Tháp Eiffel tắt đèn nhân ngày quốc tang
Nguồn:RFI- Tuấn Thảo Đăng ngày 15-11-2015 17:23
From Greg Le and Family
Hình ảnh tháp Eiffel tắt đèn tương phản với các thành phố lớn trên thế giới – DR
Đôi khi, một hình ảnh lại có nhiều ý nghĩa hơn cả ngàn lời nói. Từ tối thứ Bảy 14/11/2015, tháp Eiffel trái với thông lệ không còn được thắp sáng vào ban đêm, để tưởng niệm các nạn nhân đợt khủng bố đẫm máu tại Paris, trong lúc nước Pháp ban hành ba ngày quốc tang.
Hình ảnh của thủ đô Pháp tương phản hoàn toàn với các thành phố lớn khác trên thế giới. Từ nhà hát opera thành phố Sydney cho tới sân vận động Wembley, từ pho tượng Đức Chúa giăng tay ở Rio de Janeiro đến toà nhà chọc trời One World Trade Center, hầu như ở khắp nơi, các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới đều khoác lớp ánh sáng ba màu xanh trắng đỏ, biểu tượng của quốc kỳ Pháp. Ngược lại, tháp Eifel lại chìm trong bóng tối, muôn ngàn ánh sáng nhấp nháy đêm nào, không còn lung linh giữa trời sao.
Thành phố Paris trong những ngày cuối tuần trở nên yên tĩnh một cách khác thường. Các tụ điểm thường ngày đông du khách qua lại như đại lộ Champs Élysées, góc phố Opéra, cửa hàng Galeries Lafayette hay mặt tiền Nhà thờ Đức Bà Paris nay bỗng nhiên vắng tênh. Các công sở đều treo cờ rũ, các rạp xinê, các nhà hát hay viện bảo tàng đều đóng cửa trong cuối tuần này chừng nào các biện pháp an ninh chưa được bảo đảm cho công chúng hay du khách nước ngoài.
Vào những ngày cuối tuần, người Pháp thường có thói quen xách giỏ đi chợ, họ đi mua trái cây, rau quả tươi tại các phiên chợ trời để nấu ăn vào dịp cuối tuần. Nhưng ngay cả những phiên chợ ấy, nằm trên đại lộ Richard Lenoir gần nhà hát Bataclan hay trên con đường Mouffetard, cũng phải đóng cửa. Hàng quán cũng có vẻ thưa thớt hẳn đi, do vắng khách lui tới.
Một du khách nước ngoài hụt hẫng khi không thể vào thăm Nhà thờ Đức Bà, ông nói : nhìn cảnh Paris buồn như vậy làm cho ông không khỏi đau lòng, cho dù ông không phải là người Pháp. Du khách ngoại quốc đồng cảm với nỗi đau của người dân Paris : họ rủ nhau đến đặt hoa, đốt nến cho những nạn nhân vô tội.
Báo New York Times hôm nay trích đăng lời bình của một độc giả trên mạng, theo đó trong mắt người nước ngoài : dân Pháp có vẻ như lúc nào cũng yêu đời. Điều đó được thể hiện qua hàng loạt chi tiết : mùi thơm tách cà phê, một khúc bánh mì nóng hổi, một chai rượu vang cùng nhâm nhi với bạn, phụ nữ ăn mà có vẻ như không sợ mập, họ hút thuốc lá, họ tán tỉnh nhau, họ thích chê bai giới lãnh đạo, càng không đồng thuận họ càng mê tranh luận …..
Những kẻ cuồng tín giết người mà không chừa một ai. Họ làm như vậy bởi vì nước Pháp là biểu tượng của những điều mà họ ghét nhất trên đời này. Thế nhưng, dường như không ai như người Pháp lại có một định nghĩa về nghệ thuật sống hay đến như vậy.
==
Pháp ban hành quốc tang, tuyên chiến với Daech
Nguồn: RFI- Thanh Hà Đăng ngày 15-11-2015 16:26
François Hollande : Pháp ban hành quốc tang trong ba ngày, kể từ hôm 15/11/2015 – REUTERS /Stephane de Sakutin
Trong ba ngày, kể từ 15/11/2015, nước Pháp ban hành quốc tang tưởng niệm 129 nạn nhân thiệt mạng trong 6 vụ tấn công đẫm máu ở Paris và vùng Seine- Saint Denis. Pháp huy động thêm 3.000 binh lính để bảo vệ an ninh trên toàn quốc. Paris tiếp tục chiến dịch quân sự tại Syria để tiêu diệt quân thánh chiến Hồi giáo.
Trả lời đài truyền hình Pháp TF1 tối ngày 14/11/2015, Thủ tướng Manuel Valls tuyên bố : nước Pháp « tiếp tục can thiệp tại Syria với mục đích tiêu diệt » quân thánh chiến Hồi giáo cực đoan Daech. Tổ chức này chính thức nhận là tác giả gieo rắc kinh hoàng cho nước Pháp.
Thủ tướng Valls nhấn mạnh : « Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh, chúng ta sẽ hành động và tấn công kẻ thù muốn tàn phá nước Pháp, tàn phá Châu Âu, tàn phá Syria và Irak (…) cuộc chiến đó đang diễn ra trên lãnh thổ quốc gia và trên trận địa Syria »
Từ tháng 9/2014, Pháp tham gia liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang hoành hành tại Irak và từ 7 tuần lễ qua, Paris mở rộng can thiệp quân sự sang Syria. Các đoạt oanh kích nhắm vào thành trì của tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian đánh giá Pháp cần phải tấn công một cách triệt để vào tất cả các trung tâm huấn luyện, vào các sào huyệt và nhất là các nguồn tài trợ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Thủ tướng Pháp không loại trừ khả năng Pháp tiếp tục là mục tiêu tấn công khủng bố. Tình trạng khẩn cấp đã được ban hành vài giờ sau 6 vụ tấn công đẫm máu ở Paris, có thể sẽ được triển hạn thêm. Hôm nay, các rạp hát, các viện bảo tàng trong nội thành tiếp tục đóng cửa.
Đoàn kết quốc gia
Nước Pháp ban hành quốc tang trong ba ngày, kể từ hôm nay. Chiều nay, Nhà thờ Đức Bà Paris tổ chức lễ cầu nguyện tưởng niệm các nạn nhân. Các trường học trên toàn quốc ngày mai hoạt động bình thường. Cũng ngày mai, một phút mặc niệm được dự trù vào lúc 12 giờ trưa. Hội nghị quốc tế về khí hậu COP 21 vẫn được duy trì.
Về mặt chính trị, Tổng thống Pháp François Hollande bắt đầu tiếp lãnh đạo của các đảng phái chính trị. Trưa nay, người đầu tiên được tiếp là cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, ông được tiếp với tư cách chủ tịch đảng Les Républicains. Sau đó, Tổng thống Hollande lần lượt làm việc với Chủ tịch Thượng và Hạ viện, trước khi triệu tập quốc hội lưỡng viện vào ngày 16/11/2015 tại cung điện Versailles.
==
Nghệ sĩ quốc tế tỏ tình đoàn kết với Paris
Nguồn:RFI- Tuấn Thảo Đăng ngày 15-11-2015 16:43
Ban nhạc rock Ai Len đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân khủng bố – DR
‘‘Ngày cuối tuần sao quá buồn thảm. Mọi cảm nghĩ xin được dành cho gia đình các nạn nhân’’. Tin nhắn của danh ca Johnny Hallyday trên các mạng xã hội tiêu biểu cho tâm trạng của giới nghệ sĩ Pháp cũng như quốc tế sau đợt khủng bố đẫm máu tại Paris, khiến gần 130 người chết, trong đó có hơn hai phần ba nạn nhân thiệt mạng tại nhà hát Bataclan.
Katty Perry, Sam Smith, Peter Gabriel, ban nhạc rock The Do đều nhắn tin chia buồn, bày tỏ nỗi xúc động trước cái chết của những người vô tội. Nhưng hình ảnh đầy ý nghĩa hơn cả là khi nhóm U2, ban nhạc rock Ai Len đến đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân trước nhà hát Bataclan. Ban nhạc U2 đang có mặt tại Paris nhân đợt trình diễn trong vòng 4 đêm tại cung Bercy. Rốt cuộc, hai đêm biểu diễn cuối tuần này đều đã bị hủy bỏ.
Thần tượng nhạc pop Madonna, nhân buổi trình diễn tại Stockholm hôm qua, đã kêu gọi khán giả dành một phút mặc niệm các nạn nhân vụ thảm sát, những con người chết một cách ‘‘phi lý’’ khi họ đi xem biểu diễn nhạc rock. Trên sân khấu, Madonna hát bài La Vie En Rose của Édith Piaf, nhưng cô vẫn không tránh khỏi xúc động, không thể cầm được giọt nước mắt.
Trong số các nạn nhân đợt khủng bố hôm 13/09, có một số gương mặt đến từ ngành giải trí và truyền thông, chẳng hạn như các nhân viên của đài truyền hình France 24, của tuần báo Les Inrocks, hay của hãng đĩa Universal đi xem biểu diễn của ban nhạc rock người Mỹ ‘‘Eagles of Metal Death’’. Nhóm này qua tin nhắn trên mạng, cho biết là họ đã sống sót trở về Hoa Kỳ hôm nay (15/11/2015), nhưng một nhân viên trong ban kỹ thuật đã bỏ mình trong đợt tấn công.
Sau đợt khủng bố, hầu hết các chương trình biểu diễn tại Paris đã bị hủy bỏ hay bị dời lại, kể cả nhà hát Olympia (The Do & Nekfeu), Gaîté Lyrique, Bercy, Bataclan (nhóm Foo Fighters), Zénith (nghệ sĩ nhạc rap Soprano). Theo yêu cầu của Bộ Văn hóa Pháp, các ban tổ chức nên dời lại các chương trình biểu diễn, chừng nào họ chưa bảo đảm được mọi điều kiện bảo vệ an ninh, nhất là khi có nhiều khán giả tập hợp lại.
Giới tổ chức thì hy vọng rằng các nhà hát sẽ sớm mở cửa trở lại ngay từ cuối tuần sau. Một mặt là để tôn trọng ba ngày quốc tang cuối tuần này, mặt khác là để chứng minh giới nghệ sĩ Paris đoàn kết với gia đình các nạn nhân : duy trì việc đóng cửa chẳng khác gì thừa nhận nỗi sợ hãi và ‘‘đầu hàng chịu thua’’ quân khủng bố. Những kẻ này gieo rắc kinh hoàng bằng cách đánh vào các tụ điểm vui chơi của Paris (quán ăn, cà phê, nhà hát ….). Hơn bao giờ hết, các sinh hoạt giải trí ở thủ đô Pháp càng cần được tiếp diễn.
==
Nữ sinh viên Cal State Long Beach chết trong vụ tàn sát ở Paris
Nguồn:nguoiviet.com- Saturday, November 14, 2015 2:43:18 PM
LONG BEACH, Nam California (NV) – Một nữ sinh viên từ California bị thiệt mạng trong vụ thảm sát ở Paris đêm Thứ Sáu, USA Today trích dẫn lời của trường đại học Cal State Long Beach, nơi cô theo học, cho biết.
Nữ sinh viên Nohemi Gonzalez. (Hình: Facebook)
Cô Nohemi Gonzalez, 20 tuổi, là sinh viên năm thứ ba ngành thiết kế thời trang. Trong khi đó, CNN nói rằng cô 23 tuổi.
Trang Facebook của trường Cal State Long Beach nói rằng, cô Gonzalez có ghi danh tại đây và cũng đang tham dự lớp tại trường Strate College of Design ở Paris trong một tam cá nguyệt.
Nhà trường không cho biết khi vụ thảm sát xảy ra cô ở đâu và chết trong trường hợp nào.
Đại học Cal State Long Beach dự trù tổ chức lễ tưởng niệm cô Gonzalez vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, 15 Tháng Mười Một.
Viện Trưởng Jane Close Conoley hôm Thứ Bảy nói: “Tôi vô cùng đau đớn trước tin ra đi đột ngột của sinh viên Gonzalez. Trường chúng tôi sát cánh bên cạnh gần 80 sinh viên từ Pháp sang đây du học, vào lúc mà họ đang vật lộn với thảm kịch.”
Bà Dominique Sciamma, hiệu trưởng trường Strate College of Design ở Paris, cũng công bố một văn bản trên Facebook: “Từ tâm khảm, tôi hy vọng rằng không ai trong cộng đồng chúng ta phải chịu ảnh hưởng vì những hành động tội phạm vừa qua. Đáng tiếc thay, điều này không được như mong muốn.”
Bà Sciamma thêm rằng các sinh viên khác của trường bà cũng bị hại, “nhưng họ nay đã vượt qua sự hiểm nguy.” (TP)
………………………………………………………………………………..
Nhiều người Hồi giáo ‘đã khóc’ trước Bataclan
Nguồn:BBC- 2015-11-15
Nhiều người đã khóc trong lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công ở Paris tổ chức tại Sydney, Úc-AFP
Nhà báo tự do Phạm Cao Phong có mặt ở quảng trường République, Paris hôm 15/11 nói nhiều người Hồi giáo đã tới đặt nến “và khóc ở trước nhà hát Bataclan.
Và họ hát quốc ca La Marseillaise của nước Pháp ở quảng trường Cộng hòa.
Đây là một phần trong thảo luận của BBC hôm 15/11. (Xem toàn bộ thảo luận tại: http://bit.ly/1PIpRH1)
Loạt tấn công bằng súng và bom khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương ở khu quận 10 và 11. Theo giải thích của ông Cao Phong, đây là khu vực tương đối nghèo của thủ đô Paris, “tập trung người có thu nhập thấp và đông người nhập cư gốc Pakistan, Ấn Độ”. (Xem phần giải thích của nhà báo Phạm Cao Phong tại: http://bit.ly/1X0CygL)
“Tuy nhiên đây là khu rất sống động do có quảng trường Cộng hòa như trái tim của nước Pháp trong cuộc xuống đường năm 1789. Từ chỗ đó dẫn thẳng ra Bastille là quảng trường biểu tượng của nước Pháp cho giải phóng khỏi sự nô lệ, giải phóng tự do tư tưởng, bảo vệ ý chí của nền cộng hòa Pháp.”
Chế tài an ninh
Image caption Nhà báo Phạm Cao Phong
Nhà báo Cao Phong cho rằng, rất khó để có thể đề phòng trước vụ khủng bố như thế này, và các nước châu Âu trước đó đã ngăn chặn được một số âm mưu tấn công khác.
Chia sẻ quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai từ Amsterdam, Hà Lan, nói thêm, “để ngăn chặn được nó thì không phải là những chế tài an ninh mà Pháp đang hiện có”.
“Cần có sự thay đổi trong cách nhìn nhận về người nhập cư thế nào, những người không phải dân bản xứ ra sao mới là việc mà Pháp và châu Âu và các nước phương Tây cần làm để ngăn chặn những cuộc tấn công như thế này.”
“IS hay Al Qaeda không phải chỉ là những tổ chức. Nếu chúng ta chỉ đánh vào những tổ chức, giết người nọ, giết người kia tức là chỉ đánh vào đầu con rắn mà không giết được ý tưởng. IS, Al Qaeda là những ý tưởng và những ý tưởng thì nhảy từ cái đầu này sang cái đầu khác.
Và theo nhà quan sát Trung Đông từ Hà Lan, một trong những nguyên nhân chính khiến một số người bị cực đoan hóa và trở thành những kẻ đánh bom liều chết là sự phân biệt tôn giáo, phân biệt chủng tộc, và vấn đề hòa nhập của những người Hồi giáo vào xã hội phương Tây.
“Nguyên nhân lớn nhất là nội hàm tương đối phức tạp của châu Âu. Trong đó người Hồi giáo là một bộ phận của người di cư, người nhập cư không cảm nhận được họ là một phần của đất nước mới của mình, rằng đất nước, xã hội này dành cho họ.” (Xem đoạn phân tích của Tiến sỹ Phương Mai: http://bit.ly/1Ny8yUm)
“Chống lại quá trình cực đoan là quá trình mà toàn bộ phương Tây, toàn bộ thế giới đang phải đương đầu. Chúng ta không thể coi họ là người xấu mà phải biết cách nhìn vấn đề từ phía những con người đã trở thành cực đoan như thế nào.
Tiến sỹ Phương Mai dẫn một nghiên cứu của Đại học Stanford “cho thấy khi thực hiện thí nghiệm, 4 người có tên da trắng được nhận thì mới có 1 tên Hồi giáo” từ những đơn xin việc được gửi đi.
Chiến thắng bóng tối
Nhà báo Phạm Cao Phong cho rằng, vụ tấn công vừa rồi cho thấy những kẻ khủng bố đang ở trong thế yếu.
“Nước Pháp không phải là nước hung hăng, như giống như một người làm quân sự, là gây ra một cuộc chiến không khó, nhưng rút ra thì như thế nào, và đó là sai lầm sau vụ đánh Tháp Đôi.
“Nước Pháp trong lúc nóng đầu có thể tuyên bố rất mạnh mẽ, nhưng những nhà chính trị sẽ phải rất cẩn trọng.” (Bấm vào đường dẫn để xem lại đoạn phân tích: http://bit.ly/1H3hzYT)
Tổng thống Pháp đã phát biểu ngay sau vụ tấn công rằng đây là ‘hành động tuyên chiến’.
Nhà báo Cao Phong cho rằng, cần ‘phải chữa bệnh’ bằng cách loại trừ các phần tử cực đoan.
Trái với ý kiến đó, nhà quan sát Trung Đông từ Hà Lan nói, quan trọng nhất là liên kết các tổ chức Hồi giáo trung dung “để người Hồi cảm thấy đây cũng là cuộc chiến của họ. Hiện nay chúng ta đang cách ly họ, làm họ cảm thấy họ là kẻ bị tấn công và khi đó chắc chắn họ không thể trở thành cánh tay đắc lực trong cuộc chiến này.”
“Châu Âu có tương lai tương đối phức tạp. Vì chúng ta đang sống trong thế giới phẳng và những người dân thường ở Syria, ở Trung Đông có thể tác động được đến những người đang ăn tối ở quán ăn Campuchia hay xem cuộc giao đấu ở Paris.
“Không ai có thể mặc được chiếc áo giáp tránh đạn cả ngày, ai cũng có thể trở thành đối tượng, nhất là khi quân khủng bố không còn nhằm vào đối tượng cụ thể nữa mà nhằm vào những đối tượng rộng hơn.”
Để đương đầu với tương lai phức tạp này, theo tiến sỹ Phương Mai, cần “đương đầu bằng chính những giá trị khiến châu Âu trở nên mạnh mẽ, những giá trị dân chủ, tự do, nhân đạo”.
…………………………………………………………………………………………………