1.Nhân cách kẻ sĩ miền Nam: Nhà văn Bình Nguyên Lộc(DTL)2.Qui Nhơn:Tháng Bảy Â.L thả thuyền giấy.-3.Một thuở học trò(Toàn Phong)

Nhân cách kẻ sĩ miền Nam: Nhà văn Bình Nguyên Lộc
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, August 08, 2014

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Binh NL 1

Tài liệu của Nguyễn Ngọc Hoài Nam.

Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, nền VHNT miền Nam bị chính quyền CS nhìn như một nền văn hóa đồi trụy, phản động. Chỉ có một vài người cầm bút được chế độ mới ưu đãi, săn đón dưới nhiều hình thức…

Nếu ở lãnh vực dịch thuật, dịch giả Nguyễn Hiến Lê được săn đón, thăm hỏi ưu ái nhất thì, ở lãnh vực sáng tác, người nhận được sự ưu ái đặc biệt vừa kể, chính là nhà văn Bình Nguyên Lộc, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Ðò Dọc,” một trong ba “tam kiệt” của Việt Nam (theo nhà thơ Nguyễn Ngu Í).
Tuy nhiên, qua một bài viết có tính hồi ký của nhà văn Mai Thảo, viết về nhà văn Bình Nguyên trong thời gian kể trên, người đọc được thấy rất rõ: Tác giả “Rừng Mắn” không hề lấy thế làm hãnh diện, hay vội vàng đưa tay ra để nắm lấy cơ hội hãn hữu. Trái lại, ông rất cẩn trọng, tế nhị khước từ mọi săn đón của phe thắng cuộc. Phản ứng này cho thấy nhân cách đáng trân trọng biết bao của tác giả “Ðò Dọc” – Mặc cho nhiều nhà văn, nhà thơ miền Nam trở cờ, xu nịnh, tự nguyện đi tịch thu sách báo miền Nam. Thậm chí, không thiếu tác giả còn tự lên án, khai tử tác phẩm của mình nữa!!!

Về sự được săn đón, “chiêu đãi đặc biệt” mà giới văn nghệ CS, được nhà văn Mai Thảo (7) ghi lại, như sau:

“Những lần (Mai Thảo) tới thăm Bình Nguyên Lộc như vậy, ông thường nói ít lời như một tạ lỗi, nhờ tôi nói lại với anh em, với mọi người. Rằng từ ngày người con trai lớn mất, ông đã chẳng muốn đi đâu. Rằng chứng áp huyết nặng tối kỵ những di chuyển, những họp mặt. Rằng ‘họ’ đã vào tới rồi, thành phố là của ‘họ’, đời sống chẳng còn gì đáng thấy, đóng cửa trong nhà thôi.

“Lập luận về một thái độ sống thu vào im lặng và ẩn dật, thoạt nghe ở Bình Nguyên Lộc tưởng thật dễ dàng. Sự thật, nó chẳng dễ dàng chút nào, với Bình Nguyên Lộc, với chế độ mới và Bình Nguyên Lộc, suốt thời gian ở đó. Và cái lý do giản dị chỉ là ông chẳng phải là một người viết văn như bất cứ một người viết văn nào mà là nhà văn hàng đầu, nhà văn lớn nhất miền Nam.

“Bây giờ, đó là thời gian từ 30 tháng 4, 1975, tới đầu 1976, Trung Ương Ðảng Cộng Sản ở Hà Nội, tuy chưa phát động đàn áp và cầm tù văn nghệ sĩ, đã cho thi hành ở Sài Gòn một chính sách lũng đoạn hàng ngũ văn nghệ cực kỳ hiểm độc.”

Binh NL 2

Tài liệu của Nguyễn Ngọc Hoài Nam.

Chính sách đó nhằm tạo kỳ thị, gây chia rẽ, giữa những nhà văn miền Bắc vào Nam trong đợt di cư 1954 với những nhà văn sinh trưởng ở Nam Phần. Suốt ba mươi năm văn học, Nam Bắc đã một nhà, Bắc Nam đã bằng hữu. Cộng sản muốn chấm dứt cái tình trạng hòa đồng tốt đẹp đó. Và người chúng đã dành hết mọi nỗ lực khuynh đảo là Bình Nguyên Lộc. Thoạt đầu là đám văn nghệ nằm vùng. Như Sơn Nam, Vũ Hạnh. Kế đó, đến nhóm văn nghệ của Mặt Trận Giải Phóng về thành, tạm thời được nắm giữ những địa vị quan trọng như Trần Bạch Ðằng, Giang Nam, Anh Ðức, nhiều kẻ đã quen biết Bình Nguyên Lộc từ xưa. Cuối cùng là đám nhà văn, nhà thơ công thần của chế độ và vào từ Hà Nội như Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyễn Ðình Thi, Huy Cận. Tất cả, trên từng địa vị khác biệt, đã viết thư, điện thoại ân cần thăm hỏi tác giả Ðò Dọc, về sức khỏe, về đời sống của ông, nói thân thế ông mãi an toàn, sinh kế vẫn bảo đảm, sự nghiệp không chôn vùi, ông vẫn là nhà văn lớn. Tất cả đã lần lượt đến khu Cô Giang Cô Bắc, tươi cười, nhã nhặn gõ cửa xin gặp người trong ngôi nhà có hai chậu vạn niên thanh. Bình Nguyên Lộc tiếp hết, từ tốn, chững chạc vậy thôi. Duy có một lần, không sao được, ông phải tới dự đại hội văn nghệ thống nhất lần thứ nhất ở Bộ Thông Tin cũ đường Phan Ðình Phùng. Kỳ họp này, Vũ Hạnh, Thanh Nghị báo cáo kể công, Sơn Nam đóng trò nhiệt tình khóc lóc, riêng Bình Nguyên Lộc ngồi im lặng từ đầu đến cuối, không chịu phát biểu một lời nào.

“Ðó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng, của tiếp xúc Bình Nguyên Lộc với chế độ mới. Cố nhân quen biết tương đối thân thiết nhất với anh là Giang Nam, được Thế Lữ ca ngợi là tiếng thơ cách mạng lớn nhất miền Nam, về Sài Gòn giữ chức vụ chủ tịch Hội Văn Nghệ Giải Phóng, mặc dù đã viết cho Bình Nguyên Lộc một lá thư thật dài, thật tình cảm, cũng thất bại. Thư mời Bình Nguyên Lộc tới trụ sở hội. Mời sinh hoạt. Mời hội họp. Mời viết lại. Và Bình Nguyên Lộc đã nhã nhặn viết một lá thư trả lời. Nói ông rất đau yếu. Nói bị chứng áp huyết. Nói chẳng còn làm được gì. Nói chẳng thể đi đâu. Nói xin được yên thân. Cuối cùng rồi mọi ve vuốt, mọi khuynh loát đều chịu thua, đều lùi bước trước sự nhã nhặn khước từ, trước cái nhân cách và sự tự trọng chói lọi của Bình Nguyên Lộc. Họ đành để cho Bình Nguyên Lộc được cách biệt, được một mình, được vẫn mãi mãi là Bình Nguyên Lộc trong căn nhà đóng kín…” (8)

Nhân cách kẻ sĩ miền Nam của nhà văn Bình Nguyên Lộc, phần nào rửa được những vết nhơ của thiểu số người cầm bút miền Nam, ngay sau biến cố tháng 4, 1975, vì lý do này hay lý do khác, đã tự nguyện điểm chỉ bắt bớ anh em hay, tự nguyện đi từng nhà dân, để thu gom “văn hóa đồi trụy” miền Nam chất lên những chiếc xe ba gác, giao nộp cho phường khóm, để quăng ném chúng vào ngọn lửa “phần thư” mù quáng hận thù!

Bây giờ mọi sự đã qua, thời thế đã đổi thay. Nhưng nhìn lại giai đoạn lịch sử VHNT tăm tối đó của miền Nam, 20 năm, tôi cho vẫn là một cần thiết, vì tính lịch sử của sự việc…

(Kỳ sau tiếp)

Chú thích:

(7) Mai Thảo (1927-1998).

(8) Trích “Chân dung mười lăm nhà văn, nhà thơ Việt Nam,” Văn Khoa, California xuất bản, 1985.

……………………………………..

Qui Nhơn- Tháng Bảy Âm Lịch Thả Thuyền Giấy Tưởng Niệm Người Thân Vượt Biển Mất Tích
Nguồn:Vietbao.com- 09/08/2014

Nguyễn Nhã Qui Nhơn

Qui Nhon 1.jpg1

Thả thuyền giấy tưởng niệm người thân vượt biển mất tích

Một thân hữu ở Cali vừa về thăm nhà ở Bình Định, tình cờ ghé bãi biển Qui Nhơn thưởng thức phong cảnh quê hương bỗng thấy một nhóm người vừa lớn vừa trẻ thả trôi theo sóng nước những con thuyền thắt bằng giấy màu trắng. Anh bạn lấy làm lạ cứ tưởng là nhóm người này đang chơi đùa, nhưng sao lại có người lớn trong này. Bèn hỏi và được cho biết rằng họ có những người thân là thuyền nhân năm xưa đã vượt biển nhưng đã mất tích và coi như đã bỏ mình trên đại dương.
.

Nhân mùa Tháng Bảy Âm Lịch, Giáp Ngọ 2014, Mùa Vu Lan báo hiếu và cũng là mùa tưởng nhớ đến những người thân đã khuất, nhóm người này thả thuyền giấy trên trên biển để cầu nguyện.

Anh bạn cảm động và hát cho nhóm người này nghe một bài hát của một nhạc sĩ ở hải ngoại là Xác Em Nay Ở Phương Nào, Trần Chí Phúc phổ thơ Ngọc Khôi có những câu :

“Chiều ra biển đứng ê chề. Tìm trên ngọn sóng có về xác em. Vớt rong rêu ngỡ tóc mềm. Quay về hướng gió tưởng em thở dài. Tìm trong bọt trắng thân người. Nghẹn ngào dấu vết còn phơi lõa lồ. Xác em nay ở phương nào. Tấp sang đất Thái hay vào Nam Dương. Có khi xác vượt trùng dương. Trôi về Bắc Mỹ trách hờn người yêu. Biển lớn cuốn em đi, biển lớn cuốn em đi, rồi xa rồi xa mãi. Biển ơi trả cho ta, biển ơi trả cho ta, xác em yêu, xác em yêu. Chiều ra biển đứng ngậm ngùi. Nhớ em và nhớ cả trời Việt Nam.”

Bài hát gợi lại nỗi buồn có người thân bỏ mình trên biển cả làm nhóm người này khóc. Người thân hữu ghi lại mấy tấm hình làm kỷ niệm ở bãi biển Qui Nhơn ngày 25/6/2014 để biết rằng không chỉ có người ở hải ngoại tiếc thương thuyền nhân mất tích mà người ở trong nước vẫn tưởng niệm họ nhân mùa Tháng Bảy Âm Lịch.

Qui Nhon 2.jpg1

Thả thuyền giấy tưởng niệm người thân vượt biển mất tích
.

Một người bạn khác là dân Tuy Hòa kể rằng trong giấc mơ thường thấy nhiều lần hình ảnh một người quen giơ hai tay chới với trên biển cả. Hỏi ra mới biết người này đã mất xác trên đại dương khi vượt biển và sau đó người bạn đã nhờ nhà chùa cầu siêu và từ đó về sau trong giấc mơ đã không còn thấy hình ảnh kia nữa.

Tháng Bảy Âm Lịch- mùa Vu Lan, mùa tưởng nhớ cha mẹ và cửu huyền thất tổ đã qua đời và cũng là mùa tưởng nhớ tới người những người đã khuất bóng, trong đó có những thuyền nhân bỏ mình trên biển cả.

Muốn nghe bài hát Xác Em Nay Ở Phương Nào có thể vào www.tranchiphuc.com , bấm vào Nghe Nhac TranchiPhuc và chọn tên bài hát. Hoặc vào youtube : https://www.youtube.com/watch?v=2YhPAVY2iP8

…………………………………………….

Fw: Một Thuở Học Trò
KimDung to:….,me
=================

Một Thuở Học Trò
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

NXV Toan Phong

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cám ơn ban tổ chức.(Hình Viet Bao)

=====

Ngày Khai Trường

“Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào trường Ba-Lệ-Tư để ghi tên lớp Ba. Đi đường, óc tôi cứ vơ vẩn đến chốn nhà quê, lấy sự đi học làm ngại. Phố nào cũng thấy nhan nhản học trò. Hai hiệu sách lớn chật ních những phụ-huynh vào mua sách vở, giấy, bút, cặp da. Cửa trường đông nghịt những người, cảnh binh và người gác cổng phải khó nhọc mới mở được một lối vào.
Vừa bước qua cổng trường, thấy một bàn tay vỗ vào vai, tôi giật mình ngoảnh lại thì ra thày giáo lớp Tư, tôi học năm ngoái, mái tóc đỏ hoe vẫn để rối, nét mặt vẫn vui tươi, thày bảo tôi:
– An-Di ơi! Thày trò ta từ nay chia tay nhỉ?
Điều ấy, tôi đã nghĩ đến, nay thày tôi lại nhắc, khiến tôi thêm trạnh lòng.
Mẹ tôi và tôi phải chen chúc mãi mới vào được trong trường.”

Trên đây là một đoạn văn dịch tôi đã trích ra nguyên bản từ cuốn sách “Tâm Hồn Cao Thượng” của nhà giáo Hà Mai Anh. Đọan văn này tôi đã phải học thuộc lòng khi còn là học sinh lớp Ba ở trường tiểu học Bonnal ở Hải Phòng, nghĩa là khi tôi vào tuổi ấu thơ, năm lên tám hay lên chín tuổi. Từ dạo đó đến nay, mỗi năm vào dịp cuối hè, cảnh tượng khai trường này lại tới với tôi, dù ở phương trời nào hay ở tuổi nào. Lúc còn nhỏ, vào dịp khai trường, tôi thường theo mẹ đi mua giấy bút, sách vở. Cho đến khi học xong lớp Nhất ở trường tiểu học Hải Phòng, mẹ tôi là người mua sắm mọi thứ cho tôi, kể cả đôi giầy và chiếc mũ mới, ở phố Cầu Đất, không xa truờng tôi học là mấy. Tôi cũng giống như cậu bé An-Di ở trong cuốn truyện, là mỗi năm đuợc lên một lớp, bao giờ tôi cũng thấy quyến luyến ông thày ở lớp dưới, nhưng chỉ vài tuần lễ sau, quen lớp, quen thày, tôi lại thấy qúy mến ông thày học mới.

Từ ngày lên học trường trung học ở Hà Nội, và sau này ở bậc đại học, theo học ở Pháp hay ở Mỹ, tôi phải tự mình mua lấy sách vở giấy bút, nhưng bao giờ vào những dịp khai trường, vào thăm những hiệu sách và đi quanh quẩn ở giữa những chồng sách vở, thơm mùi giấy mới, tôi lại nhớ đến thời thơ ấu, nhớ những kỷ niệm xa xưa, cho đến năm học lớp Ba, bao giờ mẹ tôi cũng đưa tôi đến tận lớp vào ngày tựu trường. Mẹ tôi là người ở Nam Định, nhưng từ ngày lấy chồng, gần như suốt cuộc đời, bà sống ở thành phố Hải Phòng, lại có đông con cháu nên mẹ tôi quen thuộc với tất cả các trường trung và tiểu học. Riêng với trường Bonnal, sau này đổi tên thành trường Ngô Quyền, thì có lẽ trong mấy chục năm trời vừa qua, không biết bao nhiêu lần mẹ tôi đã dắt các con, và các cháu tới chào các thày giáo, hay cô giáo những ngày đầu tựu trường. Giờ nghĩ lại, tôi mường tượng nhìn thấy những đứa em tôi, hay có thể sau này là những đứa cháu, một tay cầm chiếc cặp da mới mua, tay kia nắm lấy vạt áo của mẹ hay của bà, đôi mắt đầy vẻ lo âu nhìn thày giáo mới. Và mẹ tôi chắc sẽ ôn tồn bảo đứa nhỏ:”Đây là thày giáo con. Con ở lại học ngoan, bà phải về.” Hết năm này qua năm khác, mẹ tôi đã dành để làm công việc ấy, mỗi buổi khai trường, hồi còn trẻ đưa các con, lúc về già lại dẫn các cháu, có lẽ vì mẹ tôi nghĩ rằng bà quen biết với các thày giáo, cô giáo hơn, và mấy đứa cháu đi với bà chúng nó vững tâm hơn.

Tháng 10 năm 2000, trường trung học Ngô Quyền ở Hải Phòng tưng bừng làm lễ kỷ niệm 80 năm xây dựng và phát triển (1920-2000). Nhân dịp này ban giám đốc in ra một đặc san trong đó có một trang in hình của 9 thày giáo đã dạy ở trưòng và được học sinh qúy mến. Họ lại dành một trang in hình của 9 học sinh được ghi là “học sinh tiêu biểu của trường Bonnal-Ngô Quyền”. Ông hiệu trưởng đương nhiệm đã đến nhà để xin mẹ tôi cho mượn một tấm hình của đứa con xa vắng mà cách đây hơn sáu mươi năm bà đã dắt đến trường giao tận tay cho thày giáo mới và dặn dò:”Con ở lại với thày, học cho ngoan, mẹ phải về”. Đã đúng nửa thế kỷ, tôi xa Hải Phòng, và cũng từng ấy năm trời tôi không gặp lại mẹ tôi. Nguồn vui cuối đời của bà có lẽ là biết tôi vẫn còn chờ đợi cho ngày nào quê hương thật có tự do, thanh bình mới trở về. Xa con, và mong có ngày được gặp mấy đứa cháu, những đứa con tôi mà bà đã không có dịp được cầm tay để dẫn tới trường, thỉnh thoảng có những lá thư và vài tấm hình gia đình chúng tôi gửi về bà lại trân trọng lưu giữ để thỉnh thoảng mang ra khoe với những khách đến thăm. Mẹ tôi đã cho trường Ngô Quyền mượn một tấm hình thật tiêu biểu của tôi, để in vào tập kỷ yếu, tấm hình tôi đang ngồi đọc sách. Thuở nhỏ, đôi khi tôi nghe thấy mẹ nói về tôi với những bà khách: “Thằng ấy nó chỉ biết chúi đầu vào học!” Tôi không biết trường Ngô Quyền khi in tập kỷ yếu, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập, đã lựa chọn những học sinh tiêu biểu ra sao nhưng trên trang giấy in hình 9 cựu học sinh, đặt thành ba hàng, thì ở hàng trên cùng, bức hình đầu tiên là của Nguyễn Văn Linh, cựu Tổng Bí thư BCHTƯ đảng CSVN, với phụ đề là học sinh khoá 1926-1930. Những học sinh tiêu biểu khác, trong số những người tôi từng nghe thấy tên trong văn học, tôi thấy có Thế Lữ, học sinh khoá 1920, Nguyễn Đình Thi, học sinh khoá 1930, Nguyễn Huy Tưởng, học sinh khoá 1920, và Văn Cao, học sinh khoá 1930. Những người này đều có phụ chú là Nhà thơ, Nhà văn, Nhà viết kịch hay Nhạc sĩ. Tôi đã được ban giám đốc đương thời chọn là một trong những học sinh tiêu biểu của trường, và tấm hình tôi ngồi đọc sách đã được xếp sau cùng với lời phụ chú: “Giáo sư Viện sĩ Viện hàn lâm không gian quốc tế Nguyễn Xuân Vinh. Học sinh khoá 1935”. Tôi được biết là ngày lễ kỷ niệm mẹ tôi cũng nhận được giấy mời, nhưng bà lấy cớ tuổi già, đã ngoài chín mươi tuổi nên không tham dự. Hai năm sau, vào cuối năm 2002, mẹ tôi qua đời. Trước khi bà mất hai tháng, đứa con trai út của chúng tôi, cùng đi với vợ và gia đình người chị đã về thăm mẹ tôi, và bà đã vui mừng khóc ròng khi lần đầu tiên được nhìn thấy hai đứa cháu nội, một trai một gái, và cả hai chắt ngoại. Khi về Mỹ, đứa con trai của tôi đã nói lại một câu: “Bà nói là bà nhớ bố lắm!”

Cuốn Sách có Ảnh Hưởng Nhất

Đầu năm 1982, tôi được Đại Học Washington ở Seattle mời tới thuyết trình về quỹ đạo tối ưu, và nhân dịp đó anh Thanh Nam của Báo Đất Mới đã hỏi tôi là thích đọc cuốn truyện nào nhất. Tôi đã trả lời là tôi rất thích cuốn “Hoa Vông Vang” của Đỗ Tốn. Ý nghĩ đó chợt đến với tôi vì tôi đã có dịp gặp cả Đỗ Tốn và Thanh Nam hàng ngày trong một khoảng thời gian ngắn chừng vài tháng vào cuối năm 1957 khi tôi chờ đợi nghị định bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Không Quân và lúc đó tạm thời giữ chức vụ Trưởng phòng Báo chí Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng, kiêm nhiệm chủ bút hai tờ báo Quân Đội và Phụng Sự mà các anh đều ở trong ban biên tập. Thât ra trong cuộc đời, tôi đã đọc nhiều cuốn sách mà mình thấy ưa thích, kể cả những cuốn sách chuyên môn về toán hay về khoa học, nhưng không bao giờ tôi có ý nghĩ là chọn lựa ra một cuốn sách nào mà mình cho là hay nhất. Thuở nhỏ tôi chỉ được đọc sách Pháp, mới đầu là cuốn “Lettres de mon Moulin” của Alphonse Daudet vì có ghi ở trong chương trình học. Sau đó tôi đọc tiếp cuốn “Le Petit Chose” của ông. Hồi học ở Pháp tôi đã lái xe mô tô đi khắp vùng Provence và tới thăm chiếc cối xay là nơi tác giả đã viết những lá thư hay tuyệt vời, sau này được giảng dậy trong chương trình trung học. Cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi đọc là cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” của ông Hà Mai Anh. Đó là những cuốn sách Pháp và Việt tôi đọc đầu tiên, và là những cuốn sách hay đã xâm nhập vào tiềm thức của tôi, để sau này dù có tạo ra được một văn phong riêng cho mình, tôi vẫn chỉ có thể viết được những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng giống như trong những cuốn sách đầu đời tôi đã đọc mà thôi. Sau này, khi đã đọc những cuốn “Hồn Bướm Mơ Tiên” và “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” của Khái Hưng và “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân, là những cuốn sách tôi thấy viết thật hay, thì tôi nhận thức được rằng chúng ta có thể dùng tiếng Việt để tạo dựng nên những tác phẩm văn chương sánh ngang được với những tác phẩm lớn của các quốc gia khác trên thế giới. Với lòng tin vào sự phong phú của tiếng Việt, tôi đã yên tâm viết văn và làm thơ từ năm 1950 khi được mời vào nhóm “Thế Kỷ” của các anh Bùi Xuân Uyên, Viên Phong và Tạ Tỵ.

Năm ngoái, Nguyệt san văn hóa văn học nghệ thuật “Khởi Hành” mở cuộc phỏng vấn và đặt câu hỏi: “Cuốn sách nào đã ảnh hưởng nhiều nhất từ trước tới nay và cho biết trường hợp đọc cuốn sách đó” để gửi tới các nhà văn nghệ sĩ. Để trả lời anh chủ nhiệm-chủ bút Viên Linh, tôi đã không ngần ngại ghi xuống là cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng”, bản dịch tiếng Việt của nhà giáo Hà Mai Anh, dù rằng sau đó tôi cũng đọc bản dịch tiếng Pháp, đề là “Grands Coeurs” của ông A. Piazzi. Tác giả cuốn sách nguyên bản là Edmondo De Amicis (1846-1908), một nhà văn hào Ý, đã kể lại như là một tập nhật ký, trọn một niên học của một cậu bé tên là An-Di ở một trường tiểu học tại thành phố Tuy-Ranh bên Ý Đại Lợi. Những câu chuyện ở học đường, và trong gia đình, về các thầy giáo, cô giáo và bè bạn của An-Di, những mẩu chuyện vui hay buồn đã xẩy ra trong thành phố cổ xưa này đã được kể lại trong sách bằng một văn phong dản dị và trong sáng, thắm đặm tình người. Ở thời đại này, những nhà giáo dục và những nhà tâm lý học đôi khi cho rằng những cảnh tàn bạo diễn xuất trên màn ảnh TV có ảnh hưởng rất nhiều đến giới thiếu niên, kích thích bọn trẻ gây nên những bạo động, nhưng qua nhiều cuộc tranh cãi và hàng trăm bài viết, vẫn chưa đi đến một kết luận nào cụ thể. Riêng tôi thì tôi nghĩ là những cuốn sách giáo khoa, học ở những lớp tiểu học, và đặc biệt là cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi được đọc, tả cuộc đời của cậu bé An-Di trong một năm học ở lớp Ba, đã cho tôi nhiều bài học về lòng thương người, phương cách cư xử chung thủy với bè bạn, và hiếu kính với mẹ cha. Tôi đã bắt đầu bài viết này bằng một đoạn trích nguyên bản phần đầu trong cuốn truyện tả “Ngày Khai Trường”. Thay cho đoạn kết trong phần này, tôi xin trích đăng lại những dòng cuối cùng của cuốn truyện là những lời viết của bà mẹ cậu bé An-Di dặn con đừng quên mái trường xưa.

“An ơi! Mai sau, con nên người, con sẽ du lịch trong thế giới, con sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những đài các nguy nga, nhưng con phải nhớ luôn luôn đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh, vì đấy là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nẩy nở. Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ của con sẽ in vào ký ức cho đến lúc tàn sinh cũng như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng cái nhà cũ kỹ mà ở đấy mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con.”

Tập Truyện Thơ Còn Dang Dở

Cuốn sách của nhà giáo Hà Mai Anh, tôi đã đọc nhiều lần và vì thấy thích thú nên, thuở còn là sinh viên ở Hà Nội, tôi đã dùng thơ ngũ ngôn để viết ra một tập nhật ký của một em bé Việt Nam trong suốt một niên học ở bậc tiểu học cũng giống như cậu bé An-Di ở trong sách của ông Edmondo De Amicis. Cũng như vào mấy năm đầu ở trường tiểu học tôi đã phải học thuộc lòng nhiều đoạn sách trong cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng”, tôi có mộng ước rằng tập thơ của tôi sau này được dùng làm sách tập đọc cho các em học sinh còn nhỏ, tuổi chưa lên mười. Cuốn truyện thơ lấy đề là “Tuổi Thơ”, tôi viết tay chỉ có một bản, khi đang là sinh viên “Toán Học Đại Cương”, đã được truyền giữa đám bạn cùng là dân khoa học. Năm sau đó tôi đi Pháp du học, và trước khi đi tôi trao cho anh Bùi xuân Uyên và sau này được biết anh có trích đăng vài bài trên báo “Thế Kỷ” của anh, còn ngoài ra bản thảo độc nhất nay ở trong tay ai thì tôi không biết. Mới đây ngồi nói chuyện với giáo sư Hà Mai Phương là thứ nam của cụ Hà Mai Anh thì được anh cho biết là anh cùng bào huynh là cựu đại tá thiết giáp Hà Mai Việt, cũng là một người bạn của tôi, có dự án cho in lại cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” của thân phụ, và lần này có thêm tiểu sử của nhà giáo cùng những kỷ niệm viết bởi thân hữu và môn sinh. Riêng tôi, sẽ là một điều hân hạnh cho tôi nếu có dịp đóng góp vào ấn phẩm này để vinh danh công nghiệp của một nhà mô phạm đã dịch thuật và giới thiệu nhiều tác phẩm ngoại quốc tới giới trẻ Việt Nam ở thế hệ tôi.

Bản chất của tôi là một nhà toán học, quen dùng lý luận, nên không có thi tài, và cũng không có trí nhớ dai nên tập truyện thơ viết cách đây gần nửa thế kỷ, tôi chỉ còn nhớ vài đoạn. Khi viết, tôi đã soạn thành từng bài thơ ngắn, mỗi bài giới thiệu một người trong gia đình, hay thày cô giáo cùng bạn học trong trường, hay kể lại một truyện ở học đường hay ngoài xã hội. Tôi viết như vậy để cho những thày cô giáo dùng tập sách có thể dễ dàng trích ra từng bài cho học sinh tập đọc. Tôi đã hình dung cậu bé ở tuổi ấu thơ bằng những vần thơ năm ch

Tuổi Thơ

Nhớ năm xưa ấu trĩ,
Dưới nách mẹ ngây thơ.
Em ăn no ngủ kỹ,
Nhìn đời chẳng ước mơ.
Áo cánh điều tươi thắm,
Quần xanh biếc như lơ.
Mẹ nhìn em say đắm,
Đôi tóc đào phất phơ.
Mẹ ru, em ngủ say,
Tấm lòng mẹ phơi bầy.
Qua lời ca, gửi gấm:
Lớn khôn, thành người ngay.
Phô tài năng kẻ sĩ,
Làm vui lòng mẹ cha.
Thành công dân tài trí,
Cho vẻ vang sơn hà.

Tập sách của nhà văn hào người Ý luôn luôn có hình ảnh của người cha khuyên bảo đứa con, và nhiều lúc tâm sự như đối với một người bạn nhỏ. Trong tập thơ của tôi lại có tình cảm thân yêu săn sóc của một người mẹ hiền.

Mẹ Em

Từ năm còn ấu thơ,
Hình mẹ không phai mờ.
Mẹ thật là tiên nữ,
Đẹp như một bài thơ.
Mẹ là ánh trăng thanh,
Lời mẹ nghe dịu lành.
Mẹ là nguồn hạnh phúc,
Mẹ có công sinh thành.
Còn nhỏ, mẹ bế bồng,
Lớn khôn, em cậy trông:
Từ cơm ăn, áo mặc,
Dậy em, mẹ vun trồng.
Tình mẹ như biển Đông,
Nghiã mẹ thật vô cùng.
Mai sau em khôn lớn,
Hiếu kính nhớ nằm lòng.

Khác với gia đình của người Âu Mỹ, trong một gia đình Việt Nam bao giờ cũng có sự đoàn viên của các anh chị em và ông bà cùng dưới một mái nhà. Tôi đã tả người chị của cậu bé qua những vần thơ dịu dàng :

Chị Thanh

Chị Thanh em hiền hậu,
Ai cũng khen nết na.
Nói năng êm và dịu,
Dáng người đi thướt tha.
Tóc mây soà trên trán,
Nụ cười tươi như hoa.
Ngó sen, trăng tuơi sáng,
Không sánh kịp làn da.
Chị hơn em năm tuổi,
Đã biết trông việc nhà.
Sáng, trưa, chiều mấy buổi,
Làm vui lòng mẹ cha.
Cứ mỗi sáng tinh sương,
Tà áo bay trên đường.
Chân đều theo nhịp bước,
Chị tới trường Trưng Vương.

Bài “Ngày Khai Trường” trong cuốn sách của nhà giáo Hà Mai Anh tôi đã thuộc nằm lòng từ thuở ấu thơ, nay tôi viết thành thơ để in trong tập sách nhỏ bé, có thể gọi là sáng tác đầu tay của tôi.

Ngày Đến Trường

Ngày đầu tiên đến trường,
Em dậy sáng tinh sương,
Mặc áo quần mới sắm,
Rồi ngắm mình trong gương.
Đôi má em ửng hồng,
Mừng vui hay sượng sùng?
Ngày đầu tiên đi học,
Lo âu đầy trong lòng.

Cùng mẹ, em tới trường,
Chân đi, lòng vấn vương.
Ngước mắt nhìn lên mẹ,
Vỗ về, mẹ thân thương.
Mẹ nhìn em rồi cười:
Trông con tôi thật tươi.
Đi học chăm con nhé,
Gắng công cho bằng người.

Tập sách “Tuổi Thơ” tôi viết ra chỉ đưa cho một số bạn thân đọc nhưng họ đều là dân khoa học vào hạng gạo cội, suốt ngày chỉ mê mải với những phép tính nguyên hàm và đạo hàm nên chẳng ai cho tôi được ý kiến gì. Tuy vậy sau này tài thơ của tôi cũng cảm hoá được một anh bạn là anh Ngô Quốc Quýnh, nay là giáo sư-tiến sĩ dạy môn vật lý ở Trường Đại Học Tổng Hợp ở Hà Nội, để anh viết một bài cảm đề, qua nhiều năm tháng tôi còn nhớ được vài đoạn:

Tuổi Hoa Niên

Thu qua rồi lại một thu qua,
Thời thơ ấu khuất bóng dần xa.
Đường đời giây phút dừng chân bước,
Chẳng khỏi ngậm ngùi, tiếc tuổi hoa.
Sợ một mai đây, tựa nắng hồng,
Ngày tàn héo hắt, chếch bên song.
“Tuổi Thơ” ghi để vài trang nhỏ,
Gửi lại nơi đây một tấm lòng.

Tập thơ tôi viết, tuy dựa vào cuốn nhâït ký của cậu bé An-Di ở một trường tiểu học tại thành phố Tuy-Ranh bên nước Ý Đại Lợi, nhưng nay khi tả suốt một niên học ở lớp Ba của một trường tiểu học ở Việt Nam, tôi đã đưa vào câu chuyện những phong vị của quê hương, có những đoạn tả cảnh chiều vàng năm ba mục đồng cưỡi trâu về thôn xóm, có những ngày hội xuân tưng bừng, người đi lễ chùa khói hương nghi ngút, và cũng có những khung cảnh ở học đường để người đọc thấy cậu bé trong truyện cũng có những bạn tốt, và cũng có những tên dữ dằn chuyên môn hà hiếp người yếu đuối. Tập thơ nguyên thủy tôi đã viết, tôi ước chừng có vào khoảng một ngàn năm trăm câu, nay tôi mới nhớ lại được chừng một phần mười. Trải qua nhiều tháng năm trong cuộc đời, luôn luôn phải tranh đấu vượt những trở ngại để mưu sinh, trước kia ở nước nhà và nay bên quê người, trí nhớ của tôi nay cũng đã xuy sụp không cho tôi nhớ lại được toàn bộ những trang sách đã viết. Tuy vậy tình cảm với mái trường xưa đối với tôi vẫn còn nguyên vẹn. Lòng thương nhớ người mẹ hiền, với sự săn sóc ưu ái khi xưa, vẫn còn cánh cánh trong tôi. Mộng ước của tôi là rồi đây tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn như thuở học trò để viết cho trọn toàn bộ tập truyện thơ, nay hãy còn dang dở.

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

(Tháng Sáu, 2003)

………………………………………………………..

Fw: Fwd: Fw: MIẾNG BÁNH MÌ CHÁY ! Rất ngắn đọc 1 phút.
Teresa Nguyen to:….,me
>
> MIẾNG BÁNH MÌ CHÁY
>
> Khi tôi còn là một đứa trẻ,
> mẹ luôn tất bật chuyện nấu nướng, dọn
> dẹp, và chuẩn bị chu đáo cho tất cả mọi
> người. Tối nọ, sau cả ngày lao
> động vất vả, mẹ đặt đĩa trứng, xúc xích
> và những miếng bánh mì quá lửa
> lên trước mặt ba tôi.
>>
> Tôi đã chờ đợi xem phản ứng
> của ba như thế nào, hẳn ông sẽ rất giận
> dữ. Tuy nhiên, tất cả những việc ông làm là
> lấy bánh mì bị cháy, quệt
> bơ mứt, ăn với xúc xích từng miếng một, và
> mỉm cười với mẹ. Sau đó, ba
> quay sang hỏi tôi hôm nay đi học thế
> nào.
>
> Khi tôi đứng dậy vào phòng
> học bài, tôi nghe tiếng mẹ nói xin lỗi
> ba vì làm bánh mì cháy. Và tôi sẽ không bao giờ
> có thể quên điều ba tôi
> nói: “Em yêu à, anh rất thích những miếng bánh
> mì cháy”.
>
> Tối muộn đó, ba vào giường
> hôn lên trán và chúc tôi ngủ ngon. Không
> kìm nén được, tôi liền hỏi ba rằng “Ba
> thực sự thích ăn những miếng
> bánh bị cháy?”. Ba ôm tôi vào lòng và nói:
> “Mẹ của con đã phải làm việc
> rất vất vả cả ngày, và mẹ thực sự mệt,
> bên cạnh đó chỉ một chút bánh bị
> cháy không bao giờ có thể làm tổn thương bất
> kỳ ai. Con biết không,
> trong cuộc sống, còn có rất nhiều thứ không
> hoàn hảo, và cả những con
> người không hoàn hảo. Ba cũng không phải là
> người tốt nhất, có lúc ba đã
> quên ngày sinh nhật của mẹ, quên những kỉ
> niệm giống như bất kỳ ai,
> nhưng mẹ con chưa bao giờ đòi hỏi hay trách móc
> gì cả”.
>
> Cái mà tôi học được trong
> nhiều năm qua, chính là biết chấp nhận
> những lỗi lầm của nhau, và vui mừng với những
> nét độc đáo của nhau.
> Chúng ta có thể mở rộng bất kì mối quan hệ
> nào, thực tế, sự thấu hiểu là
> nền tảng cơ bản cho mọi mối quan hệ bao gồm
> tình bạn, tình vợ chồng hay
> cha mẹ – con cái. Đừng đặt chìa khoá hạnh
> phúc của bạn trong túi người
> khác, hãy giữ nó cho mình
> nhé.
>
> Minh Anh (Theo
> LFD)

……………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics