1.Nhà văn Dương Hùng Cường, Kỳ 1 & 2 (DTL)-2.Hữu Loan, nhà thơ con người,tích xưa, việc cũ (Viên Linh/NV))-

Nhà văn Dương Hùng Cường, một nhân cách hiếm, quý- Kỳ 1

Nguồn: Du Tử Lê/Người Việ –

Nhà văn Dương Hùng Cường. (Hình: Du Tử Lê cung cấp)

Nếu không kể những văn nghệ sĩ được CSVN cho về nhà vài ngày để chờ chết thì, Dương Hùng Cường là một trong những nhà văn bị chết trong tù. Cái chết của ông, cho đến nay, vẫn không ai được biết rõ nguyên nhân.

Dương Hùng Cường là một nhà văn miền Nam Việt Nam, nổi tiếng, dù viết không nhiều. Cho đến ngày qua đời, ông chỉ cho xuất bản trước sau ba tác phẩm. Đó là các cuốn “Buồn Vui Phi Trường,” “Lính Thành Phố” ký sự và “Vĩnh Biệt Phượng” tiểu thuyết. Mặt khác, Dương Hùng Cường cũng nổi tiếng với bút hiệu Dê Húc Càn, trên tuần báo trào phúng Con Ong của nhà báo Minh Vồ.

Bút hiệu Dê Húc Càn của nhà văn Dương Hùng Cường được ký dưới những bài viết châm biếm tệ trạng xã hội, tố cáo những bê bối của các nhân vật tai to mặt lớn ở miền Nam…

Theo tác giả Ngộ Không trong loạt bài sưu tầm những bài viết về nhà văn này thì, nhà văn Dương Hùng Cường sinh ngày 1 Tháng Mười, 1934, tại Hà Nội. Ông mất ngày 21 Tháng Mười Một, 1987, tại nhà tù Phan Đăng Lưu, Gia Định.

Qua hai ký sự “Buồn Vui Phi Trường” và “Lính Thành Phố” độc giả biết, Dương Hùng Cường là một quân nhân, phục vụ trong binh chủng Không Quân. Nhưng người ta sẽ không biết rõ phần đời quân ngũ của ông, nếu không có đoạn hồi ký của nhà văn Nguyễn Thụy Long, tác giả tiểu thuyết “Loan Mắt Nhung.” (1)

Trong hồi ký viết về những ngày đầu khi mới gia nhập binh chủng Không Quân, trước khi trở thành nhà văn, Nguyễn Thụy Long kể rằng, chiều chiều, tan sở, ông lấy xe đạp, đạp ra khỏi trại, hoặc đi học thêm, hoặc gặp bạn bè.

Ông nhắc tới những người bạn văn nghệ thuở đó, có người đã thành danh, bước hẳn vào nghề cầm bút, như nhà thơ Hoài Nam từ Huế trở về Sài Gòn, đổi bút hiệu là Trần Dạ Từ. Nhà thơ, nhà văn Trần Thị Thu Vân có bút hiệu mới là Trần Thy Nhã Ca. Hai người bạn thời niên thiếu của ông đã có thơ, văn đăng nhiều trên các tạp chí uy tín, trong khi ông vẫn còn nao nức với mơ ước nghiệp văn của mình.

Ông viết: “…Tôi yêu thích những bài thơ của Cung Trầm Tưởng, cuốn phóng sự ‘Buồn Vui Phi Trường’ của Dương Hùng Cường và vẫn hy vọng được tiếp xúc với anh, góp phần vào tờ báo Lý Tưởng của đơn vị…” (Trích hồi ký Nguyễn Thụy Long).

Một người bạn cùng phi đoàn trực thăng với Nguyễn Thụy Long, có thơ được đăng tải trong nguyệt san Lý Tưởng của binh chủng Không Quân, được ông nhắc tới một cách thân ái là Hạ Sĩ Lưu Văn Giỏi, người làm thơ ca tụng nghiệp bay, có bài thơ “Nghiêng Đôi Cánh Sắt” được chọn đăng trong báo Lý Tưởng. Lưu Văn Giỏi đã trang trọng cắt bài thơ dán vào tập vở, trình bày hoa lá cành thật đẹp, dĩ nhiên có cả hình chiếc máy bay. Lưu Văn Giỏi hy vọng có ngày sẽ thu góp thành một tập thơ để ấn hành… Trong khi mơ ước trở thành nhà văn của ông Long vẫn mờ mịt!

Chẳng những thế, ngay những ngày mới nhập ngũ, ông đã gặp một “tai nạn nghề nghiệp” khá trầm trọng, nếu không được “đàn anh” Dương Hùng Cường kịp thời can thiệp.

Tác giả thuật rằng, khi ông lái chiếc xe đa dụng “tractuer” ra khỏi cổng phi đoàn, ngang qua một nhóm lính bị kỷ luật, đang làm công tác “cỏ vê” thình linh ông nghe một người tù có vẻ lớn tuổi hơn cả, quăng cái xẻng xuống, giận dữ, hét lớn:

“-Này, cái thằng cai ngục kia, mày dám đánh trung sĩ không thì đến đây. Tao Trung Sĩ Dương Hùng Cường ba gai số một đây, giỏi thì đụng ông.

Anh cai ngục không vừa, xách cây hầm hầm đi đến: Ở tù rồi thì thằng nào cũng như thằng nào, bất kể quan quyền. Ở đây tao là người có quyền, cấp bậc trung sĩ của mày không phải là to đâu, ông đánh hết…

Trung Sĩ Dương Hùng Cường đứng chống nạnh: Giỏi thì cứ việc…

Đám tù đứng xổng người lên, một tay có vẻ ngang bướng: Mày mà đụng vào Trung Sĩ Cường hay bất cứ thằng nào ở đây nữa, chúng tao thịt mày liền.” (Trích hồi ký Nguyễn Thụy Long)

Giữa lúc căng thẳng đó, một nhân vật khác xuất hiện. Theo tác giả thì ông ta là trung sĩ “sếp sòng” ở cổng Phi Long, một người nổi tiếng hắc ám, từng phạt tân binh Nguyễn Thụy Long vài lần vì quân phục không nghiêm chỉnh.

Nắm bắt được vấn đề rất nhanh, ông cảnh cáo anh hạ sĩ coi tù rằng: “Thằng hạ sĩ còi kia, dù sao anh Cường cũng là hạ sĩ quan, mày không nên quá đáng. Thôi được, làm việc đi anh Cường. Tôi với anh là bạn, anh cứ cho nó thi hành nhiệm vụ, riêng với anh hưởng quy chế đặc biệt.”

Không đợi hạ sĩ cai ngục phản ứng, tác giả “Buồn Vui Phi Trường” nói lớn: “Mày coi chừng. Ông tướng tao còn không sợ, ‘mó dái ngựa’ đều đều nên mới phải vô đây, chúng mày chưa là cái giống gì…” (Trích hồi ký Nguyễn Thụy Long).

Vừa mới chứng kiến cảnh “nộ xung thiên” của ông nhà văn họ Dương, người Nguyễn Thụy Long ngưỡng mộ, mong sớm được gặp thì, tác giả “Loan Mắt Nhung” (sau này) đã bị ông “sếp sòng” cổng Phi Long thị uy, ra oai.

Lý do, ông Long được trung úy, sếp lớn, ra khẩu lệnh, mang đồ tiếp liệu về nhà riêng của ông ta, cũng trong vòng rào phi trường; nhưng không cấp giấy xuất kho, cũng không cấp giấy sử dụng công xa… Nếu bị kết tội thì đây là một trọng tội khiến người phạm tội sẽ phải ra tòa án binh; chắc chắn sẽ bị xử nhiều năm tù, và bị ghi vào quân bạ!…

Sau khi thông báo nội vụ cho cấp trên, ông trung sĩ “sếp” cổng Phi Long ra lệnh tống giam Nguyễn Thụy Long, ngay lập tức. Vì sự việc xảy ra vào lúc xế trưa, nên chiều hôm đó, ông Long không được cấp phát phần ăn. Nhà văn Dương Hùng Cường tình nguyện chia phần ăn của mình cho Nguyễn Thụy Long.

Với tư cách đàn anh đi trước, nhà văn Dương Hùng Cường tỏ dấu lo lắng cho Nguyễn Thụy Long. Ông hỏi Nguyễn Thụy Long, có thể có được một chứng cớ nào không? Thì, rất may là ông Long còn giữ trong túi mảnh giấy viết tay của ông trung úy, sếp lớn của tác giả “Kinh Nước Đen.” Bằng vào mảnh giấy có bút tự của viên trung úy kia, tác giả “Vĩnh Biệt Phượng” ngay buổi chiều ấy, đã cứu mạng Nguyễn Thụy Long trong gang tấc.

Trước đó, ông Cường cảnh cáo Nguyễn Thụy Long rằng: “…Mày chẳng là gì cả trong quân đội, một hạt cát, không được bằng một hạt cát, thân phận tối đen, tao đã trải qua rồi, tao nổi khùng, tao chửi toáng lên, sức mạnh của tao là ngòi bút, tao là văn sĩ mày biết không? Tao chống bất công ở bất cứ đâu…” (Trích hồi ký Nguyễn Thụy Long).

Tôi nghĩ khi ghi lại chuyện kể trên, ngoài việc muốn bày tỏ lòng biết ơn tác giả “Buồn Vui Phi Trường,” Nguyễn Thụy Long còn muốn cho độc giả thấy phẩm cách rất đáng kính trọng, đáng ngợi ca của nhà văn Dương Hùng Cường. Một nhân cách khá hiếm hoi, dù ở thành phần hay, giai đoạn nào trong xã hội!

Cũng chính Nguyễn Thụy Long đã ghi nhận rằng, chỉ vì tính cương cường chống lại mọi bất công áp bức của xã hội mà ông Cường dù tốt nghiệp chuyên môn ở trường huấn luyện Không Quân Marrakeck, Pháp, về nước, ông và các bạn đồng khóa được Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh hưởng chức trung sĩ QLVNCH. Nhưng suốt thời Đệ Nhất Cộng Hòa và một nửa thời gian thuộc nền Đệ Nhị Cộng Hòa, ông vẫn chỉ mang cấp bậc trung sĩ, trong khi các bạn đồng khóa, hầu hết là sĩ quan, kể cả sĩ quan cao cấp…(2) (Du Tử Lê)

————

Chú thích:

(1) Theo trang mạng Dòng Nhạc Xưa thì nhà văn Nguyễn Thụy Long sinh năm 1938, mất ngày 3 Tháng Chín, 2009, tại Sài Gòn, hưởng thọ 71 tuổi. Trong sự nghiệp văn chương của mình, Nguyễn Thụy Long đã viết hơn 30 truyện trong đó có 20 tác phẩm hiện được lưu trữ tại thư viện của Viện Đại học Cornell, New York. Ông vào đời sớm, có thể nói thủa thiếu thời và những ngày mới lớn, Nguyễn Thụy Long thật sự là người của hè phố. Ông lặn hụp kiếm sống với đủ thứ nghề như một kẻ bụi đời chính hiệu, nhưng trái tim ông lại thuộc về một thế giới khác: Thế giới của cảm xúc, biến mọi nhọc nhằn thành chất liệu cho ước mơ văn chương. Từ đó người đọc có thể bắt gặp nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Long có được sự nhẫn nhục và chịu đựng mọi nghịch cảnh một cách nhân ái, độ lượng. Một số những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Thụy Long, có thể kể: Chim Trên Ngọn Khô, Vác Ngà Voi, Sầu Đời, Vết Thù… đặc biệt “Loan Mắt Nhung,” tiểu thuyết được dàn dựng thành phim, do đạo diễn Lê Dân thực hiện. Qua cuốn phim này, nhà văn Nguyễn Thụy Long lại càng được độc giả, quần chúng yêu thích hơn nữa. (Nguồn Wikipedia)

(2) Trường Không Quân Marrakech ở căn cứ không quân Avord, miền Nam Paris, Pháp. (Wikipedia-Mở)

-o0o-o0o-o0o-o0o-

Nhà văn Dương Hùng Cường – Kỳ 2

Dương Hùng Cường và nụ cười vụt tắt của định mệnh

Nguồn: Du Tử Lê/Người Việt –

Cuốn “Vĩnh Biệt Phượng” của nhà văn Dương Hùng Cường. (Hình: Du Tử Lê cung cấp)

Đầu thập niên 1970, định mệnh đã mỉm cười với nhà văn Dương Hùng Cường. Dù nụ cười ấy nhanh chóng tắt ngúm; ném trả cuộc đời tác giả “Vĩnh Biệt Phượng” vào những bất hạnh, lao tù mới!

Đó là thời gian cho thấy dường như hoạn lộ của ông bắt đầu sáng sủa hơn. Ông được thăng cấp thượng sĩ, rồi chuẩn úy, thiếu úy và chuẩn bị theo học một khóa chuyên môn, để điều chỉnh cấp bậc và sẽ lên trung úy…

Người thân cận nhất với tác giả “Buồn Vui Phi Trường” ở giai đoạn này là nhà văn Trần Ngọc Tự, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Lý Tưởng, tiếng nói chính thức của binh chủng Không Quân VNCH, tính đến Tháng Tư, 1975. Sau Nguyễn Thụy Long, có lẽ Trần Ngọc Tự là người thứ hai, nói về đời thường của Dương Hùng Cường, thời gian mặc áo lính chi tiết nhất.

Nhà văn Trần Ngọc Tự kể rằng, ngay khi mới được bổ nhiệm về khối Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Tân Sơn Nhất, ông đã gặp nhà văn Dương Hùng Cường nhiều lần. Nhưng phải một thời gian sau, khoảng cách xa lạ, ngập ngừng giữa hai người mới được xóa nhòa.

Đó là thời gian Trần Ngọc Tự biết Dương Hùng Cường chính là Dê Húc Càn, người phụ trách mục “Cà Kê Dê Ngỗng” của tuần báo trào phúng Con Ong mà ông từng theo dõi, thích thú. Ngoài bút hiệu Dê Húc Càn, ông Cường còn có một bút hiệu khác là Lão Dương. Và, người thượng sĩ thâm niên này, đã không che giấu thiện cảm của ông, dành cho chuẩn úy trẻ, mới ra trường Trần Ngọc Tự.

Vẫn theo nhà văn Tự thì sự ưu ái mà nhà văn Dương Hùng Cường đặc biệt dành cho ông, vì trước sau không thay đổi thói quen tôn trọng đàn anh đi trước, ông còn: “…Hay đi chung với mấy anh em trong nhóm các cây bút của tập san Lý Tưởng Không Quân như Khải Triều, Kiêm Thêm, Phan Lạc Giang Đông, Minh Triệu-Ngô Văn Đắc, Trần Kim Nho, Thanh Chương, Hoàng Bá Thủy… mà anh cũng có thân tình từ trước nên tự nhiên tôi được ăn theo chút gì đó chăng? Phần khác, có thể vì khi chuyện trò buổi sơ giao, tôi đã nhắc tới mấy chi tiết về nhân vật Pi lốt Thái Bình trong quyển ‘Buồn Vui Phi Trường’ của anh, từ đó dễ lấy được cảm tình của ông nhà văn nhà báo, có tiếng lừng khừng và kén chọn trong việc giao tiếp với những người cùng đơn vị…” (Nguồn: Nguyệt San Việt Nam)

Từ tình thân này, Trần Ngọc Tự được biết nhà văn Dương Hùng Cường gia nhập binh chủng Không Quân từ năm 1953, ở miền Bắc. Ông được qua Pháp học ngành hoa tiêu, nhưng cuối cùng lại chuyển ngành học về chuyên môn kiểm soát không lưu. Trước khi được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Sài Gòn năm 1965, Dương Hùng Cường phục vụ trên “Lầu Gương” tức Đài Kiểm Soát Không Lưu ở phi trường Biên Hòa khá lâu, trước khi được đổi về Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Sài Gòn.

Chính thời gian làm việc tại phi trường Biên Hòa, đã đem lại cho Dương Hùng Cường bút ký “Buồn Vui Phi Trường,” mà có người từng ngạc nhiên, không hiểu từ đâu mà Dương Hùng Cường biết rõ phi trường Biên Hòa, vì những người này cho rằng ông không hề làm việc tại phi trường Biên Hòa.

Vẫn theo ghi nhận của nhà văn Trần Ngọc Tự, thì Dương Hùng Cường là người căn bản có tính bất cần đời… Vì thế ông đã gặp khá nhiều rắc rối trong binh nghiệp cũng như ngoài dân sự.

Để dẫn chứng cho ghi nhận của mình, Trần Ngọc Tự cho biết, ông từng được chính Thiếu Tá Bùi Hoàng Khải, sếp lớn của ông là bạn học cùng khóa với Dương Hùng Cường ở Pháp. Người nằm giường trên, người giường dưới; đã có không ít lần suýt xảy ra chuyện đánh nhau… Nếu ông Khải không nhẫn nhịn trước tính ngang bướng của bạn.

Trần Ngọc Tự cũng thêm rằng, sự chậm trễ lên lon của ông Cường, một phần còn vì ông không chịu tham dự những khóa tu nghiệp, để điều chỉnh cấp bậc, theo yêu cầu.

Giữa lúc những người bạn của nhà văn Dương Hùng Cường đinh ninh, con đường binh nghiệp của ông bắt đầu sáng sủa hơn, khi ông chịu lên trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, theo học khóa sĩ quan căn bản chiến tranh chính trị để điều chỉnh cấp bậc thiếu úy rồi sẽ lên trung úy sau đấy, thì một hôm, đang làm việc, bỗng Dương Hùng Cường bị khối An Ninh Quân Đội Không Quân đưa giấy, gọi trình diện…

Trước sự kiện bất ngờ này, nhà văn Trần Ngọc Tự kể, nhờ Thiếu Tá Trần Tam Tiệp làm việc tại khối An Ninh, mới biết rằng, trước đó ít ngày, trong một cuộc nhậu ở nhà hàng Thanh Thế, đã xảy ra một vụ lớn tiếng, qua lại, giữa một bên là Dương Hùng Cường, nhà văn Nguyên Vũ, và một bên là mấy dân biểu thân chính… Kết quả nhóm dân biểu này đã có thư tố cáo hai nhà văn vừa kể, về tội mạt sát đại diện dân cử, gửi tới nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau. Trong số đó, có cả văn phòng phủ tổng thống. Và, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã bút phê trong phiếu trình là: “Sĩ quan chiến tranh chính trị tuyên bố láo lếu, thuyên chuyển khỏi Quân Khu.” (Nguồn: Nguyệt San Việt Nam)

Trần Ngọc Tự đọc được công văn này, khi một bản sao được chuyển cho khối Chiến Tranh Chính Trị Không Quân để thi hành. Thế rồi cả Dương Hùng Cường lẫn Nguyên Vũ bị thuyên chuyển về Sư Đoàn 3 Bộ Binh, ở Đà Nẵng.

Nhờ sự vận động tích cực của Thiếu Tá Trần Tam Tiệp (khóa 2 Nam Định, từng tu nghiệp ở Pháp), nên khoảng một năm sau, Dương Hùng Cường được về lại Không Quân. Nhưng ông không còn ở ngành chiến tranh chính trị nữa mà bị đổi về Cần Thơ, phụ trách ngành hành chánh, sau khi tham dự một khóa học chuyên môn về ngành này, do nhà văn Trần Ngọc Tự phụ trách.

Lần gặp gỡ cuối với nhà văn Dương Hùng Cường, được nhà văn Trần Ngọc Tự ghi lại nguyên văn như sau: “…Lần sau cùng tôi gặp anh (Dương Hùng Cường) trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, là vào khoảng Tháng Mười Hai, 1974. Anh đi phép và ghé vào Tân Sơn Nhất thăm bạn hữu anh em. Xuống khu gia binh uống cà phê, anh nói với tôi rằng đang bắt đầu chuẩn bị việc in ấn quyển ‘Vĩnh Biệt Phượng’ là tác phẩm thứ hai sau ‘Buồn Vui Phi Trường.’ (1) Buổi sáng hôm ấy, tôi nhớ cũng có cả anh Nguyễn Đình Thiều, ở tờ Lý Tưởng phòng Tâm Lý Chiến cùng thời với anh Dương Hùng Cường dạo trước và đã thuyên chuyển đi căn cứ Không Quân Phan Rang mấy năm rồi. Thời gian đó, Thiếu Tá Sĩ Phú (2) là trưởng khối Chiến Tranh Chính Trị ở đơn vị này. Anh Nguyễn Đình Thiều từ Phan Rang về và ghé qua Sài Gòn trên đường ra trình diện trại cai nghiện ma túy của quân đội ngoài Phú Quốc. Tôi được tin anh từ trần tại đây vào cuối Tháng Giêng, 1975.” (Nguồn: Nguyệt San Việt Nam)

Sau đấy, cũng như tất cả những sĩ quan bị kẹt lại, nhà văn Dương Hùng Cường bị tù cải tạo lần thứ nhất… (Du Tử Lê)

Chú thích:

(1) Theo nhà văn Trần Ngọc Tự thì tiểu thuyết “Vĩnh Biệt Phượng” của Dương Hùng Cường in xong cùng lúc với biến cố 30 Tháng Tư. Vì thế, tác phẩm đã không được phát hành! (Nguồn: Nguyệt San Việt Nam)

(2) Thiếu Tá Sĩ Phú chính là ca sĩ nổi tiếng Sĩ Phú, sinh năm 1942 tại Bắc phần. Ông mất năm 2000 tại miền Nam California. (Nguồn Wikipedia-Mở)

…………………………………………………………………………………………………………….

Hữu Loan, nhà thơ con người, tích xưa việc cũ

Nguồn: Viên Linh/NV

 

Nhà thơ Hữu Loan. (Hình: cuongde.org)

Nhớ lại, hồi Tháng Năm, 2007, trời Santa Ana chưa sáng, mờ mờ đục, khoảng này là cỡ tám, chín giờ tối nơi thôn Vân Hoàn, “quê đẻ” của Hữu Loan ở Thanh Hóa. Tôi sửa soạn gọi điện thoại cho gia đình nhà thơ, lần đầu tiên.

Gần một tháng trước, sau khi thảo luận với anh em trong Khởi Hành và thăm dò ý kiến bạn đọc, chúng tôi đã quyết định Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp Khởi Hành 2007 – khởi sự từ năm 2005, năm nay sẽ được trao cho Hữu Loan, và chúng tôi đã nhờ nhà thơ Hà Thượng Nhân gửi thư về Thanh Hóa báo tin cho bạn thiếu thời của anh hay. Nhưng đã ba tuần không một hồi âm.

Đại diện Khởi Hành ở Âu Châu là Vũ Lan Phương xưa nay vốn giao thiệp thường xuyên với bạn hữu thân quyến Hà thành, đã tìm ra số điện thoại của tác giả “Màu Tím Hoa Sim.” Lan Phương dặn: “Toa chỉ nói được với bà vợ hay cô con gái Hữu Loan thôi, chứ ông ấy yếu lắm, không nói điện thoại được. Hơn chín mươi còn gì.”

Tôi cho anh Hà điện thoại, vì muốn để anh gọi trước. Hôm ấy là 15 Tháng Năm, 2007. Khoảng hai mươi phút sau anh gọi lại: “Không nói được với Loan. Nó yếu lắm. Nhưng tôi nói chuyện với vợ nó rồi. Thư hồi âm đã gửi đi cũng lâu rồi, chắc nay mai sẽ tới. Trong thư nói Hữu Loan cho biết sẽ nhận chứ.”

Hà Thượng Nhân hồi nhỏ có tên là Hoàng Sĩ Trinh cùng học trường làng với Nguyễn Hữu Loan, thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nên cả hai vẫn quen miệng xưng hô thân thiết với nhau, dù Hữu Loan hơn bạn đến bốn năm tuổi.

Thư gửi đã ba tuần không âm tín, nay lại biết số điện thoại, với tình trạng bưu điện Việt Nam như thế, tôi nghĩ ngay là phải chấm dứt việc thư từ với Vân Hoàn: ở cửa ngõ cái thôn ấy hẳn đã có một trạm khuyển ưng, rất khó lòng cho bá tánh hiền lương sống yên ổn, nói chi tới người khí tiết, và khí phách. Nay đã biết ý Hữu Loan, tôi phải gọi thi sĩ và gia đình ông để tiến hành công việc trước khi công bố giải thưởng.

Tôi đã gọi vào giờ phút sớm sủa của bình minh Little Saigon, lúc ấy là 8 giờ 45 phút tối ở thôn Vân Hoàn, Thanh Hóa. Người nhấc máy có giọng nữ trẻ, hẳn là con gái thi sĩ. Cháu xác nhận và cho biết tên là Nguyễn Thị Định. Cháu cho biết lá thư nhận giải gửi đi là do chính cháu viết theo lời đọc của ông bố.

Tôi dặn cháu đi in ảnh, chụp ảnh ngay, cả nhà, và cả ngôi nhà, rồi gửi qua cho Khởi Hành càng sớm càng tốt.

Không biết bao nhiêu bài báo, bao nhiêu cuộc phỏng vấn của các hệ thống truyền thông đã phổ biến ý kiến, hình ảnh, giọng nói của nhà thơ Hữu Loan trong những năm gần đây. Sau đây là Hữu Loan tự kể – trích dẫn và thuật lại bởi người viết bài này – tách đoạn từ trong câu chuyện bằng điện thoại kéo dài hơn một tiếng đồng hồ giữa anh và tôi từ 6 giờ sáng Thứ Sáu, 18 Tháng Năm, 2007, giờ California, khoảng 8 giờ tối cùng ngày ở Thanh Hóa.

Người nhấc máy nghe vẫn là cháu Định. Tôi cho cháu một địa chỉ khác ở Hà Nội để chuyển thư cho Khởi Hành, thay vì gửi về địa chỉ ở Quận Cam mà tôi đã cho hai hôm trước, không chắc tới. Đang nói thì có tiếng đàn ông vọng vào ống nghe.

Tôi chào hỏi nhà thơ Hữu Loan. Mặc dù biết anh đã đọc lá thư tôi nhờ báo tin về Giải Văn Chương Khởi Hành 2007, tôi cũng nhắc lại mục đích. Là anh em và thân hữu độc giả Khởi Hành đã quyết định chọn anh để trao Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp.

Tôi hỏi Hữu Loan chuyện thơ văn; anh cũng hỏi tôi chuyện quê quán.

Nguvễn Hữu Loan là tên khai sinh, anh còn những tên đời là Tốt Đỏ, Binh Nhì. Chủ trương làm cách mạng triệt để, từ gốc, từ tuổi thiếu niên khi còn là học sinh ở Nga Sơn. Từ 1943 tới 1945 đi cày, đánh cá, và làm Việt Minh, hoạt động trong ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hoa coi bốn ty Giáo Dục, Thông Tin, Công, Thương Chính. Năm 1946, anh được mời làm chủ bút báo Chiến Sĩ Quân Khu IV ở Huế và trong dịp này gặp Tướng Nguyễn Sơn, tư lệnh Sư Đoàn 304, và Hữu Loan trở thành chính ủy của sư đoàn đó.

“Tôi sinh năm Bính Thìn, năm nay 93 tuổi. Học hành thì tôi tự học nhiều, có khi vào lớp mới xem bài, hay học bài qua lời đọc của một bạn trong lớp. Chỉ nghe đọc qua một lần là tôi thuộc, có khi mấy tháng sau tôi vẫn nhắc lại rất đúng vì tôi vẫn nhớ hết. Bài học có thể nói là tôi không học bao giờ (Hữu Loan đậu tú tài Pháp khoảng 22 tuổi),” anh nói.

Nói về các anh em trong nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, nhà thơ Hữu Loan nhận xét: “Trần Dần được. Hoàng Cầm thì anh em gọi là ‘đĩ trai.’ Tố Hữu thì dìm người khác. Tôi có coi nó ra gì đâu.”

Tôi vẫn nghe Hữu Loan là người hay đánh lộn. Anh từng đánh một anh thứ trưởng Bộ Lương Thực để dân đói. “Bọn cán bộ thằng nào phải đánh tôi cũng đánh,” anh bảo tôi.

Khi tôi hỏi: “Anh nghĩ gì khi nghe tin anh em Khởi Hành chúng tôi trao Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp 2007 cho anh?” Câu hỏi khiến nhà thơ im lặng lâu hơn. Rồi anh chỉ nói ba tiếng: “Có Trời Đất.”

Vài giây sau anh thêm: “Có Trời Đất phù trợ.”

Tôi cảm thấy mình đã làm một việc đúng khi cùng các văn hữu miền Nam, các thân hữu và bạn đọc Khởi Hành trao Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp cho anh. (Viên Linh)

……………………………………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics