Kỳ 1 – Nhà văn Nguyễn Viện, sống, như một mũi tên
Du Tử Lê/Người Việt – anuary 5, 201
Nhà văn Nguyễn Viện. (Hình: Diễn Đàn Thế Kỷ)
Tôi e rằng mặt bên kia của hữu ích tuyệt vời mà Internet đã đem đến cho thời đại chúng ta, lại chính là những đáng tiếc không thể tránh khỏi. Tôi muốn nói, có rất nhiều tin giả, thậm chí tin tức, bài vở xúc phạm tới danh dự, đời tư của cá nhân người khác! Chúng vẫn được loan tải một cách thoải mái, “vô tư!”
Sự kiện hai chiều thuận/ nghịch này cũng khiến cho một số người bị hàm oan. Họ như nạn nhân, con tin của dư luận khen/ chê, ngợi ca và phỉ báng tối tăm, chứa đầy gân máu ganh tị, hiềm khích mù lòa, nhất là ở lãnh vực văn học và nghệ thuật…
Một nhà văn bị nhiều dư luận xăm soi nhất theo tôi là Nguyễn Viện. Nhưng ông vẫn thản nhiên, dễ chừng, nhờ ông có được nội lực thâm sâu hơn người (?) Có người cho rằng tính ngang, ngạnh của họ Nguyễn cho cảm tưởng: Nhà văn Nguyễn Viện, sống, như một mũi tên.
Nhận xét chung, cho rằng, dù ở cực nào bênh vực hay chê bai thì những người bênh/ chống ông, đều cho thấy tính nhiệt tình, tích cực nhất – như thể nếu thiếu cảm tính quyết liệt này, họ sẽ không tìm đến ông. Không ở sát bên hay, vạch một đường phấn dứt khoát ngăn cách (dù âm thầm), giữa ông và họ.
Cá nhân tôi, không được biết nhiều về ông, cho tới hai năm gần đây.
*
Đó là một buổi tối khi con đường đi bộ, không bị cấm xe, nó tựa một dòng suối ánh sáng ngược/ xuôi không ngừng chảy về phía tòa Đô Chính cũ, hay bến sông Sài Gòn. Đó là lúc những chiếc bàn trải khăn trắng trên hè phố rộng, để các loại tạp âm nâng buổi tối lên cao, cùng những ly rượu vang được Cường-Canada, nhắc nhở mọi người cầm lên.
“Vui lòng nâng lên, mừng hội ngộ của những tình thân cũ, mới…”
Ngồi cạnh tôi buổi tối mừng hội ngộ của những tình thân cũ, mới đó, là một người đàn ông trung niên. Với người lạ, nếu không được giới thiệu, khó ai có thể không kết luận đó là một tay chơi bặm trợn! Nhưng, sự thật, đấy lại là một nhà văn, mà tác phẩm của ông được in nhiều trong những năm gần đây, ở hải ngoại cũng như tại Việt Nam. Đồng thời, tên tuổi ông cũng là đỉnh điểm của những nguồn dư luận đối nghịch từ rất nhiều người. Kể cả những người chưa hề đọc hay, chưa từng gặp ông. Họ chỉ nghe nói. Nghe đồn.
Đấy là nhà văn Nguyễn Viện.
Trên tất cả, với tôi, ông là một nhà văn có sức thu hút đặc biệt, mạnh mẽ vì những diễn, cảm thông minh, mới mẻ, và cũng rất bất ngờ, vượt khỏi hai bờ thông tin giới hạn.
Nguyễn Viện, theo tôi, là hiện thân của một nhà văn, hiểu theo nghĩa, nếu không được cầm bút viết, ông sẽ người không thể sống. Không thể tồn tại trong môi trường xã hội Việt Nam, hôm nay. Viết, dù thơ hay văn, với ông là dưỡng khí cần thiết cho buồng phổi của một nhà văn tha thiết với người và, với đời.
Nhưng sống, như một nhà văn, theo tâm thế Nguyễn Viện, lại không phải là loại nhà văn tránh xa… thời sự. Dị ứng, sợ hãi mọi chấn song nhà tù!?
Bằng chiếc xe chữ nghĩa, với trí tuệ riêng mình, như những thành phần cực đoan hiện nay, trên thế giới, ông lao chiếc xe chữ nghĩa phẫn nộ đó vào những trây trúa đời thường. Như một kẻ nổi loạn, mình ên, giữa quảng trường đời sống, ông lớn tiếng tố cáo, lên án bất công trước công luận, những hôn ám xã hội…
Phải chăng vì thế, dư luận và rất nhiều cơ quan ngôn luận trong cũng như ngoài nước, đã khoác cho ông chiếc áo (hay thẻ căn cước nhận dạng) mang tên “đối kháng.” Dư luận gắn cho ông nhãn hiệu “chống đối,” một hình thức vinh danh những liều lĩnh, quả cảm của ông.
Nhưng con mắt nhà nước, con mắt “lề phải” lại không đồng tình. Họ nhìn ông bằng một lăng kính khác…
Đầu Tháng Ba, 2017, Văn Đoàn Độc Lập đã chọn ông, để trao tặng giải thưởng cho tiểu thuyết “Nhảy Múa Để Chết” do tính chất cách tân, là thao thức lớn nhất, trong mọi sáng tác của Nguyễn Viện. Khi được mời phát biểu, ông đã chọn cơ hội này để tự giải mã câu hỏi: “Tại sao tôi đã viết và viết như tôi viết?”
Ông kể, ông khởi sự nghiệp cầm bút của ông sau biến cố Tháng Tư, 1975, ở Sài Gòn. Khi ông vừa tròn 26 tuổi.
Theo ông, đó là thời gian đánh dấu con đường văn chương của miền Nam nói chung, của cá nhân ông, nói riêng bị chặt đứt bằng kết án “đồi trụy phản động.” Đó cũng là cách làm cho một nền văn học bị chôn vùi.
Ông nói, cuộc đời ông cũng như những người dân miền Nam bước vào một môi trường sống mới, đầy sóng gió với những giá trị khác và… “phản văn minh.” Ông những tưởng ông sẽ phải vĩnh viễn rời bỏ trang giấy, chữ nghĩa. Bởi: “Tôi không phải là ngọn cỏ ngả theo chiều gió,” ông xác quyết.
Theo ông, mỗi cuộc đời hay mỗi con người, dường vẫn có cách thế sinh tồn riêng để hoàn tất phần số riêng, của mình.
Rõ hơn, ông kể: “Con đường vòng của tôi đi qua những ngày trốn tránh, sau khi một vài người bạn tôi bị bắt đầu năm 1979 bởi những ý tưởng chính trị cho một xã hội nhân bản. Có những ngày tôi không biết sẽ có gì bỏ vào bụng để sống, cũng như có những đêm không biết có tìm được chỗ nào để ngủ. Rồi cũng đến lúc tôi bị bắt, cuối năm 1980. Khi ấy, tôi và một số người bạn khác đang nung nấu một giải pháp đấu tranh dân chủ mà tôi gọi là ‘đấu tranh trong điều kiện hợp pháp.’”
Những người từng theo dõi sít sao sinh hoạt đời thường, cũng như văn chương của họ Nguyễn cho hay, đó là lần đầu tiên tác giả tiểu thuyết “Nhảy Múa Để Chết” tiết lộ quãng đời tù đày của mình!
Về những năm tháng tù đày bởi những thôi thúc mãnh liệt của cảm thức, cũng như trách nhiệm nhà văn, phải lên tiếng trước sự xuống cấp của xã hội thời đó, khiến nguyên một năm tù đày đầu tiên, họ Nguyễn bị nhốt tại trại giam Đại Lợi, thuộc quận Tân Bình, thành phố Sài Gòn. Qua năm thứ hai, ông bị đưa đi lao động cưỡng bức ở Củ Chi.
Cho tới khi tự ý bỏ về năm 1982, chưa bao giờ ông bị xét xử hay kết án. Vì thế, ông nói, tới bây giờ, ông cũng không biết chính xác ông bị tù vì tội gì?
Họ Nguyễn nhấn mạnh, rất lâu sau khi ra tù, ông mới dám về nhà. Vì dù sao thì ông cũng vẫn là công dân của một đất nước – chỉ hiềm nỗi không biết đi về đâu thôi! Nhưng như ông đã nói, cuộc đời có cách thu xếp riêng của nó… Ông đã trải qua nhiều khúc quanh mới, như từ một anh thợ vẽ tranh lụa, tới một tay đứng chợ trời, một tay buôn bán, một quản lý sản xuất, một nhà báo… Và cuối cùng là một nhà văn, như ông hôm nay.
Tuy nhiên, họ Nguyễn còn hiểu rằng, cuộc sống không chỉ là “cơm áo gạo tiền!” Mà, cuộc sống còn cần phẩm giá, tự do, với ông: “Phẩm giá thiết yếu đầu tiên và cuối cùng cho một sinh mệnh con người.”
(Du Tử Lê)
-o0o-
Kỳ 2 –
Nguyễn Viện, sĩ khí nhà văn miền Nam hôm nay
Du Tử Lê/Người Việt –

Khi giáo đường hân hoan giục giã với những hồi chuông trước Thánh Lễ cuối tuần, thì đó cũng là lúc những con bồ câu đem những dải nắng ấm áp đầu ngày, thả xuống khuôn viên nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn, cũ.
Ngồi quanh chiếc bàn tròn sắt ở một quán café đối diện, ngoài Nguyễn Quốc Thái, Huỳnh Như Phương, Trần Thi Ca và chúng tôi, còn có người đàn ông trung niên. Không cần tới một giới thiệu nào, dù ngắn, gọn, mọi người đều biết, đó là một nhà văn thuộc thế hệ thứ hai, sau biến cố Tháng Tư, 1975. Ông nổi tiếng như một người thường trực đối diện với những rình rập bất trắc mù lòa của đời thường. Hầu hết trên 10 tác phẩm ông đã ấn hành, đều bị liệt vào những đầu sách phản động, chống đối nhà nước hoặc, cổ võ tính dục. Tên ông: Nguyễn Viện.
-Ông đứng hẳn về… “lề trái?”
-Tất nhiên.
Chẳng những thế, ông còn có nguyên một tác phẩm lấy tên là “Ngồi Bên Lề, Rất Trái…”
Ông viết tác phẩm này sau hai năm tù không kêu án, và cho tới hôm nay, ông cũng không biết tội trạng của ông là gì. Tôi muốn nói, với những người dõi theo từng bước đường văn chương của họ Nguyễn, đều cho những năm, tháng tù đày, những năm, tháng không biết lấy gì bỏ vào bụng!
Không biết đêm đến sẽ phải đi về đâu, để có được một chỗ ngả lưng… chẳng những đã không dìm được họ Nguyễn, chìm sâu trong vũng lầy khuất phục, sợ hãi, đầu hàng quyền lực! Ngược lại, chính những tấn công, bủa vây tứ phía kia, lại là những mầm cây mạnh mẽ, vạm vỡ; tựa những nhân duyên quyết liệt, khua thức những đòi hỏi căn bản: Quyền được sống, được viết, như một con người tự trọng, có phẩm giá… Và ông sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, để được sống, như thế.
Rất nhiều lần, Nguyễn Viện đã cho thế giới biết quan điểm bất biến của ông về quyền được viết tự do (lẽ sống thiết thực nhất của đời ông).
Với tôi, chữ, nghĩa, hiểu theo một nghĩa nào khác, chính là… “lá phổi” của nhân thân Nguyễn Viện, nhà văn. Như gần đây thôi, tôi tình cờ đọc được bài nhạc sĩ Tuấn Khanh phỏng vấn Nguyễn Viện; nhân dịp hai tiểu thuyết của họ Nguyễn được in tại Hoa Kỳ – các cuốn: “Đĩ Thúi & Phần Còn Lại Ở Cõi Chết” và “Em Có Gì Bí Mật, Hãy Mail Cho Anh.”
Họ Nguyễn nói: “…Không có ngoại lệ nào cho một người viết tự do. Bản thân tôi cũng đang phải đối diện với nhiều nguy hiểm… và sự im lặng giả mù giả điếc của các nhà phê bình, cũng như các phương tiện thông tin chính thống. Nhưng bù lại, tôi đã nhận được tất cả danh dự cũng như kết quả của sự tự do sáng tác mang lại. Đó là tôi đã được viết như mình muốn mà không phải chịu bất cứ một sự kiểm duyệt hay chi phối nào…”
Ngắn, gọn hơn, có lần họ Nguyễn cảnh báo: “Một nhà văn chân chính không thể tự đặt mình dưới bất kỳ sự lãnh đạo của ai.”
Qua quan điểm vừa nêu của Nguyễn Viện, tôi càng thấy rõ, họ Nguyễn viết, như những mũi tên dứt khoát bắn thẳng vào mục tiêu, chứ không ầu ơ, đi vòng hoặc, ẩn dụ loanh quanh.
Ông cũng không phải là nhà văn có nhiều thao thức về những vấn đề kỹ thuật của văn chương, đến nay vẫn còn giữ phần quan trọng – như băn khoăn của hầu hết các nhà văn, liên quan tới kỹ thuật liên tưởng, ẩn dụ, hoán dụ, nghịch dụ hay biểu dụ…
Tôi nghĩ, dường như họ Nguyễn đã thản nhiên tạo cho ông một khái niệm khác về mỹ học. Qua những tiểu thuyết như “Rồng Và Rắn,” “Nhảy Múa Để Chết” hay “Thời Của Những Tiên Tri Giả,” “Cơn Bấn Loạn Dưới Đất”… nhất là mấy tiểu thuyết tới hôm nay, vẫn còn dẫn tới nhiều tranh luận là: “Đĩ Thúi,” “Đĩ Thúi & Phần Còn Lại Ở Cõi Chết” và “Sinh Ra Từ Trứng.” Tôi muốn gọi đó là “mỹ học Nguyễn Viện.”
“Mỹ học Nguyễn Viện” chẳng những không liên hệ gần, xa gì tới những tiêu chí văn chương có từ lâu đời mà, quan niệm mỹ học của Nguyễn Viện cũng không bận tâm tới cảm nhận hay phản ứng… xấu hổ, đỏ mặt của một số độc giả khi họ đọc tiểu thuyết “Sinh Ra Từ Trứng” của ông, bắt gặp những câu như:
“Tuy nhiên, trong tận cùng tôi, nỗi khao khát muốn hiếp cô vẫn nóng nẩy. Cô đẹp và đầy sức mạnh hủy diệt.”
(…)
“Đêm ấy, cô ngủ với ông. Và cô muốn ông đụ cô vỡ nát.” (Trích theo Đặng Thơ Thơ, Da Màu)
Ở tiểu thuyết “Đĩ Thúi,” họ Nguyễn cũng có những đoạn khiến các nhà đạo đức đứng trong những tủ kính giáo lý Khổng Mạnh nghiêm trọng, cũng muốn bung, bật ra ngoài:
“…Mã Kiều Nhi có phải là tín đồ của Linga không? Nàng chẳng bao giờ thắc mắc về điều ấy. Nàng có cái vốn tự có và để cho Linga có thể là Linga như nó phải thế, cái Yoni của nàng tung tóe từ ngõ hẻm đến đại lộ như nó vốn là thế. Nhân phẩm của nàng. Dâng hiến và bị hãm hiếp.”
“Từ sâu thẳm, tất cả đều tôn thờ nàng. Nhưng tất cả đều miệt thị nàng. Vì thế, để xác lập quyền tồn tại và mưu cầu hạnh phúc, thậm chí mang hạnh phúc đến cho người khác, nàng luôn bành hai chân dạng háng uy nghi trước mọi nền văn minh nhân loại.”
“Mã Kiều Nhi kéo đầu từng người áp dí vào hĩm nàng. Nàng bảo đấy là niềm ân sủng vĩ đại nhất mà con người từng biết đến. Chẳng có lãnh tụ nào muôn năm như nàng. Thế nhưng Nguyễn vẫn bảo nàng mệnh bạc. Cái hạnh phúc thật của con người không phải vì đám đông, cho đám đông. Lẽ ra Vương Thúy Kiều phải thuộc về Nguyễn, hay Mã Kiều Nhi phải thuộc về tôi chẳng hạn. Nhưng cả Vương Thúy Kiều và Mã Kiều Nhi đều là người của bá tánh, vì bá tánh và cho bá tánh…”
Là nhà văn không giới hạn mình trong bất cứ một vòng phấn nào, cũng là người tự cho phép mình vượt trên những “taboo,” cấm kỵ tôn giáo, lịch sử đất nước (hay liên quốc gia) hoặc văn chương kinh điển (như trích đoạn ở trên, từ chương 3 của tiểu thuyết “Đĩ Thúi,” Nguyễn Viện đem những nhân vật chính trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, làm “hình nhân thế mạng” hay, những tấm bia tiêu biểu cho nhơ nhuốc, hèn hạ của một số thành phần nào đấy, trong xã hội…).
Nguyễn Viện cũng cho phép mình (qua chữ, nghĩa) xô đổ bức tường đạo lý Khổng Mạnh trói buộc tự do tư tưởng của người Việt hàng ngàn năm nay, khiến đất nước, dân tộc không thể tự tin, ném mình về phía mặt trời…
Ngay vấn đề tình dục, họ Nguyễn cũng có cho riêng ông một ý niệm khác. Ý niệm ấy, được ông quảng diễn, xiển dương nhiều lần qua các tiểu thuyết của mình.
Khi được mời tham dự cuộc thảo luận chủ đề “Văn Chương Tính Dục” do trang mạng Da Màu tổ chức, một trong những phát biểu rõ ràng nhất của Nguyễn Viện về lãnh vực này là: “Viết về tính dục với tôi là một phát biểu thẩm mỹ và phản kháng chính trị. Tôi không quan tâm đến các phong trào. Những gì tôi viết, cách tôi thể hiện xuất phát từ những đòi hỏi tự thân của nội dung, của tình trạng bản thân tôi và xã hội tôi đang sống. Hỗn độn và chia cắt.”
***
Ngày xưa khi viết truyện ngắn “Kinh Kha, Con Chủy Thủ và Đất Tần Bất Trắc,” nhà văn Dương Nghiễm Mậu mượn biểu tượng Kinh Kha, để gửi thông điệp về mối ưu tư thời thế của mình, tới người đọc.
Ngày nay, Nguyễn Viện, với tôi, không hề mượn biểu tượng Kinh Kha qua sông Dịch mà, ông chính là một thứ Kinh Kha của thời hiện đại.
Ông đã xuống thuyền. Đã băng qua sông Dịch. Với con chủy thủ (chữ, nghĩa) trong tim, tôi không biết ông đạt được những gì? Thành công hay thất bại?
Nhưng, dù đứng ở một góc độ nào, nếu không kể lớp nhà văn trẻ ở miền Bắc thì theo tôi, Nguyễn Viện vẫn là nhà văn, qua tác phẩm của mình, tiêu biểu cho thái độ bất khuất của lớp nhà văn miền Nam, trưởng thành sau biến cố Tháng Tư, 1975.
Ông là một trong vài nhà văn, đại diện cho thế hệ thứ hai, của dòng văn học miền Nam Việt Nam kể từ hơn 40 năm qua vậy.
DU TỬ LÊ
……………………………………………………………………
thơ ở nguyễn trọng tạo.
02 Tháng Giêng 20189:56 SA
DU TỬ LÊ
Nguồn:dutule.com- Mục Du Tử Lê – Thơ cũ
và, Thương-Lắm.
không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?
trên quê hương, đất nước của mình?
nhưng tôi biết:
bạn tôi đã đôi lần dừng chân ở Hà Nam.
bạn tôi cũng đã có đôi lần tắm bến sông Đáy, Kim Bảng,
nơi thơ ấu tôi, diễn ra với những buổi chiều mây vần vũ
nhiều hình thù dễ sợ…
hoặc, những ngày mưa bão thốn ruột, trôi gan…
mẹ tôi chết lặng,
nhớ, thương chồng, mất sớm…
tôi nghĩ, chúng ta đã gặp nhau tự những ngày lênh láng đó.
.
tin thì tin. không tin thì thôi*
.
không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?
trên quê hương, đất nước của mình?
nhưng tôi biết:
nhiều lần bạn tôi đã đi qua 17 phố Huế.
9 Bis Triệu Việt Vương. Trường Hàng Vôi, Nguyễn Du, Hà Nội.
nơi tuổi niên thiếu tôi treo lửng trên những cành, lá sấu xum xuê
niềm vui mùa thu chua / ngọt.
hay những chiếc lá bàng thương lắm:
đùm bọc tôi.
không để đám ve sầu thiêu cháy tâm hồn khờ, dại,
tôi / mùa hè / phượng vỹ phơi lụa đỏ ven hồ.
tôi nghĩ, nhiều phần chúng ta đã gặp nhau.
đã cùng bơi thuyền ‘petite chose’ trên hồ Thiền Quang
để trăng tráng một lớp thủy tinh mỏng, óng, vàng thân thể.
chúng ta đem trăng về.
ngủ với trăng dậy thì. đêm. áo mới.
Nguyễn TrọngTạo
.
tin thì tin. không tin thì thôi *
.
tôi biết bạn tôi từng chia khói với nhà thơ Hoàng Cầm
trên gác-ống đường Lý Quốc Sư.
bạn từng dấu những cút rượu cuốc lủi (hay quốc lủi?)
cho nhạc sĩ Văn Cao.
thời bao cấp?
tôi cũng biết bạn tôi từng để dành
những củ lạc mẩy nhất,
cho nhà văn Nguyễn Tuân.
tôi chỉ không biết bạn đã bao lần ngồi quán ông Lâm Toét
với họa sĩ Bùi Xuân Phái?
có người kể với tôi,
đôi lần bạn cũng đã phải
để lại tranh, làm hình nhân thế mạng(?)
.
tin thì tin. không tin thì thôi *
.
không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?
trên quê hương, đất nước của mình.
nhưng tôi biết:
chúng ta đã gặp nhau giữa trái tim Saigon: chữ, nghĩa.
(hàng trăm năm trước. cả nghìn năm sau).
tôi biết bạn đã từng đi trên đường Trần Hưng Đạo
(khúc có hai rạp ciné kế cận nhau
và, một cái chợ nhỏ).
Hồng Thập Tự (đoạn chạy ngang hông Sở Thú)
tôi biết bạn cũng đã từng ở khu Thị Nghè.
tạm trú làng Báo chí Thủ Đức.
ngủ đỡ dăm đêm cư xá Thanh Đa.
ghé thăm căn nhà nào đó đường Trương Minh Giảng,
(chỗ ở sau cùng của mẹ tôi với người anh lớn!)
đó là những nơi tôi trải qua năm, tháng cuối cùng ở quê nhà.
tôi nghĩ hồi đó, chúng ta đã gặp nhau. (nhiều lần?)
chúng ta từng ngồi chung một quán nhậu.
thản hoặc,
chúng ta cũng có cười với nhau
dù không đứa nào nói một lời gì…
(sợ làm loãng khói, hương cuộc nhậu?)
Hoàng Cầm Nguyễn Trọng Tạo
.
tin thì tin. không tin thì thôi *
.
tôi không có khả năng đoán khẩu âm người đối diện
để suy ra sinh quán của người ấy.
nhưng tôi rất thích nghe giọng nói của bạn tôi
tuy đôi khi không kịp hiểu!.!
như chúng ta không hiểu những con đường, chim chóc, lá cây, hoa cỏ…
tỏ tình với chúng ta.
bí nhiệm trái tim,
thượng đế dành cho nhân gian
những ngày cả gió!
những đêm mịt mùng không một ngấn sao!
tội nghiệp thay
những cánh tay quờ quạng vói, đuối hư không.
tin thì tin. không tin thì thôi. *
.
tôi rất thích nghe bạn tôi đọc hai chữ… “thì thôi!”
lúc chiếc mũ vải dính trên đầu
che dăm sợi tóc thưa. sớm bạc.
khi men-đời đã ngà ngà dẫn niềm vui / nỗi buồn (cùng lúc),
ngược / xuôi khắp cùng thân thể.
tôi vẫn nghĩ bạn tôi là một trong những đại-gia-chữ-nghĩa của Hà Nội
đem tình đi vương vãi khắp nơi…
mà không cần khuân, vác chữ trên vai.
như người ta quẩy đồ tế nhuyễn lúc ra khỏi nhà.
vì chữ, nghĩa của bạn tôi chính là những tế bào
làm thành con người, sự sống, hơi thở.
như hôm nay, bạn tôi vẫn còn ngồi đâu đó,
trên mặt đất rẫy đầy chết chóc, khổ đau này!
để chờ ngày gặp nhau…
thế nhé.
giữa quê nhà!
ảnh đẹp miền quê
.
du tử lê,
(Calif. July 2017)
__________
(*) Thơ Nguyễn Trọng Tạo.
………………………………………………………………………