1.Nguyễn thị Hòang,một biểu tượng ‘hồng nhan đa truân’?(DTL/NV)-2.’Tuổi già hạt lệ'(HP/NV)-3.’Bịnh dại thời đại’-4.Tai biến

Nguyễn Thị Hoàng, một biểu tượng ‘hồng nhan đa truân’?
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, March 28, 2014

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Nguyễn Thị Hoàng, năm 2007. (Hình: Thái Kim Lan-chinhhoiuc blogspot.com)

Tôi nghĩ, dù đứng ở vị trí nào, văn học hay xã hội, đời thường hay đạo lý, khó ai có thể phủ nhận Nguyễn Thị Hoàng là một trong vài nhà văn nữ thực sự tài hoa của 20 năm VHNT miền Nam.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ…… thấy bà trong vòng phấn của cuốn truyện “Vòng Tay Học Trò” (VTHT), vốn được nhìn như một thứ bán hồi ký và, nhan sắc trời cho của bà, tôi cho là chúng ta đã không công bình với họ Nguyễn. Bởi vì, ngoài VTHT, Nguyễn Thị Hoàng còn có những sáng tác khác, cũng được nhiều người ưa thích, như “Về Trong Sương Mù,” “Tuổi Saigon,” hoặc “Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về”…

Ðó là một phần trong số lượng hàng chục tiểu thuyết mà bà đã viết được, trong một khoảng thời gian rất ngắn. Giải thích về sự “mắn đẻ” này, bà kể với nhà báo Tố Tâm rằng:

“…Từ năm 1966 đến 1969, mình viết liên tục theo những ‘đơn đặt hàng’. Trong thời gian này mình viết rất nhanh, có khi viết hai, ba truyện cùng một lúc… rồi thì lại buồn chán, mệt mỏi, kiệt sức và mất hoàn toàn tinh thần làm việc vì trong suốt những năm dài liên tục mình chỉ sống với bổn phận làm vợ, làm mẹ và gánh vác kinh tế gia đình. Cái nguồn sống riêng phải nín lại, bị khô héo đi…” (9)

Cũng trong cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Tố Tâm ở Việt Nam, tác giả “Tiếng chuông gọi người tình trở về” đã tiết lộ phần nào đặc tính hay nét riêng thuộc cõi-giới tiểu thuyết của mình, như sau:

“…Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật nữ lang thang bất định, và xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ vời… rồi ráp thành chuyện. Không biết bên đàn ông thì sao, chứ cánh đàn bà thường mắc phải cái này là có những nét của nhân vật hoặc chính, hoặc phụ, thế nào cũng hắt bóng cá tính thói quen, đường nét và vóc dáng của tác giả…” (10)

Mặc dù là một nhà văn nữ có số bán cao nhất ở thị trường tiểu thuyết miền Nam trước đây (vì truyện của họ Nguyễn đáp ứng được những đòi hỏi, chờ đợi của giới trẻ, cũng như tâm lý nữ giới…?) – Nhưng bà cũng bị một số người cho rằng càng về sau, khuynh hướng văn chương của bà càng mang tính “điệu đà,” có phần hơi nhiều… son, phấn.

Tiêu biểu hàng ngũ có cái nhìn tiêu cực ấy, người ta thường nhắc tới ghi nhận của nhà văn Nguyễn Ngọc Chính:

“…Có thể nói, văn phong của Nguyễn Thị Hoàng cũng tựa như của Mai Thảo: rất ‘điệu đà’, rất ‘bay bướm’ và rất ‘làm dáng’… đến độ nhiều khi trở thành sáo rỗng. Chẳng hạn như trong ‘Người yêu của Ðấng Trời’, một tiểu thuyết đã được viết từ hơn một chục năm nay nhưng chưa hề xuất bản. Hợp Lưu trích đăng một chương có những đoạn viết:

‘Tất cả đều in bóng lên nền xanh bát ngát của lòng trời, và những đôi mắt linh hồn mãi mãi tìm nhau, vẫn dồn trút niềm yêu và nỗi đau trong cái nhìn đáy thẳm tuyệt vời của im lặng và bóng tối.’

‘Khoác lên trái tim chưa yêu của Chúa một vầng hoa nguyệt quế nghìn thu. Và trái tim nào đã yêu đến tan nát cả chân như thể tánh mình, hãy lấy búa kim cương đóng lên một chiếc đinh vàng, để dưới bóng Chúa lung linh nến hồng thuở trước, trên tình yêu không bao giờ có thực của chúng ta, một giọt máu trường sinh nhỏ xuống.’” (11)

Ở lãnh vực văn chương, nếu tác giả VTHT được dư luận theo dõi sát sao bao nhiêu thì ở lãnh vực tình trường của Nguyễn Thị Hoàng cũng được dư luận đề cập tới và, cũng không kém phần chi tiết.

Cụ thể như một “scandal” từng gây chấn động thành phố Nha Trang, khi nhà văn Nguyễn Thị Hoàng theo gia đình di chuyển về thành phố này năm 1957. (12) “Scandal” đó, nổ ra trước câu chuyện tình của bà và người học trò tên Mai Tiến Thành, đã được bà ghi lại một phần trong truyện VTHT.

Sự việc sau đó, cũng đã được bà thẳng thắn xác nhận qua đoạn văn dưới đây:

“…Trước khi lên Ðà Lạt dạy học, gia đình Nguyễn Thị Hoàng sống tại Nha Trang. Những năm theo học tại trường Võ Tánh, Nguyễn Thị Hoàng dính vào một scandal một thời là đề tài nóng bỏng tại thành phố biển.

“Cô nữ sinh dan díu và có thai với ông Cung Giũ Nguyên, giáo sư Pháp văn, hơn Nguyễn Thị Hoàng gần ba mươi tuổi. (13) Biến cố đầy tai tiếng này được dàn xếp êm thấm giữa hai gia đình với lời thú nhận can đảm của người trong cuộc:

“‘Ông Cung Giũ Nguyên không có lỗi trong vụ này. Lỗi là do tôi dụ dỗ ông ta khi theo học thêm lớp Pháp văn tại nhà, vì tôi muốn có một đứa con thông minh xuất chúng như ông ấy!’

“Ðứa con gái sinh ra được đặt tên Cung Giũ Nguyên Hoàng (tên gọi của ông Nguyên và bà Hoàng ghép lại) và được bà vợ chính thức của ông Nguyên nuôi dưỡng vì bà này không thể có con. Trong ngày tang lễ của ông Cung Giũ Nguyên (tháng 11, 2008) người ta thấy Cung Giũ Nguyên Hoàng phục tang cha, ôm bát nhang đi trước linh vị…” (14)

***

Hôm nay, nhìn lại toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn tài hoa Nguyễn Thị Hoàng, không ít người đã có cùng một kết luận, đại ý, phải chăng, định mệnh của tác giả “Vòng Tay Học Trò” tiêu biểu cho những trường hợp mà chúng ta quen gọi là “hồng nhan đa truân”?

(California, 27 tháng 3, 2014)

Chú thích:

(9) Theo trang mạng Wikipedia-Mở sau truyện VTHT, xuất bản năm 1966, thì chỉ trong vòng 4 năm (từ 1967 tới 1970), nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã có tới 12 tác phẩm được xuất bản.

(10) Tố Tâm, Nđd.

(11) Nguyễn Ngọc Chính, Nđd.

(12) Tư liệu của Wikipedia-Tiếng Việt ghi rằng, “Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11 tháng 12 năm 1939 tại Huế. Năm 1957, bà chuyển vào sinh sống ở Nha Trang rồi đến năm 1960 bà vào Sài Gòn học Ðại Học Văn Khoa và Luật nhưng bà bỏ ngang, không học hết mà lên Ðà Lạt dạy học. Ðến năm 1966, bà chuyển sang chuyên tâm viết tiểu thuyết…”

(13) “Cung Giũ Nguyên (28 tháng 4 năm 1909 – 7 tháng 11 năm 2008) là một nhà văn, nhà báo Việt Nam, gốc Hoa, được biết đến với những tác phẩm tiếng Pháp. Về mặt văn chương, tên tuổi ông được ít người Việt biết đến vì các tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên về mặt hoạt động xã hội, ông là một huynh trưởng nổi bật thuộc thế hệ sáng lập ra phong trào Hướng Ðạo Việt Nam. Cuối đời, ông cư ngụ tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và mất tại đây.” (Wikipedia-Tiếng Việt)

(14) Nguyễn Ngọc Chính, Nđd.

………………………………………………………………………….

‘Tuổi già, hạt lệ… ‘
Nguồn:nguoiviet.com-Sunday, March 23, 2014

Tạp ghi Huy Phương

Thiếu nữ Việt được cảnh sát Cambodia giải cứu khỏi một nhà chứa ở Phnom Penh. (Hình: Gary Way/AFP/Getty Images)

Bạch Cư Dị sinh năm 772, khi bị giáng chức đày đi làm chức tư mã Giang Châu mới 43 tuổi (năm 815.) Tuổi này cũng còn coi là trẻ, tình cảm tràn đầy, lòng còn xúc động, nên một đêm “vầng trăng trong vắt dòng sông,” khi nghe người kỹ nữ bên sông kể lể thân thế, liên tưởng đến cuộc đời mình, mà tuôn hai dòng lệ:

“Lệ ai chan chứa hơn người,
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh!” (*)

Trái lại Nguyễn Khuyến, khi làm bài thơ “Khóc Bạn” là Dương Khuê mất, ông đã 67 tuổi, tuổi cho là đã già, nên thương bạn mà không còn nước mắt để khóc nữa:

“Tuổi già, hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!”

Trong khoa học, chỉ nghe nói đến một vài bệnh làm tắc hay khô tuyến lệ, mà không nghe nói chuyện nước mắt cạn dần theo tuổi tác, thời gian. Kinh nghiệm, chúng ta thấy trong đời sống con người, tuổi già rất dễ xúc động, dễ vui, dễ buồn, dễ giận dỗi mà cũng mau nước mắt hơn là tuổi trẻ. Phải chăng câu nói “một ông già bằng ba đứa trẻ” là để nói đến tình cảm vui buồn hay ngây thơ, chân chất hơn là nói đến các điều kiện sinh lý của hai lứa tuổi.

Chúng ta đã thấy tuổi già rơi lệ theo một tiếng đàn bầu, một đoạn dân ca hay ngậm ngùi vì những hoài niệm về dĩ vãng hay là câu chuyện hôm nay của đất nước mà có lẽ chúng ta không tìm thấy nơi tuổi thanh xuân.

Về già tôi thấy tâm hồn mình yếu đuối, dễ buồn vui, xúc động hơn là thời trẻ tuổi. Gần đây thôi, tôi có sửa soạn cho một cuộc phỏng vấn truyền hình về cuộc lui binh tan nát của Lữ Ðoàn 147 TQLC trên bờ biển An Dương-Thuận An trong những ngày cuối Tháng Ba, 1975. Khi lắng nghe người lính già bên kia đường dây kể lại chuyện, toàn cảnh trên bờ cát, ngày ấy, chỉ có một số nhỏ anh em, thương binh may mắn được lên tàu, còn đoàn quân chết “cạn” trên ba ngày đêm đói khát, không bóng một con tàu, không bóng một chiếc trực thăng, không một tiếng điện đàm trong máy truyền tin, để cuối cùng những người lính “sống can trường, mà có hồi kết cuộc oan khuất,” đã bị chết vì đạn pháo, đã tự sát, bị xử tử hay cuối cùng bị bắt làm tù binh, nước mắt tôi bỗng trào ra, nghẹn ngào vì thương cảm, xót xa. Ngày ấy tôi đang ở Sài Gòn, một nơi xa mặt trận, dù cũng mang màu áo trận, nhưng là một người lính ở hậu phương, có nghe, có biết nhưng không có nỗi xúc động, đau đớn như hôm nay.

Phải là con người vô cảm lắm, mới đọc chuyện nước, nghe chuyện nhà mà không biết tức giận, đau đớn hay buồn phiền. Ở tuổi già, sống xa quê hương, gặp nhau có trăm nghìn chuyện nói, nhưng không lẽ đem chuyện con cháu thành đạt, chuyện ăn chơi, chuyện nhà của người khác ra bàn luận. Bây giờ trong mỗi bản tin, mỗi hình ảnh ở quê nhà như mang theo nỗi xót xa, đau đớn của những kiếp sống cùng cực tưởng chừng như không bao giờ có thể hiện diện trên thế gian này. Thế mà đó là những sự thật đang xảy ra trên đất nước của chúng ta.

Ðã nhiều lần chúng ta thương cho số phận của con em, đồng bào chúng ta, những cô gái Việt Nam, đã phải tìm con đường sống duy nhất là đi lấy chồng ngoại nhân vì sự đói nghèo. Câu chuyện dài này đến bây giờ vẫn còn tiếp diễn, không có đoạn kết, nghe rồi thấy bình thường nhàm chán, không ai còn để ý đến nữa. Phụ nữ Việt Nam ngày hôm nay nổi tiếng vì đã có mặt trên khắp chốn đèn đỏ, thanh lâu hay đứng đường ở khắp nơi trên thế giới. Ở Indonesia, ở Malaysia, ở Singapore, ở Cambodia… chúng ta còn có thể hiểu nổi, tưởng tượng ra được vì đó là những nước lân bang trong vùng Châu Á, nhưng quả thật ngày hôm nay, bản tin về những cô gái Việt Nam của chúng ta lưu lạc sang tận xứ Ghana của Châu Phi để làm gái mại dâm, thì quả không có gì để xót xa hơn nữa!

Một bản tin của công an Việt Nam nói chuyện họ đã bắt một “em bé” 14 tuổi bán dâm, trong khi em đang mang một bào thai 4 tháng, phải chăng đó là một chuyện không có gì đặc biệt, nghe qua rồi bỏ!

Ở trong nước, bây giờ không những mại dâm tràn lan trên mọi thành phố, quận huyện, “trên từng cây số,” mà đàn bà trong nước hành nghề này ở cả những cánh đồng gặt lúa. Xưa thời Pháp thuộc có người làm nghề mại dâm, nhưng ở một chỗ riêng biệt, cho một giới nào đó thôi chứ không “tràn đồng” như hiện nay. Mùa gặt, các cô gái ngủ qua đêm với thợ gặt trên đồng, có người bán thân cho nhân viên kiểm soát dịch gia cầm để lơ cho đàn vịt của mình. Trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư không có câu nào chống cộng, chống đảng cộng sản, nhưng khi đọc xong, tôi thấy lòng mình xót xa, rát bỏng về nỗi nhục mà người phụ nữ trong nước đang gánh chịu.

Rồi thế hệ hôm nay, những đứa trẻ tương lai của đất nước, đến trường bằng lối đu dây vượt sông, hay ngồi trong những bọc ni lông lớn để nhờ người mang qua bờ bên kia. Những hình ảnh này tưởng như chỉ có trong những vùng đất lạc hậu, đói nghèo thời man rợ. Nhưng không, đó là thời của Dương Chí Dũng hối lộ Bộ Công An con số nửa triệu đô la, thời mà Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc PMU-18, nhân vật đã dùng khoảng $7 triệu để cá độ bóng đá, Nguyễn Tấn Dũng xây nhà thờ họ tốn hàng triệu đô la. Ðó là nơi mà một đất nước dân đen nghèo tả tơi, nhưng có hàng trăm tỉ phú và một giai cấp giàu có nhờ thời thế và chế độ mới nổi lên.

Nguyễn Khuyến cho rằng tuổi già nước mắt đã khô không còn khóc được nữa, nhưng sao trong đời thường hôm nay, vẫn còn những người già mau nước mắt? Có khi nào, giữa đêm khuya chúng ta thức giấc, bỗng nghĩ đến một chuyện ban ngày, một bản tin ở quê nhà vừa đọc được mà trăn trở khó dỗ lại giấc ngủ bình an?

Những bộ phim sướt mướt, éo le của Nam Hàn, Ðài Loan, và bây giờ cả của Thái Lan đã lấy đi những người trong gia đình chúng ta bao nhiêu dòng nước mắt thương vay khóc mướn, sụt sùi theo những nhân vật hư cấu của những loại phim “mì ăn liền,” trong khi đó, chúng ta vẫn vô cảm, thờ ơ với những chuyện đang xẩy ra ở quê nhà, những chuyện có thật, của đồng bào, con em chúng ta.

Trong cuộc họp báo tại CLB Báo Chí Mỹ Tháng Tư, 2004, bà Tôn Nữ thị Ninh đã cho người biểu tình hay dân oan là những đứa con, cháu trong gia đình hỗn láo, bướng bỉnh cần cho roi vọt, nhưng nếu chính phủ là cha mẹ, thì loại cha mẹ bây giờ là thứ cha mẹ bất nhân, chúng ở nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp, nhưng để con gái mình đi làm gái mại dâm tứ xứ, mà vẫn nhởn nhơ, không biết xấu hổ.

Người xưa đã nói bất bình nhỏ thì dùng rượu để giải sầu, bất bình lớn phải dùng đến gươm. Ðối với tuổi già, khi kiếm đã cùn, tóc đã bạc, không còn cầm được kiếm để giải quyết bất bình, cũng không thể uống rượu để nỗi sầu tiêu tan, mà phải dùng đến loại vũ khí đàn bà là nước mắt, chỉ đành ứa lệ, nuốt ngược nỗi buồn vào lòng.

Người ta thường chê người không biết cười, nhưng ít ai trách người không biết khóc. Khóc là bất lực, là tiêu cực nhưng nước mắt cũng làm nhẹ được nỗi đau của mình, vì đã nghĩ đến nỗi đau của người khác.

(*) (Bạch Cư Dị – Phan Huy Vịnh dịch)

…………………………….

Fwd: [kqvn] “BỊNH DẠI THỜI ĐẠI” –

Tôn Nữ Hoàng Hoa

Kim Vu to..,me

-o0o-
Tôi hay bị thức giấc vào nửa đêm, vì thế thường mở Tivi lên xem cho mỏi mắt để ngủ lại dễ dàng. Cũng vậy, sáng nay khi tôi mở băng tần 53 thì chanel này đang chiếu về cuộc đời của nhà bác học Louis Pasteur.

Chuyện phim đang đi vào giai đoạn nhà bác học đang gặp phải sự đàm tiếu của những ông Bác sĩ đương thời không chịu lép vế dưới tài năng nghiên cứu những phát minh để diệt những vi trùng gây bịnh cho người và súc vật

Trước những toan tinh của nhóm ngừơi bất tài nhưng lại háo danh, nhà bác học Pasteur chỉ có sự im lặng. Chính sự im lặng triền miên đó của nhà bác học Pasteur đã vượt lên trên mọi âm mưu hãm hại ông trên sự tiến hành phát minh những vắc-xin để chửa trị bịnh nguy hại đến tính mạng con người. Chính sự im lặng của nhà bác học đã nhẹ nhàng bay bổng ra ngoài mọi cân đo tính toán của một số nhà bác sĩ đương thời

Tuy phải chịu im lìm trên cái nghiệt ngã đàm tiếu của đồng nghiệp nhưng nhà bác học vẫn không dứt bỏ mọi tương giao ra khỏi con đường mộng tưởng mà ông đang đi. Cũng trong cái đêm bị dứt bỏ đó Pasteur đi về nhà trên nỗi niềm nín nhịn nghiệt ngã của cuộc đời trong khi bà Marie vợ ông và con gái Jeanette đang tổ chức surprise birthday cho ông tại nhà

Ông thầm lặng bước lên từng nấc thang lầu để lại sự sững sờ cho vợ với con. Bà Marie thông cảm nỗi niềm của chồng lặng lẽ bước theo sau và khuyến khích ông cứ tiếp tục đi con đường của mình nếu mình cho đó là con đường chính nghĩa. Ông mĩm cừơi cảm ơn vợ và tức khắc quay lại phòng thí nghiệm trong đêm để hoàn tất một vắc-xin khác để trị bịnh cho đàn cừu đang bị vi khuẩn hoành hành.

Trong ngày thí nghiệm giữa hai loại cừu có tiêm thuốc vắc-xin của ông và đàn cừu không tiêm thuốc. Mọi người thấy được đàn cừu không tiêm thuốc đã lăn ra chết. Họ tiến về phạm vi của đàn cừu đã được tiêm vắc-xin của ông. Marie nắm chặt tay chồng như truyền niềm tin của bà vào sự âu lo của nhà bác học.

Thoạt thấy đàn cừu được tiêm thuốc nằm bất động những người chống đối ông cười khoái chí trong khi nhà bác học Pasteur lặng lẽ thất vọng, và nỗi thất vọng đó đã rõ nét trên khuôn mặt khắc khổ của ông. Bỗng dưng đàn cừu đứng dậy chạy tung tăng trên nỗi vui vỡ òa của hai vợ chồng ông Pasteur và những ngừơi tin tưởng ông. Trên niềm vui chan hòa giữa ngừơi và đàn cừu thì bỗng một tiếng thét ai oán của một ngừơi đàn bà đang kêu gào giúp con bà đã bị chó cắn và đang sắp sửa từ trần  .

Tiếng kêu ai oán của ngừơi đàn bà đã làm đàn cừu chạy tán loạn và đã làm nhà bác học thương cảm âu lo

Chính vì sự bất khả kháng của con ngừơi khi bị chó dại cắn ông đã quyết tâm đi tìm nguyên nhân sinh bịnh.

Sau thành công của việc thí nghiệm vào đàn cừu ông  được sự chấp nhận những phát minh của ông vào Académie Franaise năm 1882. Sau đó ông quyết định tập trung nỗ lực của mình vào vấn đề của bệnh dại.

3 năm sau sự điều nghiên của ông đã có kết quả trên thân thể của các con chó nhưng ông chưa có khả năng để thí nghiệm vào con người. Bỗng nhiên trong một đêm khuya khoắc một bác sĩ từ xa đem đến cho ông một bịnh nhân bị chó dại cắn và năn nĩ xin ông chửa trị dùm. Bịnh nhân tên Joseph Meister 9 tuổi đã bị chó dại cắn. Ông phân vân từ chối bởi thí nghiệm của ông chưa được thử nghiệm trên thân thể con người. Lại nữa ông không có lísence chửa trị nếu có gì thất thoát ông sẽ bị mất bằng.

Vào một đêm khi cả nhà đi vào giấc ngủ. Ông lén vào phòng Joseph để xem bịnh tình. Ông thấy Joseph quằn quại trong cơn đau miệng rểu nứơc dại tay chân co quắp. Động lòng lương y ông rón rén xuống phòng thí nghiệm đang chứa những ống nghiệm chửa bịnh dại cho chó. Ông lấy ngay một ống rồi chích thử vào thân thể của Joseph. Bịnh tình của Joseph có diễn tiến cho đến ngày 14 thì hầu như đã ra khỏi cơn nguy cập. Sự thành công của vác-xin bịnh dại đã đưa tên tuổi của ông bay cao và đưa chú bé Joseph trở lại cuộc sống an lành và sự thành công đó cũng đã khởi đầu một chiến dịch gây quỹ quốc tế để xây dựng Viện Pasteur ở Paris, được khánh thành vào ngày 14 tháng 11 năm 1888.

Louis Pasteur, nhà bác học người Pháp sống thế kỷ 19, cha đẻ của lý thuyết lên men, vi khuẩn và vắcxin trừ bệnh chó dại. Ông sinh ngày 27/12/1822 tại thành phố Dole thuộc tỉnh Jura miền đông nước Pháp. Thân sinh Pasteur vốn là chủ xưởng nhuộm, gia nhập đoàn quân của Hoàng đế Napoléon đi chinh chiến khắp các chiến trường. Năm 1815, sau khi Napoléon thua trận bị đày ở đảo Sainte Hélène, ông trở lại với xưởng nhuộm. Cái xưởng nhuộm đó ngày nay đã trở thành một viện bảo tàng để kỷ niệm về nhà bác học Louis Pasteur.

Năm 1868 ông bị tai biến mạch máu não và bị tê liệt phía trái của cơ thể tuy vậy ông vẫn tiếp tục công cuộc nghiên cứu của ông. Nhà bác học mất vào ngày 28 tháng 9 năm 1895

Công trình rực sáng của ông là tìm ra được căn nguyên, sự lây truyền và vaccin điều trị dự phòng đầu tiên bệnh dại, một căn bệnh hiểm nghèo đã làm thế giới lo sợ mỗi một khi bị truyền nhiễm

Tập thể ngừơi Việt tỵ nạn cộng sản hiện nay cũng đang ở vào tình trạng bịnh truyền nhiễm mà chưa tìm ra một vắc xin nào để chửa bịnh : Đó là bịnh dại việt kiều

Năm 1975 đã có không biết bao nhiêu ngừơi vượt thoát chế độ cộng sản vì không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam . hằng triệu người bỏ phiếu bằng chân để nói lên sự không chấp nhận một chế độ cộng sản tại Việt Nam .

Thế giới đã động lòng trắc ẩn và sự độ lượng để cứu vớt hằng triệu người vừa thoát chết tại biển khơi để đi vào con đường an cư lập nghiệp vì họ là những người không thể sống dưới sự đàn áp của VC và tính mạng sẽ vô cùng bất an .

Những người trốn thoát VC còn tuyên bố rất hùng hồn là “Nếu cây cột đèn biết đi thì cũng đi”
Nhưng chưa đầy 20 năm sau khi VC cho ngừơi Việt tỵ nạn thưởng thức một loại nha phiến mới do chúng sản xuất , đó là chiêu bài “Nối lại tình thương ” sau khi chúng tận tình giết dân tộc VN hơn 3 thập niên qua để cho cả dòng Việt tộc khốn đốn vô chừng thì vấn nạn của tập thể người Việt tỵ nạn gặp phải là những ngừơi ở hải ngoại ra sức thưởng thức nha phiến “Nối Lại Tình Thương” bằng cách về thăm lại quê hương khi chế độ độc tài cs vẫn còn đó.

Việt kiều về nước có đủ thành phần hoặc buôn bán, hoặc yêu đương, hay tìm hạnh phúc mới ,thỏa mãn tứ đổ tường,  làm dáng với đời hay tìm chỗ đứng trong xã hội khi ở Mỹ họ chỉ là những ngừơi ít ai biết đến..Chiến dịch áo gấm về làng đã làm cho tình trạng chống Cộng của Tập Thể Người Việt Tỵ Nạn cs tại hải ngoại lâm vào một “bịnh dại thời đại” mà vi khuẩn là sinh tử phù do bọn VC tiêm vào cơ thể của những Việt Kiều đã được chúng móc nối.

Từ đó những biến chứng giao lưu qua màn văn công VC lũ lượt đến thành trì của người Việt tỵ nạn cs tha hồ trình diễn làm tình trạng nhức óc của những ngừơi chống cộng một ngày một đau. Những ngôn ngữ về xây dựng lại quê hương do VC cai trị sau khi chúng tận tình phá hủy cơ đồ đất nứơc VN.

Tại sao ngừơi Việt chống Công tại hải ngoại gọi Việt Kiều là vấn nạn. Bởi vì chính họ đang tiếp tục hà hơi tiếp sức cho chế độ cs tồn tại ở VN. Bởi chính họ là những ngừơi gián tiếp đem tiền về cho bọn csVN sống còn và sống mạnh

Họ cũng biết vậy nhưng vẫn về, vẫn cắm cụi làm ngày làm đêm để đem tiền về VN hưởng thụ trong khi cả dân tộc vẫn còn đói khát từng phút, từng giây .

Làm sao để đánh thức họ dậy khi vi khuẩn “bịnh dại thời đại” đang hoành hành trong cơ thể. Những tiếng gọi khẩn cầu tha thiết đã cất cao nhưng bịnh dại vẫn lưu hành chỉ chờ ngày lăn đùng ra chết.

Đã không biết bao nhiêu cây bút vạch rõ chiêu bài lừa bịp đổi mới của VC nhưng những người bỏ nước ra đi đã từng tuyên bố cho dù cái cột đèn biết đi cũng sẽ từ bỏ chế độ công sản để đi. Ấy thế mà họ là những kẽ đã trở về lại VN khi chế độ bạo tàn cs vẫn còn ngự trị. Nghe đâu có một khóa sĩ quan Võ Bị có khoảng trên 150 người cũng đã về gần hết chỉ còn lại 9 người nhất quyết không về. Buồn cười hơn nữa là đã có những tổ chức cộng đồng lại còn bày đặt ra nội qui cho những ai đã về VN vẫn có tư cách ra ứng cử chủ tịch cộng đồng của một tập thể đã đi tỵ nạn cs(sic)

Trớ trêu hơn nữa , có người trở về VN sau khi qua lại Mỹ lại “khen” VC rồi chửi bới các sinh hoạt cộng đồng ? Chưa hết họ còn mạnh miệng tiếp tay tuyên truyền cho chúng là cộng sản ngày nay đã đổi khác với cs ngày xưa? Khác nhau ở chỗ nào?. CS ngày xưa đã biến VN từ một quốc gia kiêu hùng nay thành một quốc gia hành khất. Cs ngày xưa đã dùng súng khủng bố ép buột con dân phải sống trong kiếp hèn nhát khiếp nhược để được yên thân. CS ngày xưa đã cướp đoạt nhân phẫm của dân tộc VN qua hình thức đấu tố.

Còn cs ngày nay làm gì? cũng same thing. Đã biến một đất nứơc kiêu hùng thành một quốc gia hèn nhát trước sự công khai xâm lăng đô hộ của Tầu. CS VN bây giờ cũng đàn áp dân chúng nếu mỗi một ai có mầm phản lại chúng bằng cách hủy diệt đánh đâp tù đày. csVN ngày nay còn xử dụng trò ăn cướp đất đai của dân công khai trước những cây súng trấn giữ chủ quyền để tiếp tục buột con dân sống cam phận để được yên thân trong kiếp làm trâu ngựa

Có khác chăng vì sự sống còn của đảng csVN nên chúng phải mở cửa cho quí vị đem tiền về giúp chúng và tệ hại hơn nữa chúng lại tiêm sinh tử phù cho những ai đi về bị chúng móc nối để trở thành “bịnh dại thời đại” hiện nay.

Đó chính là vấn nạn của Tập Thể Người Việt Tỵ Nạn cs tại hải ngoại vì chính quí vị đã “đồng lõa” với chúng trong việc củng cố chế độ độc tài khát máu tại VN. Và cũng chính sự đồng lõa bi thảm đó csVN đã tận tình khai thác một cách đốn mạt trên cái mặc cả là nếu Việt kiều không hoạt động chính trị tại hải ngoại thì được “yên thân” về VN hưởng thụ.

Nếu những ai kiên định lập trường tiếp nối cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản đã xâm lăng đất nứơc nhân bản VN gần một thế kỷ qua thì chắc chắn ở đó sẽ không có bất cứ một “ngoại lệ” nào để làm lý do cho họ trở về. May thay tập thể của chúng ta vẫn còn những quí vị đó. Vần còn đây những quí vị vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cs và bọn đảng viên cs tham tàn. Họ tiếp nối cuộc đấu tranh của cha ông trên chiều dài lịch sử chống csVN.

Vấn đề còn lại là “bịnh dại thời đại”. Làm thế nào để tìm ra một nhà bác học Louise Pasteur thời nay hầu  nghiên cứu kịp thời một vác xin chủng ngừa  cho bịnh dại thời đại khỏi lan tran trong tập thể thì lúc đó mới mong có ổn định chính trị tại thành trì chống Cộng này.

Trên đây chỉ là một vài điều thô thiển đóng góp vào ý kiến của một số ngừơi cho rằng :

Việt Tân Việt Cộng Việt kiều
Ba tên hợp lại tiêu điều Việt Nam

Tôn Nữ Hoàng Hoa
Ngày 12/2/2014

……………………………………………………………

Tai biến mạch máu não – Nỗi lo toàn cầu
Nguồn:Việt Hà, phóng viên RFA
2013-10-29


Biểu đồ thống kê bệnh stroke trên toàn cầu tính đến năm 2030.
AFP photo

Theo thống kê của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, trên thế giới, cứ 6 người thì có một người sẽ bị tai biến mạch máu não ít nhất một lần trong đời. Tai biến mạch máu não cũng được coi là một trong các nguyên nhân gây tử vong cao. Tuy nhiên đây lại là căn bệnh hoàn toàn có thể dễ dàng phòng tránh.
Những dấu hiệu dễ bị bỏ qua

Một sáng cách đây khoảng 2 năm, ông Lý Kiến Trúc, 65 tuổi, một nhà báo ở tiểu bang California, thức dậy như thường ngày trong tư thế ngủ quen thuộc một tay vắt trên trán và một tay để sau đầu. Nhưng hôm ấy, khác với mọi ngày, ông thấy cánh tay trái của mình tê tê một cách khác thường khi thức giấc. Nghĩ chắc do thói quen để tay sau đầu là nguyên nhân gây ra tê tay, ông vẫn đi làm bình thường và không để ý đến triệu chứng khác thường. 6 tiếng sau, cảm giác tê tăng dần, ông Trúc chóng mặt và ngã xuống sàn bất chợt. Ông được đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả mà bác sĩ thông báo cho gia đình sau đó là ông bị tai biến nghẽn mạch máu não. Kinh nghiệm này làm ông Trúc không bao giờ quên và theo ông đây là kinh nghiệm quý báu không chỉ đối với riêng ông:

Cái kinh nghiệm cho mình biết là cảm giác tê dại trong người, từ tay đến chân thì đó là triệu chứng của tai biến mạch máu não. Có thể sự nghẽn mạch máu từ não nó lan truyền đến tay trái hoặc chân trái hoặc là tay phải hoặc chân phải, thì chúng ta phải vào bệnh viện để xét nghiệm ngay… Mọi người nên lấy đó làm kinh nghiệm. Khi có cảm giác như vậy thì bất cứ giá nào cũng phải vào bệnh viện ngay lập tức càng nhanh càng tốt.

Tai biến mạch máu não là một căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Theo thống kê của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, trên thế giới cứ 6 người thì có 1 người sẽ bị tai biến mạch máu não trong đời. Trên thế giới, cứ 6 giây thì có một người chết vì bị tai biến mạch máu não.

Bác sĩ Ralph Sacco, phát ngôn viên của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ cho biết:

Tai biến mạch máu não có thể xảy ra với bất cứ người nào và vào bất cứ lúc nào, tuy nhiên chúng thường dễ xảy ra khi người ta lớn tuổi. Có nhiều nhân tố có thể dẫn đến tai biến mạch máu não. Một số có thể điều trị được ví dụ như cao huyết áp, tiểu đường và mỡ máu.

Nói về nguyên nhân khiến tai biến mạch máu não trở nên phổ biến trên thế giới hiện nay, bác sĩ Ralph Sacco giải thích:

  Tai biến mạch máu não bây giờ phổ biến bởi các nguyên nhân, thứ nhất là người ta già đi, thứ hai là chúng ta đã không làm tốt việc giữ sức khỏe cho mọi người. Vẫn còn quá nhiều người hút thuốc, rất ít người chú ý đến trọng lượng cơ thể mình. Chế độ ăn là một vấn đề tại các nước phát triển và các nước đang phát triển. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện cách sống của chúng ta để cải thiện tình hình. Huyết áp cao là một yếu tố hoàn toàn có thể kiểm soát được và là một yếu tố quan trọng dẫn đến tai biến mạch máu não. Còn quá nhiều người không biết huyết áp của mình là gì và kể cả nếu họ có biết thì họ cũng không kiểm soát nó tốt.

Trước khi bị tai biến mạch máu não, ông Trúc cũng không biết mình bị huyết áp cao. Ông cũng không nhớ mình có đi khám bác sĩ định kỳ thương xuyên hay không. Ông chỉ cảm thấy rằng cơ thể mình hoàn toàn khỏe mạnh và bình thường cho đến cái ngày ông phải vào bệnh viện. Bây giờ nghĩ lại ông cho rằng mình đã may mắn được cứu chữa kịp thời.

Nếu hôm  đó chú té xuống mà chỉ cần chậm trễ nửa tiếng và 1 tiếng đồng hồ nữa thôi thì chắc chắn hôm nay đã phải ngồi nói chuyện với Việt Hà bằng xe lăn rồi.
Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não có hai loại chủ yếu đáng chú ý nhất là tai biến do nghẽn mạch máu não và tai biến do vỡ mạch máu não. Trong đó loại nghẽn mạch máu não xảy ra phổ biến  hơn cả và phần lớn các tài liệu hướng dẫn về cách nhận dạng và điều trị cũng chủ yếu tập trung vào loại này. Ngoài ra cũng có những người bị tai biến mạch máu não thầm lặng tức là loại tai biến nhỏ với triệu chứng chỉ kéo dài không tới 24 giờ đồng hồ rồi tự biến mất. Loại tai biến này cũng thường không gây ra những tổn thương lâu dài cho não.

    Tai biến mạch máu não thường xảy ra khi huyết áp của người bệnh lên quá cao. Thông thường, huyết áp của một người khỏe mạnh dao động  trong khoảng 90/60 mm Hg đến 140/90 mm Hg tùy theo sức khỏe, giới tính và thời điểm đo. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, khi huyết áp thường xuyên đến mức 140/90 mm Hg có nghĩa là đã bắt đầu có dấu hiệu cao huyết áp. Khi huyết áp lên đến trên 180/110 thì cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức để tránh tai biến mạch máu não.

Vậy cách nhận dạng tai biến mạch máu não là gì? Bác sĩ Ralph Sacco cho biết:

Điều quan trọng là phải nhận ra những dấu hiệu của tai biến mạch máu não. Các dấu hiệu của tai biến mạch máu não là dấu hiệu của mặt, đó là khi mặt bạn bị chảy xuống một bên hoặc bị yếu một bên, thứ hai là tay bạn khi bạn thấy một bên tay bị yếu, tiếp theo là nói, khi bạn nói ngọng hoặc nói líu lưỡi không rõ chữ. Khi có một trong những dấu hiệu này thì phải nói đến thời gian, tức là bạn cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức khi xuất hiện một trong các dấu hiệu này.
Phòng tránh và cấp cứu người bị tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não giờ đây xảy ra khá phổ biến và điều quan trọng là mọi người cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản khi gặp một trường hợp tai biến đột xuất. Vậy nếu bạn gặp một người bị tai biến mạch máu não, bạn cần phải làm gì và không nên làm gì? Bác sĩ Ralph Sacco nói:

Điều quan trọng nhất là phải đưa người bị tai biến mạch máu não đến bệnh viện ngay lập tức. Khác với nhồi máu cơ tim, khi chúng ta có thể cho bệnh nhân dùng aspirin, với người bị tai biến chúng ta không thể cho họ uống aspirin tại nhà vì có thể là họ bị loại tai biến chảy máu não. Nếu đó là loại chảy máu não, Asprin có thể làm tình hình thêm tồi tệ. Cho nên điều quan trọng là để cho người bệnh thăng bằng và đưa họ đến bệnh viện ngay. Thời gian là hết sức quan trọng, cứ mỗi phút chần chờ thì chúng ta mất đi cơ hội được điều trị kịp thời mà chúng ta cần ngay lúc đó. Điều quan trọng là bạn phải đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo mọi người không nên theo những chỉ dẫn cấp cứu với người bị tai biến mạch máu não tại nhà theo phương pháp châm kim vào 10 đầu ngón tay đến chảy máu hay còn gọi là phương pháp Irene Liu. Theo các bác sĩ thì không có bằng chứng khoa học nào cho thấy đây là cách làm cứu được mạng của bệnh nhân trong khi có thể kéo dài thời gian chờ đợi để bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời.

  Mặc dù nguy hiểm, tai biến mạch máu não là bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh. Theo các bác sĩ, một người muốn tránh bị tai biến mạch máu não, dù trẻ hay già, cũng nên bắt đầu một lối sống khỏe mạnh, đó là giảm ăn muối, giảm đồ béo, ngừng hút thuốc và tăng cường các hoạt động thể chất. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, việc ăn quá nhiều muối và đồ ăn nhanh là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai biến mạch máu não. Bác Suzanne Judd, chuyên gia dịch tễ dinh dưỡng thuộc đại học Alabama, thành viên Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ nói về những nguy cơ trong đồ ăn nhanh:

Có 3 yếu tố chính trong chế độ ăn này dẫn đến nguy cơ tai biến mạch máu não tăng. Thứ nhất là muối, các đồ rán và chế biến sẵn thường có rất nhiều muối. Chúng ta biết là người Mỹ giờ đây ăn khoảng 3500 mg muỗi mỗi ngày, tức là cao hơn rất nhiều so với mức khuyến cao. Chế độ ăn đồ rán có lượng muối từ 3,000 đến 4,000 mg muối. Ăn nhiều muối sẽ khiến bạn phải uống nhiều nước, làm tăng huyết áp, khi tim và não phải chịu huyết áp cao quá lâu, nó sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Yếu tố thứ hai là chất béo bão hòa. Chúng ta đã biết từ nhiều nghiên cứu trước đây là chế độ ăn quá nhiều chất béo bão hòa sẽ gây nghẽn mạch máu não, từ đó dẫn đến ai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Yếu tố cuối cùng trong chế độ ăn này là nước ngọt. Đã có nghiên cứu gần đây từ Bắc  Carolina và từ đại học Harvard cho thấy uống nước ngọt là làm tăng thêm năng lượng cho cơ thể không cần thiết vì khi mọi người uống các nước ngọt đó, họ không biets là họ đang có thêm năng lượng cho cơ thể. Chế độ ăn có nước ngọt làm cho bạn ăn quá nhiều, làm tăng cân, dẫn đến béo phì từ đó có thể bị tai biến mạch máu não.

Một nghiên cứu gần đây được công bố tại Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ trong năm nay cho thấy có khoảng 2 triệu 300 ngàn người trên thế giới bị chết trong năm 2010 vì các bệnh tim mạch do ăn quá nhiều muối. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn không quá 1,500 mg muối mỗi ngày, mức này của Tổ chức Y tế thế giới là 2,000mg.

Theo bác sĩ Ralph Sacco, những người bị tiểu đường và hút thuốc đều có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao vì đây là hai yếu tố dẫn đến xơ cứng động mạch và khi động mạch bị xơ cứng thì có thể sẽ dẫn đến nghẽn mạch máu não. Người hút thuốc có từ 2 đến 4 lần nguy cơ tai biến mạch máu não cao hơn so với người không hút thuốc.

Với ông Lý Kiến Trúc, kể từ sau lần bị tai biến mạch máu não, ông đã chú ý hơn tới sức khỏe của mình. Ông uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, theo một chế độ ăn cân đối ít chất béo hơn và cũng năng tập thể dục hơn. Ông cho rằng đây là những yếu tố giúp ông giảm thiểu được nguy cơ bị tai biến mạch máu não trở lại do huyết áp cao.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics