1.Tâm bút Võ Phiếnqua "Bắt trẻ đồng xanh" Kỳ 2(DTL)2.Chết ở Mỹ,chôn ở VN,chi phí ..(NV)-3.Chiếc bình nứt-

Tâm bút Võ Phiến, qua ‘Bắt trẻ đồng xanh’ (tiếp theo kỳ trước)
Nguon:nguoiviet.com – Monday, September 22, 2014

Du Tử Lê

Vo Phien1

Nhà văn Võ Phiến tháng 8, 2014. (Hình: dutule.com)

Với tôi, ngoài nỗ lực đẩy dòng văn chương tiền chiến đi tới cùng đường của nó ở hai khía cạnh: Rọi lớn và đi thấu tới phía khuất lấp của những sự kiện đặc thù, tiêu biểu cho sinh hoạt xã hội thuộc đời đại của mình, và đào sâu khía cạnh tâm lý nhân vật… thì, Võ Phiến là một trong vài nhà văn lớn của miền Nam, giai đoạn 1954-1975, khi ông quyết liệt nêu cao lý tưởng dùng văn chương, tranh đấu cho những quyền làm người căn bản, như quyền: Tự do tư tưởng. Tự do tín ngưỡng. Tự do yêu thương. Duy trì nền móng gia đình…Vốn là những quyền tự do căn bản mà chủ nghĩa Cộng Sản chẳng những phủ nhận mà, còn thẳng tay xóa bỏ.

Ðể có một cái nhìn mang tính phác họa toàn cảnh, sinh hoạt 20 năm văn chương miền Nam, trong giai đoạn vừa kể, tôi trộm nghĩ, ở thời điểm đó, sinh hoạt văn học miền Nam có thể tạm chia thành 3 khuynh hướng chính, sau đây:

– Khuynh hướng thứ nhất, là khuynh hướng nỗ lực đi tìm cái mới cho văn chương, đứng ngoài mọi biến động xã hội, lịch sử. Khuynh hướng này được nhiều nhà văn miền Nam thời đó, hưởng ứng, xiển dương. Như thể đó là nhiệm vụ hoặc vai trò cao cả mà nhà văn, sau giai đoạn văn chương tiền chiến, được “vinh hạnh” nhận lãnh.

-Khuynh hướng thứ hai, là khuynh hướng “nhập cuộc.” Khuynh hướng này chẻ thành hai nhánh.

– Nhánh “nhập cuộc” thứ nhất, chủ trương lên án chế độ miền Nam. Ðược gọi vắn tắt là “phản chiến”hay, “thiên tả.” Ðặc điểm của khuynh hướng này là tuy lên án chiến tranh, nhưng chỉ “kết tội” chế độ miền Nam mà, không nhắc nhở gì tới “tội trạng” quyết tâm “giải phóng” miền Nam do chính quyền Cộng Sản Hà Nội chủ trương.

Sự thực, theo tôi, khuynh hướng này giống như một phong trào, tạo thành bởi những văn nghệ sĩ tự cho mình là thành phần trí thức, hay bị mặc cảm thuộc thành phần…kém trí thức… Nên đã hăng say tự khoác cho mình chiếc áo “thiên tả,” hầu có được nhãn hiệu “trí thức cấp tiến”! Ðó là một món hàng tinh thần, mang tính “thời thượng” rất “ăn khách” thuở đó, ở nhiều nơi trên thế giới.

– Nhánh “nhập cuộc” thứ hai, minh thị quan điểm ca ngợi những hy sinh xương máu của người lính VNCH, trong nhiệm vụ bảo vệ tự do cho miền Nam.

Là nhà văn nặng lòng với tương lai đất nước, dân tộc, nhà văn Võ Phiến không rơi vào một trong ba xu hướng văn chương mang tính thời thượng đó. Ông tách khỏi những dòng cuốn bất cập kể trên.

Ông trở thành nhà văn gần như một mình, đi trên con đường lý tưởng của mình. Giá trị những tác phẩm Võ Phiến viết ra trong giai đoạn này, hoàn toàn đứng trên phương diện ý thức hệ, chứ không phải là những phản ứng thụ động hay, những tranh đấu có tính cách…ngoài da, xức thuốc đỏ!

Do đấy, tôi không chút ngạc nhiên, khi người Cộng Sản miền Bắc đã đánh giá Võ Phiến như một “biệt kích văn nghệ” nguy hiểm hàng đầu!

Mặc dù không phải là nhà văn duy nhất chủ trương tranh đấu (bằng ngòi bút) chống lại lý thuyết, đường lối của chế độ Cộng Sản, vì cùng thời với ông, cũng có một vài nhà văn tố cáo, lên án chủ trương giới hạn mọi quyền sống căn bản của con người. Nhưng hầu hết họ biểu thị quan điểm của mình bằng những ẩn dụ, đôi khi rất khó nhận ra với những người đọc ít chú ý.

Phần Võ Phiến, ngược lại. Với tôi, ông là một trong rất ít nhà văn, công khai quyết liệt chống trả chủ trương triệt tiêu quyền làm người của chủ nghĩa Cộng Sản. (4) Ông cũng là người gần như duy nhất, minh danh tố cáo trước dư luận trong và ngoài nước những âm mưu “trồng người” tinh vi của chế độ Cộng Sản Hà Nội, qua tác phẩm “Bắt trẻ đồng xanh.”

“Bắt trẻ đồng xanh” của Võ Phiến, không phải là một truyện ngắn hay tùy bút. Nó là một tiểu luận. Phần riêng, tôi muốn gọi đó là Tâm Bút Võ Phiến. Bởi vì đó là một tiểu luận đầm đìa xót xa của một nhà văn, thấy trước bi kịch, phân tích từng chi tiết để dẫn tới cảnh báo nghiêm trọng về tương lai của cả một dân tộc.
Tôi nghĩ, đó là tâm-thái của một nhà văn trước những thảm trạng dân tộc, tổ quốc của ông ta.

Tâm Bút “Bắt trẻ đồng xanh” được Võ Phiến viết vào tháng 10 năm 1968. Ðó là thời gian thế giới bắt đầu bàn luận sôi nổi về một cuộc ngưng chiến tại Việt Nam. Ông dùng sự kiện thời sự này để làm một cuộc “rọi đèn” chói gắt nhất vào những mảng khuất lấp của những âm mưu, thủ đoạn của người Cộng Sản, trong quyết tâm thôn tính miền Nam. Mà, người đóng cùng một hai vai: Ðạo diễn và diễn viên, chính là ông Hồ Chí Minh, ngay tự những năm 1954, khi Hiệp Ðịnh Geneva, chia đôi Việt Nam, được khi kết:

Mở vào Tâm Bút của mình, Võ Phiến viết: “Trong bao nhiêu năm trời, chúng ta đã quen với nếp sống chiến tranh đến nỗi hòa bình làm chúng ta bối rối. Nhưng thiết tưởng ngưng chiến không đáng làm chúng ta bận tâm đến thế. Chiến tranh này sắp kết thúc, bằng cách này hay cách khác, hoặc sớm hơn một ít hoặc chậm hơn một ít. Chuyện phải đến rồi sẽ đến, nó xảy đến ra sao dường như cũng đã được trù liệu.” (5)

Vo Phien 2

Nhà văn Võ Phiến 2011 (Hình Dân Huỳnh/Người Việt)

Với bản lĩnh điềm tĩnh tới lạnh lùng (đôi khi mỉa mai, cay nghiệt) tác giả chỉ ra cho độc giả thấy những ngây thơ, thiển cận của giới lãnh đạo, hoặc những người làm chính trị ở miền Nam, nói riêng, phe tự do nói chung, tác giả viết tiếp: “Cái đáng bận tâm là những điều tiếp theo cuộc ngưng chiến ấy.

– Thì các vị lãnh đạo của chúng ta đã tiên liệu rồi: đấu tranh chính trị chứ gì? kinh tế hậu chiến chứ gì?

Ðấu tranh chính trị, nó hiển nhiên quá, nó sờ sờ ra đấy, tưởng như rờ mó được. Nói rằng trong giai đoạn tới ta với Cộng Sản phải đấu tranh chính trị với nhau, nói thế gần như không phải là tiên liệu gì ráo. Ðó là đối phó. Chuyện ấy đến ngay trước mắt rồi, ta buộc lòng phải đối phó tức khắc, thế thôi.

Nhưng nói thế còn là khá. Hầu hết mọi người chỉ chăm vào những cái gần hơn nữa: hàng mấy trăm ký giả mỗi tuần bu đến phòng họp báo của các phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Việt để ghi lấy dăm ba câu tuyên bố loanh quanh, các bình luận gia khét tiếng của báo này báo kia, đài này đài nọ bóp trán suy đoán xem lúc nào thì ngưng oanh tạc dưới vĩ tuyến 19 v.v… Thiên hạ theo dõi ý kiến của họ…”

Trong khi đó, đâu là đường lối hay chiến lược của người Cộng Sản? Trả lời câu hỏi quan trọng này, tác giả “Bắt trẻ đồng xanh” cảnh giác:

Trong lúc ấy nhóm lãnh đạo ở Hà Nội lặng lẽ lo liệu công việc mai sau: tức một cuộc chiến tranh khác. Một cuộc chiến tranh quân sự hẳn hòi. Và họ tiến hành thực hiện chuẩn bị, ngoài sự chú ý của dư luận: các bình luận gia có tiếng, khét hay không khét, gần như không mảy may quan tâm đến chuyện ấy.

Thế mà đó mới là chuyện đáng quan tâm. Thiết tưởng là chuyện đáng quan tâm hơn cả vào lúc này. Bởi vì nếu ta mù tịt về ý định của đối phương trong tương lai thì trong cuộc đối thoại thương thuyết với họ hiện thời ta làm sao biết đặt ra những điều kiện cần thiết?

Cuộc bắn giết sắp tới giữa miền Nam và miền Bắc đã được Cộng Sản xếp đặt từ lúc này, cũng như cuộc bắn giết thê thảm mười năm qua được họ xếp đặt từ trước tháng 7, 1954, trước ngày đình chiến theo Hiệp Ðịnh Genève…” (6)

(Còn tiếp một kỳ)

Chú thích:

(4) Có thể kể nhà văn Nguyễn Mạnh Côn với tác phẩm “Ðem *tâm tình viết lịch sử”…*

(5), (6) Nđd.

………………………………………………………………………………….

Chết ở Mỹ, chôn ở VN – chi phí của lần ‘quy cố hương’ cuối cùng
Tuesday, September 23, 2014

nguon:Kalynh Ngô/Người Việt

WESTMINSTER, Calif (NV) – Sinh tử là quy luật hiển nhiên của tạo hóa. Cái chết là điểm dừng chân cuối cùng không ai tránh được. Đối với nhiều người Việt tha hương, chết không chỉ là hết, mà còn là sự chuẩn bị cho một ngày “trở về” – “quy cố hương.”

chet

Nhà quàn Thiên Môn chuẩn bị đưa thi hài của người đã mất ra phi trường gửi về Việt Nam. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Về bằng cách nào?

Tuấn Nguyễn, người thành lập nhà quàn Thiên Môn, là người đến Mỹ từ lúc còn rất nhỏ tuổi, cho biết: “30% những gia đình đến nhờ nhà quàn Thiên Môn mang thi hài người thân về Việt Nam đều là người miền Nam. Và đặc biệt, tất cả họ là những người đã đặt chân đến xứ sở này bằng con đường vượt biển.”

Anh Minh, cư dân của thành phố Santa Ana, người vừa thực hiện xong ước nguyện cuối đời của mẹ mình là di quan thi hài về Việt Nam, cho biết: “Gia đình tôi, bên này lẫn bên Việt Nam, không phải lo gì cả ngoài tờ giấy chứng nhận của bác sĩ. Sau đó thì nhà quàn Thiên Môn lo hết tất cả những gì còn lại, cả giấy tờ cần thiết bên Việt Nam. Gần đến ngày thi hài mẹ tôi được đưa về đến Qui Nhơn, nhân viên của họ gọi điện thoại cho chúng tôi biết để người nhà bên Việt Nam chuẩn bị. Sau đó, họ mang thi hài mẹ tôi đến tận nhà.”

Là một người lớn lên ở Mỹ, nhưng vì tính chất công việc, anh Tuấn tìm hiểu rất nhiều về phong tục tập quán của người Việt. Chính vì vậy, “chúng tôi cung cấp một dịch vụ chu toàn từ phong tục truyền thống như ma chay, tụng liệm, cho đến đáp ứng thời gian nhập quan theo ý của gia đình. Chúng tôi làm với một mức giá phù hợp với người Việt.”

Nói thêm về công việc của mình, Tuấn cho biết: “Tất cả những gì anh mong muốn là giúp cho người Việt mình phương cách thỏa đáng nhất để cho dù có nằm lại đây thì sẽ là một lễ tang đúng theo truyền thống, hay muốn đưa thi hài quay về cố hương thì cũng bằng dịch vụ tốt nhất và khả thi nhất.”

“Trong dịch vụ này, giai đoạn đầu tiên là lâu nhất. Đó là lúc chờ nhận tờ giấy ‘chứng tử’ từ bác sĩ có thẩm quyền,” Tuấn nói về điều đầu tiên cần phải cho việc mang thi hài ra khỏi nước Mỹ.

Điều này được ông Khang Lê, chủ nhà quàn An Lạc cũng đồng ý: “Phần quan trọng nhất là giấy xác nhận với chữ ký của bác sĩ thì việc di quan về Việt Nam mới thực hiện được. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng mau chóng. Vì có khi người bác sĩ đó bận đi công tác hoặc vì một công việc gì đó thì thời gian sẽ bị lâu hơn.”

“Chúng tôi kết hợp với một nhà quàn đối tác ở Việt Nam để thực hiện giai đoạn nhận thi hài ở phi trường và mang đến tận nhà cho gia đình. Thời gian từ năm đến bảy ngày hoặc có thể lâu hơn một chút,” ông Khang nói.

Cô Lynda Trần, quản lý của nhà quàn Peek Funeral Home tọa lạc trên đường Bolsa có cách giải thích rõ ràng hơn về những thủ tục pháp lý: “Chúng ta đang sống ở Mỹ, một đất nước mà mạng sống của con người rất được trân quí. Xã hội này lo cho chúng ta từ sống cho đến khi mất đi. Nói cách khác là cái chết của mỗi con người cũng phải được chứng nhận rõ ràng. Nó liên quan đến luật pháp, đến y tế. Đó là lý do mà gia đình phải có được tờ giấy chứng nhận người thân mình đã chết với chữ ký của bác sĩ thì lúc đó những chuyện tiếp theo mới được tiến hành.”

Để chứng minh cho điều mình nói, cô Lynda kể một trường hợp của một gia đình có người thân vừa mất: “Đó là một người không có tiền sử bệnh nan y. Thế nhưng, trong một lần uống thuốc, vì lý do gì đó mà viên thuốc khi vào trong đường thở, làm chặn lại đường hô hấp. Trường hợp này phải đợi đến bác sĩ giảo khiệm, tìm ra nguyên do, sau đó gia đình mới có được giấy phép để hỏa táng.”

Điều này cũng cùng nhận định với anh Tuấn Nguyễn và ông Khang Lê về thủ tục pháp lý cần phải có đầu tiên cho dịch vụ hậu sự, dù là hỏa táng ở Mỹ, chôn cất ở Mỹ hoặc đưa thi hài về Việt Nam.

Một chia sẻ rất chân thành của cô Lynda, đó là: “Với tôi, đây là một thủ tục rất tình người. Đó là cái tình cho người ở lại. Người ở lại sẽ không bị liên lụy đến cái chết không rõ nguyên nhân của người đã mất.”

Cô Lynda cho biết có hai lựa chọn trong dịch vụ di quàn thi hài về Việt Nam. Lựa chọn thứ nhất là Peek Funeral Home sẽ lo tất cả giấy tờ hậu sự cần thiết ở Mỹ và Việt Nam. Sau đó, thi hài được đưa về đến tận gia đình.

Lựa chọn thứ hai là gia đình ở Việt Nam tự đến phi trường để nhận thi hài người thân. Với lựa chọn này, gia đình người mất phải cung cấp cho nhà quàn “Đơn xin nhận thi hài” (xin bên phía Việt Nam). Sau khi có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, Peek Funeral Home sẽ lo phần “visa cho người chết” (theo cách nói của cô Lynda).

Bao nhiêu cho một lần trở về?

Nói về chi phí, Tuấn Nguyễn cho biết: “Có hai trường hợp. Nếu gia đình cần chúng tôi lo hết mọi thứ, từ giấy tờ ở đây và ở Việt Nam, cho đến di quàn về đến tận nhà, thời gian mất một tuần. Gia đình không phải lo gì cả. Giá là $11,500. Còn nếu gia đình lo giấy tờ ở Việt Nam, chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm giấy tờ ở Mỹ và mang thi hài về đến phi trường thì thời gian là hai tuần. $9,500 là chi phí tổng cộng khách hàng trả cho trường hợp này.”

“Đặc biệt, Thiên Môn có một quy tắc, đó là khi mọi chuyện xong xuôi, chúng tôi mới lấy chi phí,” Tuấn nói thêm.

“Những gia đình nào muốn làm tang lễ cho bạn bè, thân hữu thăm viếng, chúng tôi sẽ giúp tổ chức phần đó. Sau khi xong, chúng tôi đưa quan tài về Việt Nam. Thường thì công ty của tôi gửi qua Thai Airway, một loại máy bay cargo, không dùng để chở hành khách.”

Nhà quàn Thiên Môn dùng giấy màu đỏ làm dấu hiệu để khi nhận thi hài biết đâu là vị trí của chân. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Anh Minh, người vừa đưa thi hài mẹ của mình về Quy Nhơn cũng bày tỏ sự hài lòng và cả biết ơn với dịch vụ của Thiên Môn, “xong xuôi hết chúng tôi mới phải trả tiền.”

Ông Khang Lê, nhà quàn An Lạc, cho biết tổng chi phí một dịch vụ hậu sự mà An Lạc nhận sẽ bao gồm từ việc lo tang lễ bên này, tùy theo tôn giáo từng gia đình, cho đến di quàn thi hài người mất về đến Việt Nam là trên dưới $15 ngàn.

Tuy nhiên, ông Khang Lê cho biết mức giá có thể cao hơn tùy theo loại quan tài mà gia đình sử dụng.

“Hình thức và cả chất lượng,” ông nói.

Không chỉ áp dụng một mức giá mà ông gọi là “dành cho người Việt,” ông Khang, một trong hai người Việt ở Little Saigon được tiểu bang California cấp chứng nhận Funeral Director, cho biết: “Đã sống đến tuổi này, tôi hiểu và chứng nghiệm rất rõ câu ‘có nhân thì có quả.’ Công việc của chúng tôi thực sự gọi là giúp cho người đã chết. Và tôi sẽ luôn luôn đặt chữ đạo đức lên hàng đầu.”

“Dù là Phật giáo hay Công giáo, bất cứ lúc nào, dù là nửa đêm, tôi cũng có thể gọi giúp ngay một nhà sư hay một cha xứ đến để đọc kinh cầu nguyện cho gia đình có hậu sự.”

Tuấn Nguyễn thì cho biết thêm về những gì nhà quàn Thiên Môn có thể đáp ứng cho khách. “Người Việt mình có một phong tục là coi ngày giờ tốt cho lễ nhập quan. Cho dù thời gian đó là vào lúc nửa đêm, tôi vẫn thực hiện được.”

Ông Khang chia sẻ thêm rằng ông đến với công việc này cũng vì “một phần là cái nghề, một phần là không muốn người Việt mình ở đây bị các công ty nhà quàn của Mỹ ‘bắt chẹt.’”

Ông kể ra một câu chuyện vui mà ông cho là “không biết nên cười hay nên khóc.” Một người bạn nói với ông “sau khi xem chi phí của dịch vụ mai táng của một số nơi, tôi tự nói với mình là thôi mình khoan chết. Vì chết tốn tiền quá.”

Ông Khang chia sẻ: “Những công ty nhà quàn của Mỹ nắm được tâm lý ‘chịu chi’ của người Việt Nam. Chính vì vậy, họ thuê nhân viên là người Việt làm ‘salesman’ và cho người đó tùy ý đưa ra giá cả. Những ‘salesman’ đó được tiền ‘hoa hồng’ trên giá mà họ ‘bán’ được cho khách hàng.”

“Đây gọi là kinh doanh trên thân xác người chết,” ông nói.

Cô Lynda Trần cho biết tổng chi phí của Peek Funeral Home cho dịch vụ di quàn thi hài vào khoảng $7,000 – $15,000, tùy lựa chọn của gia đình. Chi phí khoảng $15,000 là cho những gia đình muốn tổ chức tang lễ thăm viếng ở đây trước khi di quàn thi hài về Việt Nam.

Tuấn Nguyễn cũng thế: “Giá cả dịch vụ của tôi thấp hơn những công ty Mỹ hơn một nửa. Đơn giản vì công ty Mỹ nắm được điểm mấu chốt của người Việt mình là rất trọng nghi thức như chôn ở đâu, tang lễ thế nào. Tôi là người Việt nên tôi hiểu và tôi không để cho người Việt của mình thiệt thòi.”

“Dù là công việc gì, cũng phải cần đạo đức,” anh nhấn mạnh.

Nhà quàn An Lạc cũng cho biết, so với di quàn thi hài, dịch vụ đưa tro cốt về Việt Nam không những dễ mà chi phí còn thấp hơn rất nhiều.

Nhưng theo ông Khang thì “không có nhiều người Việt hải ngoại chọn cách này. Thật sự cá nhân tôi không rõ vì sao. Tôi chỉ đoán có thể là do phong tục tập quán của người Việt mình là muốn con cháu nhìn mặt lần cuối.”

Riêng cô Lynda Trần thì cho biết: “Khách hàng gần đây nhất của tôi là bác Trợ, ở ngay Santa Ana. Chính tôi đã tư vấn cho bác ấy cách gửi tro cốt về Việt Nam bằng đường bưu điện, với giá $100. Và bác cho tôi biết gia đình bên Việt Nam đã nhận được. Đó là một trong những cách mà tôi nghĩ tôi có thể giúp cho cộng đồng của mình.”

“Công việc tôi đang làm trước nhất là giúp cho những người đã chết, và sau đó là người thân của họ,” cô nói thêm.

Vì sao họ quay về?

Anh Tuấn Nguyễn cho rằng sở dĩ người Việt mình thích “quay trở về nằm ở quê hương” vì đó là tâm lý người Á Đông, nhất là người Việt Nam, khi mất đi rồi thì ai cũng muốn được nằm kề cận bà con dòng họ, vì “người Việt mình … thích vui lắm!”

Ông Khang cũng nói rằng đa số những người Việt đã mất ở xứ Mỹ và di quàn về Việt Nam là người miền Nam. Theo suy nghĩ của riêng ông, đó là “do tâm lý thôi. Người miền Bắc có cuộc sống chắt chiu hơn. Đối với họ ‘chết đâu cũng là chết’.”

Chia sẻ từ cô Lynda Trần thì: “Hầu như nhu cầu di quàn thi hài về Việt Nam thuộc về những người lớn tuổi. Họ có bà con thân nhân ở Việt Nam nhiều hơn ở bên này. Cho nên khi mất rồi, họ muốn quay trở về cố hương. Lá rụng về cội. Đó là ước nguyện của họ”

Đúng vậy. Đó cũng chính là nỗi niềm của bác Xuân, một người cao niên sống ở Santa Ana, đặt chân đến Hoa Kỳ từ những năm 80, tâm sự rằng “Tôi hay nói với tụi nhỏ ở nhà tôi là ông bà mình xưa nay có câu ‘sống gởi, thác về’ ý để nói vợ chồng tôi vẫn muốn quay về ‘kề cận’ bên ông bà khi đến ‘ngày trăm tuổi.’”

Đó là lý do vì sao mà người mẹ quá cố của Minh nhắn gửi trước khi mất rằng bà không muốn thiêu hay chôn ở đây, mà bà “muốn được trở về nằm cạnh phần mộ của họ hàng.”

Không phải chỉ riêng những người lớn tuổi vừa mới đến Mỹ đoàn tụ gia đình, con cháu mới có mong muốn ấy. Mà họ còn là những người tìm đường thoát đến xứ tự do khi tuổi đời còn rất trẻ và đã sống ở Mỹ hơn nửa đời người. Con cháu của họ giờ đây là thế hệ thứ hai, thứ ba của nước Mỹ.

Và đó còn là những người chưa từng một lần quay trở lại quê hương trong mấy mươi năm họ xa xứ.

Đó là trường hợp của bác Bình Nguyễn, một người Việt tị nạn ở Mỹ gần 40 năm: “Gia đình tôi làm nghề đánh cá. Tôi cùng với anh em trong nhà là dân đi biển. Năm đó tôi cùng với hai người anh đánh tàu tìm đường thoát đi. Chúng tôi may mắn vượt biển thành công và định cư ở Mỹ từ năm 1975 đến nay. Anh em chúng tôi mỗi người sống một tiểu bang khác nhau. Tôi ở Philadelphia, còn hai người anh thì ở Houston. Bao nhiêu năm nay tôi chưa một lần về thăm quê nhà. Nhưng tôi vẫn nói với con của mình là sau khi tôi mất, hãy mang tôi về chôn cất bên cạnh ông bà tổ tiên.”

“Lá rụng về cội mà,” bác Bình nói, mắt nheo nheo để lộ những vết tích thời gian trên gương mặt.

Nỗi niềm của người nằm lại

Tuy nhiên, là thủ phủ của người Việt tị nạn với dân số đông nhất nước Mỹ, mang thi hài về quê hương không phải là lựa chọn duy nhất của hầu hết người Việt ở Little Saigon.

Nơi yên nghỉ cho những người ở lại ở Memoral Park (Hình: Peek Funeral Home)

“Nói riêng cộng đồng chúng ta ở Little Saigon này thì số người nằm lại cũng tương đương với số người chúng tôi di quàn về Việt Nam. Có thể nói là 50-50. Không phải gia đình nào cũng có chung một cách giải quyết cho việc hậu sự của người thân của mình. Vì còn tùy hoàn cảnh từng gia đình. ” Tuấn Nguyễn nói về những trường hợp khác mà anh từng gặp.

Hoàn cảnh mà Tuấn nói đến là những gia đình không còn ai ở lại Việt Nam.

Bác Hồng ở Hội Người Già Westminster cho biết mình vừa đến Mỹ đoàn tụ con cháu chỉ vỏn vẹn gần ba năm. Cho nên “nhớ Việt Nam lắm. Nhớ bà con láng giềng hủ hỉ sớm tối,” bác tâm sự.

Nhưng nói đến “ngày trăm tuổi” của mình, bác Hồng không nghĩ rằng mình sẽ lựa chọn quay về quê hương. Vì “tôi là người cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Con cháu của tôi đều ở đây hết. Công việc làm tụi nó sẽ không cho phép tụi nó đi về thường xuyên để lo mồ mả,” bác nói.

Bác Hồng là một trong những người biết rằng ngày mình nằm xuống, nơi này sẽ là nơi mình gửi thân. Và bác chấp nhận điều ấy, vì con cháu của mình.

“Có những người tìm đến đây và hỏi ý kiến của tôi về việc khuyên bố, mẹ của họ như thế nào khi mà các ông, bà cụ cứ muốn được chôn cất ở nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng con cái của họ thì lại muốn ông bà cụ chôn cất bên này để thuận tiện cho những ngày giỗ kỵ,” anh Tuấn kể về những trường hợp mà anh gặp.

Thế nhưng, “cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng tôi sẽ làm theo mong muốn cuối cùng của ba mẹ tôi. Vì đơn giản, tôi nghĩ đó là bổn phận một người con.”

“Con người có tổ có tông.
Như cây có cội như sông có nguồn.”

Với một số người Việt hải ngoại, cái tổ cái tông đó là ước mơ cuối cùng của họ. Và có những người như Tuấn Nguyễn của Thiên Môn, như ông Khang Lê của An Lạc, như cô Lynda Trần của nhà quàn Peek Funeral Home sẽ giúp họ đạt được tâm niệm đó.

Liên lạc tác giả: kalynh@nguoi-viet.com

………………………………………………………..

Chiếc Bình Nứt

Duc Quy to me

===

Sáng tác: Guyloup
Hiệu đính: Minhtam Ha
Bản Việt Ngữ: Minhtam Ha

Hồi ấy bên Tàu có một người gánh nước mang hai chiếc bình lớn treo hai đầu một cái đòn gánh đeo ngang cổ.

Một trong hai bình ấy bị một vết nứt, còn bình kia thì
tuyệt hảo và luôn luôn đem về đủ lượng một bình đầy nước.

Cuối đoạn đường dài từ con suối về đến nhà, chiếc bình nứt lúc nào cũng vơi chỉ còn một nửa bình.

Suốt hai năm tròn ngày nào cũng vậy, người gánh nước chỉ mang về nhà có một bình rưỡi nước.

Dĩ nhiên, cái bình nguyên vẹn rất hãnh diện về thành tích của mình, hoàn tất cách tuyệt hảo nhiệm vụ nó được tạo ra để thi hành.

Còn tội nghiệp chiếc bình nứt, nó rất xấu hổ về khuyết điểm của mình, và khổ sở vì chỉ hoàn tất được có một nửa công việc nó được tạo ra để làm.

Sau 2 năm chịu đựng cái mà nó cho là một thất bại chua cay, một ngày nọ chiếc bình nứt bèn lên tiếng với người gánh nước bên bờ suối.

“Con thật lấy làm xấu hổ, vì vết nứt bên hông làm rỉ mất nước suốt dọc đường đi về nhà bác.”

Người gánh nước trả lời:

“Con đã chẳng để ý thấy chỉ có hoa mọc trên đường đi bên phía của con à?
Đó là vì ta vẫn luôn biết cái khuyết điểm của con, nên ta đã gieo hạt hoa dọc đường bên phía của con, và mỗi ngày trên đường mình đi về con đều đã tưới nước chúng nó…

… Hai năm nay ta vẫn luôn hái được mấy đóa hoa đẹp đó để chưng trên bàn.

Nếu mà con không phải là con y như thế này,
thì trong nhà đâu có được trang hoàng đẹp đẽ như vậy.”

Mỗi người trong chúng ta đều có những khuyết điểm rất riêng biệt.

Ai cũng đều là bình nứt cả.

Nhưng chính các vết nứt và khuyết điểm
đó
của từng người trong chúng ta
mới khiến cho đời sống chung của chúng ta trở nên thú vị
và làm chúng ta thỏa mãn.

Chúng ta phải chấp nhận cá tính của từng người trong cuộc sống, và tìm cho ra cái tốt trong họ.

Vạn hạnh cho tất cả các bạn ‘bình nứt’ của tôi!

( Trích trpng website của Liên Đoàn Việt Nữ – Hướng Đạo Việt Nam)

……………………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics