So Sánh Obama – Hillary
Nguồn:vietbao.com – 18/08/2015-(Hình:Bà Clinton đang vận động tranh cử- NN sưu tầm)
Vũ Linh
…chính sách của đảng Dân Chủ, chủ trương “hoà hợp hòa giải” tối đa với chính quyền CSVN…
Ứng viên đảng Dân Chủ hiện nay có hy vọng đắc cử bầu sơ bộ trong nội bộ là bà Hillary Clinton, cho dù đã có 4-5 ứng viên hay chuẩn ứng viên khác. Tất cả dường như chỉ đóng vai trò làm cảnh, tạo hứng thú chút đỉnh cho cuộc bầu bán bên đảng Dân Chủ mà kết quả cả thế giới đã biết. Không ai nghĩ bất cứ ứng viên nào có một mảy mai hy vọng hạ được bà vô địch Hillary. Sự kiện chẳng ai buồn tổ chức tranh luận trong đảng Dân Chủ cho tới tháng 10 hay 11 (cho có lệ) nói lên rõ ràng vị thế của bà Hillary.
Những tỳ vết trong các vụ lem nhem tiền bạc và email sẽ không có nhiều tác dụng ngăn cản bà. Những mánh mung của bà, cử tri Dân Chủ đã chấp nhận từ lâu rồi. Thời buổi truy tố Nixon là chuyện cách đây gần nửa thế kỷ. TT Nixon phải từ chức vì ngay cả các ông Cộng Hoà cũng công bằng chấp nhận Nixon có tội phải bị nghiêm trị. TT Clinton bị đàn hạch nhưng không phải từ chức vì tất cả các ông bà Dân Chủ đứng sau lưng Clinton, cho dù nhiều người xấu hổ vì hành động của TT Clinton. Chính trị Mỹ càng ngày càng bị tinh thần phe phái chi phối, phân hoá rõ nét giữa phe ta và phe địch, đưa đến tình trạng không chấp nhận những cái sai của phe ta và những cái đúng của phe địch. Bây giờ bất chấp bà Hillary phạm tội tầy trời cỡ nào thì đảng Dân Chủ cũng vẫn nhắm mắt ủng hộ bà. Chẳng những vậy, nhiều người sẽ còn tìm cách ca tụng bà, phục tính kiên trì, quyết tâm vào Nhà Trắng bằng mọi giá của bà.
Cụ Bernie Sanders đang lên như diều, với thăm dò mới nhất cho thấy ông này thắng bà Hillary tới 7 điểm tại tiểu bang then chốt New Hampshire, một chuyện khó tưởng tượng nổi. Nhưng ông Sanders lại là ứng viên cực tả, khó được hậu thuẫn ngoài vùng đông bắc Mỹ. Quan trọng hơn nữa, đảng Dân Chủ không có ai khác. Bất cứ ai trong mấy ứng viên còn lại đều sẽ bị Cộng Hòa nuốt chửng ngay. Bà Hillary là hy vọng duy nhất của đảng Dân Chủ.
Một điều miả mai đáng chú ý: đảng Dân Chủ tự cho là đảng của tương lai, nhưng hai ứng viên hàng đầu cũng là hai cụ ứng viên già nhất lịch sử Mỹ!
Bây giờ, ta hãy xem thử bà Hillary khác TT Obama chỗ nào để có thể mường tượng nếu bà Hillary đắc cử tổng thống luôn thì ta sẽ có một vị tổng thống như thế nào.
KINH NGHIỆM
Nếu nói về quá trình và kinh nghiệm thì hiển nhiên thượng nghị sĩ Obama khi ra tranh cử năm 2008 chỉ đủ đứng hầu quạt cho bà Hillary, tuy khả năng mồm mép của bà Hillary lại thuộc hạng học trò của Obama. Bà Hillary vừa đậu luật sư tại Yale xong đã lăn lộn trong chính trường Mỹ ngay lập tức khi bà tham gia vào nhóm luật sư của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện truy tố TT Nixon về xì-căng-đan Watergate, cuối cùng đưa đến việc TT Nixon phải từ chức. Đó là đầu thập niên 1970, cách đây hơn 40 năm.
Sau đó, bà trở thành Đệ Nhất Phu Nhân Arkansas, tích cực tiếp tay chồng, cho đến độ có thể nói là thực sự đã “tham chính” luôn. Sau vài nhiệm kỳ, thì ông thống đốc trẻ măng đầy tham vọng bắt đầu chạy đua vào Nhà Trắng, và trong bất ngờ của cả thế giới, ông… ngáp phải ruồi, đắc cử tổng thống.
Bà Hillary thành Đệ Nhất Phu Nhân cả nước, và đóng vai này trong 8 năm. Trong những năm đó, ai cũng biết bà là một “đồng tổng thống” chia sẻ quyền hành với ông chồng, tích cực tham gia việc “triều chính” một cách công khai, không có chuyện ngồi sau rèm như bà Từ Hy Thái Hậu.
Ngay từ đầu, bà đã được ông chồng trao cho trách nhiệm thực hiện cải tổ y tế, dự tính tung ra Hillarycare trong năm đầu của hai ông bà tân tổng thống. Bà thất bại, nhưng học được nhiều bài học về bảo hiểm y tế, và quan trọng hơn nữa, hiểu được những khó khăn làm việc với quốc hội, cho dù quốc hội do phe ta kiểm soát.
Sau khi mãn nhiệm kỳ chung, bà nhẩy ra làm thượng nghị sĩ, rồi sau đó tranh cử tổng thống luôn. Một lần nữa thất bại, nhưng bà lại học được thêm nhiều bài học đáng giá về chính trị Mỹ, trong khi vẫn còn là tiếng nói lớn trong chính trường. Lớn đến độ TT Obama, để tránh hậu hoạn phải đối phó với ứng viên Hillary năm 2012, đã dâng cho bà chức ngoại trưởng. Bà cũng nhìn thấy ngay đây là bàn đạp tốt nhất để duy trì tiếng nói cụ thể hơn việc nói bá láp suốt ngày ở Thượng Viện cùng với 99 ông bà đồng nghiệp. Đây cũng là cơ hội mang tên tuổi ra cho cả thế giới biết.
Khi ra tranh cử tổng thống, thượng nghị sĩ Obama có vỏn vẹn 2 năm kinh nghiệm tại Thượng Viện, vẫn còn bận đi xem phòng nào ở đâu, và bắt tay làm quen với các đồng nghiệp, chưa kịp làm gì khác. Trước đó ông đã làm nghị sĩ tại quốc hội tiểu bang Illinois được hơn 6 năm, nổi tiếng ở điểm chuyên môn biểu quyết “có mặt” cho đỡ nhức đầu. Trước khi có dịp biểu quyết “có mặt”, ông Obama chỉ là một anh tổ chức cộng đồng. Thực tế mà nói, cái kinh nghiệm này chỉ đáng cho ông Obama ra tranh cử… hội đồng tỉnh Riverside. Nhưng dĩ nhiên, nhờ tài mồm mép hơn người, và nói cho ngay cũng nhờ màu da, ông đã được công kênh vào Nhà Trắng.
Sau lần thử lửa với ông “nói nhiều làm ít”, thiên hạ bây giờ lạnh cẳng và muốn trở về với người có kinh nghiệm. Và với kinh nghiệm nhiều như vậy, người ta có thể tin bà tổng thống Hillary sẽ gặp ít khủng hoảng, ít thất bại hơn TT Obama.
THÀNH QUẢ
Nói cho ngắn gọn cả bà Hillary lẫn ông Obama đều chẳng có thành quả gì ghê gớm để trình làng hết.
Trong thời gian 8 năm bà Hillary làm nghị sĩ, đã không có một luật nào ra đời mang tên của bà hết. Biểu quyết đáng ghi nhớ nhất của bà là chấp nhận cho TT Bush đánh Afghanistan, rồi sau đó đánh Iraq. Quyết định về Iraq đã là một vết đen lớn của bà trong mắt các cử tri cấp tiến của đảng Dân Chủ, mà cho đến bây giờ, bà vẫn loay hoay biện minh.
Rồi bà qua làm ngoại trưởng. Cho đến nay, đố ai nêu ra được một thành quả cụ thể nào. Bà khoe đã bay hơn một triệu dặm, chỉ khiến bà Carly Fiorina, ứng viên TT Cộng Hoà nhắc nhở bay nhiều không phải là một thành quả mà chỉ là một hoạt động. Thành quả đối ngoại, trong thời bà trách nhiệm, thật ra là một chuỗi thắng lợi của… những đối thủ của Mỹ: từ Putin chiếm Crimea, tới Trung Cộng lộng hành Biển Đông, ISIS chiếm nửa Iraq và Syria, Libya đại loạn hơn Somalia, Syria giết hơn 200.000 dân, cậu Ấm Ủn tiếp tục khai triển hoả tiễn nguyên tử, Iran vẫn bình chân như vại, đồng minh bực mình vì bị nghe lén, … Như vậy thành quả của chính sách đối ngoại của bà Hillary là gì?
Tám năm thượng nghị sĩ là tám năm làm quen, thiết lập “quan hệ” với các chính khách Mỹ. Tám năm ngoại trưởng là tám năm làm quen, thiết lập “quan hệ” với các chính khách quốc tế. Cả cuộc đời chính trị của bà Hillary cho đến nay chỉ là xây dựng nền tảng “quan hệ” cho cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.
QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ
Năm 2008, ứng viên Obama chỉ trích kế hoạch bảo hiểm y tế của ứng viên Hillary là thiên tả cực đoan khi bà Hillary chủ trương tất cả những ai không mua bảo hiểm sẽ bị phạt. Ông Obama cho là quá cực đoan, và kêu gọi bảo hiểm y tế chỉ bắt buộc cho trẻ em thôi. Hiển nhiên bà Hillary khi đó thiên tả hơn ông Obama.
Cũng khi đó, ông Obama kịch liệt chỉ trích bà Hillary đã biểu quyết cho TT Bush đánh Iraq. Rõ ràng là bà Hillary bảo thủ hơn ông Obama.
Thế thì tóm lại ai cấp tiến hay bảo thủ hơn ai?
Muốn biết rõ, ta cần gạt qua những cú đánh võ miệng trong cuộc tranh cử, mà phải nhìn vào thực tế. Qua mấy năm cầm quyền của TT Obama và mấy năm làm ngoại trưởng của bà Hillary, người ta có thể thấy ông Obama rõ ràng là thiên tả hơn.
Về y tế, ông Obama chỉ trích bà Hillary thiên tả, nhưng thật ra chỉ là cái mánh tranh cử vì sau đó ông đã mang tất cả những ý kiến của bà Hillary vào Obamacare. Ông Obama cũng là người đi trước bà Hillary trong những vấn đề như cổ võ hôn nhân đồng tính, ân xá trọn vẹn di dân lậu, ban phát trợ cấp đủ loại, đánh thuế tối đa những “nhà giàu”. Đây cũng là những quan điểm của bà Hillary, nhưng trong tất cả mọi vấn đề, bà đều lên tiếng sau TT Obama. Một phần có lẽ vì “tôn ti trật tự” để tổng thống nói trước, một phần vì bà không dám hung hăng đi quá xa quá sớm. Bà Hillary là người thận trọng hơn bất cứ chính khách nào, đặc biệt là so với ông chồng vô trật tự, vô kỷ luật.
Thời gian gần đây, để chống đỡ những tấn công của ông già Bernie Sanders, bà Hillary đã ngả mạnh về phiá tả, nhưng tinh mắt một chút thì thấy ngay đây chỉ là trò thời cơ lấy phiếu thôi. Trên căn bản, bà Hillary gần với ông chồng hơn, tức là ôn hòa, không cấp tiến quá mức như TT Obama. Dù vậy, bà cũng vẫn không phải là người hùng tranh đấu cho giới trung lưu như bà đang hứa đâu.
Trong vấn đề quốc phòng, an ninh, bà Hillary đã chứng tỏ rõ ràng diều hâu hơn TT Obama rất nhiều. Trong hồi ký của bà, bà đã thẳng tay chỉ trích TT Obama yếu đuối, lửng lơ cá vàng vì không biết phải làm gì tại Iraq cũng như tại Syria. Bà Hillary cũng gián tiếp đổ trách nhiệm ISIS bành trướng lên đầu TT Obama vì cái bệnh yếu đuối, gãi đầu gãi tai, không dám có hành động dứt khoát. Bà diều hâu hơn vì hai lý do. Thứ nhất là bản tính bà cứng rắn hơn ông Nobel Hoà Bình vừa đánh vừa run. Thứ nhì, bà bị mặc cảm là phụ nữ, sợ bị thiên hạ có thành kiến cho là yếu đuối, nên sẽ cố gắng phá bỏ thành kiến đó bằng thái độ cứng rắn hơn. Do đó, ta có thể mường tượng một người lãnh đạo cứng rắn, có bản lãnh hơn xa ông tổ chức cộng đồng, xa hơn cả ông chồng chỉ lo chạy theo mấy em… chân ngắn ngực nở.
CHÍNH SÁCH TRỊ QUỐC
Bà Hillary sẽ không tiếp tục chính sách của Obama, ít nhất là trên phương diện đối ngoại.
Trong chính sách đối nội, bà Hillary là một chính khách thính mũi và thời cơ, đã nhìn thấy khuynh hướng cấp tiến mỵ dân đang trong thế thời thượng nên sẽ đi xa hơn TT Obama ít nhất là trong nhiệm kỳ đầu, để bảo đảm việc tái đắc cử năm 2020.
Bà Hillary chắc chắn sẽ có dịp bổ nhiệm một hay hai thẩm phán TCPV. Bà sẽ lựa người theo khuynh hướng cấp tiến và TCPV sẽ chuyển hướng mạnh hơn nữa qua phiá cấp tiến. Đây là một vấn đề ít người để ý, nhưng vai trò của tổng thống hết sức quan trọng vì tổng thống là người bổ nhiệm thẩm phán TCPV, và những vị này có thể thay đổi hướng đi của cả xã hội về lâu về dài. Biết đâu bà Hillary sẽ bổ nhiệm cựu TT Obama vào TCPV?
Obamacare thực sự đã lấy ý kiến từ Hillarycare. Do đó, bà Hillary sẽ xúc tiến mạnh việc áp đặt Obamacare.
Trong vấn đề lao động, bà Hillary sẽ chủ trương đẩy mạnh việc tăng lương tối thiểu lên 15 đô để lấy điểm với cử tri lao động cũng như để được nghiệp đoàn ủng hộ. Bà Hillary rất chú ý đến các nghiệp đoàn, do đó đã công khai chống lại TT Obama trong vụ TPP (hiệp ước thương mại liên Thái Bình Dương) để đứng về phiá các nghiệp đoàn.
Bà cũng sẽ tiếp tục “cuộc chiến” đòi tăng thuế mấy ông nhà giàu, sẽ tiếp tục sỉ vả nhà giàu, bài bác tài phiệt Wall Street nhưng sẵn sàng nhận bạc triệu yểm trợ của họ. Cá nhân bà và cả ông chồng sẽ “từ chức” khỏi Quỹ Clinton Foundation, không dính dáng đến các hoạt động gây quỹ hay chi tiêu của quỹ, nhưng ai cũng hiểu thực tế như thế nào. Dù sao thì ông chồng cũng phải kéo thắng tay, bớt đi đọc diễn văn lãnh cả trăm triệu.
Nhưng rồi cũng vẫn còn nhiều vấn đề mà bà Hillary khó làm được gì nên chuyện. Chẳng hạn như mâu thuẫn trắng đen, hay vấn đề kiểm soát súng đạn, di dân lậu. Đây là những khúc xương lớn của Mỹ mà tất cả các tổng thống, bất kể Dân Chủ hay Cộng Hoà, đều mắc nghẹn mà không có được giải pháp gì.
Trong chính sách đối ngoại, bà Hillary sẽ đối phó một cách mạnh tay hơn những ý đồ bành trướng của Putin, Tập Cận Bình, ISIS và khủng bố nói chung, Syria, và ngay cả Bắc Hàn. Có thể đoán chừng bà Hillary sẽ mạnh miệng hơn với TC trong việc bênh vực các quốc gia vùng Biển Đông.
Nghe có vẻ chéo cẳng ngỗng, nhưng tóm lại, so với TT Obama, đối nội bà sẽ thiên tả hơn trong khi đối ngoại bà sẽ thiên hữu hơn.
Nói chung, trên nhiều khiá cạnh, bà sẽ là một người lãnh đạo hữu hiệu, ít sai lầm hơn TT Obama nhiều. Cử tri Dân Chủ đã làm một sai lầm lớn khi lựa Obama thay vì lựa bà Hillary năm 2008. Qua năm 2012, cử tri lại một lần nữa bầu cho TT Obama, chẳng qua vì bản tính con người, ít khi chịu nhìn nhận sai lầm, đã phóng lao bầu cho Obama năm 2008 thì bây giờ phải theo lao bầu nữa thôi. Đưa nước Mỹ đến tình trạng khá bết bát hiện nay.
TÍNH TÌNH CÁ NHÂN
Ở đây, sự khác biệt giữa hai người khá rõ nét. Dù đồng quan điểm hay không với TT Obama, thiên hạ cũng phải nhìn nhận ông không mánh mung, lươn lẹo như bà Hillary. Có thể ông là người đến từ bãi chính trường Chicago nên cũng ma đầu không thua ai, nhưng dù sao, ông cũng khéo léo hơn, không trắng trợn như bà Hillary. TT Obama không nói dối quanh, thẳng tay kiếm tiền thô bạo trong khi miệng vẫn than “gần phá sản”, “tranh đấu cho dân nghèo”. Qua những nói dối quanh liên quan đến emails và quỹ Clinton Foundation, ta thấy bà Hillary mánh mung, dối trá hơn TT Obama nhiều. Bà cũng giả dối mỵ dân hạng nặng khi một mặt thì hô hào giúp sinh viên, bỏ học phí đại học, một mặt thì chém các đại học hơn hai triệu đô tiền đọc vài bài diễn văn.
TT Obama là vua hứa cuội, hứa một trăm việc không làm được hai, nhưng dù sao thì hứa cuội cũng là mô thức hoạt động chung của tất cả chính trị gia, khác với “nói láo bẩm sinh” của bà Hillary.
Việc bà Hillary sẵn sàng chấp nhận những lem nhem thật xấu hổ của ông chồng chỉ vì bằng mọi giá muốn vào Tòa Bạch Ốc chứng tỏ bản lãnh cao của một người đầy tham vọng. Ông Obama hiển nhiên cũng rất nhiều tham vọng, nhưng ông chưa làm gì quá đáng đến mức của bà Hillary. TT Obama cũng chứng tỏ là một người chồng và cha gương mẫu, trong khi bà Hillary hiển nhiên là người mẹ gương mẫu nhưng đã đóng vai trò người vợ một cách…đáng thắc mắc. Trong khi ông chồng lem nhem lung tung thì thay vì trách chồng, lại ủng hộ chồng, cho chồng là nạn nhân đáng thương của mấy cô gái háo danh và quay qua sỉ vả họ, nhưng lại vẫn tự vỗ ngực là tiếng nói bảo vệ nữ quyền.
Nếu muốn so sánh trên toàn diện, ta có thể nói bà Hillary gần với TT Nixon, trong khi TT Obama gần với TT Carter hơn.
VIỆT NAM
Chính sách mở cửa, thân thiện tối đa với CSVN của TT Obama sẽ được thúc đẩy mạnh hơn với bà Hillary nếu bà đắc cử tổng thống. TT Clinton có thể nói là tổng thống Mỹ thân thiện với CSVN nhất và bù lại, được CSVN hoan nghênh nhất. Ông đã đi thăm VN 5 lần.
Chính sách thân thiện này sẽ không giúp cải tiến dân chủ hay nhân quyền tại VN nói chung, mà chỉ giúp cứu được một vài cá nhân chống đối CS quá nổi tiếng như bà Trần Khải Thanh Thủy hay ông Điếu Cầy thôi. Cho những người này qua Mỹ có lợi cho cả… ba bên. Ông Điếu Cầy được tự do, Mỹ được tiếng tranh đấu cho nhân quyền tại VN, CSVN bớt được một người chống đối ồn ào để rồi họ qua Mỹ vài ba tháng sau là đi vào quên lãng. Hiệu quả hơn là bắt nhốt họ để họ biến thành những người hùng được cả thế giới nhắc nhở.
Chính sách thân thiện với CSVN phục vụ quyền lợi cũng như chiến lược Á Châu của Mỹ. Tuy nhiên chính sách này đã và sẽ tiếp tục khiến cho những dân tỵ nạn đang ủng hộ đảng Dân Chủ bối rối không ít, loay hoay tìm cách biện giải. Họ sẽ tiếp tục trực diện một mâu thuẫn lớn, một mặt là chính sách của đảng Dân Chủ, chủ trương “hoà hợp hòa giải” tối đa với chính quyền CSVN sau khi đã bức tử VNCH và chống việc nhận dân tỵ nạn, và mặt khác là với tư cách một người tỵ nạn, làm sao ủng hộ chính sách thân thiện, HHHG tối đa với CSVN được?
Dù sao đi nữa thì cho dù bà Hillary hay bất cứ ông hay bà Cộng Hòa nào làm tổng thống thì dân tỵ nạn cũng đừng nên hy vọng gì nhiều. Tổng thống Mỹ phục vụ quyền lợi nước Mỹ và dân Mỹ, không phục vụ quyền lợi dân tỵ nạn VN. Đối với họ, khối dân tỵ nạn Việt chỉ là một nhóm cử tri Mỹ rất ư là nhỏ, chẳng có tiếng nói gì trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong khi CSVN với gần 100 triệu dân nằm sát nách Trung Cộng, là một con chốt đáng kể trong thế cờ chiến lược của họ. (28-06-15)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.
…………………………………………………………………………………………
Bí hiểm trong Trung Nam Hải
Nguồn: Bùi Tín/VOA- 09-08-2015
Tại Bắc Đới Hà, một thành phố nghỉ mát ở bờ biển tỉnh Hà Bắc, đã thành lệ, từ hơn 20 năm nay, cứ đến đầu tháng 8 dương lịch là diễn ra cuộc họp bao gồm 7 ủy viên Ủy ban Thường Vụ Bộ Chính trị Đảng CS Trung Quốc, mở rộng cho một số lãnh đạo địa phương có uy tín nhất. Năm nay cuộc họp tuyệt mật này sẽ định ra quốc sách mới cho nhiệm kỳ gần 2 năm còn lại của Đại hội Đảng khóa XVIII, khởi đầu năm 2012, của ông Tập Cận Bình.
Năm nay một màn sương mù bí hiểm dày đặc bao phủ Bắc Đới Hà. Không có nhà bình luận ngoại quốc nào có thể đoán được những gì sẽ diễn ra tại cuộc họp này.
Có tin chiến dịch chống tham nhũng «diệt hổ – đập ruồi» đang chuyển sang chiến dịch «trị muỗi» nghĩa là càn quét cường hào tham nhũng cỡ vừa và nhỏ ở vùng nông thôn, để tránh gây chấn động ghê gớm trong giới lãnh đạo cao cấp của Đảng CS và quân đội như trong 2 năm vừa qua.
Các phán đoán đều dựa trên nhận định về con người, nhân cách, ý chí, cá tính của ông Tập Cận Bình, một nhân vật hiện vẫn còn có nhiều phần bí ẩn đối với công luận Trung Quốc và thế giới. Cho đến nay, dư luận Trung Quốc cho rằng ông Tập là con người có ý chí thành đạt lớn, có mong muốn trở thành người khai sáng một kỷ nguyên mới, dám nhìn thẳng vào sự thật, không giấu giếm những ưu khuyết điểm lớn của các lãnh tụ tiền nhiệm, từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, đến Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Tập Cận Bình đề ra khẩu hiệu Tứ Toàn – Bốn Toàn Diện – khá dài dòng:
-Xây dựng kinh tế – xã hội thịnh vượng toàn diện;
-Cải tổ xã hội Sâu sắc toàn diện;
-Thực hiện Nhà nước pháp quyền toàn diện;
-Thực thi kỷ cương Đảng toàn diện.
Đây có thể là nội dung của cả một cuộc cách mạng toàn diện, về kinh tế – xã hội, Nhà nước, Đảng CS với tham vọng cực kỳ rộng lớn, triệt để.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi, săn sói, quét muỗi», quan điểm của ông Tập là vạch trần mọi tật xấu, sai lầm, khuyết điểm, không được che dấu đảng viên và nhân dân điều gì, không có nhân vật nào bất khả xâm phạm, không một lãnh vực nào bị cấm, dù là lãnh tụ tối cao.
Do đó hình ảnh hơn 10 xe tải chở chưa hết những thùng tiền đô la, nhân dân tệ, euro, bảng Anh, đồ cổ, vật liệu trang sức quý hiếm của Thượng tướng Từ Tài Hậu, được Giang Trạch Dân sủng ái giao chức Phó bí thư Quân ủy TƯ, cũng như chuyện Thượng tướng Quách Bá Hùng cũng từng là một Phó Bí thư Quân Ủy TƯ của Giang Trạch Dân, định chuồn ra nước ngòai bằng cách cải trang thành một bà già và bị tóm ngay ở sân bay. Theo lệnh ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của ông Tập trong cuộc săn hổ dữ này, mọi tài liệu của cuộc sống bê tha bệ rạc của Lệnh Kế Hoạch, Chánh Văn phòng TƯ Đảng trong hơn 16 năm, có 27 cô nhân tình, 7 bà vợ hờ, có 5 con riêng cũng được mô tả và bình luận rộng rãi, phơi bày cho toàn dân thiên hạ biết rõ về cuộc sống không giống ai của giai cấp Tư sản Đỏ.
Gần đây nhất, đã có vài sự kiện mới mẻ, bất ngờ rất cần được giải mã. Đó là ngày 1/7/2015, nhân lễ kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng CS Trung Quốc (1/7/1921 – 1/7/2015), ông Tập đã quy định từ nay cán bộ các cấp chỉ phải tuyên thệ trung thành tuyệt đối với Bản Hiến pháp của đất nuớc, không cần tuyên thệ trung thành với bất kỳ điều gì khác.
Các mạng Đa chiều, Tiền Tiêu, Cai Xin ở Đài Loan, Hồng Kông thuật lại theo Ta Kung Pao (Đại Công Báo) ở Bắc Kinh (ngày 2/7) rằng ông Tập Cận Bình đã nhân dịp này yêu cầu toàn đảng CS «phải dũng cảm đối mặt, tiếp thu sự thật tha hóa – vong đảng», «phải dũng cảm tiếp thu quá trình Sinh – Hưng – Thịnh – Suy – Nguy – Vong của Đảng CS và Chế độ CS như một quá trình tất yếu theo quy luật tự nhiên và xã hội».
Cũng không phải ngẫu nhiên ngày 3/7 các mạng tự do ở Đài Loan và Hồng Kông loan tin Chiến sỹ dân chủ Thiên An Môn nổi bật nhất là ông Ngụy Kinh Sinh đã lên tiếng bênh vực các nạn nhân Pháp Luân Công và yêu cầu các tòa án Trung Quốc cần xét xử công minh tội ác chồng chất man rợ này.
Nhiều nhà bình luận Trung Quốc nói đến yếu tố tâm lý của ông Tập Cận Bình, là con trai nhà cách mạng CS lão thành Tập Trọng Huân, được ca tụng như một mẫu mực CS tiền bối trong sạch nghiêm túc khắc khổ trong cuộc sống, do đó bị những kẻ theo Mao đả kích là lập dị, cứng đầu, cả gia đình bị đấu tố điêu đứng trong Cách mạng văn hóa cùng lúc với cặp vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ – Vương Quang Mỹ, bản thân ông Tập Cận Bình bị đưa về nông thôn, tự lao động sinh sống trong đói nghèo thê thảm từ tuổi thiếu niên. Đây là mối thù hận lớn có dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời ông Tập, từ nhỏ đã nhận ra điều trớ trêu đau lòng là một chế độ tự nhận là ưu việt lại đầy ải những gia đình cách mạng xuống tận cùng lao khổ, ô nhục.
Đây là yếu tố tâm lý ông Tập chia sẻ với Thượng tướng Lưu Nguyên, con trai ông Lưu Thiếu Kỳ, khi ông dự định đưa ông Lưu Nguyên vào vị trí Phó Bí thư Quân ủy TƯ, khi ông Lưu Nguyên ở tuổi trẻ đã nhìn thấy cảnh đau lòng bố mình đường đường là Chủ tịch nước đông dân nhất toàn cầu bị Mao cho đội mũ lừa quỳ gối trước bọn Hồng Vệ Binh láo xược ở ngay giữa thủ đô Bắc Kinh.
Phải chăng chính yếu tố tâm lý thù hận cuộc đời ngang trái dưới chế độ CS toàn trị đã tạo nên tâm lý hận đảng, dẫn đến trào lưu Tam Thoát – thoát Đảng, thoát Đoàn, thoát Đội – do đạo sư Lý Hồng Chí đề xướng, đi đầu thực hiện và được hưởng ứng mạnh mẽ trong cả nước. Không phải ngẫu nhiên trong hàng ngũ giai cấp tư sản Đỏ quyền quý có không ít Con Ông Cháu Cha cho rằng đảng CS đã suy thoái, thối rữa ô nhục như thế, hoang dâm vô độ hơn cả thời phong kiến cổ hủ xưa kia thì nên giáng cho nó một đòn ân huệ, kết liễu cuộc đời nó trong sự phán quyết lịch sử nghiêm minh của toàn dân, mở ra Kỷ nguyên mới: Dân Chủ, Pháp quyền, Bình đẳng, Công bằng trong Xã hội Trung Quốc rộng lớn.
Mạng Minh Pao đầu tháng 7 cho biết Trần Vỹ Lợi, con gái của Trần Vân, một lão quốc công thần CS; Hồ Thẩm Anh, con gái nhà lý luận kỳ cựu Hồ Kiều Mộc; và Diệp Đại Thanh, con gái nuôi của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, đều tuyên bố ủng hộ hết lòng mọi chủ trương của ông Tập Cận Bình.
Đây là dòng suy nghĩ rất sâu đậm của cả một tầng lớp tinh hoa dân tộc trong Đảng CS Trung Quốc , tiêu biểu là Hồ Diệu Bang, rồi Triệu Tử Dương, Lý Thụy Hoàn, Kiều Thạch…, và nay chính Tập Cận Bình, Lưu Nguyên, Lưu Á Châu … đã tiếp thu một cách sâu sắc và quả đoán. Đây là một sự phán đoán có cơ sở, khi cả một thế hệ trí thức mới vẫn lạc quan tin ở bản chất thiện lương của con người, để dân tộc Nga vĩ đại cuối cùng tạo nên một Gorbachov chôn vùi Đảng CS Liên Xô thối rữa do tranh dành quyền lực, để nay dân tộc Trung Hoa vĩ đại cuối cùng đã tạo nên một nhóm Anh hùng cứu tinh dân tộc, chôn vùi đảng CS Trung quốc đã trở thành tổ chức phản động chống nhân dân và dân tộc, cản trở dân tộc Trung Hoa hòa nhập với thời đại văn minh.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà gần đây tổ chức Các bà mẹ Thiên An Môn lên tiếng đòi công minh cho con cái mình, đòi phải coi hàng ngàn nam nữ thanh niên nát thây dưới xích xe tăng CS là những liệt sỹ phải được vinh danh, rửa nhục, gia đình phải được nhà nước CS bồi thường xứng đáng, cũng như đòi trả tự do cho hàng ngàn chiến sỹ dân chủ, phần lớn là nhà báo, luật sư, nghệ sỹ và hàng trăm ngàn nam nữ tín đồ Pháp Luân Công hiện đang còn rên xiết trong hệ thống nhà tù CS.
Các báo Trung Quốc, như tạp chí Minh Huei (Minh Huệ – Net) ở Hồng Kông ngày 4/7cho biết cuộc «ác chiến tài chính» cuối cùng giữa Nhà Nước Tập Cận Bình – Vương Kỳ Sơn với phe cánh «Giang bang» đã khởi đầu quyết liệt, với trò phá đám của phe “Giang bang” cho tay chân tung vào thị trường Thượng Hải, Thẩm Quyến, Quảng Châu trong một lúc hàng trăm nghìn tỷ cổ phiếu và «cổ phần thối» đã mất hết giá trị, theo kiểu không ăn thì đạp đổ, hòng đẩy nền kinh tế – tài chính vào bế tắc triệt để, làm cho 100 triệu gia đình trung lưu trắng tay trong có vài ngày.
Cũng theo tin này, nhóm Tập Cận Bình đã soạn xong hồ sơ để xét xử cuộc Chính biến phản cách mạng do nhóm «Giang bang» chuẩn bị vào ngày 19/3/2012, một cuộc đảo chính nhằm triệt hạ «Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Hồ Cẩm Đào», đưa Bạc Hy Lai , Chu Vĩnh Khang lên tiếm quyền. Đây sẽ là vụ án chính trị kinh thiên động địa của Thế kỷ XXI, mà dư chấn sẽ rung động dữ dội chế độ CS toàn trị ở Việt Nam, mở ra Kỷ Nguyên Dân Chủ Tự Do đầu tiên ở nước ta cuối cùng có thể hòa nhập chặt chẽ với thế giới văn minh của thời đại.
Các chiến sỹ dân chủ và nhân quyền Việt Nam trong và ngoài nước đang hồi hộp theo dõi những sự kiện chính trị trọng đại sắp có thể diễn ra ở Trung Quốc, tạo thêm thuận lợi cho nhân dân Việt Nam Thoát Trung, Thoát Đảng, khi Đảng CS Việt Nam đã thề cùng Đảng CS Trung Quốc đàn anh sống chết có nhau, vinh nhục bên nhau, nay cùng dắt tay nhau đi vào quá khứ của lịch sử các dân tộc, của cả loài người.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
……………………………………………………..
Bò Trắng Răng: Chiến Tranh Lạnh Hay Đối Đầu Nóng?
Nguồn: Blogger Đinh Tấn Lực
Bò Trắng Răng: Chiến Tranh Lạnh Hay Đối Đầu Nóng?
. Đinh Tấn Lực
“Liệu căng thẳng trên Biển Đông có xác suất vượt qua lằn ranh của một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Tàu cộng? VN ta đứng đâu và cần làm gì cho có lợi nhất, hay ít thiệt hại nhất, trong cuộc xung đột tăng nhiệt đó?” (ĐTL đóng gói nỗi lo của thiên hạ)
Cuộc thế chiến cực nóng ở gần giữa thế kỷ 20 đã đẻ ra bệ phóng cho 3 nước thua trận cất cánh. Nhật có Honda, Toyota, Sony, JR-Maglew… Đức có Mercedes, Porche, Transrapid. Ý có Pagani, Ferrari, Frecciarossa…
Cuộc chiến tranh lạnh ở nửa sau thế kỷ 20 đã để thẹo thảm khốc đến 40 năm chưa liền da cho VN.
Tư bản với Cộng sản đấu nhau, ta đổ máu. Hoa Kỳ với Liên Xô đấu nhau, ta đổ máu. Mỹ với Tàu đấu nhau, ta đổ máu. Bành Trướng với Be Bờ đấu nhau, ta đổ máu. Bắc-Nam ta đấu nhau, cả nước đổ máu. Liên Sô với Tàu cộng đấu nhau một trận diệt chủng dân tộc khác, ta lại tiếp tục đổ máu, trên đất Cam và cả trên biên giới Bắc, rồi cắn răng mà nuốt lệnh cấm vận 10 năm…
Những cuộc chiến “thần (đánh) thánh (vật)” đó đẻ ra một VN phất cờ chiến thắng loang loáng máu nhầy nhụa thịt, và tự động tụt dần xuống vực thế giới thứ ba. Tạo ra được chút sản phẩm đinh vít cũng đã là một niềm tự hào đẳng cấp quốc gia.
Chiến tranh lạnh chấm dứt với bản đồ thế giới được vẽ lại từ bức tường Bá Linh qua tới Hải Sâm Uy, giải phóng non một phần tư nhân loại ra khỏi ách búa liềm độc ác. Quốc tế cộng sản tan rã. XHCN teo tóp lại ở vài nước đếm được trên các ngón 1 bàn tay, trong đó, VN đứng ngay sau Tàu cộng. Chú em Cuba lẽo đẽo đàng sau VN thoắt cái đã “dinh tê”.
Nay, xem ra, Mỹ với Tàu đang lăm le đọ sức đa diện và đa cấp lần nữa, cả kinh tế lẫn quân sự và địa chính trị. Nhiều chỉ dấu leo thang cả hai phía.
VN, trong tình trạng trắng tay vay tiền ngân hàng bù vào ngân sách, dù không đỏ mắt đi tìm cũng buộc phải thấy trước mặt một ngả ba đường rộng mở.
Một bên, phía trái, từng lớn tiếng “Đánh Mỹ đến người VN cuối cùng”, từng coi “VN là côn đồ, cần dạy cho 1 bài học”, và từng chủ trương “Không để VN mạnh quá hay yếu quá, thì mới dễ khống chế”. Bù lại, VN cung kính coi đó là là thành trì cuối cùng của CNXH, thậm chí, là cái khiên chắn thiên triều để bảo vệ vị thế lãnh đạo độc tôn của đảng cai trị chư hầu, thông qua 16 chữ vàng và 4 tương/4 tốt. Nay, cái thứ lãnh đạo XHCNVN đó quá yếu, bởi cả tính hèn và tính tham cốt lõi, lại bởi cái thế lực thù địch (mở mắt thông não) vạn năng của internet, bên cạnh xác suất khủng hoảng kinh tế tài chính vĩ mô của cả hai, nên thiên triều không dễ khống chế nó như xưa.
Một bên, phía phải, từng là “thằng đế quốc sừng sỏ”, từng là “thằng sen đầm quốc tế”, từng là kẻ cựu thù không đội trời chung… Nay bỗng chốc biến thành “bạn bè” cùng ký một tuyên bố Tầm Nhìn Chung quan hệ đối tác trong một lần “hội kiến lịch sử”. VN bỗng chốc vui mừng vì được “nó” gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương rồi còn tăng cường “hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương”, kể cả việc tham gia cộng đồng TPP. Còn gia công thêm một phụ lục “Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng” mà không cần nói rõ nhu cầu quốc phòng cho ai. Nói cho vuông là “nó” hô biến thành cái phao cứu sinh “sen đầm xoay trục” trên Biển Đông.
Tình hình Biển Đông càng biến động “phức tạp”, cái ngả ba thoát hiểm kia càng rõ ra trên từng milimét.
Mớ kim chỉ nam tư tưởng quay mòng, sau cùng, tạm rung rung hướng về một phía. Dường như, đâu đó, cả bọn vội nắn nót kẽ thêm cái bảng “thoát trung” bên cạnh cái biển “thoát hiểm”, cho đủ nghĩa.
Chiến lược thần thánh mới, với bàn tay nhào nặn những thay đổi thần kỳ từ bên kia đại dương, đã ló dạng định hình bức tranh ba giòng thác mới toanh…
Trực tiếp đối đầu: Nhật-Phi-Việt. Cho tới giờ, Tàu cộng chỉ gờm mỗi Nhật với Phi trên Biển Đông, cho dù có hay không có Mỹ đứng chắn sau lưng các bạn ấy. Nương theo tinh thần võ sĩ đạo của Nhật hay tính khí giang hồ đứng thẳng ngẩng đầu như Phi, lắm người hy vọng VN sẽ bỏ dần được cái đặc thù hèn, mà tự thân dấn bước giữ lấy biển đảo nước nhà.
Khu vực trái đệm làm thương hiệu: ASEAN. Tất nhiên, không thể tính một vài nước “rụt rè” như Thái Lan, “ràng buộc ơn nghĩa” như Cambodia, hay mới vừa bước xuống lưng cọp như Miến Điện. Cũng tất nhiên, số còn lại sẽ trở thành một tập hợp biểu kiến, nếu chưa đủ lực hiệp thông thì cũng vừa đủ thế hội đồng để bĩ mặt Tàu cộng trên một số diễn đàn quốc tế.
Lực lượng bảo hiểm trừ bị: Một liên minh phòng thủ tương tự như SEATO (South East Asia Treaty Organization – Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á Châu). Đây không phải là một tổ chức mới thành hình. SEATO ra đời tại Manila ngay sau chuyến công du Á châu của Phó TT Mỹ Richard Nixon thời đó, vào tháng 9 năm 1954 (tức là khoảng 2 tháng sau Hiệp định Genève chém đứt đôi xương sống VN).
Hình thái sinh hoạt của SEATO là một tổ chức liên minh quân sự đa quốc gia, phỏng theo sinh hoạt của Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương NATO. Có 8 quốc gia tham gia liên minh SEATO, gồm: Úc, Tân Tây Lan, Pakistan, Phi, Thái, Pháp, Anh & Mỹ. Nhằm mục tiêu trước mắt bấy giờ là ngăn chận làn sóng đỏ của Liên Sô & TQ tràn xuống Đông Nam Á. Có 2 quốc gia được SEATO tích cực bảo vệ thời đó là VNCH & Lào, cho tới khi miền Nam VN & Lào rơi vào vòng xiềng xích búa liềm năm 1975, đưa đến tình trạng tổ chức này giải thể, vào năm 1977.
Trong mùa biển động hung hãn hiện tại, một số chuyên gia kinh tế-quân sự manh nha rút tỉa bài học của nửa thế kỷ trước và gợi ý cho một tiến trình phục hoạt một phiên bản SEATO trong tinh thần phòng thủ hoàn toàn mới, với nhiều quốc gia tham gia và thực sự góp sức, góp công lẫn góp của, vào mục tiêu chung ngăn chận ý đồ bành trướng bá quyền của nhà nước Tàu cộng trên Biển Đông, hay xa hơn, là chiếm hữu một khoảng lớn hải phận quốc tế làm ao nhà.
Tất nhiên, vị trí địa chính trị của VN vẫn không đời nào giảm mất đặc tính quan trọng, cả thời trước hay bây giờ, cả cộng hoà (non trẻ) hay cộng sản (ngấp nghé). Tức, vẫn là một trảng trống rất tốt để thiết lập một tiền đồn quốc tế. Bởi, không phải nơi nào cũng có một cảng nước sâu lý tưởng như Cam Ranh với đảo Bình Ba chắn sóng, hay một sân bay chiến lược Đà Nẵng với bán đảo Tiên Sa đệ nhất trục viễn thông. Điều kiện “thoát trung để thoát hiểm” lại càng ngời sáng, rõ ràng hơn bao giờ hết!
Giới quan tâm và nặng lòng với đất nước thấy ra điều đó, thấy cả một khối lưng chừng đang nghiêng về phía dân, mà tưởng chừng như đã thấy hết cả.
Không. Các vì vua nước này, từ góc cạnh của nhiều phe nhóm lợi ích khác nhau, còn thấy ra đôi điều khác nữa.
Một là TQ hết thời: 1) TQ không níu được Miến Điện; 2) TQ bị mất tiệt hình ảnh “một quốc gia trỗi dậy trong hòa bình”; 3) TQ không đẩy nổi Hunsen quấy rối khúc sườn Tây Nam VN; 4) TQ kỳ công xây đắp các đảo san hô Trường Sa nhưng không cầm chắc có đủ khả năng giữ chúng; 5) TQ không cản nổi hướng xoay trục của Mỹ về biển Đông; 6) TQ đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế đến phải phá giá đồng Nguyên liên tục nên lỏng tay dần về sức mạnh bảo trợ chư hầu; 7) TQ không giữ nổi vùng biển lưỡi bò 9 đoạn trước hành động tuần tra của hải quân các nước Mỹ/Nhật/Ấn/Úc; 8) TQ không trao được thanh Thượng Phương bảo kiếm cho Nguyễn Bá Thanh để thanh lọc Ba Đình theo phương án A nhập hán; 9) TQ cũng không nuôi nổi con bài Phùng Quang Thanh để nắm trọn quân đội cho một cuộc đảo chính khi cần thiết theo phương án B thần phục; 10) TQ tạo ra một làn sóng hiệu ứng ngược ở VN về chính sách “đả hổ diệt ruồi” bên Tàu.
Hai là Mỹ gia cố sức chi phối: 1) Lãnh đạo Việt đầu tư con cái và tiền của sang Mỹ nhiều nhất; 2) Hàng loạt tàu chiến, chính khách & tướng lãnh Mỹ sang VN trước khi Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ; 3) Obama mặc cả lời phản đối của cả 2 đảng Dân Chủ & Cộng Hoà Mỹ để tiếp Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu Dục (cho nó thành cuộc “hội kiến lịch sử”); 4) Obama nhận lời thăm viếng VN trước cuối năm nay; 5) Jill Biden, phu nhân Phó TT Mỹ Joe Biden thăm viếng VN và giao lưu đặc biệt với nội tướng của CTN VN Trương Tấn Sang; 6) Thủ tướng Anh, đồng minh cật ruột của Mỹ, chuyển một thông điệp cứng rắn về chống rửa tiền, ngay trên đường thăm viếng VN; 7) Chính phủ Úc tuyên bố kiểm soát gắt gao nạn rửa tiền ở Úc, tức là một cách nhắc nhở về kỹ thuật khoá đông tài sản lãnh đạo tuồn ra nước ngoài (như Miến Điện từng rút kinh nghiệm mới đây); 8) Đại sứ Mỹ Ted Osius trấn an Hà Nội là Mỹ “tôn trọng thể chế chính trị của VN”, và tyên bố “Quan hệ Việt-Mỹ chưa bao giờ tốt hơn hiện tại” ; 9) Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, rồi Đô đốc Tư lệnh lực lượng Coast Guard Hoa Kỳ, rồi Chánh thẩm Toà Án Tối Cao Liên Bang Hoa Kỳ lũ lượt thăm viếng VN; 10) Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel có một phát biểu được báo chí tranh nhau VN giật tít lớn: “Mỹ tuyên bố ‘không trung lập’ trong vấn đề biển Đông”.
Ba là áp suất đại hội đảng XII: 1) Tuyển lựa nhân sự về dự đại hội (để bỏ phiếu) là khâu quan trọng nhất của mọi phe nhóm lợi ích; 2) Truyền thông chính quy vỡ trận vì không thể làm vừa lòng mọi phe, lại không thể chạy kịp tin như truyền thông lề dân, mà đợi đèn thì tin đã thiu; 3) Ngay chính các phe nhóm cũng tận dụng phương tiện mạng xã hội bên lề dân để đấu đá chí tử với nhau, nổi bật trong thời gian qua là trang Chân dung Quyền lực; 4) Tin tức nhiễu loạn như sao xẹt tứ phía mà phía đảng và chính phủ lặng thinh; 5) Đại biểu QH thi đua phát biểu cực linh tinh, phản ảnh tình trạng ấu trĩ và không vững tin vào bất kỳ phe nào ngoài chính phủ; 6) Tình hình đảng uỷ các cấp đệ đơn từ nhiệm hàng loạt, cả trung ương lẫn địa phương, được cảm nhận như một cuộc tháo chạy bắt đầu; 7) Tình hình bội chi nguy kịch đến mức chính phủ đòi vay tiền ngân hàng nhà nước để bù vào ngân sách mà phía đảng không dám phản đối; 8) Cán bộ các cấp các ngành các nơi đều không giấu diếm nỗ lực “vét cú chót”; 9) Hội nghị Trù bị trước đại hội 12 hứa hẹn nhiều pha gay cấn ngoạn mục bất ngờ; 10) Tình hình đảng xâu xé sống mái: Mọi thủ đoạn lừa bịp/chuyên chính/trả thù đối với dân, nay được áp dụng thẳng cánh với nhau trong nội bộ đảng.
Bốn là cái nguyên trạng đã mất: 1) Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ, được coi là chuyến công du độc đáo và thành công; 2) Phùng Quang Thanh bị loại ra khỏi bàn cờ chính trị VN ngay trong việc tháp tùng chuyến đi đổi đời lãnh đạo đó; 3) Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô và Quân khu 7 bị thay đổi bất ngờ và đầy tính khuất tất trong việc tước quyền; 4) Trương Tấn Sang bất ngờ thăm viếng công khai các sư đoàn từng chiến đấu chống TQ ở mặt trận biên giới năm xưa; 5) Báo chí trong luồng được bật đèn xanh để gọi thẳng tên bọn cướp biển TQ thay vì núp sau từ “lạ”; 6) Lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ hy sinh trong trận thảm sát Gạc Ma được chính thức tổ chức công khai và long trọng tại chùa Vĩnh Nghiêm; 9) Đại sứ Mỹ Ted Osius tiết lộ là Mỹ-Việt dự kiến hợp tác sản xuất vũ khí; 10) Chẳng bao lâu sau chuyến đi Mỹ, Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị công du Nhật Bản (là đồng minh chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương), để có thêm một tầm nhìn chung với đối thủ của Tàu cộng ngay trong khu vực, có nghĩa rằng “thoát trung” thực sự là một “mệnh lệnh thời đại”.
Chí ít, rõ ràng, “thoát trung” là một xu thế không thể cưỡng.
Chỉ khác giữa vua chúa các nhóm lợi ích có thẻ đỏ với nhau là “thoát trung” để “thoát hiểm” rồi làm gì tiếp? Các nhóm lợi ích này phải lo chuyện sinh tử tự thân, tất nhiên sẽ không màng chi đến tình trạng đất nước thêm kiệt quệ, tính tình người thui chột, nội lực dân tộc tiêu tán, dễ rơi vào các tròng chi phối của ngoại bang. Một nhóm nổi trội, hay được chấm là nổi trội trong số đó, đang lăm le con đường xưa Putin, như một con nghê què quặt thoát Tàu để thành Nga.
Chỉ khác giữa vua chúa các nhóm lợi ích đó với đại khối quần chúng VN, chí ít là với giới quan tâm VN, ở mục tiêu “thoát trung” để tạo đà “dân chủ hoá đất nước”.
Dường như cả bức tranh ba giòng thác mới toanh nói trên cũng góp phần cổ võ cho lộ đồ tối ưu đó của VN.
Người VN, cả trong lẫn ngoài nước, cả trong lẫn ngoài đảng, cả trong lẫn ngoài quân đội, dân thường hay chiến binh và cựu chiến binh… nếu tận dụng được hết khả năng vận động và góp sức của chính mình vào cuộc chơi mới này, thì Mỹ-Nhật-Phi-Úc-Ấn, hoặc ASEAN, hoặc ngay cả cái phiên bản 21 của SEATO kia… cũng đều chỉ là phương tiện. Nó không là cứu cánh. Cứu cánh phải là một Việt Nam Cất Cánh.
Hoa Kỳ sử dụng cái quyền lực mềm của nó, thông qua lời tuyên bố “tôn trọng thể chế” kia, không nhằm để duy trì những cụm nấm độc XHCN quấy rối nhân loại, sau khi dày công tốn của sắp xếp lại Âu châu và dụ hàng được Cuba.
Hoá ra, lời trấn an đó cũng chỉ là một phương tiện.
Hoá ra, Mỹ mới là bậc thầy nghề nắn tượng.
15/8/2015 – Tròn 70 năm Nhật hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh. Tròn 42 năm kết thúc 126.615 phi vụ trong suốt 8 năm chiến dịch oanh kích Arc Light trên chiến trường Đông Dương.
Blogger Đinh Tấn Lực.
………………………………………….
Thiên Tân: Số tiền đòi bồi thường sẽ lớn
Nguồn: BBC-19 tháng 8 2015
Số tiền đòi bảo hiểm sau vụ nổ chết người Thiên Tân có thể vượt xa ước tính chính thức, cơ quan xếp hạng Fitch cảnh báo.
Ít nhất 114 người thiệt mạng và khoảng 700 người bị thương trong vụ nổ hồi tuần trước.
Người dân đang đòi bồi thường thiệt hại và các công ty có tài sản bị hư hại khiến sản xuất bị đình trệ.
Hàng ngàn người phải sơ tán khỏi nhà sau khi người ta phát hiện ra hóa chất độc hại trong không khí sau các vụ nổ tại một trong 10 cảng có nhiều hoạt động nhất trên thế giới.
Dựa trên truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc, ngân hàng Credit Suisse ước tính thiệt hại có thể lên tới 1-1.5 tỉ USD.
Tuy nhiên Cơ quan xếp hạng Fitch cảnh báo số tiền có thể cao hơn nhiều.
“Số tiền đòi bồi thường từ các vụ nổ có khả năng làm suy yếu hoạt động tài chính của một số công ty trong khu vực và những công ty bảo hiểm tài sản và tai nạn hứng chịu nguy cơ cao tại các khu vực bị ảnh hưởng”, Fitch cho biết.
Các công ty bảo hiểm của Trung Quốc dự kiến sẽ chịu gánh nặng về chi phí bồi thường này.
Các cuộc điều tra về nguyên nhân dẫn tới vụ nổ vẫn đang được tiến hành và thiệt hại vẫn đang trong quá trình được đánh giá.
Ngoài hư hại thực tế, nhiều nhà máy gần địa điểm nổ đã ngưng hoạt động dẫn tới mất doanh thu và có thể đòi bảo hiểm bồi thường.
Hãng chế tạo xe hơi Toyota của Nhật nói hơn nửa cơ sở sản xuất của họ tại Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng cho tới qua ngày thứ Tư.
Công ty này nói họ đình chỉ cả ba dây chuyền sản xuất tại nhà máy của họ ở Thiên Tân nơi có thể xuất xường 530.000 xe mỗi năm.
Hãng này nói họ có thể sẽ phải đổi hướng các chuyến hàng sang Thượng Hải hặc Đại Liên để đối phó với các vấn đề hậu cần do thiệt hại ở Thiên Tân.
Hàng ngàn xe nhập khẩu của Volkswagen, Toyota, Hyundai và Renault đỗ gần nơi nổ bị phá hủy trong thảm họa này.
Các công ty điện tử như Panasonic, hãng về hậu cần Singamas Container Holdings và hãng chế tạo máy móc nông nghiệp của Hoa Kỳ là Deere & Co. cũng bị gián đoạn.
………………………………………………