Thi ca, dưỡng chất của người lính già Hoa Văn/Ngô Văn Hòa
Nguồn:nguoiviet.com- April 7, 2017
Du Tử Lê
(Hình dutule.com)
Trong quá khứ, từ quê nhà, văn giới đã được biết nhiều về một người lính làm thơ: Nhà thơ Anh Hoa.
Cùng với những thi, văn hữu một thời của vùng “cao nguyên gió lạnh mưa mù,” như Diên Nghị, Kim Tuấn, Vũ Hoàng, Dương Ngọc Sum, Nguyễn Thuyên… Sau này, khi chiến sự tìm đến Pleiku như một trong những điểm nóng chiến lược của chiến trường miền Nam thì Pleiku lại có thêm Lâm Hảo Dũng, tác giả hai câu thơ nổi tiếng: “Chu Pao ai oán hờn trong gió/ mỗi tấc khăn tang một thước đường”… Họ là những tên tuổi làm đẹp thành phố mà nhà thơ Vũ Hữu Ðịnh từng trao vương miện cho Pleiku với ca khúc “Còn Chút Gì Ðể Nhớ” qua nhạc Phạm Duy.
Nhưng, nếu Vũ Hữu Ðịnh chỉ là khách lãng du, giang hồ khắp các miền đất nước thì, Pleilu lại có những thi sĩ gắn bó với nơi chốn này, từ địa lý tới thi ca. Ðó là Kim Tuấn và Anh Hoa.
Nếu địa danh Pleiku cho họ những ngày sống thân ái thì, họ cũng cho lại nơi chốn này những bài thơ, hay sự viếng thăm của nhiều văn nghệ sĩ, tiêu biểu cho sinh hoạt văn chương của miền Nam, thời đó.
Rõ hơn, tôi có thể nói mà không sợ quá lời rằng, rất nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi khắp nơi, đã tìm đến với Pleiku trong một khoảnh khắc nào đó của đời họ. Và, chính những cá nhân như Kim Tuấn, Anh Hoa, Diên Nghị và, cả nhà thơ Vũ Hoàng (người trước tháng 4-1975, có thời kỳ làm nghị viên Hội đồng Tỉnh) là một phần không nhỏ của chọn lựa thương yêu ấy.
Hiện tại, nếu không kể Kim Tuấn, tác giả phần lời của những ca khúc nổi tiếng như “Anh Cho Em Mùa Xuân” hay, “Những Bước Chân Âm Thầm,” mất năm 2003; chúng ta có nhà thơ Diên Nghị chọn cư ngụ tại thành phố San Jose, Vũ Hoàng mới di chuyển gia đình về Saigon (nhiều bằng hữu cho biết, sức khỏe của ông bắt đầu suy kém); Lâm Hảo Dũng định cư ở Canada, làm báo…
Những tên tuổi này, hầu như không còn làm thơ như những ngày Việt Nam – – Nếu không muốn nói là đã buông bút. Thảng hoặc họ có làm thơ thì cũng chỉ có tính cách “xuân, thu nhị kỳ” mà thôi.
Nhưng nhà thơ Anh Hoa, (qua Mỹ đổi bút hiệu thành Hoa Văn) thì ngược hẳn. Chỉ từ 2002 tới 2017, với bút hiệu Hoa Văn, những người yêu thơ của tác giả này, đã nhận được 8 thi phẩm, đa số được ấn hành bởi nhà XB Cội Nguồn.
Nhà thơ Hoa Văn. (Hình dutule.com)
Hoa Văn là bút hiệu sau cùng của một người lính thuộc QL/VNCH tên thật Ngô Văn Hòa, sinh quán tỉnh Phú Thọ, miền Bắc Việt Nam. Ông tốt nghiệp khóa 4 Phụ Cương Quyết Ðà Lạt, Sĩ quan trừ bị. Ông từng du học Hoa Kỳ nhiều lần về chuyên môn báo chí và tâm lý chiến. Năm 1975, ông bị tù cải tạo, mãi tới năm 1993, mới được định cư tại thành phố Boston, theo diện H.O.
Nói về sức viết của Hoa Văn, thì, riêng năm 2016, Hoa Văn đã gửi đến những người yêu thơ ông thi phẩm “Gió Cuốn Mây Bay” – – Chỉ một năm sau, ngay đầu năm 2017, cơ sở xuất bản Cội Nguồn, San Jose, đã ấn hành thi phẩm “Mấy Nốt Phù Hoa” của ông – – Với bìa, tranh sơn mài Ðằng Giao, phụ bản họa, Mùi Quý Bồng, Phạm Cung, Ðinh Cường…
Ở thi phẩm mới này, điểm đặc biệt là họ Ngô nói nhiều, rất nhiều về thi ca: Nguồn sống hay dưỡng chất cuối đời của một người lính già, nhất là khi người bạn đời tấm cám của ông không còn và, những đứa con đã trưởng thành.
Trong bài “Lời Gửi” đề tặng các con và cháu, với lời thơ chân thành, mộc mạc, nhà thơ viết:
“Các con nuôi bố làm thơ
Từ độ mẹ đi biệt đến giờ
Những lúc đêm về lòng khắc khoải
Tình sầu nên bố lại làm thơ.
(…)
“Rồi một ngày kia giông bão qua
Lá vàng về cội cuộc đời Cha
Biệt ly cũng giống như ngày mẹ
Xa xót lòng con, mắt lệ nhòa.
Ðời người là thế con đừng buồn
Sống có nghĩa tình quý trọng hơn
Mươi tập thơ hồng Cha để lại
Các con, hãy nghĩ Mẹ Cha còn…”
Ở bài thơ “Tạ Ơn Trời” họ Ngô nói rõ hơn, tương tác giữa thi ca và định mệnh đời ông, như một ân sủng trời cho, khi ông còn rất trẻ:
“Thơ xưa viết tạ ơn đời
Thơ hôm nay Tạ Ơn Trời đã cho
Một đời người mấy giấc mơ
Trăm năm thơ với ân từ trao nhau.
Từ xanh tóc đến bạc đầu
Từ manh áo vá đến màu vàng hoa
Tạ ơn dâu bể bước qua
Ðời mưa gió những xót xa dấu tìm…”
Nếu cần phải nói một lời gì ngắn, gọn về tấm lòng của người lính, nhà thơ Hoa Văn/Ngô Văn Hòa, khi về già… tôi nghĩ, tôi có thể nói: – Chỉ thi ca mới đem lại được cho ông ý nghĩa của những ngày lưu vong, cuối đời nơi đất khách:
“Nặng tình năm tháng thi ca
Quý người, thơ chẳng nhạt nhòa tình thâm
Em về hong tóc chờ xuân
Bút ngoan đan áo tơ tằm gọi mai
Dù đời vẫn hắt hiu hoài
Yêu thơ là chuyện dông dài tháng năm
Làm thơ như đã thân tằm
Còn đây hạnh phúc trổ mầm sen hoa…”
Bản chất là một người chu đáo, nặng tình không phải chỉ với đất nước, gia đình, bằng hữu và thi ca…, Hoa Văn dĩ nhiên không quên giải thích (bằng thơ) lý do cũng như những ẩn-tình, ông gửi trong tập “Mấy Nốt Phù Hoa” khiến người đọc thấy gần gũi ông hơn và có thể tự hỏi “nếu không có thi ca, như người tình đầu tiên và cuối cùng thì, cách gì người lính già Hoa Văn/Ngô Văn Hòa có thể tồn tại?
“Còn đây ‘Mấy Nốt Phù Hoa’
Bình minh đã cạn trăng tà đã vơi
Rong chơi như đã qua thời
Buồn vui cùng với cuộc đời gió dông
Thơ tình viết mãi chưa xong
Chút men cay đã mấy vòng tỉnh, say
Cám ơn bằng hữu xưa, nay
Tạ ơn em cả chốn này nơi kia
Ân tình mấy ngả lời chia
Lối về nghe chút mưa khuya chửa tàn
Tình nào tình cũng chứa chan
Cùng em chung áng thơ vàng nhạc hoa
Ơn Trời trong những thiết tha
Trăm năm thôi thúc nhạt nhòa mây bay
Phấn hương nọ bụi hồng này
Phù Hoa Mấy Nốt trắng tay cung đàn
Mốt mai sương khói về ngàn
Một tôi hạt cát võ vàng dấu xưa
Bên đời ấp ủ hồn thơ
Phù Hoa Mấy Nốt nắng mưa ngậm ngùi.”
Hoa Văn
(Richmond, Virginia cuối thu 2016)
Với riêng tôi, thời gian gần đây, tiếng thơ Hoa Văn dường như đã tự điều chỉnh chính nó, để thơ và tuổi tác song hành, tương tác nhau, cùng xuôi chảy về những rung động chân-thiết hiếm, quý. Giống như thể bây giờ, ông chỉ muốn nói, trước nhất, cho chính ông và cho những tri âm của thơ ông mà thôi.
Hiện tượng này, tôi cho là ngược hẳn tính ơ hờ, lạnh nhạt với đời sống của một số nhà thơ lớn tuổi… Âu đó cũng là phần thưởng tinh thần lớn mà người lính già Hoa Văn nhận được từ tình yêu thủy chung, dành cho thi ca?
Thí dụ bài “Lòng Vẫn Sơn Khê,” tuy chủ thể hay linh hồn chính của bài thơ không được tác giả thể hiện một cách chi tiết, nhưng cả bài thơ, với những cảm khái và, cảm thán khi nhìn lại một đoạn đời, người đọc vẫn chia sẻ được với Hoa Văn qua lời than mộc mạc, chân thành, tựa như hình ảnh đó, từng đã có và ở lại trong đời mình:
“Tiễn người đâu có gió mưa
Mà sao cứ ngỡ như vừa bão dông”
Ðể khép lại bài viết ngắn này, tôi xin được dùng một trích đoạn về cõi-giới thi ca Hoa Văn của nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh (Canada):
“…Thơ Anh Hoa (Hoa Văn) sử dụng nhiều thể loại nhưng thăng hoa với lục bát, một thể loại dân tộc từ ngôn ngữ đến nội dung thích ứng tâm tình tác giả nhất, tâm tư mênh mang không cùng, không giới hạn, cũng là thể loại giúp ông chứng tỏ thi tài làm mới con chữ và làm mới câu lục bát, với nhạc tính tự nhiên…”
Nguyễn Vy Khanh, (Trích Văn Học Miền Nam 1954-1975: Nhận định, biên khảo và thư-tịch. TGXB, 2016)
Du Tử Lê
(California, Tháng Tư 2017)
* Tiêu đề do NN đặt ngắn lại-
……………………………………………………………
Lần dò theo bước chân thi ca Nguyễn Ngọc Hạnh
Nguồn:nguoiviet.com-April 14, 2017
Du Tử Lê/Người Việt
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. (Hình: Nguyễn Ngọc Hạnh cung cấp)
Cách đây ba năm, lần đầu tiên Nguyễn Ngọc Hạnh đến với dutule.com. Tôi chọn được hai bài lục bát và một bài bảy chữ, làm thành bài “giới thiệu chân dung” tiếng thơ xa, lạ, nhưng đã mang đến cho tôi ít, nhiều bất ngờ.
Một ngày cuối năm, tôi không nghĩ lại nhận được tập bản thảo “Phơi Cơn Mưa Lên Chiều” của anh. Thật tình, khi mở tập thơ, tôi không chờ đợi anh sẽ đem đến cho thơ những biến-động-chữ-nghĩa gì đáng kể, nhiều hơn thơ trước. Bởi lần đầu đọc thơ anh, từng khiến tôi phải chú ý với những câu thơ khá mới, như:
hình như ai vấp chân mình
hớ hênh chân bước gập ghềnh bàn chân
Hay:
ai gõ mạn thuyền trên sông vắng
mà mái chèo cằn cựa đến xa xăm
Tôi vẫn có xu hướng thiếu tin tưởng vào đường bay thi ca của những nhà thơ trung-niên, trước hiệu-ứng-thời-gian. Đó là hiện tượng thời gian bào mòn cảm xúc, khô, sần rung động; khi sung mãn tuổi trẻ như thủy triều rút đi, xa lần bờ bãi…
Riêng với Nguyễn Ngọc Hạnh: Tôi lầm.
Qua tập thơ “Phơi Cơn Mưa Lên Chiều,” tôi cảm tưởng, dù có thêm bao nhiêu năm, tháng qua đi, dòng sông thi ca có dễ vẫn đem phù-sa-chữ-nghĩa về cho thơ của anh, như đã. Cảm tưởng vừa nói, nơi tôi, sớm dấy lên khi nhận ra:
Ngay từ những “cơn-mưa-trí-tuệ” đầu tiên trong “…phơi lên chiều” của anh, cho thấy từ bệ phóng chiêm nghiệm nhân sinh, lao lung kiếm tìm cái mới mà, chữ, nghĩa của anh luôn là “biểu-tâm-đồ-thi-ca” chân-thiết nhất, dù vẫn trong cái khung nền thất-tình muôn đời của nhân loại:
không rực rỡ cầu vồng bảy sắc
mây in đời em vào tôi xanh biếc
…
vét cạn lòng giếng ấy
chỉ nghe tiếng gầu rơi
…
khi có thơ in lần đầu
tôi tìm tôi trong bài thơ ấy
đến bài thơ cuối đời
lại đọc lòng tôi vậy.”
…
sẽ không còn lặn lội bờ sông
như cánh cò trong lời ru của mẹ
mới viết được đôi dòng như thế
bỗng bàng hoàng gặp lại nỗi đau xưa
Ở “Phơi Cơn Mưa Lên Chiều,” nơi chốn và hình ảnh người mẹ, không chỉ như hai ngọn hải đăng lớn trong biển nghiệp thi ca anh mà, với tôi, nó còn mang tính song-sinh của tâm-lượng thi sĩ giữa con người và đất nước nữa…
Lịch sử thi ca thế giới, nhất là thi ca Việt Nam, dường như chưa tác giả nào quên nói về mẹ. Nhưng cách nói về mẹ của Nguyễn Ngọc Hạnh, là cách nói trước đây, ta chưa hề thấy:
Mẹ sinh ra trong rơm rạ
Nên hương đồng còn thơm mãi đời anh
Hoặc trong bài “Qua Đò, Nhớ Mẹ,” anh viết:
Không gọi đò, con gọi mẹ ơi
Trên bến sông này
ngày xưa mẹ tắm
Nước tận đầu nguồn
chảy ra biển lớn
mang theo phù sa
từ sữa mẹ ngọt ngào…
Không gọi đò, con gọi mẹ ơi!
Sông thì hẹp
mà vô bờ đến vậy
Con đi qua hết một thời trai trẻ
Từ chiếc đò lòng mẹ
Qua sông
Ôi con đò lòng mẹ
mênh mông!
Hoặc nữa, bài “Quê Mẹ:”
Con đường quê dài như đời mẹ
Tuôỉ thơ buồn trôi giữa mù khơi
Mẹ nhớ ai như sông nhớ suối
Sông dạt dào lòng mẹ, đời tôi
Có những đêm tôi nằm thức trắng
Chênh chếch đời một nửa vầng trăng
Trăng nghiêng bóng mẹ trên đầu rẫy
Như gửi niềm đau xuống đất này…”
Về nơi chốn, anh cũng có những câu thơ đẹp. Cái đẹp của những hình ảnh, tên gọi, đã ẩn tàng trong máu huyết:
Cái làng ấy ra đi cùng tôi
mà tôi nào hay biết
Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết
con sông quê bóng núi cứ chập chờn
Mấy câu thơ trên của anh, khiến tôi liên tưởng tới hai câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.” Nhưng “đất hóa tâm hồn” là một liên tưởng phiếm định vì tính mơ hồ của hình tượng. Ở Nguyễn Ngọc Hạnh thì đất của làng, rất cụ thể. Nó được chỉ danh rõ ràng:
– Thứ nhất: Đất đây là “cái làng.”
– Thứ hai: Cái làng ấy “nó” đi theo tác giả.
– Thứ ba: “Con sông quê, bóng núi cứ chập chờn” trong anh, dù nhà thơ đi đâu, ở bất cứ nơi đâu. Tới hôm nay, tôi chưa được đọc câu thơ nào nói về sự gắn bó thịt, xương giữa nơi chốn và con người cảm động hơn thế.
Lại nữa, nơi chốn trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh còn được chỉ đích danh, như xác định tính… “sở hữu” người yêu của mình:
Đà Nẵng nơi này gió se lòng
Mây dưới chân đồi như dòng sông
Ai đứng bên kia bờ Vọng Nguyệt
Trăng ngàn năm cũ nay còn không
Dường như tình yêu mẹ và tình yêu nơi chốn, với anh, là một cặp song sinh? Nên đôi khi tình yêu mẹ và nơi chốn chỉ là một.
Là một, ngay trong những bài lục bát vốn là một trong vài thể thơ được coi là “điểm mạnh” của cõi-giới thơ anh. Mặc dù thơ sáu, tám của anh vẫn còn phong-cách kể chuyện. Nhưng đó là chuyện kể với ngôn ngữ mới và, sự giàu có của những xúc động tự nguồn:
Chiều buồn phố rất nên thơ
Qua sông mà cứ mong chờ hoàng hôn
Chiều lên nửa phố chiều trông
Người đi từ phía bão giông chưa về!
Tảo tần đời mẹ chân quê
Bao năm lặn lội đi, về triền sông
Nón che không hết mùa Đông
Phố che không hết nỗi buồn trần gian
Soi bóng mẹ xuống sông Hàn
Trời không xanh vẫn sáng trong một màu
Biết tìm đâu giữa mai sau…
Nếu trong mấy bài thơ của anh tôi được đọc cách đây nhiều năm là tính mới mẻ trong so sánh, liên tưởng thì ở thi phẩm “Phơi Cơn Mưa Lên Chiều” những đặc tính ấy của thơ anh, có phần phong phú, sâu, lắng hơn nữa. Thí dụ:
Khi em cầm ngọn gió cuối Thu
Chiếc lá vàng rơi vào bài thơ tình phai nhạt…
Tới đây, tôi thấy không thể tiếp tục quan điểm “chỉ gợi ý” với những dòng thơ chọn được mà, xin phép bạn đọc, cho tôi được nói rõ hơn, cảm nhận của mình về hai câu thơ trên của anh.
Đứng về phương diện kỹ thuật, tôi không biết Nguyễn Ngọc Hạnh cố ý hay vô tình nhân cách hóa “ngọn gió cuối Thu,” cho người con gái cầm trên tay? Để, vì là ngọn gió cuối thu, nên hình ảnh chiếc lá vàng hiện ra ở câu thơ kế tiếp rất ứng hợp với ngữ-cảnh. Và, chiếc lá vàng lại “rơi” trong một ngữ-cảnh cũng không thể thích hợp hơn là: “bài thơ tình phai nhạt” (như sự thôi xanh của những chiếc lá cuối mùa).
Tôi gọi đó là kỹ thuật liên-tưởng-gián-cách. Không cần chiếc cầu nối “liên từ” (conjunction) nào. Một thi sĩ khác, để “hiển thị” hoặc, muốn đem sự dễ hiểu đến cho người đọc, có thể sẽ viết “Khi em cầm ngọn gió cuối thu, ‘khiến’ anh nghĩ tới lá vàng. Và chiếc lá vàng ấy, đã rơi vào ‘bài thơ tình phai nhạt.'”
***
Tới đây, tôi nghĩ không nên viết thêm điều gì nữa, về cõi-giới thơ mênh mông kênh, mạch của Nguyễn Ngọc Hạnh. Vì có viết thêm bao nhiêu, cũng sẽ không đủ. Nên, tôi xin khép lại bài viết này, bằng bài “Còn Nợ Phía Bèo Trôi.” Một bài thơ cho thấy tấm lòng biết ơn đời, biết ơn người và, biết ơn luôn cả rác rến (phía bèo trôi) của cuộc sống, một khi tác giả phải đi xa, khuất, biệt cuộc đời này:
Biết lấy gì để tặng cơn mưa
Cứ lất phất bay như gió nhẹ
Cứ rơi rơi trong chiều lặng lẽ
Mưa cứ mưa đan chéo nỗi buồn
Biết lấy gì để tặng hoàng hôn
Ai đã nhuộm màu trời huyền ảo
Đâu dễ vẽ nên chiều quyến rũ
Dễ pha chiều vào giữa hồn tôi
Biết lấy gì để tặng đêm trôi
Lấy gì lấp đầy hao khuyết
Khi yêu ai nói lời hối tiếc
Thôi đừng bịn rịn với chiều buông
Biết lấy gì để tặng nỗi buồn
Xin trích đời tôi ngày gió bão
Trích phận em phập phù thiếu nữ
Chẳng có ngày vui đàn bà…
Lấy gì đây để tặng đời tôi
Khi giấc mơ sắp khép lại rồi
Biết trích vào đâu mà gửi lại
Câu thơ còn nợ phía bèo trôi…
Tôi trộm nghĩ, nếu Nguyễn Ngọc Hạnh băn khoăn về món nợ tinh thần của anh với “phía bèo trôi,” thì, những người đọc thơ anh, rồi đây, sẽ lấy gì để trả món nợ mà, một đời anh đã tự nguyện hiến, tặng qua thi ca?
Du Tử Lê
(Garden Grove, Tháng Tư 2017)
Chú thích:
(1) Mời đọc thêm “Một Mảng Trời Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh,” dutule.com ngày 17 Tháng Mười Một, 2014.
(2) Có bản chép thơ Chế Lan Viên: “Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.” (Nguồn Wikipedia)
…………………………………………………………………
Fw: Fwd: BA LẦN ĐI TÌM HỒ DZẾNH – Nguyễn Thị Ngọc Hải
Khanh-DQ Nguyen to:….,me
Bài này viết khá hay.
Xin chuyển đến những người Hà Nội xưa.
DQ
1. GIỮA CHỢ ….KHÔNG AI HỎI?
Quái lạ, suốt bao nhiêu năm làm báo ở Hà Nội, bao nhiêu lần đạp xe qua phố Hòa Mã, mà sao mình không biết ở đó có nhà của thi sỹ Hồ Dzếnh?
Đó là câu hỏi có phần ngạc nhiên và ân hận, khi tôi xin được địa chỉ của nhà ông. Lúc này đã vào năm 1991 khi tôi đã chuyển vào Sài Gòn sống, lúc nào nghĩ về quê nhà xa xôi là liền nhớ về trên cái “gam” nền những rung động buồn thương thuở thiếu thời ôm cuốn “Chân trời cũ ” …
Mà chợt nhớ ra, những năm tháng sống ở Hà Nội ấy không biết mình từng đi qua cửa nhà Hồ Dzếnh cũng phải. Thời đó nắng to lên một cái là đạp xe như ma đuổi, chạy cho nhanh xa những phố phường gần nhà máy, trận địa cao xạ, Hay đơn giản là chẳng gần đâu cả, nhưng phố nắng người thưa đang trong hồi còi báo động. Nhà thi sỹ ở ngay “phố nhà rượu”, rất dễ là mục tiêu bắn phá của máy bay Mỹ.
Và cũng quanh quanh gần mấy phố này thôi, nhà thơ tài năng – Quang Dũng (Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn – Về ngắm Sài Sơn lúa chin vàng-….Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc- Sáo diều vi vút thổi đêm trăng – ông tả quê tôi đấy ) đã từng sống những ngày nghèo khó thiếu ăn. Như nhà văn Thanh Châu miêu tả, Quang Dũng thích ăn khoai lang hàng bà cụ phố Tuệ Tĩnh. Kẹo vừng ông lão chợ Hôm. Nước chè tươi, cơm đầu ghế… Tất cả đều gần gũi quanh đây, sao ngày đó tôi không tìm họ?…
Sau những năm bom đạn ấy, lại tiếp thời bao cấp đói nghèo Hà Nội. Vất vả nuôi con, thiếu thốn và mải miết với những xếp hàng mua gạo thịt tem phiếu. Với những chuyến đi. Với những rắc rối cơ quan nhà nước nào cũng có… Suốt ngày sấp mặt xuống đến nỗi sau này vào Sài Gòn hát nhạc Trịnh công Sơn tả Hồ Tây với “đàn sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…” tôi cứ tự hỏi, quái lạ, mình sống ven Hồ Tây mà suốt đời có bao giờ nhìn thấy loài chim nào gọi tên Sâm Cầm đâu.
Cũng không biết ngay đầu phố mình, ven Hồ có nhà văn Phùng Quán sống bằng “cá câu trộm ” ở Hồ Tây, làm cái chòi ngay mép nước trường Chu văn An nơi con tôi học ở đó…
Cuộc sống vất vả nhất – cũng có thể là bị hủy hoại bởi nhiều thứ chán ghét nhất đó khiến tôi không thể tách mình ra mà hiểu hết được cái thời mình đang sống, để tìm gặp những người mình rất ngưỡng mộ sau này là những danh nhân chẳng thể nào gặp nữa.Sao mình không phỏng vấn Võ Nguyên Giáp, Tôn Thất Tùng, Văn Cao, Trần Duy Hưng, Phạm Tiến Duật, Quang Dũng, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh ….? Thật là một khoảng trống không thể tha thứ đối với một người đã từng làm báo ở Hà Nội.
Với tất cả nỗi “day dứt Hà Nội “đó, vợ chồng tôi tìm đến phố Hòa Mã.
Năm 91- những năm đầu Việt Nam mở cửa, đã mấy năm bước vào Đổi Mới rồi, nhưng vẫn còn nghèo. Các ký giả phương Tây vào nhiều. Họ tả Việt Nam với lời khen ngợi nhưng vẫn là một Việt nam theo góc nhìn tường thuật riêng …” Nơi gặp gỡ lạ lẫm giữa Đông và tây “…” Xóm ổ chuột, phụ nữ chẻ tre, bán trái cây, làm ruột cá. Đàn ông thu gom sắt vụn, sửa nhà cửa …””
.Chưa đến cái thời “giàu nhanh, mất định hướng và hỗn loạn “như sau này
♦ ♦ ♦
Trời Hà Nội vừa nắng gắt đã chuyển mưa nên nhiều người bị cảm cúm thành dịch giữa mùa hè. Vợ nhà thơ cũng bị cúm nên quán sách của ông bà đóng cửa. Hồ Dzếnh đi vắng.
Bà Nguyễn thị Hồng Nhật, dù đang ốm nghe chúng tôi tự giới thiệu “Độc giả hâm mộ từ Sài Gòn ra” thì vội thay chồng tiếp khách.
Khi chúng tôi muốn bà phác họa trước vài nét tính cách cá tính của nhà văn, bà cười với vài lời ngắn gọn:
“Nghĩ đến ăn là sợ. Có lẽ một ngày bữa ăn quan trọng nhất của nhà tôi là sáng sớm, một bát phở hàng quen, cho rất ít bánh. Ông bị hen phế quản nên khó thở và yếu.. Đêm không ngủ được, cứ kêu thừa thì giờ phí quá, lại ngồi viết.”
Rồi bà như giải thích: Tính tình âm thầm trầm lặng ít phô phang, không bao giờ thích nói tâm tư mình. Có lẽ vì thế nó…. tích thành bệnh.
Chúng tôi nhìn quanh nhà, trên tường có một tấm hình đề chụp 1957 ở sân bay Gia Lâm- Cụ Hồ đang nhận bó hoa từ tay một phụ nữ thay mặt đoàn người . Bà Hồng Nhật giải thích:”Hồi đó tôi hoạt động công tác Mặt trận ra tiễn Cụ Hồ đi thăm các nước.”
Căn phòng ấm cúng trang trí giản dị theo lối gia đình Hà Nội gốc trong căn biệt thự Pháp hầu hết đã cũ kỹ.
Thế là chỉ bước qua quán sách nhỏ, ta bỏ lại sau lưng phố xá nhốn nháo thời “hiện đại ” hàng quán có cả trăm thứ chuyện bực mình để bước vào một thế giới dịu êm thuần khiết của “người Hà Nội xưa “. Những gì văn hóa, thanh nhã xa với tiền bạc vẫn đang sống kín đáo, trở nên một phong cách riêng mà trên phố xá ta nào thấy được.
Bà kể có lần, một người không rõ từ đâu đến đứng chọn mua sách rồi hỏi “thưa có phải đây là nhà của thy sỹ Hồ Dzếh không, sau khi nghe trả lời đúng rồi, anh ta hát lên:”Trên đường về nhớ đầy….chiều chậm đưa chân ngày …” rồi cúi chào bước đi
Quán sách bán không chạy (đã vào cái thời …mấy ai đọc sách nữa..). Bà chọn những cuốn sách văn học có giá trị, bày vào cái tủ kính nhỏ. Đoạn gần Chợ Hôm mới nhiều người qua lại bán mua. Đoạn phố Hòa Mã này không phải nơi sầm uất, nên không mấy khách tìm tới. Thành ra chiếc tủ sách nhỏ phải lui vào im lặng bên trong, nhường chỗ cho hàng hóa khác treo la liệt ngoài cửa hiên nhà.
Nhà thơ cho thuê rẻ cái góc cửa nhỏ, giúp đỡ cho các thanh niên chưa có việc làm có chỗ bán hàng tạm.
Một lúc sau, thi sỹ Hồ Dzếnh về.
Dù đã tranh thủ “điều tra ” trước qua bà vợ ông, dù đã đọc nhiều bài viết về ông trên sách báo, chúng tôi vẫn ngạc nhiên và vui mừng được thấy ngay trước mắt mình một người thanh nhã, ý nhị và rất gần gũi, rất phù hợp với mối xúc cảm mà tất cả chúng ta từng được khơi dậy từ “Chân trời cũ “.
Khi nói chuyện, ông hay cười, càng khơi càng thân và tâm đắc.
Khi biết đây là khách “tận trong Sài Gòn ” ra thăm chỉ vì ái mộ, vợ chồng ông mời chúng tôi ở lại ăn cơm. Rất tiếc là thời gian eo hẹp quá nên ông tìm ra giải pháp mời chúng tôi đi ăn sáng vào hôm sau. Ăn sáng tốn ít thì giờ hơn, ra tiệm,khách khỏi áy náy sợ phiền “không ai phải nấu nướng cả “, nhất là ông có hàng phở quen, ngon lắm.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến cổng, đã thấy ông đứng chờ ngay dưới gốc cây. Thật cảm động khi thấy” người thi sỹ trong mơ ” của mình, ăn mặc tề chỉnh giản dị, tóc chải mượt ra phía sau y như trong các tấm hình chúng ta thường thấy.
Hình như quán phở đường Lê văn Hưu? Không nhớ nữa. Chúng tôi cảm động quá,, ngồi ăn phở và uống café sữa. Ông rất vui, cho biết chúng tôi đến thăm vô tình đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 75 của ông.
Hôm ấy, ông kể chuyện mình đi vào Nam và đến chùa Pháp Hoa tìm thăm nhà văn Nguyễn minh Châu,, nhưng không gặp. Đó là những năm cuối đời, Nguyễn minh Châu bệnh nặng, vào Chùa Pháp Hoa lúc đó đang nổi tiếng trị được trọng bệnh theo một thứ thuốc riêng. Cho mãi sau đến lúc gặp được nhau, đã là lúc Nguyễn minh Châu sắp mất.
“Những người mà mình yêu mến, hình như không bao giờ được gần”
Nhà văn nói khẽ, không biết có phải ông đang nhớ lại những ngày gặp Thạch Lam vào năm 1941 trên chuyến xe lửa Hải Dương-Hà Nội hay không. Trên chuyến tàu đó, Hồ Dzếnh ngồi xem lại tập bản thảo của mình thì một người ngồi bên cạnh hỏi mượn xem. Lúc đó ông đâu biết người ấy chính là Thạch Lam, nhà văn nổi tiếng của Tự Lực Văn Đoàn.
Sau lần ấy, Thạch Lam phát hiện, khuyên nhủ góp ý, giúp cho tập truyện được xuất bản. Chính Thạch Lam đã viết lời tựa đầu tiên cho tập “Chân trời cũ ” của Hố Dzếnh. Nhưng khi sách ra được, thì Thạch Lam đã mất.
“Với Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam, nếu tính thời gian theo cả giây cả phút thì tôi cũng chỉ được gặp hai ông trong 3-4 tiếng đồng hồ là cùng.”
Nhìn vẻ mặt xúc động của ông, tôi chợt hỏi:
“Cả đối với bác nữa- thưa bác,cháu có một điều không rõ: Vì sao bác vẫn sống ngay giữa Hà Nội, vậy mà sự gặp gỡ cũng như tin tức về bác hầu như rất ít, rất mù mờ. Có người còn đồn rằng hình như bác ở mãi đâu bên Mỹ, Canada…”?
Hồ Dzếnh cười hiền:
“Tôi vẫn sống ở đây thôi. Bần cư trung thị vô nhân vấn. Nhà nghèo thì ở ngay giữa chợ cũng không ai hỏi đến. Vậy mà mình bần, hôm nay vẫn có các bạn đến hỏi đây này.”
Dù đã đọc nhiều, chúng tôi vẫn muốn nghe từ chính ông chuyện sáng tạo ra những vần thơ vì sao nó ở mãi trong lòng người,. Ông sáng tác bài “Chiều ” có mối sầu vạn cổ chất vào trong một buổi chiều ấy như thế nào… Các nhân vật được ông viết trong “Chân trời cũ ” ám ảnh buồn thương da diết ấy là ai, có còn không…
Hồ Dzếnh kể rằng bài Chiều chỉ làm ngẫu hứng tại Lạng Sơn, khi đó ông là một chàng trai lên chơi với người anh làm hỏa xa.. Ở đó, chàng đứng một mình giữa rừng biên giới, lòng buồn vô hạn vì thấy quê cha Trung quốc, quê mẹ Việt nam. Hai quê hương mà không có nơi chốn nào để đến cả. Cả hai đất nước đều bị xâm chiếm. Mình đứng giữa thấy một nỗi buồn lạ lùng. Và bài thơ thả vào không gian nỗi buồn đó.
“Còn những nhân vật trong “Chân trời cũ ” có còn ai không ư,còn chị Đỏ Đương, giờ đã 80 tuổi rồi. Muốn về thăm cụ ấy….”
Những người ấy, họ có biết họ được trở thành nhân vật làm thổn thức bao trái tim không ạ?
Hồ Dzếnh:” Không. Thí dụ như cụ Đỏ Đương 80 tuổi rồi ấy, mù chữ.Đâu có biết đến văn chương. Họ sống cuộc đời cho mình lấy làm tài liệu nhưng không bao giờ đọc.”
Ông nói chậm, nhẹ, ngậm ngùi. Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện lúc nãy bà vợ ông kể cho chúng tôi về cái ngày họ vào Sài Gòn được dự một đám cưới người quen. Khi quan khách được nghe giới thiệu rằng có mặt nhà thơ Hồ Dzếnh, thì tất cả bỗng lặng đi, ngạc nhiên. Rồi lập tức mấy cậu trai trẻ nhảy lên sân khấu, cầm đàn hát ngay bài “Chiều “.
Nhớ chuyện ấy, tôi nghĩ mình cũng đang có một cơ hội ngồi trước mặt thi sỹ, tôi liền cũng hát cho ông nghe bài “Chiều ” đó. Tiếng buồn vang trong mây, tiếng buồn vang trong mây……
Âm điệu buồn thương giữa rừng cao biên giới ấy, mặc kệ, bây giờ giữa quán phở có màn hình tivi đang mở nhạc Rock ầm ỹ ấy, mặc kệ, nó vẫn vang lên trong các tâm hồn cảm động.
Đã đến lúc tôi có thể hỏi ông về nhận xét của các nhà nghiên cứu văn học “phê bình ” rằng văn chương ông có chút yếu đuối.
Ông gật đầu:
“”Yếu đuối và lãng mạn ư?Phải cần tới nó.Đó không phải là yếu đuối, mà là cái TÌNH luôn giữ được trong con người. Một góc nào đó, nó giúp con người kiên gan. Cháu thấy không, người mẹ chỉ có cái ruột tượng thắt bụng nuôi con, chẳng bao giờ hé răng kêu.”
Thật kỳ lạ. Chỉ bước ra khỏi quán sách im ắng của nhà ông thôi, ta lại đối mặt với cuộc sống ào ào, khá tàn bạo. Vậy mà bên trong ấy,vẫn có một dòng chảy khác, khá lãng mạn nâng đỡ tâm hồn con người.
Cảm ơn Hồ Dzếnh. Hình như ông vừa bước ra từ “Chân trời cũ ” để thả vào cuộc sống hôm nay một lời xao xuyến nhắc nhở về tình người.
2. MÌNH VỪA LÀ CHỊ, LÀ EM….
Lần thứ hai tôi ra Hà Nội-khoảng năm 1992, tìm đến nhà, dù biết chẳng còn gặp Hồ Dzếnh được nữa. Ông đã mất ngày 13-8-1991.
Tôi đến để thắp hương.
Tôi hơi bang hoàng vì sự thay đổi nhanh chóng, cứ như là người vừa đi là dấu vết mới đây thôi cũng đi theo.. Ngôi nhà không còn là quán sách và những người buôn bán vặt l a liệt không còn ở đó nữa.
Bà Hồng Nhật tiếp tôi cũng không còn ở căn phòng ấm cúng lần trước kiểu Hà Nội xưa, mà là ở căn phòng lớn mặt tiền.Ở đó có một bàn thờ hiếm có:Do bà bày tất cả sách, báo viết về ông lên đó và ngày ngày thắp hương, trò chuyện trong im lặng.Bàn thờ độc đáo giống như một quầy sách khá lớn.
Bài báo nhỏ của tôi viết về cuộc gặp mới đây, đăng lên, ông chưa kịp đọc cũng nằm đó, lọt thỏm giữa các tác phẩm đồ sộ.
Bà chẳng nói được gì nhiều như lần gặp đầu tiên vui vẻ. Khách cũng khá run rẩy trong lòng nên buổi viếng đó chỉ dành để lướt qua những gì tha thiết nhất người ta viết về Hồ Dzếnh.
Cuộc đời ông hiện ra thật khổ đau qua lời Vũ Bằng:…”Chiến tranh chạy về làng Neo Thọ Xuân Thanh Hóa- dọc bờ sông Nông Giang dạy học. Vợ bán sách cũ và thảm tình trong những ngày kháng chiến, vợ bị bệnh tả chết để lại đứa con trai mới 5-6 tháng:
“Lấy võng đưa xác vợ chạy đi chôn trong chiều tím ngắt tím hoa sim đúng như trong thơ Hữu Loan Màu tím hoa sim.”
Trong trí nhớ Vũ Bằng, …”mặc áo bành tô cứt ngựa, đi dép, địu con trên lưng, lúc thì đi vơ vẩn ở bãi bến đầu sông, lúc thì chui vào bờ bụi tránh máy bay. Hễ gặp người nào như thế, không ai nói ai nhưng ai cũng biết đó là Hồ Dzếnh. Không cách gì mà sai được. Là vì ở Khu 4, mà chắc chắn khắp cả trong nước không có một người đàn ông thứ hai nào nuôi con khổ cực đến như Hồ Dzếnh. Một mặt lo chạy loạn, một mặt lo ăn,, một mặt nữa lo sao cho con có sữa sống qua ngày.”…
Tôi gập cuốn sách lại, liếc nhìn vẻ mặt bà Hồng Nhật dưới vành khăn để tang còn mới. nhưng trong khi tôi nước mắt lau trộm thì bà lặng lẽ, lật tìm những bài khác đưa cho tôi.
Bà bảo, ông địu con đi xin bú nhờ (gọi là bú thép. Thế nên mới hay nói câu:Vợ góa nhà văn lấy nhà văn góa vợ- Con nuôi nước Việt, nhờ nước Việt nuôi con…)
Bà Hồng Nhật-như ta biết- là cô gái bán sách tiệm Bình Minh, đẹp nhất nhì Hà Nội một thời, là vợ góa của nhà thơ Trần trung Phương. Chồng mất, bà cũng nuôi đứa con trai nhỏ mới mấy tháng như Hồ Dzếnh và rồi hai người đã trở thành bạn đời.
Đây là lời Du Tử Lê: “Hồ Dzếnh là người bạn thiết của những kẻ lang thang. Hồ Dzếnh đã đi vào đời tôi bằng một khung cửa buổi chiều. Hồ Dzếnh đã ở trong tôi không như một Huy Cận cao ngất khinh mạn, không như một Nguyễn Bính ngọt ngào mật đồng nội. Hồ Dzếnh đến và ở lại trong tôi như một chiếc bóng âm thầm. Muộn phiền và tơi tả “.
Còn Mai Thảo – Hồ Dzếnh “một người Tàu nghèo khổ bỏ một nước Tàu nghèo khổ.Đi qua Vân Nam. Đi từ Dương Tử đi tới Hồng Hà. Đi từ Trung Hoa đi tới Việt Nam.” Khi nói tới người mệ Việt của Hồ Dzếnh, Mai Thảo dẫn ra tác phẩm “Quê ngoại- là chiếc khay vàng hiến dâng mẹ hiền một niềm biết ơn trang trọng.”….
Bà Hồng Nhật thắp thêm ngọn nến khác thay vào ngọn đã cháy hết. Chúng tôi cứ im lặng chẳng nói gì, chỉ lần giở qua những tác phẩm bày đầy một bàn, sửa sang cho ngay ngắn.
Chia tay bà, tôi nhớ câu của nhà văn Nguyễn Khải:”Hiện nay,tầng dưới ngôi nhà phố Hòa Mã vẫn chỉ có hai vợ chồng. Ông luôn mỉm cười ngồi ở trên cao kia, còn bà mỗi ngày một mỏng đi.”
Cái dáng “mỗi ngày một mỏng đi ” ấy đưa tôi ra tận đầu đường mới chịu quay lại.
Tôi chợt nhớ bài thơ Hồ Dzếnh viết tặng vợ:”Mình vừa là chị, là em-Tiếng lòng người mẹ, trái tim bạn đời-Mai này tới lúc chia phôi- Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau.-Xót mình đã lắm thương đau- Tôi xin là kẻ đi sau đỡ mình….”
Hồ Dzếnh ơi, vội ra đi trước, vậy là ông đã nuốt lời hứa rồi sao….?
3. GỌI TÊN VANG GÓC PHỐ
Vào năm 2000 tôi lại có dịp ra Hà Nội và không quên ghé phố Hòa Mã để thắp hương ông và thăm bà Hồ Dzếnh.Dự định là Sẽ ngồi với bà thật lâu.
Lần này sẽ hỏi bà nhiều chuyện tâm tình mà lần trước sát ngay những ngày đau thương, không thể tiện hỏi. Chuyện tình yêu, gia đình, chuyện Hồ Dzếnh bảo với chúng tôi trong lần gặp đầu, ông đang viết cuốn sách có tên “Chuyện viết lúc 5 giờ chiều “. Ông viết về người thân, bạn bè, theo một kiểu giống “Chân trời cũ “. Không rõ viết xong chưa, đã in chưa…
Tôi đến trước cổng nhà phía Ngô Thời Nhậm, nơi ngày đó Hồ Dzếnh ăn mặc chỉnh tề đầu chải mượt đứng chờ để đưa chúng tôi đi ăn phở. Giờ đây không có ông nữa rồi, không còn dáng “Hồ Dzếnh thường đi lặng lẽ, lủi thủi một mình trên hè phố….như bóng dáng của nhân vật từ chân trời xa vắng….(Võ Văn Trực )
Cách cả chục năm rồi còn gì. Lúc đó, ngôi nhà 2 mặt tiền của ông có vẻ chưa có nhiều ý nghĩa kinh tế gì lắm. Cái thời mà nhà báo nước ngoài tả Hà Nội có những người đàn ông đội mũ nồi, áo vải nhăn chậm rãi đạp xe qua những hồ nước phẳng lặng. Thành phố toát lên bầu không khí trí thức tinh tế.
Bây giờ thì không đúng nữa rồi. Mặt tiền nhà phía Hòa Mã đã không còn như cũ. Một tiệm thời trang đã thuê để kinh doanh. Mấy cái Manocanh khiến ta giật mình như có ai đang chặn hỏi.Như nó mắng tôi, mắt để đâu, làm gì còn có ngày xưa….
Chiếc cửa phía Ngô Thời Nhiệm vẫn thế, có cái xích lớn vòng qua lỗ cửa và một chiếc khóa lớn đóng im ỉm.
Tôi bắt đầu đập mạnh vào cái dây xích, gọi cửa. Mãi mới có một thanh niên ra tiếp. Anh giới thiệu mình là Trần trung Cường, con trai của bà Hồng Nhật.
Anh hốt hoảng hỏi nãy giờ chị gọi tên ai. Rồi ngậm ngùi: Chị vừa kêu tên mẹ em vang khắp phố. Mẹ em mất rồi.Mất thừ năm 1998 cơ.
….Câu chuyện hôm đó đưa chúng tôi trở lại quá khứ. Chuyện về bố của Cường. Ông là nhà thơ viết về thiếu nhi nổi tiếng Trần trung Phương.thường viết cho tờ Tin Mới dưới bút danh Tổng Nhĩ. Ông hoạt động Cách mạng, bị Pháp bắt và mất năm 1945, khi Cường mới 5 tháng. Mẹ Hồng Nhật nuôi con, mở tiệm sách Bình Minh và tham gia hoạt động yêu nước cách mạng. Rồi mẹ kết hôn với Hồ Dzếnh.
Thế còn câu chuyện mẹ anh là người phụ nữ đẹp nhất nhì Hà Nội thế nào?
Anh Cường:”Không có thi cử như bây giờ. Không ai bầu.Nhưng Hà Nội lúc đó nhỏ, giới trí thức, trung lưu hay đồn nhau. Họ cho rằng mẹ em và vợ nhà nhiếp ảnh Lê Vượng cũng tên là Vượng- là hai người phụ nữ đẹp nhất Hà Nội Em nhớ một chuyện, hồi chiến tranh chống máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc,phải đi sơ tán về Hương Canh Vĩnh Phú.Em đem theo cái đài bán dẫn ban đêm nghe.Một lần có buổi phát thanh từ Đô thị miền Nam, có bài viết Nhớ về Hà Nội.Họ tả phố xá, món ăn, nhớ cả hiệu sách Bình Minh có cô bán sách rất đẹp và lịch thiệp.Em vặn to lên cho mẹ em nằm bên cùng nghe”
Anh Cường giờ đây đã trở thành giảng viên của Nhạc viện Hà Nội. Anh Chính-người con trai xưa Hồ Dzếnh bế đi xin “bú thép ” nay cũng đã là một giáo viên dạy toán. Còn người đẹp Hà Thành năm xưa nay cũng đã mất ở tuổi 83.
“Khi mẹ đau ốm nặng, bạn bè chúng em vào thăm. Nói rằng khi đi tưởng tượng ra bà cụ 83 chắc là già lắm. Vậy mà đến nơi thấy bà còn đẹp quá. Đó là mẹ đã gày đi còn một nửa và mẹ bảo cảm ơn các anh tôi đã sa sút nhiều lắm rồi đấy ạ.”
“Mẹ là một phụ nữ rất chỉn chu lo toan trong họ ngoài làng. Lại rất văn minh, lịch thiệp, có văn hóa. Em không ngờ khi tuổi cao gần mất, mẹ rất thuộc thơ văn.Thơ chồng đã đành.Còn biết rất nhiều điển tích,khi nói rát hay vận dụng, mà em nhiều khi không hiểu hết mẹ mình.
Mẹ đoan trang quý phái, nghĩ ngợi nhiều, ít giao tiếp bên ngoài. Ăn mặc nền nã, hay mặc áo màu chìm, áo dài đen.Phấn son nhẹ nhàng, tóc nhuộm không bao giờ để bạc.Tóc nhuộm lần cuối trước khi vào bệnh viện. Bàn tay búp măng đẹp lắm. Đây còn cái áo mẹ mậc khi vào Sài Gòn chơi, được tặng hoa ông Võ nguyên Giáp.
Gia đình em 2 dòng máu, mẹ cha đều yêu thương hai Tổ Quốc Cách mạng”
Trước lúc mất, dù là người cao tuổi nhất đoàn,”theo tour cho kịp là khó khăn”, bà vẫn gắng cùng bạn bè đi du lịch Trung Quốc một lần “cho biết quê chồng “, dù rằng chỉ biết quê ông ở Quảng Đông. Không còn dấu vết cũng như họ hàng thân thích nào. Bà đi theo một số địa danh có tên trong các bài thơ nhớ thương bàng bạc của chồng.
Chính vì gốc tích, quê hương mơ hồ mà nỗi thương nhớ của thi sỹ Hồ Dzếnh trong người vợ đến quê chồng “Tô Châu lớp lớp phủ Kiều-Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam- Rọc rời vó ngựa quá quan-cờ treo ý cũ, mây dàn mộng xưa …”càng thêm da diết xót xa.
“Lúc từ bệnh viện về, mẹ đòi đưa tập hình ảnh chụp chuyến đi Trung Quốc để giữ bên mình trong túi áo. Mẹ muốn giữ kỷ niệm sâu sắc và niềm vui mãn nguyện cuối đời đã thay chồng về cho biết quê hương.”.
Tôi tạm biệt Cường với căn nhà mỗi lần đến là một lần thay đổi …./.