1.Tết Trung Hoa trên đất Hà Tĩnh(RFA)2.Cuối năm bánh chưng,bánh tét(RFA)3."Tháng tận năm cùng sự chẳng cùng" (NV).

Tết Trung Hoa trên đất Hà Tĩnh
Nguồn: RFA- Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-01-27

ha tinh-tet TH.jpeg1

Võ Miếu ở Hà Tĩnh
RFA

Tết đang về, chỉ còn ngót nghét hai chục ngày nữa, năm Giáp Ngọ khép lại, nhường chỗ cho năm Ất Mùi, không riêng gì Việt Nam mà hầu hết ở các nước Châu Á, Tết âm lịch mang một ý nghĩa đặc biệt, đây là cuộc đại đoàn tụ gia đình hoặc là cuộc trở về mà yếu tố nguồn cội thôi thúc tâm hồn mỗi người mở rộng cõi lòng với trời đất, đồng loại. Tết âm lịch đối với người dân Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài quan niệm này, tuy nhiên, trên một vùng đất đang thay đổi từng ngày từ thói quen, điệu sống cho đến quan niệm về quê hương, bản xứ bởi sự tràn ngập của văn hóa Trung Hoa, điều này khiến cho bộ mặt Hà Tĩnh trở nên méo mó, khó nhận dạng khi Tết về.

Những đường dây hút máu

Một người dân Hà Tĩnh, tên Trung, chia sẻ: “Từ cái vụ lộn xộn ở Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng thì công nhân Trung Quốc cũng ít ra ngoài. Người Việt Nam mua về nấu cho công nhân Trung Quốc ăn, họ có khu của họ mà.”

Theo ông Trung, Tết ở Hà Tĩnh bắt đầu biến dạng từ ba năm nay, kể từ ngày người Trung Quốc mạnh tay chèo kéo thanh niên Hà Tĩnh vào những cuộc chơi trác táng rồi những phi vụ mờ ám. Ban đầu, người Trung Quốc chỉ sang Hà Tĩnh đầu tư trong các khu công nghiệp ở Vũng Áng, dọc bờ biển Kỳ Anh và chưa có động tịnh gì cho mấy ngoài việc cuối tuần họ bắt taxi lên thành phố Hà Tĩnh để ăn chơi, tạo ra một thứ nhu cầu cao cấp mà người phục vụ sẽ bội thu. Các vũ trường, quán bar thi nhau mọc lên ở thành phố này.

Thanh niên con nhà quan chức cũng tập tò ăn chơi ở các quán bar cao cấp trong thành phố Hà Tĩnh, và dần dần, sự xuất hiện của người Trung Quốc ở Hà Tĩnh trở thành cơ hội kiếm tiền của nhiều người giỏi kiếm tiền, các thanh niên rảnh rỗi và các nhóm con nhà quan chức, nhiều tiền bắt đầu móc nối, qua lại với người Trung Quốc. Những đường dây ăn chơi trụy lạc, mờ ám cũng hình thành từ đó.

ha tinh-tet TH. 2
Trung tâm thành phố Hà Tĩnh. RFA

Ban đầu là đường dây cho vay nặng lãi, hầu như bất kì một thanh niên con nhà quan chức, con nhà có tiền nào của Hà Tĩnh cũng từng một lần ăn chơi đến cháy túi ở các quán bar và vay thêm tiền của người Trung Quốc với mức lãi cắt cổ, có khi lên đến 100%, thậm chí trong những trường hợp cần vay gấp để chuộc mạng với đầu gấu sau khi say khướt, đụng chạm đến họ, mức lãi vay có thể lên đến 150% hoặc 200% trên mỗi tháng. Với mức này, không có tiền của nào mà chạy theo kịp với họ. Nam giới trở thành ma cô, nữ giới thành gái điếm cũng vì chuyện này.

Không bao lâu sau đó, người Trung Quốc bắt đầu mở một số quán dọc theo đường biển và quốc lộ Bắc Nam, các quán này do người Việt đứng tên làm chủ nhưng vốn và quản lý chính thức là người Trung Quốc, treo biển hiệu Trung Quốc, kinh doanh theo lối phục vụ giới có tiền Trung Quốc. Các thanh niên Hà Tĩnh lại tiếp tục lao đầu vào các quán này để thể hiện đẳng cấp. Đặc biệt, những thanh niên trong gia đình mới có chút tiền đền bù đất thường xuyên ra vào các quán này để cuối cùng trắng tay, quay sang làm tay sai cho người Trung Quốc.

Hiện tại, đội ngũ thanh niên làm tay sai đi đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi và trấn áp đồng bào Việt Nam mỗi khi có sự cố đụng chạm giữa thanh niên Hà Tĩnh và thanh niên Trung Quốc, làm gái điếm phục vụ quan Tàu đã lên đến con số cả ngàn người. Khó lòng mà nói rằng đây là những thanh niên Việt Nam nữa, bởi họ đã hoàn toàn sống theo lối xa xỉ, máu lạnh, phản lại người Việt, bảo vệ cho các ông chủ người Trung Quốc và o ép đồng bào của mình bằng mọi cách để kiếm tiền, kiếm điểm với các ông chủ Trung Quốc.

Ha tinh-Tet Th 3
Đường vào công ty Formosa, khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh

Và một khi ý thức dân tộc, ý thức làm người bị tê liệt bởi bạch phiến, hồng phiến, ma túy đá, tình dục, các thanh niên Hà Tĩnh không còn biết rằng mình là người Việt, họ sẵn sàng vác mã tấu đến nhà đồng bào để đòi nợ, cuộc sống của họ lún sâu vào nợ nần, ơn nghĩa với các ông chủ Trung Quốc, những kẻ đã mang đến cho họ lối sống hiện tại.

Đáng sợ nhất là các đường dây này khá tinh vi, tổ chức có hệ thống và nhiều cấp bậc, thường thì ông chủ người Trung Quốc ít xuất đầu lộ diện, chỉ có những đầu gấu của họ đóng vai đại ca của nhóm, và mỗi nhóm như vậy lại có một thanh niên có máu mặt người Việt Nam đứng cấp dưới, làm đại ca của nhóm thanh niên Việt Nam chuyên đòi nờ thuê, đâm thuê chém mướn, bảo kê nhà hàng, khách sạn… Nói chung, đất Hà Tĩnh đã trở thành vùng đất màu mỡ của các đại ca phục vụ cho các ông trùm người Tàu. Văn hóa ở đây cũng đổi màu xoành xoạch. Ngay cả ngành công an ở Hà Tĩnh, cũng có nhiều nhân vật thân Trung Quốc, làm đỡ đầu, bảo kê cho các ông chủ, ông trùm người Tàu.

Tết Tàu trên đất Hà Tĩnh

Một người tên Trị, lái taxi ở Hà Tĩnh, chia sẻ: “Công nhân ở đây họ vẫn đi chợ, trước đây có một cái chợ nhỏ nhưng giờ chuẩn bị xây chợ lớn vì ở đây sắp lên thị xã. Mấy người họ đi chợ mua đồ về cho công nhân, ở đây thì công nhân Trung Quốc, công nhận Việt Nam đều có. Họ buôn bán nên đầy đủ các mặt hàng (bán cho công nhân Trung Quốc”.

Theo ông Trị, Hà Tĩnh hiện tại giống như một khu phố thu nhỏ của người Tàu, mặc dù mọi hoạt động của người Việt vẫn diễn ra bình thường nhưng về đêm thì màu sắc Tàu Cộng hiện ra rất rõ nét. Hơn nữa, tâm thức, văn hóa của lớp trẻ và người kinh doanh Hà Tĩnh đã nhuốm màu Trung Hoa, Tết Hà Tĩnh cũng mang màu sắc Trung Hoa đậm nét.

Sở dĩ nói rằng đất Hà Tĩnh trở thành một khu phố người Hoa thu nhỏ bởi vì ở đây, đồng tiền của người Trung Quốc đã hấp dẫn mọi giới, từ người lao động nghèo không có ăn học cho đến cả những người từng học đến đại học, cao học và người lõi đời làm nghề buôn bán lâu năm, tương tác với xã hội cũng nhiều nhưng vẫn mê tít mù khơi trước kiểu tiêu tiền của người Tàu. Không ai để ý rằng người Tàu một khi bỏ ra một đồng để lôi cuốn một ai, nhất định họ sẽ lấy lại ít nhất là năm đồng và phá nát những đồng còn lại trong túi của đối phương.

Hiện tại, các dịch vụ Tết mang dấu ấn Trung Hoa đã bắt đầu rầm rộ trên đất Hà Tĩnh, Võ Miếu thờ Quan Công (tức quan Vân Trường, anh em nhà Lưu Bị trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của Tàu) được nhang khói, thờ phụng nghiêm cẩn bậc nhất. Ngay trong khu công nghiệp Vũng Áng, một ngôi miếu thờ thần thánh Trung Hoa đang được xây dựng và dự kiến sẽ khánh thành hoành tráng vào dịp Tết Nguyên Đán này.

Một phần lớn thanh niên, công nhân Trung Quốc chọn ăn Tết tại Hà Tĩnh bởi họ đã đặt suất ăn, dịch vụ và các món hàng Tết phục vụ cho mấy ngày Tết tại các nhà hàng, cửa hàng và đại lý trên thành phố Hà Tĩnh. Lồng đèn Trung Quốc, áo quần Trung Quốc, thức ăn mang hương vị Trung Quốc cũng được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết này.

Thật đáng buồn khi phải nói rằng một cái Tết Trung Hoa đang về trên đất Hà Tĩnh!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

==

Ý kiến (1)

Hoàng Anh
nơi gửi Hà Nội

Đây là “công lao” của Phó thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.!

27/01/2015 10:08

…………………………………………………………………………………………….

Cuối năm bánh chưng bánh tét
Nguồn:RFA- Nhóm phóng viên tường trình từ VN-2015-01-30

banh chung.jpg1
Hình minh họa. RFA PHOTO

Cuối năm, những ngày tháng chạp sương mù, mùi hương cải ngò, cúc tần, vạn thọ và mùi hương trời đất thức dậy, đây cũng là khoảng thời gian mà khi bước ra ngõ, người ta thi thoảng bắt gặp những tiếng rao rất quen thuộc, thân thương của người bán hương, bán chiếu, bán hoa, bán đèn và bán bánh chưng, bánh tét, bánh tổ. Nếu như món bánh tổ chỉ có ở Quảng Nam, Huế và Quảng Trị, thưa thớt ở Quảng Ngãi thì bánh chưng, bánh tét thuộc về món truyền thống, hầu như khắp đất nước, nơi nào cũng có món này. Nếu như miền Tây Nam Bộ có món bánh tét chuối, bánh tét ngọt thì miền Trung có món bánh tét nhưn đậu xanh, nhưn thịt heo và miền Bắc lại thiên về bánh chưng nhưn thịt đủ các loại.
Đâu rồi hồn vía Tết xưa!

Một người tên Liên, chuyên gói bánh chưng bỏ mối vào mùa Tết ở Đông Hà, Quảng Trị, chia sẻ:

“Càng ngày càng ế ẩm, hồi xưa mỗi cái Tết tôi nhận đặt cả ba đến bốn ngàn cặp bánh chưng. Hồi đó bốn, năm trăm ngàn một chỉ nhưng mỗi cặp bánh chưng cũng được hai ngàn đồng. Nhưng một năm hai năm trở lại đây, kinh tế ngày càng khó, người ta lựa từng cặp bánh chưng nhiều khi mình nát cả lòng bởi bao công sức của mình đổ vào… Bữa nay thì tôi nhận được có một ngàn rưỡi cặp thôi. Có ba loại bánh, dao động từ bốn đến sáu ngàn đồng mỗi cặp. Tết này hy vọng đủ tiền mua đồ Tết cho con chứ chẳng mong làm vàng như hồi xưa.”

Càng ngày càng ế ẩm, hồi xưa mỗi cái Tết tôi nhận đặt cả ba đến bốn ngàn cặp bánh chưng. Hồi đó bốn, năm trăm ngàn một chỉ nhưng mỗi cặp bánh chưng cũng được hai ngàn đồng.
-Bà Liên

Theo bà Liên, với thâm niên làm bánh chưng, bánh tét gần ba mươi năm nay, đặc biệt là làm bánh tét bỏ mối vào dịp Tết với số lượng từ vài ngàn đến vài chục ngàn cặp bánh tét, bà cảm thấy chưa bao giờ nghề làm bánh tét lại chịu mai mọt và có nguy cơ giải nghệ như vài năm trở lại đây. Người ta vẫn thờ bánh tét ngày Tết rất nhiều trên bàn thờ so với những năm trước, số lượng mua vẫn rất cao nhưng nguy cơ bỏ nghề của người làm bánh tét lại rất lớn, mới nói ra nghe rất nghịch lý nhưng trên thực tế là vậy.

Sở dĩ người làm bánh chưng bánh tét có nguy cơ bỏ nghề vì nói về bánh chưng, bánh tét phải nói đến truyền thống làng quê Việt Nam với lũy tre làng, bụi chuối, mụt măng, ảng nước mưa đậy liếp tranh và những dòng sông trong vắt. Đây là chất liệu để làm nên đòn bánh tét, chiếc bánh chưng ngon, đẹp và ý vị. Những thứ này nếu thiếu, sẽ thiếu rất nhiều thứ trong chiếc bánh chưng, đòn bánh tét.

Bà Liên lấy một ví dụ, khi gói bánh tét, người ta dùng nếp hạt được cất từ mùa trước, nếp hạt tròn, mẩy và thơm. Nhưng hiện tại, với lượng thuốc trừ sâu và thuốc kích thích sinh trưởng quá nhiều, hạt nếp, hạt đậu xanh vẫn căng tròn, mẩy bóng nhưng lại vô vị, chẳng có mùi thơm nếu không muốn nói là nó chứa độc tố quá nhiều. Cộng thêm lá chuối, ngày xưa, không khí trong lành, tàu lá chuối xanh ngát và sạch sẽ, khi gói bánh, chỉ cần rửa sơ qua rồi lau sạch, hơ lên bếp cho dịu lại là có thể gói bánh, còn bây giờ, lá chuối dính đầy bụi bẩn, phải rửa nhiều bận nên chẳng còn mùi lá chuối, mùi hương của đất trời trong lớp vỏ bánh.

Nhưng đáng sợ nhất vẫn là dây buộc bánh, ngày xưa, chỉ cần ra bụi tre, chặt một cây tre thật đẹp, vừa tới tuổi chẻ lạt và đoạn ra từng khúc, sau đó chẻ lạt mỏng, hong lên khói bếp cho sạch lớp lông tơ là coi như đã có một bó lạt buộc bánh tét rất chuẩn. Từ lá đến lạt, đến hạt nếp đều sạch, thơm nên chiếc bánh sẽ rất thơm, đặc biệt là nguồn nước chưa bị ô nhiễm dùng để vo sạch nếp cũng là một trong những chất liệu làm cho bánh đẹp, ngon, sạch.

Ngược lại, bây giờ ngày công chẻ lạt và giá tre quá cao, thậm chí không còn những người biết chẻ lạt cũng như không còn tre để chẻ lạt bởi người ta phá bỏ những bụi tre để làm nhà, người làm bánh phải buộc bằng dây nhựa, dây thun, mối nguy hiểm, độ độc hại trong chiếc bánh sẽ tăng cao so với trước. Chính vì vậy, chiếc bánh không còn hồn vía như xưa.

Nhưng vì yêu nghề, vì giữ uy tin mấy mươi năm làm nghề và vì lương tâm của một người làm bánh, bà Liên chấp nhận kiếm được ít lãi để mua tre chẻ lạt, mua nếp sạch và mua lá chuối ở những vùng quê hẻo lánh, thậm chí lặn lội lên núi để mua lá chuối, lá dong về gói bánh. Chính vì yêu nghề, yêu cái cảm giác bụi bặm và có chút gì đó phiêu bồng, liêu xiêu đất trời tháng chạp khi chở giỏ bánh đi bỏ mối mà năm nào bà Liên cũng nhận tất cả các mối cũ để làm bánh Tết.
Chở Tết dong ruổi với cái nghèo

Có một người nghèo không biết Tết/ Mang lì chiếc áo độ thu sang/ Có đứa trẻ thơ không biết khóc/ Vô tình bỗng cất tiếng cười vang… Những câu thơ ám ảnh cuộc đời của một người làm bánh tét tên Hoàng, ở Lao Bảo, Quảng Trị, ông nói:

Tôi đi bán bánh chưng bánh Tét cũng được hai mươi năm nay rồi, nhưng mà ngày xưa đường 9 vắng vẻ lắm, giờ thì đông người hơn. Kinh tế có vẻ lên nhiều nhưng thực ra không lên gì.
-Ông Hoàng

“Tôi đi bán bánh chưng bánh Tét cũng được hai mươi năm nay rồi, nhưng mà ngày xưa đường 9 vắng vẻ lắm, giờ thì đông người hơn. Kinh tế có vẻ lên nhiều nhưng thực ra không lên gì. Con người ngày càng lạnh lùng, ngày xưa người ta mua một cái bánh có vẻ ấm áp lắm nhưng giờ thì họ lạnh nhạt với nhau. Ngay cả cái bánh, ngày xưa người ta buộc bằng lạt tre nhưng giờ cột bằng dây nhựa, hạt nếp cũng không chất lượng như ngày xưa. Nói chung giờ người ta chạy theo thị trường để kiếm tiền, không hồn vía như xưa nữa.”

Theo ông Hoàng, cái lãi suất cao nhất của một người suốt đời gắn với Tết như ông là vốn sống, sự trải nghiệm của cái nghèo lì lợm và sự bền bĩ của những kiếp lầm than trên mảnh đất quê hương cố cựu của ông. Bản thân ông với hơn ba mươi năm làm bánh tét bán Tết, trải qua nhiều nghề phụ như bán nhang đèn, bán chiếu và trầm giác, ông cảm nhận được một điều chua xót là quê hương ông chưa bao giờ khá hơn trước, nếu không muốn nói là đi thụt lùi.

Khi người ta có một chiếc xe máy, xây được căn nhà, thay vì học cách ứng xử cho sạch sẽ, lịch lãm hơn để tương xứng với những thứ mà mình cố công tạo dựng, người ta đâm ra hách dịch và tham lam, muốn có nhiều hơn nữa, đạp qua đồng loại để làm giàu và sống rất cẩu thả, ăn nói bổ bả, vô vắn hóa, hành xử thiếu tính người, coi đồng bạc quá lớn, đó là cái giá mà con người phải đánh đổi với vật chất. Và khi vẻ bề ngoài hào nhoáng phủ lên quê hương của ông, cũng là lúc con người quay cuồng trong vật dục, mất hết hồn vía, ý nghĩa của ngày Tết trở nên mờ nhạt và vô hồn.

Nếu như ngày xưa, có thể là vì thiếu thốn, nhưng bên cạnh đó, vì đời sống nội tâm sâu sắc hơn, cảm thức về Tết đậm đà, thi vị hơn nên việc ngồi bên ngọn lửa bập bùng của nồi bánh chưng, bánh tét đêm giáp Tết có chút gì đó thiêng liêng, mùi hương tháng Chạp quyện với khói bếp như đang dẫn dắt tâm hồn con người về đứng dưới mái hiên nguồn cội. Còn bây giờ, chuyện nấu bánh tét diễn ra qua quýt, chóng chầy, làm cho qua chuyện. Phần chính của ngày Tết vẫn là lo kiếm tiền mà quà cáp cho cấp trên, sếp cỡ nào thì tặng quà đắt tiền cỡ đó. Điều này đâm ra người nghèo thì nhà trống hoác trống huơ, người có quyền chức thì bia chất cả kho, ra Giêng lại kêu đại lý đến bán.

Có đôi khi, ông Hoàng chở xe bánh đi dọc đường 9 Hạ Lào để bỏ mối bánh Tết, sương mù buổi sớm, âm thanh thời công nghiệp và nhiều thứ hàng hóa Tết của Trung Quốc nhan nhản trên thị trường cứ như một thứ bóng ma đè lên tâm hồn ông. Ông có cảm giác mình và những người lao động nghèo giống như đã bị những cơn gió độc thời đại thổi dạt về cái Tết của thời xa lơ xa lắc, Tết của thuở ông chưa biết buồn. Và những cơn gió độc mangh tên Đút Lót, Tham Nhũng, Chà Đạp, Mua Chuộc, Ngoại Bang Trung Cộng vẫn đang cuồng xoáy trên đường đi của người bán bánh chưng, bánh tét ngày Tết.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

………………………………………………………………………………

‘Tháng tận năm cùng sự chẳng cùng…’
Nguồn: nguoiviet.com- Wednesday, January 21, 2015

Viên Linh

Những bài thơ sau đây có thể khác nhau rất nhiều về thể loại, song có chung nhau ít ra là hai điểm chính: Các thi sĩ tác giả đều nổi tiếng, đều chết trẻ, phần lớn khoảng ba mươi tuổi, và câu thơ nhiều ít có nhắc đến cái chết. Người chọn thơ không có gì để viết thêm, để bình luận, nếu có chỉ là vài ghi chú.

Những bài thơ này được đăng vào hôm nay, cũng có ý nhắc nhở bạn đọc yêu thơ, chúng ta đang ở vào tháng cuối năm, cái Tết đang đến gần, thời gian tháng tận năm cùng dường như cũng có nhiều ít tác động đến cuộc sống, nhất là cuộc sống của những người mẫn cảm, là các thi sĩ.

nam cung

Trang trí Cầu Vồng trên Huyền đỉnh, một trong Cửu Đỉnh ở Huế, trích trong sách
“Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa” của Huỳnh Hữu Ủy, Văn Mới 2013. Ảnh do Viên Linh cung cấp.

1.
Đã mấy đêm trường tôi không ngủ
Nằm thao thức nhớ mảnh trăng thu
Đã biết bao lần tôi tự nhủ
Rằng cho tôi chết giữa âm u…
(Quách Thoại, “Trăng Thiếu Phụ,” mất 1957, 27 tuổi)

Cách đây vài ba năm tôi đã có một buổi nói chuyện riêng về thi sĩ do Viện Việt Học tổ chức, và đã gọi ông là “thi sĩ của thời dựng nước Cộng Hòa.” Ông ca ngợi miền Nam tự do, ca ngợi đất nước dân chủ nhiệt thành và thẳng thắn. “Với nhận định của riêng tôi, Quách Thoại là người thơ trẻ duy nhất của thời thế lúc đó xứng đáng là thi sĩ của thời đại: Anh nói đến cảnh sống quanh anh, đến xã hội quanh anh, đến chính biến quanh anh, – nhiều hơn là nói đến mình và tình cảm riêng tư của mình, một thanh niên vừa qua tuổi hai mươi, – và trở thành một thi sĩ chứng nhân của thời đại. Đời sau đọc thơ Quách Thoại sẽ hiểu được thời đại anh như thế nào, về nhiều mặt quan trọng. Và thơ anh lại là thơ rất nghệ thuật, rất sáng tạo, rất có tâm hồn.” (Viên Linh, nói chuyện về Quách Thoại tại Viện Việt Học, Little Saigon, 2012).

2.
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay gì cả?
Xin để tang anh đến vạn ngày.
(Hàn Mặc Tử, “Trút Linh Hồn,” mất 1940, 28 tuổi)

3.
Người khóc: “Thiên tài của anh mô?
Cho em ôm ấp chốn phòng thu.
Cho em thờ phượng như châu báu
Rồi chết theo em tận đáy mồ.”
(Bích Khê, “Châu,” mất 1946, 30 tuổi)

4.
Ngày mai tôi chết no cơm ấm áo
Nằm dưới mồ nghe chuyện cổ kim
Tai nghe đồng vọng trời huyên náo
Hồn xế ngùi trông bóng nguyệt chìm.
(Chế Vũ, “Ngày Sau,” mất 1961, 30 tuổi)

5.
Thăng Long đất lớn chí tung hoành
Bàng bạc gương hồ ánh mắt xanh
Một lứa chung tình từ tứ chiếng
Hội nhau vầy một tiệc quần anh

Mày gươm nét mác chữ nhân già
Hàm bạnh hình đồi, lưng cỗi đa
Tay yếu đang cùng tay mạnh dắt
Chưa ngất men trời hả rượu cha

Rau đất cá sông gào chẳng đủ
Nổi bùng giữa tiệc trận phong ba
Rằng: “Đương gió bụi mờ tơi tả
Thiên hạ phải dùng thơ chúng ta!”

Thơ ngâm giở giọng, thời chưa thuận
Tan tiệc quần anh, người nuốt giận
Chim nhạn, chim hồng rét mướt bay
Vuốt cọp, chân voi còn lận đận

Thằng thí cho nhàm sức võ sinh
Thằng bó văn chương đôi gối hận
Thằng thư trói buộc, thằng giã quê
Thằng phấn son nhơ… chửa một về!

Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”
Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê
– Ới ơi bạn tác ngoài trôi giạt
Chẳng đọc thơ ta tất cũng về. 1944
(Thâm Tâm, “Vọng Nhân Hành,” mất 1950, 33 tuổi)

6.
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn,
Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít.
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:
-Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà.
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
(Vũ Anh Khanh, Hận Tha La, mất 1957, 31 tuổi)

Trong sáu thi sĩ chết trẻ, người nào cũng nổi tiếng, cao tuổi nhất mới 33. Khi lìa đời, chỉ có Hàn Mặc Tử mới có một thi phẩm (Gái Quê) được xuất bản năm 24 tuổi và Bích Khê một tập (Tinh Huyết) năm 23 tuổi. Những nhà thơ có chân tài chỉ cần một tập cũng đã nổi tiếng quốc gia.

……………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics