1.Phương Dung,Và 'Sự tái sanh…'(DTL)2.Chuyện về một ông Thày(NT Hồng)3.Hà Nội mùa 'lội' nước(VOA)4.Thế sự đảo điên(VB)

Phương Dung, Và “Sự Tái Sinh Của Các Lạt Ma Tây Tạng”
Nguồn:vietbao.com – 19/09/2015

Du Tử Lê

Dung Phuong.jpg1

Đức Đạt Lai Lạt Ma và nữ cư sĩ Phương Dung trong 2 buổi Ngài thuyết pháp cho cộng đồng Việt ở Nam Cali năm 1997 và 2000. Cả 2 buổi đều cho chị Phương Dung tổ chức.

Không biết tôi có sai lắm chăng (?) khi luôn nghĩ rằng, phụ nữ chỉ có thể làm tròn một trong hai nhiệm vụ: Người vợ, người mẹ trong gia đình hoặc; kẻ phụng hiến toàn tâm, ý cho một lý tưởng nào khác. Thí dụ tôn giáo. Nhất là khi người phụ nữ kia sống giữa xã hội Tây phương khắc nghiệt thời gian, lạnh lùng, cay cực thực tế.

Ngay tại những môi trường sinh hoạt xã hội Phương đông, nơi điều kiện sinh sống tương đối dễ thở hơn; chỉ cần có một công việc tàm tạm, phụ thêm vào kinh tế gia đình, người phụ nữ cũng có thể thuê mướn người giúp việc một cách dễ dàng, để có thì giờ phụng hiến niềm tin tôn giáo của mình thì, vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ kia, cũng đã khó có thể toàn vẹn, nếu không muốn nói là sẽ dẫn tới nhiều hư, khuyết!!!

Không biết tôi có sai lầm lắm chăng (?) khi cho rằng, cách gì thì sự bền vững gia đình cũng sẽ bị chông chênh, bập bềnh dễ đưa tới gẫy, vỡ… khi người phụ nữ trong gia đình (dù môi trường nào), phân thân giữa ba công việc nặng nhọc: kiềm tiền, làm vợ, mẹ và, hoằng dương đạo pháp!…

Nhưng, gần đây, tôi biết tôi không lầm, chỉ ngạc nhiên, khi ghi nhận một ngoại lệ: Trường hợp Phương Dung, người bạn đời của nhà báo, nhà thơ Ngọc Hoài Phương.

Tôi biết một Phương Dung thời thiếu nữ, từng là xướng ngôn viên đài truyền hình Cần Thơ. Tôi biết một Phương Dung, nguyên phóng viên báo Đuốc Miền Tây và báo Tranh Thủ trước khi chọn tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Ở quê người, Phương Dung đi học… Trở thành một chuyên viên thẩm mỹ – – Nguồn kinh tế chính của gia đình.

dung phuong 2.jpg1

Đức Đạt Lai Lạt Ma và nữ cư sĩ Phương Dung trong 2 buổi Ngài thuyết pháp cho cộng đồng Việt ở Nam Cali năm 1997 và 2000. Cả 2 buổi đều cho chị Phương Dung tổ chức.

Bên cạnh đó, Phương Dung, người bạn đời của nhà báo, nhà thơ Ngọc Hoài Phương, không chỉ chu toàn bổn phận với chồng, con (thậm chí với cả bạn bè bốn biển, năm châu của chồng) mà, cô còn là linh hồn của những tiếp đón nhiều phái đoàn Lạt Ma Tây Tạng – – Nhất là nỗ lực tổ chức, đón rước quy mô Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 – nhà lãnh đạo đất nước Tây Tạng – lần đầu tiên đến với tập thể Việt vào năm 1997 tại thành phố Long Beach, miền nam California. Và, lần thứ hai, Phương Dung cũng là người được chọn tổ chức, đón tiếp Đức Lạt Lai Lạt Ma, để ngài ban truyền đại lễ “Quán đảnh Thiên thủ Thiên nhãn Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát” tại Long Beach Convention Center, ngày 24 tháng 6 – 2000 – – Mở đầu thiên niên kỷ mới.

Phương Dung nói:

“Sự kiện Phương Dung được phước duyên thỉnh cầu được Đức Đạt Lai Lạt Ma hai lần đến với cộng đồng Phật giáo VN là một ân phước cực kỳ lớn lao mà Chư Phật, Bồ tát đã từ bi ban tặng cho Phương Dung- – Một con người nhỏ bé… Bản thân Phương Dung đã phải hy sinh, rất nhiều và, trải qua cũng rất nhiều những thử thách vô cùng khó khăn, hầu có thể hoàn thành được ước nguyện lớn lao của đời mình ở kiếp này. Nhất là Phương Dung phải tu giữa chợ đời…”

Đó là hình ảnh Phương Dung ở vai trò hay, lãnh vực thứ ba: Lãnh vực tôn giáo.

Trong ghi nhận riêng của tôi thì, ở vị trí nào, giai đoạn nào, Phương Dung cũng làm tròn bổn phận, trách nhiệm mình, một cách tốt đẹp.

Nhưng, khi Phương Dung trở thành người trước tác hai bộ sách lớn từ lượng tới phẩm; đó là các bộ sách tựa đề “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” và, “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa” thì, người cựu phóng viên này, đã dấy lên trong tôi, niềm nể, phục.

Tôi e rằng, ở lãnh vực tôn giáo, trừ những người được học tập, huấn luyện bài bản, chính quy… thì, sự nắm vững nguồn gốc, giáo lý, tinh thần, tín lý của tôn giáo đó, là điều không dễ.

Nó càng khó hơn nữa, khi đó lại là một tôn giáo chưa được phổ cập lắm, như Phật giáo Tây Tạng, trong đời sống tâm linh của người Việt.

Vì thế, tôi cho rằng, cố nhạc sĩ Việt Dzũng, trong một cuộc trò chuyện với người viết bộ sách “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” và “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa”, trên đài phát thanh LSR 96.7 FM, tháng 5 năm 1996 đã rất nhanh, nhạy khi hỏi tác giả bộ sách kể trên, về sự khác biệt giữa Phật Giáo Tây Tạng và Phật Giáo Việt Nam…

Không ít thính giả theo dõi cuộc nói chuyện trực tiếp này đã tỏ dấu lo lắng cho người bị hỏi… Nhưng, Phương Dung đã trả lời câu hỏi này một cách dễ dàng, mạch lạch như sau:

“…Trên phương diện danh từ thì có Phật Gíao Việt Nam, Phật Giáo Tây Tạng, Phật Giáo Nhật Bản hay Trung Hoa… Nhưng kỳ thực Phật Giáo chỉ có một mà thôi, vì cùng chia sẻ chung những điều Đức Phật dạy. Thí dụ như trên thân cây Bồ đề có nhiều nhánh khác nhau, nhưng vì cùng nằm trên một thân cây, chung một gốc nên không thể nói là khác nhau được. Tuy nhiên, Phật Giáo được chia làm 3 thừa: Phật giáo Nguyên thủy, còn được gọi là Tiểu thừa (Hynayana), Đại thừa (Mahayana), Kim cang thừa (Vajrayana). Lý tưởng của Tiểu thừa là tu để đạt được sự giải thoát cho chính mình. Lý tưởng của Đại thừa vừa giải thoát cho chính mình vừa thực hành hạnh Bồ Tát trở lại cõi đời để cứu độ những chúng sinh khác nữa. Còn Kim cang thừa tức Phật giáo Tây Tạng hay Mật giáo Tây Tạng cũng thế. Lý tưởng cũng giống như Đại thừa là tu để giải thoát rồi tiến tu thành Bồ Tát, thành Phật để có thể cứu độ chúng sinh một cách bao la hơn. Trên phương diện hành trì, Phật giáo Tây Tạng có đôi chút khác biệt với Phật giáo Việt Nam, nhưng về lý tưởng thì không có gì khác biệt…”

Trong cuộc phỏng vấn, cố nhạc sĩ Việt Dzũng cũng dành cho tác giả “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” câu hỏi mà nhiều thính giả muốn nghe, đó là vấn đề “Luân hồi” – – một đề tài ngày càng được nhiều người quan tâm.

dung phuong 3.jpg1
Nữ cư sĩ Phương Dung

Trả lời câu hỏi này, Phương Dung nói:

“Nếu giải thích tường tận về vấn đề Luân hồi của Phật giáo thì chúng ta sẽ mất rất nhiều thì giờ. Vì thế, (chúng tôi) xin được tóm lược như thế này: Theo giáo lý của nhà Phật thì con người phải chịu trách nhiệm tất cả hành động do mình gây ra, chứ không ai ban thưởng hay trừng phạt cả. Đạo Phật gọi điều này là Nhân quả và Nghiệp báo. Ba nơi tạo nghiệp của con người là thân, khẩu và ý. Thí dụ như một người trong đời sống luôn có những tư tưởng thiện, nói những lời thiện, và làm những điều thiện thì người đó tạo được thiện nghiệp, và các điều thiện này được lưu giữ nơi Tàng-thức hay A-lại-da-thức của mình, không bao giờ mất. Ngược lại, một người mà khi còn sống lúc nào cũng nghĩ xấu cho người khác, miệng hay nói ác cho người, và thân thì làm những điều hại kẻ khác thì tạo thành ác nghiệp và Tàng-thức cũng lưu giữ những điều xấu này.

“Chính nhân quả và nghiệp báo đưa con người đi tái sinh. Người tạo được thiện nghiệp sau khi chết sẽ tái sinh làm người xinh đẹp, phú qúy và hạnh phúc. Hoặc sinh về các cõi trời để hưởng phước. Người tạo nhiều ác nghiệp sẽ tái sinh trong cảnh tăm tối, đầy khổ đau. Đó là nghiệp báo và chính nghiệp báo này sẽ đưa dẫn con người sau khi chết đi mãi trong vòng luân hồi để chịu cảnh sinh, lão, bệnh, tử…”

Giải thích về hiện tượng hay tiến trình tái sinh của các bậc bồ tát, tác giả của tác phẩm “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa”, nói:

“… Vấn đề tái sinh cũng có ở Phật giáo Việt Nam chứ không phải không có. Nhưng vì Phật giáo VN trong lịch sử không có truyền thống tái sinh, cho nên có những bậc chân tu phát những hạnh Bồ tát trở lại cõi đời, nhưng vì (VN) không có truyền thống tìm kiếm các vị tái sinh như Phật giáo Tây Tạng nên chúng ta không thấy mà thôi. Trở lại vấn đề tái sinh (của Phật giáo Tây Tạng), lấy thí dụ như Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng tính đến nay đã qua 14 đời tái sinh, có khác nhau trong hình hài, pháp hiệu nhưng tâm thức vẫn chỉ là một.

“Về tiến trình của các vị Lạt Ma cao cấp tái sinh được diễn tiến như sau: Các vị Lạt Ma cao cấp thường biết trước ngày, giờ mình sẽ qua đời. Nên các ngài để lại những di chúc bí mật mà trong đó thường là một bài kệ được viết bằng ẩn ngữ, mật ngữ, để các bậc trưởng lão theo đó mà tìm đến nơi chốn các ngài sẽ tái sinh. Hoặc các vị thực hành các nghi thức đặc biệt của Phật giáo Tây Tạng như nghi lễ cầu nguyện, thiền định. Và qua thiền định, các vị sẽ nhìn thấy những linh ảnh, cũng như các điềm báo trước các vị Lạt Ma đó sẽ tái sinh lúc nào, ở đâu, cha mẹ tên là gì, em bé có những đặc điểm gì, cũng như rất nhiều chi tiết khác để các vị trưởng lão theo đó mà đi tìm…”

Nói thế, không có nghĩa là các vị trưởng lão có nhiệm vụ đi tìm các Lạt Ma tái sinh, không có những thử nghiệm khác. Ở điểm này, tác giả “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa” nhấn mạnh:

“…Ngoài ra, Phật giáo Tây Tạng còn có truyền thống từ lâu đời để khảo nghiệm xem em bé đó có đúng là Lạt Ma cao cấp tái sinh không, bằng cách trộn lẫn các vật dụng cá nhân dùng hằng ngày của các vị Lạt Ma lúc sinh tiền, như chuỗi tràng hạt, chuông và chày Kim Cang, bát ăn cơm v.v… với những đồ vật khác cũng giống y như vậy, để em bé lựa chọn. Nếu em bé chọn đúng tất cả các vật dụng quen thuộc mà tiền nhân đã dùng ở kiếp trước thì em bé đó đúng là Lạt Ma tái sinh. Phương cách này luôn được áp dụng với nhiều phương cách khác nữa, với mục đích xem em bé có đúng là Lạt Ma tái sinh mà mọi người đang tìm hay không. Vì là truyền thống lâu đời nên các cuộc trắc nghiệm như vậy đôi khi mất nhiều thời gian và khá cam go…”

Tác giả “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” cũng cho biết thêm rằng, sự tái sinh của các vị Lạt Ma cao cấp, không nhất thiết phải là người Tây Tạng mà, sự tái sinh có thể thể thị hiện qua một em bé Âu châu, Phi Châu hoặc Nam Mỹ châu.

Trả lời câu hỏi của ký giả Nguyễn Huỳnh Mai (trong một cuộc phỏng vấn khác), về nhân duyên nào đã đưa Phương Dung tìm đến Phật giáo Tây Tạng? Phương Dung cho biết, khởi đầu từ một giấc mơ:

“…Đây cũng là nhân duyên của Phương Dung. Vì đạo Phật quan niệm rằng mọi sự xẩy ra trên đời này không phải do tình cờ, ngẫu nhiên mà do nhiều nhân duyên kết hợp lại. Trong đó, có cả túc duyên của các đời trước nữa. Cho nên, điều này hoàn toàn thuộc về lãnh vực tâm linh. Mà ở lãnh vực bất khả tư nghì này thì chúng ta không thể lấy kiến thức để chứng minh hay luận bàn được! Nhất là ở vào thời đại khoa học điện tử tiến bộ như ngày nay, có thể sẽ đưa đến nhiều ngộ nhận. Vì thế, Phương Dung chỉ có thể tâm sự rằng, Phương Dung quan niệm đời ngươi có nhiều đoạn và cũng có nhiều khúc quanh.

“Khúc quanh của cuộc đời Phương Dung là qua một giấc mơ kỳ diệu, cánh cửa tâm linh hé mở, và dưới bàn tay dìu dắt từ bi của Đức Bồ tát Quán Thế Âm, để từ đó Phương Dung bước vào Phật giáo Tây Tạng…”

*

Tính chất nhuần nhuyễn, phản ảnh qua những câu trả lời khi được hỏi, bởi một số nhà báo, tác giả bộ sách 2 cuốn, gần 1,000 trang: “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” và, “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa”, cho thấy khả năng cảm nhận, thấu hiểu tận cội, rễ tín lý Phật giáo Tây Tạng hay “Kim Cang Thừa” của Phương Dung – – Khiến tôi không ngạc nhiên khi biết, chỉ trong vòng 3 tháng, bộ sách này đã được tái bản để đáp ứng cầu bạn đọc.

Cũng qua những câu trả lời sâu sắc, mạch lạc, rõ ràng của Phương Dung ở trên, tôi không hề ngạc nhiên khi bộ sách “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” và, “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa” đã có được lời tựa của hai bậc cao tăng là Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu và Đức Đạt Lai Ma, đời thứ 14.

Ghi nhận về công trình trước tác của Phương Dung, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu viết:

“…Đệ tử Diệu Hạnh – Phương Dung là một Phật tử được tôi trao truyền quy giới từ năm 1964 tại Cần Thơ, nam Việt Nam. Diệu Hạnh – Phương Dung được lớn lên trong tinh thần Phật giáo Đại Thừa và dần dần ảnh hưởng trong giáo pháp Mật Tông, Tây Tạng. Diệu Hạnh – Phương Dung đã được tu học theo các vị Lạt Ma cao cấp và cũng như đã được thân thừa cúng dường các vị mà Phật giáo Tây Tạng công nhận là các vị Lạt Ma tái sinh. Bởi nhân duyên ấy, Diệu Hạnh – Phương Dung đã cố gắng nghiên cứu và biên soạn cuốn sách “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng”. (STSCCLMTT)

“Cuốn sách này có lẽ nó chưa được dự vào hàng tuyệt tác, nhưng hẳn nó đã được ấn chứng những công phu tu tập, nghiên cứu biên soạn, đem lại lợi ích cho bổn thân Diệu hạnh – Phương Dung, và có thể giúp ích phần nào cho những bạn đồng tu và những vị muốn tìm hiểu…” (STSCCLMTT, trang 7 và 8)

Trong “Lời tựa” mở vào cuốn “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa” (NĐHDCKCT), Đức Đạt Lai Lạt Ma viết:

“…Catherine Phương Dung đã chuẩn bị xong quyển sách này để giới thiệu một cách xác thực về Phật giáo Tây Tạng đến độc giả Việt Nam. Đây là một công trình quý báu vì tôi thường thấy những hiểu lầm, ngay cả giữa những cộng đồng Phật giáo, vì phong tục và truyền thống tu tập khác nhau. Điều quan trọng nhất là qua sự tu tập và ứng dụng những lời dạy của Đức Phật từ bi mà tìm được sự bình an trong tâm hồn, thanh thản trong cuộc sống, thì dù theo truyền thống nào cũng đều tốt. Tôi hy vọng đọc giả sẽ tìm thấy những điều hữu ích chứa đựng trong bộ sách này, sẽ đem lại sự bình an hơn nữa trong từng người nói riêng và cho cả thế giới nói chung.” (NĐHDCKCT, trang 7 và 8).

*

“…Điều quan trọng nhất là qua sự tu tập và ứng dụng những lời dạy của Đức Phật từ bi mà tìm được sự bình an trong tâm hồn, thanh thản trong cuộc sống, thì dù theo truyền thống nào cũng đều tốt…”

Tôi chọn lập lại phát biểu trên của Đức Đạt Lai Lạt – – thay cho lời cảm ơn tôi muốn gửi tới Catherine Phương Dung và, những ai đọc tới dòng chữ cuối cùng này.

Du Tử Lê

………………………………………………………………………………………..

Fwd: Chuyện Về Một Ông Thầy
Kim Vu to ….,me

>> Chuyện Về Một Ông Thầy
>>
>> Thêm một mẩu chuyện về một ông thầy.
>>
Duong Q H
>> Dương Quảng Hàm, nghe qua cái tên, bất cứ ai quan tâm đến nền văn học Việt nam đều biết đó là một vị giáo sư có công lớn trong nền văn học nước nhà. Ngoài việc dạy học cho nhiều thế hệ học sinh, thầy còn nghiên cứu văn học và đã để lại cho hậu thế những công trình khảo cứu nghiêm túc và có giá trị. (Việt Nam Văn Học Sử Yếu/ Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển…) Ở đây chỉ có ý nhắc đến một câu chuyện có thật xảy ra vào những năm tháng thầy còn phụ trách giảng dạy môn văn học cho trường Bưởi ngoài Hà nội.
>>
>> Khi còn là giáo sư ở trường Bưởi, thầy Hàm nổi tiếng là một ông thầy nghiêm, cả trường đều “rét” cái oai của thầy, hiếm khi thầy ban cho học sinh một nụ cười, phải nói là một ông thầy luôn có… “bộ mặt hình sự”. Có lần một học sinh đã dùng com-pa vạch trên mặt bàn một vạch nhỏ để ghi dấu khi thầy Hàm nở nụ cười, dù chỉ là cười mỉm. Cho đến cuối năm học, anh chàng học sinh chuyên “sưu tập nụ cười thầy Hàm” đã làm “tổng kết” và công bố cho bạn bè đều biết là chỉ có… ba vạch mà thôi!1! Học với thầy là một ước mơ của những học sinh nào mê văn học, nhưng phải trả giá bằng cách gồng mình chịu những hình thức kỷ luật, suốt niên học phải chịu “rét” nhiều hơn là ấm áp.
>>
>> Vậy mà một hôm, trong một lớp học của trường Bưởi, thầy Hàm đang say sưa giảng về một thể thơ gọi là “yết hậu” (một thứ thơ đường luật biến thể, gồm bốn câu: ba câu đầu có bảy chữ, và câu cuối chỉ có một chữ mà thôi). Cũng nên nói thêm là khi thầy Hàm giảng bài thì ông hay nói say sưa như lên đồng, đến không kịp… nuốt nước bọt. Có khi thì đang huyên thuyên như thế, bất chợt ông dừng lại… nuốt nước bọt đánh ực một phát, rồi mới nói tiếp. Đó là cố tật của thầy Hàm mà học sinh cả trường đều biết. Trở lại chuyện bài thơ yết hậu, sau khi giảng tất cả những niêm luật của thể thơ này, thầy Hàm đưa ra một thí dụ bằng một bài thơ do chính thầy cảm tác tại chỗ, bài thơ có nội dung mô tả một anh chàng bợm nhậu, khi chết xuống âm phủ được gặp mặt Diêm Vương mà trên tay vẫn còn cắp theo be rượu. Thơ rằng:
>>
>> “Sống ở dương gian đánh chén nhè,
>> “Chết về âm phủ cắp kè kè
>> “Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?
>> “Be” (tức là be rượu. )
>>
>> Sau khi ngâm nga dứt bài thơ ngắn đó, thầy hất hàm ra hiệu cho cả lớp và nói:
>> “Em nào cho tôi một thí dụ tương tự xem nào.”
>>
>> Một quảng im lặng kéo dài hơn một phút, rồi đột ngột từ hàng ghế cuối lớp có một cánh tay giơ lên, thầy ra dấu cho phép học sinh kia đứng lên để đọc bài thơ của mình.
>>
>> Sau một lúc chần chừ, anh chàng mới bắt đầu cất tìếng:
>>
>> “Sống ở dương gian chỉ nuốt đàm,
>> “Chết về âm phủ nói làm nhàm.
>> “Diêm vương phán hỏi rằng ai đó?
>>
>> Cậu học sinh nọ chỉ vừa đọc dứt câu ba, thì không ai bảo ai, cả lớp đều đồng thanh hét thật to:
>> “Hàm!!”
>>
>> Nghe đến đây, chắc bà con đều nghĩ rằng cả lớp sẽ bị “ông hung thần” nghiêm trị, còn anh chàng học sinh chủ xướng kia chắc không tránh khỏi một trận đòn tuốt xác ra. Vậy mà như một phép lạ. thầy Hàm lại mỉm cười, một nụ cười thật tươi và hoàn toàn mang vẻ đôn hậu, dễ thương đến tội nghiệp. Và thưa bà con, nếu như năm học đó có anh chàng nào muốn “sưu tập nụ cười”, thì chắc chắn sẽ được… bốn vạch trên mặt bàn học đấy.
>>
>> Hôm nay, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, tui muốn nhắc lại mẩu chuyện này, để tỏ lòng nhớ đến thầy Hàm, mong ông sẽ gặp toàn những người tử tế ở thế giới bên kia, đang say sưa giảng bài cho học sinh, môn Văn Học Việt Nam.
>>
>> Một đôi lời ngắn ngủi, coi như một nén hương cho thầy, có gì thất thố, kính mong thầy lượng thứ.

>> Nguyễn Tấn Hồng

……………………………………………………………………………..

Blog / Trong lòng Hà Nội
Hà Nội mùa ‘lội’ nước

Hoàng Giang

loi nuoc-hn.jpg1

Nguồn:VOA- 23.09.2015

Đánh từ khóa “Hà Nội lụt” lên google có thể tìm thấy gần 700,000 kết quả, gần một nửa số đó vừa được cập nhật trong ngày. Những năm gần đây tôi cảm thấy Hà Nội ngày càng trở thành một nơi khó sống. Chỉ nói riêng về thời tiết, mùa hè ngày càng nắng nóng kinh hoàng, nhiệt độ lên tới gần 40 độ. Mùa đông thì rét căm căm. Và mùa thu ngỡ tưởng nhẹ nhàng dễ thở nhất thì mưa lũ triền miên. Thủ đô Việt Nam đang lặn ngụp trong biển nước.

Có thể ví nội thành hiện nay như “Venice giữa lòng Hà Nội”, nước tràn ngập phố phường, người dân di chuyển bằng thuyền hết sức “lãng mạn”. Kèm theo mưa, lũ, giá cả rau xanh tăng cao ngất trời, xe cộ không thể đi lại dựng đầy trên phố, gara để xe của các chung cư cũng ngập lênh láng làm hỏng hóc hàng loạt ô tô, xe máy gây thiệt hại hơn tỉ đồng, chưa kể nhà sập, đường xá hỏng hóc.

Trận lụt vừa qua khiến mọi người liên tưởng ngay lập tức đến trận lụt lịch sử năm 2008. Sau hơn 7 năm, Hà Nội vẫn là Hà Nội, không thay đổi, vẫn bập bềnh sông nước. 7 năm trôi qua, tôi đã sống ở thành phố này, đã đi xa, đã trở về. Đối với một người xa nhà lâu ngày, đôi khi muốn quê hương đừng thay đổi quá nhiều, để mình bớt hẫng hụt nhưng vào những thời điểm như thế này, đó lại là một điều đáng buồn. Mỗi năm, ngân sách chống ngập lụt được đầu tư đến hàng ngàn tỉ đồng, biết bao những công trình cầu đường được dự kiến, được công bố để khởi công, để sửa sang lại, nhưng sửa mấy vẫn hỏng, mưa xuống cống lại tắc, đường lại lụt.

Người dân bất lực chỉ biết ngửa mặt lên mà than mà trách mà cầu ông trời đừng mưa nữa. Tôi ở xa gọi điện về có dặn bố mẹ đừng ra ngoài đường nhỡ chẳng may có chuyện nguy hiểm, mẹ bảo đã dự trữ đầy đủ lương thực trong tủ lạnh, không thiếu thứ gì. Thì riết rồi, dân mình cũng đều tự chuẩn bị kỹ năng sống qua mùa lũ như thế, từ ngoài Bắc vào đến trong Nam. Phải chăng các “ông lớn” cứ dùng chiêu “sống chết mặc bay” từ xưa thế mà lại hay? Người dân cứ kiên cường mà tự chống tự chọi để sống sót. Miền Trung gặp lũ hàng năm như gặp bạn bè, tuổi thơ của họ là lũ, trưởng thành và kiên cường cũng là nhờ lũ. Những thời điểm như thế, “khúc ruột miền Trung” lại lên tiếng kêu gọi anh em Nam Bắc, mà giờ cũng đang loay hoay lo lụt lội, liệu có còn tâm trí mà đáp lại miền Trung?

Tôi nhớ một bài báo đọc đã lâu về hệ thống chống lụt tại đất nước Hà Lan, một đất nước khoảng một nửa lãnh thổ chỉ cao hơn 1m so với mực nước biển, còn lại hầu như thấp hơn mực nước biển. Dự án Delta của Hà Lan từ năm 1958 đã, đang và chắc chắn sẽ là một công trình chống lũ lụt hoàn hảo và cực kỳ hiệu quả. Hệ thống đê được xây dựng khoảng 3.000km bao biển và 10.000km bao sông có sức chịu đựng vô cùng vững chắc. Hà Lan nổi tiếng với đê biển Afsluitdijk dài gần 35km, rộng 90m, cao 7,25m trên mực nước biển, được sử dụng đồng thời như đường cao tốc và là điểm đến thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

Năm ngoái, vào đợt lụt lịch sử khi nước sông Thames dâng cao nhất trong vòng 60 năm trở lại đây, nước Anh cũng phải “cầu cứu” chính phủ Hà Lan 8 máy bơm nước công suất cao và đội ngũ kỹ sư Hà Lan để hỗ trợ chống lụt. Khoảng thời gian này, hai hoàng tử nước Anh đã lội nước 6 tiếng đồng hồ để giúp người dân chống lụt. Trong khi đó, chủ tịch nước Việt Nam gửi thư cho đồng bào nhân ngày phòng, chống lụt bão đồng thời đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể… thực hiện tốt luật phòng, chống thiên tai.

Biết đến bao giờ chúng ta mới có một vị lãnh đạo bước ra khỏi tòa nhà Quốc Hội, ngừng viết thư, nhìn vào mênh mông sông nước, nhìn từng người dân thủ đô đang “chổng mông” dùng xô dùng chậu hất nước ra khỏi sân nhà một cách vô vọng, nhìn hàng ngàn gia đình Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Trị… đang còm cõi ngồi trên mái nhà đợi nước xuống, ngóng viện trợ, đau xót vì mất người thân, nhìn dòng người và xe đang bì bõm đi qua dòng nước đen ngòm trên những tuyến đường Sài Gòn. 5 năm gần đây, Việt Nam công bố lọt vào danh sách những nước thoát nghèo, không biết đến bao giờ, nước ta trở thành nước thoát ngập?

* Blog ‘Trong lòng Hà Nội’ của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Hoàng Giang

====

hoang giang

Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. ‘Trong lòng Hà Nội’ là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

…………………………………………………………………

Thế Sự Đảo Điên
Nguồn:vietbao.com-22/09/2015

Vũ Linh

…nhìn đi nhìn lại, vẫn thấy bà Hillary và ông Jeb có triển vọng nhiều hơn hết…

Cách đây nửa năm, bức tranh về cuộc tranh cử tổng thống có vẻ… chán hơn cơm nếp nát. Thiên hạ đều có cảm tưởng cuộc chạy đua năm nay và năm tới sẽ là một trong những cuộc chạy đua nhàm chán nhất lịch sử cận đại Mỹ.

Bên Dân Chủ (DC) đưa ra một người mà cả thế giới nghĩ nằm nhà ôm cháu ngoại ngày này qua tháng khác cũng chẳng sao, vẫn phải khiêm tốn nhận lời đề cử của 99,99% đảng viên trong Đại Hội Đảng mùa hè năm tới. Một bộ mặt cũ mèm, một người máy mỗi lần lên sân khấu gặp cử tri là ai cũng biết trước sẽ vẫy tay kiểu nào, chỉ trỏ vào khán giả mấy lần, khi nào thì nháy mắt, khi nào bật cười thật lớn, khi nào thì trố mắt có vẻ ngạc nhiên, v.v… Với một cái tên được nhắc đi nhắc lại cả triệu lần từ một phần tư thế kỷ nay. Một cuốn phim cũ hơn phim Lý Tiểu Long, đã được trình chiếu cả vạn lần.

Bên Cộng Hoà (CH) thì đưa ra một người với cái tên cả nước Mỹ đều nghe qua từ một nửa thế kỷ nay, từ đời ông nội làm thượng nghị sĩ đến đời bố và đời anh làm tổng thống. Một người với sách lược tranh cử dựa trên một câu duy nhất: “Tôi không phải là ông nội, là bố, là anh tôi, mà tôi là tôi”.

Dĩ nhiên cả hai đảng đều có những ứng viên khác, một bên gần nửa tá, bên kia gần hai tá. Nhưng tất cả đều có vẻ như cây kiểng trưng bày cho vui mắt.

Thế nhưng coi dzậy mà hổng phải dzậy! Chính trị Mỹ không đơn giản như vậy.

Chưa tới nửa năm sau, tuồng hát thay đổi hết các diễn viên chính, cả hai bên.

Bên DC, cái ghế Hoàng Thái Hậu của bà Hillary bất ngờ bị một chân gẫy, một chân cong! Trong đám ứng viên hạng ruồi chung quanh bà, tự nhiên nổi bật lên một cụ già vẫn còn đang sống trong lý tưởng xã hội chủ nghiã của thập niên sáu mươi, khi cụ còn là một thanh niên nhiệt thành tin tưởng và tranh đấu cho ảo tưởng Các-Mác.

Cụ Bernie Sanders chủ trương quốc hữu hoá hàng loạt kỹ nghệ, không phải quốc hữu hoá vài công ty trong một vài ngành, mà là quốc hữu hoá toàn diện tất cả các công ty trong vài ngành, gọi là thiết yếu như điện nước, quốc phòng,… Chắc cụ sẽ bổ nhiệm một bà công chức già làm tổng giám đốc hãng máy bay Boeing? Cụ cũng muốn tăng thuế mấy ông nhà giàu lên tới mức … không còn nhà giàu nữa. Chỉ thiếu điều nước Mỹ cải danh từ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ qua Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Hoa Kỳ, với nền kinh tế thị trường trong định hướng xã hội chủ nghiã.

Nghe như chuyện đùa, nhưng thực tế rất … “nghiêm túc”.

Trong tiến trình tranh cử Mỹ, có hai cuộc bầu sơ bộ đầu tiên cực kỳ quan trọng là hai cuộc bầu tại Iowa và New Hampshire. Năm 2008, ông chính khách vô danh Barack Obama bất ngờ thắng tại Iowa, được truyền thông thổi lên tới chín từng mây xanh, từ đó quất ngựa truy phong tới Tòa Bạch Ốc luôn. Bà Hillary mà ai cũng nghĩ về đầu, bị lọt xuống hạng ba. Coi như giấc mộng vào Nhà Trắng kéo màn chấm dứt. Thế nhưng bà đã khéo léo đóng tuồng rớt nước mắt cá sấu, khóc sướt mướt, tỏ ý tiếc nuối khó có dịp hy sinh phục vụ cho nước Mỹ. Dân Mỹ áy náy, lương tâm cắn rứt. Ùn ùn đi bỏ phiếu cho bà lại, khiến bà về nhất tại New Hampshire, tiểu bang thứ nhì có bầu bán sơ bộ. Để rồi từ đó, bà như phượng hoàng, bay lên lại từ đống tro tàn. Ta thấy ngay Iowa mở cửa Toà Bạch Ốc cho ông Obama, New Hampshire cứu sống bà Hillary. Nói vậy để thấy tầm quan trọng của hai tiểu bang này.

Cuộc bầu năm nay cũng không khác, Iowa và New Hampshire cũng vẫn là hai tiểu bang có tiếng nói sinh tử.

Cách đây nửa năm, thăm dò tại hai tiểu bang này cho thấy bà Hillary vững hơn bàn thạch, với tỷ lệ hậu thuẫn xấp xỉ 60%-70%. Cụ Sanders thoi thóp trong mức 5%-7%. Hôm nay đây, gió đổi chiều, thăm dò mới nhất cho thấy cụ Sanders hạ bà Hillary tại cả hai tiểu bang sinh tử này: tại Iowa, 43%-33% (CBS), và tại New Hampshire, 43%-36% (Monmouth). Cụ Sanders gặm nhấm trên dưới 40% cử tri của bà Hillary, trong khi ba ông ứng viên còn lại vẫn còn trong bóng tối, chẳng ai nhìn thấy.

Nếu tình trạng này cứ như vậy, bà Hillary sẽ thua đậm tại hai tiểu bang đầu tiên. Ảnh hưởng dây chuyền của trận động đất này, qua chiên trống rầm rộ của truyền thông sẽ thật khó lường. Dù vậy, cho đến giờ này, vẫn chưa ai nghĩ cụ Sanders sẽ hạ được bà Hillary, nhất là qua tháng Ba năm 2016 khi hàng loạt các tiểu bang tương đối bảo thủ phiá nam sẽ bầu sơ bộ. Nhưng uy tín của bà Hillary sẽ bị sứt mẻ nặng, và sẽ ảnh hưởng lớn lên cuộc chạy đua với ứng viên CH. Đây sẽ là cuộc chạy đua hết sức gay go, không phải là chuyện đẩy xe đưa cháu ngoại đi tản bộ bờ hồ nữa.

Nếu tình trạng này xẩy ra, phe DC sẽ phải cân nhắc vấn đề lại, một cách rất kỹ. Ai cũng thấy rõ nếu bà Hillary bị mất hậu thuẫn trầm trọng thì vẫn không thể nào để cụ XHCN Sanders ra đại diện cho đảng DC được. Nước Mỹ không thể đi ngược dòng thời gian nửa thế kỷ để trở về thời mà các tư tưởng thiên tả còn ăn khách. Cụ sẽ bị thảm bại dưới tay bất cứ ứng viên CH nào.

Ngay từ bây giờ, DC đã lo xanh mặt và đang đi lùng các… lão đồng chí ra làm Lê Lai cứu chúa.

Cuộc chạy đua đó sẽ gay go đến đâu, một phần lớn cũng tùy thuộc ai sẽ là ứng viên của CH. Và đây cũng là một câu hỏi lớn, hoàn toàn bất ngờ.

Ông Jeb Bush, người có cái tên quá quen thuộc, cũng là người được hậu thuẫn mạnh của cả guồng máy chính trị của đảng CH, cũng như được ủng hộ tài chánh còn mạnh hơn nữa của các nhà tài phiệt CH lớn nhất. Tuy không chắc ăn như bà Hillary bên DC, nhưng cũng coi như trong tầm tay thôi.

Ông Jeb phải trực diện với 16 đối thủ. Nghe thì ghê gớm, nhưng thực tế, thiên hạ nghĩ chỉ có ba hay bốn vị là đáng lưu ý, còn lại chỉ là ứng viên vớ vẩn sẽ lần lượt rụng như sung thôi. Kiểu như ông cựu thống đốc Texas, Rick Perry, đã rớt đài rồi. Mấy ông đối thủ đáng gờm đó là các thống đốc Scott Walker của Wisconsin, thống đốc Chris Christie của New Jersey, thượng nghị sĩ Marco Rubio của Florida, và có thể thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas.

Nửa năm sau, tình hình cũng lộn ngược đầu xuống chân như bên DC. Còn tệ hơn nữa. Ông Jeb và cả ba bốn ngôi sao tương đối sáng giá vừa nêu trên, đều nhất loạt tuột dốc một cách thê thảm, bây giờ bám víu vào tỷ lệ 5%-7%.

Ngôi sao mới, nổi đình nổi đám ồn ào nhất là ông tỷ phú Donald Trump mà không ai nghĩ là một ứng viên nghiêm chỉnh. Cột báo này đã viết nhiều về ông này.

Người thứ nhì thì ngược lại hoàn toàn, là bác sĩ mổ óc Ben Carson, chững chạc, kín đáo, nói ít, nhẹ nhàng. Là ứng viên da đen trong một cái đảng gần như toàn da trắng. Chẳng ai nghĩ ông này có được mảy mai hy vọng nào. May ra, có được vài phiếu của vài ông CH cấp tiến nhất, hay mang mặc cảm kỳ thị nặng nhất. Có cảm tưởng như ông Carson này đi lạc đường, nhầm địa chỉ.

Trong hai cuộc tranh luận của đảng CH, ông Carson nổi bật lên chẳng những vì màu da khác lạ, mà cũng vì tính điềm đạm, và nhất là quan điểm chính trị tuy bảo thủ nhưng ôn hoà. Trong khi các đối thủ tranh nhau nói, vỗ ngực ầm ầm, rồi sỉ vả nhau, thì ông Carson đứng yên chờ đến phiên mình, nhỏ nhẹ nói vài câu, chẳng chỉ trích bất cứ ông đồng chí nào. Mà cũng chẳng ai chỉ trích ông. Phải nói cho ngày, không ai chỉ trích ông một phần vì ông không đánh ai, nhưng một phần khác cũng nhờ màu da của ông, khiến ông nào muốn đánh cũng phải suy nghĩ ba phút, kể cả cái ông ồn ào hung hăng nhất là ông Trump.

Cái mâu thuẫn lớn là mấy vị kia nói nhiều và ồn ào quá chẳng ai muốn nghe nữa. Thiên hạ quay qua lắng nghe cái ông chẳng nói lời nào. Ông đã thu hút sự chú ý của thiên hạ nhờ đứng yên, không dành nói, đến khi phải nói thì lại nói rất ít. Và họ thấy ông này nói những điều rất hợp lý. Kết quả, những thăm dò mới nhất cho thấy tỷ lệ hậu thuẫn của ông Carson đã leo lên hạng nhì, sát nút với ông Trump.

Hậu thuẫn của hai ông Trump và Carson cộng lại gần 55%. Phần 45% còn lại, 14 ứng viên khác chia nhau, trung bình mỗi vị được… 3%. Cách đây nửa năm, kẻ viết này mà dám viết như vậy trên cột báo này thì chắc sẽ bị Việt Báo sa thải ngay vì viết chuyện tào lao. Nhưng bây giờ thì đã thành sự thật, khó tin nhưng có thật.

Hai ngôi sao nổi bật nhất của đảng CH cũng là hai thái cực khác biệt nhau nhiều nhất. Làm sao giải thích được chuyện oái ăm này?

Câu trả lời khá rõ: đảng CH hiện nay đang bị phân hoá khá nặng. Chỉ đoàn kết trong việc chống TT Obama và bà Hillary, còn ngoài ra chẳng có gì gọi là mẫu số chung. Những thành phần cực đoan nhất, chống TT Obama, chống phe cấp tiến mạnh nhất thì nhắm mắt tung hô ông Trump, bất kể ông này có hy vọng đắc cử tổng thống hay không. Trong khi những người chín chắn hơn, ôn hoà hơn, ưu tư nhiều hơn về vấn đề thắng cử thì lo sợ cái hăng tiết vịt vô trách nhiệm của ông Trump, và tin tưởng ông Carson hơn.

Đi đến cuộc tranh luận lần thứ hai của đảng CH. Thiên hạ háo hức xem cuộc đấu chưởng giữa ông số một Trump và ông số hai Carson.

Kết cuộc, hy vọng hụt. Hai ông được xếp đứng cạnh nhau, nhưng tuyệt đối không đánh nhau gì hết.

Trong bất ngờ hoàn toàn –lại một bất ngờ- cuộc đấu chưởng chấn động võ lâm lại xẩy ra giữa ông Trump và… bà Carly Fiorina.

Bà này trước đây thuộc loại ứng viên “làm cảnh” để thiên hạ thấy CH cũng có tiếng nói của phụ nữ. Cách đây vài năm, bà ra tranh cử thượng nghị sĩ tại Cali chống bà Barbara Boxer của DC (con gái bà Boxer là vợ đã ly dị của em trai bà Hillary), nhưng bị hạ sát ván. Bà được xếp vào hạng ứng viên hạng ruồi, cho tham gia vào cuộc tranh luận đầu tiên được tổ chức trên đài tv Fox dành cho các ứng viên với tỷ lệ hậu thuẫn thấp nhất, trong khung giờ… không có ai xem tv. Bên phiá đông nước Mỹ thì thiên hạ giờ đó mắc ăn cơm tối, bên phiá tây thì thiên hạ đang kẹt xe trên đường đi làm về.

Trong đám ứng viên hạng nhì đó thì bất ngờ bà Fiorina nổi bật lên như ngôi sao sáng chói nhất. Tỷ lệ hậu thuẫn bất thình lình vọt lên trên cả 4-5 ông được xếp loại hạng nhất.

Đài tv CNN là đài được chỉ định tổ chức cuộc tranh luận lần thứ hai, bối rối. Trong số 10 ứng viên với tỷ lệ hậu thuẫn cao nhất của CNN không có bà Fiorina. CNN tính tỷ lệ dựa trên tỷ lệ trung bình từ sáu tháng trước, trong khi bà Fiorina chỉ mới nổi lên từ sau cuộc tranh luận thứ nhất. Trước sự phản đối của bà Fiorina cũng như trước thực thể chính trị trước mắt, tức là sự nổi bật của bà, CNN không thể loại bà, nên đành sửa luật lệ cho bà tham gia cuộc tranh luận của 10 ứng viên chính, nâng số người lên 11.

Và lại thêm một bất ngờ nữa, trong cuộc tranh luận lần thứ hai, bà Fiorina đánh ông Trump bạt mạng khiến ông này bối rối chống đỡ, một thành tích chưa ai làm nổi. Và cũng đánh luôn cả TT Obama và bà Hillary thẳng tay.

Hai câu nói gây ấn tượng mạnh nhất, được hội trường vỗ tay hoan hô nồng nhiệt nhất, đều là của bà Fiorina.

Trước đó vài hôm, ông Trump, quen thói ăn nói vung vít, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình đã lớn tiếng chê bai khuôn mặt của bà Fiorina, khiến cả giới truyền thông cũng phải chưng hững vì thái độ ngạo mạn thiếu lịch sự tối thiểu của ông Trump. Được hỏi về câu nói đó trong cuộc tranh luận lần thứ hai, bà Fiorina không trả lời thẳng, mà chỉ nhẹ nhàng nói đại khái “tất cả các phụ nữ đều đã nghe được câu nói này”. Ý muốn nói tất cả các bà đã thấy rõ ông Trump coi rẻ phụ nữ như thế nào. Cả hội trường vỗ tay rầm rộ.

Một lần khác, được hỏi về chuyện phá thai, bà Fiorina thách thức bà Hillary và TT Obama dám xem cuốn phim video về tổ chức Planned Parenthood, chuyên giúp các bà phá thai, bị tố cáo là chuyên bán các bộ phận thai nhi cho các phòng thí nghiệm y khoa, để thấy “hình ảnh một thai nhi trên bàn mổ, tim vẫn còn đập, tay chân vẫn cử động, rồi nghe tiếng nói đâu đó vang vọng vào nhắc nhở nhớ để bộ óc nó sống đấy ”, ý nói để có thể bán bộ óc đó. Câu nói gây xúc động mạnh. Cả hội trường lại vỗ tay rầm rộ, lần này còn mạnh hơn nữa.

Bây giờ còn quá sớm, chưa có thăm dò dư luận mới sau cuộc tranh luận. Nhưng có thể chắc chắn là tỷ lệ hậu thuẫn của bà Fiorina sẽ tăng vọt trong khi tỷ lệ của ông Trump và ông Carson có thể sẽ suy giảm, tuy chưa ai biết nhiều ít bao nhiêu.

Nói tóm lại, ngoài ông Trump ra, hai ngôi sao đang nổi mạnh là ông Ben Carson và bà Carly Fiorina. Hai người này có hai đặc điểm, một người là da đen, một người là phụ nữ. Nhưng mẫu số chung của cả hai, cùng mẫu số với ông Trump là cả ba người chẳng có ai là chính trị gia chuyên nghiệp, chẳng ai có kinh nghiệm chính trị gì ráo.

Qua sự thành công vượt bực của bộ ba Trump-Carson-Fiorina, cũng như sự tuột dốc của các thống đốc Jeb, Walker, Christie, và thượng nghị sĩ Rubio, và sự… không ngóc đầu lên nổi của các thống đốc Kasich, Jindal, Pataki, Gilmore, và các thượng nghị sĩ Cruz, Paul, Graham, ta thấy rõ ràng khuynh hướng mới trong đảng CH. Đó là khuynh hướng chán ngán các chính trị gia chuyên nghiệp, không có tư tưởng hay quan điểm rõ rệt, chỉ lo chuyện phải đạo, vuốt ve hết phe này đến nhóm nọ, sợ đụng nhóm này chạm khối kia, không dám để mất lòng ai hết. Tất cả cũng chỉ là mồm mép, không ai có khả năng trị quốc, hay khả năng chuyên môn gì như bộ ba hàng đầu hiện nay.

Dường như “chính trị” đã trở thành một thứ bệnh dịch, nên thiên hạ bây giờ mê mấy người chẳng biết chính trị là gì. Kinh nghiệm chính trị trở nên yếu tố phụ, chẳng có gì quan trọng. Trước đây dân Mỹ có thể bầu cho một ông tổ chức cộng đồng không biết mô tê gì về chính trị được, thì bây giờ bầu một ông bác sĩ mổ óc hay một ông doanh gia, hay một bà tổng giám đốc một đại công ty, chắc chắn là được thôi, mà cả ba đều có vẻ giỏi hơn, thành công hơn ông tổ chức cộng đồng nhiều.

Nếu nhìn vào tỷ lệ hậu thuẫn thì ai cũng nghĩ bộ ba phi chính trị này có hy vọng lọt vào Nhà Trắng hơn tất cả mấy vị khác. Thực tế không dễ dàng như vậy. Tỷ lệ hậu thuẫn qua thăm dò là một chuyện, chiến thắng trong các cuộc bầu sơ bộ là chuyện hoàn toàn khác.

Muốn chiến thắng trong 50 cuộc bầu sơ bộ đòi hỏi ba điều kiện quan trọng nhất:

– Cơ sở và tổ chức địa phương tại cả 50 tiểu bang;

– Tiền bạc để nuôi dưỡng các tổ chức đó, cũng như để quảng cáo, thuê chuyên gia, cố vấn, cổ động viên, nhân viên, rồi chi phí đi vận động, và một triệu chuyện khác;

– Thêm vào đó, còn phải được hậu thuẫn của các chính khách điạ phương như thống đốc, dân biểu, nghị sĩ địa phương, là những người nắm giữ guồng máy của đảng tại cả 50 tiểu bang và cả ngàn quận hạt.

Đây là những điều cả ba người, các ông Trump, Carson và bà Fiorina đều không có. Chẳng ai có cơ sở địa phương nào, cũng chẳng ai được các “thân hào nhân sĩ” nào của CH ủng hộ hết. Về tiền bạc, cả ba người đều là triệu phú, tuy ông Trump tự khoe là tỷ phú. Nhưng cho dù là tỷ phú cũng không đủ tiền túi để ra tranh cử. TT Obama năm 2008 chi khoảng 700 triệu đô, năm 2012 chi gần 1 tỷ đô. Tiền bạc phải do cử tri đóng góp qua một guồng máy gây quỹ cực kỳ hữu hiệu, là điều cả ba người, chẳng ai có.

Nhìn vào ba điều kiện này, thực tế chỉ có đúng ông Jeb Bush là có đầy đủ cả ba. Và điều đáng nói là ông thực sự chưa ra tay vì còn quá sớm. Cho đến nay, chỉ để tranh cử sơ bộ thôi, ông Jeb đã có sẵn gần 100 triệu, chưa xài bao nhiêu.

Bên DC cũng vậy, thực tế, vẫn chỉ có bà Hillary là có đủ cả ba điều kiện.

Cuối cùng thì… nhìn đi nhìn lại, vẫn thấy bà Hillary và ông Jeb có triển vọng nhiều hơn hết. Ông Trump và cụ Sanders có lẽ… đến rồi đi. Ông Carson và bà Fiorina thì tràn trề hy vọng ra làm… ứng viên phó. (20-09-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

…………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics