Những bất ngờ trên đường chọn lãnh đạo kế vị
Tiến sỹ Jonathan London Đại học City University of Hong Kong
Nguồn: Phạm Vũ Lửa Hạ dịch – BBC-2015-01-20
Các Ủy viên Bộ Chính trị đã từng tự phê bình các khuyết điểm tập thể của mình.
Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thường không minh bạch vừa có một màn công khai rầm rộ bằng hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Trung ương Đảng mới kết thúc. Ván bài này cược cao thắng lớn và có nhiều ý nghĩa đối với không chỉ sự phát triển của Việt Nam mà cả triển vọng chiến lược của cả khu vực. Vậy thực hư ra sao?
Hấp dẫn nhất là vấn đề chọn lãnh đạo kế vị và kèm theo đó là chuyện tranh giành quyền lực. Năm 2016 Đảng Cộng sản sẽ tổ chức đại hội 12 và trước đại hội đó, đảng phải chọn lứa lãnh đạo mới. Nhiều ủy viên của Bộ Chính trị gồm 16 người của Việt Nam sẽ đến tuổi về hưu. Sau đại hội 12, bốn vị trí cao nhất trong nền chính trị Việt Nam – tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước, và chủ tịch quốc hội – sẽ do những người mới nắm giữ. Những nhân vật nào và liên minh nào sẽ thắng và theo tổ hợp nào là vấn đề được quan tâm.
Như ở hầu hết các nhà nước độc đảng, hoạt động chính trị chọn nhân sự kế vị ở Việt Nam tất yếu sẽ diễn ra ở hậu trường. Bằng chứng về những gì thực sự đang diễn ra được che giấu một cách có hệ thống. Chính việc hiện nay Việt Nam đi chệch khỏi khuôn mẫu này đã khiến giới quan sát lưu ý. Thực vậy, diễn biến của các sự kiện hiện nay đang vén bức màn phơi bày hoạt động chính trị chóp bu ở Việt Nam mà xưa nay chưa có tiền lệ. Có nhiều bất ngờ đã xảy ra.
Bất ngờ thứ nhất xuất phát từ quy trình và các kết quả được cho là đã đạt được nhưng không kiểm chứng được của một vòng lấy phiếu tín nhiệm khác thường và bí mật trên danh nghĩa, trong đó 197 ủy viên Trung ương xếp hạng các ủy viên Bộ Chính trị theo mức độ tín nhiệm đối với thành tích của các ủy viên. Việc Bộ Chính trị chịu để cho Trung ương Đảng, vốn có vai trò giám sát chính thức đối với Bộ Chính trị, lấy phiếu tín nhiệm nhắc cho ta nhớ rằng, về chuyện chính trị, đảng cộng sản Việt Nam đã làm theo cách riêng của mình. Trung Quốc thì không như vậy.
Nguyễn Phú Trọng và các ủy viên Bộ Chính trị tìm cách trừng trị một ủy viên Bộ Chính trị không được nêu tên (được nhiều giới cho là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) nhưng bất thành.
Cuộc lấy phiếu tín nhiệm trì hoãn lâu nay đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất để chỉ tên điểm mặt phê bình hành vi xấu trong Bộ Chính trị. Nên nhớ là vào năm 2012, Nguyễn Phú Trọng và các ủy viên Bộ Chính trị tìm cách trừng trị một ủy viên Bộ Chính trị không được nêu tên (được nhiều giới cho là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) nhưng bất thành khi Trung ương Đảng không chấp thuận, mà thay vì thế bắt buộc toàn thể Bộ Chính trị tự phê bình các khuyết điểm tập thể của mình. Việc lấy phiếu tín nhiệm dường như là một cách khác để kỷ luật những ủy viên có thành tích kém cỏi, dù tiến hành trong cảnh cửa chốt then cài.
Bất ngờ thứ nhì: Thay vì được lặng lẽ trôi qua như một “công việc nội bộ”, việc lấy phiếu tín nhiệm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là vì thời điểm bỏ phiếu. Do lứa lãnh đạo năm 2016 sẽ rất có thể chỉ gồm toàn các ủy viên Bộ Chính trị, cuộc lấy phiếu tín nhiệm – dù có ý định là hoàn toàn bí mật – đã được xem là hàn thử biểu về các thế lực chính trị mạnh yếu, chưa biết đúng sai ra sao, trước đại hội đảng.
Dù phần lớn người dân Việt Nam không theo dõi sát sao hoạt động chính trị của đảng, trong những năm gần đây Việt Nam đã phát triển một văn hóa chính trị ngày càng năng động, nhờ sự truyền bá nhanh chóng của Internet và những cơ hội mà Internet mang lại người dân Việt Nam đọc và bình luận về hầu như bất cứ chuyện gì khiến họ quan tâm, trong đó có chính trị.
Điều này dẫn đến một diễn biến lý thú thứ ba, đó là sự xuất hiện của trang mạng Chân dung Quyền lực bí ẩn và có lượng truy cập rất lớn. Trong vài tuần qua, trang mạng này đã đăng những câu chuyện động trời nhưng dường như trích dẫn tư liệu đầy đủ về chuyện xấu xa được cho là của nhiều ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có ít nhất hai ủy viên được xem có thể đương nhiên nắm chức vụ lãnh đạo vào năm 2016. Sự xuất hiện của trang mạng này và việc trang mạng này khiến thiên hạ bàn tán xôn xao rõ ràng đã có tác động, và khiến chính phủ kêu gọi tránh xa nó.
Theo tác giả, hoạt động chính trị chọn nhân sự kế vị ở Việt Nam tất yếu sẽ diễn ra ở hậu trường.
Tuy có người xem Chân dung Quyền lực là một “chiến dịch bôi nhọ”, trang mạng này nhằm mục đích theo dõi tất cả các ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm. Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của trang này là cách tường thuật dường như dựa trên bằng chứng. Ở một nước mà báo chí hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của giới quyền lực chóp bu, một trang mạng kiểu này có những tác động kinh thiên động địa. Người dân Việt Nam chắc chắn đang để ý. Ví dụ ai mà biết được người nhà của một ủy viên Bộ Chính trị có chủ trương bảo thủ và ứng cử viên cho một vị trí lãnh đạo hàng đầu lại dường như sở hữu hai ngôi nhà ở miền nam California? Sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm, trang này đăng những cáo buộc và bằng chứng cho rằng một bộ trưởng chủ chốt – người cũng đã được nhắc đến như một ứng cử viên cho một chức vụ cao cấp – cùng với gia đình ông đã tích lũy cơ ngơi tài sản bằng những cách mờ ám. Vẫn chưa biết những cáo buộc này có căn cứ xác đáng hay không.
Kết cuộc đáng chú ý và có phần oái ăm cuối cùng của Hội nghị Trung ương 10 chính là những kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Được biết chẳng ai khác hơn chính Nguyễn Tấn Dũng nhận được số phiếu cao nhất. Ngược lại, nhiều ứng cử viên khác, trong đó có hai người được đề cập trên trang Chân dung Quyền lực trước cuộc lấy phiếu tín nhiệm, xếp gần chót bảng.
Trong số bốn lãnh đạo cao cấp nhất hiện nay của Việt Nam, chỉ có Nguyễn Tấn Dũng đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo sau năm 2016. Sau Nguyễn Tấn Dũng và loại trừ vị bộ trưởng gần đây bị cáo buộc là đã tích lũy tài sản bất chính, hai ủy viên Bộ Chính trị có số phiếu tín nhiệm cao nhất và cũng đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo sau năm 2016 đều là đồng minh của Nguyễn Tấn Dũng. Tất cả những điều này cho thấy chính trị ở Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng có lợi cho thủ tướng.
Ở một nước mà báo chí hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của giới quyền lực chóp bu, một trang mạng kiểu này có những tác động kinh thiên động địa
Trong 85 năm tồn tại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm cách tiến hành các đợt chọn lựa nhân sự lãnh đạo kế vị dựa trên các nguyên tắc một mặt là đồng thuận kín và một mặt là trung thành với đảng. Công thức này, vốn đã được xem tạo nên sức mạnh trong thời chiến, cũng đã bị nhiều người chỉ trích là tạo nên các lãnh đạo bất tài vô dụng, càng làm tăng các bế tắc chính trị, gây phương hại cho các nguyên tắc trọng nhân tài, và ngăn cản sự trỗi dậy của một giới lãnh đạo quyết đoán hơn. Phải chăng tình hình đã chín muồi để có thay đổi?
Tuy còn quá sớm nên chưa biết ai sẽ chiếm được các vị trí lãnh đạo cao nhất trong năm tới, hiện nay có vẻ như Nguyễn Tấn Dũng là người có cơ may cao nhất để trở thành tổng bí thư kế tiếp trong khi nhiều nhân vật cùng phe với Nguyễn Tấn Dũng dường như nhận được sự tín nhiệm tương đối cao của các đảng viên. Vì sao điều này có thể có ý nghĩa quan trọng?
Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn là một điều bí ẩn. Tuy có người nghi vấn sự thành thật của ông, ông vẫn là chính khách hùng biện nhất của Việt Nam và là tác giả của kế hoạch có chủ trương tự do nhất cho sự phát triển của Việt Nam, đó là bài phát biểu Năm Mới 2014 của ông. Ông nhiều lần tuyên bố rằng “dân chủ là tương lai”, không nao núng trước những trò gây hấn hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, và dường như rất thoải mái với ý tưởng bang giao mật thiết với Mỹ.
Tuy chúng ta không thể tiên liệu tương lai, những sự kiện gần đây cho thấy nền chính trị ở Việt Nam minh bạch hơn. Tuy không phải do chủ đích, điều này vẫn là một diễn biến quan trọng. Nó hé mở một góc bé xíu để ta nhìn vào chính trường ngày càng năng động của Việt Nam.
Bài được tác giả viết bằng tiếng Anh, do Phạm Vũ Lửa Hạ dịch, đã đăng trên blog cá nhân và tác giả đồng ý để BBC tiếng Việt đăng lại.
……………………………………………………………………………….
Phu xe Sài Gòn chật vật vì xe Trung Quốc
Nguồn:RFA/ Nhóm phóng viên tường trình từ VN- 2015-01-24
Hình minh họa chụp tại Sài Gòn.- RFA PHOTO
Nếu như trước đây, những năm đầu thập niên 2010, hàng loạt xe ba bánh Trung Quốc nhập vào Việt Nam, đánh bạt hàng loạt xe ba gác của người lao động Việt Nam, khiến cho các phu xe Sài Gòn phải một phen lao đao, người bỏ nghề, người chuyển sang chạy xe ôm, người nào có mối lâu dài thì bán áo tháo bành, cầm cố, thế chấp nhà cửa để vay tiền mua xe ba bánh Trung Quốc… Thì hiện nay, loại xe hơi điện của Trung Quốc lại một lần nữa khiến cho người lao động Việt Nam phải khốn đốn. Đời sống của các phu xe một lần nữa lâm vào cảnh nợ nần.
Giao thông bị tắt nghẽn vì xe Trung Quốc
Một người dân Sài Gòn tên Nhiệm, hiện sống tại quận 3, chia sẻ:
“Xe ba gác ngày xưa nhiều lắm, xe vua nữa, bây giờ không còn nữa, cảnh sát giao thông nó bảo cồng kềnh nó gom hết rồi, đâu còn cho phép chạy nữa đâu. Chạy là chạy lén không à. Thời đó xe ba gác là xe Honda 67 độ, nếu tính theo tiền bây giờ cũng chừng ba bốn chục triệu đồng…”
Xe ba gác ngày xưa nhiều lắm, xe vua nữa, bây giờ không còn nữa, cảnh sát giao thông nó bảo cồng kềnh nó gom hết rồi, đâu còn cho phép chạy nữa đâu. Chạy là chạy lén không à. Thời đó xe ba gác là xe Honda 67 độ, nếu tính theo tiền bây giờ cũng chừng ba bốn chục triệu đồng…
-Anh Nhiệm
Theo ông Nhiệm, tình trạng giao thông ở thành phố Sài Gòn hiện nay có thể nói là quá phức tạp, tình trạng kẹt xe có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào trong thành phố đông dân này vì lượng xe càng ngày càng nhiều thêm, đặc biệt là các loại xe máy nhập từ Trung Quốc bán với giá thấp bằng 50% giá xe của Nhật từ những năm đầu thập niên 1990 đến nay đã bắt đầu hỏng hóc, nhả khói đen, khói trắng phì phà như người già hút thuốc giữa thành phố.
Không khí hết sức ô nhiễm, ngột ngạt, tiếng máy xe Trung Quốc nổ cũng đanh hơn, không êm như những tiếng máy xe của các nước khác, điều này gây tiếng ồn khó mà tưởng tượng được vào những giờ giao thông cao điểm. Đó là chưa kể đến hàng loạt xe ba bánh của Trung Quốc lượn lờ chở hàng khắp mọi nơi.
Vì đây là loại xe được nhà nước khuyến khích nhập khẩu và bắt buộc các phu xe phải dùng thay thế cho xe ba gác máy với chức năng tương đương xe máy nên họ mặc sức đi vào những con đường có xe máy lưu thông với hàng hóa, ống nhựa, ống sắt dài lỉnh kỉnh, điều này gây khó khăn và nguy hiểm đối với những người đi xe máy trên cùng tuyến đường với họ. Nhưng đó cũng là chuyện của thời gian đầu các chủ xe ba gác Trung Quốc mới mua xe, được ưu tiên, về sau này thì họ cũng bị công an giao thông rượt ráo riết, hết đường kiếm cơm.
Ông Nhiệm lắc đầu tiếc nuối cái thời mà xích lô máy, ba gác máy và xe ôm thịnh hành, bởi thời đó những người làm thợ máy như ông dễ kiếm cơm, phu xe cũng dễ kiếm cơm. Một người đạp xe ba gác, muốn tăng công suất làm việc thì chỉ cần nâng xe ba gác đạp thành ba gác máy hoặc bán chiếc ba gác đạp, lấy ra vài chỉ vàng đến tìm ông, ông sẽ tư vấn cho họ đóng một giàn ba gác vừa với sức khỏe, chiều cao của họ, sau đó gắn máy Honda vào, xe chạy vừa êm, mạnh lại vừa bền, hợp với thể tạng từng người.
Xe ba gác đạp dùng để chứa hàng khi không được lưu thông. RFA PHOTO.
Đây là điều không thể có được ở xe ba gác Trung Quốc bởi tất cả các đợt hàng xe ba gác Trung Quốc nhập khẩu sang Việt Nam từ trước đến nay đều có chung một kích cỡ, mẫu mã và trọng tải mà theo họ cũng như phía cơ quan chức năng Việt Nam đều cho rằng đó là tiêu chuẩn hợp với thể trạng người Việt Nam, đó là chuẩn chung cho người Việt. Với xe ba gác máy tự chế thì không, tùy vào thể tạng, chiều cao, cân nặng của từng phu xe mà người thợ sẽ tư vấn, thiết kế mẫu xe cũng như dung lượng xi lanh hợp lý. Chính vì vậy, những người vốn rất thuần thục với chiếc ba gác máy tự chế của mình trở nên lúng túng và khó khăn khi điều khiển xe ba gác Trung Quốc.
Và trên hết là xe ba gác máy do thợ Việt Nam sáng chế với hệ thống máy của Nhật tiêu thụ xăng rất tiết kiệm, khác với xe ba gác máy Trung Quốc cứ uống xăng như bợm rượu. Chỉ cần 30km đã mất một lít xăng. Chính vì giá đầu tư cho xe lên đến gần một trăm triệu đồng cộng với giá xăng quá cao khiến cho cước phí vận chuyển tăng đột ngột khi ba gác Trung Quốc vận hành trên toàn thành phố mà chất lượng vận chuyển cũng chẳng có gì mới, mức thu nhập của người phu xe lại thấp hơn.
Và xe hơi điện Trung Quốc hiện tại
Một người lái xe ba gác máy tên Trúc, sống ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Sài Gòn, chia sẻ:
“Hồi đó xe tôi mua đóng thuế xong thì chừng 40 triệu đồng, bây giờ nếu mua thì tốn chín mươi mấy, gần một trăm triệu đồng. Nếu mua xe không có giấy tờ thì chừng ba chục triệu đồng nhưng đi đến đâu nó hốt đến đó… Hiện nay người ta vẫn nhập linh kiện thường xuyên đó thôi. Chính vì vậy mà có những chiếc xe tự lắp có giá vài ba chục triệu đồng, không có giấy tờ. Xe hơi điện thì nó chưa phổ biến ở Sài Gòn, nó chạy yếu lắm…”
Hiện nay người ta vẫn nhập linh kiện thường xuyên đó thôi. Chính vì vậy mà có những chiếc xe tự lắp có giá vài ba chục triệu đồng, không có giấy tờ. Xe hơi điện thì nó chưa phổ biến ở Sài Gòn, nó chạy yếu lắm…
-Anh Trúc
Theo ông Trúc, một chiếc xe hơi điện của Trung Quốc xuất hiện trên đường phố Sài Gòn, Việt Nam hiện nay chỉ cho thấy nhà nước Việt Nam đã thật sự bất lực và chỉ là con bù nhìn trong vấn đề điều hành, quản lý đất nước. Bởi hơn bào giờ hết, các thương gia Trung Quốc một lần nữa đánh bại những nhà chế tạo không chuyên nghiệp của Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều thợ máy, nông dân sáng chế ra chiếc xe hơi để đưa đón con đi học, với đà này, không bao lâu nữa, họ sẽ tiếp tục sáng tạo để làm nên những chiếc xe mà rất có thể trên 50% phụ tùng là của người Việt Nam chế tạo, và không bao lâu nữa, chiếc xe Ladalat huyền thoại của thời Việt Nam Cộng Hòa với hơn 40% phụ tùng Việt Nam sẽ trở thành một ký ức đẹp về khả năng lao động, sáng tạo của người Việt Nam.
Nhưng vì tự mày mò, không có công nghệ cũng như sự tài trợ từ nhà nước nên người thợ Việt Nam phải tốn kém rất nhiều trong quá trình sáng chế, họ không thể bán lại với giá thành thấp. Thay vì đầu tư, đưa thêm đội ngũ kĩ sư tư vấn để họ tiếp tục sáng chế, sáng tạo, nhà cầm quyền Việt Nam lại thả cửa cho xe hơi điện của Trung Quốc xâm nhập thị trường Việt Nam. Và đáng sợ nhất là loại xe này được ưu tiên không phải qua đăng kí, đăng kiểm gì cả trước ngành cảnh sát giao thông. Điều này kích thích hàng loạt kẻ có tiền sẵn sàng mua về cho con họ đến trường nhằm chống bụi, tránh nắng…
Có thể nói, hai lần nhà cầm quyền cấm thợ máy Việt Nam sáng chế ra xe ba gác máy và xe hơi Việt Nam để đưa xe ba gác máy Trung Quốc và bây giờ là xe hơi điện Trung Quốc vào Việt Nam là hai lần nhà cầm quyền đã thẳng tay đè bẹp thợ máy Việt Nam có đầu óc sáng tạo, đẩy người phu xe đến chỗ chật vật kiếm cơm bởi vốn đầu tư quá cao mà chất lượng sử dụng thì lại quá kém.
Một chiếc xe ba gác máy Trung Quốc sẽ uống xăng gần gấp đôi xe ba gác tự chế ở Sài Gòn, sẽ rất khó khăn cho người phu xe có vóc dáng nhỏ điều khiển và sẽ tốn gấp bảy lần số tiền bỏ ra mua một chiếc xe ba gác tự chế, điều này chỉ làm cho người phu xe vốn khó khăn càng thêm đau khổ vì chén cơm manh áo.
Và sắp tới đây, xe hơi điện xuất hiện, một lần nữa, người Việt Nam rơi vào trận địa của thụ động và bất chấp, cứ xài cho thoải mái trước mắt, tương lai con em gánh chịu thì không cần bàn. Vì không đơn giản một chiếc xe Trung Quốc nhập vào Việt Nam chỉ là việc mua và bán mà nó còn chở theo cả một chủ trương lớn của kẻ bành trướng. Thiết nghĩ không cần bàn thêm về thứ chù trương này nữa!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
…………………………………………………………………………………….
Người già kiếm cơm giữa Sài Gòn
NguổnRFA-Nhóm phóng viên tường trình từ VN-2015-01-02
Một Cụ Bà bán bánh tráng tại Sài Gòn, ảnh minh họa.RFA PHOTO-
Mùa Đông giá lạnh, đối với người già, người nghèo thiếu ăn thiếu mặc, cái lạnh là nô lệ trung thành của thần chết, nó có thể đến trói tay trói chân người già cho thần chết dễ bề vung lưỡi hái. Với người già lây lất kiếm sống giữa đất Sài Gòn, mùa Đông càng ghê gớm hơn nhiều bởi ngoài cái lạnh của thời tiết, cái lạnh trong tâm hồn vốn buồn tủi lâu năm của họ sẽ làm khổ họ gấp bội lần. Cái lạnh khiến cho họ thấy cô đơn, đôi khi tự đặt câu hỏi: Bao giờ mình chết? Và khi mình chết đi, lấy gì để chôn, ai chôn mình đây?
Ăn xin không nỡ, buôn bán cũng không xong
Bà Hạt, 75 tuổi, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi, vào Sài Gòn bán vé số và bưng bê cho quán ăn gần hai mươi năm nay, tâm sự:
Bảy mươi mấy tuổi mà còn đi bán vé số. Ngày thì kiếm được khoảng mười, hai mươi ngàn bạc, đôi khi được tám ngàn. Ăn uống thì ăn quán ăn đường bữa đôi ba ngàn bạc, chứ không có khi mô ăn được năm ngàn, mười ngàn đâu.
-Bà Hạt
“Bảy mươi mấy tuổi mà còn đi bán vé số. Ngày thì kiếm được khoảng mười, hai mươi ngàn bạc, đôi khi được tám ngàn. Ăn uống thì ăn quán ăn đường bữa đôi ba ngàn bạc, chứ không có khi mô ăn được năm ngàn, mười ngàn đâu. Tùy bán vé số có lời không nữa, cứ đi liên miên rứa đó, ngày mô đau ốm thì ở nhà, huyết áp lên thì xỉu lên té xuống vậy đó.”
Bà Hạt cho biết thêm là hiện nay, ở thành phố có rất nhiều người già bằng tuổi của bà và có người lớn tuổi hơn phải đi bươn bả kiếm sống hằng này bằng nhiều công việc, từ bán vé số, bán trái cây, đậu phộng rang, đậu phộng luộc, lượm ve chai, lượm bao nilon, rửa chén bát thuê cho đến đi ăn xin… Họ sống lây lất qua ngày đoạn tháng, không biết đâu là nhà.
Phần đông trong số họ không có con cái ở quê nhà, lưu lạc xuôi dần về phương Nam và tìm cách để tồn tại bằng nhiều công việc. Cũng có người từng có nhà cửa đàng hoàng nhưng sau tháng Tư năm 1975, do nhiều thay đổi, nhà cửa của họ không còn nữa, con cái thì người đi vượt biên bỏ mạng giữa biển, người vào trại cải tạo không trở về, cuối cùng, không còn người thân, không còn nhà cửa, họ lăn lộn giữa cuộc đời mà tồn tại.
Như trường hợp một người bạn già của bà Hạt, ngay cả cái tên bà này cũng không thể nhớ rõ, nói câu trước câu sau quên, hơn 80 tuổi nhưng không có thẻ chứng minh nhân dân, không nhà cửa, tối ngủ gầm cầu, ngày đi ăn xin, được bữa nào nhờ bữa đó, có ngày đói rát ruột. Tuổi già của người bạn già nhiều khi làm cho bà Hạt rơi nước mắt. Nhưng cũng nghèo khổ giống nhau, bà chẳng giúp được gì ngoài gói mì tôm, ổ bánh mì nguội.
Một Cụ Bà bán vé số tại Sài Gòn, ảnh minh họa. RFA PHOTO.
Bà Hạt nghẹn ngào nói rằng sống ở thành phố Sài Gòn, có khi ăn xin dễ thở hơn là buôn bán, nhưng với tính cách của mình, bà không thể ăn xin. Ví dụ như khi bà mời vé số, có nhiều người lắc đầu từ chối mua vé số nhưng lại sẵn lòng rút tiền ra cho bà hai ngàn đồng hoặc năm ngàn đồng. Đương nhiên là bà từ chối, không lấy. Người cho tiền xin lỗi bà và giải thích rằng họ rất thương những người nghèo, muốn giúp một chút đỉnh dù là nhỏ nhoi nhưng không thể giúp theo kiểu cho người nghèo hai ngàn đồng khi phải nộp cho nhà nước tám ngàn đồng. Bởi họ thừa biết trong mỗi tấm vé số có giá 10 ngàn đồng, người bán vé số chỉ kiếm được hai ngàn đồng tiền hoa hồng.
Chính vì không muốn cầu may để rồi nộp tiền cho một hệ thống tham nhũng mập mạp nên nhiều người không chấp nhận mua vé số nhưng lại sẵn sàng bỏ ra số tiền ngang với một tấm vé để tặng cho người bán già yếu, nghèo khổ, đó là phong cách của người Sài Gòn. Nhưng rất tiếc, bà Hạt không quen nhận tiền theo cách đó nên đời bà vẫn thiếu đói. Nếu làm ăn xin, bà lại e rằng mình lấy mất một phần của bố thí của nhiều người già ăn xin khác có sức khỏe kém hơn bà rất nhiều. Hơn nữa, sống ở Sài Gòn hiện tại, muốn ăn xin cũng rất khó.
Người ăn xin không có đất sống
Một em bé người gốc Quảng Nam, cha mẹ mất sớm, cách đây hơn 10 năm, bà nội phải bế em chạy trốn lực lượng săn bắt ăn xin ở Đà Nẵng để vào Sài Gòn tiếp tục lây lất kiếm ăn, cho biết:
“Chạy bữa trưa mất bữa tối, áo quần rách hết không có mà mang. Cha mẹ mất hết không biết nhờ ai. Họ cho bữa, lâu lâu mỗi người cho vài lon gạo về nấu ăn, để dành nấu ăn. Với nấu ít thôi vì nấu ra không có chi ăn, ăn không hết.”
Chạy bữa trưa mất bữa tối, áo quần rách hết không có mà mang. Cha mẹ mất hết không biết nhờ ai. Họ cho bữa, lâu lâu mỗi người cho vài lon gạo về nấu ăn, để dành nấu ăn. Với nấu ít thôi vì nấu ra không có chi ăn, ăn không hết.
-Một em bé người gốc Quảng Nam
Theo em bé này, thời gian gần đây, việc ăn xin hết sức khó khăn bởi lượng người giả tàn tật để xin ăn tăng vọt, làm cho người ta mất hết thiện cảm với người ăn xin. Mà những kẻ giả khổ đi ăn xin lại có chương trình, bài bản để làm người khác động lòng thương, khi hành nghề xong, họ có nhà cửa để trở về, khỏi bị dân phòng, công an hỏi thăm.
Trong khi đó, những người nghèo xin ăn chân chính như bà cháu cậu lại bị người ta hất hủi, dân phòng rượt, công an có thể bắt nhốt bất kì giờ nào. Hơn nữa, sắp tới đây, thành phố có luật mới, sẽ bắt tất cả những người lang thang ăn xin như bà cháu của cậu đưa vào trại giáo dưỡng hoặc trại tế bần và trung tâm bảo trợ xã hội để ở đó suốt ngày, đi làm, đến giờ lại được đánh kẻng về ăn cơm.
Với cậu bé này, không có gì đáng sợ hơn chuyện này. Điều này làm cậu nghĩ đến những người bắt chó trộm, họ sẽ có đất sống tại Sài Gòn trong đợt này. Cũng giống như tại thành phố Đà Nẵng trước đây, những người bắt trộm chó vốn dễ gặp nguy hiểm, dễ bị đánh chuyển hẳn sang nghề săn bắt người ăn xin để nhận thưởng. Chỉ trong vòng hai tuần, thu nhập của họ đạt đến con số vài chục triệu đồng nhờ vào săn bắt người ăn xin.
Lúc đó, mức thưởng của thành phố Đ0à nẵng cho việc phát hiện và tố giác một người ăn xin bằng một cú điện thoại đến lực lượng thanh niên xung kích hoặc công an sẽ là 250 ngàn đồng. Có người mỗi ngày săn được hàng chục, thậm chí vài chục người ăn xin, ngoài ra, họ còn tổ chức đường dây dụ người ăn xin vào thành phố Đà Nẵng để săn hoặc cho tiền, gài thế những người mù bán chổi để săn.
Sắp tới đây, Sài Gòn có lệnh bắt người ăn xin đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, cậu bé này lại linh cảm thấy rằng sắp tới đây, sẽ có một đội ngũ bắt chó trộm đổi nghề, chuyển sang săn bắt người ăn xin ở Sài Gòn để nhận thưởng. Rồi đây cuộc đời cậu chẳng biết sẽ trôi dạt về đâu.
Mùa Đông, bao giờ cũng là mùa lạnh, đặc biệt, nó rất lạnh khi tâm hồn con người trở nên lãnh cảm với nỗi đau đồng loại.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
…………………………………………………………………..