1.Nhà thơ Như Quỳnh de Prelle -Kỳ 2(DTL)2.Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh qua đời(NV)3.Thơ Minh Đức Hoài Trinh–

Như Quỳnh tố giác tệ trạng xã hội, không khoan nhượng

Du Tử Lê/Người Việt
Nguồn:nguoiviet.com- June 9, 2017


Như Quỳnh de Prelle. (Hình: Facebook Như Quỳnh)

Như Quỳnh tố giác tệ trạng xã hội, không khoan nhượngNhư đã nói, “Thơ Quỳnh” có ba phần. Mở đầu mỗi phần là “dẫn nhập” ngắn của tác giả, trước khi bước vào nội dung.

Phần hai, tựa đề “Nỗi Buồn Nhiệt Đới,” Như Quỳnh de Prelle viết: “Tôi sinh ra, lớn lên ở Đất Mẹ, 30 năm. Những ký ức về tuổi thơ, về quê ngoại, về những trang sách. Sự hiện diện của gia đình. Sự cập nhật của các sự kiện bằng tin tức, mạng xã hội. Khi tôi đã ý thức trở thành một công dân, một con người xã hội, một con người khác ngoài cái tôi và riêng tư, tôi mạnh mẽ và tự tin, tôi độc lập và lặng lẽ. Suốt 30 năm ấy và sau đó, khi tôi đi học, khi tôi làm việc, khi tôi dịch chuyển từ nơi này nơi kia, vượt qua đại dương, trên những chuyến bay, chuyến tàu xa lạ, đến những vùng đất mới, tôi choàng tỉnh đón nhận một buổi sáng đầy hương hoa giữa rừng, tôi nhận ra, tôi còn thiếu bao điều mới lạ khác mà gần gũi hơn với chính tôi, với ký ức của tôi. Và tôi tiếp tục viết. Nhiệt đới buồn. Để tìm tiếng nói tự do, tình yêu trắc ẩn, để tìm quyền sống trong những rung cảm ly ti của những xung động, cảm xúc. Dòng chảy đó liên tiếp liên tiếp, và sẽ không ngưng lại, dù tôi ở đâu, trở thành ai khác.”

Tuy chưa một lần trực tiếp, tiếp xúc với Như Quỳnh, nhưng tôi tin, “quyền sống trong những rung cảm” vi tế và, dòng chảy đó sẽ “không bao giờ ngưng lại” dù ở hoàn cảnh hay với “lý lịch nhân thân” nào, thì, chúng cũng vẫn sẽ mãi mãi sinh động trong thơ Quỳnh.

Ở phần 2, “Nhiệt Đới Buồn,” trước khi người đọc gặp được những thao thức, băn khoăn, trăn trở của tác giả về một đất nước, ở xa, Như Quỳnh đã tự nói về mình, về “cái tôi” chân thật, “như một kẻ tự kỷ của thời đại”:

“…Cái Tôi thuộc về thế giới
nơi nào đó được sinh ra
lớn lên
trưởng thành
và rời bỏ
nhưng chả có nơi nào thuộc về cái Tôi
nó chỉ là một bản thể
1 cá nhân
được tự do trên cánh đồng của người An Nam
bằng ngôn ngữ tiếng Việt
tiếng mẹ sinh ra
cái Tôi được tự do tung tẩy
sống trên những hạt mầm…”
(Trích “Câu Chuyện Về Cái Tôi”)

Và, không chút ngập ngừng, không chút khoan nhượng, ở bài thơ thứ hai của “Nhiệt Đới Buồn,” Như Quỳnh đã chỉ đích danh một số nhân vật thuộc loại “quyền uy xã hội” chỉ là những anh… hề. Cũng trong bài thơ này, lần đầu tiên, người ta thấy những “anh hề” chính trị được cho “đồng sàng” với nhà văn mà tác giả gọi là “anh hề chữ nghĩa”:

“…trong giấc ngủ tôi nhìn thấy một anh hề
anh hề nói về những thân phận con người
ở mọi nơi anh ta đến và đi
những mặc cảm
tự ti

anh hề cũng tự biết mình hèn nhát
quay sang nói về đám đông
mộng mị
(…)
chàng nói cho tôi về một anh hề khác
y chang
tôi nghi ngờ
thì ra anh hề như thế rất nhiều trong máu từng người
có chữ có mề đai

nhảy nhót
làm trò
trí thức vừa ngủ vừa mê
làm trò chơi hòa hợp
giả dối lấp liếm

anh hề và nhà văn thân nhau
họ muốn có nhiều độc giả
nhiều fan
sự ảnh hưởng
nhà văn thì toàn chụp hình thời trang
thích bàn chuyện thị phi phân biệt
rêu rao trí trá…”
(Trích “Anh Hề Trong Giấc Ngủ”)

Với tham vọng nói lên được tiếng nói phản ảnh thế hệ của mình, Như Quỳnh đã ghi lại những biến chuyển tâm lý, từ giai đoạn vô thức, ý thức rồi từ tro bụi tới lòng biết ơn:

“tôi nói với bạn về đám cháy của tinh thần
của thế hệ tôi
những lý tưởng mù loà sáng chói
đam mê chạy theo
mải miết cả tuổi thơ mình
cho đến lúc trưởng thành
ra ngoài thế giới
nhận ra
đám cháy trong mình lạnh ngắt
có khi lụi tàn
thành tro bụi

(…)

tôi biết ơn loài người
nhân loại
biết ơn đám cháy tinh thần
thế hệ tôi
tuổi thơ tôi…”
(Trích “Đám Cháy Tinh Thần Của Tôi”)

Từ sự biết ơn đó, Như Quỳnh nhìn nói về đất nước với tất cả nồng nàn, chân chất của một đứa con xa quê hương:

“…Tôi nhớ sự giản dị của những món ăn, những ngôi làng, những cái chợ
tôi sống ở đó
30 năm
tôi khóc, tôi cười, có lúc tôi đau
dường như tôi lạc lõng ở nơi đất Mẹ
tôi sống ở đó
30 năm
tôi học, tôi làm, tôi trưởng thành như một công dân thế giới

(…)

Và tôi lớn lên ở đó cùng với 80 triệu người
Buồn tột cùng
Chia sẻ tột cùng để tìm hạnh phúc
Và tôi yêu những gì thuộc về nguồn cội của tôi, đất Việt.”
(Trích “Đất Nước 1”)

Là thế hệ sinh ra khi đất nước đã chấm dứt chiến tranh. Nhưng sự chấm dứt một cuộc chiến, thông qua cái nhìn, cảm nhận của Như Quỳnh, không có nghĩa là tai ương, đau khổ, bất hạnh, tang chế… đã không còn chỗ để tung hoành, tấn công những con người bần hàn, khốn khổ. Mà trái lại:

“Tôi lớn lên không biết khói đạn bom rơi
Như ba tôi và những người đã nằm xuống
Tôi chỉ nhìn thấy nước mắt rơi
Của nhiều bà mẹ
Của những em thơ đói nghèo
Của những căn nhà dột nát
Của những căn bệnh từ chiến tranh
(Trích “Dữ Dội”)

(Còn tiếp một kỳ)

………………………………………………………………

Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh của ‘Kiếp Nào Có Yêu Nhau’ qua đời

Đỗ Dzũng/Người Việt
Nguồn:nguoiviet.com- June 10, 2017


Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh thời gian ở Paris. (Hình: minhduchoaitrinh.wordpress.com)

HUNTINGTON BEACH, California (NV) – Nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh vừa qua đời lúc 2 giờ 19 phút chiều Thứ Sáu, 9 Tháng Sáu, tại bệnh viện Huntington Valley Healthcare Center, Huntington Beach, hưởng thọ 87 tuổi, nhà văn Nguyễn Quang, phu quân của bà, xác nhận với nhật báo Người Việt.

Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, thường lấy các bút hiệu là Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử, là một trong những văn sĩ nổi tiếng nhất miền Nam Việt Nam, đặc biệt với hai bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” và “Đừng Bỏ Em Một Mình,” đều do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

Ngoài ra, bà cũng là tác giả của bài thơ “Ai Trở Về Xứ Việt,” sau này được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc, và trở thành một trong những nhạc phẩm tiêu biểu của người tị nạn Việt Nam hải ngoại.

Nhà văn Nguyễn Quang cho biết, bà sinh ngày 15 Tháng Mười, 1930 tại Huế, sống ở Pháp từ năm 1953 đến 1964. Sau đó bà đến định cư tại Orange County, California, từ năm 1980.

Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh cắt bánh sinh nhật lần thứ 85. Người đeo nơ đứng phía sau cầm tay cho bà cắt bánh là nhà văn Nguyễn Quang, phu quân của bà. (Hình: Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ)

Bà là con quan Tổng Đốc Võ Chuẩn, ông nội bà là Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ của triều đình.

Năm 1945, bà tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó biết sự lợi dụng của phong trào, bà bỏ về Huế tiếp tục học.

Năm 1964, bà đi du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Á Đông La Sorbonne, Paris.

Năm 1967, bà ra trường và làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF, đi làm phóng sự nhiều nơi sôi động nhất như Algeria và Việt Nam.

Năm 1972, bà được cử theo dõi và tường thuật Hòa Đàm Paris.

Năm 1973, bà sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái, một thời gian sau bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, từ năm 1974 đến năm 1975.

Sau biến cố 1975, bà trở lại Paris cho xuất bản tạp chí “Hồn Việt Nam” và trở lại cộng tác với đài ORTF, qua chương trình Việt Ngữ để tranh đấu cho những nhà cầm bút, những văn nghệ sĩ Việt Nam bị cộng sản cầm tù.

Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhận tư cách hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế tại Rio de Janeiro, Brazil, vào năm 1979.

Bà đã dùng ngòi bút và khả năng của mình thường xuyên tranh đấu cho các văn nghệ sĩ bị cộng sản giam cầm phải được trả tự do.

Ngoài những bài báo, bà còn sáng tác hơn 25 tác phẩm giá trị, trong đó có truyện ngắn, thơ…

Nhà văn Nguyễn Quang đã thực hiện một tập sách rất công phu khá đầy đủ những tài liệu, bài vở và hình ảnh với tiêu đề: “Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh.”

Có đoạn nhà văn viết: “Sau khi đọc quyển sách này người ta tự hỏi làm sao Minh Đức Hoài Trinh một con người nhỏ bé lại có thể hoàn thành trên nhiều lãnh vực trong thời gian đen tối nhất của lịch sử Việt Nam. Bà đã đi trên khắp năm lục địa, vào những vùng chiến tranh lửa đạn. Những đóng góp của bà với một cuốn sách nhỏ nầy chắc chắn không diễn tả hết được những gì bà đã làm cho quê hương cho nền văn học Việt Nam.”

Các tác phẩm của bà gồm có Lang Thang (1960), Thư Sinh (1962), Bơ Vơ (1964), Hắn (1964), Mơ (1964), Thiên Nga (1965), Hai Gốc Cây (1966), Sám Hối (1967), Tử Địa (1973), Trà Thất (1974), Bài Thơ Cho Ai (1974), Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang Paris 1976), This Side The Other Side (Occidental Press USA 1980), Bên Ni Bên Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm Thư 1 (tái bản 1987), Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990).

Về bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” rất nổi tiếng của bà, nhà văn Phạm Xuân Đài cho biết: “Đây là bài thơ bà sáng tác khoảng cuối thập niên 1950 hoặc đầu thập niên 1960, lúc đó lấy tên là Hoài Trinh, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cùng tên.”

“Còn một bài thơ nữa của bà, cũng rất nổi tiếng, và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cùng tên, đó là bài ‘Đừng Bỏ Em Một Mình,'” nhà văn cho biết thêm.

Theo nhà báo Đinh Quang Anh Thái, phụ tá chủ nhiệm nhật báo Người Việt, một trong những bài thơ nổi tiếng khác của bà là “Ai Trở Về Xứ Việt” (1962). Sau năm 1975, bài thơ được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc cùng tên.

Trên trang web dutule.com của nhà thơ Du Tử Lê cũng có lưu lại bài này, và cho biết bà sáng tác tại Paris năm 1962.

Nói về hoạt động và con người của bà, nhà văn Việt Hải có lần viết: “Trên cao tất cả, tôi quý nhà văn Minh Đức Hoài Trinh vì bà trung thành với đất nước Việt Nam Cộng Hòa, bà chống Cộng Sản, bà chống bạo lực và ác tính đè nặng lên vai người dân, bà bôn ba vận động can thiệp trả tự do cho giới văn học báo chí, những nạn nhân của những trại tù Cộng Sản. Bà xin lại tư cách Văn Bút Hội Viên Việt Nam tại diễn đàn Văn Bút Quốc Tế. Trong vai trò phóng viên chiến trường bước chân Minh Đức Hoài Trinh đi qua các địa danh thân yêu từ Sài Gòn ra miền Trung, qua các vùng thân quen của xứ sở như những Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị,…”

Nhà văn Nguyễn Quang cho biết đang làm việc với nhà quàn Peek Family, Westminster, để lo việc mai táng cho nữ sĩ.

Liên lạc tác giả: dodzung@nguoi-viet.com
…………………………………………………………………………

THƠ MINH ĐỨC HOÃI TRINH

Nguồn:thica.net

Gục đầu bên mộ mẹ

Gục đầu bên mộ mẹ
Nước mắt chìm tha ma
Lụa tâm hồn ai xé
Kinh cầu ai ngân nga

Lòng ta hằng mơ ước
Có hôm nao được về
Con tàu xuôi bến nước
Hân hoan vang tình quê

Mẹ ơi ngày ấy đến
Chúng không cho con về
Ôi lũ người chưa yêu mến
Và những tấm lòng chưa biết say mê!

Lòng chúng làm bằng thép
Tim chúng vấy bùn nhơ
Cầu hư danh gượng ép
Chà đạp lên giấc mơ

Thế là hết mẹ ơi
Tàu nhổ neo đi rồi
Con không về với mẹ
Máu rướm mềm lên môi

Nghiến răng kìm căm tức
Lang thang chiều tha ma
Quên làm sao u uất
Nguôi làm sao xót xa

Gục đầu bên nấm mộ
Mẹ ơi con không về
Chuông nhà thờ ai đổ
Ai nghe buồn lê thê

…………………………………………………..

Lời ca của đất

Minh Đức Hoài Trinh

Em đây mà
Anh, anh ơi sao không quay đầu lại
Sao không nhìn nhau
Không gượng nhẹ bàn tay
Em của anh
Bao nhiêu lần sợ hãi
Từng đợt mìn bom
Từng hố trẻ vùi thây

Hãy nhìn em đi anh
Xin nhau cái nhìn đằm thắm
Xin nhau nụ cười thiết tha
Quê hương mình
Đường Bắc Nam thăm thẳm
Từng đoàn quân chen chúc tới tha ma.

Đêm mờ hơi sương
Đi đâu anh, đi đâu
Xin đừng đi nữa
Đỗ lại hôm nay, cởi súng buông gươm
Tội nghiệp em
Ba mươi năm khói lửa
Mải hận thù quên nói chuyện yêu đương.

Em sợ lắm
Mùi hôi tanh của màu đen, máu chết
Từ mình anh rịn thấm xuống thân em
Trời ôi, này
Sao xác anh bê bết
Lấy đất bùn thay nệm ấm chăn êm

Hình hài em bé nhỏ
Sẹo hằn lên thịt da
Ruột gan ai nỡ xé
Gỗ đá nào không nức nở thương ta.

Trích tạp chí Hồn Việt Nam, số 5, ngày 15/2/76

……………………………………………………………….

Đừng bỏ em một mình

Minh Đức Hoài Trinh

Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh

Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình

Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh

Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hòa đại dương mông mênh

Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh

Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh

Đừng bỏ em một mình
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hòa trong tiếng u minh

Đừng bỏ em một mình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình

Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh

Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành nhạc phẩm cùng tên.

……………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics