1.Tài tử N.C.Tín với biệt danh “ăn mày dĩ vãng”(NV)-2.Nghệ sĩ Thanh Lan(RFA)-3.Có nên phá dỡ cầu Long Biên?

Tài tử Nguyễn Chánh Tín bị ‘tặng’ biệt danh ‘ăn mày dĩ vãng’
Nguồn:nguoiviet.com- Wednesday, March 19, 2014

SÀI GÒN (NV) – Sự kiện tài tử Nguyễn Chánh Tín khẩn thiết đề nghị ngân hàng Phương Nam cho lùi thời gian “xiết nợ” căn nhà ở cư xá Bắc Hải thêm 6 tháng nữa, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, đã làm bùng nổ nhiều dư luận trái chiều.

Tổng giám đốc ngân hàng…… thương mại Phương Nam mở cuộc họp báo vụ Nguyễn Chánh Tín. (Hình: báo Thanh Niên)

Truyền thông tại Việt Nam và cả các trang mạng xã hội đưa ra nhiều bình luận về lời kêu gọi giúp đỡ của Chánh Tín. Bên bênh thì kêu gọi giúp đỡ một nghệ sĩ “ngã ngựa,” tán gia bại sản. Còn bên chống thì gọi Chánh Tín là “kẻ ăn mày dĩ vãng.” Có người nặng lời hơn, còn gọi ông là “tệ hơn thằng ăn mày.”

 ‘Nguy cơ ra lề đường chỉ vì quá yêu nghệ thuật’

Ngay sau khi xuất hiện lời kêu gọi của Chánh Tín trên các cơ quan truyền thông, nghệ sĩ Chí Trung, một đồng nghiệp của ông từ Hà Nội đã tung một bức thư công bố số tài khoản của Nguyễn Chánh Tín tại ngân hàng để vận động dư luận giúp ông “vượt qua hoạn nạn.”

Bức thư của nghệ sĩ Chí Trung đăng trên báo mạng Một Thế Giới báo động rằng, ‘Nghệ Sĩ Ưu Tú’ (NSƯT) Nguyễn Chánh Tín đang có nguy cơ ra lề đường chỉ vì quá yêu nghệ thuật. Ông Chí Trung kêu gọi mọi người gửi tiền “góp gió thành bão” giúp Nguyễn Chánh Tín giữ lại ngôi nhà của mình.

Trên mạng ‘Soha’ cũng có tin nói rằng, quỹ quyên góp giúp NSƯT Nguyễn Chánh Tín đã thu được 600 triệu đồng, tương đương 30,000 đô la và ông đã đến nhận số tiền này.

Theo dư luận đây là con số “không thấm vào đâu” so với 10 tỷ đồng (nửa triệu đô la) gia đình Nguyễn Chánh Tín cần có để đạt được mục đích giữ lại căn nhà mà ông không muốn rời bỏ. Có tin đồn nói rằng nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín than thở rằng số tiền trên chỉ đủ để “cứu đói” ông mà thôi.

Trên mạng xã hội Facebook thì xuất hiện một ý kiến được cho là tiêu biểu của những người ủng hộ Chánh Tín.

Mai Lâm cho rằng: “Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín xứng đáng nhận những ưu ái của mọi người trong xã hội vì ông ta được yêu mến và đã có những cống hiến đóng góp to lớn cho sự phát triển nền điện ảnh kịch nghệ nước nhà. Không thể so sánh ông với những người nghèo khổ bình thường vì sự so sánh như vậy là khập khiễng, thiếu tư duy. Những mảnh đời khó khăn cơ nhỡ đó là trách nhiệm của nhà nước và toàn thể cộng đồng xã hội. Nghệ sĩ sống nhờ lòng yêu quý của khán giả nhất là tuổi đã về chiều, đã vậy còn lâm bệnh nặng, gia cảnh khánh kiệt (dù đúng dù sai). Tinh thần là điều ông cần nhất lúc này…”

‘Ăn mày dĩ vãng’

Cũng trên Facebook, một bài viết của Chris Le được nhiều người chia sẻ, đã gọi Chánh Tín là “ăn vạ” là người “chỉ ăn mày… dĩ vãng. Cái dĩ vãng sáng chói của chính mình.”

 

Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín. (Hình: báo Lao Ðộng)

Chris Le viết: “Cuộc đời và nghiệp dĩ đã cho chú quá nhiều, khán giả cũng đã cho chú quá nhiều để có chỗ đứng, có tài sản. Việc chú đánh mất nó đâu phải lỗi của họ đâu chú?”

“Ðiều chú mong muốn ở đây là giữ lại cái nhà? Trời ơi, nó là nỗi thèm thuồng của 99 phần trăm người Saigon này đó chú. Bây giờ nó xuống giá rồi. Nhưng xuống rồi là còn bao nhiêu? Hơn 10 tỉ. Xây được 300 ngôi nhà mơ ước đó chú.”

Và rằng, “ngay cả trong thời khắc đen tối nhất của mình, chú vẫn còn sáng sủa hơn hàng chục triệu người trên cái đất nước này? Rất nhiều doanh nhân thua lỗ hàng trăm hàng ngàn tỉ đến nỗi phải vào tù, phải tự tử, phải vô trại tâm thần, phải ra đường chạy xe ôm nhưng họ có kêu than đâu? Rất nhiều đứa trẻ và cô giáo phải đến trường bằng cách nhắm mắt nín thở chui vô bọc nilon.”

Hiện nay, dư luận chống lại việc quyên góp cho rằng, Nguyễn Chánh Tín lâm cảnh nợ nần cũng như nhiều người nổi tiếng trên sân khấu, là chuyện bình thường.

Có người còn nói, ông đã ở “chùa” tại ngôi nhà không phải là của mình suốt 4 năm nay, và việc ông xuất hiện trên truyền thông ở Việt Nam để xin ngân hàng Phương Nam hoãn thi hành án thêm 6 tháng nữa cũng nhằm đánh động sự thương cảm của người mộ điệu.

Ðiều này, theo một số bài viết được tung lên mạng, Nguyễn Chánh Tín đã “ngửa tay xin sự trợ giúp của mọi người” trong khi ông thực tế không lâm cảnh éo le như rất nhiều người trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Ngân hàng Phương Nam lên tiếng

Mới đây, chiều ngày 18 tháng 3, 2014, ban giám đốc ngân hàng thương mại Phương Nam mở cuộc họp báo, chính thức lên tiếng về vụ “xiết nợ” căn nhà số PP1 bis đường Ba Vì, cư xá Bắc Hải, quận 10 mà NSƯT Nguyễn Chánh Tín đang cư ngụ. Ông Nguyễn Văn Nhân, tổng giám đốc ngân hàng Phương Nam nói rằng NSƯT Nguyễn Chánh Tín đã bán căn nhà trên cho Phương Nam để cấn khoản nợ vay 8.3 tỉ đồng, tương đương 410,000 đô la trong thời hạn 36 tháng kể từ năm 2008. Vì ông không trả được xu nào nên nợ gốc và lãi lên tới 10.5 tỉ đồng, tương đương nửa triệu đô la, tính đến nay.

Vẫn theo ông Nhân, vì lý do trên, NSƯT Nguyễn Chánh Tín và vợ đã đồng ý bán lại căn nhà cho ngân hàng Phương Nam để thanh toán nợ. Một hợp đồng mua bán đã được lập vào tháng 5, 2009 giữa đôi bên, xác định việc NSƯT Nguyễn Chánh Tín bán đứt căn nhà cho ngân hàng Phương Nam. Giấy tờ sang tên, chuyển nhượng quyền sở hữu căn nhà giữa đôi bên cũng đã làm xong vào tháng 9, 2009. Dù vậy, từ đó đến nay, ngân hàng Phương Nam vẫn để gia đình NSƯT Nguyễn Chánh Tín tiếp tục được trú ngụ tại đó.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nhân, đến tháng 7, 2013, ngân hàng Phương Nam yêu cầu NSƯT Nguyễn Chánh Tín chấp hành án cưỡng chế thu hồi căn nhà. Phía ngân hàng đề nghị cấp cho gia đình NSƯT Nguyễn Chánh Tín 500 triệu đồng, tương đương 25,000 đô la để dời đi nơi khác, nhưng nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín không đồng ý. Báo Thanh Niên dẫn lời luật sư của ngân hàng Phương Nam còn cải chính tin nói rằng, NSƯT Nguyễn Chánh Tín từng là phó chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị ngân hàng Phương Nam. Theo ông, NSƯT Nguyễn Chánh Tín chưa bao giờ là phó chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị ngân hàng Phương Nam.

Ông Nguyễn Văn Nhân cũng cho biết, chưa nhận được bất cứ đơn đề nghị nào của NSƯT Nguyễn Chánh Tín, và chỉ biết sự việc qua báo chí. Cũng theo ông Nhân, vì nể trọng “một con người của công chúng nên ngân hàng Phương Nam tạo mọi điều kiện cũng như trao việc quyết định số phận của căn nhà, số phận của gia đình ông cho chính ông, chứ không phải ai khác. Ông Nhân kết luận tại cuộc họp báo: ‘Bây giờ mọi chuyện phụ thuộc vào anh ấy.’”
Nợ nần, thua lỗ, không vì phim ‘Dòng Máu Anh Hùng’

Trên trang mạng Soha News xuất hiện bài viết nói rằng, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chánh Tín nay trở thành “trung tâm điểm” của dư luận. Người ta mổ xẻ hầu như tất cả những vấn đề liên quan đến sự thành công và thất bại của ông. Dư luận cho rằng, tình trạng quẫn bách của ông hiện nay có phần vì tung vốn vào hoạt động sản xuất phim không hữu hiệu, cũng như bị thua lỗ trong dự án sản xuất rau sạch tại tỉnh Lâm Ðồng.

Một đồng nghiệp của ông, nữ tài tử Ngô Thanh Vân nói rằng, đã tham gia bộ phim “Ngôi nhà bí ẩn” với số cát sê 10 triệu đồng, tương đương 500 đô la cho một tháng trời quay tại Ðà Lạt, chỉ đủ để đổ xăng. Sự kiện này được nêu để chứng minh rằng Nguyễn Chánh Tín lâm cảnh nợ nần vì “không có thực tài trong lĩnh vực nghệ thuật chứ không phải vì bộ phim ‘Dòng Máu Anh Hùng.’”

Bài viết này nêu chi tiết nói rằng hãng phim Chánh Phương đã hoàn trả đầy đủ số tiền mà Nguyễn Chánh Tín đã đầu tư cho bộ phim này. (PL)

……………………………………………

Nghệ sĩ Thanh Lan
Nguồn:Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2014-03-16


Nghệ sĩ Thanh Lan trong lần lưu diễn ở Úc Châu tháng 09 năm 2012.
Courtesy FB Nghệ sĩ Thanh Lan

 Từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, nghệ sĩ Thanh Lan đã trở thành hiện tượng trong làng văn nghệ Việt Nam, cô nổi danh không chỉ bởi tiếng hát ngọt ngào, vẻ đẹp mặn mà, quyến rũ mà còn bởi cô là nghệ sĩ hiếm hoi thực hiện thành công trên cả lĩnh vực điện ảnh, kịch trường và âm nhạc. Sang định cư tại Hoa Kỳ từ cuối năm 1993, nghệ sĩ Thanh Lan vẫn nổi tiếng với những ca khúc nhẹ nhàng, tình tứ, êm ái thuở nào. Trong chương trình âm nhạc kỳ này, cô dành cho Vũ Hoàng cuộc trò chuyện thân mật, mời quí vị cùng theo dõi.
Quãng đường đã qua

Vũ Hoàng: Trước hết, Vũ Hoàng cám ơn nghệ sĩ Thanh Lan đã dành thời gian cho chương trình âm nhạc hôm nay, thưa chị, chị đã quá nổi danh hơn nửa thế kỷ nay rồi, khi nhìn lại quãng đường vừa qua, một Thanh Lan của hiện tại và một Thanh Lan của ngày xưa, điểm gì giống điểm gì khác, thưa nghệ sĩ Thanh Lan?

Thanh Lan: Trước hết cho Thanh Lan gửi lời chào thân thương đến độc giả đài ACTD và chúc Vũ Hoàng một ngày tươi đẹp. Trả lời câu hỏi của Vũ Hoàng, phải nói rằng ngày xưa lúc mới lên truyền hình, hình ảnh của Thanh Lan nhí nhảnh với những bài hát nũng nịu, nhõng nhẽo… đến bây giờ vẫn nhiều khán giả còn nhắc đến hình ảnh của Thanh Lan ngày xưa nũng nịu, dễ thương, vì lúc đó, khi Thanh Lan lên truyền hình còn bé lắm, mới 15 – 16 tuổi đã lên truyền hình hát rồi.

    Thường thì nghệ sĩ trên sân khấu lúc nào cũng thấy huy hoàng, khán giả khi đi xem chỉ thấy những lúc người ca sĩ vui tươi nhất, nhưng biết đâu sau nụ cười đó là cả một tâm sự.
-Nghệ sĩ Thanh Lan

Dĩ nhiên, hình ảnh của cô bé Thanh Lan ngày xưa khi còn trẻ và Thanh Lan hiện nay dĩ nhiên phải khác rất nhiều. Nhưng có một điều là cho đến hiện nay, dù là đi bất cứ nơi nào, hát bất cứ nơi nào… thì khán giả vẫn yêu cầu hát lại những bài hát ngày xưa, cho nên, Thanh Lan luôn phải giữ tâm hồn thật trẻ trung để thể hiện lại những bài hát mà mình đã hát từ hồi mình mới lớn rất là trong sáng.

Vũ Hoàng: Cám ơn nghệ sĩ Thanh Lan, Vũ Hoàng cũng muốn hỏi chị là tiếng hát của chị và của ca nhạc sĩ Nhật Trường đã gắn bó với nhau rất lâu rồi, nhiều người ví giọng hát của 2 người sinh ra là cho nhau. Một lần nữa, chị có thể chia sẻ về quãng đường rất quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của mình được không ạ?

Thanh Lan: Dạ vâng, trong tất cả những gì mà Thanh Lan làm từ trước tới giờ thật ra là do sự đam mê âm nhạc, chứ cũng không dám nghĩ tới mình đi đến với bao nhiêu triệu người hay bao nhiêu triệu người sẽ thích mình, Thanh Lan không bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Chỉ biết rằng, ngày xưa trước khi diễn chung với anh Nhật Trường, Thanh Lan cũng diễn nhiều vở kịch trên đài truyền hình số 9 của Sài Gòn, anh Nhật Trường thấy Thanh Lan ngoài giọng hát cũng diễn xuất được nên mới mời hát chung với anh ấy. Điều quan trọng trong những chương trình của anh Nhật Trường mời không phải là hát mà đòi hỏi diễn xuất rất nhiều. Sau khi diễn với anh rồi, Thanh Lan mới khám phá ra rằng anh có tài viết kịch bản và dàn dựng và cũng diễn rất nhuyễn. Cho nên nhiều khi 2 anh em diễn với nhau mà chẳng cần phải dặn dò gì hết, vui lắm, anh cứ đưa những lời đối thoại cho Thanh Lan học, xong rồi đến cứ bảo bắt đầu quay thế là quay… Nói rằng “sinh ra để hát với nhau” cũng đúng vì chẳng cần dặn dò, tập dượt gì cả, giống như 2 người tự nhiên ăn ý.

Nghệ sĩ Thanh Lan với vai Cô hàng hoa cùng diễn viên Ngọc Phu trong Phim hài Xóm Tôi (1974). Courtesy FB Nghệ sĩ Thanh Lan.

Vũ Hoàng: Dạ thưa nghệ sĩ Thanh Lan, chị không chỉ nổi tiếng bởi tiếng hát rất ngọt ngào, truyền cảm mà còn bởi vẻ đẹp mặn mà, quyến rũ. Các cụ mình thường nói người phụ nữ đẹp bao giờ cũng truân truyên, chị có nghĩ là sự truân truyên đã “vận” vào lời ca của mình không ạ?

Thanh Lan: Thường thì nghệ sĩ trên sân khấu lúc nào cũng thấy huy hoàng, khán giả khi đi xem chỉ thấy những lúc người ca sĩ vui tươi nhất, nhưng biết đâu sau nụ cười đó là cả một tâm sự.

Thanh Lan cũng giống như những phụ nữ khác mà thôi, một nghề để làm việc, một nghề để đến với khán giả khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên đôi khi nghĩ lại cũng thấy buồn chứ! Nghĩ tới chữ truân truyên đó, có thể có tới hàng triệu người thích mình đi, nhưng mà cũng chưa tìm được một tâm hồn nào 100% hợp với lòng mình, hợp với tâm tính mình, hợp với cách suy nghĩ của mình để có những chuỗi ngày êm đềm bên nhau. Tại vì cuộc đời, khi mình ra xã hội đã phải tranh đấu với biết bao nhiêu chuyện khác rồi, khi về nhà, chỉ muốn có một mái ấm gia đình, một sự êm ái để cho mình quên đi những khó khăn, mệt nhọc ngoài đường, ai cũng vậy mà, đúng không?
Nỗi Lòng

Vũ Hoàng: Khi chị sang đến Hoa Kỳ định cư đến nay cũng hơn 20 năm rồi, từ năm 1993, sự nghiệp điện ảnh và sân khấu của chị đã thay đổi như thế nào ạ?

Thanh Lan: Dạ vâng, khi nhắc đến điện ảnh lại khiến Thanh Lan nhớ đến chuyện vui vừa qua cuối năm 2013, đầu năm 2014 này. Một cuốn phim mà Thanh Lan đóng vai chính trong cuốn phim của Nhật và được hãng phim của Nhật mời qua dự 2 festival, bộ phim Number 10 Blues đã được giải Audience Award (cuốn phim được khán giả yêu thích nhất) tại Hiroshima. Đầu năm 2014, đoàn phim Nhật lại gửi cuốn phim qua California để dự Viet Film Fest của người Việt mình ở đây và Viet Film Fest cũng tặng cho bộ phim này giải thưởng Spotlight Award vì bộ phim có giá trị lịch sử trong đó, bởi vì bộ phim được quay hồi tháng 3 năm 1975, trong đó có rất nhiều hình ảnh bây giờ mình thấy lại mình rất bùi ngùi, xúc động. Đầu tháng 4 này, ngày 12/4 sẽ được trình chiếu tại thành phố Anaheim, miền Nam California.

    Từ khi qua tới giờ, Thanh Lan cũng đóng vai chính trên 10 vở kịch trên sân khấu kịch, nên cũng đỡ nhớ diễn xuất.
-Nghệ sĩ Thanh Lan

Từ khi Thanh Lan qua đến hải ngoại, Thanh Lan rất nhớ ống kính quay phim, vì người Việt mình không sản xuất nhiều phim ở California, nên không có dịp để đóng phim. Nhưng ngược lại, từ khi qua tới giờ, Thanh Lan cũng đóng vai chính trên 10 vở kịch trên sân khấu kịch, nên cũng đỡ nhớ diễn xuất.

Vũ Hoàng: Cám ơn nghệ sĩ Thanh Lan đã chia sẻ một giải thưởng rất là cao quý và Vũ Hoàng nghĩ là trong những ngày tháng 4 sắp tới, người Việt ở hải ngoại sẽ có cơ hội trải nghiệm lại những gì xảy ra trong quá khứ. Thưa nghệ sĩ Thanh Lan, Vũ Hoàng đã dành thời gian của chị nhiều rồi, trước khi chia tay với thính giả RFA, một điều gì chị có thể chia sẻ để mọi người có thể hình dung ra một Thanh Lan rất năng động trong thời điểm hiện nay?

Thanh Lan: Trong thời gian này, ngoài việc đi hát hay diễn kịch, đôi khi buồn buồn thì Thanh Lan làm thơ, Thanh Lan cũng đã ra mắt một tập thơ từ năm 2002 cơ nhưng không biết bao giờ mới có một đêm để ra mắt tập thơ khác, bởi vì sau này quá bận không có thơ thẩn nhiều như ngày xưa.

Ngoài ra, Thanh Lan cũng có dịch lời Việt một số bài hát Pháp, có một điều thú vị là mới đây nhạc sĩ Hoàng Sa có nhờ Thanh Lan viết một số lời Tiếng Anh cho những bài hát Tiếng Việt của ông, nên Thanh Lan cũng có thời gian để tập dượt lại Tiếng Anh mà mình đã học hồi đại học, vì ngành học của Thanh Lan hồi đó là cử nhân văn chương Anh, cho nên Thanh Lan rất thích thơ và văn chương. Do vậy, mỗi khi diễn kịch, đóng phim hay học một bài hát thì Thanh Lan phân tích rất kỹ càng từng lời, từng chữ trong bài để diễn cho hết ý của tác giả.

Vũ Hoàng: Một lần nữa, Vũ Hoàng xin cám ơn chị rất nhiều và chúc chị thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật!

Thanh Lan: Dạ vâng xin gửi lời chào tất cả và hi vọng rằng một ngày rất gần Thanh Lan lại có tiếng nói trên đài ACTD và đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn để gặp lại các khán giả thân thương từ mấy mươi năm qua.

…………………………………………

 Có nên phá dỡ cầu Long Biên?

Lê Phú Khải, nhà báo-Gửi cho BBC từ Sài Gòn .

Nguồn:BBC – chủ nhật, 16 tháng 3, 2014

 

Cầu Long Biên là ký ức tập thể, ăn sâu vào tâm thức, theo tác giả.

Với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi thì cầu Long Biên là một bản đàn trong yên lặng nhưng luôn réo rắt trong tâm hồn.

Nó là ký ức tập thể của cộng đồng người Hà Nội. Không có gì khắc sâu trong tâm trí người Hà Nội suốt 100 năm qua bằng hình ảnh cây cầu dài nhấp nhô như con rồng thép khổng lồ bay qua sông Hồng suốt bốn mùa xuân hạ thu đông.

Hỏi một người Hà Nội đi xa xem anh ta nhớ nhất cái gì ở Hà Nội, câu trả lời là hình ‘ảnh cây cầu Long Biên’. Hỏi một nhà nghiên cứu lịch sử xem vật chứng của các biến cố của Hà Nội suốt trăm năm qua là gì, câu trả lời sẽ là ‘cây cầu Long Biên’.

    “Người Hà Nội không bao giờ quên câu chuyện đau thương về một người mẹ trẻ, để bảo vệ Trung đoàn Thủ đô vượt sông trong đêm đã phải bịt mồm đứa con của mình. Em bé đã hy sinh để đoàn quân trong đêm vượt sông an toàn ngay dưới chân cầu trước mũi súng của giặc… “

Hỏi một anh cán bộ Miền Nam, nói đúng hơn là cậu học sinh Miền Nam theo cha mẹ đi tập kết ra Bắc sau năm 1954, bây giờ đã là một ông già ngoài 70 tuổi sống ở Sài Gòn: “Ông nhớ nhất cái gì ở Hà Nội?”, câu trả lời sẽ là: “Cầu Long Biên”.

Ông già này kể: tháng ngày đi học cuốc bộ từ Gia Lâm qua cầu Long Biên sang Hà Nội rồi lại về, ông đã đếm được mấy vạn cái đinh bù –loong trên cây cầu sắt này. Đếm để quên quãng cầu dài, quên bụng đói… Và con số mấy vạn cái đinh bù-loong ấy đã theo ông suốt cả đời

Chỉ sau hai tháng nhận chức (tháng 02/1897) toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã đặt bút phê chuẩn dự án cầu Doumer tức cầu Long Biên ngày nay.

Ngày 13-09-1898 hãng thiết kế thi công Daydé – Pillé khởi công xây cầu. Theo thiết kế, cầu có chiều dài 3500m, trừ hai trụ cầu bờ Bắc và Nam, cầu có 17 trụ cầu chôn sâu dưới lòng sông 30 mét, móng nổi từ mặt nước đến mặt cầu là 44m, đảm bảo tàu bè qua lại khi nước sông lên đến 13,5m.

Chín khung dầm sắt khổng lồ nối 19 nhịp lớn với nhau, mỗi khung dài 61m. Cầu rộng 30,6m có một đường tàu hỏa ở giữa và hai đường bộ hai bên. Đến năm 1921 cầu được mở rộng thêm 2,6m cho các loại ô tô và 0,8m cho người đi bộ hai bên.

Cây cầu Long Biên là vật chứng lịch sử của Hà Nội thời Pháp thuộc, theo tác giả.

Sau 4 năm thi công, 8 giờ 35 phút ngày 28/2/1902, cầu được khánh thành.

Sáng hôm đó, chuyến tàu hỏa khởi hành từ ga Hàng Cỏ có 8 toa, có hai toa dành riêng cho vua Thành Thái và toàn quyền Doumer , 6 toa còn lại trở các quan khách trong đó có cả vua Malaixia, đại diện triều đình Mãn Thanh… từ từ vượt sông Hồng.

Thời điểm đó, Long Biên được cho là một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới.

‘Vật chứng lịch sử’

Từ thời khắc đó cầu Long Biên trở thành ‘’vật chứng’’ lịch sử của Hà Nội.

Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 ở chân cầu Long Biên tự vệ bãi Phúc Xá đã cho nổ bom chặn đường tiếp tế của địch từ phía Gia Lâm.

Dưới chân cầu, trong đêm tối những đoàn quân cuối cùng đã rút khỏi Hà Nội để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Người Hà Nội không bao giờ quên câu chuyện đau thương về một người mẹ trẻ, để bảo vệ Trung đoàn Thủ đô vượt song trong đêm
đã phải bịt mồm đứa con của mình. Em bé đã hy sinh để đoàn quân trong đêm vượt sông an toàn ngay dưới chân cầu trước mũi súng của giặc…

    “Chưa có cây cầu nào trên trái đất này mang nhiều thương tích trên mình nó như thế. Và cũng chưa có cây cầu nào chuyên trở trên mình nó nhiều trọng trách, mang vác trên mình nó nhiều hàng hóa, vật tư hữu dụng cho con người như thế. “

Ngày 9/10/1954 cầu Long Biên chứng kiến những người lính Pháp bại trận cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Nó còn chứng kiến những phi công tù binh Mỹ qua cầu năm 1973 để sang sân bay Gia Lâm trao trả về Mỹ.

Cả một thời gian dài cầu Long Biên là mục tiêu quan trọng trong chiến tranh phá hoại của Mỹ với Hà Nội với 14 lần cầu bị ném bom.

Ngày 11/08/1967 cầu bị phá hỏng nặng ở 5 nhịp, riêng nhịp 15 rơi hẳn xuống sông. Sau hai tháng sửa chữa cầu được khôi phục. Ngày 25/10/1967 cầu lại bị “chém’’ ngang thân tại nhịp số 10, một nửa nhịp rơi xuống sông, nửa còn lại ghếch lên trời. Phải đánh mìn định hướng mới cắt bỏ được phần hỏng.

Sau hai lần chỉ trong bốn ngày vào tháng 12/1967 máy bay Mỹ lại đã dội bom trúng cầu và lần này cầu bị thiệt hại nặng nề, 6 trụ bị tiện đút, bẩy nhịp bị phá hủy. Nửa năm sau cầu mới được phục hồi.

Chưa có cây cầu nào trên trái đất này mang nhiều thương tích trên mình nó như thế. Và cũng chưa có cây cầu nào chuyên trở trên mình nó nhiều trọng trách, mang vác trên mình nó nhiều hàng hóa, vật tư hữu dụng cho con người như thế.

Người dân lao động dưới bóng cây cầu ghi dấu ấn lịch sử ở Hà Nội.

Nó đã mang vác lịch sử đau thương và anh dũng của người Hà Nội trên lưng mình cả 100 năm từ lúc nó chào đời.

Những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ với Hà Nội, những người lính trực chiến trên nóc cầu Long Biên đã biên thư, gọi điện đề nghị với Đài tiếng nói Việt Nam phải sửa lại nội dung, sửa lại trật tự các cụm từ trong thông báo: “Báo động có máy bay xâm phạm bầu trời Hà Nội’’.

Số là, khi nhận được lệnh báo động, đài phát: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Có một tốp máy bay địch xuất hiện ở phía (Tây Nam hoặc Đông Nam) thành phố’’, các chiến sỹ cao xạ pháo trực chiến trên các ụ súng bố trí trên các nóc cầu Long Biên đã rất sốt ruột khi phải nghe các âm thanh “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Có một tốp…”.

Mà họ nóng lòng chỉ muốn nghe từ hướng nào tốp máy bay xâm phạm vùng trời Hà Nội… để kịp quay mũi súng về hướng đó, đón chờ chúng đến.

Một giây với người lính canh gác trên nóc cầu lúc đó là sinh mệnh của chính mình và sinh mệnh của cây cầu. Vì thế các chiến sỹ trực chiến đã đề nghị đài sẽ phát “Từ hướng (Tây Nam hay Đông Nam ) có một tốp máy bay… đang xâm phạm bầu trời Hà Nội… Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý…’’

‘Sống những giờ sinh tử’

    “Mẹ em kêu lên thảng thốt: “Khói bốc lên phía cầu Long Biên rồi cả nhà ơi!. Bao nhiêu bom đạn Mỹ mà không phá được. Vậy mà bây giờ người ta không cần vũ khí vẫn phải phá cây cầu như chơi. Dễ dàng vậy sao? Vũ khí gì mà ghê gớm thế? “

Cầu Long Biên đã sống những giây phút sinh tử với Hà Nội như thế. Người viết bài này có lần đã sang bãi. Giữa tức bãi Phúc xá ngay sau khi khói bom đánh cầu Long Biên vừa tan để thămmột người trong dòng tộc và chứng kiến tận mắt một thanh đường ray xe lửa dài đến hai mét đã bay hơn một cây số vì sức ép của đạn rốc – két lao cắm xuống sân một gia đình nông dân trên bãi Phúc xá.

Những hình ảnh như thế không bao giờ phai lạt trong lòng một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi. Một cô gái quê Hà Nội nay là một phụ nữ đã ngoài 50 tuổi đang sống ở Sài Gòn đã nói với tôi:

“Cây cầu là kỉ niệm tuổi thơ của chúng em. Thời gian 12 ngày đêm Mỹ dội bom Hà Nội cầu bị đánh phá tơi bời sập nhiều loại, chúng em từ nơi sơ tán đi về phải qua cầu phao trong mưa phùn giá rét cả nữa ngày mới qua được song Hồng,

“Lúc đó mới thấy khát khao được đi trên cầu Long Biên sau mỗi lần bom dãi thảm Hà Nội cả nhà em ở nơi sơ tán lại ngóng về trời Thủ Đô, mẹ em kêu lên thảng thốt: Khói bốc lên phía cầu Long Biên rồi cả nhà ơi!. Bao nhiêu bom đạn Mỹ mà không phá được,

“Vậy mà bây giờ người ta không cần vũ khí vẫn phải phá cây cầu như chơi. Dễ dàng vậy sao? Vũ khí gì mà ghê gớm thế?

Cầu Long Biên ở Bắc Bộ Việt Nam, trên bưu thiếp của người Pháp đầu thế kỷ 20.

Cầu Long Biên được làm cùng thời với Tháp Eiffel ở Pari, Eiffel được khánh thành năm 1889 để kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp (1789–1889). Eiffel nặng 9.700 tấn, trong đó có 7.000 tấn kim khí, nhiều hơn 1.000 tấn so với cầu Long Biên 6.000 tấn. 225 công nhân làm việc cật lực trong 3 năm thì tháp được hoàn thành, cao 300m, đó là cái tháp cao nhất thế giới thời đó.

Nhưng không một công nhân nào chết trong khi dựng tháp.

‘Tính hai mặt của khai hóa’

Còn cầu Long Biên thì hầu như ngày nào cũng có người Việt Nam chết vì tai nạn lao động, do chết ngạt khi phải làm việc dưới hố móng sâu, do tế ngã từ trên cao v.v…

Chỉ riêng sự việc này cũng cho thấy tính chất hai mặt của công cuộc “khai hóa’’ của thực dân Pháp ở nước ta.

Doumer làm cầu Long Biên nhằm khai thác, vận chuyển hàng hóa cướp bóc bóc của dân ta, nhưng khách quan nó lại tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng cho Hà Nội và vào thời đó, chỉ có một cường quốc như Pháp mới làm nổi. Hơn nữa Long Biên còn là một cây cầu đẹp trong những cây cầu trên thế gian này.

Nó hùng tráng mà thanh tú, đến bây giờ nó vẫn đẹp, không hề tàn phai sắc đẹp với thời gian. Nhân nói về vẻ đẹp của cây cầu, tôi lại nhớ đến cầu Hàm Rồng, cũng do Pháp xây dựng ở Thanh Hóa.

    “Doumer làm cầu Long Biên nhằm khai thác, vận chuyển hàng hóa cướp bóc bóc của dân ta, nhưng khách quan nó lại tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng cho Hà Nội và vào thời đó, chỉ có một cường quốc như Pháp mới làm nổi.”

Sau khi cầu bị bom Mĩ đánh sập ta xây lại. Ngày khánh thành cầu mới, các nhà văn, nhà báo được mời đi dự. Nghe có giai thoại nói trong đoàn còn có nhà văn Nguyễn Tuân cùng đi nên ai cũng phấn khởi. Nhưng khi đến đón cụ Nguyễn thì cụ lắc đầu không đi. Gặng hỏi mãi cụ nói: “Cái cầu Hàm Rồng xưa có nhịp trông nó đẹp lắm. Nay cầu mới thẳng đuỗn như cái con… chán lắm, không đi..!!!”

Những nhịp cầu lên xuông nhấp nhô của Long Biên như con rồng đang bay qua sông Hồng đã in bóng vào chân trời Hà Nội những chiều hè, những đêm sao, những bình minh… bất tận.

Vì lẽ đó mà người Pháp muốn “giữ gìn những ký ức của mình’’ ở Việt Nam trong đó có cây cầu Long Biên đã hơn 100 tuổi, như họ đã tuyên bố. Còn người Hà Nội thì xem Long Biên là một “mảng’’ tâm hồn mình, một “vật chứng’’của lịch sử, văn hóa.

Vậy có nên gỡ bỏ cầu Long Biên đi như mấy ông quan ở Hà Nội đã bàn?

Và nếu xây một cây cầu mới qua sông Hồng chỉ cách Long Biên có 30m thì khác nào xếp một hoa hậu đứng cạnh một anh lính dù Lê Dương để chụp hình lưu niệm!

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, người sinh ra ở Hà Nội, hiện đang sinh sống ở Sài Gòn.

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics