xa.

Cõi người

Thế giới mù lòa

Ngồi nghe toàn chuyện quê nhà tang thương

Cõi riêng

sót lại cuối đường – cõi ta” (…)

(Trích Nguyên Sa, “Cõi Tạm”, tr. 5, 6, 7 & 8)

.

Tính chắt, lọc, nhắm thẳng vào tâm điểm của hiện tượng, dù tâm cảnh hay, hiện thực đời thường, là một

trong những nét đặc thù của thơ Ngọc Hoài Phương.

Dường như trong tất cả những bài thơ có được, tính tới hôm nay của tác giả “Cõi Tạm” ngày càng trở nên

chắt, lọc hơn.

Đọc nhiều thơ Ngọc Hoài Phương những tháng, năm vừa qua, tôi thấy, càng lúc, thơ ông càng ngắn lại.

Có nhiều bài chỉ hai câu. Hoặc, dài lắm, thì cũng chỉ tối đa bốn câu mà thôi.

Nhưng đó là sự lắng xuống, sắc lại rất khó đạt tới trong ngữ-cảnh phức tạp, muộn phiền nơi những năm

tháng cuối đời tỵ nạn của một thi sĩ.

Tôi trộm nghĩ, có thể vì thói quen hay kỹ năng của một nhà báo có trên nửa thế kỷ tác nghiệp, đã trở

thành thuộc tính của Ngọc Hoài Phương? Nên khi mục kích, ghi nhận một sự việc, một hiện tượng thì

phản xạ tự nhiên, giúp ông nhận ra ngay, đâu là cốt lõi của sự kiện? Đâu là tâm bão của những thước

phim chuyển động vút qua của cảm nhận?

Giống như một nhiếp ảnh gia lão luyện, nhìn vào một tấm-ảnh-tâm-trạng-thời- thế, Ngọc Hoài Phương

thấy ngay ông phải chiếu ống kính hay, ngọn đèn nhà báo của mình vào những góc nào của dương bản?

Ông có khả năng chụp bắt cái giây phút phù du kia bằng những con chữ…cũng sâu, kín như những góc

khuất ấy. Và, chỉ một góc khuất ấy!?!

Nhờ vậy, người đọc thơ ông, tựa như được uống nước cốt của một loại loại rượu chưng cất, riêng. Rất riêng. Rất Ngọc Hoài Phương, vậy.

(Calif. Mar. 2015)

.

Sau đây, chúng tôi trân trọng kính mời bạn đọc thưởng lãm một số thơ mới / cũ, do chính tác giả Ngọc Hoài Phượng tự chọn.

.

Còn xa đường về

Ta giờ lưu lạc cuối trời

Saigon, thôi cũng một thời đã qua!

Tháng Tư, vẫn nhớ quê nhà

Bao nhiêu năm lẻ, còn xa đường về…

Vô đề

Nắng xuân không ấm đời luân lạc

Quê cũ mù xa, chặn lối về.

Rừng hoang

Một góc rừng hoang,

Phật ở đây.

Trải bao năm tháng chẳng ai hay

Thế gian

rối rít trò điên đảo

Ai tỉnh?

Ai vờ ngất ngưởng say?

Con cá mắc cạn

Ta như con cá xa nguồn

Bao nhiêu năm

Vẫn chẳng buồn trách ai.

Cuộc đời

Bớt một

Thêm hai

Thế cho nên

Chuyện dông dài

Vậy thôi…

Đời cũng vàng theo cánh hạc bay

Một chút vu vơ gió đuổi mây

Dấu xưa còn đậm nét. Ô hay

Mùa Xuân lại đến, không hò hẹn

Đời cũng vàng theo cánh hạc bay.

Ngựa già

Ngựa già sau chặng đường dài

Bước trong xa vắng

Bước ngoài lẻ loi

Ngập ngừng: bước nữa hay thôi

Ngước nhìn: mây cuối chân trời vẫn xa.

Chút đá vàng còn sót lại ngàn sau

Ta vẫn sống như người xưa đã sống

Chẳng có gì để gửi lại cho nhau

Và, ta cũng biến như người xưa đã khuất

Chút đá vàng còn sót lại ngàn sau…

Ngọc Hoài Phương

………………………………………………………………………………..

Tiếng cổ cầm Koto nào, có trong cõi nhạc Trần Duy Đức?
Nguồn:dtl.com- 03/24/2015

Tác giả : Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

 duy ducKhông ồn ào, không lăng xăng, không tổ chức thành nhóm, không lên tiếng, không tự mặc khoác lấy cho mình một danh xưng to lớn, rổn rảng nào… Trần Duy Đức, khép kín đời sống của anh, trong công việc, bổn phận gia đình, và một số rất giới hạn, anh em, bằng hữu. Thế giới của Trần Duy Đức, mỗi buổi chiều, trở về là căn phòng buông rèm, tối bưng hay kín mít. Ở đó, những dòng nhạc mang đầy cá tính, đầy nhân dáng Trần Duy Đức, được tấu lên, nghe lại, rồi xé bỏ hay sửa chữa. Ở đó, trong căn phòng nhỏ, kín bưng ấy, dòng nhạc Trần Duy Đức, thánh thót vang lên. Nó mang lại cho anh, một thời trẻ tuổi đã qua.

Ở đó, trong căn phòng kín bưng, nó mang lại cho kí ức chưa già nua, nhưng đã đủ muộn phiền, đủ thương đau mất mát của anh, tiếng kèn đám ma, những ngày thơ ấu. Tiếng võng ru, tiếng hò khoan trên sông. Những ngày niên thiếu và, tiếng kèn, trống vẳng đưa từ rừng sâu, lăn xuôi trên triền dốc núi, đồi, những năm tháng Pleiku, xô đẩy dịu dàng hay cuộn cuồng mãnh liệt như những tia sáng tím chạy qua những tế bào óc, ngăn cất chứa kí ức của anh.

Ở đó, trong căn phòng kín mít ấy, “Khúc Mưa Sầu”, nhạc phẩm đầu tay, họ Trần viết từ những năm thiếu thời, đã được không dưới năm nữ ca sĩ mà tên tuổi của họ, gắn liền với từng giai đoạn của đời sống, đã chọn hát, chọn làm chủ đề cho băng nhạc của họ. Những luyến láy, như những bậc cao nức nở vỡ tan, lần lần trên những nấc thang đi lên cõi hoang lạnh, được nghe lại bằng đôi tai hôm nay, đôi tai của một tài năng âm nhạc chín muồi.
“Ta về đâu?
ngày qua ngày mãi lao đao
phù du một thoáng hư hao
nằm nghe ngày rớt đêm sâu
tình ơi thân phận hồn thâu…”

Tiếng cổ cầm Koto của người Phù Tang thời dựng nước vuốt theo từng nốt nhạc Trần Duy Đức, như sóng bạc đầu trên âm hưởng quần đảo, nghìn xưa.

Nhà thơ Phạm Công Thiện, có lần kể, một đạo sĩ Mỹ, bạn anh, từ Tây Tạng trở về, gặp Trần Duy Đức, đã buột miệng tiết lộ với anh rằng tiền kiếp Trần Duy Đức vốn là đạo sĩ của dòng tu khổ hạnh ở Kyoto. Dòng tu lâu đời nhất của xứ Thần Mặt Trời, tới nay, vẫn còn trên những đỉnh núi tuyết. Lời tiết lộ có khả năng làm gợn lên những chấm gai da thịt, nhưng vẫn không mang lại một giải thích thỏa đáng nào cho những tế bào âm nhạc khua thức trái tim Trần Duy Đức.

Âm nhạc, với Trần Duy Đức, là chiếc bóng đã bầu bạn, đã ở cùng anh, những năm lên năm, lên sáu. Âm nhạc, với Trần Duy Đức, là thực phẩm vô hình nuôi anh lớn, tháp thêm cho anh đôi cánh mộng ảo, đem anh vào đời.

Âm nhạc, với Trần Duy Đức, cuối cùng là một sân chơi hiu quạnh, là một căn hầm ẩn nấp kiên cố nhất cho những cảm thức thất lạc nhân sinh, vong thân bản ngã.

Âm nhạc, như thế đó, đã đến như một người tình buồn thảm, xõa tóc đi dọc hành trình về hư không với Trần Duy Đức…

“Rồi em bỏ tôi đi trong một buổi sáng – Sàigòn đầy lá – hay em bỏ tôi đi trong một chiều nắng ăn lốm đốm da em – rừng đã thổi sương theo – ôi cuộc tình hoang mang rất vội – hoang mang rất vội – qua những miền hư hao – tôi ngồi nghe gió nổi – Khi em bỏ tôi đi – có nghe lòng trống trải – có nghe rừng gió mãi – khi em bỏ tôi đi – em bỏ tôi đi…”

Đó là nét nhạc vút cao để vỡ vụn trên đỉnh trời nát tan của Trần Duy Đức, qua tiếng hát của Lệ Thu, Khánh Ly, rồi Trần Thái Hòa. Nhạc phẩm, đã được dùng như chủ đề chính cho băng nhạc, cho tiếng hát Hải Lý, những năm giữa thập niên 80.

Đó là Trần Duy Đức, năm hai mươi tuổi. Trần Duy Đức nằm trên dốc đèo Cù Hanh, ở đáy đường Trình Minh Thế. Nhạc Trần Duy Đức buốt giá. Nhạc Trần Duy Đức mang những lát dao bén ngót, lẻm sắc, khoắng sâu tiềm thức ta, ký ức mơ hồ ta. Nhạc Trần Duy Đức, mang những ngọn đuốc, thắp sáng nỗi niềm mất mát, đọa lạc ta, ở những phần khuya lắng nhất.

Đời Mãi Ở Phương Đông
bây giờ, ta đã già và người vẫn mãi xa
như núi sớm hao gầy và giòng sông sắp cạn
bây giờ mùa mưa luôn thánh thót vườn đời ta
không cứ gì phải đúng ngày đúng tháng
và những con nước kia
còn vỗ hoài hai bên bờ tâm hồn ta sỏi đá
bây giờ đã muộn cho chúng ta
trả lại nhau tâm hồn và đời sống
khổ ải đã như rừng
ta cố công mở lối

bây giờ, ta đã già và, người vẫn mãi xa
như con thú đã bạt khỏi ngàn
chạy cuồng về phía biển
nơi những dấu chân quen
(có chút gì tội nghiệp)
đó chính là những lời hát
rớt xuống từ đôi mắt của người lãng du
trong một quay đi
không phải là trở về
bởi chúng ta chưa có một mái nhà để, xưa
ôi những móng tư thù
ngập vó đời bầm dập
ta đi qua nửa đời
vẫn hoài trông trở lại
dấu vết là môi người
vẫn còn thơm ngát mãi
và cuộc tình thiêng liêng
ủ trong tim vô nhiễm

bây giờ, ta đã già và người vẫn mãi xa
phải chăng chúa không thể ở gần
sự có mặt nhiệm màu
chỉ thực sự hiện hình nơi cõi đến
và, người giết lần ta
bằng thả trôi tình trong nín lặng
cây vàng im bóng trưa
ta cúi đầu tủi hổ
cay đắng đã như sông
cách gì ta lấp được
ôi giờ ta đã già
người đòi chi cuối kiếp
chân chưa thể bước qua
sợi dây người oan nghiệt (2)

Trái tim ta, con sông thời gian chua xót không lằn ranh. Trái tim ta, những hàng cây thương nhớ vẫn mọc. Vẫn mọc. Vẫn lớn. Ngay khi đời ta không còn nữa. Hay đời nhạc Trần Duy Đức, là một dòng sông?

Hay đời nhạc Trần Duy Đức, là những ngọn cây, vật vã trên tầng cao, gió bão?

Định mệnh nào đã tháp xương máu cho đời nhạc Trần Duy Đức?

Khổ đau nào đã thắp sáng phần thịt da ấm áp mà ngất đắm trong trái tim âm nhạc Trần Duy Đức?

Không biết. Không một ai biết. Ngay chàng. Ngay người họ Trần. Ngay nhạc sĩ. Chỉ biết. Định mệnh kia, đã là một định mệnh cộng hưởng. Định mệnh của một tiếng thơ. Một dòng nhạc. Định mệnh ở phương đông. “Đời Mãi Ở Phương Đông”. Phương đông, nơi trái tim tình yêu chân thiết lầm than ta, sẽ ở. Như giai điệu của chàng ở với “Dòng suối trăm năm”:
chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt – –
mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ /.
chẻ đôi thân thế: mù tăm tích /.
ta nghĩa trang nào? chôn, cất nhau !?

chẻ đôi tâm thất: kênh, mương cạn – –
hương tóc truy tầm vai thất tung /.
tưởng ai oan khuất vừa quay gót !
xương, thịt, đời sau, máu rất buồn /.

chẻ đôi con gió: cây ly, biệt – –
tim chấn thương cùng môi tháng, năm /.
phạt ngang ký ức rừng, thao thiết – –
dòng suối trăm năm bỗng mất ngu

Du Tử Lê,

(California 10- 2003).

________

Chú thích.

(2) Bài thơ này tác giả viết tại thành phố Đà Lạt, năm 1972, khi cuộc chiến ở miền Nam đã lan tràn khắp nơi. Khi con số những gia đình có người chết gia tăng ở một mức độ choáng váng. Khi những người yêu nhau không biết cuộc tình và, chính bản thân họ sẽ ra về đâu sống / chết ra sao, thế nào? Bài thơ như một bài hát ru hay những lời trấn an người tình, trấn an chính mình, của tác giả – về bước đến cuối cùng của định mệnh bất hạnh. Trường hợp nào thì phương đông hay Việt Nam, vẫn là nơi chúng ta sinh ra và, cũng chọn lựa trở về, cuối chót. Bài thơ ra đời được độc giả, nhất là những người trẻ của Việt Nam thời gian đó đón nhận, như đón nhận một vành khăn tang của nỗi tuyệt vọng tới sớm, cùng lúc với nhang khói của niềm an ủi giữa sông, núi quê nhà. Nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ thành ca khúc bài thơ này, cũng trong năm 1972, khi ông đang làm “lính thú” trấn thủ Pleiku – – Khi giữa nhà thơ và nhạc sĩ hoàn toàn không biết gì về nhau, ngoài tâm cảm…”

(Trích Web site dutule.com)

…………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics