1.Phạm Thiên Thư và Hoàng Thị Ngọ, nguyên ủy nhiều ồn ào!(DTL)2.Phạm Thiên Thư ‘bất ngờ được giới thiệu với Phạm Duy’(DTL)3.Du Tử Lê-Thơ cũ-

Phạm Thiên Thư và Hoàng Thị Ngọ …

Du Tử Lê/Người Việt
Nguồn: nguoiviet.com-January 19, 201

Sự kiện một bài thơ được soạn thành ca khúc, không phải chỉ có riêng ở Việt Nam. Nhưng tính phổ quát trong lãnh vực này, có dễ Việt Nam là quốc gia đứng đầu. Dường như không một nhạc sĩ nào, dù có tên tuổi hay không, mà chưa từng ít nhất, một lần, tìm đến thi ca, để thi thố tài năng của mình.

Sự kiện này cũng tương tự như những người làm thơ, sớm, muộn gì, trở về với lục bát, thể thơ truyền thống của thi ca Việt. Mặc dù, có những tác giả nổi tiếng, cuối đời quay về với lục bát, đã cho thấy sự thất bại đáng tiếc cho tác giả đó,…

Về phương diện cấu trúc của ngôn ngữ, nếu chiết tự, tức tách từ ngữ “thi-ca” thành hai phần riêng biệt, người ta cũng sẽ thấy sự tương hợp rất máu huyết, rất thịt, xương giữa hai chữ này.

Nói cách khác, rõ hơn: “Thi” hay thơ là để (hoặc có thể) “Ca” tức ngân nga hay hát lên. Vì thế, ngay tự những ngày đầu, thuở bình minh của nền tân nhạc Việt Nam, cách đây hơn nửa thế kỷ, thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam, cũng đã tìm đến với thơ. Như tìm đến người tình lý tưởng nhất của văn học và nghệ thuật.

Tuy nhiên, có thể ít người để ý rằng, âm nhạc không chỉ chắp thêm đôi cánh cho những bài thơ của những tác giả đã thành danh, mà âm nhạc còn làm được công việc kỳ diệu là biến một người làm thơ chưa, hoặc không tên tuổi, một sớm một chiều, trở thành nổi tiếng, như một bất ngờ đầy thích thú của giới thưởng ngoạn.

Một trong những trường hợp, được coi là tiêu biểu, theo đánh giá của nhiều người là trường hợp của nhà thơ Linh Phương, tác giả bài thơ tựa đề “Để Trả Lời Một Câu Hỏi;” khi được cố nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) soạn thành ca khúc với tựa đề mới là “Kỷ Vật Cho Em,” năm 1970.

Trước khi tên tuổi của nhà thơ Linh Phương gắn liền với ca khúc “Kỷ Vật Cho Em,” những người yêu thơ không biết nhiều về ông. Lý do, thơ của ông không được đăng tải rộng rãi trên một vài tạp chí văn chương, phổ cập thời đó, như tạp chí Văn, Văn Học hay Bách Khoa,…
Thủ bút của nhà thơ Linh Phương. (Hình: Du Tử Lê cung cấp)

Theo tiết lộ của thi sĩ Trần Dạ Từ, hiện cư ngụ tại miền Nam California, thì ông là người đã chuyển bài thơ “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” của Linh Phương cho cố nhạc sĩ Phạm Duy, khi ông nhận được bài thơ của tác giả Linh Phương, gửi đăng trên một tờ nhật báo, do họ Trần chủ biên.

Có thể nhiều người không biết, nếu không được tác giả “Tỏ Tình Trong Đêm” cho biết rằng, chính ông chứ không phải một nhân vật nào khác của 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, đã thực hiện một trăm chương trình nhạc chủ đề liên tiếp dành cho Phạm Duy ở đài phát thanh Sài Gòn.

Kể lại sự việc này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh giao tình giữa thi sĩ Trần Dạ Từ và nhạc sĩ Phạm Duy vượt xa mối liên hệ bình thường (1).

Vẫn theo thi sĩ Trần Dạ Từ thì trước khi ca khúc “Kỷ Vật Cho Em” được nữ danh ca Thái Thanh trình diễn đầu tiên ở phòng trà “Đêm Màu Hồng” Sài Gòn, của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, thì ông đã thông báo cho Linh Phương biết và đón nghe “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” của Linh Phương, dưới tên mới “Kỷ Vật Cho Em” do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lại, sau khi đã soạn thành ca khúc.

Theo giải thích được nhiều người công nhận thì âm nhạc là bộ môn nghệ thuật, đi thẳng vào trái tim người thưởng ngoạn chứ không đi qua bộ óc như bộ môn thi ca. Vì thế, sức tỏa rộng của những bài thơ soạn thành ca khúc, nếu được quần chúng đón nhận thì sức phổ biến của nó, gần như vô giới hạn.

Điều đáng nói, trường hợp của nhà thơ Linh Phương, không phải là người duy nhất, nổi tiếng khắp nơi, với chỉ một bài thơ được soạn thành ca khúc. Ngoài ông, còn có nhiều tác giả, cũng chỉ có một hoặc hai bài thơ ở được với âm nhạc, cũng đã nổi tiếng lập tức, dù trước đó, những tác giả này không được quần chúng biết tới nhiều lắm! Huống hồ trường hợp của nhà thơ Phạm Thiên Thư.

Phạm Thiên Thư không chỉ có một bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc, thành công vang dội (như ca khúc “Ngày Xưa Hoàng Thị”), mà ông còn có cả chục bài thơ, sau khi được chắp thêm đôi cánh tân nhạc, chúng cũng đã rất sớm, trở thành những trận “cuồng phong” hâm mộ nơi quần chúng…

Như bài “Ngày Xưa Hoàng Thị” với linh hồn là nhân vật Hoàng Thị Ngọ, theo xác nhận của tác giả thì cũng chỉ là một nhân vật xuất hiện thoáng qua trong những ngày còn cắp sách đến trường, được nhà thơ nhớ lại…

Về nhân vật Hoàng Thị này, nhà báo Trọng Thị của tờ Tiền Phong, trong một cuộc phỏng vấn nhà thơ Phạm Thiên Thư, cũng đã ghi lại rằng: Với nhiều người thì “Ngày Xưa Hoàng Thị” từng là một tuyệt tác. Nhưng với chính nhà thơ Phạm Thiên Thư thì: “Đó chỉ là những kỷ niệm dĩ vãng, mối tình thoảng nhẹ vu vơ của thời trai trẻ.”

Vẫn theo ký giả Trọng Thị, qua cuộc phỏng vấn vừa kể, thời gian đó, họ Phạm ở trong một căn nhà nhỏ nằm phía sau chợ Tân Định. Thân phụ ông, xin cho ông đi học tại trường Trung Học Văn Lang, cách nơi ở chừng non một cây số. Ông học hết chương trình tú tài tại trường này. Và, đó là nơi ông để ý tới một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, quê gốc Hải Dương, ở gần nhà ông. Nhưng chỉ để ý thôi, không dám ngỏ lời. Hằng ngày, khi xếp hàng vào lớp, Hoàng Thị Ngọ đứng đầu hàng nữ, nổi bật với, mái tóc dài xõa vai mảnh dẻ, Phạm Thiên Thư chỉ im lặng ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, ông lẽo đẽo theo sau…

Rõ hơn, họ Phạm tâm sự: “Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết” (2).

Phải chăng chính vì tính mơ hồ của linh hồn bài thơ, đã khiến nhiều người đề quyết đó là người này. Hoặc là người kia, như một thứ huyền thoại. (Du Tử Lê)

————

Chú thích:

1-Thi sĩ Trần Dạ Từ cũng kể rằng năm 1988, do sự can thiệp và bảo trợ của chính phủ Thụy Điển, ông cùng gia đình đã định cư tại quốc gia này, trước khi di chuyển tới miền Nam California vào năm 1992. Một trong những văn nghệ sĩ đầu tiên liên lạc với họ Trần là nhạc sĩ Phạm Duy. Họ Phạm đã rất chân tình (tới cảm động) khi cho tác giả bài thơ “Nụ Hôn Đầu” biết rằng, tất cả tiền để dành được của ông, sau nhiều năm lao động là $50,000, ông muốn đưa hết cho Trần Dạ Từ, để thi sĩ của chúng ta, muốn dùng vào việc gì thì dùng… Dù không hề dùng tới, nhưng họ Trần vẫn ghi nhớ sự việc xảy ra, như một bằng chứng cụ thể, đẹp đẽ trong mối tương quan giữa hai người.

2-Nguồn: Ký giả Trọng Thị, báo Tiền Phong (Wikipedia-mở).

………………………………………………………………………………………………….

Phạm Thiên Thư ‘bất ngờ được giới thiệu với Phạm Duy’

Du Tử Lê

Nguồn:nguoiviet.com –  

Nhà thơ Phạm Thiên Thư (trái) và nhạc sĩ Phạm Duy. (Hình: Thanh Niên)

Giống như trường hợp của Linh Phương, trước khi được nhạc sĩ Phạm Duy chọn và chuyển thành ca khúc, một số thơ của mình, nhà thơ Phạm Thiên Thư, lúc đó chưa có nhiều người biết đến. Lý do, thơ của ông gần như không xuất hiện trên một số tạp chí văn chương, tương đối phổ cập thời đó, như Văn hay Văn Học…

Do đó, khi mấy ca khúc đầu tiên, do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Phạm Thiên Thư, sớm trở thành những “điểm nóng của dư luận,” thì một số câu hỏi cũng đã mau chóng hiện ra trong thắc mắc của số người quan tâm, như họ biết nhau trong trường hợp nào? Hoặc ai là người giới thiệu Phạm Thiên Thư cho Phạm Duy?

Thời trước Tháng Tư, 1975, một vài người biết chuyện đã đề cập tới vai trò của cố nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh – người chủ trương “Đàm Trường Viễn Kiến” sau năm 1954 ở Sài Gòn, tại nhà riêng của họ Nguyễn, bên cạnh chùa Từ Quang của Thượng Tọa Thích Tâm Châu.

Tưởng cũng nên nói thêm, đó là nơi lui tới thường xuyên của một số người làm văn nghệ, chính trị. Ai cũng có thể đến và để lại tác phẩm, bản thảo, ý kiến… của mình, như một cách tự giới thiệu với chủ nhân “Đàm Trường” và với mọi người. Trong số những văn nghệ sĩ thường lui tới, để lại thơ của mình, có nhà thơ Phạm Thiên Thư. (3)

Tuy nhiên, phải đợi cho đến ngày tác giả “Ngày Xưa Hoàng Thị,” dành cho ký giả Hồng Hạc, báo Thanh Niên, cuộc phỏng vấn vào cuối Tháng Giêng, 2013 (mấy năm sau khi nhạc sĩ Phạm Duy từ trần), bạn đọc mới chính thức được biết khởi đầu của mối duyên văn nghệ đẹp đẽ ấy.

Trong cuộc phỏng vấn vừa kể, nhà thơ Phạm Thiên Thư cho biết, qua môi giới của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, nhiều chục năm trước, ông bất ngờ được giới thiệu với nhạc sĩ Phạm Duy, để phổ nhạc một số thơ có tính “thiền vị” của mình.

Dù vậy, thoạt tiên, tác giả bài thơ “Em Lễ Chùa Này” đã khá ngần ngại vì, theo ghi nhận của ông, nhạc sĩ Phạm Duy chỉ quen phổ nhạc những bài thơ lãng mạn mà thôi. Ông không biết cảm quan của nhạc sĩ Phạm Duy trước những bài thơ “Đạo Ca” của ông, thế nào?

Ông nói với Hồng Hạc: “Tôi không biết anh (Phạm Duy) có thích những bài thơ ngoài đời nhưng về đạo của tôi không?”

Cho đến một ngày, vẫn theo lời kể của nhà thơ Phạm Thiên Thư thì ông nhận được tin nhắn của Phạm Duy (qua nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh) rằng, tác giả ca khúc “Bên Cầu Biên Giới” thấy những bài thơ “Đạo Ca” của Phạm Thiên Thư gần với đời, nên ông đã soạn thành ca khúc 10 bài Đạo Ca ấy.

Trước khi phổ nhạc loạt thơ Đạo Ca của Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy cũng hỏi tác giả “Đạo Ca” về ý nghĩa của 10 bài thơ này. Ông trả lời: “‘Đạo’ là con đường dẫn đến giải thoát. Còn ‘Ca’ là nghiệp dĩ mà anh Duy đã chọn…”

Cũng trong cuộc nói chuyện kể trên, với nhà báo Hồng Hạc, nhà thơ Phạm Thiên Thư cho biết, ngoài 10 bài Đạo Ca, nhạc sĩ Phạm Duy trước sau cũng đã phổ nhạc 15 bài thơ tình, lãng mạn của ông, như các bài “Ngày Xưa Hoàng Thị,” “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng,” “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu,” hay “Em Lễ Chùa Này”…

***

Sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy từng nói rằng, quan niệm phổ nhạc một bài thơ của ông, không giống với quan niệm của nhiều nhạc sĩ khác.

Ông nói, đa số các nhạc sĩ, khi phổ nhạc một bài thơ, thường có xu hướng cố gắng giữ nguyên bản bài thơ; để chứng tỏ tài năng, hay sự tôn trọng của nhạc sĩ đối với tác giả những bài thơ ấy?

Nhưng, với riêng ông thì, ngược lại: “Một bài thơ quá… ‘đầy’ là bài thơ không còn chỗ, dành cho sự tham gia của người nhạc sĩ vào bài thơ nữa.”

Ông nói thêm: “Kinh nghiệm riêng của tôi cho thấy, với những bài thơ tôi chọn để phổ nhạc mà phần cá nhân tôi không thể thêm thắt, đóng góp được gì, hoặc phần tôi tham dự vào, nó quá ít thì đó là bài thơ khó có hy vọng phổ biến rộng rãi được!”

Mặt khác, nhạc sĩ Phạm Duy, người dường có trong tay “chiếc đũa thần” dùng cho thơ phổ nhạc, cũng nhấn mạnh, một bài thơ có tính kể chuyện, hoặc thấp thoáng một chuyện kể, bao giờ cũng dễ được quần chúng mau chóng đón nhận…

Quan niệm phổ một bài thơ có vóc dáng, hơi hướm của một chuyện kể, nhiều phần sẽ đem thành công tới cho một ca khúc, hơn bất cứ một nội dung nào khác của bài thơ. Quan niệm này của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng được một số nhạc sĩ nổi tiếng, biểu đồng tình. Tiêu biểu cho sự đồng tình này, là cố nhạc sĩ Anh Bằng, chủ nhân của cả một “kho tàng” những bài thơ phổ nhạc được rất nhiều người yêu thích. (4)

Khởi từ quan niệm về thơ phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, nhìn lại ca khúc “Ngày Xưa Hoàng Thị,” người ta thấy, dù bài thơ rất dài, có tới trên 10 phân khúc, nhưng khi đưa vào ca khúc, thì duy nhất một phân khúc bốn câu, được họ Phạm chọn để dùng cho bản nhạc. Đó là phân đoạn:

“Em tan trường về
đường mưa nho nhỏ
trao vội chùm hoa
ép vào cuối vở.”

Nhưng khi vào ca khúc, nó cũng không hoàn toàn theo đúng nguyên bản và, bốn câu thơ trên, đã trở thành sáu câu:

“Em tan trường về
Mưa bay mờ mờ
Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ép vào cuốn vở
Muôn thuở còn thương còn thương.”

Ở những phân khúc còn lại của phần ca từ, họ Phạm cũng trích, dùng một số câu thơ có trong nguyên bản, sau khi đã sửa chút ít từ ngữ để thích hợp với nốt nhạc. Nhưng những câu thơ đó, được lập đi, lập lại nhiều lần, để nhấn mạnh? Để đánh vào cảm quan người thưởng ngoạn, hầu lưu dấu khó quên cho người nghe? Ngay cả khi họ đã ra khỏi âm hưởng, khí hậu của bản nhạc.

Kỹ thuật này, được dùng thường xuyên, trong nhiều ca khúc của nền tân nhạc Việt; dù đó có là một bài thơ phổ nhạc, hay không. (Du Tử Lê)


Chú thích:

(3) Nhà Văn Nguyễn Đức Quỳnh (1909-1974), nổi tiếng từ thời Tiền Chiến, ở Hà Nội. Ông là tác giả của những tác phẩm được nhiều người biết đến như “Thằng Cu So,” “Thằng Phượng,” “Thằng Kình”… Đồng thời, ông cũng là người đứng đầu nhóm và nhà xuất bản Hàn Thuyên, quy tụ những tên tuổi nổi tiếng thời đó, như Đặng Thai Mai, (tác giả “Khái niệm văn học”), Trương Tửu (tác giả “Kinh thi Việt Nam”), Nguyễn Đình Lạp (tác giả “Ngoại ô,” “Ngõ hẻm,” tiểu thuyết)…

(4) Nhạc sĩ Anh Bằng tên thật Trần An Bường. Ông sinh ngày 5 Tháng Năm, 1926, tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa (cùng quê với cố thi sĩ Hữu Loan). Ông mất ngày 12 Tháng Mười Một, 2015, tại Orange County, miền Nam California. Ông để lại cho đời khoảng 650 ca khúc đủ loại. (Nguồn Wikipedia)

…………………………………………………………………………

 DU TỬ LÊ  –  THƠ CŨ
Nguồn:dutule.com

Bến Tâm Hồn

Du Tử Lê

18 Tháng Mười 201712:00 SA


Du Tử Lê khởi viết rất sớm với nhiều bút hiệu khác nhau, từ năm 1953 thơ được đăng trên tờ báo Măng Non, dành cho thiếu nhi, xuất bản tại Hànội. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài “Bến tâm hồn”, đăng trên tạp chí Mai, xuất bản tại Sàigòn. Bút hiệu này được dùng cho tới ngày nay.

Lênh đênh hồn ngủ phương này
Thương mưa Hà Nội nhớ mây Hồng Hà
Mười năm dài những xót xa
Bờ hoang bến quạnh thiết tha ngọn nguồn
Mênh mông hồn ngủ phương buồn
Đêm sương cầu giấy chợ hôm canh gà
Tóc thề nẻo gió áo hoa
Trôi từ chinh chiến trôi qua điêu tàn
Lênh đênh hồn cắm sào ngang
Năm ô tuổi nhỏ buồn hoang ngọn cờ.

 …………………………………………………………………….

Khuôn Mặt Tình Yêu

Du Tử Lê

21 Tháng Tám 201712:00 SA

Khuôn mặt đó phút giây thành tượng đá

Trong hồn tôi trong suốt cả đời tôi

Nét huyền châu tinh túy lửa hương trời

Tay bướm trắng nâng cao tình yêu ảo mỵ

Khuôn mặt đó vào nghìn đêm hư dị

Nửa giấc mơ buồn khăn lệ đưa ngang

Người hiện thân của quyến rũ thiên đàng

Chân hoa cỏ đi trong hoàng hôn bão tố

Khuôn mặt đó mùa thu xanh lá cỏ

Sợ điêu tàn người xóa bỏ tương lai

Tôi loay hoay trong đáy huyệt cuộc đời

Thân trốn chạy không qua vòng dây tình ái

Khuôn mặt đó mùa xuân không đứng lại

Tóc mưa đêm ngủ rối mộng bơ thờ

Chiều dâng cao cùng tiếng hát tiêu sơ

Môi thánh thiện lời bay đầy năm tháng quạnh

Khuôn mặt đó vùi chôn vùng ảo ảnh

Triền sông dài kỷ niệm mãi trôi xuôi

Khi bước chân tìm kiếm đã rạc rời

Lòng se sắt ngậm tăm tình yêu non yểu

Khuôn mặt đó khăn tay vào vĩnh cửu

Vào đau thương thành tượng đá đời tôi

Tôi nói gì đây khi đã yêu người

Tay bướm trắng thả bay tình yêu u uẩn

Du Tử Lê

(1964)

…………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics