1.Nhà thơ Ngô Tịnh Yên-bài 2-(DTL)2.T.C.Sơn,như cánh vạc bay(QG)3.Cảm hứng Giáng Sinh Hồ Dzếnh(NV)

Những yếu tố nào làm thành lục bát Ngô Tịnh Yên?
Nguồn:dutule.com-12/25/2014

Tác giả : Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết).

Anne-Tokyo National Museum 10.jpg1

Tokyo National Museum (Hình:Anne Le chụp 7/2014)

Có người hỏi tôi, phải chăng chìa khóa của sự thành công ở thể lục bát, của thơ Ngô Tịnh Yên là chủ tâm chọn lựa những thi-nhãn tương thích?

Tôi nhớ, tôi đã trả lời bạn đọc đó rằng: Không. Thi-nhãn chỉ là “người” dẫn, dắt cho con thuyền thơ trôi thuận chiều, êm đềm trên dòng chảy mượt mà của lục bát mà thôi. Từ trường hay sức quyến rũ của một bài thơ nói chung, lục bát nói riêng, nằm ở giá trị nội tại hay tự thân của bài thơ đó.

Vì thế, tôi rất thích khi tìm thấy một bài của nhà thơ T. Vấn trên trang mạng Wikipedia-Mở, viết về thơ Ngô Tịnh Yên. Bài viết nhan đề “Mụ phù thủy và đôi môi mềm (*) hay ‘Đọc Lục bát khỏa thân’ của Ngô Tịnh Yên”.

Bài của tác giả này, mở ra như sau :

“1.

“Người đi soi cội tìm nguồn
Nghe trong cơ thể hao mòn khớp xương
(Ngô Tịnh Yên)

“Tập thơ không dày lắm – 20 bài. Như lời tác giả, con số 20 tượng trưng cho tuổi đôi mươi, tuổi của tình yêu. 20 bài Lục bát khỏa thân.

“Tại sao là Lục bát khỏa thân?

“Nói đến lục bát, người ta nghĩ ngay đến hai câu thơ nằm kề. Câu sáu là Adam, mở lòng mình ra, mở cả thân xác mình ra để đón câu tám – Eva – bước vào cõi Thiên đường, bước vào lấp cho đầy chỗ cụt của xương sườn. Cái vần của nguồn trong câu sáu – Người đi soi cội tìm nguồn – phải vận với mòn trong câu tám – Nghe trong cơ thể hao mòn khớp xương “- Cái mẩu xương bị lấy ra – tình nguyện cho lấy ra – để được bàn tay mầu nhiệm biến thành kỳ quan tuyệt vời nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Thượng Đế. Dẫu cho sau đó là cả một nhân loại dại khờ suốt chiều dài lịch sử của mình.

“Khỏa thân là một đất trời trọn vẹn, một đất trời của thuở hồng hoang trong vườn địa đàng. Khỏa thân là thực tại bằng xương bằng thịt của khái niệm Tình yêu, là điều kiện đủ của nhị nguyên triết học, của nhị nguyên trời đất, nhị nguyên âm dương, của nhị nguyên Trăng và Mật, của nhị nguyên Lục Bát và Khỏa Thân. Như những nét minh họa của nữ họa sĩ tiếng tăm Nguyễn Thị Hợp, nằm rải rác suốt tập thơ mỏng manh. Những ‘Giai nhân nằm phơi lõa thể. Bên Ni phố vắng…’ (Phạm Duy)’ (…)

“3.

“Lần dở những trang thơ. Những trang thơ mong manh như những thân xác Eva trong cơn lốc thời gian âm ỉ. Trang Thả lá đề thơ bên cạnh một tác phẩm nhiếp ảnh tuyệt vời của nhiếp ảnh gia Hồng Nga (lại một nữ nghệ sĩ nữa – tôi tự hỏi!). Nhìn giai nhân trong ảnh – rõ ràng trong ngọc trắng ngà / giữa trời lồ lộ một toà thiên nhiên (Nguyễn Du) – tôi liên tưởng ngay đến cái Hữu Hạn của con người và cái Vô Hạn của Nghệ Thuật. Rồi đây, một trăm năm sau, một ngàn năm sau, hình hài này, sáng tạo tuyệt vời của Thượng Đế này, sẽ trở thành cát bụi, sẽ là hư không. Nhưng bức ảnh nghệ thuật sẽ bất diệt, sẽ còn lại mãi mãi, sẽ tươi trẻ mãi mãi như Tuổi Xuân (tên bức ảnh trong tập thơ), như vào giây phút diệu kỳ trang tuyệt thế giai nhân từ từ trút bỏ xiêm y, từ từ ngồi xuống cho người nghệ sĩ ghi lại hình ảnh sẽ được lưu giữ cho nhiều thế hệ mai sau – miễn là lịch sử không đẻ ra thêm những Tần Thủy Hoàng nào nữa.

“Tôi đọc trang Thả lá đề thơ. “… Từ đó… trái khôn ngoan đã biến thành trái dại khờ. Bao kẻ dại khờ đã yêu nhau trên trái đất này từ ấy đến nay? Tôi cũng là một trong những kẻ dại khờ đó, tình nguyện dại khờ… vui vẻ dại khờ…” (Thả lá đề thơ – Ngô Tịnh Yên)

“Thế ra, tôi đã nghi oan cho cho những nữ nghệ sĩ khả ái của chúng ta. Tôi tưởng các vị đùa cợt chúng tôi – một lũ nhân loại đàn ông dại khờ – Thế ra, tác giả NTY cũng là một trong những kẻ dại khờ đó. Tình nguyện dại khờ. Vui vẻ dại khờ.

“Tôi tưởng… chỉ có chúng tôi – lũ đàn ông tội nghiệp – mới là những kẻ dại khờ.

“Thế ra, các dòng sông, mọi lạch nguồn, đều chảy về một chỗ trũng. Thế ra, những tư tưởng… lớn cũng đều gặp nhau ở một chỗ rất bé nhỏ nào đó (ngoài trần gian ngắn ngủi này)…” (Nđd)

Ở một phân đoạn khác, phân đoạn số 5, của bài viết, vẫn tác giả T. Vấn đi sâu vào nội dung hay giá trị tự thân của thơ Ngô Tịnh Yên, qua thi phẩm “Lục bát – khỏa thân”, ông ghi nhận:

“5.

“Lục Bát như cô gái vừa đẹp, vừa duyên dáng mặn mà nhưng cũng khá là đỏng đảnh. Lần đầu tiên đến với thơ, người ta tưởng chừng như dễ dàng chinh phục được nàng Lục Bát. Nhưng không phải vậy. Càng lưu luyến với thơ, càng thấy rằng khó mà đến gần được cái hồn của Lục Bát. Cái mà thi sĩ Luân Hoán gọi là “uyên nguyên căn bản”. Từ xưa tới nay có bao nhiêu người làm thơ, nhưng chạm tay được vào Lục Bát – theo tôi – không hẳn là có nhiều. Với tôi, Ngô Tịnh Yên chỉ cần kiễng chân lên một chút nữa là có thể với tới được cái hồn Lục Bát mà nhiều người làm thơ thèm khát. Trong tập 20 bài này, có những bài mà duyên nữ tính bộc lộ rất rõ nét, từ vần điệu đến câu chữ. Bằng vào cảm quan của một kẻ thuộc… nòi tình, tôi nhận ra ngay cái nét nữ kia.

“Thí dụ như bài Hôn:

“Yêu nhau yêu cái răng khôn
Lỡ mai răng lệch biết hôn chỗ nào
Yêu cái răng khểnh thấp cao
Nếu như răng lệch chỗ nào mình hôn
Đã yêu đâu sợ mất còn…
Răng long đầu bạc vẫn hôn như thường
(Hôn – Ngô Tịnh Yên)

“Có những bài lại nhẹ nhàng mộc mạc ý nhị như ca dao:

“Chỉ tại con mắt lá dăm
nên tằm mới chịu ăn nằm với dâu
còn tôi có tại gì đâu
cũng đòi bắt chước theo dâu với tằm

chỉ tại cái nết không chừa
thế nên trúc cứ lẳng lơ với mành
còn tôi giả bộ vô tình
cũng đòi bắt chước trúc mành lăng nhăng

ghét tôi cũng chẳng ăn nhằm
trăm dâu cứ đổ đầu tằm là xong
(Trăm dâu cứ đổ đầu tằm – Ngô Tịnh Yên)

“Làm nhớ đến câu ca dao đọc lên nghe như da thịt có gai: Kim chích vô thịt thì đau, thịt chích vô thịt nhớ nhau trọn đời.

“Một tập thơ có 20 bài, mà được đến như thế, tưởng cũng là… hơi nhiều”

(Nđd).

Cùng một quan điểm, lục bát Ngô Tịnh Yên gần với ca dao, về phương diện nội dung, nhà báo Mặc Lâm viết:

“…Nhưng không phải thơ Ngô Tịnh Yên lúc nào cũng đằng đẵng như thế. Dòng lục bát của chị đôi khi trở thành ca dao, một thứ ca dao của người thành phố biết làm thơ và biết nghĩ ngợi về nó. Nét ca dao trong thơ Ngô Tịnh Yên tuy không thoát hẳn ra để đứng riêng như những nhà thơ lớn, nhưng thành thật mà nói, khi đọc lục bát Ngô Tịnh Yên, người nghe không cảm thấy bị xúc phạm vì thần tượng Nguyễn Du của mình bị người khác lem luốc.

“Tôi buồn, buồn sững – buồn câm
Trăng không đốt nến sao trầm hương bay?
Tôi buồn, buồn đắng – buồn cay
Đường không ngăn ngõ nhưng dài lối đi
Tôi buồn, buồn lạ – buồn kỳ
Không ai trăn trối sao đi chẳng đành?
Tôi buồn, buồn quẩn – buồn quanh
Buồn da buồn diết buồn thanh thoát đời
Tôi buồn, buồn đất – buồn trời
Mành se chẳng đặng tiếc thời chiêm bao.

“Buồn đến như thế thì chỉ có ca dao mới diễn tả nổi. Thì ra, nhà thơ của chúng ta rất tinh tế khi mượn ca dao để làm tình làm tội nỗi buồn của mình. Chưa hết, trong một bài thơ khác, Ngô Tịnh Yên đã rất cứng tay không ngần ngại dùng hồn vía ca dao để dẫn người đọc về một vùng quê nào đó nơi đồng bằng sông Cửu để hò hát cùng nhà thơ trong những mùa gặt đầy trăng…” (Nđd).

Tóm lại, sự thành công của Ngô Tịnh Yên, ở thể thơ lục bát theo tôi, là tổng hợp của ba yếu tố: thi-nhãn, bệ phóng ca dao và, nội dung tự thân văn bản.

Du Tử Lê,

(Dec. 2014)

___________
(*) Giải thích câu thơ “Mụ phù thủy và đôi môi mềm” được dùng làm nhan đề của bài viết, nhà thơ T. Vấn giải thích: Đó là nhan đề bài thơ đầu đời, ông viết và, đăng trong Đặc san Xuân trường Trung học Pétrus Ký niên khóa 69-70 ở Saigon.

………………………………………………………………………..

Trịnh Công Sơn, như cánh vạc bay
Nguồn:nguoiviet.com-Wednesday, December 24, 2014

Quỳnh Giao

Quỳnh Giao xin thân ái kính chào quý vị thính giả,

Trịnh Công Sơn viết nhạc từ tuổi đôi mươi cho đến những năm gần đây, nên đã cho chúng ta một số lượng tác phẩm rất lớn. Như ở một triết gia đích thực, ở nơi ông nỗi ám ảnh lớn về đời người đã đưa đến ba loại đề tài lớn, là tình yêu, quê hương và thân phận con người, trong đó chiến tranh và đói khổ là sự ngột ngạt bao trùm lên tất cả.

Khi chiến tranh đã chấm dứt, và vận nước đã đổi thay, ông thiên về các đề tài mang nhiều triết tính về cuộc đời, nhưng thủy chung vẫn là người viết nhạc tình độc đáo nhất. Nhạc sĩ Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là “ca nhân về tình yêu” có lẽ là trong ý đó…

Từ góc độ của người hát và yêu nhạc, khi nhìn lại Trịnh Công Sơn viết cho tình yêu, Quỳnh Giao muốn được nói lên một sự kiện, đó là từ Trịnh Công Sơn trở đi, các tình khúc đã đổi khác rất nhiều, và nền tân nhạc phải cảm tạ ông về sự khai phá đó…

Nói về tình khúc Trịnh Công Sơn, ta hãy thử nhắm mắt lại để nhìn quanh mà xem… Gió mưa; nắng cát; sông biển núi non; sa mạc, công viên; lá vàng, sỏi đá; rong rêu, lộc nõn; phố vắng, tháp cổ; mây bay, tóc rối; thân xác, cây già, v.v… ngần ấy hình tượng tản mát đều lấp lánh siêu thực trong các tình khúc của ông.

Trịnh Công Sơn là một phù thủy về ngôn ngữ, và căn bản văn hóa Pháp mà ông hấp thụ từ khi còn trẻ có thể phần nào, dù chỉ phần nào thôi, giải thích khả năng dùng chữ đầy ấn tượng lạ kỳ của ông. Phần nào thôi, vì khả năng rất tự nhiên đó, có lẽ ông phải có từ tiền kiếp, nhất là trong lối sử dụng hình dung từ bóng bảy và hình ảnh bất ngờ mà có sức biểu cảm lớn, như trong hội họa.

Ông là một nhà thơ, trước khi là một nhạc sĩ. Ta hãy nghe Tuấn Ngọc trong bài Ru Ta Ngậm Ngùi chẳng hạn, để bàng hoàng nhớ lại là 30 năm trước ông dùng chữ như thế nào…

Ngoài giá trị của lời ca, điều giải thích vì sao nhạc Trịnh Công Sơn chinh phục người nghe có lẽ là nét nhạc đơn giản, có giá trị ở giai điệu hơn hòa thanh. Nhạc ông dễ nghe dễ cảm lại không đòi hỏi hòa âm cầu kỳ, cho nên chỉ với một cây đàn, người ta cũng đã diễn tả được cái hồn của nhạc, cái tứ của thơ, chứ không cần tới dàn nhạc lớn được phối khí công phu.

Trong ý nghĩa đó, nhạc Trịnh Công Sơn là những khúc rong ca nằm ở một cực đối nghịch với nhạc Dương Thiệu Tước bác học. Nhưng hai người lại giống nhau, và có lẽ hợp nhau, ở trình độ văn hóa rất sâu và khả năng dùng chữ rất tài. Ta hãy nghe giai điệu Bốn Mùa Thay Lá, tự thân đã là tuyệt tác về lời ca qua cách diễn tả của Ngọc Huệ.

Bên lề sự nghiệp âm nhạc, khi nói về nhạc tình, người ta có thể lý luận dài dòng về tình yêu của Trịnh Công Sơn. Ông viết tình ca cho người, có thể là cho người yêu, nhưng không ngưng ở điểm tới của tình yêu, mà đi tới, đi tiếp. Và bay mãi, một mình, như cánh vạc trong đêm. Thực ra, ông có trái tim quá lớn để có hạnh phúc. Trái tim đó đã nở thành cả trăm tình khúc cho đời, mà trong một chương trình, chúng ta chỉ có thể giới thiệu được một phần nhỏ, rất nhỏ, qua một số trích đoạn…

Vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, khi chúng ta còn sướt mướt với dòng nhạc lãng mạn gọi là tiền chiến, thì Trịnh Công Sơn đã gây kinh ngạc cho mọi người, với một số ca khúc thật lạ. Lạ từ nhan đề tới hình ảnh tân kỳ mang nét siêu thực trong lời ca.

Về nhan đề thì Ướt Mi, Diễm Xưa, Tuổi Đá Buồn, Lời Buồn Thánh, Ru Ta Ngậm Ngùi… quả là mới lạ, khi chúng ta đã quen nghe Kiếp Hoa, Nỗi Lòng, Khúc Nhạc Tương Tư, hay Lá Thư, Tan Tác, Tạ Từ…

Rồi về lời ca thì mưa bay trên tầng tháp cổ, mắt xanh xao, hồn xanh buốt… là hình tượng mới và màu sắc lạ, đã gây sự chú ý cho người nghe. Và nét nhạc chậm buồn như lời kinh thảm sầu khiến các tình khúc của ông liền chinh phục người nghe…

Sang thập niên sau, Như Cánh Vạc Bay và một loạt các tình khúc khác tiếp tục làm chúng ta say mê với hình ảnh diễm ảo của tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh… ta nghe từng giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh…Trịnh Công Sơn viết nhạc tình với nét bút họa sĩ trong một bức tranh cổ, và ông khéo dùng kỹ thuật cổ họa, ông đảo ngược ngôi vị chủ khách để vẽ ra những thăng hoa hay tàn phá của tình yêu, khi chủ đích là hát cho người tình.

Sau đây, Quỳnh Giao xin quý vị cùng thưởng thức lại ca khúc Như Cánh Vạc Bay đó, do Lê Uyên diễn tả.

Cũng trong lối viết tình ca, Trịnh Công Sơn có thể là đứa bé thơ nói về mối tình trăm tuổi, hoặc cụ già thực hư về hoan lạc cuộc đời trẻ dại. Bài Nguyệt Ca đã diễn tả được nét vui tươi mơn mởn của tình yêu, đưa ta về quê hương thanh xuân, và toàn bài duy nhất có một chữ tình thì lại là… tình cờ.

Quỳnh Giao xin hân hạnh trình bày ca khúc này, với hòa âm của Duy Cường mà Quỳnh Giao mong là diễn tả được nỗi hớn hở trữ tình của bài ca.

Nghệ thuật dùng chữ bóng bẩy, với những tĩnh từ nay mang nghĩa mới sắc mới đã tạo ra phong cách Trịnh Công Sơn. Người nghe cứ tưởng rằng mình được mời vào ngôi vườn cũ, thế rồi cảnh trí đổi thay, bao nhiêu hình tượng hay ý niệm của ước lệ cổ điển bỗng đảo tung và ngôi vườn xưa chợt mở ra khung trời lạ. Sự biến gây choáng váng đó là gì, nếu không do tình yêu?

Đóa Hoa Vô Thường, ca khúc công phu nhất và dài hơn 11 phút của ông với sáu chuyển đoạn thần diệu, có thể là điển hình cho nghệ thuật Trịnh Công Sơn khi ông viết về tình yêu như nỗi chết bất tận giữa cõi vĩnh hằng của kiếp sống. Người sẽ diễn tả cho chúng ta cái ma lực của ngôn ngữ Trịnh Công Sơn trong ca khúc này là Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của tác giả.

Lâu lắm sau 1975, Trịnh Công Sơn đã viết trở lại về những thể tài đích thực của riêng ông, như lời thiên thu gọi, như cánh diều bay mà hồn lạnh lẽo… Bản thân ông rong chơi trên mé bờ tuyệt vọng mà tình ca của ông vẫn nuột nà đằm thắm, và Trịnh Công Sơn vẫn có thính giả của ông, ở mọi lứa tuổi. Như Môi Hồng Đào 16 tuổi và Hoa Vàng Mấy Độ đã nối lại dòng tình đứt đoạn của một đời quá thăng trầm, như Quỳnh Hương nhí nhảnh đùa vui với nhân thế, và Ở Trọ đã làm tuổi thơ đời nay đi từ dân ca vào âu ca, an nhiên tựa hơi thở.

Sau đây, chúng ta hãy nghe Tam ca Áo trắng trong bài Quỳnh Hương tươi tắn của ông…

Lời cuối ở đây, chúng ta phải dành cho chính tác giả. Năm năm trước, Trịnh Công Sơn đã viết: Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác. Người yêu nhạc ông cũng biết là cuộc đời vốn không thể khác, nên dù cho bão nổi sóng chìm, loài chim nhỏ hót chơi trên đầu ngọn lau vẫn để lại cho đời những tình khúc tuyệt vời. Những tình khúc Trịnh Công Sơn. Như một hội ngộ mới, chúng ta hãy nghe Trịnh Công Sơn hát, về Một Cõi Đi Về của ông.

Sau đây, xin quý thính giả nghe phần phỏng vấn Trịnh Công Sơn…

Quý thính giả vừa nghe Trịnh Công Sơn trả lời cuộc phỏng vấn. Quỳnh Giao xin gửi tới ông lời cầu chúc an lạc và xin kính chào tạm biệt quý thính giả, xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam để nói về tình ca Phạm Duy…

……………………………………………………………………………………

Cảm hứng Giáng Sinh của Hồ Dzếnh
Nguồn:nguoiviet.com-Wednesday, December 24, 2014

Viên Linh

Cả nhân thế trên đường về chuếnh choáng
Ngầu men say đầy ứ khí tham lam,

Xuân muôn năm nơi vĩnh viễn linh hồn,
Hương thanh khiết thơm tươi mùa trọng thể
Ðời lạnh quá! Ngoài kia chiều đã xế…
(Hồ Dzếnh, Hồn Chiều)

Ho Dzenh

Nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991)

Trong những nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến, Hồ Dzếnh thường hiện ra trong êm đềm, nhẹ nhàng, và lúc nào cũng thân mến thiết tha. Dù là “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, để lòng buồn anh dạo khắp sân ga,” dù là “Cô gái Việt Nam ơi! Nếu chữ hy sinh có ở đời,/ Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực/ Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.” Nhà thơ hai dòng máu ấy, cha người phương Bắc, mẹ gốc biển Nam, lại có nét đặc thù là nhiều lần cảm hứng đặt bút xuống giãi bày lòng mình về Thiên Chúa, văn xuôi thì có “Jesus Christ, Ý nghĩa đêm Noel,” thơ thì có “Hồn Chiều” và “Hiu Quạnh,” bài trên mường tượng tấm lòng bác ái ở thiên cung và phơi bày ruột gan biển lận trong cõi thế:

Ảo vọng hết! Lâu đài trên dải cát!
Con thấy khônq, muôn vật chỉ phù hư
Và đau thương làm rộn đáy tâm tư
Ngỡ sâu mạnh nhưng chỉ là gió thoảng!

Cả nhân thế trên đường về chuếnh choáng
Ngầu men say, đầy ứ khi tham lam,

…Tin tưởng lạnh! Lời thề xưa đã lỗi,
Hồn kinh phai trên miệng thế từ lâu.
(Hồ Dzếnh, Hồn Chiều)

Trong bài “Jesus Christ, Ý nghĩa đêm Noel,” Hồ Dzếnh viết:

“Một thi sĩ Ý Ðại Lợi đã ru Chúa bé mọn bằng câu thơ êm đềm này:

‘Hãy ngủ đi, hài nhi – Ðừng khóc nữa – Hãy ngủ đi! Hài nhi thiêng liêng! – Gió bão không bao giờ gầm thét được trên đầu Cha ngươi.’ … Nhưng đứa con của Nữ Thánh Marie lọt lòng không phải là để ngủ. Gió bão vẫn nổi lên, nhưng không hề làm cho trẻ sơ sinh kia sợ hãi. Chúa thức tỉnh giữa hơi thở hà ấm của lừa, bò, giữa sự săn sóc của bày trẻ chăn chiên và ba vua quyền quý. Chúa thức tỉnh khi những hành động dã man nhất của các vị cầm đầu hồi ấy nổ tung. Suốt đời, con người thương yêu thế gian kia không bao giờ nhắm mắt cả trong sự tĩnh mịch của khu vườn ô-liu.”*

Ho Dzenh 2

Nhà thờ chính Phát Diệm, Ninh Bình, mùa Noel năm nay, 2014.

Nhà thơ Hồ Dzếnh tên thật Hà Triệu Anh, sinh năm 1916 tại Thanh Hóa, cha người Quảng Ðông, mẹ người Việt họ Ðặng cũng gốc người Thanh Hóa. Theo Từ Ðiển Văn Học (Hà Nội, 2004), ông đã xuất bản các tác phẩm sau đây: Dĩ Vãng (truyện vừa, 1940), Quê Ngoại (tập thơ, 1942), Những Vành Khăn Trắng (truyện dài, ký Lưu thị Hạnh, 1942), Tiếng Kêu Trong Máu (truyện dài, 1942), Một Chuyện Tình 15 Năm Về Trước (ký Lưu thị Hạnh, 1943), Chân Trời Cũ (tập truyện ngắn, 1943), Hoa Xuân Ðất Việt (tập thơ,1946), Cô Gái Bình Xuyên (truyện vừa, 1946), Cuốn Sách Không Tên (tiểu thuyết tự truyện, xuất bản sau khi mất), 13 tháng 8,1991.

Tên tuổi Hồ Dzếnh rất phổ cập không những qua thơ, mà còn qua bản nhạc Chiều do Dương Thiệu Tước phổ nhạc từ thơ ông, và ông cũng rất nổi tiếng với văn xuôi, qua bút hiệu Lưu Thị Hạnh ký trên tác phẩm “Một Chuyện Tình 15 Năm Về Trước.” Thơ ông có nhiều bài được truyền tụng, song nhân nói đến nét đặc thù lấy cảm hứng từ sự tích Noel của ông, không gì bằng chúng ta hãy đọc toàn vẹn bài thơ “Hiu Quạnh.” Cũng lấy cảm hứng cùng một tôn giáo, và gần như cùng một thời với nhau, ít nhất là thời đất nước chưa chiến tranh, thơ Hồ Dzếnh khác với thơ Hàn Mặc Tử. Cả hai lại cũng khác với Quách Thoại thời thập niên ’50, khi chúng ta để những bài thơ lấy cảm hứng Thiên Chúa Giáo của ba người này cạnh nhau.

Hiu quạnh

Hồ Dzếnh

Thuở nhỏ, tôi run lúc đổ chiều
Gió về trút lá, trải cô liêu,
Ðường xa thấp thoáng hàng sương trắng
Gối lẻ, giường đơn, lạnh rất nhiều.

Ðèn chụp chao xanh, dọi sách vàng,
Tay luồn tóc biếc, mắt theo trang,
Tôi mơ khi học bài Luán lý:
Cửa hé nhà ai sáng dịu dàng.

Chữ nở ra hoa, sách có người,
Tôi nâng nâng sách ép lên môi.
Rùng minh khi thấy hồn thay khác,
Ngây cả giang sơn, đắm cả trời.
Ðó tuổi thanh xuân ngóng bạn về,
Ðường đời giục giã bước chân đi,
Nghìn đôi mắt đẹp, nghìn tên lạ,
Tối chép song song đậm nét chì.
Trốn tránh đìu hiu, kiếm lứa đôi,
Quên thân đau khổ giữa vui đổi,
Khi đèn đỏ ngọn, hồn kinh thoảng:
“Lạy Chúa nhân lành thương xót tôi.”
Núi dựng cô đơn, buồn xếp hàng,
Ngõ chiều, mây trắng phất phơ tang,
Ái ân khôn lấp hồn sa mạc,
Vĩnh viễn thê lương lạnh bóng tàn.
Chiều buốt linh hồn tôi đứng đây,
Nguyện cầu thánh giá, chắp đôi tay,
Rưng rưng mắt lệ nhìn xa thẳm,
Mơ lửa trời thiêng cháy vạn ngày…*

Bài thơ có bảy đoạn, 28 câu, mỗi câu 7 tiếng, cộng với 2 tiếng nhan đề “Hiu Quạnh,” tất cả là 198 chữ, mà nói biết bao nhiêu điều trông ngóng đìu hiu trong màng lệ thanh xuân xa thẳm. Ðó là một trời thê thiết cho một linh hồn đang cầu nguyện trong cô đơn, hai bàn tay úp lại, lúc đêm xuống, đèn lên, ngõ vắng với tiếng kinh cầu thoang thoảng trong mây, và cõi lòng thê lương rét mướt. Xa xa rặng núi như mặc niệm, trong tâm tưởng cõi lòng là sa mac, chỉ có trang sách, chỉ có ngọn bút, chỉ có tôi và người trong sách nhìn nhau qua màn lệ mà thôi. Và chúng tôi nhìn thấy ánh lửa ơn phúc chan hòa của vạn ngày hứa hẹn. Chưa thấy một bài thơ nào nói nhiều đến thế, trong chỉ từng ấy chữ – nhưng đó là chữ và thơ Hồ Dzếnh.

(Virginia, Noel 2014)

*Bài thơ này đăng trong tuyển tập Tác Phầm Ðầu Xuân, xuất bản tháng 12, 1944. Ðăng lại trên tạp chí Thời Tập số 16, tháng 12, 1974, Sài Gòn.

…………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics