1.Nhạc sĩ N.T Cang-t.t và hết(DTL)2.'Đất nước mình ngộ quá..(TT Lam)3.Biểu tình vì môi trường..(RFA)4.Nỗi đau của cá..(BBC)

Thân mẫu Nguyễn Trung Cang: Con tôi chết trong bệnh tật và nghèo khó
Nguồn:dutule.com– Friday, April 29, 2016

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Cùng với cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang là người chủ trương nhạc trẻ Việt Nam, phải có căn cước hay ID Việt, chứ không thể nhắm mắt copy từ giai điệu tới phong cách trình diễn của nhạc trẻ Tây Phương. Khởi từ ý thức và, nỗ lực đáng ghi nhận này, họ Nguyễn đã đứng ra thành lập ban nhạc Phượng Hoàng vào đầu thập niên 1970, ở Saigon.

Là linh hồn của ban nhạc, là người có công dựng-tượng-đài-Phượng-Hoàng (theo cách nói của nhạc sĩ Tuấn Khanh), tôi không biết, họ Nguyễn có tiên liệu sẽ trở về cát bụi khi ông còn quá trẻ, chỉ mới 38 tuổi!?! Tôi nghĩ, dường ông linh cảm được phần nào về cái chết, căn cứ vào một vài ca khúc cuối cùng của Nguyễn.

Theo Tự Ðiển Bách Khoa Toàn Thư-Mở-Wikipedia, người ta được biết:

Nguyễn Trung Cang sinh năm 1947 tại Long Thành, Biên Hòa. Ông mất năm 1985. Cùng với Lê Hựu Hà, Nguyễn sáng lập ban nhạc trẻ Phượng Hoàng năm 1970. Ông cũng là tay guitar điện chính cho ban này.

Có nguồn tin ghi nhận rằng, Nguyễn chết trong nghèo khó và, bệnh tật tại một trại cải tạo ở một vùng rừng núi hẻo lánh, để lại một người vợ và 2 người con gái. Nhưng theo nhạc sĩ Lê Huy (hiện cư ngụ tại thành phố San Jose, miền Bắc tiểu bang California) thì, họ Nguyễn chết tại cư xá cạnh chùa Xá Lợi, do thiếu dinh dưỡng, cơ thể quá yếu, không có thuốc loại hít thẳng vào phổi (inhalation) chống hen suyễn,…

Tính tới lúc từ trần, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang đã để lại cho đời trên dưới 30 ca khúc. Những ca khúc tiêu biểu của ông, có thể kể như: Phiên Khúc Mùa Ðông, Thương Nhau Ngày Mưa, Dạ Khúc, Ðêm Dài, Mặt Trời Ðen, Bước Tình Hồng, Lời Nào Muốn Nói, Nắng Hạ, Giấc Mơ Qua, Xin Một Bóng Mát Bên Ðường, Kho Tàng Của Chúng Ta, v.v…

Sau biến cố tháng 4, 1975, Nguyễn Trung Cang có thêm ca khúc “Bâng Khuâng Chiều Nội Trú” sáng tác năm 1981. Nhưng ca khúc này chỉ được trình diễn sau khi ông đã từ trần; khởi đầu bởi Tuấn Ngọc.

Một sáng tác khác của họ Nguyễn, cũng nổi tiếng sau năm 1975 là ca khúc “Còn Yêu Em Mãi.”

Phần ca từ của ca khúc này, có những câu thành khẩn, thiết tha khiến người nghe, khi đặt mình vào hoàn cảnh của Nguyễn, e khó cầm lòng, như: “Này em hỡi, ta mơ ngày sẽ tới/ khi tương phùng, em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc / Ngọt hay đắng, trong cuộc đời mưa nắng / ta luôn cười trong giấc mơ hạnh phúc xưa tuyệt vời / Riêng ta nơi núi rừng / Về đêm càng nghe hồn băng giá / Câu ca hay khúc nhạc / Càng thêm sầu cho tình tan nát / Dù biết cách xa với đời / Dù biết thủy chung chẳng rời / Mà vẫn xót xa tháng ngày / Chờ ta chi nữa em ơi / Còn đâu giây phút tuyệt vời.” (Nđd)

Ðề cập tới “Còn Yêu Em Mãi” tác giả Hương Giang trong một bài báo trên tờ Người Ðưa Tin ghi nhận:

“…Rất nhiều người yêu nhạc cho rằng, âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang (hoặc những nhạc phẩm chung tay với nhạc sĩ Lê Hựu Hà trong ban nhạc Phượng Hoàng) mà ông từng tham gia là những lời ca, những nét nhạc của sự bi quan, chất chứa sự thở than trước nhân tình thế thái. Nhưng sâu thẳm bên trong những nhạc khúc của Nguyễn Trung Cang lại là sự lạc quan mà tình khúc ‘Còn Yêu Em Mãi’ là một minh chứng để đời.

“Giữa chốn rừng sâu hiu quạnh, người nhạc sĩ vẫn còn biên đầy trang thư gửi về cho người vợ yêu dấu những tình cảm nồng ấm của thuở yêu thương mặn nồng. Quá vãng tươi đẹp với tình yêu sâu sắc vượt qua mọi rào cản và cuộc vượt ngục về tinh thần này đã chắp cánh cho địa hạt tân nhạc Việt Nam một tác phẩm vang sáng trước mọi ám ảnh sợ hãi cũng như bóng tối của miền rừng thiêng nước độc trong những ngày dài đằng đẵng sống trong đau khổ.

“Ngay cả khi sức khỏe đã suy kiệt, chú Phượng Hoàng một thời vẫn hiên ngang đứng trên đỉnh dốc vẫy cánh và có thể dệt lời ca ân tình thì chắc chắn nếu không có trái tim lạc quan thì Nguyễn Trung Cang khó lòng sáng tạo và chắt lọc được những lời ca đẹp đến thế. Giống như lần cuối cùng được hát, Nguyễn Trung Cang – một phần của Phượng Hoàng đã hát say sưa, vang lừng để có một giai điệu của ‘Còn Yêu Em Mãi’ không quá vui tươi nhưng cũng đủ để cho người nghe thấy được khát khao về một ngày mai tương phùng mãnh liệt. Thế nhưng cuộc đời không là một giấc mơ màu hồng, giấc mơ tương phùng của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang mãi mãi không trở thành hiện thực bởi ông đã ra đi mà chưa có giây phút hội ngộ để nghe người thân khóc cho niềm vui vì hạnh phúc (…)

“’Còn Yêu Em Mãi’ là ca khúc đưa Lưu Bích, Tô Chấn Phong, trở thành cặp song ca hải ngoại được yêu thích nhất trong thập niên 90. Bài hát là tự sự không thể chân thành hơn của những người đang yêu. Cảm giác nồng nàn, ấm áp xuyên suốt ca khúc đã làm người ta quên đi nỗi u uẩn, mệt mỏi trong tận cùng sâu xa của bài hát. ‘Dù có cách xa mỏi mòn, mà những yêu dấu còn mãi. Sưởi ấm xác thân héo gầy, tình yêu như gió đem mây, gọi mưa giăng kín khung trời…’

“Ca khúc cuối đời tuổi trẻ nghèo khó, tuyệt vọng của gã si tình, say đời Nguyễn Trung Cang dành cho người vợ yêu quý của mình, nhờ người bạn thân Lê Hựu Hà chuyển giúp. Nó là định mệnh trớ trêu, bởi chỉ vài tháng sau, ông đã chết vì kiệt sức. Những ca từ nồng ấm đã trở thành lời trăng trối có thật. Những nốt nhạc như lời tiên tri về thiên tai đời mình của Nguyễn Trung Cang…” (Nđd)

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Lê Huy thì, ca khúc “Còn Yêu Em Mãi” không phải là bài cuối cùng và, cũng không phải do Lê Hựu Hà chuyển giúp. Nguyễn Trung Cang hoàn tất phần lời thứ nhất lúc còn ở nhà. Một năm sau ông mới hoàn tất phần 2 trong tù.

Vẫn theo nhạc sĩ Lê Huy thì chính Lê Huy là người đầu tiên đem “Còn Yêu Em Mãi” qua Mỹ. Ca sĩ Thái Xuân, giám đốc trung tâm Diễm Xưa thời đó, nhận mua bản quyền ca khúc ấy. Người làm hòa âm cho ca khúc là Lê Huy. Lê Huy còn cho biết thêm, tiền bản quyền đã được Lê Huy trao tận tay thân mẫu cố nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. (Nđd)

Cách gì thì như thân mẫu Nguyễn Trung Cang, đã nghẹn ngào xác nhận rằng, con bà, tác giả “Còn Yêu Em Mãi” qua đời trong hoàn cảnh “nghèo khó và tật bệnh”, khi bà xuất hiện trong bộ video chủ đề ban nhạc Phượng Hoàng, do trung tâm Asia thực hiện…

Qua cái chết của Nguyễn Trung Cang, thật đáng buồn, khi lịch sử nền tân nhạc Việt, lại ghi nhận thêm một trường hợp tài hoa bạc mệnh nữa!!!

(Garden Grove, Tháng Tư 2016)

Du Tửz Lê

…………………………………………………………………….

Fwd: ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH – Trần Thị Lam
Hau Nguyen & Ngọc Thanh to:….,me

An Ninh Văn Hóa Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ (PA83) thừa ...

> ——–

> CÔ GIÁO TRẦN THỊ LAM (HÀ TĨNH) BỊ CÔNG AN BẮT, CÓ THỂ BỊ KỶ LUẬT ĐUỔI DẠY. Thông tin mới nhất cho biết Cô Giáo dạy Văn trường THPT Chuyên ở Hà Tĩnh, tác giả bài thơ “ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH” đã bị Công An mời lên trụ sở sách nhiễu, đe dọa đồng thời đóng cửa Facebook và ngày mai chắc chắn cô giáo sẽ bị kỷ luật hoặc bị khởi tố về hình sự.
> Các bạn học trường THPT Chuyên Hà Tĩnh hoặc quen biết với cô giáo Lam, xin xác minh cho biết tình hình, cập nhật. Bài thơ được đăng lên FB vào 20h ngày 25.4.2016. Tới 23h ngày 26.4.2016 đã có hơn 2000 lượt chia sẻ. Bây giờ thì FB của cô ấy đã bị khóa lại.
> ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH
>
> Đất nước mình ngộ quá phải không anh
> Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
> Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
> Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…
>
> Đất nước mình lạ quá phải không anh
> Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
> Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
> Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…
>
> Đất nước mình buồn quá phải không anh
> Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
> Rừng đã hết và biển thì đang chết
> Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…
>
> Đất nước mình thương quá phải không anh
> Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
> Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
> Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…
>
> Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
> Anh không biết em làm sao biết được
> Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
> Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…
>
> TRẦN THI LAM
> (Hà Tĩnh)

+++++++++++++

**Tin mới nhất– NN sưu tàm*-

Vietnam.net :

Không kỷ luật cô giáo làm thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?”
28/04/2016 14:24 GMT+7

– Ông Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh cho biết cô giáo Lam vẫn đi dạy bình thường. Nhà trường không có bất kì hình thức kỷ luật nào đối với cô như thông tin mạng lan truyền.

……………………………………………………………………………………….

Biểu tình vì môi trường 1/5/2016: Bước tiến bộ vượt bậc
Nguồn:Kami’s Blog/RFA– Mon, 05/02/2016 – 04:50 — Kami

Những ngày nửa cuối tháng 4/2016, sự kiện các biển chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, từ Hà tĩnh đến Thừa thiên – Huế đã khiến cho dư luận xã hội vô cùng bức xúc. Trong không khí nóng bỏng ngùn ngụt của dư luận xã hội, không chỉ bực tức trước sự lúng túng của lãnh đạo chính quyền, trong việc giải quyết khủng hoảng trong một thảm họa môi trường hết sức trầm trọng, mà dư luận còn bức xúc trước việc loanh quanh bao biện khi đưa ra các kết luận phản khoa học, với ý đồ bao che và chạy tội.

Dư luận xã hội cực kỳ bức xúc

Đỉnh điểm là sau buổi họp báo công bố nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, tối ngày27/4/2016, khi thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân rốt ráo đọc một bản thông báo “vô trách nhiệm” và tránh né những đòi hỏi của dư luận cần phải được làm sáng tỏ. Trước đó chỉ vài tiếng đồng hồ, cuộc họp báo đã bị hoãn đột ngột mà không có lời giải thích thỏa đáng. Đó là lý do vì sao không chỉ có các nhà báo mà dư luận xã hội vô cũng bực tức. Như bình luận của báo Tuổi trẻ khi cho rằng “Cuộc họp báo kỳ quặc này đã kết thúc ngay sau phát biểu của ông Nhân khiến đại diện các cơ quan báo chí tham dự cuộc họp báo phẫn nộ, phản ứng.”. Thêm vào đó là động thái của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng về thăm tỉnh Hà tĩnh. Tại đây, có đến thăm Formosa trong những ngày này, song lại hoàn toàn không ngó ngàng gì đến việc cá chết trắng biển và cuộc sống của ngư dân ở ở Hà Tĩnh.

Phát biểu vô trách nhiệm của Phó Chủ tịch tỉnh Hà tĩnh ông Đặng Ngọc Sơn khi kêu gọi rằng, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở khu vực Vũng Áng, hay nhận định mâu thuẫn của Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân khi nhận định về nguyên nhân khi cho rằng, do tác động độc tố hoá học của con người và trên biển; do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ và hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa với tình trạng cá chết hàng loạt. Những phát biểu này như đổ thêm dầu vào lửa, đã khiến cộng đồng vô cùng phẫn nộ. Sự xuất hiện của lời kêu gọi xuống đường vì môi trường trong sạch, rất đúng thời điểm đã đánh trúng nguyện vọng của đông đảo người dân.

Sự tiến bộ vượt bậc

Cùng thời điểm đó, trên mạng xã hội cũng như hệ thống truyền thông tự do đã xuất hiện “Lời kêu gọi xuống đường vì môi trường” của Nhóm VÌ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM, với chủ đề: Vì môi trường trong sạch. Theo đó, kêu gọi mọi người tập hợp vào 9h00 sáng ngày 1/5/2016, ở Hà nội tại Nhà hát lớn và Công viên 30/4 tại Sài gòn. Ngoài ra, lời kêu gọi còn đề nghị mọi người ở bất cứ nơi nào có thể biểu thị với một biểu ngữ trong tay và một tài khoản Facebook.

Các diễn biến trong cuộc xuống đường tuần hành vì môi trường ngày 1/5/2016 cho thấy một kết quả đáng khích lệ. Số lượng lần người tham gia lần này đông hơn lần trước và tinh thần của người dân đã bớt sợ, thậm chí là không còn sợ hãi. Theo RFI cho biết, các mạng báo chí xã hội, biểu tình đông nhất là tại Hà Nội 2.000 người và thành phố Hồ Chí Minh 3.000 người. Nếu xem clip video của một người nước ngoài quay lại cảnh dòng người biểu tình rất đông từ tầng cao một khách sạn tại Sài Gòn sẽ thấy ước tính này là hoàn toàn có cơ sở. Ngoài 2 thành phố lớn kể trên, tại các địa phương khác như Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… cũng có biểu tình, nhưng ở quy mô nhỏ không đáng kể. Việc báo chí nhà nước hoàn toàn không loan tin về các cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật 01/05 cho thấy họ rất ngại khi nhắc đến chuyện phản kháng của nhân dan, nhất là trong thời điểm này.

Có lẽ vì mục đích cuộc xuống đường lần này liên quan đến môi trường, liên quan đến sự sống của mỗi người và sâu xa hơn là liên quan đến sự tồn vong của cả dân tộc. Vì thế đã có rất nhiều người chưa bao giờ xuống đường hay chưa từng tham gia các sinh hoạt chính trị đường phố. Nhưng hôm nay họ đã tham gia, vì đa số người dân rất phẫn uất trước sự “vô trách nhiệm” của chính quyền trước thảm họa môi trường ở miền Trung.

Điểm tiêu biểu nhất, là sự đồng lòng, đồng loạt trong cùng một thời khắc đã được ấn định trước: 9h00 sáng. Cũng như Hà nội, ở Sài gòn cũng thế, đúng giờ G, đám đông hàng trăm người đã được hình thành một cách nhanh chóng là điều khiến người ta không ngờ tới. Tất cả đều xuất phát từ ý chí cũng như sự quyết tâm của những người tham gia biểu tình để có được. Rồi đám đông được nhân lên theo thời gian, dọc các con đường mà đoàn biểu tình tuần hành qua đã thu hút thêm được một lực lượng khá đông đảo. Đặc biệt trong cuộc xuống đường lần này, là có rất nhiều khuôn mặt mới đặc biệt là giới trẻ tham gia rất đông. Đây là một sự tiến bộ vượt bậc. Dù rằng, về danh nghĩa cuộc xuống đường này không có tổ chức cũng như người lãnh đạo.

Việc chính quyền Hà nội vẫn theo truyền thống, tỏ ra cởi mở hơn với những người biểu tình, thông qua việc yêu cầu người biểu tình đi trên vỉa hè và tạo sự thuận lợi cho đoàn tuần hành mỗi khi qua các ngã tư là hành động đáng hoan nghênh. Dù rằng ở đây cũng xảy ra các xô xát, nhưng không đáng kể. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền bị công an chặn lại không cho tham gia và Reuters cho biết lực luợng an ninh cảnh sát được bố trí rất đông nhưng không đàn áp như những lần trước. Nhưng ngược lại, chính quyền thành phố Sài gòn vẫn với một truyền thống “khát máu”, trong âm thanh của tiếng loa phóng thanh, với các lời kêu gọi ôn hòa, thì họ đã để cho nhân viên công vụ chủ động gây hấn nhằm kiến cớ đánh đập dã man người biểu tình. Đây là một hành động không thể chấp nhận được trong một thế giới văn minh như ngày nay. Tuy vậy, những hành động trấn áp thô bạo như vậy hoàn toàn không làm cho người biểu tình sợ hãi và ngược lại nó lại có tác dụng kích thích người biểu tình say máu và quyết tâm hơn. Bởi kinh nghiệm trong các cuộc biểu tình từ trước đến nay trên thế giới đã cho thấy, yếu tố bạo lực từ mọi phía luôn đóng vai trò châm ngòi, để tạo ra bước ngoặt của cuộc biểu tình, theo xu hướng mạnh mẽ hơn.

Các bài học

Việc nhà nước Việt nam tránh né, trì hoãn việc ra luật Biểu tình, thể hiện sự lúng túng và bất lực của họ. Phải coi đây là điểm yếu, là tử huyệt cần phải khoét thật sâu. Hãy coi các cuộc xuống đường là các sinh hoạt chính trị hết sức bình thường của công dân, đã được Hiến pháp cũng như pháp luật Việt nam thừa nhận. Chính vì vậy, các cuộc xuống đường cần phải tạo ra một không khí thực sự vui vẻ mang tính lễ hội. Đó là sự kết hợp của các ban nhạc, với các bài hát hành khúc cùng với hệ thống loa phát thanh được sử dụng nhằm gây hưng phấn và để thu hút người tham gia. Những việc như thế cần phải được tính đến trong thời gian tới.

Đã đến lúc các cuộc xuống đường cần sự tổ chức một cách có bài bản và phải nhận được việc yểm trợ công khai về mặt tài chính, để có thể kéo dài hơn về mặt thời gian. Người tham gia biểu tình phải được phục vụ cơm ăn, nước uống, thậm chí là nhà vệ sinh, nhà tắm… Điều này, hy vọng rằng các tổ chức và cá nhân trong nước, đặc biệt là ở hải ngoại họ sẽ chung tay ủng hộ và hỗ trợ. Chúng ta hãy tạo điều kiện cho họ để góp sức, nếu không thì họ mãi bị mang tiếng là đánh võ mồm để xúi giục.

Tại Sài gòn, các hoạt động với phong các trẻ của những nhóm sinh viên đã tạo nên sự chú ý. Đây là một điểm cần được học tập và phát huy. Việc trong một thời gian dài, lực lượng học sinh sinh viên không được quan tâm và lôi kéo là thiếu sót đáng tiếc. Song cũng cần nghiêm túc để trả lời câu hỏi “Đã có những tấm gương đủ để thuyết phục và cuốn hút tầng lớp này hay chưa?”

Trong điều kiện các cuộc biểu tình, các lễ kỷ niệm, tưởng niệm trước đây, do những nhóm Xã hội Dân sự và các nhà hoạt động xã hội khởi xướng thường thu được ít kết quả. Với vài chục khuôn mặt quá quen thuộc không có sức hấp dẫn và lôi cuốn người dân tham gia. đặc biệt là tầng lớp trí thức. Trước cuộc xuống đường vì môi trường lần này nổ ra, đã có một số người đánh giá thấp, vì họ cho rằng, các khuôn mặt cũ quá quen thuộc của phong trào dân chủ sẽ là một tác nhân khiến người dân không muốn tham gia, bởi vì họ không muốn bị mang tiếng bị lợi dụng(!?). Nhận định này hoàn toàn là có cơ sở. Như nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Nguyễn Chí Tuyến – thủ lĩnh của NO-U FC đã viết trên trang facebook cá nhân ngay sau khi biểu tình kết thúc rằng: “Viết riêng cho những thằng em bị giam cầm tại gia sáng nay: Có những lúc sự có mặt của bọn mày lại khiến người khác tụt hứng đấy. Vậy nên, đừng có hậm hực giòi bò trong xương. Hãy vào cọ toilet cho vợ đi!”. Đây là một sự thật cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Việc các hãng truyền thông quốc tế đều có chung một nhận xét rằng, trong đoàn hàng ngàn người biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn trong sáng hôm nay thiếu vắng một số nhà hoạt động công khai vì quyền con người lâu nay. Phải chăng đây cũng là tác nhân khiến cho cuộc biểu tình ngày 1/5/2016 đã trở về đúng nghĩa cho một cuộc xuống đường vì môi trường?

Kết

Cuộc xuống đường vì môi trường ngay 1/5/2016 đã cho thấy, đã đến lúc chính quyền hiện tại phải làm hết khả năng của mình để xử lý cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay, điều được coi là một thảm họa sẽ mang lại những di hại vô cùng lớn cho đất nước trong thời gian tới. Bằng không, thì khi đó chắc chắn người dân sẽ đổ ra đường đông gấp hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần như đã thấy hôm nay. Đến lúc đó chắc chắn bạo lực của chính quyền khó có thể dập tắt được.

Việc các quan chức Việt nam trong những ngày này, đã có các quyết định nhằm giải quyết khủng hoảng và lấy lòng dân, đã cho thấy họ nhận thức được điều cực kỳ nguy hiêm đó. Mà việc ngư dân ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã chặn quốc lộ 1 A để ra các yêu sách và nhanh chóng được phía chính quyền đáp ứng đã cho thấy điều đó.

Chắc chắn rằng, cuộc xuống đường tuần hành vì môi trường ngày 1/5/2016 đã giúp cho mọi người hy vọng và tin tưởng vào sự nhiệt thành của người dân. Họ hoàn toàn không vô cảm với chính trị như người ta lầm tưởng bấy lâu nay, họ có đủ lý trí một khi quyền lợi trực tiếp của họ bị xâm phạm. Nhất là điều đó được sử dụng đúng lúc, đúng cách và lòng nhiệt tình của người dân không bị lạm dụng cũng như lợi dụng.

Ngày 01/05/2015

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.

…………………………………………………………………

‘Trình diễn môi trường bị công an ‘can thiệp’

Nguồn:BBC-

Huế: Các nghệ sỹ trình diễn “Nỗi đau của những con cá” bị công an đưa về phường làm việc.

29 tháng 4 2016 Cập nhật lúc 21:46 ICT

Đoạn clip của nghệ sỹ Trần Dân cho thấy lúc buổi trình diễn “Nỗi đau của cá” ở Huế bị tạm dừng do “có sự can thiệp của công an”.

Nhóm nghệ sĩ thuộc Viet Art Space với ý tưởng về môi trường trình diễn nghệ thuật đường phố hôm 29/04.

Tuy nhiên sau khoảng 30 phút thì công an xuất hiện và “yêu cầu dừng”, nghệ sỹ Lê Nguyên Mạnh nói với BBC Tiếng Việt.

“Đây là lần đầu tiên tôi có màn trình diễn nghệ thuật đường phố, chương trình mang tính ngẫu hứng, trong chuỗi hoạt động của nghệ sĩ ba miền đến tham dự Festival Huế nên chưa kịp xin phép cơ quan chức năng,” anh nói qua điện thoại.

Ý tưởng do các nghệ sĩ Lê Nguyên Mạnh, Maxime Lacino (người Pháp), Lý Trực Sơn, Nguyễn Văn Hè, Phạm Chí Líp, Trần Nhật, Philip Pham chuyển tải.

………………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics