1.Nhà văn.Dương Hùng Cường -Kỳ 3 (DTL)2.‘Ga Cuối Đường Tàu’ -Huy Phương (NL/NV)3.Hai hình ảnh một cuộc đời(T.H.Quang/NV)

Nhà văn Dương Hùng Cường – Kỳ 3

Dương Hùng Cường, bất ngờ khó tin, giữa vùi dập

Nguồn:Du Tử Lê/Nguoi` Việt- April 5,2018

 

 

Quyển “Lính Thành Phố” của nhà văn Dương Hùng Cường. (Hình: Du Tử Lê cung cấp)

Ở lần nhà văn Dương Hùng Cường bị “tù cải tạo” thứ nhất, ngay sau thời điểm 30 Tháng Tư, 1975, nhà văn Vũ Uyên Giang cho biết ông được gặp lại nhà văn Dương Hùng Cường rất sớm, trong hai năm “tù cải tạo” đầu tiên ở tại trại Long Giao, Long Khánh.

Thời gian này, cũng là thời gian ở Dương Hùng Cường có được một may mắn khó tin! Đó là việc ông được cấp phép 15 ngày, về thăm gia đình…

Căn cứ theo bài viết “Kỷ niệm trong tù với nhà văn Dương Hùng Cường” của Vũ Uyên Giang, sự việc vừa kể, có thể tóm tắt như sau:

Một hôm, lợi dụng ngày được “đi chợ” (1) Vũ Uyên Giang lang thang ở khu rừng tre Cẩm Đường (bên ngoài trại tù), thì bất ngờ nghe được tiếng nói quen thuộc của Dương Hùng Cường. Ông Giang lần theo tiếng nói, và nhận ra tác giả “Buồn Vui Phi Trường.”

Mặc dù khi ấy ông Cường đã thay đổi nhiều. Ông như một người khác với vóc dáng gầy guộc, làn da sạm đen, hai má hóp lại; khi cười để lộ hàm răng có những chiếc răng cửa bị gãy; dù tiếng nói vẫn sang sảng và ánh mắt sáng quắc, với nguyên vẹn nét cương nghị.

Nhà văn Dương Hùng Cường tíu tít hỏi thăm tình trạng cá nhân bạn, và tin tức về những người quen của hai người. Vũ Uyên Giang cho biết, ông có được tin các bạn như Trần Ngọc Tự, nhà thơ (cùng làm việc chung một tờ báo Lý Tưởng với Dương Hùng Cường); Nguyễn Đăng Thạch, giáo sư (con cố giáo sư Nguyễn Đăng Thục); Nguyễn Thanh Trang, nhạc sĩ (tác giả Duyên Thề) ở Trại 5 chung với Vũ Uyên Giang.

Rồi, Nguyễn Nguyên Phương, Phí Ích Bành, em ruột Phí Ích Nghiễm tức nhà văn Dương Nghiễm Mậu; Nguyễn Đức Quang, nhạc sĩ; Dương Kiền, nhà văn… ở trại 11; Đỗ Kim Bảng nhạc sĩ; và Đào Văn Khánh ở trại 3; Khả Năng ở trại 2; và khi ở Phú Quốc thì Vũ Uyên Giang cũng gặp Nghiêm Phú Phát, nhạc sĩ; Võ Thế Hào, giáo sư…

Về lại trại, Vũ Uyên Giang kể chuyện tình cờ gặp được Dương Hùng Cường cho Trần Ngọc Tự nghe, khiến Tự tiếc mãi là đã né không đi rừng theo Vũ Uyên Giang hôm đó. Sau đấy, bẵng đi cả năm, Vũ Uyên Giang không có thêm một cơ hội nào gặp lại Dương Hùng Cường. Ông cũng không nghe được bất cứ một tin tức về tác giả “Vĩnh Biệt Phượng.”

Thậm chí, ông cũng không nghe được bất cứ tin tức gì về Dương Hùng Cường cho đến ngày: Vì tình hình lộn xộn giữa Việt Nam và Cambodia, một số “trại cải tạo” bị giải tán để nhập chung vào hai trại chính là 14 và 15, Vũ Uyên Giang mới được gặp lại bạn. Tuy nhiên, không vì thế mà sự gặp gỡ giữa các “tù cải tạo” được dễ dàng.

Sự thản hoặc mới được gặp nhau giữa Dương Hùng Cường và Uyên Giang đưa tới tình trạng, khi Dương Hùng Cường nhận được giấy tạm tha, 15 ngày, cho về thăm gia đình, do một người bà con của Dương Hùng Cường bên vợ, làm lớn ở miền Bắc can thiệp… Vũ Uyên Giang cũng chỉ biết tin qua kịch sĩ Khả Năng mà thôi. Nhưng rồi, Vũ Uyên Giang đã không giấu được ngạc nhiên, sửng sốt khi gặp lại Dương Hùng Cường trong trại giam.

Được hỏi tại sao không trốn luôn? Trở lại trại giam làm gì? Thì tác giả “Lính Thành Phố” cho biết, ông sợ liên lụy cho vợ con. Thêm nữa, trong mấy ngày được tạm tha, nếu ông xin được giấy chứng nhận có một việc làm gì đó, ở Sài Gòn, thì người bà con cán bộ Cộng Sản của ông cho biết, ông sẽ được về luôn…

Một trong những nơi Dương Hùng Cường tìm đến để xin giấy chứng nhận cho việc làm là tờ Tin Sáng của Ngô Công Đức. Thời điểm đó, Tin Sáng là tờ báo duy nhất của Sài Gòn cũ, được tục bản, với sự có mặt trong thành phần biên tập viên là một số nhà văn của chế độ cũ… Nhưng chủ nhiệm Ngô Công Đức đã cố tình lánh mặt Dương Hùng Cường đến ngày thứ tư mới gặp, và trả lời không thể giúp…

Bị đẩy tới đường cùng, Dương Hùng Cường đành phải ngỏ ý nhờ sự giúp đỡ của nhà văn Hoàng Trọng Miên. (2) Dù không mấy hy vọng, nhưng cuối cùng, chính Hoàng Trọng Miên lại là người cấp giấy chứng nhận sẽ tuyển Dương Hùng Cường làm nhân viên hậu đài của Đoàn Văn Công Thành Phố. Hoàng Trọng Miên trao giấy chứng nhận cho tác giả “Buồn Vui Phi Trường,” để ông mang về, nộp cho trại, chờ ngày được phóng thích.

Nhấn mạnh với Vũ Uyên Giang, Dương Hùng Cường nói: “…Tao kinh ngạc nhìn thằng Hoàng Trọng Miên, rồi nhìn tờ giấy… Thì ra nó là giám đốc Đoàn Văn Công Thành Phố mày ạ! Thế là tao có tờ giấy trong tay…”

Hỏi thăm bạn về tình hình bên ngoài trại giam, Dương Hùng Cường kể: “…Đời sống người dân nghèo khổ. Nhiều nơi nổi lên chống đối bị bọn chúng thẳng tay đàn áp và tiêu diệt một cách dã man. Tin đồn về các ông Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Cao Kỳ thì nhiều, giống như mình được nghe trong trại, nhưng vẫn chỉ là những tin đồn vô căn cứ và khó phối kiểm… Tao đã liên lạc được với mấy thằng đệ tử của ông Kỳ, tụi nó còn hăng lắm, còn cất giấu nhiều súng đạn lắm mày à…” (Du Tử Lê)

————

Chú thích:

(1) Thời đầu ở “trại cải tạo” Long Giao, người tù được phép chia phiên nhau mỗi ngày một người đi nhặt nhạnh rau cỏ, khoai sắn cho anh em trong toán ăn thêm nên gọi là… “đi chợ.” (Chú thích của Vũ Uyên Giang)

(2) Nhà văn Hoàng Trọng Miên (1918-1981), quê ở làng Nguyệt Biều, Huế, tỉnh Thừa Thiên. Em ruột ông là nhà văn Hoàng Trọng Thược, và Hoàng Trọng Quỵ tức Thanh Nghị. Thuở nhỏ ông học ở Huế, từ năm 1935-1936. Ông bắt đầu cầm bút với tác phẩm “Thâm Cung Bí Sử” đăng trên một tờ báo ở Huế. Sau đó, ông vào Nam làm chủ bút báo Người Mới và cộng tác với các báo Điện Tín, Trong Khuê Phòng cùng Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử…

Năm 1945, ông về lại Huế, cùng Bửu Tiến, Lưu Trọng Lư, Bùi Tuân, Trần Thanh Địch… lập đoàn kịch Trọng Miên. Tiếp đến toàn quốc kháng chiến, mặt trận Huế vỡ, ông tản cư ra Thanh Hóa làm trưởng đoàn xung phong sản xuất cùng với Cao Minh Chiếm, Nguyễn Đức Nùng.

Năm 1950, ông gia nhập Ban Văn Nghệ Sư Đoàn 320 cùng Bửu Tiến, Giang Tân, Phạm Duy, diễn vở kịch “Dưới Bóng Thánh Giá” do ông sáng tác. Năm 1952, ông lại vào Nam viết văn, làm báo. Sau năm 1954 ông dạy môn kịch nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, Kịch Nghệ Sài Gòn và cộng tác với các báo Đời Mới, Quyết Tiến, Điện Ảnh, Kịch Ảnh, Đuốc Nhà Nam…

Trong số những tác phẩm đã xuất bản của ông, có cuốn “Việt Nam Văn Học Toàn Thư,” Sài Gòn 1959, được trao tặng giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc (VNCH). Cuốn sách này từng gây nhiều tranh cãi trong giới văn học Sài Gòn vì nhiều học giả cho rằng thực ra nó là cuốn “Lược khảo Thần Thoại Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi, Hà Nội, 1956 (có thể được chuyển vào Nam thông qua Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến). (Nguồn Wikipedia-Mở)

Du Tử Lê

……………………………………………………………………………………………………………

                                                                                “Ga Cuối Đường Tàu” của nhà văn Huy Phương

 

 

 

Bìa quyển tạp ghi “Ga Cuối Đường Tàu” của nhà văn Huy Phương. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nguồn: Ngọc Lan/Người Việt –

WESTMINSTER, California (NV) – “Nếu cuộc đời là một chuyến tàu thì cuối cùng, chúng ta ai cũng có một nhà ga để xuống, có điều sớm hay trễ mà thôi. Và đến một tuổi, một lúc nào đó, chúng ta phải nghĩ là đã đến lúc sắp xuống tàu. Vì vậy, tác phẩm này, hôm nay đến tay bạn đọc, được xem như là một nhà ga cuối, cuộn chỉ thời gian đã kéo gần hết, quỹ thời gian chẳng còn được bao nhiêu!”

Đây không là lần đầu tiên tôi được chọn làm người viết bài giới thiệu cho một tập sách mới xuất bản của nhà văn Huy Phương, nhưng đây lại là lần đầu tiên tôi thấy có điều gì đó mênh mang, rưng rưng khi lật nhẹ từng trang, và chậm rãi đọc từng dòng mà tác giả viết “Thay lời tựa” cho “đứa con Út” mang tên “Ga Cuối Đường Tàu” – “Tuyển Tập 80.”

“Ga Cuối Đường Tàu” có lẽ là tập sách dày nhất trong số các tác phẩm mà nhà văn Huy Phương đã xuất bản. Bởi, có đến 80 bài tạp ghi tiêu biểu cho lối viết tạp ghi của ông được chọn lựa để đưa vào đây nhằm gửi đến độc giả, những thân hữu, tri kỷ lâu năm, nhân ngày tác giả bước vào tuổi 80.

Đánh dấu “cột mốc” này, bài đầu tiên trong “Ga Cuối Đường Tàu” chính là bài tác giả… tự viết cho mình: “Viết cho ngày lên tám… (mươi)”

“Tuổi 80 đã được xếp vào loại ‘thượng thọ’.” Dẫu biết rằng vậy, nhưng bài viết của “ông già đầu bạc” sao chứa đầy những nỗi niềm, những tâm sự chất ngất. Những người cùng một thời với ông, những người không ít lần xuất hiện trong các buổi ra mắt sách trước đây của ông, như ký mục gia Bùi Bảo Trúc, như Trung Tá Hạnh Nhơn, như nhà báo Vũ Ánh, như Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích,… giờ đều đã là “những người muôn năm cũ”. Phải chăng bước vào tuổi này, nhìn lại bạn bè, tri kỷ chung quanh nay dần thưa, đã khiến ông cảm thấy chút gì đó chông chênh, chơi vơi:

“Ngoảnh lại trước, người xưa vắng vẻ
Trông về sau, quạnh quẽ người sau
Ngẫm hay trời đất dài lâu
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.”
(Thơ của Trần Tử Ngang – do Trần Trọng San dịch)

Tâm trạng này xuất hiện bàng bạc trong nhiều tạp ghi mà ông chọn lọc đưa lại vào đây, như “Bữa ăn một mình,” “Buổi tối một mình,” “Một bờ vai,” “Ngày giỗ,” “Ngày tốt nghiệp,” “Nỗi buồn cuối năm, nỗi buồn cuối đời,” “Bữa cơm gia đình,” “Mẹ vẫn chờ con bên cửa,” “Tri âm tri kỷ đời nay,”…

Tâm trạng này, qua những câu chữ mộc mạc, giản dị của người đã trải qua nhiều ghềnh thác cuộc đời nói lên được nhiều lắm tâm sự của bao người cùng cảnh ngộ: “Nhiều khi trên đường lái xe về nhà buổi chiều một mình, khi thấy trời đã bắt đầu tối, phố xá đã lên đèn, tôi bỗng tự hỏi, buồn biết bao nếu đêm nay không có một nơi để về, hay về một nơi hiu quạnh!” (Buổi tối một mình), “Cha mẹ Việt Nam tự an ủi, ru mình bằng bốn tiếng ‘nước mắt chảy xuôi’ là mọi chuyện đều cho qua, nhận thức đời sống một phần cũng cho là duyên, là phước. Phải chi cha mẹ như cha mẹ nơi quê người, không hề lưu luyến, bịn rịn, ngay từ lúc đứa con đã trưởng thành rời mái ấm ra đi.” (Nỗi buồn cuối năm, nỗi buồn cuối đời)

Bên cạnh những đau đáu về tình người riêng chung trong giềng mối gia đình, ông bà, cha mẹ, con cái, tạp ghi Huy Phương còn là nơi chứa đựng “những niềm riêng làm sao nói hết” của bao người về những điều tưởng như vụn vặt, nhỏ nhoi trong cuộc sống hằng ngày, nhưng thực ra, đó chính là nơi người ta thể hiện trách nhiệm với cuộc đời, với xã hội.

Không khó để nhận ra điều đó qua “Người khách trọ vô tình,” “Cái mặt Việt Nam,” “Đất nước ăn xin,” “Phải biết đỏ mặt,” “Thảm trạng di dân,” “Vũ khí của kẻ yếu,” “Không còn nước mắt,” “Hả hê trên nỗi đau người khác,” “Tình đời và cái xương cụt,”…

Thử đọc lại một đoạn trong bài “Cái mặt Việt Nam”:

Cái mặt Việt Nam CS ở Nhật mà đại diện là phi công, tiếp viên hàng không, người mẫu, du học sinh ăn cắp… không kể hết tên.

Cái mặt Việt Nam CS ở Phi Châu mà đại diện là nhân viên ngoại giao Vũ Mộc Anh, bí thư thứ nhất của “Đại Sứ Quán Việt Nam” tại Nam Phi, buôn lậu sừng tê giác.

Cái mặt Việt Nam CS ở Đài Loan mà đại diện là công nhân “xuất khẩu” ăn trộm chó làm thịt.

Cái mặt Việt Nam CS ở Nga, Tiệp Khắc, Ba Lan, Đông Đức với những nhóm băng đảng, buôn người có các tòa đại sứ Việt Cộng… chống lưng.

…Phần tôi, mỗi khi soi gương, tôi vẫn nhớ, ‘Tôi là người Việt Nam!’ và cảm thấy thương cho tôi và thù ghét những con người CS đã làm cho hình ảnh Việt Nam xấu xa đi như hôm nay.”

Hay đôi dòng trong bài “Không còn nước mắt”:

Mới mấy tháng trước đây thôi, vào lúc nửa đêm, tại một tiệm bánh pizza Papa John ‘s ở thành phố Helena, Montana, một người đàn ông bịt mặt vào tiệm, tiến đến quầy thu ngân, đưa ra một mảnh giấy đòi nộp tiền. Công nhân của cửa tiệm vội vã mở hộc, hốt hết tiền đưa cho “kẻ cướp,” nhưng không, người đàn ông bịt mặt, ngần ngừ rồi bỗng bật khóc và nói rằng, ông ta chỉ cần ít thức ăn cho các con ông ở nhà đang đói, chứ ông không phải là tên ăn cướp chuyên nghiệp. Người đàn ông, sau đó rời khỏi tiệm với một hộp pizza và một ít cánh gà, cho gia đình của ông, đang không có gì ăn tối nay. Chủ tiệm đã báo cảnh sát ngay sau đó.

Người ta thường lên án nạn cướp bóc, trấn lột, nhưng nghĩ sao trong trường hợp này, liệu nhân viên cửa tiệm có thể rộng lượng cho đi một ít thức ăn, nếu có một người đàn ông đói khát bất ngờ, thay vì bỏ tiền ra mua thức ăn, lại ngửa tay xin một vài cái cánh gà, hay một miếng bánh cho gia đình và chính ông ta không?”

Người đọc, như tôi, như những ai đang đọc đến những con chữ này, cảm thấy điều gì đang trỗi lên trong tâm trí mình? Một điều gì phẫn uất, đau đớn? Một điều gì tê tái, xót xa?

Cuộc sống với bao lo toan thường nhật kéo chúng ta đi “băng băng,” nhưng những điều nhà văn Huy Phương, trong từng bước đi chậm rãi của mình, nhìn nhận, góp nhặt, và trải bày, đã giúp chúng ta có dịp tự nhìn lại những điều mình vô tình, hay cố ý bỏ quên. Để rồi suy ngẫm, để rồi thấy mình cần nên làm gì trước khi bước chân đến “ga cuối đường tàu.”

Giống như một bài được chọn đặt gần cuối quyển sách, “Tôi biết thế nào anh cũng đến,” có lẽ nhà văn Huy Phương cũng sẽ có một nụ cười mãn nguyện để nói rằng “Tôi biết thế nào quý độc giả cũng đến” khi nhìn thấy “đứa con út” của mình – “Ga Cuối Đường Tàu” – được các độc giả tìm đến.

Liên lạc tác giả: Ngoclan@nguoi-viet.com

—————–………………………………………………………………………………………………….

Hai hình ảnh một cuộc đời

Nguồn:Thích Huệ Quang/Người Việt – March 14,2018

Chân dung thầy Huệ Quang.

Từ cuộc đời của một chú Tiểu đến tuổi bút nghiên, sang đời binh nghiệp, đánh giặc, anh hùng mạt lộ bị bắt làm tù binh, rồi vượt ngục, vượt biên lưu vong làm bố sắp nhỏ… và sau cùng trở thành nhà sư Phật Giáo. Nhất định Thầy Huệ Quang có rất nhiều kinh nghiệm cuộc sống. Thầy sẽ hoan hỷ chia sẻ với mọi anh chị em cựu quân nhân chúng ta nói riêng và những ai thích thú nghe về những chia sẻ của thầy,… những kinh nghiệm mà thầy đã từng trải và sự hiểu biết về đạo Phật của thầy trên trang web Quân Nhân Phật Giáo này. Kính mời quý vị theo dõi đôi dòng tiểu sử của chính nhà sư Huệ Quang chia sẻ về cuộc đời của ông. Trân trọng. – BKT

Nhà sư Thích Huệ Quang, người bạn cùng khóa 4/71 với tôi, ông tên là Ngô Nhựt Tân, cũng có duyên gặp lại và cùng nhau trao đổi trên diễn đàn của Groups, cũng như các bạn đồng môn vẫn gọi tôi là Ara và tôi vẫn tiếp tục gọi lại tên tục của thầy, gởi các bạn xem bài viết “Hai hình ảnh. Một đời người” của Biệt Cách 81 dù Ngô Nhựt Tân. Ara (Keith Dane: kdang22@gmail.com)

Tôi rất vui mừng khi được một người bạn mời đóng góp cho trang tôn giáo, tiết mục Phật Giáo, trên website của Gia Đình Mũ Đỏ vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ Cận. Trước khi bắt đầu cho những bài viết sắp tới, tôi xin được nói về bản thân mình, điều mà rất hiếm khi tôi thường đề cập đến. Vì tôi nghĩ, nói về Nhảy Dù mà bản thân chẳng có một ngày nào sống trong binh chủng này, hay nói về Tae Kwon Do mà không biết tí gì về võ thuật, nói về kỹ thuật nhảy toán mà chưa một ngày mang huy hiệu thám sát của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, thì khi nói đến ai mà tin. Vì vậy tôi phải nói một ít về bản thân, tạo niềm tin cho đọc giả với những bài viết về Phật Giáo sau này.

Tôi sanh ra tại Phan Thiết. Năm 8 tuổi mẹ cho vào chùa tu học, “để tránh cho con khỏi đi lính sau này,” bà nói với tôi như thế. Cha tôi là một cán bộ tập kết lúc tôi vừa tròn một tuổi, theo chân Hồ Chí Minh với một ước vọng điên rồ là đẩy đất nước vào thiên đường xã hội chủ nghĩa.

Trong đời tu hành, tôi may mắn gặp được một vi minh sư, Thầy Thích Châu Đức, giảng sư Tỉnh Hội Phật Học Phan Thiết. Thầy tôi thuộc dòng Thiên Minh, Huế, đệ tử của Hòa Thượng Thích Quảng Huệ, nên đặt pháp danh cho tôi là Quảng Hạnh. Tôi gọi Hòa Thượng Thích Mãn Giác, hội chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, là sư bác. Ông mất năm 2009. Thầy tôi có một lời nguyền là không bao giờ nhận đệ tử, nhưng vì mẹ tôi có công với đạo pháp – bà giúp việc Phật sự cho chùa nhiều năm và chính thức vào sống hẳn trong chùa từ năm 1968 – thầy đã nhận tôi làm người đệ tử duy nhất. Tôi được đưa về làm điệu tại chùa Thiên Minh, ngoài Huế, nên tôi đọc kinh rất ư là Huế và rành rõi việc kinh kệ và tán tụng. Năm 1966, thầy gửi tôi vào tu học tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, tại đây tôi được cạo cái chỏm tóc mà tôi rất ư là ghét và đã thọ sa di giới trong một đại giới đàn do Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết chứng minh. Năm 1968, tôi rời viện vào Sài Gòn tiếp tục việc học.

Năm 1970, tôi chính thức bỏ áo tu và năm 1971 gia nhập khóa 4/71 Thủ Đức/Sĩ Quan Trừ Bị QLVNCH. Ngày 29 Tháng Bảy năm1972 tôi mãn khóa, mang cấp bậc chuẩn úy và phục vụ tại Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù. Tháng Giêng năm 1975, tôi thuyên chuyển về Sư Đoàn Nhảy Dù, phục vụ tại Tiểu Đoàn 5, Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù cho đến ngày đơn vị tan hàng tại mặt trận Khánh Dương. Tôi chạy vào được gần Phan Rang thì bị bắt và nhốt tại trại cải tạo Cà Tót. Năm 1978, tôi cùng một số lớn tù cải tạo được tạm thả và được đưa về Phan Thiết điều trị bệnh, vì quá nhiều tù nhân đã chết vì một chứng bệnh kỳ quái không tên khi ở trong khu rừng thiêng nước độc Cà Tót.

Khi được lệnh triệu tập của Việt Cộng để trở lại học tập cải tạo, tôi đã cướp ghe và cùng một số cựu quân nhân vượt biển, đến được bờ tự do sau bốn ngày lênh đên trên biển Thái Bình Dương. Tháng Mười Hai năm 1978 tôi định cư tại Canada. Năm 1979, tôi lấy vợ và có hai con, một trai một gái.

Tôi trở lại sinh hoạt với chùa chiền năm 1980 vì dân tỵ nạn tại Ottawa cùng góp công góp của xây chùa, nhưng không ai biết kinh kệ một cách chuyên nghiệp như tôi.

Đại Đội 4 Xung kích/LĐ81BCD, người đầu tiên trong ảnh này là MĐ Ngô Nhựt Tân, hiện nay là nhà sư Huệ Quang.

Tôi làm trong nghành computer sau khi học xong college. Tôi dốt về kỹ thuật lắm nhưng phải chịu đấm ăn xôi để đem pay cheques về cho vợ nuôi các con. Biết mình sẽ không sống sót lâu trong lãnh vực điện toán, tôi túc ta túc tắc lấy courses ban đêm, năm 2002 tôi hoàn tất được cử nhân tâm lý.

Vợ con lúc này cũng khá ổn định về nghề nghiệp và học vấn, tôi xin phép vợ đi tu. May thay, mặc dù là một người Công Giáo gốc, bà hỗ trợ cho việc trở lại con đường tu tập của tôi. Tôi phục vụ cộng đồng một thời gian, và nhờ tìm tòi nghiên cứu, tôi thấy mình thích hợp với truyền thống nguyên thủy hơn là đại thừa. Tôi khăn gói đi Miến Điện (Myanmar tức nước Burma cũ) thọ tỳ kheo giới bên đó, lưu lại tu học cho đến khi thầy cho phép trở lại quê nhà Canada để trao truyền lại pháp môn thiền định Vipassana theo truyền thống Miến Điện.

Năm 2014, tôi học xong cao học nghành Tôn Giáo và Chính Trị. Năm 2016, tôi nhận được học bổng để theo học PhD Khoa Chính Trị tại Đại Học Carleton. Hiện nay, tôi vừa học vừa dạy về chính trị cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ nhì cũng tại Đại Học Carleton, Ottawa, Canada (http://carleton. ca/polisci/people/tan-ngo).

Ngoài ra, tôi cũng đang dạy thiền và Phật pháp cho Phật tử tại chùa Tích Lan. Riêng ngôi chùa Từ Ân là nơi tôi đang sinh hoạt thường xuyên, ngoài việc lo cho phật tử việc kinh kệ và thiền định, tôi còn phụ trách việc giảng dạy cho sinh viên và học sinh trung học thường xuyên đến chùa để tham khảo và nghiên cứu về đạo Phật.

Theo Triết học về Tôn giáo (Philosophy of Religion, William L. Rowe, second edition, Wadsworth Publishing, 1993), từ khi có con người, vì cảm thấy mình quá nhỏ bé, và khiếp sợ thiên nhiên, nên ở đâu cứ thấy núi thì thờ thần núi, sông thì thờ thần sông, hễ thấy cái gì ngoài tầm hiểu biết thì cứ thế mà thờ lạy. Tôn giáo vì thế, không thể tồn tại ngoài con người vì từ con người mà ra. This exists because that exists.

Trong Phật Giáo có câu “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác,” có nghĩa là ta phải tìm Phật pháp ngay trong cuộc sống của chúng ta, nếu bỏ thế gian này để đi tìm sự giác ngộ thì chẳng thể nào tìm ra được. Nói đến đạo Phật chúng ta cần phải nghĩ đến cái gọi là Buddhism Engagement, có nghĩa là đạo Phật đi vào cuộc đời. Đạo Phật không thể tồn tại được nếu chúng ta cứ theo một khuôn mòn lối cũ; đó là ê a tụng niệm kinh kệ bằng tiếng Hán. Đạo Phật cũng không thể phát huy bên Tây phương được nếu cứ nhìn đạo Phật qua một lăng kính mê tín dị đoan.

Đạo Phật rất đơn giản. Sự giác ngộ nằm trong tầm tay của người thực hành, và ngay trong cuộc sống hàng ngày. An lạc và hạnh phúc có mặt chung quanh chúng ta; hàng ngày, hàng giờ chúng ta nhìn nhưng không thấy được chúng. Một Phật tử hỏi tôi “tại sao con cứ khổ hoài trong khi con đi chùa thường xuyên và bố thí nhiều lắm, có phải điều Phật dạy khó thực hành lắm phải không thầy?” Tôi trả lời, chúng ta không làm được điều Phật dạy vì điều ngài dạy đơn giản quá.

Chúng ta có khuynh hướng đi tìm những điều linh thiêng hay phép mầu từ chư Phật để cầu xin. Phật thua xa David Copperfield, một nhà ảo thuật lớn mà thế giới ai cũng biết tên, vì ngài không làm được những điều của Copperfield. Ngài không thể ngồi một chỗ búng hay khảy móng tay, móng chân và làm cho chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới như chúng ta thường nghe mấy thầy giảng dạy, cho dù có nhiều vị cũng cố giảng nghĩa qua một lăng kính khác, để phật tử nghe dễ chấp nhận hơn. Ngài chỉ thở, nhưng thở từ ngày này qua ngày khác, tháng nọ sang tháng kia, với một sự tỉnh thức trong từng giây phút. Phật đã dạy một con đường đơn giản, nhưng chúng ta không chịu đi, chỉ vì chúng ta còn nhiều ham muốn trong cuộc đời. Nếu có người chịu đi thì họ lại thiếu kiên nhẫn hay thiếu nỗ lực bỏ dở nửa chừng. Tôi thường nhắc nhở phật tử “đạo Phật là đạo để nếm chứ không phải đạo để nói.”

Có nhiều người nói rất văn hoa, trôi chảy vì đạo Phật cho họ những điều kiện tốt để họ nói, nào là kinh, luận này luận nọ, nào là duy thức tông, nào là hoa nghiêm tông, nào là thiền tông. Nhưng khi nói động đến họ thì họ nổi cơn tự ái như một kẻ điên. Mớ lý thuyết của đạo Phật mà họ đọc được tự dưng biến mất, lúc ấy chẳng có gì ngoại trừ một cái ngã to tướng…

Tôi nói với những người Phật tử Tích Lan, “Có một cái thước để đo sự tu tập của quý vị. Nếu ai nói động đến quý vị mà quý vị nổi điên lên, hay chỉ một chút bực mình nhỏ, quý vị nên nhận biết là quý vị đã tu sai rồi và phải bắt đầu trở lại từ con số không. Nếu nhận biết mình không hờn giận khi người khác nói động đến mình, đừng tự mãn, phải tiếp tục con đường tu tập vì đường tu tập giống như đi ngược dòng nước, nhiều chông gai và nặng nề lắm. ”

Nếu các bạn muốn đi tìm một vị thầy để nương tựa tu tập, không cần phải đi tìm một cao tăng, nhưng hãy tìm một thanh tịnh tăng.

Hẹn mũ đỏ thư sau, mong thân tâm an lạc. Mọi thư từ, ý kiến hay thắc mắc xin gửi thư về huequangqh@gmail.com, tôi sẽ trả lời thư chung trên tiết mục dành cho Phật Giáo. Sẽ trả lời thư riêng nếu có yêu cầu.

(Nguồn: ahvn AHVN@yahoogroups.com)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links